CHƯƠNG IV: MỘT NGÀN NĂM CUỐI
(TỪ NĂM 1000 ĐẾN NĂM 1978)
1. ẤN ĐỘ: SỰ SUY SỤP VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN
Ngay tại Ấn Độ, Phật giáo đã mất đi vào khoảng năm 1200, mặc dù ở một
số vùng như Ma-kiệt-đà, Bengal, Orissa và Nam Ấn, Phật giáo vẫn còn lây
lất trong khoảng 200 hay 300 năm nữa.
Nguyên nhân chính gây ra sự biến mất đột ngột của Phật giáo tất nhiên là
do những cuộc xâm lăng của người Hồi giáo. Với sự căm ghét phi lý và
cuồng nhiệt của họ đối với những gì mà họ cho là “cuồng tín”, những kẻ
chinh phục tàn nhẫn này đã đốt sạch các tự viện đang phát triển mạnh mẽ,
các đại học Sind và Bengal, giết sạch những tăng sĩ vốn không hề chống
trả. Một phần vì các vị muốn giữ trọn tâm nguyện của mình,1 và một phần
vì họ tin rằng những tính toán theo chiêm tinh học đã cho biết trước
người Hồi giáo dù sao cũng sẽ chinh phục Ấn Độ.
Tuy nhiên, với một sự xem xét kỹ hơn thì sự tàn bạo của những người Hồi
giáo không thể giải thích được toàn bộ vấn đề, vì hai lý do:
1. Trước hết, đạo Hindu và đạo Jaina cũng là đối tượng của sự tàn bạo này, nhưng vẫn tiếp tục phát triển sau đó.
2. Thứ hai, ở những vùng không hề bị người Hồi giáo tác động đến, chẳng
hạn như Nepal và Nam Ấn, Phật giáo vẫn diệt vong, cho dù là chậm hơn
nhiều.
Như vậy, ngoài nguyên nhân tác động từ bên ngoài, sự suy thoái của Phật
giáo cần phải được xem xét ở những nguyên nhân nội tại nữa.
Xét về mặt tổ chức xã hội, một tôn giáo thoát tục chỉ có thể tồn tại
được khi bằng cách nào đó có được sức ủng hộ từ một thành phần nắm quyền
lực hoặc giàu có trong xã hội. Nếu trong số rất nhiều tôn giáo thời cổ
của Ấn Độ chỉ còn riêng có đạo Jain vẫn duy trì được sức mạnh, đó là vì
trong số những tín đồ của đạo này có những thương gia giàu có, xem việc
ủng hộ cho những tu sĩ khổ hạnh là một vinh dự.
Nhìn chung, Phật giáo dựa vào sự ủng hộ của các vị vua chúa, và ở nơi
nào thiếu sự ủng hộ này, ở đó Phật giáo thường gặp khó khăn.
Như chúng ta đã thấy, Phật giáo chưa bao giờ làm được gì nhiều cho tầng
lớp cư sĩ bình dân (xem trang 86). Và do đó, tăng sĩ thường không thể
sống nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của họ. Giới cư sĩ Phật giáo chưa bao
giờ họp thành một đoàn thể trong xã hội, hoặc thành một nhóm thống nhất
sống tách biệt với những tín đồ của đạo Bà-la-môn. Họ tuân theo hệ thống
giai cấp của đạo Bà-la-môn, và theo những nghi lễ của đạo Bà-la-môn
trong những dịp sinh con, cưới hỏi và tang chế. Vì vậy, bất cứ một sự
suy yếu nào của các tự viện Phật giáo thường ngay lập tức dẫn đến việc
các cư sĩ bị thu hút vào những tổ chức xã hội chặt chẽ hơn của đạo
Bà-la-môn.
Đạo Jain tồn tại được nhờ có một cộng đồng sinh hoạt giữa các tu sĩ và
tín đồ, còn Phật giáo lại thiếu điều đó. Tính quốc tế của Phật giáo đã
giúp tôn giáo này chinh phục châu Á, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự
diệt vong ở Ấn Độ. Phật giáo luôn không phân biệt việc tăng sĩ sinh sống
ở bất cứ quốc gia nào, và vì vậy những tăng sĩ sống sót đã sẵn sàng rời
bỏ đất nước khi họ không thể thực hành đời sống tự viện theo giới luật,
và họ đã đến Nepal, Tây tạng, Trung Hoa .v.v... Trong khi đó, những kẻ
đồng cảnh ngộ với họ là đạo Hindu và Jain, bảo thủ và thực tiễn hơn, đã
bám trụ lại và cuối cùng vẫn tồn tại được ở nơi đã sinh ra.
Xét về mặt sức mạnh tâm linh, Phật giáo đã tự đào thải mình. Sau năm
1000, tăng sĩ đã lười nhác hoặc thoái hóa đến mức không sao có thể tồi
tệ hơn được nữa, so với bất cứ thời điểm nào. Nhưng dù sao đi nữa, lịch
sử Phật giáo chứng tỏ nhiều trường hợp sự thoái hóa được sửa chữa bằng
những cải cách. Trong thực tế, khi nhìn vào khả năng của những tăng sĩ
mà các tự viện Ấn Độ vẫn còn có thể chọn để gửi sang Tây Tạng, thật khó
có thể tin vào sự suy đồi hay tồi tệ của những tự viện này. Nhưng yếu tố
không còn nữa ở đây là động lực sáng tạo. Những người Phật giáo không
còn gì mới để nói thêm.
Bằng vào việc so sánh với những gì đã xảy ra vào thế kỷ 1 và 6, một sự
bộc phát mới của hoạt động sáng tạo được tin là sẽ xảy ra vào thế kỷ 11,
và điều này là cần thiết cho sự hồi sinh của Phật giáo. Nhưng dự báo
này đã không xảy ra.
Và điều tất nhiên đã xảy ra là, trong suốt 1700 năm cùng tồn tại, đạo
Hindu đã nhận lấy rất nhiều từ Phật giáo. Tương tự, Phật giáo cũng có sự
tiếp nhận như vậy từ đạo Hindu. Kết quả là sự chia cách giữa hai tôn
giáo này ngày càng giảm đi, và không có gì quan trọng lắm khi một Phật
tử bị lôi cuốn vào hàng ngũ của đạo Hindu, vốn đã bị Phật giáo hóa phần
lớn.
Đức Phật và một số vị thánh của Phật giáo đã hòa nhập vào với những thần
thánh của đạo Hindu. Triết học của ngài Long Thọ được Gaudapada, thầy
của Sankara, đưa vào bộ Vedanta,1 cũng giống như cuốn Vaishnavas của
thời sau này phần lớn là vay mượn từ Phật giáo. Những kinh Tan-tra của
Phật giáo tác động đến kinh chú tương đương của đạo Hindu, vốn cũng có
rất nhiều liên hệ đến các vị thần thánh của Đại thừa. Giữa hai tôn giáo
luôn có sự tiếp thu của nhau về hình tượng và huyền thoại.
Quy luật của lịch sử là, sự tồn tại song song của hai quan điểm đối
nghịch chắc chắn sẽ dẫn đến một hình thức chọn lựa chung nào đó. Điều
này hoàn toàn phát sinh từ kết quả của những áp lực liên tục kéo dài
trong lãnh vực tinh thần. Những hệ thống triết học trong thế giới Hy-La
cũng đã trải qua quá trình như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với những
đảng phái chính trị ở Anh Quốc vào những năm 50,2 khó khăn chính của họ
là làm sao tìm ra được điều gì đó để bất đồng với nhau. Điều này cũng
xảy ra với đạo Hindu và đạo Phật. Sự tồn tại riêng biệt của Phật giáo Ấn
Độ giờ đây không còn ích lợi gì nữa. Vì thế, sự diệt vong không là điều
mất mát cho bất cứ ai cả.
Chúng ta cũng không quên một niềm tin của tín đồ Phật giáo, rằng đây là
thời kỳ mạt pháp. Ơ Orissa, tín đồ Phật giáo nói rằng vào thời đại tuyệt
vọng của ác ma Kali,1 Phật tử phải tự giấu mình đi và thờ cúng thần
Hari, kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc đức Phật xuất thế một lần nữa.
Những nhà phê bình thiếu thiện cảm nói chung thường phân tích chi ly sự
sụp đổ của Phật giáo Ấn Độ theo giả định là chắc chắn phải có sai lầm
nào đó trong việc này. Chính một trong những sử gia loại này đã tự thú
nhận rằng “Chẳng có gì khó khăn khi phê phán một chuyện đã rồi” và định
kiến của Darwin về “sự tồn tại của những gì thích hợp nhất”2 có thể là
sai lầm khi áp dụng với tôn giáo.
Mọi vật đều có một thời gian tồn tại, một thời gian sống nhất định – cây
cối, động vật, các quốc gia, những thể chế xã hội và các tôn giáo...
đều không có ngoại lệ. Nguyên nhân diệt vong của Phật giáo Ấn Độ chỉ là
vì đã quá già cỗi, hay đã hoàn toàn kiệt quệ. Phật giáo cũng chưa bao
giờ tin rằng chính bản thân Phật giáo lại thoát ra khỏi định luật vô
thường của vạn vật mà tôn giáo này thuyết giảng.
Thật ra, bằng vào trí huệ của mình, những cao tăng của Phật giáo đã thấy
trước ngày diệt vong. Từ nhiều thế kỷ trước, sự sụp đổ của Tăng-già đã
được tiên đoán là rơi vào khoảng 1500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn. Và
ngài Huyền Trang không những đã thuật lại rất nhiều huyền thoại ở khắp
nơi trên xứ Ấn Độ vào thế kỷ 7, cho thấy sự chờ đợi trước một thời điểm
chấm dứt sắp đến của Phật giáo, mà chính ngài cũng đã có một giấc mộng,
ngay giữa cảnh nguy nga đồ sộ của đại học Nland, rằng một ngày kia lửa
sẽ thiêu sạch trung tâm học thuật nổi tiếng này, và các giảng đường nơi
đây rồi sẽ bị bỏ phế. Bởi vậy, khi sự diệt vong xảy đến, không có gì là
bất ngờ cả, và tất cả những gì còn lại chỉ là chọn một cách ra đi sao
cho tốt đẹp.3
2. NEPAL VÀ KASMIR
Những cuộc thảm sát của người Hồi giáo đã buộc nhiều tăng sĩ và học
giả của vùng Bắc Ấn phải chạy qua Nepal, mang theo kinh sách và thánh
tượng. Và như vậy, Nepal trở thành nơi bảo tồn của Phật giáo Pla. Tuy
nhiên, ngay cả việc chư tăng từ Ấn Độ đến cũng không tạo ra được một sức
sống mới cho Phật giáo Nepal. Và sau năm 1000, toàn cảnh Phật giáo nơi
đây ngày càng suy thoái. Sự ủng hộ của hoàng gia đã giữ cho Tăng-già tồn
tại được một thời gian, và trong vài thế kỷ, đất nước này vẫn tiếp tục
là một trung tâm văn hóa Phật giáo.
Các học giả có thể xác định được mức độ suy thoái bằng vào chất lượng
các bản chép tay kinh điển tiếng Sanskrit.1 Vào khoảng năm 1200, các bản
văn này rất hoàn hảo. Đến thế kỷ 17, chúng được đánh giá là tạm được,
và qua thế kỷ 19 thì trở nên quá cẩu thả và luộm thuộm đến nỗi gần như
không còn đáng tin cậy. Tương tự như vậy, chất lượng nghệ thuật cũng
xuống dốc một cách đều đặn.
Với sự sụp đổ của Phật giáo Ấn Độ, tín đồ Phật giáo Nepal giờ đây phải
dựa vào sức mạnh của chính mình. Sau khi thu hẹp về một vùng thung lũng
nhỏ, họ dần dần nhượng bộ trước những người theo đạo Hindu trong chừng
trên dưới một trăm năm. Cho đến thế kỷ 14, các tăng sĩ đi đến quyết định
rằng những giới luật trong đời sống tu viện là quá khó khăn không thể
tuân theo, nên họ tự chuyển sang thành một nhóm của đạo Hindu, tự gọi là
banras (những người đáng kính). Họ từ bỏ nếp sống giữ tịnh hạnh,2 vào
sống trong những tinh xá3 cùng với gia đình, và từ đó tiếp tục kiếm sống
bằng cách hành nghề như những thợ kim loại. Thiếu đi thành phần ưu tú,
Phật giáo Nepal chỉ còn có thể giữ lại một vài hình thức bên ngoài mà
thôi. Một số các thần thánh được thờ cúng theo kiểu của các vị thần
Hindu, và trong nhiều thế kỷ, chỉ còn riêng có giới cư sĩ Phật giáo hiện
diện ở Nepal. Những vị thần phổ biến nhất là Matsyendranath, “Ngư vương
thần”, một vị tu thiền hóa thành thần, được xem như là đức Quán Thế Âm,
và thần Đà-la,1 “Nữ thần cứu khổ”. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ vị thần
nữ này đã nhường chỗ cho thần nữ Kali của đạo Shiva.
