CHƯƠNG VII
- 1. Phật khai thị về hiệu năng của Mật giáo
2. Phật tuyên nói Thủ Lăng Nghiêm tâm chu
3. Sự lợi ích của Thủ Lăng Nghiêm chú với mọi giai tầng xã hội
4. Hỏi về cấp bậc và địa vị trên đường tu chứng
5.
Ðức Phật chỉ rõ hai nguyên nhân điên đảo vọng chấp về thế giới và chúng
sanh trước khi giải đáp vấn đề địa vị trên đường tu chứng
Phật dạy: A Nan! Người muốn thể nhập
tam ma đề (chánh quán) tu học pháp môn nhiệm mầu, cầu đạo Bồ tát, trước
hết cần giữ luật nghi trong như giá, sạch như sương để chặn đứng những
hành động bất thiện của thân khẩu ý tam nghiệp. Và cũng từ đó lục căn tự
tại đối với lục trần, các ma sự không có cơ hội lung lạc hoành hành.
Nếu người nặng nhiều bất thiện nghiệp, tập khí khó trừ thì nên nhất tâm
trì tụng thần chú "Vô thượng Phật đảnh quang minh ma ha tát đát đa bát
đát ra". Đó là tâm chú vô kiến đảnh tướng của Như Lai là vô vi tâm Phật,
từ nơi đảnh Phật hiện ra đức Hóa Như Lai ngồi trên hoa sen báu mà nói.
A Nan! Ông cùng nàng Ma Đăng Già do nhân duyên nhiều kiếp trước, tập
khí ái ân lâu đời còn vương vấn. Song một phen Như Lai tuyên dương thần
chú thì nàng Ma Đăng Già dứt bỏ ái tâm thành A La Hớn quả. Vốn là một
dâm nữ, căn lành kém ít, thế mà sức thần chú còn giúp cho cô ta chứng
quả vô học, còn bọn ông là hàng Thanh văn trong Lăng nghiêm hải hội, có
chí cầu tối thượng thừa thì quyết định sẽ thành Phật quả ví như bụi bặm
gặp gió cuốn, những gì vẩn đục sẽ tan biến hết nào có khó khăn gì.
A Nan! Đời sau, nếu có người muốn kiến lập đạo tràng chuyên trì Thủ
Lăng Nghiêm tâm chú, phải cần lấy cho được cái phân của con "đại lực
bạch ngưu" ở Tuyết sơn, đem về hòa trộn với các thứ hương chiên đàn,
trầm thủy mà tráng lên mặt đất để làm nền. Vì con "đại lực bạch ngưu"
nầy chỉ ăn toàn cỏ thơm, non trong sạch ở Tuyết sơn và nó chỉ uống nước
trên núi cho nên sạch mịn và không nhơ nhớp như những con trâu bình
thường khác. Nếu không tìm được phân "đại lực bạch ngưu" ở núi Tuyết có
thể tạm lấy đất ở bình nguyên, nhưng phải đào bỏ lớp đất mặt xuống sâu
năm mét, chọn lấy đất vàng thật sạch đem về hòa trộn với mười thứ bột
hương: chiên đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh
mộc, linh lăng, cam tùng và kê thiệt tô trên mặt đất làm nền.
Kiến thiết đạo tràng theo hình bát giác, rộng 6 mét lọt lòng. Tám
phía vách bên trong mỗi vách treo một tấm gương lớn, đối diện và phản
chiếu lẫn nhau. Trên nóc đàn cũng treo tám tấm gương chiếu xuống. Trung
tâm đàn xây một trụ cột bát giác cao khoảng 1m,65, đường kính chừng
1m,50, mỗi cạnh cũng treo mỗi tấm gương phản chiếu với tám tấm gương lớn
tám phía bên ngoài. Trên đầu trụ cột thiết kế một tòa sen to, làm bằng
vàng, đồng, bạc hoặc gỗ sơn thết như hoa sen thật. Giữa đài sen để một
cái bát đựng nước mù sương tháng tám và tùy ý cắm các loại hoa hiện có.
Chung quanh trang trí 8 tấm gương tròn, trước mỗi tấm gương có hai lư
hương cộng có 16 lư hương cả thảy. Các lư hương để đốt trầm thủy, chiên
đàn cúng dường Phật và Bồ tát, nhưng đốt mà không cho thấy lửa.
Trong đàn tôn trí hình tượng chư Phật và chư Bồ tát lồng bóng trong
các tấm gương trên dưới, tám hướng, bốn phương làm cho hình ảnh chư
Phật, Bồ tát ảnh hiện trùng trùng nhiều lớp.
