Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương
Hòa Thượng Thích Từ Thông Huỳnh Mai Tịnh Thất Sài Gòn 1992 - PL: 2536
02/08/2554 11:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. Muốn hiểu Niết Bàn trước hết cần điều chỉnh những quan niệm ngộ nhận về Niết bàn.
2. Hiểu đúng nghĩa Niết bàn mới tìm thấy và biết được Niết bàn.
3. Niết bàn không phải là một cảnh giới dành để cho một hạng người.


PHẦN PHỤ LỤC



QUẢ VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN của Như Lai chỉ là kết quả của quá trình đấu tranh với dục vọng và chiến thắng hoàn toàn bọn giặc cướp phiền não vô minh.

I.- MUỐN HIỂU NIẾT BÀN TRƯỚC HẾT CẦN ĐIỀU CHỈNH NHỮNG QUAN NIỆM NGỘ NHẬN VỀ NIẾT BÀN

Niết bàn là một mục tiêu cần đạt đến của người đệ tử Phật hiếu học, ham tu. Ngộ nhận Niết bàn cũng tức là ngộ nhận mục tiêu mà mình muốn đến. Cho nên người đệ tử Phật muốn hiểu Niết bàn, trước hết cần điều chỉnh những quan niệm ngộ nhận Niết bàn.

* Có người quan niệm Niết bàn là một cảnh giới cách xa với quả địa cầu mà con người đang sanh sống.

Đức Phật và các hàng đệ tử Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều có được Niết bàn ở trên mặt đất nầy. Điều đó nói rất rõ: Rằng Niết bàn không phải là một cảnh giới ở xa.

* Có người hiểu Niết bàn là cảnh giới siêu nhiên, cảnh giới đó không có không gian và thời gian.

Hiểu như vậy thật rất lạ kỳ! Không có không gian, không có thời gian thì sao gọi là "cảnh giới" nhỉ! Cho nên Niết bàn không phải là "cảnh giới" lạ kỳ đó.

Có người quan niệm rằng: Niết bàn là cảnh giới tuyệt đối. Không thể dùng trí của con người mà khái niệm.

Nói như vậy nghe không ổn. Không thể dùng trí của con người khái niệm, vậy "cảnh giới tuyệt đối Niết bàn đó có" để làm gì? Nó sẽ phục vụ cho ai, khi con người không thể khái niệm?

Tệ hơn hết là hạng người cho rằng Niết bàn vẫn còn dục vọng ái ân, tình tứ cho nên họ vắt óc nặn ra cái quái thai "Niết bàn rực cháy" với cốt truyện nhố nhăn, dụng ý bôi bác Niết bàn Phật.

Đó là những nhận thức sai lầm đã có, đang có và mãi mãi sẽ còn có.


II.- HIỂU ĐÚNG NGHĨA NIẾT BÀN MỚI TÌM THẤY VÀ BIẾT ĐƯỢC NIẾT BÀN

Niết bàn không phải là một cảnh giới, bất cứ với dạng cảnh giới nào.

Niết bàn sẽ không có ở đâu hết, nhưng Niết bàn cũng sẽ ở tất cả mọi nơi chốn. Niết bàn có, hay không có, tùy thuộc ở con người, chớ không do cảnh Niết bàn có, hay không có.

Bởi vì, Niết bàn là gì?

Niết bàn là dịch âm của chữ NIRVANA, chữ Phạn. Với cái âm NIRVANA cho nên có nhà Phật học dịch là Niết bàn na.

Ý nghĩa của chữ Niết bàn, luận Bà Sa định nghĩa:

NIẾT có nghĩa là ra khỏi. BÀN có nghĩa là rừng ngũ uẩn. Ra khỏi rừng ngũ uẩn là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là dệt. Không dệt thêm phiền não là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là hậu hữu. Không còn hậu hữu là có Niết bàn.

NIẾT là xa lìa. BÀN là ràng buộc. Xa lìa sự ràng buộc là Niết bàn.

NIẾT là vượt qua. BÀN là khổ nạn. Vượt qua hết khổ nạn là Niết bàn.

Theo Kinh Đại Niết Bàn định nghĩa:

NIẾT là không. BÀN là phiền não che chướng. Không phiền não che chướng là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là tham tài. Không tham tài là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là tham sắc. Không tham sắc là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là tham danh. Không tham danh là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là tham lợi. Không tham lợi là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là sân nộ. Không sân nộ là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là si ám. Không si ám là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là mạn. Không mạn là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là do dự trước lẽ phải, điều thiện. Không do dự trước lẽ phải, điều thiện là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là nhận thức sai chân lý. Không nhận thức sai chân lý là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là phẫn nộ. Không phẫn nộ là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là hờn mát. Không hờn mát là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là che dấu tội lỗi. Không che dấu tội lỗi là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là rầu rĩ. Không rầu rĩ là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là ganh ghét. Không ganh ghét là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là keo kiết. Không keo kiết là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là lừa đảo. Không lừa đảo là Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là dua nịnh. Không dua nịnh là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là hãm hại. Không hãm hại là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là kiêu căng. Không kiêu căng là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là không biết tự hổ với lương tâm. Không có cái tánh không biết tự hổ với lương tâm là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là không biết nhục trước người khác. Không có tánh không biết nhục trước người khác là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là hốp tốp, vội vã. Không hốp tốp, vội vã là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là ám độn, đờ đẫn. Không ám độn, đờ đẫn là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là không có đức tin. Không có cái không có đức tin là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là lười biếng. Không lười biếng là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là buông lung ba nghiệp. Không buông lung ba nghiệp là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là quên hết, đầu óc trống rỗng. Không có quên hết, đầu óc trống rỗng là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là nghĩ ngợi lăng xăng. Không nghĩ ngợi lăng xăng là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là hiểu biết không đúng. Không hiểu biết không đúng là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là mừng thái quá. Không mừng thái quá là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là giận. Không có giận là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là thương thái quá. Không thương thái quá là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là sợ sệt. Không sợ sệt là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là yêu thái quá. Không yêu thái quá là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là ghét. Không ghét là có Niết bàn.