Trong sự thờ cúng của dân gian, những đường phân chia với đạo Hindu ngày
càng trở nên mờ nhạt. Trong một số trường hợp, cùng một hình tượng được
thờ cúng ở cả hai tôn giáo. Chẳng hạn như, đạo Hindu xem vị hộ pháp Đại
Hắc2 như là thần Shiva hay Vishnu, còn tín đồ Phật giáo gọi vị này là
Kim cang thủ; hoặc những tín đồ Hindu đi hành hương ở Tundiktel lễ cúng
vị thần bảo vệ của Nepal, và cũng vị thần đó, tín đồ Phật giáo gọi là
Liên hoa thủ.3
Nhưng không phải đời sống tinh thần và học thuật đã hoàn toàn mất hẳn.
Ông Hodgson, một toàn quyền Anh,4 cho chúng ta biết rằng vào đầu thế kỷ
19 có 4 trường phái triết học. Đó là Svabhavikas, Aisvarikas, Karmikas
và Yatnikas. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều viên toàn quyền người Anh
khác, ông không thích triết học, từ chối không muốn bị lôi kéo vào những
chuyện phi lý dai dẳng của hệ thống Phật giáo, và những điều ghi lại
của ông về sự khác biệt giữa các trường phái này không có ý nghĩa mấy.
Thật kỳ lạ là kể từ đó về sau cũng không có ai cố gắng xác định những
điểm tranh cãi đó.
Năm 1768, sự chinh phục của dân Gurkha đã đẩy những tín đồ Phật giáo
Newar vào hoàn cảnh của kẻ bị trị. Và đó là đòn kết liễu cuối cùng, đẩy
nhanh hơn nữa sự diệt vong vốn dĩ đã là một kết quả không thể nào tránh
được, dẫn đến từ sự biến mất của Tăng-già, những vị tăng sĩ theo nếp
sống không gia đình.
Trong những năm gần đây, nhiều đoàn truyền giáo từ Tích Lan và Tây Tạng
đã cố gắng thành lập một giáo hội Tăng-già mới ở Nepal, và bất cứ sự hồi
sinh nào của Phật giáo nơi đây đều tùy thuộc vào sự thành công từ những
nỗ lực của họ.
Ở Kashmir, những thế kỷ cuối cùng dưới sự cai trị của người Ấn nói chung
là tồi tệ. Từ năm 855 đến năm 1338 là thời kỳ liên tục suy thoái và
phân tán về chính trị. Phật giáo và đạo Shiva hòa lẫn vào nhau, và tín
đồ của hai đạo thường chung sống với nhau trong các tu viện.
Sau năm 1000, có nhiều học giả Kashmir và các thợ thủ công bỏ sang Tây
Tạng, Ladakh, Guge và Spiti. Từ năm 1204 đến 1213, Skyasribhadra, một
học giả Kashmir vĩ đại, đã nổi tiếng ở Tây Tạng.
Năm 1339 đánh dấu thời điểm bắt đầu sự cai trị của Hồi giáo. Ban đầu,
tín đồ Phật giáo nhận được sự khoan nhượng. Nhưng đến khoảng năm 1400,
sự ngược đãi bắt đầu một cách thảm khốc. Các tranh tượng, đền đài và tự
viện đều bị hủy diệt một cách có hệ thống. Các nghi thức hành lễ và đám
rước đều bị cấm. Khoảng năm 1500, Phật giáo không còn là một tín ngưỡng
riêng biệt, chỉ để lại những dấu ấn sâu đậm đối với đạo Hindu trong vùng
và những dấu vết mờ nhạt hơn ngay cả trong Hồi giáo. Ngoài ra, tất cả
đều hoàn toàn bị hủy diệt.
3. TÍCH LAN
Năm 1160, một hội đồng kết tập kinh tạng ở Anuradhapura đã chấm dứt
những bất đồng giữa những người ở Mah-vihra và những người chống đối họ,
bằng cách bác bỏ ý kiến của những người này. Không bao lâu sau năm
1200, một quá trình sụp đổ diễn ra, không hẳn là của Phật giáo, mà là
của hệ thống xã hội ủng hộ Phật giáo.
Những cuộc xâm lăng từ Ấn Độ làm suy yếu chính quyền trung ương, vốn
không còn thực hiện nổi những công trình dẫn nước vào ruộng nữa, và
chẳng bao lâu bọn cướp biển theo Hồi giáo, và ngay cả bọn hoạn quan của
Trung Hoa đã đến chiếm cứ nhiều vùng đất đai rộng lớn. Theo chiều hướng
này, chỗ dựa về kinh tế của Tăng-già trở nên rất mong manh.
Về sau, khoảng đầu thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha chống phá Phật giáo. Họ
tuyên bố đã phá hủy được chiếc răng thiêng liêng của đức Phật để lại, và
ép buộc nhiều người Tích Lan theo đạo Thiên Chúa. Tiếp đến là người Hà
Lan, và sau cùng là người Anh (cho đến năm 1948). Trong nhiều thế kỷ
dài, sự cai trị của người châu Âu đã gây thiệt hại nặng nề cho tổ chức
Phật giáo. Tăng-già nhiều lần bị hủy diệt, và chư tăng phải được mời đến
từ Miến Điện, Thái Lan1 vào các thế kỷ 17, 18 và 19.
Sự hồi phục bắt đầu vào khoảng năm 1880, trước hết được khuyến khích bởi
hội Thông thiên học,2 và sau đó được tiếp tục dưới sự thôi thúc của
việc thức tỉnh tinh thần dân tộc. Kể từ thời đó, tín đồ Phật giáo Tích
Lan đã trở nên ngày càng năng động hơn, và thực hiện nhiều công trình
học thuật rất có giá trị, mặc dù nói chung chỉ giới hạn trong phạm vi
khá chật hẹp của kinh điển chính thống.3 Năm 1950, Tích Lan đi đầu trong
nỗ lực đoàn kết tất cả các quốc gia theo Phật giáo, và thành lập Hội Ái
hữu Phật giáo Thế giới.4
4. ĐÔNG NAM Á
Vào đầu thời kỳ này, Phật giáo Miến Điện đã thay đổi tính cách, và kể
từ đó hướng sự phát triển của mình theo Phật giáo Tích Lan. Năm 1057
vua Anawrahta5 xứ Pagan chinh phục Thaton để chiếm lấy Đại tạng kinh
tiếng Pli và ngọc xá-lợi được cất giữ ở đó. Rồi ông cho thỉnh chư tăng
và Đại tạng kinh từ Tích Lan về, và sử biên niên ghi rõ rằng nhà vua đã
trục xuất những tăng sĩ Ari thuộc Kim cang thừa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều
bằng chứng cho thấy về sự tồn tại của Đại thừa sau thời điểm đó.
Khảo cổ học đã cho thấy chính là trong thời gian cai trị của triều đại
Anawrahta (1044–1283) mà Đại thừa đã phát triển mạnh mẽ nhất, song song
với Thượng tọa bộ6 được ưa chuộng rộng rãi hơn. Nhiều pho tượng các vị
thánh thuộc Đại thừa đã có từ thời đó. Kinh văn Đại thừa được tìm thấy
trong các tự viện vào khoảng thế kỷ 15, và các bức họa Tan-tra không sao
nhầm lẫn được vẫn có thể nhìn thấy trên các bức tường của những ngôi
đền gần Pagan, trước hết là theo phong cách Bengal, và về sau là phong
cách Nepal.
Các tăng sĩ Ari chắc chắn là không thích những người Thượng tọa bộ ở
đây, bởi vì những người này ăn thịt, uống rượu, dùng bùa chú để giải
tội, giết súc vật để tế lễ và mê đắm ái dục. Nhưng mặc dù vậy, họ vẫn
tiếp tục tồn tại cho đến cuối thế kỷ 18.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của triều đình vẫn dành cho Thượng tọa bộ, và trước
khi bị người Mông Cổ tàn phá năm 1287 thì Pagan vẫn là một trung tâm
văn hóa Phật giáo rất lớn. Suốt trong 3 thế kỷ, trung tâm này đã chứng
kiến một trong những sự bộc phát của lòng mộ đạo, giống như chúng ta
từng thấy ở Trung Hoa, Triều Tiên và Tây Tạng. Trên một dải đất dài 12
kilomét đã có đến 9.000 ngôi chùa và đền thờ, trong đó nổi tiếng nhất là
đền Ananda thuộc thế kỷ 11. Trên những mặt phẳng được tráng men trên
tường, có 547 câu chuyện về tiền thân đức Phật được miêu tả bằng hình
vẽ.
Sau khi triều đình trung ương bị sụp đổ, suốt trong 500 năm Miến Điện bị
phân chia thành những lãnh địa nhỏ, chiến tranh triền miên. Nhưng
truyền thống Thượng tọa bộ vẫn được duy trì, mặc dù không được huy hoàng
như trước. Cuối thế kỷ 15 là sự thành công rực rỡ cuối cùng của trường
phái Tích Lan, khi vua Dhammaceti của xứ Pegu lại mang trở về một loạt
những kinh điển giá trị từ Tích Lan.
Năm 1752, Miến Điện lại được thống nhất. Sau năm 1852, triều đình nhiệt
thành ủng hộ cho Tăng-già và một hội đồng tiến hành kết tập kinh điển ở
Mandalay từ năm 1868 cho đến năm 1871, nhằm chỉnh sửa những sai sót về
mặt văn bản trong Đại tạng kinh, sau đó mang khắc tất cả lên trên 729
phiến đá cẩm thạch.
Người Anh đến Miến Điện vào năm 1885, đã gây nhiều thiệt hại cho
Tăng-già qua việc hủy bỏ quyền lực giáo hội trung ương. Trong cuộc đấu
tranh giành độc lập, tăng sĩ đã đóng một vai trò nổi bật. Trong những
năm gần đây, đã có những nỗ lực để kết hợp Phật giáo với chủ nghĩa Mác.
Và cũng có một phương pháp thiền định mới đã được cổ xúy, kết hợp áp
dụng công phu theo Mật giáo, được cho là dẫn đến những kết quả nhanh
chóng hơn.
Phật giáo Miến Điện nghiêng về việc duy trì tính chính thống của Thượng
tọa bộ, và không có một đóng góp sáng tạo nào cho tư tưởng Phật giáo.
Những cuộc tranh luận luôn được giới hạn ở tính hình thức của Luật tạng,
và nền văn học mở rộng bao gồm cả những tác phẩm về ngữ pháp, thiên văn
học và y học, các bản sớ giải và những chuyện mô phỏng theo tiền thân
đức Phật. Có 37 vị thần, được gọi là Nat, thường được cầu khấn rộng rãi
để mong các vị ban phúc cho, nhưng muốn có nhiều công đức thì phải góp
sức xây dựng chùa chiền, và kết quả là chùa được xây dựng khắp nơi trong
nước.
Tăng-già không sống cách biệt với dân chúng. Các tự viện, đền thờ đều
được xây cất gần những trung tâm dân cư để cư sĩ dễ dàng tìm đến. Mỗi cư
sĩ đều có một thời gian sống trong chùa, và được chư tăng truyền dạy
cho một số kiến thức. Có 85% dân số theo Phật giáo, trong một thời gian
dài đã được biết đến với sự nổi bật về trình độ học vấn cao. Phật giáo
là một lực lượng khai hóa vĩ đại trong đời sống của dân tộc Miến Điện,
đã giúp làm giảm nhẹ những xung đột sắc tộc, nuôi dưỡng một đời sống xã
hội dân chủ bằng cách giảm thiểu đến mức thấp nhất tầm quan trọng của sự
giàu có và giai cấp, mang đến rất nhiều vẻ đẹp và kiến thức. Và quan
trọng hơn hết, Phật giáo đã tạo ra một dân tộc đặc biệt vui tính, lịch
sự và dễ mến.
Trong thời kỳ này, Phật giáo Tiểu thừa phát triển tương tự ở Thái Lan và
Đông Dương. Những người Thái sống ở Trung Hoa đã mang về quê hương một
hình thức Phật giáo nào đó, nhưng trong thế kỷ 14 thì Thượng tọa bộ của
Tích Lan được thiết lập. Những vùng thủ đô, trước là Ayuthia (1330-1767)
và sau là Bangkok (sau năm 1770) đều là những đô thị Phật giáo rộng
lớn, nguy nga, với những kiến trúc tôn giáo đồ sộ và các tượng Phật to
lớn.
Phật giáo là quốc giáo. Toàn bộ nền văn hóa bản địa gắn liền với Phật
giáo, và nhà vua là một vị hộ pháp, không những bằng lời nói mà bằng cả
việc làm. Truyền thống được tuân theo nghiêm ngặt, và việc tụng tán
những đoạn kinh văn bằng tiếng Pli rất được chú trọng. Giống như ở Miến
Điện, những lời cầu khấn không trực tiếp hướng về đức Phật, mà là qua
các vị thần bản địa và thần cây cối.
Trong khi vào thế kỷ 11 Mật tông vẫn còn hưng thịnh ở Kam-pu-chia,1 thì
sau năm 1300, do áp lực của người Thái, Thượng tọa bộ của Tiểu thừa đã
dần dần thay thế cho tông này, và vào thế kỷ 15, Phật giáo chính thống
của Tích Lan được du nhập. Cũng tại đây, việc giáo dục do chư tăng đảm
nhận, và Phật giáo đã tự chứng tỏ được một ảnh hưởng hướng thượng và
hoàn thiện, đã tạo ra được một dân tộc hiền hòa, nhân từ và vị tha. Các
vị thổ thần, được gọi là Neaca-ta, cũng giữ một vai trò nhất định, và có
sự pha trộn những ảnh hưởng từ Trung Hoa (chẳng hạn như sự hiện diện
của Mi-lei-fo2 trong các đền chùa) và từ Ấn Độ (chẳng hạn như sự hiện
diện của Nagas,3 Garudas4 và thần Shiva bốn mặt trong các công trình
kiến trúc).