Hành giả ở trong đàn thân tâm thanh tịnh, chí thành lễ bái danh hiệu
Phật, Bồ tát trong mười phương, ngày đêm 6 thời đi kinh hành trì Thủ
Lăng Nghiêm tâm chú 108 biến mỗi thời. Nhiếp tâm tinh tấn hành trì từ 1
thất, 2 thất, 3 thất cho đến 7 thất hoặc 100 ngày, những người căn tánh
nhanh nhẹn có thể ngay nơi đạo tràng được quả Tu đà hoàn và tự biết mình
sẽ thành Phật.
TRỰC CHỈ
"Kiến lập đạo
tràng" điều đó đủ nói lên rằng: pháp môn đó chỉ là một pháp môn
"phương tiện". Hình thức đạo tràng được kiến tạo theo như một cái đàn
"bát giác". Rồi thiết kế đài sen, rồi tôn trí tượng chư Phật, chư Bồ
tát, chưng hoa đẹp, đốt hương thơm, cúng bánh ngon, mật ngọt, nào những tấm
gương lồng bóng làm cho Phật và Bồ tát xuất hiện trùng trùng… tất cả đều là thứ
Đạo Tràng "phương tiện".
Đạo Tràng "đệ nhất nghĩa", ta hãy nghe
Bồ tát Duy Ma Cật nói:
Trực tâm là đạo tràng,
không có các điều hư dối.
Phát hạnh là đạo
tràng: làm tất cả điều thiện.
Thâm tâm là đạo tràng:
chân thành trên con đường đạo.
Bồ đề tâm là đạo
tràng: nhận thức chơn lý không sai lầm.
Bố thí là đạo tràng:
xứng tánh mà làm không mong cầu phước báo.
Trì giới là đạo tràng:
nguyện lành được đầy đủ.
Nhẫn nhục là đạo
tràng: đối với chúng sanh tâm không chướng ngại.
Tinh tấn là đạo tràng:
không biếng trễ trên con đường Bồ đề.
Thiền định là đạo
tràng: tâm nhu thuận và an ổn.
Trí tuệ là đạo tràng:
nhận thức rõ thực tướng của các pháp.
Từ là đạo tràng: đồng
sự với chúng sanh.
Bi là đạo tràng: nhẫn
chịu các sự khó nhọc vì chúng sanh.
Hỉ là đạo tràng: ưa
thích và vui mừng được sống trong chánh pháp.
Xả là đạo tràng: dứt
sạch hết tâm thương ghét.
Thần thông là đạo
tràng: thành tựu pháp lục thông.
Giải thoát là đạo
tràng: chống trái với những tập quán vô minh. Đánh đổ hủ tục lạc hậu.
Phương tiện là đạo
tràng: hay giáo hóa chúng sanh.
Tứ nhiếp là đạo tràng:
không bỏ một chúng sanh nào.
Đa văn là đạo tràng:
nghe chánh pháp, hành chánh pháp, và truyền bá chánh pháp…
Như vậy đó Thiện nam
tử! Bồ tát Duy Ma Cật nói với Đồng tử Quảng Nghiêm; nếu Bồ tát theo đúng các
pháp ba la mật giáo hóa chúng sanh thì nhất cử nhất động phải biết, đều là từ
nơi "đạo tràng" mà ra, ở nơi chỗ Phật mà đến đây.
Trong đạo Phật, các
thiền gia kim cổ thường ví cái tâm giác ngộ của con người như con trâu trắng
lớn, còn tâm mê muội chưa tí nào giác ngộ ví như con trâu đen. Người tu hành
thường xuyên canh giữ cái tâm tạp vọng loạn tưởng như canh giữ con trâu đen
chưa thuần nết. Ngày con trâu trở thành toàn trắng, đó là nói lên cái kết quả
của quá trình cải tạo chuyển hóa cái tâm đến hồi nhu nhuyến thuần thiện. Hành
giả hãy lấy cái tâm thuần thiện nhu nhuyến đó làm nền tảng mà kiến lập đạo
tràng.
Hãy luôn luôn soi xét
về thân về khẩu về ý của mình qua những tấm gương lòng trong sáng, qua lớp lớp
chiếu soi và chợt thấy rằng hình ảnh của chư Phật, chư Bồ tát và hình ảnh của
chính mình giao hiệp với nhau trùng trùng trong một bầu pháp giới nhất chân
không ranh giới. Cho nên, đừng cầu khẩn thương tình, đừng quỳ lạy van xin với
Phật với Bồ tát ở một thế giới xa xăm nào là luống công vô ích.
