Ngài Huyền Trang ra đi, phải qua một con sông rộng, nhưng đường sá
không lấy gì làm khó lắm. Cả vùng này thuộc về người Thổ miền Tây kiểm
soát, thường có tuần tra canh phòng luôn luôn. Nhưng bởi đường quá dài,
nhiều khoảng vắng, nên việc tuần phòng dầu kỹ lưỡng, quân gian ác cũng
dễ hoành hành. Chúng hay đón người giật của, kéo nhau đi cả đoàn rất
đông, có đủ khí gới, cung tên. Ngài đi được hai ngày, gặp một bọn cướp
đến hai ngàn người Thổ. Chúng mới vừa thâu đoạt tiền của và vật dụng của
một tốp bộ hành. Song vì phân chia không đồng mà chúng xung đột, đánh
đập nhau rồi giải tán. Việc cướp bóc ở giữa nơi đồng vắng, trên đường lữ
hành... vốn là những tấn tuồng tự cổ chí kim thường diễn ra trên những
cánh đồng rộng, những vùng núi cao ở Á Châu này...
Ra khỏi miền đồng bằng, bây giờ dần dần lên vùng núi cao, hai bên triền
phủ đầy những tuyết. Ngài càng đi càng lên cao, đường núi rất dễ ghê sợ.
Ngài Huyền Trang có ghi lại mấy dòng này, có thể cho ta biết được những
cảm giác của Ngài khi ấy:
Đến đây, trông ra toàn là một dãy núi bằng tuyết ở về phía Bắc núi
Bạch-mễ-nhĩ. Chỗ này rất nguy hiểm và đỉnh núi lướt lên tới tận trời
xanh. Có lẽ từ lúc khai thiên lập địa đến nay, tuyết cứ bao phủ luôn
luôn mà làm cho núi cao càng thêm cao, chất chồng lên đầy những khối
tuyết to lớn lạ thường. Ròng rã quanh năm suốt tháng, dù hạ dù đông,
cũng không bao giờ tuyết tan rã. Mênh mông tứ phía, xa đến tận chân trời
cũng chỉ là tuyết lẫn với mây. Càng xem kỹ càng thấy tuyết trắng phau.
Chỗ cao chỗ thấp không chừng, làm cho người đi phải đi lên đi xuống, lại
phải đi quanh đi vòng, rất lấy làm khổ. Lại thêm một nỗi, gió mạnh như
bão táp, đưa đến ném vào mặt những khối tuyết như cả tảng đá bay. Dù là
giày là vớ, với áo trùm bằng lông năm bảy chiếc, cũng không khỏi phải
lạnh run lên được. Cho đến muốn ăn, muốn ngủ, cũng chẳng kiếm ra được
chỗ nào. Thôi thì cứ nấu đồ trên không mà ăn và trải chiếu trên tuyết mà
nghỉ.
Trong chuyến qua núi Thiên sơn ấy, Ngài phải mất đến mười bốn người
trong đoàn, chết vì giá rét. Chưa kể số ngựa, bò trong đoàn lăn ra chết
cũng nhiều.
Qua khỏi triền núi phía Bắc, Ngài đi dọc theo ven một con sông, chẳng
bao lâu đến một cái biển hồ. Nước trong hồ này ấm áp quanh năm, không
bao giờ đông lại như các nơi. Biển hồ này gọi là Thanh Hải, chu vi chừng
hơn một ngàn lý. Theo chiều Đông Tây lại có phần rộng hơn chiều Nam
Bắc. Bốn phía đều có núi non bao phủ và rất nhiều sông suối đổ ra hồ
này. Xem nước có màu xanh và đen, còn nếm thì vị mặn và chát. Khi thì
sóng chạy đùa thành những cụm rất dài, khi lại trồi sụp coi rất ghê sợ.
Nước chỗ này nóng và dọc theo bờ thì ấm áp. Vì vậy nên đến mùa đông,
những ông hoàng Thổ thường đến nơi đây tránh lạnh. Ngài đi vòng lên phía
Bắc. Đến gần thành Souei-ye thì gặp vua nước Thổ miền Tây đang ngự đi
săn.