Lịch sử Phật giáo ở Lào bao trùm trong huyền thoại. Dường như Phật giáo
đã được những người di cư Khmer mang đến vào khoảng thế kỷ 14, và hiện
nay là hình thức Phật giáo Thái Lan với sự chú trọng nhiều hơn đến việc
thờ Long thần.
Cuối cùng là Việt Nam, độc lập từ năm 1000,5 chịu ảnh hưởng một phần của
Trung Hoa về mặt văn hóa, và Đại thừa đã tồn tại ở đây trong một thời
gian dài.
Tại Indonesia, Phật giáo Mật tông tồn tại cho đến khi bị Hồi giáo đàn
áp: ở Sumatra là cuối thế kỷ 14, còn ở Java thì từ thế kỷ 15 trở đi. Sự
sụp đổ cuối cùng của Mật tông ở đây được dẫn trước bởi việc suy giảm dần
dần ảnh hưởng của của đạo Hindu đối với nền văn hóa, và việc tái khẳng
định những yếu tố gần gũi hơn với văn hóa bản địa. Hình thức Mật tông
chiếm ưu thế trong thời kỳ này là một hình thức cực đoan, bắt buộc thực
hành 5 giới cấm,1 lìa bỏ ái dục, và xem đức Phật Đại Nhật là vị Phật từ
nguyên thủy. Bộ phái này kết hợp biểu tượng Thời luân với sự sùng bái
Shiva Bhairava thành hình tượng Phật-Shiva.2 Và để phù hợp với truyền
thống bản địa, bộ phái này chủ yếu nhắm đến việc siêu độ cho linh hồn
người chết. Một số tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của Phật giáo được thực
hiện ở Java dưới triều đại Singhasari (1222-1292), trình bày các vị vua
của triều đại này được điêu khắc thành những pho tượng phỏng theo như là
các vị Phật Bất Không, Phật Bất Động .v.v... và các vị hoàng hậu thì
giống như là nữ thần Bát-nhã .v.v...
5. TRUNG HOA VÀ TRIỀU TIÊN
Ở Trung Hoa, mặc dù các vị vua đời Tống nói chung đều hướng về Phật
giáo, nhưng sức sống của Phật giáo suy giảm dần đi trong suốt thời kỳ
này.
Khoảng sau năm 1000, có hai tông phái nổi bật hơn hẳn so với những tông
phái khác, đó là Tịnh độ tông và Thiền tông. Trong Thiền tông có năm
dòng truyền thừa đã hình thành gọi là Ngũ gia.3 Tất cả tín đồ Thiền tông
đều giống nhau ở điểm họ tin rằng tự tâm mỗi người đều có tánh Phật,
nhưng rõ ràng là có những khác biệt tùy theo tâm của mỗi người, và chắc
chắn những khác biệt ấy phải được phản ánh trong những phương pháp và
cách tu tập khác nhau. Do đó, những gì khác biệt giữa năm nhà chính là
về phương cách tu tập hơn là về giáo lý. Ba nhà trong số đó là các tông
Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn đã tàn lụi vào khoảng giữa đời Tống.
Đặc điểm của tông Quy Ngưỡng là phương pháp truyền dạy bằng cách vẽ
những vòng tròn khác nhau trong không khí hay trên mặt đất. Tông Vân Môn
nhìn chung giống như tông Lâm Tế, nhưng một trong những phương cách đặc
biệt của họ là trả lời những câu hỏi bằng một từ hoặc một âm duy nhất.
Tông Pháp Nhãn hướng đến việc học tập kinh điển nhiều hơn so với các
tông khác, và chịu ảnh hưởng rất đậm nét từ giáo lý của tông Hoa nghiêm.
Hai tông vẫn tồn tại đến nay là tông Tào Động, sáng lập bởi ngài Động
Sơn Lương Giới (807-869) và tông Lâm Tế, sáng lập bởi ngài Lâm Tế Nghĩa
Huyền (mất năm 867).
Vào lúc bấy giờ, hai tông phái này thật ra chỉ là có sự khác biệt về
khuynh hướng mà thôi, và sự khác biệt tăng dần cho đến khi có sự chia
tách thực sự thành hai tông khác nhau là vào khoảng năm 1150.
Đặc điểm của tông Tào Động là sự yên lặng. Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác
(mất năm 1157)1 đã gọi phương pháp thiền của tông Tào Động là “Tịch
chiếu thiền”, nghĩa là lẳng lặng mà soi sáng. Điều này cho thấy họ chú
trọng nhiều đến việc tĩnh tọa thiền quán, để nhờ vào đó, hay chính trong
trạng thái đó mà đạt đến sự giác ngộ, hay sự tỉnh giác nội tâm về tánh
không tuyệt đối.
Người sáng lập ra phái thiền này đã ôn hòa trong việc vận dụng các
phương pháp. Ông cũng để lại cho tông phái một giáo lý đặc biệt liên
quan đến 5 cấp độ, phân biệt rõ 5 giai đoạn của tiến trình đạt đến giác
ngộ, theo phong cách thuần túy Trung Hoa với ảnh hưởng rất lớn từ Kinh
Dịch. Những giai đoạn này được tượng trưng bằng các vòng tròn trắng và
đen.
Có bốn học thuyết có thể đề cập đến như là những nét đặc thù của tông Tào Động:
1. Tất cả chúng sanh từ khi sanh ra đều sẵn có Phật tánh, và do đó tất nhiên là sẽ giác ngộ.
2. Chúng sanh có thể hoàn toàn đạt đến sự an lạc của Phật tánh khi ở trong trạng thái thiền quán tĩnh lặng.
3. Công phu hành trì và sự trau giồi tri thức phải luôn luôn bổ khuyết cho nhau.
4. Các nghi thức công phu lễ sám hàng ngày cần phải được tuân theo một cách nghiêm ngặt.
Người sáng lập phái thiền Lâm Tế thì ngược lại, thường vận dụng tính
cách mạnh mẽ và đột ngột, với những tiếng hét và thiền trượng giữ một
vai trò quan trọng trong công phu thực hành. Trong tất cả các tông phái,
đây là tông phái chống lại việc chạy theo sự lý giải của tri thức một
cách mạnh mẽ nhất, và cũng là tông phái chú trọng nhiều nhất đến tính
chất bất ngờ và trực tiếp trong kinh nghiệm thiền quán.
Trong đời nhà Tống, Thiền tông trở thành một yếu tố văn hóa cực kỳ quan
trọng. Trong số các họa sĩ danh tiếng của thời này có nhiều thiền sư, và
ảnh hưởng của thiền đối với nghệ thuật rất đáng kể. Ngay cả sự phục
hưng Khổng giáo của nhóm Tân học gồm Chu Hy và những người khác cũng nhờ
vào Thiền tông rất nhiều, tương tự như sự phục hưng bộ Vedanta của
Sankara đã dựa rất nhiều vào Phật giáo Đại thừa. Sự thực hành tĩnh niệm,
suy ngẫm một cách lặng lẽ, rất quan trọng đối với thiền, đã dẫn đến sự
luyện tập phép tĩnh tọa của Khổng giáo.
Sự thành công nổi bật này đã mang đến cho Thiền tông đời Tống những mối
nguy hiểm và sự khủng hoảng sâu xa. Các thiền sư đời Đường luôn xa lánh
kinh đô, nhưng giờ đây các thiền viện lại duy trì những mối quan hệ tốt
đẹp với triều đình và dây dưa khá nhiều vào chính sự. Các thiền viện
nguy nga mọc lên khắp nơi trong nước và trở thành những trung tâm điểm
của đời sống văn hóa xã hội. Trong Thiền tông đã có nhiều nhân nhượng
với chủ nghĩa tri thức và việc nghiên cứu kinh điển. Ngay trong nhà
thiền đã nảy sinh một sự bất đồng mạnh mẽ về tầm quan trọng của kinh
điển.1
Từ chối mạnh mẽ nhất đối với giá trị của kinh điển là tông Lâm Tế, chống
lại nguy cơ suy sụp đang đến gần của Thiền tông bằng cách đưa ra một hệ
thống các công án.1
Danh từ công án bao gồm hai từ: “công”, hay công khai, của chung, và
“án”, hay phán quyết về một vụ việc, và hàm ý chỉ cho một khuôn mẫu đã
có từ trước hoặc đáng tin cậy. Trong thực hành, công án là một kiểu câu
đố, thường liên quan đến lời nói hoặc hành động của một trong những
thiền sư đời Đường.
Giờ đây, những bộ sưu tập các công án như vậy được in ấn ra, mỗi một
công án được thêm vào phần giải thích, được viết ra theo cách là không
giải thích gì cả.2
Điển hình đầu tiên của loại văn chương mới này là một tuyển tập gồm 100
công án, gọi là Bích nham lục,3 xuất hiện năm 1125. Tập công án nổi
tiếng khác là Vô môn quan,4 gồm 48 công án, xuất hiện sau đó hơn một thế
kỷ.
Ngược lại với sự yên tĩnh mà tông Tào Động áp dụng, tông Lâm Tế chủ
trương không ngừng hoạt động với một công án được lựa chọn cho đến khi
đạt đến giác ngộ. Theo như cách nói của ngài Đại Huệ Tông Cảo
(1089-1163) là: “Chỉ một công án, trọn một đời không lúc nào buông bỏ.
Đi đứng nằm ngồi, chú tâm không dứt. Khi thấy đã hết sức nhàm chán, là
lúc giờ phút cuối cùng sắp đến, đừng để lỡ mất. Khi tâm thức đột nhiên
bừng sáng, ánh sáng ấy sẽ soi sáng toàn vũ trụ, và cảnh giới giác ngộ
của chư hiền thánh hiện ra tường tận như từng sợi tóc, bánh xe chánh
pháp được chuyển ngay trong một hạt bụi.”
Như thế, vào đời Tống phương pháp thiền định có hệ thống đã thay thế cho
phương pháp ứng tác cá nhân của các thiền sư đời Đường. Nhưng chính sự
hệ thống hóa này, và trong một chừng mực nào đó là tính chất máy móc,
khuôn thước, đã đảm bảo cho sự sống còn của Thiền tông.
Bao giờ cũng vậy, khi những trường phái triết học cùng song song tồn
tại, cho dù là trong một thời gian bao lâu đi nữa, kết quả vẫn là sẽ có
một sự hòa hợp ngày càng gia tăng. Về nhiều phương diện, Thiền tông được
kết hợp với Hoa nghiêm tông và Thiên thai tông; và phép niệm Phật cũng
thường được đưa vào Thiền tông để làm tăng thêm sức mạnh thiền định.
Trong các triều đại nhà Nguyên và nhà Minh, sự kết hợp hoàn toàn các
khuynh hướng khác nhau của Phật giáo Trung Hoa đã diễn ra. Nhà Minh và
Mãn Châu đều chuộng Khổng giáo, nhưng vẫn chấp nhận và đôi khi cũng
khuyến khích Phật giáo.
Hai vị hoàng đế Ung Chính (1723-1735) và Càn Long (1736-1795) đã cố gắng
tạo ra một kiểu Phật giáo kết hợp giữa Phật giáo Trung Hoa và các yếu
tố của Lạt-ma giáo. Vì vậy, một mặt lôi cuốn được người Trung Hoa, trong
khi mặt khác cũng kêu gọi được người Tây Tạng và Mông Cổ. Chùa
Yung-ho-kung, ngôi chùa Lạt-ma giáo ở Bắc Kinh, là một công trình thể
hiện rõ những cố gắng này. Trong đó, những vị thần thuộc về hai phong
cách thờ kính của Phật giáo Trung Hoa và Lạt-ma giáo được hòa lẫn với
nhau một cách cẩn thận. Ngay cả Quan Công (một vị võ thần của Trung Hoa)
và Khổng Tử cũng được thờ ở đây trong số các vị Bồ Tát.
Sự hưng thịnh của các tự viện không bao giờ phục hồi được nữa sau cuộc
nổi loạn của giặc Thái Bình, “những người Công Giáo tóc dài”.1 Trong 15
năm (1850-1865), họ đã tàn phá 16 tỉnh, hủy hoại 600 thành phố và hàng
ngàn đền đài, tự viện. Cho dù vậy, cho đến ngày nay Phật giáo vẫn không
hề bị quên lãng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Trung
Hoa.
Tại Triều Tiên, Phật giáo cực thịnh dưới triều đại Koryo,1 đặc biệt là
từ năm 1140 đến 1390. Người sáng lập triều đại này là một Phật tử chí
thành, cho rằng sự thành công của mình chính là nhờ vào sự che chở của
Phật pháp. Những người kế nghiệp ông cũng không bao giờ ngần ngại trong
việc ủng hộ Phật giáo. Mỗi vị vua đều chọn một tăng sĩ làm quốc sư, hay
người cố vấn. Khi vua ngự giá ra đi, kinh điển thiêng liêng được mang đi
trước. Nhiều ấn bản Kinh tạng được in ra với chất lượng cao bằng vào
phí tổn của Nhà nước. Một ấn bản trong số đó có đến 81.258 tờ. Trong
nhiều giai đoạn kéo dài rất lâu, quyền chính hoàn toàn nằm trong tay
tăng sĩ.