Trầm thủy, chiên đàn,
cam tùng, kê thiệt, linh lăng v.v… dù có thơm tho đến cỡ nào, Như Lai há chẳng
biết đó là "vật hữu vi, như mộng, huyễn, bào, ảnh…" hay sao? Chỉ có
giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến mới là thứ hương cung dưỡng
Phật và Bồ tát có chân giá trị. Bánh ngon, hoa đẹp chưng dọn lên cúng Phật cũng
chỉ là cách nói: "Phổ vị thế giới tất đàn". Nếu ai có làm theo thì
cũng biểu hiện được "một tấm lòng" tôn kính…
Con số 108 là con số
tiêu biểu, phiền não nghiệp của chúng sanh mê vốn có. Lục trần: sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp khả dĩ tạo thành ba bậc nhiễm ô. Bậc một, nó làm cho con
người đam mê đến độ không còn lý trí. Bậc hai, nó đáp ứng cho con người sự đắc
ý vui lòng. Bậc ba, những thứ làm cho con người sanh ghét, chê cần khử trừ
triệt hạ.
Vì vậy, khi sáu căn
tác động vào sáu trần có khả năng sanh ra 36 món nhiễm ô. 36 món nhiễm ô nầy
xuất hiện trong ba thời: đã, đang và sẽ. Đó là hệ quả của con số 108 được đặt
ra. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời trì tụng 108 biến, nhằm nhắc nhở với mọi người:
Lòng hãy dặn lòng rằng: trì chú cốt yếu để hóa giải những phiền não chướng có
thể xảy đến, thông qua 6 căn, 6 trần và 6 thức của chính ta đó. Vì thế, không
nhất thiết khư khư với con số 108 biến rồi thôi. Mà trì càng nhiều, càng liên
tục, càng chiếm lĩnh thì giờ rảnh rỗi của tạp tưởng mông lung, càng tỏ rõ sức tinh
tấn kiên trì thì hiệu lực "tam mật tương ưng" càng nhanh chóng.
Đó là sự thành công có
hiệu quả, là đỉnh cao của pháp môn Mật Giáo được đánh giá trên "Tam Mật Tương Ưng"vậy.
Bấy giờ Ðức Thế Tôn từ
nơi nhục kế phóng ra hào quang bách hảo, hào quang nầy hiện ra hoa sen báu ngàn
cánh. Có đức Hóa thân Như Lai ngồi trên hoa sen. Trên đỉnh đầu Như Lai phóng ra
mười đạo hào quang bách hảo. Trong mỗi mỗi hào quang đều hiện ra những vị thần
Kim Cang mật tích, số lượng bằng mười số cát sông Hằng. Ông cầm chày, vị vác
núi đầy khắp cõi hư không. Đại chúng ngước xem vừa kính yêu, vừa lo sợ, cầu
Phật thương xót chở che và đồng nhất tâm lóng nghe đức Phóng quang Như Lai nơi
vô kiến đảnh tướng của Phật tuyên nói thần chú:
Nam mô tát đát tha tô gia đa gia a la
ha đế tam miệu tam bồ đà tỏa.
Tát
đát tha Phật đà cu chi sắt ni sam.
Nam mô tát bà bột đà bột địa tát đa
bệ tệ.
Nam mô tát đa nẩm tam miệu tam bồ đà
câu chi nẩm.
Ta xa
ra bà ca tăng già nẩm.
Nam mô lô kê A La Hớn đa nẩm.
Nam mô tô lô đa ba na nẩm.
Nam mô ta yết rị đà dà di nẩm.
Nam mô lô kê tam miệu dà đa nẩm.
Tam
miệu dà ba ra đễ ba da na nẩm.
Nam mô đề bà ly sắt noãn.
Nam mô tất đà da tỳ địa da đà ra ly
sắt noãn.
Xá ba
nô yết ra ha ta ha ta ra ma tha nẩm.
Nam mô bạt ra ha ma nê.
Nam mô nhân đà ra đa.
Nam mô bà dà bà đế.
Lô đà
ra da.
Ô ma
hát đế.
Ta hê
dạ da.
Nam mô bà già bà đế.
Na ra
dã noa gia.
Bàn
giá ma ha tam mộ đà ra.
Nam mô tất yết rị đa gia.
Nam mô bà già bà đế.
Ma ha
ca ra gia.
Địa rị
bát lạt na già ra.
Tỳ đà
ba noa ca ra gia.
A địa
mục đế.
Thi má
xa na nê bà tất nê.
Ma ha
đát rị già noa.
Nam mô tất yết rị da gia.
Nam mô bà già bà đế.
Đa tha
già đa câu ra gia.
Nam mô bát đầu ma câu na gia.
Nam mô bạt xà ra câu ra gia.
Nam mô ni câu ra gia.
Nam mô già xà câu ra gia.
Nam mô bà già bà đế.
Đế rị
trà du ra tây na.
Ba ra
ha ra noa ra xà gia…
419. Đát điệt tha.
420. Án.
421. A na lệ.
422. Tỳ xá đề.
423. Bệ ra bạt xa ra đà rị.
424. Bàn đà bàn đà nể.
425. Bạt xà ra báng ni phấn.
426. Hổ hồng độ rô úng phấn.
427. Ta ba ha.
A Nan!