NIẾT là không. BÀN là ham muốn. Không ham muốn là có Niết bàn.

Lại nữa, chữ Niết bàn còn được dịch là: VIÊN TỊCH, DIỆT ĐỘ, BẤT SANH, TỊCH DIỆT, AN LẠC, GIẢI THOÁT.

VIÊN TỊCH có nghĩa là vô lượng công đức lành đều viên mãn, vô lượng phiền não đều vắng lặng.

DIỆT ĐỘ có nghĩa là diệt hết mọi người nguyên nhân sanh tử, ưu bi, khổ não, và vượt qua các khổ não, sanh tử, ưu bi ấy.

BẤT SANH nghĩa là thể nhập được chân lý bất sanh của hiện tượng vạn pháp.

TỊCH DIỆT có nghĩa là đã diệt hết cái quan niệm sanh diệt của hiện tượng vạn pháp.

AN LẠC nghĩa là luôn luôn ở trong trạng thái tịnh lạc khinh an.

GIẢI THOÁT có nghĩa là cởi bỏ hết phiền não, xa lìa hết các buộc ràng.

NIẾT BÀN có nhiều ý như vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa của Niết bàn dù diễn đạt chi li hay súc tích khái quát, người đệ tử Phật vẫn hiểu đó là đức GIẢI THOÁT trong ba đức: PHÁP THÂN, BÁT NHÃ và GIẢI THOÁT của một đấng Thế tôn.


III.- NIẾT BÀN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CẢNH GIỚI DÀNH ĐỂ CHO MỘT HẠNG NGƯỜI

Như ta đã biết, Niết bàn chỉ là kết quả của sự đấu tranh và chiến thắng. Mà đấu tranh thì có thể tích cực hoặc chưa tích cực. Chiến thắng cũng có thể toàn diện hoặc cũng có thể còn đang trên đà chiến thắng. Do vậy mà quả Niết bàn có bốn bậc khác nhau.

1/- TỰ TÁNH BẢN LAI THANH TỊNH NIẾT BÀN

Giáo lý của đạo Phật dạy rằng: Tự tánh của con người vốn thanh tịnh. Tánh thanh tịnh đó được gọi là Niết bàn. Và Niết bàn chính là cái tự tánh bản lai thanh tịnh đó.

Phật dạy rằng: Con người có thể có phiền não, bị phiền não tác động hoành hành, khi con người mất tự chủ, quên cảnh giác đối với cái tâm tánh thanh tịnh vốn có của mình. Dù vậy phiền não có đến rồi phải đi, ví như khách, tung lên rồi phải lắng xuống, ví như trần. Phiền não đối với tự tánh bản lai thanh tịnh Niết bàn của con người, chúng chỉ là thứ "khách trần" mà thôi.

2/- HỮU DƯ Y NIẾT BÀN

Do công phu tu tập, đấu tranh với dục vọng, hóa giải từng phần lượng phiền não vô minh mà có được Niết bàn, tức là có được sự thanh tịnh tự thân tâm, sự khinh an, giải thoát mọi khổ đau, ràng buộc trong cuộc sống của đời mình. Được sự khinh an, giải thoát của Niết bàn mà cái thân hữu lậu hãy còn vẫn là chỗ sở y cho dòng sinh mệnh, gọi đó NIẾT BÀN HỮU DƯ Y.

3/- VÔ DƯ Y NIẾT BÀN

Diệt phiền não vô minh, chiến thắng liệt oanh với dục vọng, hiện đời đã được Niết bàn, các nguyên nhân hữu lậu ở đời sau cũng cắt đứt và cái thân sở y của dòng sinh mệnh cũng chết mất đi không còn hiện hữu, gọi đó là NIẾT BÀN VÔ DƯ Y.

4/- VÔ TRỤ XỨ NIẾT BÀN

Thứ Niết bàn nầy ở mọi chốn nơi, ở mọi hoàn cảnh, ở ngay trong sanh tử mà không rời Niết bàn.

Người nhị thừa, tức hàng Thanh văn, Duyên giác chỉ chiến thắng được "phiền não chướng" mà có được Niết bàn, cho nên ham trụ Niết bàn mà chán sợ sinh tử.

Phật quả, ở địa vị Phật chiến thắng hoàn toàn "phiền não chướng" và tiêu trừ tận gốc rễ "sở tri chướng". Cho nên dùng Phật nhãn mà quan sát thì: phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn. Vì Niết bàn ở trong sanh tử cho nên ở trong sanh tử làm lợi lạc chúng sanh mà không chánh sanh tử, cũng không ham trụ Niết bàn, gọi đó là NIẾT BÀN VÔ TRỤ XỨ.

Qua nhận thức trên ta thấy Niết bàn chỉ là kết quả của quá trình đấu tranh với dục vọng và chiến thắng từng phần đối với những thứ giặc phiền não vô minh. Chừng nào diệt trừ tận gốc rễ phiền não, chiếu phá hoàn toàn sạch hết bóng tối vô minh thành tựu quả Đại Giác. Thế Tôn, bấy giờ mới long trọng tuyên bố: Rằng Như Lai đã chứng đắc QUẢ NIẾT BÀN VÔ THƯỢNG.

Viết tại HUỲNH MAI TỊNH THẤT
Ngày 20 Tháng 12 Năm 1990
Thích Từ Thông