Cho đến thế kỷ 12, giai cấp quý tộc vẫn là nguồn lực ủng hộ chính của
Phật pháp, nhưng từ đó trở đi thì Phật giáo cũng đã trở thành tôn giáo
chung cho toàn dân. Những yếu tố pháp thuật mạnh mẽ đã thâm nhập vào
Phật giáo, như đã từng xảy ra cho tôn giáo này ở bất cứ nơi đâu khi nó
thực sự được phổ cập. Nhiều tăng sĩ trở nên giỏi luyện phép trường sanh,
thực hiện phép mầu, cầu hồn, chọn giờ tốt xấu, xem hướng đất .v.v...
Năm 1036, một đạo luật hủy bỏ án tử hình và quy định trong 4 người con
trai phải có một người xuất gia. Triều đại Koryo chi tiêu nhiều tiền bạc
cho việc tổ chức những buổi lễ tôn giáo long trọng và xây cất tự viện.
Vô số tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong thời này.
Vào đời Nguyên, nhất là sau năm 1258, Lạt-ma giáo đã tạo được một ảnh
hưởng đáng kể. Vào thế kỷ 14, Phật giáo hoàn toàn chinh phục Triều Tiên.
Năm 1310, nhà vua ban chiếu lệnh rằng tăng sĩ không cần phải lễ chào
bất cứ ai, trong khi mọi người khác đều phải tỏ lòng kính trọng đối với
họ. Những ai chọn theo đời sống tôn giáo đều khỏi phải bận tâm đến các
nhu cầu vật chất.
Sự ưu đãi vượt mức đối với Phật giáo bỗng đột ngột chấm dứt với sự thay
đổi triều đại vào năm 1392.2 Khổng giáo giờ đây chiếm ưu thế. Chư tăng
không còn được sự ủng hộ của Nhà nước, và không được tham dự vào chính
trị. Đất đai bị tịch thu, và bị cấm không được làm lễ cầu siêu tại các
tang lễ. Tại Seoul, 23 tự viện đang hiện hữu bị đóng cửa, và nói chung
Phật giáo bị ngăn trở.
Mặc dù vậy, vì là một tôn giáo của quần chúng, nên Phật giáo vẫn tồn tại
trong rặng núi Diamond hiểm trở, cách xa những thành thị.
Về mặt giáo lý thì Phật giáo ở Triều Tiên là sự pha trộn thông thường
theo kiểu Trung Hoa, giữa Thiền tông, Tịnh độ tông và những tín ngưỡng
bản địa.
Từ năm 1810 đến 1945, người Nhật ủng hộ Phật giáo. Nhưng Phật giáo vẫn ở
trong tình trạng suy yếu. Năm 1947, tại Triều Tiên có khoảng 7.000 tăng
sĩ.
6. NHẬT BẢN
Trong thời kỳ này, một sự phát triển mạnh mẽ lần thứ hai của Phật
giáo Nhật Bản lại diễn ra. Từ năm 1160 đến 1260, những bộ phái mới hình
thành làm thay đổi hoàn toàn tính cách của Phật giáo Nhật Bản, giờ đây
đã đạt đến đỉnh cao của năng lực sáng tạo độc đáo. Vào thời đại Liêm
Thương (1192-1335), các tông Tịnh độ và Thiền nổi bật lên hẳn, cũng
giống như ở Trung Hoa sau năm 1000.
Tông Tịnh độ đầu tiên, được biết với tên là Yuzu Nembutsu,1 đã được
Ryonin sáng lập từ trước năm 1124. Vị này đã đạt được giác ngộ nhờ vào
việc niệm Phật liên tục. Cụ thể là ông đã niệm câu Nam-mô A-di-đà Phật
đến 60.000 lần mỗi ngày. Ông còn dạy rằng, việc niệm Phật như thế này sẽ
tạo được công đức vô cùng lớn lao nếu người niệm phát tâm vì người khác
chứ không vì mong cầu cho riêng mình. Tông phái này mặc dù vẫn tồn tại,
song chưa lúc nào thu hút được số đông tín đồ.
Gây được ảnh hưởng lớn hơn nhiều là một tông Tịnh độ khác, sáng lập bởi
ngài Pháp Nhiên2 (1133-1212) một vị tăng rất thông thái và nhân từ. Năm
1175, lúc 43 tuổi, những tác phẩm của ngài Thiện Đạo1 đưa ông đến kết
luận rằng, vào thời kỳ mạt pháp này, những chuẩn mực đạo đức truyền
thống và các nguyên tắc tinh thần của Phật giáo đã không còn đủ để mang
lại hiệu quả nữa. Trong thời mạt pháp, dù chúng ta có cố gắng làm gì đi
nữa bằng vào tự lực2 của mình cũng chỉ là vô ích. Sự bình yên chỉ có thể
có được nhờ vào tha lực,3 trong sự buông xả bản thân và nương tựa vào
một sức mạnh cao cả hơn, đó là nguyện lực của đức Phật A-di-đà. Vì thế,
ngài Pháp Nhiên từ bỏ tất cả những công phu hành trì tu tập khác và để
hết tâm trí vào việc chuyên cần niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Điều quan
trọng duy nhất là phải “niệm danh hiệu Phật với sự tập trung hoàn toàn
tâm ý – dù khi đi hay đứng, khi nằm hay ngồi, đều không gián đoạn chút
nào”. Trong thời đại đầy dẫy những điều xấu ác, cách giải thoát duy nhất
là nỗ lực để được vãng sanh về cõi Tây phương Tịnh độ của Phật
A-di-đà,4 và những phương pháp tu tập,5 bao gồm các việc thiện và công
phu hành trì tu tập, không còn đủ tác dụng nữa. Điều cần thiết là chỉ
cần đặt hết lòng tin vào đức Phật A-di-đà. Đức tin này có thể giúp cho
ngay cả người đã phạm vào tội lỗi nặng nề nhất cũng có thể sanh về cõi
Cực Lạc của Phật A-di-đà.
Tuy nhiên, từ những khẳng định này, ngài Pháp Nhiên không hề đưa ra hàm ý
đả kích việc nghiêm trì giới luật. Ngài buộc các tín đồ tin theo mình
phải xa lánh điều ác, vâng giữ giới luật và cũng không được đánh mất
lòng kính trọng đối với các vị Phật khác cũng như với kinh điển. Giáo lý
của ngài đã ngay lập tức giành được sự tin tưởng ở triều đình, trong
giai cấp quý tộc, giai cấp võ sĩ và tăng lữ. Và trào lưu mới này tự nó
đã tồn tại một cách dễ dàng trước sự đối nghịch của những tông phái
trước đó.
Tịnh độ tông tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay mà không có thay đổi gì
nhiều. Nhưng vào thế kỷ 14, vị tổ thứ 7 là Ryoyo Shogei đã diễn giải lại
giáo lý này theo một cách lôi cuốn hơn và tạo được nhiều ảnh hưởng hơn.
Ngài nói rằng, vãng sanh về Tịnh độ không có nghĩa là được chuyển đến
một nơi nào khác, mà thật ra cõi Tịnh độ ở khắp mọi nơi, và sanh về Tịnh
độ chỉ là một sự thay đổi của tâm thức và hoàn cảnh, chứ không phải
thay đổi nơi chốn. Điều này thật rất phù hợp với truyền thống của Đại
thừa.1
Một sự đơn giản hóa hơn nữa của giáo thuyết A-di-đà được Thân Loan2 thực
hiện có hiệu quả. Ông sinh năm 1173, là đệ tử của ngài Pháp Nhiên, và
là người sáng lập Chân tông.3 Tên gọi này là rút gọn của Tịnh độ chân
tông.4 Ông phá bỏ những truyền thống của đời sống tự viện, lập gia đình
và khuyên tăng sĩ nên làm theo như vậy. Ong coi việc niệm Phật liên tục
là không cần thiết, và khẳng định rằng chỉ cần một lần nhớ đến đức
A-di-đà với sự thành tâm là đủ để được vãng sanh về cõi Cực Lạc của
ngài. Tuy nhiên, niềm tin vào đức Phật A-di-đà là ân huệ được chính ngài
ban tặng. Về đạo đức, Thân Loan cho rằng một người độc ác có nhiều khả
năng được vãng sanh về cõi Tịnh độ hơn là một người thiện, vì người này
thường ít tự tin vào năng lực và công đức của mình. Tăng sĩ của tông
phái này phủ nhận mọi tri thức, nhưng vì những giáo lý của họ thường dễ
bị hiểu sai, nên rất nhiều lý thuyết phức tạp về thần thánh dần dần được
đưa vào theo thời gian. Lòng mộ đạo của tông này và các tông phái
A-di-đà khác đã dẫn đến việc tạo ra rất nhiều ảnh tượng của đức Phật
A-di-đà, và nhiều bài tụng tán về ngài cũng được viết ra bằng tiếng
Nhật. Thân Loan nhắm đến việc phá bỏ rào chắn giữa tôn giáo với những
người bình dân, và Chân tông thực sự đã trở thành một trong những tông
được ưa chuộng rộng rãi nhất, và vẫn còn giữ được tính phổ cập ấy cho
đến tận ngày nay.
Tông phái A-di-đà thứ ba, ít thành công hơn, được Nhất Biến5 thành lập
vào năm 1276, gọi là Thời tông,6 để hàm ý đây là tông phái thích hợp với
thời suy thoái này. Theo truyền thống của Thần đạo, Nhất Biến xem một
số thần linh của đạo này như đức Phật A-di-đà, nhưng riêng về phép niệm
Phật, ông cho rằng đức tin là không cần thiết, vì đó chỉ là hoạt động
của một tâm thức đã hư hỏng. Việc niệm danh hiệu đức A-di-đà chỉ có kết
quả nhờ vào âm thanh phát ra, như một hoạt động của bên ngoài, bản chất
là như vậy.
Tông phái thứ tư được Nhật Liên,1 con trai của một ngư phủ, thành lập
năm 1253. Tông phái này khác với tất cả những tông phái Phật giáo khác ở
điểm là nặng về tính dân tộc, hay tranh cãi và cố chấp. Có phần đáng
ngờ là tông phái này có nên xếp vào lịch sử Phật giáo hay không. Lòng
nhiệt thành yêu nước của Nhật Liên là do những tình cảm dân tộc lúc đó
bị kích động mạnh bởi mối đe dọa kéo dài về sự xâm lăng của quân Mông
Cổ, sau cùng đã chấm dứt bởi sự rút lui của các hạm đội Khubilai2 vào
những năm 1274 và 1281. Nhật Liên thay thế việc niệm Phật bằng cách niệm
câu “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” và tuyên bố rằng chỉ có câu này là
thích hợp với thời đại này, thời đại cuối cùng của Phật giáo, thời mạt
pháp, mà theo ông đã bắt đầu từ khoảng năm 1050. Nhật Liên luôn nói ra
với lòng tin tuyệt đối theo kiểu của một nhà tiên tri Do Thái và đòi
ngăn chặn tất cả các tông phái, trừ ra tông phái của chính mình. Vì theo
ông thì “niệm Phật là địa ngục, Thiền tông là ma quỷ, Chân ngôn tông là
sự hủy hoại đất nước và Luật tông là những kẻ phản quốc”. Chính qua sự
kiện này Phật giáo đã tự đưa ra được những phản đề cho chính mình.
Về Thiền tông, ngài Vinh Tây1 (1141-1215) truyền tông Lâm Tế vào Nhật
Bản, được gọi với tên là Rinzai và rất thành công. Trong khi đó, phái
Tào Động, hay Soto, được ngài Đạo Nguyên2 (1200-1253)3 đưa vào nước Nhật
đầu tiên, sau đó được tổ chức và truyền bá nhờ Keizan Jokin
(1268-1325). Tác phẩm chính của ngài Đạo Nguyên là Chánh pháp nhãn tạng,
được viết bằng tiếng Nhật, vì thế ai cũng có thể đọc được. Ong nhấn
mạnh rằng, mặc dù thế hệ này rõ ràng là thuộc về thời kỳ Phật pháp suy
tàn, nhưng đây không phải là lý do để những tâm hồn dũng mãnh lại nhắm
đến mục tiêu nào khác thấp kém hơn là một sự giác ngộ nội tâm về chân lý
tối thượng. Chống lại những cách hiểu lệch lạc về Phật giáo, ngài cho
rằng “giác ngộ chỉ có thể đạt đến với chính thân xác này”. Việc ngồi
thiền, hay zazen, không phải là một loạt những công phu thiền định trong
đó người ta chờ đợi sự giác ngộ tự nó tìm đến, mà sự giác ngộ chính là
nguyên tắc thiết yếu của thiền định ngay từ lúc mới khởi đầu, và việc
ngồi thiền phải được thực hiện như một công phu tuyệt đối thuần túy tín
ngưỡng, trong đó không có gì được tìm kiếm và cũng không có gì đạt được.
Vạn pháp đều là Phật tánh, và điều đó tự nó chẳng là gì khác hơn như
“cái cằm của con lừa hoặc cái miệng của con ngựa”.