Đức Phật dạy tiếp, đó là những câu tâm chú bí mật, nhiệm mầu "tát đát đa
bát đát ra" (dịch là Đại bạch tán cái) của Hóa thân từ hào quang trên đảnh
của Như Lai. Tâm chú đó sản sanh tất cả chư Phật trong mười phương. Mười phương
Như Lai Nhân tâm chú nầy mà thành vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Mười phương Như Lai Nắm
tâm chú nầy mà nghiêm trị các ma quân, chế ngự bọn ngoại đạo. Mười phương Như
Lai Cởi tâm chú này mà ngồi được tòa sen báu, có mặt trong các cõi nhiều
như số vi trần. Mười phương Như Lai Ngậm tâm chú nầy mà chuyển bánh xe
pháp ở các cõi nước trong mười phương. Mười phương Như Lai Giữ tâm chú
nầy mà trong lúc tu nhân được chư Phật thọ ký. Mười phương Như Lai Nương tâm
chú nầy mà hóa giải tất cả khổ trong bát nạn, tam đồ. Mười phương Như Lai Theo
tâm chú nầy mà phụng sự thiện tri thức trong mười phương, cúng dường như ý,
được suy tôn là bậc pháp vương. Mười phương Như Lai Hành tâm chú nầy mà
thu phục được nhân tâm, khiến cho hàng Tiểu thừa nghe tạng bí mật không sanh
tâm kinh sợ. Mười phương Như Lai Tụng tâm chú nầy mà được thành bậc vô
thượng Bồ đề và vô thượng Niết bàn. Mười phương Như Lai Truyền tâm chú
nầy mà sau khi diệt độ, phó chúc Phật pháp cữu trụ và truyền trì giới luật được
thanh tịnh. A Nan! Sự lợi ích của Thủ Lăng
Nghiêm tâm chú, nếu Như Lai nói từ sáng đến tối liên tục không ngừng, và ngôn
từ không trùng điệp, nói mãi nói hoài trải qua số kiếp như cát sông Hằng cũng
không sao hết được. Vì vậy chú nầy còn được gọi là Như Lai Đảnh.
TRỰC CHỈ
Hào quang được tượng
trưng cho trí tuệ, cho nên đã là Phật thì Phật nào cũng có hào quang và kinh
điển rải rác đề cập việc Phật sử dụng hào quang. Vì không có hào quang đồng
nghĩa với không trí tuệ. Mà không có trí tuệ đồng nghĩa với chưa được Bồ đề,
thì không là Phật được.
Lúc ông A Nan sắp sa
ngã trước sức cám dỗ của Ma Đăng Già nữ là lúc vô minh phát triển thế lực hoành
hành. Nhằm soi thủng màn đen vô minh, Đức Phật hiện hào quang để nói thần chú.
Sự kiện đó có ý ngầm bảo cho đại chúng biết: "Gặp lúc như vậy cần sử dụng
đến trí tuệ". Hãy đem trí tuệ mà công phá vô minh. Hãy phóng hào quang để
xé tan màn u tối.
Thật tánh của vô minh
vốn là Phật tánh, cho nên vô minh chỉ là một Huyễn Pháp. Vì vậy, cho nên Như Lai chỉ cần
hiện ra vị Huyễn
Phật nói Huyễn Chú là đã diệt được Vô Minh Như Huyễn của ông A Nan rồi! Thần Kim Cang
mật tích đông như số cát của mười sông Hằng bảo hộ thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Đó
là vận dụng văn tự ngữ ngôn để làm chỗ nương tựa tâm hồn, để an lòng những ai
muốn phát tâm tu hành đi theo con đường Mật Giáo. Chứ sự thật, một chân lý hiển
nhiên, người trì chú tu tập Thủ Lăng Nghiêm định thì sẽ tự tại an nhiên bất
động tựa hồ như có vô số Kim Cang thần bảo hộ đầy khắp hư không. Vì các tai họa
không có lý do bộc khởi, mọi đau khổ không còn dữ kiện phát sanh.