Bấy giờ là đầu năm 630. Lúc đó nước này đang cường thịnh đến cực điểm,
ưa thích việc binh đao. Trong khoảng ngoài một trăm năm, từ đầu thế kỷ
thứ sáu đến thế kỷ thứ bảy, họ hăng say tung hoành ở giữa cõi Á Châu,
tóm thâu những nước nhỏ ở gần và kết tình liên bang với mấy nước mạnh
như Ba-tư và Byzance. Dân cư xứ này thời ấy sống tụ tập thành nhiều bộ
lạc, ưa thích việc gây gỗ, tranh chiến, cho nên thừa khi thế mạnh, họ
bèn kéo đi đánh và cướp giật đát đai, tiền bạc của những dân quanh vùng.
Nhưng họ cũng biết sợ quả báo tội phước, nên lại trọng đạo đức nhà Phật
lắm. Vào năm 580, vua xứ này tu theo Phật giáo và học đạo với một vị
cao tăng. Kế đến đời vua này là Tong-Che-Hou, gặp Ngài Huyền Trang thì
vua lấy làm kính trọng lắm.
Sử nhà Đường cũng có chép rằng Tong-Che-Hou là một vị vua oai dũng. Tuy
làm chúa một dân tộc du mục mà giang san rộng rãi mênh mông, cơ nghiệp
hùng mạnh lắm. Nơi biên thùy, một phía mở ra giáp với Ba-tư, một phía
lan rộng đến tận Trung Hoa, thành một vị đại đế thống nhiếp nhiều nước.
Vua là một người chinh chiến nhanh nhẹn, can đảm, binh pháp thông thạo.
Vua biết thừa lúc những nước lớn đang tranh giành nhau dữ dội, mà chiếm
đoạt và đuổi xua những nước nhỏ làm cho cơ nghiệp càng mở rộng thêm,
chạy dài xuống tận xứ Càn-đà-la. Mỗi nơi vua đều có đặt người trong
dòng họ mình trấn thủ và ngăn ngừa việc binh tình ở bên ngoài. Bấy giờ,
vua nghiễm nhiên là một vị đại đế cường thịnh, chung quanh là các nước
chư hầu giữ lễ bề tôi và dâng nộp cống phẩm. Với mấy nước yếu, vua tha
hồ lấn hiếp và bóc lột, nhưng với những nước mạnh thì vua lại biết cách
xử trí rất khéo léo. Như đối với Trung nguyên, đời nhà Đường, vua giao
thiệp thân mật lắm. Vào năm 620, nhằm đời Đường Cao Tổ, vua Thổ có phái
sứ qua Trung Hoa, hỏi cưới một vị công chúa, và đến năm 627, nhân Đường
Thái Tông lên ngôi, vua ấy đi lễ cho hoàng đế Trung Quốc một sợi dây
ngọc đái nhận cả muôn hạt thủy xoàn với năm ngàn con ngựa. Lúc ấy, vua
Thái Tông phải lo dẹp giặc Mông-cổ, định nên hòa hiệp với nước xa mà
đánh những nước gần. Vì vậy rất sẵn lòng giao thiệp. Tuy vua Thái Tông
không gã công chúa, nhưng cũng giữ tình lân bang rất đậm đà và coi vua
nước Thổ miền Tây như một người bạn trung thành vậy.
Ngài Huyền Trang có nhận xét về binh pháp của họ như thế này:
Quân mã của họ đông đảo vô cùng. Vị chúa thượng xem rất oai nghi, mình
mặc áo gấm xanh, đầu không đội mão, thả tóc thòng xuống, nhưng chỗ trán
có nịt bằng lụa và giắt mối rớt xuống về phía sau. Chung quanh là hai
trăm vị quan võ, mặc toàn áo đẹp trang trí bằng lông chim và cả thảy đều
để tóc dài. Còn bao nhiêu binh tướng đều là những người thông thạo việc
cưỡi ngựa cầm thương, mặc áo lông, nai nịt hẳn hòi, có đủ khí giới,
cung tên. Quân binh đầy đặc, số không tính xiết, sắp thành hàng ngũ
trông đến mút tầm mắt.
Ngài tả về binh tướng và vua chúa của họ, rõ ràng là một dân tộc dã man,
bạo ngược, chưa có nề nết thuần, chỉ giỏi trong việc chiến chinh thôi.
Họ chuyên về sự chiếm đoạt, cho nên muốn chiếm lấy nước nào thì liền
động binh. Họ cứ xâm lấn và đánh phá mãi, nên chẳng bao lâu mà cơ nghiệp
họ rộng rãi, phú cường, trở thành một nước có thế lực nhất nhì ở Á
châu. Binh pháp của họ cũng tiến bộ mãi, vào lúc ngài Huyền Trang đến đó
là đã lên đến cực điểm rồi.