Phái Tào Động Nhật Bản cho rằng họ đã tiến xa hơn cả những gì mà phái
Tào Động ở Trung Hoa đã đạt được. Để dẫn chứng cho điều này, họ đưa ra
một niềm tin rằng, bởi vì con người vốn đã giác ngộ từ lúc sinh ra, cho
nên mọi hoạt động hằng ngày phải được xem như là những công phu sau khi
giác ngộ, và cần được thực hiện như những hành vi nhằm bày tỏ lòng biết
ơn đối với chư Phật.
Không bao lâu, Thiền lan rộng khắp trong giới Võ sĩ đạo, đặc biệt là
phái thiền Lâm Tế, đúng như một câu tục ngữ Nhật đã nói lên rằng: “Lâm
Tế cho tướng lãnh, Tào Động cho nông dân”. Theo chiều hướng này, Thiền
dẫn đến sự thờ kính giống như Võ sĩ đạo, và sự kết hợp chặt chẽ với
những chiến sĩ là một trong những chuyển biến đáng kinh ngạc nữa của
Phật giáo.
Thiền đóng góp nhiều trong việc kích thích những rung cảm tự nhiên của
người Nhật trước vẻ đẹp. Cũng giống như Thiền đã làm được ở Trung Hoa,
Thiền ở Nhật từ cuối triều đại Liêm Thương trở đi không những kích thích
mạnh mẽ các ngành nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, hội họa, thư
pháp và gốm mỹ nghệ, mà còn thúc đẩy cả thi ca và âm nhạc. Mối liên hệ
gần gũi giữa thiền và tính cách dân tộc của người Nhật cũng thường được
nhấn mạnh. Văn chương Phật giáo còn được làm phong phú thêm bởi hai thể
loại mới: thể loại kịch Noh và một thể loại được gọi là “ca từ”.1 Trong
một nền văn hóa thống trị bởi những người Võ sĩ đạo, cái chết là một
thực tiễn luôn luôn hiện diện, và vượt qua nỗi lo sợ trước cái chết trở
thành một trong những mục đích của công phu thiền.
Dưới triều đại Ashikage Shoguns (1335-1573), Thiền được triều đình ủng
hộ. Anh hưởng của Thiền đối với văn hóa lúc đó lên đến đỉnh cao, và
Thiền có thể lan rộng trong toàn xã hội bởi vì sự nhấn mạnh ở hành động
cụ thể hơn là những ý tưởng suy diễn. Hành động cần phải đơn giản nhưng
có ý nghĩa sâu xa, và những nét đẹp giản dị, thanh lịch trở thành lý
tưởng được chấp nhận trong ứng xử.
Vào thế kỷ 16, nghi thức uống trà được các thiền sư hệ thống hóa. Cùng
lúc đó, nhiều nghệ sĩ tin rằng “Thiền và nghệ thuật chỉ là một”. Sesshu
(1420-1506) là người nổi tiếng nhất trong số này.
Sau năm 1500, mọi việc không còn trôi chảy với Phật giáo Nhật Bản nữa.
Năng lực sáng tạo của Phật giáo đã suy kiệt, và quyền lực chính trị bị
xóa bỏ. Nobunaga phá hủy cơ sở chính của phái Thiên thai trên núi Tỉ Duệ
vào năm 1571 và Hideyoshi, trung tâm lớn của Chân ngôn tông ở Negoro
vào năm 1585. Dưới triều đại Tokugawa (1603-1867), Khổng giáo được khôi
phục. Sau đó, vào thế kỷ 18, chủ nghĩa Thần giáo quân phiệt hồi sinh.
Phật giáo lui vào hậu trường, mọi tổ chức và hoạt động của chư tăng đều
bị nhà cầm quyền giám sát cẩn thận. Họ vẫn đảm bảo cho nguồn thu nhập
của Giáo hội, nhưng lại tìm đủ mọi cách để ngăn ngừa không cho bất cứ
một sinh hoạt độc lập nào có thể phát triển trong Giáo hội. Phật giáo
chìm vào sự uể oải, trì trệ. Tuy nhiên, truyền thống của các tông phái
vẫn được duy trì.
Chỉ duy nhất Thiền tông là còn chứng tỏ được phần nào sức sống. Vào thế
kỷ 17, ngài Bạch Ẩn tạo ra một sức sống mới cho phái Lâm Tế, và tông này
xem ngài như vị tổ sáng lập thứ nhì. Nhà thơ Ba Tiêu sáng tạo một thể
loại thơ mới,2 và năm 1655 phái thiền thứ ba là tông Hoàng Bá1 được
truyền đến từ Trung Hoa và luôn duy trì được những tính cách nổi bật của
thiền Trung Hoa.
Năm 1868, Phật giáo bị sút giảm nguồn tài trợ đến mức trầm trọng, và
trong một thời gian ngắn dường như đã sắp đi đến chỗ bị hủy diệt hoàn
toàn. Tuy nhiên, sau năm 1890 ảnh hưởng của Phật giáo lại một lần nữa
gia tăng đều đặn, và vào năm 1950 thì hai phần ba dân Nhật đều là tín đồ
của một trong các tông phái chính của Phật giáo. Sự thích nghi với đời
sống hiện đại và sự cạnh tranh với Thiên Chúa giáo được đẩy nhanh hơn so
với bất cứ quốc gia theo Phật giáo nào khác cho đến lúc này.
Trong những năm gần đây, thiền Nhật Bản đã thu hút rất nhiều sự quan tâm
ở châu Au và châu Mỹ, và với Daisetz Teitaro Suzuki,2 thiền đã được
diễn giải một cách rất tuyệt vời.
7. TÂY TẠNG
Khoảng năm 1000, một cuộc hồi sinh của Phật giáo diễn ra ở Tây Tạng,
nhờ sự khởi xướng của một số ít tín đồ nhiệt thành sống ở vùng cực đông
và cực tây của nước này, những nơi mà áp lực của sự đàn áp thấp nhất.
Không bao lâu, họ tái lập mối quan hệ với An Độ và Kashmir. Một số người
đã tự mình đến viếng thăm các xứ này, và các vị tăng An Độ lại một lần
nữa được mời sang. Một cá nhân xuất sắc nhất trong số những nhà phục
hưng này là Rin-chen Bzangpo (958-1055), không những là một dịch giả tài
ba mà còn là một người xây dựng rất nhiều đền chùa và tự viện ở miền
tây Tây Tạng. Một sự kiện mang tính quan trọng quyết định là việc ngài
A-đề-sa3 rời Vikramasila để đến đây theo lời mời của vua miền tây Tây
Tạng, và về sau thành lập Phật giáo Đại thừa theo kiểu Pla cũng ở miền
trung Tây Tạng. Năm 1076, một cuộc kết tập kinh điển lớn diễn ra ở
Tho-ling, miền tây Tây Tạng, nơi các vị Lạt-ma từ khắp nước Tây Tạng đã
gặp gỡ nhau. Và năm này có thể được xem như đánh dấu sự thiết lập cuối
cùng của Phật giáo ở Tây Tạng.
Hoạt động của ngài A-đề-sa không chỉ giới hạn trong việc tái lập Phật
giáo trên khắp nước, mà còn sáng tạo cả một hệ thống tính toán niên đại,
cho đến nay vẫn còn được sử dụng ở Tây Tạng. Hệ thống này xác định mỗi
năm theo vị trí của nó trong một chu kỳ 60 năm, được thiết lập từ sự kết
hợp năm yếu tố là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cùng với 12 biểu tượng bằng
những con vật: Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân
và Dậu.
Nếu không có hệ thống tính toán niên đại này thì công trình của các sử
gia, mà về sau trở thành một trong những điểm sáng rực rỡ của văn chương
Tây Tạng, hẳn đã không thể nào thực hiện được.
Vẫn chưa phải là tất cả những gì ngài A-đề-sa đã làm được. Một trong
những khó khăn của giáo lý Phật giáo là có quá nhiều giáo pháp và phương
thức thực hành, nhiều đến nỗi rất cần phải có một sự hướng dẫn và phân
loại. Ngài A-đề-sa đã cung cấp điều này qua tác phẩm “Minh đăng thánh
đạo”,1 trong đó ông phân biệt những phương thức thực hành dựa theo ba
trình độ phát triển tâm linh. Mức độ thấp nhất là những người muốn tìm
cầu hạnh phúc trong thế gian này và chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình.
Mức độ thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình,
nhưng khôn ngoan hơn nên chọn một cuộc sống đời đạo đức và tìm cầu sự
trong sạch. Mức độ cao nhất là những người trong tâm đã giải thoát được
tất cả. Thời điểm mà tác phẩm này mang lại kết quả mỹ mãn chỉ đến vào
300 năm sau đó, với ngài Tông-khách-ba.
Trong bốn trăm năm tiếp theo, diễn ra sự hình thành của các tông phái
Tây Tạng, do chính những người Tây Tạng thành lập và có sự điều chỉnh
thích hợp theo với những điều kiện tinh thần và xã hội của Tây Tạng. Mỗi
người trong số họ đều xuất sắc về một trong những yếu tố đã góp phần
tạo nên đời sống tâm linh của Phật giáo. Các tông phái khác nhau về lối
tổ chức tự viện, về y phục, về các vị thần bảo hộ, cách giải thích về
Bản sơ Phật,1 về phương pháp thiền định mà họ chọn .v.v... Nhưng họ tác
động lẫn nhau, và đã có rất nhiều sự vay mượn lẫn nhau.
Tông phái đầu tiên là Bka-gdam-pa, được một đệ tử của ngài A-đề-sa là Brom-ston thành lập vào khoảng năm 1050.
Tên gọi của tông phái này hàm nghĩa là họ tuân theo những lời chỉ dạy
của A-đề-sa, như được trình bày trong cuốn sách của ông về “Phương thức
đạt đến giác ngộ”. Tông phái này tiêu biểu cho truyền thống trung tâm
của Phật giáo Tây Tạng, và tạo thành mối liên hệ giữa các học giả An Độ
trong thời kỳ đầu với Hoàng phái, tông phái thống trị Tây Tạng sau năm
1400. Họ rất chú ý đến đạo hạnh và giới luật, giữ gìn phạm hạnh một cách
nghiêm khắc, và đã sản sinh nhiều bậc thánh giả uyên bác.
Tông phái Bka-rgyud-pa đạt được một quan hệ chặt chẽ hơn nhiều với đời
sống quần chúng. Tông phái này được ngài Marpa (1012-1097) sáng lập, và
trải qua thời gian đã trở thành một tông phái mang đậm tính cách Tây
Tạng nhất so với tất cả các tông khác. Có một thời gian họ cũng nắm được
ít nhiều quyền lực xã hội, nhưng bao giờ cũng kém hơn so với Hồng phái
và Hoàng phái. Họ không nhắm đến quá nhiều những kiến giải về lý thuyết,
mà nhắm đến sự chứng ngộ thực tiễn. Họ vẫn còn là một trong những tông
phái mạnh nhất không cải cách, và xem việc lập gia đình không có gì cản
trở cho tín ngưỡng. Tiểu sử các đại sư của tông phái này cho thấy không
có nhiều thánh giả, mà thường là những con người bình thường, với tất cả
những khiếm khuyết và nhược điểm như vốn có. Nhưng trong bộ phái này có
sự xuất hiện của Mila-ras-pa (1040-1123), thánh giả và nhà thơ vĩ đại,
nổi tiếng nhất của Tây Tạng, đệ tử trực tiếp của Marpa. Mọi người dân
Tây Tạng đều đã từng nghe qua một phần nào trong tác phẩm nổi tiếng
“100.000 bài ca” của ngài, và ai ai cũng quen thuộc với những sự kiện
chính trong cuộc đời ngài. Như việc ngài đã học ma thuật như thế nào,
rồi tự mình trả thù những kẻ thù của gia đình bằng cách làm cho nhà sập
đè lên họ, và làm mưa đá rơi trên ruộng của họ. Và ngài đã nhanh chóng
nhận thức được tội lỗi của mình, rồi vì sợ phải bị đọa địa ngục nên tìm
cầu sự trong sạch bằng những phương pháp trực tiếp của Kim cang thừa.
Rồi năm 38 tuổi ngài tìm gặp Marpa, người đã hành hạ ngài suốt trong 6
năm để giúp ngài trả hết những nghiệp ác đã tạo. Và năm 44 tuổi ngài sẵn
sàng để được khai ngộ, rồi sống 39 năm còn lại như một nhà ẩn tu trên
núi Hy-mã-lạp gần biên giới Nepal, hoặc đi lại đây đó để giáo hóa dân
chúng, cho đến khi ngài tịch vì uống sữa pha thuốc độc do một vị Lạt-ma
ganh ghét trao cho. Một số những sự kiện có kịch tính nhất của đời ngài
xảy ra trong những năm đầu sau khi được khai ngộ, khi ngài sống một mình
trong hang, chỉ ăn toàn rau cỏ cho đến khi trở nên xanh mét và chỉ mặc
một bộ áo quần bằng vải mỏng trong rét buốt của mùa đông. Ngài không bao
giờ quan tâm đến tài sản và tiện nghi, và luôn giữ lòng từ bi đối với
tất cả chúng sanh.
Những tác phẩm văn chương phong phú của tông phái này bao gồm phần lớn
là những tập sách mỏng hướng đến việc dạy cách thực hành những phép
Du-già khác nhau. Với tính thực tiễn, họ luôn đặc biệt chú ý đến phép
gtum-mo, tức là cách tạo ra hơi ấm huyền diệu trong thân thể. Không có
phép luyện công phu này, đời sống trong các túp lều ẩn dật sẽ không thể
nào chịu đựng được. Đây cũng là điều mà những người ở tầm mức trung bình
có thể nhận biết được, và có thể làm cho họ tin được vào sự chân thật
và hiệu quả của phép Du-già.