Các bậc tiền bối như
ngài Đơn Hà, ngài Trường Thủy v.v… cho rằng Thủ Lăng Nghiêm chú chỉ có tám câu,
kể từ câu 420 về sau:
420 - Án
421 - A na lệ
422 - Tỳ xá đề
423 - Bệ ra bạt xà ra đà rị
424 - Bàn đà bàn đà nể
425 - Bạt xà ra báng ni phấn
426 - Hổ hồng độ rô hung phấn
427 - Ta bà ha
Còn lại 419 câu về
trước, được xem là mật ngữ của chư Phật, mỗi chữ mỗi câu hàm nhiều ý nghĩa, cho
nên xưa nay vấn đề nguyên âm, các dịch giả không một người nào dịch. Có lẽ đó
cũng là cách áp dụng nguyên tắc "ngũ chủng bất phiên", của ngài Huyền
Trang đề xuất:
1/- Trang trọng bất
phiên
2/- Đa hàm bất phiên
3/- Bí mật bất phiên
4/- Thuận cổ bất phiên
5/- Thử phương vô bất phiên
Trì Thủ Lăng Nghiêm
chú, điều quan trọng là còn phải sống trong môi trường Thủ Lăng Nghiêm định thì
hiệu quả giải thoát giác ngộ mới phát huy cao. Nếu xa rời Thủ Lăng Nghiêm định,
chỉ chuyên trì tụng bằng âm thanh, văn tự, thêm vào đó vọng tâm tham muốn
"Linh thiên hiệu nghiệm…" thì có thể phản tác dụng gây điều nguy hại
không lường trước được. Hành giả nên lưu ý quan tâm!
Sự thành tựu hiệu quả
lớn lao của Thủ Lăng Nghiêm chú, các đức Như Lai không phải chỉ có Tụng. Nói cách khác là đối với Thủ
Lăng Nghiêm ngoài cách Tụng,
các đức Như Lai còn:
Nhân. Nắm. Cởi. Ngậm.
Giữ. Nương. Theo. Hành. Truyền trong mọi cơ hội mọi môi trường qua cuộc sống của mình.
Do vậy, mà Phật nói:
"Các đức Như Lai
được vô thượng Bồ đề và Đại Niết bàn, du hí thần thông tự tại ở khắp mười
phương"
Phật dạy: A Nan! Nay tôi vì ông mà tuyên nói thần chú Thủ Lăng Nghiêm
và cũng nhằm giúp cho thế nhân ở đời sau có thể tu học để được nhiều lợi ích. A
Nan! Chú Thủ Lăng Nghiêm nếu ai chuyên tâm trì
tụng đúng như pháp mà tu hành thì kết quả thành tựu Thủ Lăng Nghiêm tam muội,
bấy giờ vào lửa, lửa không đốt cháy, vào nước, nước không nhận chìm được, các
thứ độc hại không hại được. Quỉ thần, tịnh mị, ác ma không khuấy phá được.
Những người thiện nam, thiện nữ hoặc biên chép hoặc đọc tụng, hoặc truyền bá
Thủ Lăng Nghiêm chú sẽ được phước đức vô biên, hiện kiếp không sa đọa vào cảnh
nghèo nàn hạ tiện. Những người đó dù không có cơ hội làm phước, nhưng mười
phương Như Lai có bao nhiêu phước đều cho họ hết và người đó được cùng chư Phật
ở chung. Nếu là người nữ muốn cầu có con trai sẽ sanh con trai phước đức trí
tuệ, muốn cầu con gái thì được con gái tướng hảo đoan chánh mọi người kính quí,
cho đến người cầu trường thọ, cầu phước báo, cầu sắc lực mạnh khỏe, cầu được bình
an… đều được toại nguyện.
Ở một quốc độ chẳng may
có nhiều khổ nạn: Dịch tể, mất mùa, giặc giã, đao binh, hạn hán, thủy tai mà
vua quan cùng dân chúng trong nước một lòng tin kính, biên chép, trì tụng, lễ
bái, tôn trọng, đeo mang, truyền bá tu hành, thì thiên long bát bộ, các thiện
thần hoan hỉ, khiến mọi khổ nạn vượt qua, mưa thuận gió hòa, chốn chốn thái
bình, người người no ấm.
TRỰC CHỈ
Nhằm khuyến khích cho
mọi căn cơ cho nhiều hạng người trong xã hội phát tâm tu học theo kinh Thủ Lăng
Nghiêm mà Đức Phật vận dụng lối thuyết pháp: "Thế giới tất đàn", cho
nên đọc đoạn kinh văn trên, nghe qua ai cũng thấy pháp môn tu tập nầy có đáp
ứng nguyện vọng của mình đang mong muốn. Và sự thật, nếu ai đó nghe qua, rồi vì
cái lợi trước mắt dựa trên ngữ ngôn văn tự ấy mà tu thì vẫn có được lợi, nhưng
cái lợi đó hẳn không phải là cái lợi cứu cánh lâu dài.
Nếu chỉ sao chép, tôn
thờ, ấn tống truyền bá, đọc tụng và đeo mang, mà cầu gì được nấy, diệt họa trừ
tai cho cá nhân, cho xã hội một cách quá dễ dàng thì thử hỏi tám vạn bốn ngàn
pháp môn khác, Đức Phật bỏ cả cuộc đời khổ công dạy bảo để làm gì? Nền giáo lý Nhân quả trong nếp sống tu hành của người
đệ tử Phật, không còn giá trị nữa hay sao?