Nhưng là một dân tộc cốt trọng việc lên ngựa cầm thương, ngoài ra không
biết gì nữa. Văn học, khoa học, luân lý, đạo nghĩa họ đều không rành.
Binh đội tuy mạnh mà phong tục vẫn dã man. Dầu cho họ bạo phát thì lại
bạo tàn. Một phen suy tàn, họ sẽ ngã rất đau, nào có chút tinh thần gì
để gìn giữ lại. Mấy năm về sau, họ bị binh tướng nhà Đường đánh phá rất
nguy. Vua Thái Tông thâu lại cho Trung Hoa một phần đất rộng dưới quyền
họ. Rồi chẳng bao lâu sau, họ tan rã hết.
Tuy họ không có phong tục vững vàng, nhưng cũng mộ đạo lắm. Mấy năm
trước, nhà vua có rước một vị cao tăng tên là Prabh Karamita. Vua lấy
làm thích ý và kính trọng lắm. Mỗi khi có việc quan hệ đều đến hỏi ý
kiến. Vị cao tăng ấy và mười nhà đại đức ở dạy đạo cho vua Thổ và bá
quan, cho đến năm 626 thì sang truyền đạo bên Trung Hoa. Các vị ấy đi
được bốn năm, ngài Huyền Trang mới lại. Vua trọng đãi Ngài và vẫn còn
nhắc nhở đến đức hạnh của vị cao tăng kia.
Vua gặp Ngài đang lúc đi săn, khi mãn cuộc săn bèn thỉnh Ngài về thành
Tokmak. Vua ngự trong một lều trại to lớn lợp bằng nỉ tốt, có kết tụi
treo bông bằng vàng. Các quan ngồi hai hàng trên chiếu, mặc toàn đồ
chiến trận. Phía sau có binh tướng hộ vệ đứng hầu. Tuy là chúa của một
dân tộc du mục, nhưng xem ra cũng oai nghi lẫm liệt lắm.
Vua với triều thần đương lúc ngồi trên các nước chư hầu, bờ cõi xa đến
tít mù, đều lấy làm khoái chí, cùng nhau bày chuyện vui mừng, hết đi săn
bắn thì đến những tiệc rượu ê hề. Trong khi ăn thịt ngon uống rượu
nồng, lại có âm nhạc trỗi lên làm cho người ta càng dễ bề mê mệt.
Vua khiến quân dọn cơm chay đãi Ngài, đồ ăn khéo nấu, với bánh trái rất
nhiều. Một bên là vua ngồi ăn yến với các sứ giả ngoại quốc và đầu mục
các đoàn, một bên là Ngài dùng đồ chay. Vua rất quan tâm đến Ngài. Khi
mãn tiệc, vua thỉnh Ngài giảng đạo. Bấy giờ giữa các sứ giả, đầu mục,
các vị vương tử, giữa triều đình nước Thổ miền Tây, trước mặt vua
Tong-che-hou, Ngài thuyết giảng những lý cốt yếu của đạo Phật. Ngài
giảng về giáo lý từ bi đối với mọi sinh vật, giảng về những phương pháp
để thoát khỏi sự ngu si và giải thoát hoàn toàn. Ngài thuyết pháp xong,
vua quỳ xuống đất và lấy làm hoan hỷ mà thưa rằng mình rất thành tâm mà
thọ giáo.
Bấy giờ đã nhận ra Ngài là là một bậc danh sư, vua rất kính trọng. Và
lại cũng như vua Cao-xương, muốn cầm Ngài ở lại triều mà phong quyền
tước. Vua muốn làm cho Ngài ngã lòng nên phán rằng: Bạch Đại Đức, Ngài
không nên qua Thiên Trúc. Đó là một xứ nóng nực khó chịu lắm, cho đến
mùa đông trời cũng nóng như mùa hạ. Nếu Ngài đi, chưa qua đến đó, tôi e
mặt mày Ngài sẽ cháy nám hết đi. Dân ở xứ đó đen đủi, phần đông kéo đi
trần truồng coi ra thô tục lắm. Ngài đến đó mà làm gì, chẳng đáng công
đâu.
Ngài Huyền Trang đáp rằng: Bệ hạ thương mà phán như vậy, song bần tăng
đã nhất định đi tìm đạo lý, viếng dấu tích cũ và lần theo gót chân Phật
tổ ngày xưa.