Một hình thức đặc biệt của giáo lý Bát-nhã được giới hạn cho một số ít
những người có trình độ cao, thuộc tông phái Shi-byed-pa, thành lập
khoảng năm 1090, nổi bật về mặt tín ngưỡng hơn nhiều so với mặt xã hội.
Họ không được tổ chức chặt chẽ bằng các tông phái khác, và bao gồm những
nhóm người luyện Du-già, hoặc các nhà ẩn tu, hoặc những người tu theo
Mật giáo. Họ dành trọn tâm trí cho việc thực hành thiền định ở những nơi
cách biệt, và có mối quan hệ với nhau khá lỏng lẻo.
Giáo lý của tông phái Shi-byed-pa trước tiên do Pha-dam-pa đề ra. Ông là
một vị thầy người Nam Ấn, với những giáo lý ảnh hưởng rất nhiều từ ngài
Thánh Thiên và từ bộ Trung quán luận. Đây là một sự điều chỉnh những
điểm cốt yếu về mặt tâm linh của Phật giáo cho phù hợp với giáo lý
Tan-tra. Đời sống tinh thần được chia thành hai giai đoạn:
1. Làm trong sạch bằng cách lìa bỏ dục lạc.
2. Làm an định, bao gồm việc loại trừ mọi đau khổ và đạt đến tâm bình thản.
Đối với giai đoạn thứ nhất, hành giả dựa vào các phương pháp thiền quán
nhắm đến dẹp bỏ những ác tâm vốn luôn cám dỗ con người vào những tư
tưởng xấu. Đối với giai đoạn thứ hai, hành giả chủ yếu dựa vào việc trì
tụng các man-tra, chẳng hạn như man-tra của Tâm kinh1 xoa dịu mọi đau
đớn, hoặc tụng đọc những câu châm ngôn ngắn nói về bệnh khổ, niềm vui,
cái chết và dục lạc.
Trước vẻ huy hoàng, rực rỡ hơn của các vị tăng nắm quyền lực xã hội,
chúng ta cũng không nên để khuất lấp đi công việc thầm lặng của những vị
tu sĩ thoát tục này.
Nhuốm mùi thế tục hơn là tông phái Sa-skya-pa, đặt tên theo tu viện
Sa-skya thành lập vào năm 1073. Họ tạo ra đối trọng cân bằng với hai
phái Bka-gdam-pa và Shi-byed-pa bằng sự hoàn hảo trong cách tổ chức. Sau
khi chế độ quân chủ sụp đổ, Tây Tạng không có chính quyền trung ương.
Các tăng sĩ của phái này nắm lấy chính quyền, và truyền nối ngôi vị cho
con cháu. Phags-pa (1235-1280) là một trong những người xuất sắc nhất
trong số những nhà cai trị mới được kế thừa, và địa vị lãnh đạo này của
ông đã được đại đế Khubilai2 thừa nhận. Tông phái này đã đào tạo được
nhiều nhà thông thái. Hiện nay họ vẫn tồn tại nhưng đã từ lâu không còn
nắm quyền lực nữa.
Quyền lực có được phải trả giá bằng việc gia tăng những công việc thế
tục, và tăng sĩ ở các tự viện lớn – cũng giống như tăng sĩ Nhật Bản vào
cùng thời này – lập thành những đội quân lớn và đánh lẫn nhau, cướp phá
chùa chiền của nhau, ứng xử theo cung cách không xứng đáng với những
giáo lý mà họ truyền bá.
Một tông phái rất mạnh nữa là Nying-ma-pa, là những môn đồ của ngài Liên
Hoa Sanh. Chúng ta thật sự không có đủ thông tin để biết được là bằng
cách nào mà bộ phái này có thể tồn tại được qua một thời gian dài bị đàn
áp. Rất có thể là nhiều người trong số họ đã giả dạng như các giáo sĩ
đạo Bon. Chúng ta cũng không biết chắc được những phần nào trong giáo lý
của tông phái này đã được phát triển sau này, và những phần nào là
thuộc về chính ngài Liên Hoa Sanh. Sự tổ chức của bộ phái này dường như
đã có từ năm 1250, và là công trình của Đạo sư Chos-dbyang. Chính bộ
phái này tự phân chia truyền thống của họ thành hai phần. Những lời dạy
rõ nghĩa được truyền bởi các vị tăng Ấn Độ, và những “mật tạng” là các
kinh điển bí mật được ngài Liên Hoa Sanh hoặc Phật Bản Sơ cất giữ. Từ
năm 1150 đến 1550, một số lượng đáng kể những kinh điển thuộc loại bí
mật này được khai quật, và sự khám phá ra những kinh điển này dễ làm che
giấu đi những cải cách về tín ngưỡng. Theo cách này, tiểu sử ngài Liên
Hoa Sanh mà chúng ta có được khám phá vào khoảng năm 1350. Tuy nhiên,
rất nhiều kinh điển bí mật loại này thực sự giữ lại được những truyền
thống rất cổ xưa, như được thấy rõ nhất là trong cuốn Tử thư1 nổi tiếng.
Bộ phái Nying-ma-pa phân biệt có 6 loại kinh nghiệm trung gian, hiểu
theo nghĩa là chúng nằm đâu đó ở khoảng giữa, một bên là thế giới giác
quan bình thường này, và bên kia là cảnh giới tâm linh thuần túy của
Niết-bàn. Ba kinh nghiệm đầu tiên là:
1. Trong bào thai, kéo dài nhiều tháng trước khi sinh ra.
2. Trong một số những giấc mơ có sự kiểm soát của tâm thức.
3. Trong trạng thái hoàn toàn xuất thần.
Với 3 kinh nghiệm còn lại, ý nghĩa trung gian còn được hiểu thêm là vì
chúng xảy ra trong khoảng thời gian giữa sự chết và sự tái sinh vào đời
sống mới, được cho là kéo dài trong 49 ngày. Trong thời gian đó, thân
xác bằng xương thịt thông thường này được thay thế bằng một loại thân
xác rất tinh tế. Cuốn Tử thư đã mô tả rất tỉ mỉ một số chi tiết các hình
ảnh rất có thể sẽ hiện ra với những ai hiểu biết nhiều về truyền thống
của Lạt-ma giáo trong suốt thời gian đó. Tác phẩm này còn giữ lại được
một số kiến thức cổ xưa của thời kỳ đồ đá về đời sống sau khi chết, và
cho thấy những điểm giống nhau đáng kinh ngạc với những truyền thống
khác được tìm thấy trong các văn bản cổ của Ai Cập, Ba Tư và Thiên Chúa
giáo.
Cũng rất cổ xưa là nghi lễ gCod mà chúng ta được biết đến qua sự miêu tả
của một tác giả từ thế kỷ 14, nhằm mục đích cắt đứt mọi ràng buộc với
tự ngã bằng cách hiến mình cho quỷ đói ở một nơi hoang vắng.
Tông phái Nying-ma-pa khác biệt với các tông phái khác ở điểm là họ sử
dụng được những gì mà nói chung là thường bị chê bỏ. Chẳng hạn như sự
sân hận và dục vọng, và ngay cả xác thân nhục dục vốn bị xem là sự ngăn
trở, nguồn gốc của tội lỗi, đã được tông phái này sử dụng như một phương
tiện để làm phong phú hơn nữa cho đời sống tinh thần. Nói chung, những ý
tưởng của họ đều phù hợp với quan điểm Tan-tra được cải tiến ở Ấn Độ.
Trình tự công phu của tông phái này là như sau:
1. Sự sáng tạo tinh thần của các vị hộ pháp, nhờ vào sự trợ lực của các
man-tra, các hình ảnh tưởng tượng, và các vị Không hành nữ. (Xem trang
186)
2. Sự kiểm soát được thân xác bí ẩn, gồm các mạch máu, tinh dịch .v.v...
3. Sự nhận thức được bản tánh chân thật của tự tâm.
Bồ Tát Phổ Hiền,1 một vị Bồ Tát hóa thân rất gần gũi với đức Phật Đại
Nhật, là nguồn hiển lộ cao cả nhất về giai đoạn thứ ba. “Chân như, bao
gồm cả tự thân, về bản chất không phải là sự trói buộc, tại sao phải tự
mình tìm cách thoát khỏi sự trói buộc? Chân như vốn không lừa dối, tại
sao lại tìm kiếm chân lý từ bên ngoài?” Vì vậy, sự kiềm chế bị phủ nhận
trong những nguyên tắc đạo đức Phật giáo. Một người hoàn thiện về mọi
mặt không hề kiềm chế dục vọng, sân hận... mà chỉ chuyển hóa chúng một
cách thích hợp.
Trong những phần giáo lý cao nhất, tông phái này rất giống với Thiền
tông, theo đó hình thức cao nhất của Du-già hàm chứa việc nhận ra được
bản tánh chân thật của tự tâm. Cũng giống như Thiền tông, tông phái này
nói đến sự giác ngộ với ý nghĩa có phần nào khác với Ấn Độ. Một người đã
đạt đến Niết-bàn ngay tại nơi này và trong hiện tại, với mọi hành vi đã
thoát ra ngoài nhân quả, thì có thể làm tan biến xác thân của mình vào
một vệt sáng cầu vồng.
Tông phái Nying-ma-pa tập trung nhiều vào phần giáo lý bí truyền và sự
chứng ngộ tự thân, nghiêng về trực giác nội tâm hơn là những tri thức có
thể truyền đạt được. Mãi cho đến thời gian cách đây chừng một thế kỷ,
tông phái này không hề có những sự nghiên cứu học thuật theo kiểu Hoàng
phái. Sau đó, có một vài nơi đã thực hiện việc này, do bắt chước theo
các tông phái đối nghịch.
Tông phái này đã tiếp tục sự đấu tranh giành quyền lực, chống lại các
tông phái khác, và mặc dù đã có nhiều lần cố giành quyền kiểm soát đất
nước, nhưng chưa bao giờ làm được. Điều này có ít khả năng do các đối
thủ của họ có năng lực tâm linh mạnh mẽ và đức độ hơn, mà phần lớn là do
sự vượt trội hơn về năng khiếu chính trị.
Nhưng tông phái này lại nắm được ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng,
đến nỗi các tông phái khác đều phải có sự nhượng bộ với họ. Những phép
thuật của họ thường đáng ngờ đối với các tín đồ Phật giáo khác, thường
không phải vì bị cho là không hiệu quả, mà vì họ dường như bộc lộ một sự
quan tâm không thích hợp đến hạnh phúc thế tục. Khi những người Hoàng
phái muốn tiên đoán tương lai, thường họ không tự làm điều đó mà nhờ đến
một nhà sư tiên tri của bộ phái có nguồn gốc cổ xưa này.
Tông phái Nying-ma-pa đã hấp thụ rất nhiều giáo lý của đạo Bon, và chính
trong tông phái này Phật giáo và đạo Bon tiếp tục tác động qua lại với
nhau. Việc tông phái Nying-ma-pa sa sút xuống vị trí thấp nhất thường
được nêu lên để chống lại họ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, bất chấp
điều đó, hoặc có lẽ chính vì điều đó, mà họ cũng đủ năng lực để có thể
đạt đến địa vị cao nhất như những người đồng đạo thuần khiết hơn của họ
đã làm được.
Sự chiến thắng tông phái Nying-ma-pa cuối cùng đã đến với Hoàng phái.
Tông phái này được sáng lập bởi Tông-khách-ba1 (1357-1419),2 nhà tư
tưởng vĩ đại cuối cùng của Phật giáo. Ngài là một nhà cải cách, tiếp tục
công việc của ngài A-đề-sa trước đây, nhấn mạnh đến việc tuân theo các
chuẩn mực đạo đức và giới luật, điều hành chặt chẽ công việc hàng ngày
của chư tăng, giảm nhẹ ảnh hưởng của pháp thuật bằng cách nhấn mạnh vào
khía cạnh tâm linh của Phật giáo, và thành lập Hoàng phái, tông phái đã
nắm quyền cai trị Tây Tạng cho đến năm 1950. Ngài là học giả vĩ đại, và
bằng mọi cách luôn cố gắng để tìm được một vị trí trung dung giữa những
cực đoan, tránh sự thiên lệch, và đạt đến kiến thức bao quát toàn diện.
Ảnh hưởng của ngài Tông-khách-ba được kéo dài nhờ vào số đệ tử rất đông,
nhờ vào việc thành lập các tự viện sung túc, nhiều thế lực, và nhờ vào
16 bộ sưu tập các tác phẩm của ngài. Trong số đó, phải kể đến 2 tập yếu
lược chỉ rõ những phương thức tu tập để đạt đến sự giải thoát, một tập
trình bày đầy đủ về sáu phép ba-la-mật của Đại thừa, và tập kia nói rõ
những phương thức công phu theo Mật tông. Tập sách đầu gọi là “Từng bước
đi lên giác ngộ”, dựa theo khuôn mẫu từ tập sách chỉ dẫn của A-đề-sa,
nhưng chú ý nhiều hơn đến những người không có năng khiếu đặc biệt.