Người học Phật
"Lãm ngũ thời bát giáo để làm kỷ cương kinh luật luận… chiếu thất đại tứ
khoa biết thế nào là khai hợp văn tư tu" sẽ được có cái lợi lớn trong sự
nhận thức kinh điển như giáo lý của đoạn kinh nầy.
Bạch Thế Tôn, ông A Nan
thưa, từ lâu chúng tôi ngu độn, chỉ ham học rộng nghe nhiều mà chưa có ý chí
mong cầu giải thoát phiền não trần lao vượt ra hữu lậu. Nhờ lòng từ bi rộng lớn
của Phật khai thông giác đạo chỉ nẻo Niết bàn khiến cho chúng tôi được lợi ích
lớn lao.
Nay chúng tôi cầu xin
Phật chỉ dạy cho chúng tôi về cấp bậc và địa vị trên đường tu chứng:
Càn Tuệ địa là hạng người
thế nào?
Trong 44 tâm, đạo hạnh
phải như thế nào thì được gọi là những Bồ tát đăng địa?
Đẳng giác Bồ tát là người
thế nào?
Đức Phật dạy: A Nan! Ông nên biết: Diệu Tánh Viên Minh rời các danh
tướng, xưa nay không có thế giới và chúng sanh. Nhân vọng mà thấy có sanh; nhân
sanh mà thấy có diệt; sanh diệt gọi là vọng; diệt vọng gọi là chân. Đó là hai
cách chuyển y thành tựu vô thượng Bồ đề và Đại Niết bàn của chư Phật.
A Nan!
Nay ông muốn tu tam ma đề để thẳng đến Niết bàn Phật, trước hết ông phải nhận
biết cho rõ hai nguyên nhân điên đảo về thế giới và chúng sanh. Chừng nào hết
điên đảo thì ngay nơi đó là tam ma đề vậy.
Thế nào là điên đảo về
chúng sanh?
Nầy A Nan! Tâm chúng sanh
bản tánh vốn Minh. Tánh minh ấy viên mãn khắp cùng. Nhân tánh minh ấy mà
vọng, nhận cho là có tánh. Do đó mà vọng kiến sanh ra. Đã có vọng kiến thì
những pháp vốn không, trở thành pháp có. Những pháp được cho là có, truy tìm
nguyên nhân của nó vốn phi nhân. Vì thế, tìm xét nguyên nhân thì hoàn toàn
không có gốc nguồn. Tánh vọng kiến năng trụ, tướng cảnh giới sở trụ cả hai đều
là pháp vô trụ. Dựa trên pháp vốn vô trụ ấy mà kiến lập thế giới và chúng sanh.
Vì mê không nhận được
tánh viên minh vốn sẵn có nên sanh ra hư vọng. Tánh hư vọng không có tự thể,
không chỗ gá nương. Do vậy, cho nên móng ý trở về chân làm cho chân hóa ra
vọng. Không vọng tức là chân, đừng móng ý "trở về" hay nguyện ước
mong tìm cái chân ở nơi đâu khác.
Vì không nhận thức chân
lý cho nên thế giới và chúng sanh vốn không phải sanh cho là thật có sanh,
không phải thật trụ cho là trụ, không phải tâm cho là tâm, không phải pháp cho
là pháp. Do vậy, vọng kiến ngày một sâu rộng thêm theo quá trình huân sanh huân
trưởng, sanh diệt diệt sanh biểu hiện qua hành động thân khẩu ý của cuộc sống
con người, gọi đó là nghiệp báo. Hễ đồng nghiệp thì cảm hợp nhau. Dị nghiệp thì
chống trái nhau, thương thì sanh nhau, ghét thì diệt nhau. Do nhận thức sai lầm
như thế, nên gọi đó là: Điên Đảo về Chúng Sanh.
Thế nào là điên đảo về
thế giới?
Nầy A Nan! Đã cho là có
pháp sở hữu, có vật chất thì khái niệm kích thước, diện tích, cự ly, qui mô…
giả dối sanh ra. Vì vậy khái niệm "không gian" được thành lập. Do phi
nhân làm nhân cho nên không thật có sở trụ và năng trụ. Vì không có năng trụ,
sở trụ nên mọi hiện tượng luôn luôn trong quá trình vận động trong tiến trình
chuyển biến, không có sự vật nào đứng yên nguyên trạng của mình. Vì thế mà khái
niệm "Thời gian" được thành lập. Bốn phương ba đời hòa hợp tác động
lẫn nhau mà biến hóa mà hình thành 12 loại chúng sanh trong thế giới. Vì vậy
cho nên trong thế giới nhân động có thanh, nhân thanh có sắc, nhân sắc có
hương, nhân hương có xúc, nhân xúc có vị, nhân vị có pháp, sanh khởi hỗ tương.
Do sáu thứ trần tướng ấy làm điều kiện mà sanh khởi sáu thứ vọng tưởng rối ren
kết thành nghiệp chủng của các loài: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh,
hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu sắc phi vô sắc, phi hữu tưởng phi
vô tưởng, 12 loại chúng sanh như vậy.
A Nan!
Do vì trong thế giới có tánh "hư vọng" phổ biến và thiên nặng về
"động", hòa hợp với "khí" thành 84.000 loạn tưởng,
thứ bay thứ lặn, cho nên có thứ tế bào chủng thuộc loại mầm trứng, sanh ra các
loại: cá, chim, rùa, rắn… (noãn sanh).
Do vì trong thế giới có
tánh "tập nhiễm" phổ biến và thiên nặng về "Dục", hòa
hợp với chất "nhuận" thành 84.000 loạn tưởng thuộc giống đứng thẳng,
giống xương sống nằm ngang, cho nên có thứ tế bào chủng bọc nước phôi thai để
rồi sanh ra các loại: Người, súc… (thai sanh).
Do vì trong thế giới có
tánh "Chấp mắc" phổ biến và thiên nặng về "cõi" (ngũ
thú) hòa hợp với "khí ấm" thành 84.000 loạn tưởng ngữa nghiêng nên có
thứ tế bào chủng, chất thịt ướt, sanh ra các loài: nhung nhúc cựa quậy… (thấp
sanh).
Do vì trong thế giới có
tánh "biến dịch" phổ biến và thiên nặng về "giả" hòa
hợp với "xúc" thành 84.000 loạn tưởng thay cũ đổi mới, cho nên có thứ
tế bào chủng chất thịt cứng, sanh ra các loài bò, bay, lột vỏ, thoát xác… (hóa
sanh).
Do vì trong thế giới có
tánh "lưu ngại" phổ biến và thiên nặng về "chướng" hòa
hợp với "dính mắc" thành 84.000 loạn tưởng vừa "tinh vừa
diệu" cho nên có thứ tế bào chủng sắc tướng sanh ra các loại thần: Hưu
trung, cửu trung… (hưu trung là thiện thần, cửu trung thuộc ác thần) (hữu sắc).
Do vì trong thế giới có
tánh "tiêu tán" phổ biến và thiên nặng về "hoặc" (lầm
lẫn) hòa hớp với "Ám" (ngu độn) thành 84.000 loạn tưởng thầm ẩn, cho
nên có thứ tế bào chủng vô sắc, sanh ra loại thần kỳ quỉ mỵ không tán tiêu
trầm… (vô sắc).
Do vì trong thế giới có
tánh "võng tượng" phổ biến và thiên nặng về "ảnh tượng"
hòa hợp với "ký ức" thành 84.000 loạn tưởng tiềm tàng cho nên có thứ
tế bào chủng hữu tưởng, sanh ra các loại thần, quỉ, linh ứng (hữu tưởng).
Do vì trong thế giới có
tánh "ngu độn" phổ biến và thiên nặng về "si"hòa hợp
với "ngoan cố" thành 84.000 loạn tưởng khô khan cho nên có thứ tế bào
chủng vô tưởng hóa thành các loại: đất, đá, cây, kim loại… (vô tưởng).
Do vì trong thế giới có
tánh "bãi bui" phổ biến, thiên nặng về "dối trá"hòa hợp
với "nhiễm" thành 84.000 loạn tưởng nhân y cho nên có thứ tế bào chủng
không phải sắc mà sắc sanh ra loài thủy mẫu dùng tôm làm mắt… (phi hữu sắc).
Do vì trong thế giới có
tánh "hấp dẫn" phổ biến thiên nặng về "tánh" (dị
tánh tương hấp, đồng tánh tương cự) hòa hợp với "chú" (chú thuật) thành
84.000 loạn tưởng hú gọi cho nên có thứ tế bào chủng phi vô sắc mà vô sắc sanh
ra loại trù ếm bùa chú… (phi vô sắc).
Do vì trong thế giới có
tánh "hợp vọng" phổ biến thiên nặng về "lừa đảo" hòa
hợp với "dị" (loài khác) thành 84.000 loạn tưởng tráo trở cho nên có
thứ tế bào chủng phi hữu tưởng mà có tưởng sanh ra loài bồ lô… (loài sanh rồi
do một trợ duyên khác để bảo tồn và trưởng thành. Chẳng hạn như loài vịt xiêm
đẻ ra không ấp, nhờ giống khác ấp trứng để nở con và nuôi dưỡng, giống rùa đẻ
trứng lấp đất bỏ đi… Các bản dịch xưa nói "bồ lô" là con tò vò, khi
con còn nhỏ chưa bay đi kiếm ăn được, chớ không phải những con sâu đó hóa ra tò
vò như người xưa lầm hiểu).