Sau khi thị tịch, ngài Tông-khách-ba được dân chúng thờ cúng nhiệt
thành, và được tin là đã sanh về cung trời Đâu Suất, cũng giống như các
vị Phật tương lai.
Ngoài việc thành lập các tông phái bản xứ, Phật giáo Tây Tạng trong thời kỳ này còn đạt được ba thành quả lớn.
Trước hết là việc hệ thống hóa toàn bộ kinh điển thành hai tạng đồ sộ,
Kinh tạng3 vào thế kỷ 13 và Luận tạng4 vào thế kỷ 14. Kinh tạng được in
lần đầu tiên ở Bắc Kinh khoảng năm 1411, và lần đầu tiên ở Narthang, Tây
Tạng vào năm 1731. Luận tạng được in lần đầu tiên cũng ở Narthang, Tây
Tạng vào năm 1742. Sau đó còn được in nhiều lần nữa. Đại tạng kinh với
hình thức được gộp chung lại, với độ chính xác, đáng tin cậy và dễ tra
khảo được hình thành từ khoảng thế kỷ 13 đến 18, và đã trở thành chỗ dựa
cho tất cả những công trình nghiên cứu Phật pháp tại Tây Tạng.
Thứ hai là việc sản sinh ra một nền văn học bản xứ đồ sộ – các tập sách
chỉ dẫn, những tác phẩm luận giải, tiểu luận .v.v... Một lãnh vực văn
học mà tín đồ Phật giáo Tây Tạng đã vượt trội hơn tất cả, đó là việc
viết thánh sử Phật Thích-ca. Mối quan tâm về lịch sử này có liên quan
đến cách nhìn của người Tây Tạng về sự phát triển của Phật giáo trong
mối quan hệ với con người thật của đức Phật Thích-ca. Họ tin rằng việc
du nhập hoàn toàn Phật pháp và ý nghĩa của giáo pháp đã tự phát qua
nhiều thế kỷ, và những khía cạnh khác nhau của giáo pháp vô cùng phong
phú này chỉ được tín đồ Phật giáo nắm bắt được một cách rất chậm chạp,
trong suốt một giai đoạn kéo dài đến 15 thế kỷ.
Một điều hết sức kỳ lạ là, một người Tây Tạng - chứ không phải người Ấn
Độ - đã viết được cuốn lịch sử Phật giáo hay nhất ở Ấn Độ. Thật vậy cuốn
“Lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ và Tây Tạng” quả là một kiệt tác thuộc loại
này, mang tính tổng hợp cao và nổi bật với những kiến thức triết học sâu
sắc. Tập đầu khảo sát về kinh điển. Tập thứ hai đề cập đến 12 sự kiện
chính trong cuộc đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tiếp đến là ba lần kết
tập kinh điển, và nối tiếp cho đến những dự báo về sự diệt mất của giáo
pháp ở Ấn Độ, và sự kế tục ở Tây Tạng. Tập thứ ba giới thiệu về ấn bản
Đại tạng kinh ở Narthang, theo sau là một bản mục lục có hệ thống.
Còn nhiều tác phẩm xuất sắc khác đề cập đến lịch sử Phật giáo Tây Tạng, hoặc là lịch sử của các tông phái khác nhau.
Thành quả thứ ba là tăng đoàn Phật giáo đã bám rễ vững chắc trong đời
sống dân chúng. Trong thế kỷ 15, những môn đồ của ngài Tsong-kha-ba đã
điều chỉnh giáo lý cổ xưa của Phật pháp theo với những nhu cầu tổ chức
xã hội. Theo đó thì chư Phật, Thánh và chư Bồ Tát có thể hóa hiện ra
những thân xác hoàn toàn không khác gì với thân xác của người thường, và
sử dụng những hóa thân ấy để cứu độ và giáo hóa mọi người. Đây không
phải là sự tái sinh, mà là sự sáng tạo vô ngại bằng năng lực thần thông
của các ngài để thực hiện những hạnh nguyện của mình, trong khi các ngài
vẫn an trú trong trạng thái không tạo tác.
Cũng trong thế kỷ 15, Hoàng phái đưa ra một hình thức cụ thể cho giáo
thuyết này, bằng cách tuyên bố rằng một số các vị Bồ Tát (như đức Quán
Thế Âm và Di-lặc) và Phật (như đức A-di-đà) sẽ gửi đến những nơi như
Lhasa, Urga .v.v... những hóa thân của các ngài để làm các vị giáo chủ
(xem trang 122). Thêm vào đó, họ nghĩ rằng có thể tìm được hóa thân của
một vị giáo chủ vừa qua đời trong một đứa trẻ được thụ thai sau đó 49
ngày.
Những hóa thân này được các vị cao tăng chọn lựa hết sức cẩn thận, dựa
trên những quy luật cũng chi ly và phức tạp như là những quy luật đã
giúp cho Hội đồng Lễ nghi có thể phân biệt được những phép mầu chân
chính với ma thuật. Vai trò lãnh đạo của những vị hóa thân này là nét
đặc trưng của thế giới Lạt-ma trong suốt 450 năm qua. Vai trò lãnh đạo
này cũng mang lại một sự ổn định xã hội, và đến năm 1950 đã bảo vệ Phật
giáo một cách có hiệu quả trước sự tràn ngập của nền văn minh hiện đại.
Hơn thế nữa, Lạt-ma giáo còn chứng tỏ một cách đáng ngạc nhiên là họ
hoàn toàn không bị ảnh hưởng của lòng ham muốn như thông thường, vốn đã
dẫn đến sự sụp đổ của tăng đoàn trước đây ở châu Á.
Năm 1953, ở vùng Ladakh theo Lạt-ma giáo, những tá điền trung thành canh
tác trên các vùng đất của tự viện đã chống lại việc sung công đất đai
của chư tăng. Chính phủ Ấn Độ đã phái đến một ủy ban, và họ báo cáo về
rằng “... thật đáng ngạc nhiên là những người tá điền này có thể giành
được những vùng đất đai từ các chủ sở hữu1 bằng vào hiệu lực của Đạo
luật đất đai (hủy bỏ các sở hữu đất đai quy mô lớn), nhưng họ lại thống
nhất quyết định là những vùng đất đai này nên được giữ nguyên thuộc
quyền các chủ sở hữu và nên đưa ra ngoài ảnh hưởng của Đạo luật... ”
(trang 30-31 trong báo cáo của Ủy ban Wazir).
Tín đồ Phật giáo trước đó vẫn thường cố nắm lấy cả quyền lực thế tục và
quyền lực tâm linh. Đây là lần đầu họ thành công trong việc này. Lợi thế
có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Những điều kiện thuận lợi cho một đời
sống tín ngưỡng có thể được đảm bảo, chủ nghĩa quân phiệt bị kiềm chế
đến mức tối thiểu, súc vật được bảo vệ, nạn cướp giật của cải bị ngăn
chặn, sự náo loạn và bạo động bị loại trừ.
Vai trò lãnh đạo đương nhiên của các vị Lạt-ma được hỗ trợ bởi sự nới
rộng các lãnh vực tinh thần mà họ quan tâm, có thể thấy trong những
chương trình học tập mà Hoàng phái áp dụng, trong hệ thống thần linh
rộng rãi và đa dạng, và trong sự hiện diện khắp nơi của những đối tượng
tín ngưỡng.
Tuy nhiên, bất chấp sự thành công rõ nét này, một sự suy thoái tín
ngưỡng đã bắt đầu từ sau thế kỷ 17. Thói quen dựa vào bạo lực của vị
Đạt-lai Lạt-ma thứ 5 (1617-1682)1 là một dấu hiệu xấu cho tương lai. Hệ
thống Lạt-ma dần dần trở nên cứng nhắc. Cho đến thế kỷ 18, những ảnh
hưởng từ nước ngoài đã từng được đón nhận và khuyến khích. Nhưng từ đó
trở đi, Tây Tạng hoàn toàn khép kín, và biện pháp này phản ánh một sự e
ngại nhất định từ trong nước. Sự suy thoái tự nó được bộc lộ một cách rõ
ràng qua các tác phẩm nghệ thuật, từ đó trở đi chỉ cho thấy một kỹ năng
máy móc hơn là tài năng sáng tạo. Dấu vết của những phẩm chất đã từng
nổi bật trong nền nghệ thuật Tây Tạng ở đỉnh cao của nó, giờ đây trở nên
rất hiếm hoi, mặc dù là vẫn còn có thể nhận ra được – với sự cháy bỏng
và vẻ quyến rũ gần như kỳ diệu, lòng từ bi và kinh hãi vượt mức, vẻ nhẹ
nhàng thanh thoát và sự rung động ma quái, và sự khéo léo gần như siêu
việt trong việc phối trí, điều hòa màu sắc.
Trong một thời gian dài, địa hình hiểm trở và sự kình chống nhau giữa
các thế lực đã giữ cho nước này không bị chinh phục. Giờ đây, nền văn
minh hiện đại đang tràn vào. Đường sá, y tế, cải cách đất đai và sự phát
triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên đều đã bắt đầu, với những hậu
quả hủy diệt khôn lường đối với các truyền thống tôn giáo.
8. MÔNG CỔ
Người Mông Cổ hai lần được giáo hóa bởi các cao tăng Tây Tạng. Lần
đầu vào năm 1261 là vị đứng đầu dòng Saskya tên là Thags-pa, và lần tiếp
theo vào năm 1577 là đức Đạt-lai Lạt-ma.1 Trong khoảng thời gian từ năm
1368 đến năm 1577, họ lại quay lại với đạo Shaman ở bản xứ.
Chính khả năng làm pháp thuật của người Tây Tạng đã gây ấn tượng mạnh
nhất đối với người Mông Cổ. Marco Polo đã kể lại nhiều điều kỳ lạ về
những pháp thuật đa dạng mà các vị Lạt-ma đã làm tại triều đình của Đại
Hãn,2 và sau này, khi đức Đạt-lai Lạt-ma du hành đến thăm Altan Chagan,
thủ lĩnh của miền đông Mông Cổ, ngài cũng bộc lộ năng lực mầu nhiệm của
mình ở khắp mọi nơi, như làm cho những con sông chảy ngược lên đồi,
những con suối trào lên giữa sa mạc, và những dấu móng ngựa của ngài để
lại tạo thành hàng chữ “Án Ma Ni Bát Di Hồng”.3
Do việc người Mông Cổ tin theo Phật giáo, các vị Lạt-ma giờ đây đảm nhận
những nghi lễ pháp thuật mà trước kia do đạo Shaman thực hiện. Việc coi
trọng sinh mạng theo giáo lý đạo Phật được bắt buộc thực hiện theo luật
pháp, cấm hẳn việc hy sinh đàn bà, nô lệ và súc vật theo tập tục của
đạo Shaman, và hạn chế việc săn bắn.
Với kết quả của lần hóa đạo đầu tiên, Lạt-ma giáo chia sẻ sự giàu có của
đế quốc Mông Cổ, có thể lập nên nhiều chùa và đền thờ ở Trung Hoa, đặc
biệt là ở Bắc Kinh, và có được quyền lực mạnh mẽ dưới triều nhà Nguyên
(1279-1367).4
Lần hóa đạo thứ hai được theo sau bởi một sự nhiệt thành tín ngưỡng cho
thấy những gì mà Phật giáo có thể tạo ra được trên khắp lãnh thổ của một
quốc gia. Lòng sùng đạo của dân Mông Cổ dường như là không có giới hạn.
Kinh điển được dịch sang tiếng Mông Cổ, và hàng ngàn tự viện nguy nga
được xây cất, với số người xuất gia chiếm đến 45% số nam giới trong
nước, và là những trung tâm thường xuyên của các sinh hoạt văn hóa đáng
kể.
Vào thế kỷ 13, sự chinh phục Iran của người Mông Cổ đã dẫn đến việc
thành lập các trung tâm văn hóa Phật giáo trên lãnh thổ Iran khoảng nửa
thế kỷ trước khi các lãnh tụ Mông Cổ chuyển sang theo Hồi giáo vào năm
1295.1
Lần thứ hai người Mông Cổ quay sang với Phật giáo đã lan rộng tôn giáo
này sang các sắc dân du mục khác, như người Buryat và Kalmuk. Urga trở
thành một trung tâm lớn của Lạt-ma giáo.
Vị Hutuktu2 cuối cùng mất năm 1924, và quyền hạn chuyển sang nhà nước
Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Suốt trong 300 năm, lòng sùng kính của người
Mông Cổ đối với Phật giáo đã thể hiện rõ qua sự nhiệt thành mạnh mẽ, và
bởi vì niềm tin sâu xa, họ đã không tính đến cái giá phải trả: một mức
độ suy kiệt nhất định của đất nước, như trường hợp tương tự của Triều
Tiên vào thế kỷ 14. Lẽ tất nhiên là khi ấy họ buộc phải quay sang một
đối tượng khác hơn.