Do vì trong thế giới có
tánh "oán hại" phổ biến và thiên nặng về "sát"hòa hợp
với "quái" (quái dị) thành 84.000 loạn tưởng ăn thịt cha mẹ cho nên có
thứ tế bào chủng phi vô tưởng mà vô tưởng sanh ra loại chim thổ kiêu ấp đất
cục, chim phá kính ấp trái độc làm con… con lớn lên ăn thịt cha mẹ…
A Nan!
Đó gọi là 12 loại chúng sanh xoay chuyển trôi lăn trong ba cõi. Sự luân hồi lên
xuống như vậy chẳng khác nào dụi con mắt thấy hoa đốm nhiều thứ phát sanh ra.
Chân tâm của con người vốn mầu nhiệm trong sáng tròn đầy, một khi vô minh điên
đảo thì đầy dẫy những vọng tưởng rối ren, giả dối sanh ra, cũng như vậy.
Nay ông muốn tu chứng tam
ma đề chư Phật, Như Lai sẽ chỉ dạy cho ông về "ba món tiệm thứ", ông
hãy y đó mà tu hành để diệt trừ cho hết mọi nguyên nhân điên đảo. Ví như cái
bình pha lê muốn đựng cam lồ thì cần phải rửa sạch hết chất bẩn, chất độc vậy.
TRỰC CHỈ
Vấn đề "thế
giới" và "chúng sanh" nhìn bên mặt chân thì tất cả là một thể
nhiệm mầu, trong sáng, bình đẳng như như. Nói xa rời tất cả danh tướng, xưa nay
không có tên gọi.
Đề cập đến "thế
giới" và "chúng sanh" là do con người đã đem cái nhìn chủ quan
của mình đề nhìn hiện tượng vạn pháp ở mặt "sanh diệt" của chúng.
Do vì vọng kiến cho
nên thấy hiện tượng có thật sanh. Đã thấy có thật sanh thì cũng chấp nhận rằng
có thật diệt. Thực chất của hiện tượng vạn pháp, sanh không có thật sanh và
diệt cũng không thật diệt. Cho nên sanh diệt gọi là vọng. Nhưng vọng không thật
vọng, vì vọng không có thật tánh. Cho nên mọi chúng sanh đều có khả năng diệt
vọng. Diệt hết vọng thì gọi đó là chơn. Vì vậy: chơn không ngoài vọng. Biết
vọng không theo vọng ngay nơi đó đã chơn rồi. Người học đạo không cầu chơn ở
cảnh giới xa xăm nào khác.
Hai pháp chuyển y:
chuyển phiền não thành Bồ đề, chuyển sanh tử thành Niết bàn, Ðức Thế Tôn ta
thực hiện thành công ngay trên cõi đời nầy mà không tốn một tí hơi khẩn nguyện,
không phí sức dù một lạy để quì lạy van xin.
Đến như "tam ma
đề" cũng chẳng phải là những gì siêu thực, viễn vông. Chừng nào "điên
đảo" không sanh thì ngay nơi đó là "tam ma đề" rồi vậy!
"Thế" là
thời gian. "Giới" là không gian. Thấy thế giới là do vọng kiến phân
biệt của con người nương gá vào các pháp hiện tượng "duyên sanh như
huyễn" ấy. Đã đánh giá hiện tượng vạn pháp là thật thì cũng chấp nhận kích
thước, ngắn dài, diện tích rộng hẹp, qui mô cao thấp… của vạn pháp là thật. Do
vậy, mà khái niệm "không gian" được lập ra. Đã nhận thức rằng hiện
tượng vạn pháp là thật thì cũng nhận thức rằng chúng luôn luôn vận động theo
quá trình: sanh, trụ, dị, diệt, sanh, lão, bịnh, tử, thành, trụ, hoại, không.
Do vậy, khái niệm "thời gian" được con người xác lập.
Thời gian có 3. Không
gian có 4. Ba tác động vào bốn: 3 x 4 = 12. Bốn tác động vào ba: 4 x 3 = 12. Do
vậy, Như Lai nói: Nhận thức "thế giới" bên mặt "sanh diệt"
của hiện tượng vạn pháp chỉ là cái nhận thức Điên Đảo về thế giới mà thôi!
Mười hai loại chúng
sanh trong thế giới cũng chỉ là những hiện tượng "Duyên sanh như
huyễn". Duyên thì trùng trùng vô tận. Thế giới thì vô thỉ vô chung.
Hoa đốm trùng điệp
trong hư không, đối với người bệnh nhặm mắt họ vẫn thấy là có thật. Hoa đốm sẽ
không là gì hết, chừng nào con mắt ai đó trong sáng không còn bệnh nhặm lòa.