9. THỰC TRẠNG HIỆN NAY
Trong suốt thế kỷ vừa qua, Phật giáo đã phải dành phần lớn năng lực
của mình để tự duy trì trước những thế lực mạnh mẽ của lịch sử hiện đại,
và quả thật điều đó không dễ dàng. Không có nơi nào Phật giáo giành
được thế chủ động. Vào thập kỷ 50, nhiều tín đồ Phật giáo châu Á chào
đón lễ kỷ niệm lần thứ 2.500 sự giác ngộ của đức Phật, được biết đến với
tên gọi là Buddha Jayanti,3 hàm ý về sự chiến thắng của ngài trước Ma
vương, tượng trưng cho cái chết, cho tội lỗi, và cho thế giới trần tục
này. Tuy nhiên, sự kiện này được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành lớn lao
trong mối quan tâm đến Phật giáo không phải về mặt tinh thần, mà là một
lực lượng xã hội. Có lẽ còn hơn cả người châu Âu, ngày nay đa số người
châu Á không còn quan tâm đến các vấn đề tôn giáo. Những vấn đề xã hội
và chính trị dường như đối với họ cấp thiết hơn nhiều.
Phật giáo là yếu tố chung duy nhất đối với tất cả các nền văn hóa châu
Á, ít nhất là kể từ sông Indus và rặng Hindu Kush cho đến Kyoto và đảo
Java. Tất cả những ai sống ở châu Á đều có thể tự hào về một tôn giáo
không những có trước tôn giáo của phương Tây đến 5 thế kỷ, mà còn được
truyền bá và tồn tại mà không dựa vào bạo lực, không vấy máu của các
cuộc thánh chiến và không sử dụng đến những biện pháp tàn bạo, cuồng
nhiệt.
Tinh thần dân tộc là động lực chính trong giai đoạn lịch sử này, và
những thành quả mà tín đồ Phật giáo đạt được là rất đáng tự hào. Ấn Độ
trân trọng đức Phật như một trong những bậc đạo sư vĩ đại nhất của họ,
và vua A-dục, một người Phật tử, là một trong những nhà cai trị xuất sắc
nhất của họ. Không chỉ ở Ấn Độ, mà cả ở Trung Hoa, Nhật Bản và Tích
Lan, những giai đoạn lịch sử huy hoàng nhất đều đúng là những giai đoạn
Phật giáo hưng thịnh nhất.1 Những công trình kiến trúc nguy nga và vô số
tác phẩm nghệ thuật cũng như một nền văn học đồ sộ, tinh tế và hoàn mỹ
đã chứng tỏ được sức phát triển không ngừng của những giá trị văn hóa
cao. Dĩ nhiên, theo quan điểm Phật giáo thì tất cả những điều này chỉ là
tầm thường, là những thành quả phụ thuộc có được nhờ vào sự tận lực tu
dưỡng tinh thần. Nhưng quả thật, sự tầm thường này là quá sức rực rỡ.
Những lời tiên đoán từ đầu Công nguyên đã đưa ra một hạn kỳ 2.500 năm
như là thời gian tồn tại của Phật giáo. Sau thời gian đó, ngay cả các vị
tăng cũng sẽ chỉ giỏi việc tranh chấp và bất đồng, còn giáo lý thì dần
dần ngày càng mờ nhạt.
Thực tế quan sát cũng cho thấy rằng, giống như những tôn giáo truyền
thống khác, Phật giáo đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của nền văn minh
công nghiệp. Sự hủy hoại của nó gần như đã có thể kịp hoàn thành trong
khoảng 20 năm kể từ dịp lễ kỷ niệm 2.500 năm của Phật giáo.
Cũng phải ghi nhận thêm rằng, đáng chú ý nhất là những công trình đáng
kể đã được thực hiện trong những năm gần đây ở Miến Điện, Thái Lan, Nhật
Bản và Tích Lan để duy trì sự sinh động của Phật giáo và khôi phục
những phương pháp thiền định cổ xưa. Chính trong môi trường cách biệt
của những trung tâm thiền định mà niềm tin xưa kia được khôi phục, và
mang lại những lợi ích mới cho cuộc sống.
Trong khi những nền tảng vững chắc của Phật giáo ở phương Đông dần dần
theo nhau sụp đổ, thì để bù đắp lại, tôn giáo này đã từng bước, chậm
chạp nhưng vững chắc, lan rộng dần ra khắp các nước phương Tây. Tại đây,
Phật giáo được tiếp nhận theo ba mức độ khác nhau: triết học, học thuật
và tôn giáo.
1. Sự tiếp nhận về mặt triết học được khởi đầu với Athur Schopenhauer1
vào năm 1819, và tiếp tục duy trì với một tốc độ khá ổn định kể từ đó.
Mặc dù chỉ có được rất ít các kinh văn nguyên thủy, Schopenhauer đã tái
tạo hệ thống tư tưởng Phật giáo của những người Kantian thời cổ một cách
chính xác đến nỗi người ta có thể tin chắc rằng ông đã nhớ lại những
điều này từ trong tiền kiếp. Về phần mình, ông đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ
đến các nhạc sĩ như Richard Wagner,2 triết gia như Bergson,3 và rất
nhiều tài năng sáng tạo khác ở Tây Âu. Từ một góc độ khác biệt hơn,
thiên tài Helena Petrovna Blavatsky4 đã giới thiệu với phương Tây nhiều
giáo lý cơ bản của Phật giáo Đại thừa, và trong một chừng mực nào đó, tổ
chức Theosophical Society5 của bà đã tạo điều kiện cho những nghiên cứu
sâu xa hơn nữa. Trong những năm gần đây hơn, các triết gia khác biệt
nhau như Rickert, Jaspers,1 Wittgenstein2 and Heidegger3 đã tỏ ra chịu
nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo. Trong 20 năm vừa qua4 đã hình thành một số
lượng tác phẩm văn chương đồ sộ viết về mối quan hệ giữa các hệ thống
tư tưởng khác nhau của Phật giáo với hệ thực hiệnống tư tưởng của các tư
tưởng gia châu Âu hiện đại. Những tác phẩm này hầu hết đều có giá trị
cao đến mức đã để lại nhiều dấu ấn trong tư tưởng triết học phương Tây
cũng như phương Đông.
2. Trong vòng 150 năm, vô số các tư liệu trong lịch sử Phật giáo, cho dù
là dưới hình thức văn bản hay các tác phẩm nghệ thuật, đã lôi cuốn sự
chú ý của rất nhiều học giả. Trong một chừng mực nào đó, mối quan tâm
này được thúc đẩy bởi nhu cầu cai trị của những chính phủ xâm lược,
những người đã nhận ra tín đồ Phật giáo trong số dân ở những vùng mới bị
chinh phục. Theo chiều hướng này, người Nga bắt đầu nghiên cứu quan
điểm tín đồ Phật giáo vùng Siberia của họ. Người Anh, với Rhys David là
một trong số đó, quay sang nghiên cứu về Phật giáo ở Tích Lan để tìm câu
trả lời cho thái độ của người dân về quyền sở hữu đất đai đã làm họ bối
rối. Người Pháp đã làm việc này một cách xuất sắc với Viện Viễn Đông5
đặt trụ sở tại Sài Gòn cũ. Về sau, ngay cả người Mỹ cũng đưa vào trong
quân đội của họ một trường học dạy các ngôn ngữ phương Đông, đã đào tạo
ra trước nhất những nhà Đông phương học mà hiện nay đang làm việc tại
các trường đại học Hoa Kỳ. Sinh viên tốt nghiệp từ trường này được hưởng
tài trợ từ ngân sách quốc phòng,6 được hưởng trợ cấp làm việc từ CIA,
FBI và nhiều tổ chức lớn. Nhưng vẫn chưa phải đã hết. Vì Phật giáo tỏ ra
là hình thức dễ truyền bá nhất của nền văn hóa Ấn Độ, nên không có bất
cứ một hình thức tư tưởng nào khác của châu Á có thể thu hút được nhiều
sự quan tâm hơn ở châu Âu. Không một tôn giáo nào khác có thể thu hút
được một số lượng khổng lồ các tài năng học thuật đến như vậy. Không chỉ
là các nhà ngôn ngữ học hàng đầu bị lôi cuốn vào những loại ngôn ngữ,
thường là rất khó hiểu, mà Phật giáo sử dụng để trình bày, mà cả những
trí huệ bậc thầy cũng phải hết sức tập trung vào việc diễn dịch sự tinh
tế và thông tuệ trong tư tưởng Phật giáo. Phải mất một thời gian dài để
có thể hiểu hết được cách suy nghĩ của tín đồ Phật giáo, hay thậm chí
chỉ để hiểu được những thuật ngữ mà họ dùng. Ban đầu, người châu Âu xuất
phát từ vị trí tương tự như các nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại, với tất
cả giáo sĩ đều đã chết, buộc phải suy đoán bừa bãi và loay hoay để giảm
thiểu những gì mà đối với người Ai Cập là những thành quả trí huệ cao
nhất trở thành một mớ hỗn độn phi lý. Sự việc giờ đây cũng tương tự với
những người phiên dịch đầu tiên – các viên toàn quyền, các nhà truyền
giáo, các viên chức quân sự và các nhà quản lý tài chánh. Với họ, Phật
giáo dường như là một sự vô nghĩa đến phi lý. Dĩ nhiên cũng có một vài
ngoại lệ, như trường hợp của R. C. Childers (khoảng năm 1870) là một. Và
noi theo dấu chân ông, sau một thời gian thì những kẻ chinh phục châu Á
ngạo nghễ kia đã phải cúi xuống và cố tìm học về Phật giáo từ những
tăng sĩ còn sống sót ở Nhật Bản, Tích Lan và Siberia. Cho đến thập kỷ
1930 thì mọi việc tạm ổn, và người phương Tây giờ đây có thể phần nào tự
tin trong việc nắm bắt những ý nghĩa tinh thần mà các các giả Phật giáo
muốn truyền đạt.
3. Từ đỉnh cao thượng tầng triết lý, thấp dần xuống triền núi học thuật,
và giờ đây chúng ta xuống đến vùng đồng bằng với Phật giáo như một tôn
giáo phổ cập cho mọi người. Các tổ chức Phật giáo đã hình thành nhanh
chóng trong khoảng gần 80 năm qua, chủ yếu là ở các nước theo đạo Tin
Lành. Ở đó, họ thành lập một trong những chi phái nhỏ hơn không theo tôn
giáo chính.1 Họ cố vượt qua lòng bác ái của Chúa với tâm từ bi của Phật
vốn ôn hòa hơn, cố xác định ý nghĩa của kinh điển từ những bản dịch Anh
ngữ thường là không chính xác mà lại không dùng nhiều đến nguyên bản,
và cố đưa thêm phép thiền định với những sức hấp dẫn xa lạ vào trong số
những việc thiện, một cuộc sống không lỗi lầm và sự phê phán không ngừng
của hàng trí giả. Trong vòng 20 năm qua, các nhóm này và những cuộc họp
mặt trao đổi của họ đã nhanh chóng gia tăng về số lượng và sức mạnh tài
chánh. Ban đầu, họ khơi nguồn cho những hoạt động của mình hầu như chỉ
hoàn toàn từ những gì học được trong các kinh điển bằng tiếng Pli. Như
những tín đồ Tin Lành thuần thành, họ tin rằng đây là một kiểu Phúc Âm
nguyên thủy – giáo pháp của đức Phật trong sự thuần khiết hoàn toàn. Và
rồi sau đó, những ấn bản đầy ấn tượng tuyệt vời của Daisetz Teitaro
Suzuki vào thập kỷ 1930 đã khơi dậy một cao trào của những gì được tự mô
tả là Zen (Thiền học). Conze và một số tác giả khác cung cấp thêm những
kiến thức đầy đủ hơn về kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa và các kinh văn Đại
thừa khác của giai đoạn đầu. Và từ năm 1950, đã có nhiều nỗ lực để đưa
thêm một số kinh điển Tan-tra vào. Ở Hoa Kỳ, cùng với những nhóm Phật
giáo có tổ chức, một số cá nhân tài năng như Alan Watts và Gary Snyder
đã gieo rắc khắp nơi rất nhiều ý tưởng mới lạ, như những hạt giống được
tung về mọi hướng. Và đến thập kỷ 1960, họ tạo được một số ảnh hưởng đối
với lối sống “phản văn hóa” vốn là hệ quả kéo dài của sự chống đối lại
áp lực từ một xã hội tiêu thụ công nghệ và nỗi kinh hoàng trước cuộc
chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, nói chung thì những tín đồ Phật giáo
thường chỉ sống trong cộng đồng của mình và có rất ít ảnh hưởng đối với
thế giới bên ngoài. Hiện nay, không ai có thể ước đoán được những tiềm
năng của họ. Mọi thứ liên quan đến họ đều khó hiểu – cho dù đó là số
lượng tín đồ, là năng lực tài chánh, nguồn gốc xã hội của các thành
viên, những động lực, sự trưởng thành về tâm linh, quan điểm về giáo lý,
hay mức độ ảnh hưởng... Vậy thì tại sao lại phải dự đoán chuyện tương
lai? Tinh thần bất vụ lợi và sự quên mình đã từng là những vũ khí công
hiệu nhất của tín đồ Phật giáo trong quá khứ. Nếu giờ đây họ lại bắt đầu
lo lắng về việc liệu các tổ chức Phật giáo có tồn tại nổi trong thế
giới phương Tây hay không, họ sẽ không còn giữ đúng theo được những gì
mà các bậc tiền bối tinh thần của họ đã vạch ra.
Khi được hỏi rằng: “Làm thế nào để một giọt nước có thể chẳng bao giờ
khô đi?” Đức Phật đã trả lời: “Hãy cho nó vào biển cả.” Chính vì những
phát ngôn sâu sắc theo cách như thế này mà ngài đã được tôn xưng là Đấng
Giác Ngộ.