Vua không ép được, đành phải nghe theo. Bèn khiến quan viết sắc điệp
giới thiệu mà giao cho Ngài. Đến các nước chư hầu, Ngài cứ trình ra, mấy
ông hoàng sẽ trọng đãi lắm. Và vua có phái sứ đưa Ngài đi đến tận xứ
Ca-bì-sa. Ngài nhờ lòng quảng đại và sức hộ trợ của bậc đại đế ấy nên
đến đâu cũng được dễ dàng.
Nhưng Ngài đi rồi, ngay trong năm ấy vua bị ám sát chết. Vua vừa chết
thì mười bộ lạc đều giải tán, binh lính tan rã hết. Chẳng bao lâu, công
nghiệp đồ sộ kia tan tành như mấy dãy đền đài gặp khi long trời lở đất.
Một phen tan rã, họ không còn để lại dấu vết gì trên hoàn cầu này nữa...
Ngài Huyền Trang nhắm hướng Tây đi tới. Qua khỏi một hòn núi lớn, Ngài
đến một chỗ rất lạ, có chín con sông giáp lại thành ra một mối. Vùng đất
này vuông vức chừng hai trăm dặm. Phía nam là những đỉnh núi tuyết, ba
phía còn lại đều giáp với đồng bằng. Chỗ này có đủ nước nên đất đai phì
nhiêu tươi tốt, cây trái bông lá sum suê. Qua cuối mùa xuân, hoa rụng
đầy trên đất như những bức tranh thêu. Người ta cũng gọi chỗ này là
Bing-yul, có nghĩa là Một ngàn dòng suối, vì nơi đây kênh rạch và ao hồ
rất nhiều. Vùng này khí hậu mát mẻ, nên vua nước Thổ miền Tây thường đến
để tránh nóng vào mùa hạ. Lại khắp nơi đều có nhiều nai, mỗi con đều có
đeo lục lạc, khi chạy phát ra âm thanh nghe loảng xoảng. Nai quen với
người, cứ chạy chơi chỗ này đến chỗ kia, không sợ chút nào. Vua ở đây ưa
nai lắm, thích nuôi để coi chơi và có ra lệnh không cho ai giết hại. Ai
trái lệnh thì bị xử trảm. Nhờ vậy, nên nai trong vùng được thong dong,
tha hồ ăn chơi không bị giết hại.
Ngài qua khỏi sông Talas, đến một thành phố cùng tên với con sông này.
Rồi Ngài theo hướng Tây mà đi đến một xứ có danh tiếng gọi là
Tát-mã-nhĩ-hãn. Ngài phải băng qua một sa mạc mênh mông, cát màu đỏ ối.
Sa mạc này thật đáng ghê sợ, không nước, không cây cỏ, mút tầm mắt chỉ
toàn là cát với cát, không thể ước độ được đường còn bao xa. Ngài phải
trông về hướng xa, theo mấy đỉnh núi, cùng dựa vào dăm ba bộ hài cốt của
bộ hành chết khát để lần đường mà đi. Vượt qua đến chừng 250 cây số,
mới đến một con sông gần thành Tát-mã-nhĩ-hãn. Đây là một xứ cổ, vì lúc
Ngài Huyền Trang ghé, nhận thấy dân ở đây đã có nền văn minh từ trước
khoảng ngàn năm rồi.
Sử nhà Đường còn chép rằng: ... Người xứ Tát-mã-nhĩ-hãn giỏi về thương
mãi, trọng việc sanh lợi. Trong mỗi nhà, con cái được hai mươi tuổi thì
cha mẹ cho đi làm ăn xa. Và tìm được chỗ nào làm có tiền bạc thì họ đến ở
đó...
Lúc Ngài Huyền Trang đến, tình hình thương mãi trong xứ cũng thịnh hành,
địa thế rất tốt, vì thương khách Trung Hoa muốn qua xứ Y-lan hay là
thương khách xứ Y-lan muốn qua Trung Hoa, đều phải ghé lại đó. Trong xứ
này có những phẩm vật tốt ít nơi sánh bằng và quý giá lắm. Đất đai có đủ
thứ cây trái đắt tiền nên thu lợi cao.
Người trong xứ thường hay giao thiệp với nước Ba-tư. Phong tục và chữ
nghĩa giống bên ấy nhiều phần. Về tôn giáo thì họ tin thờ thần lửa.
Tát-mã-nhĩ-hãn đã mấy lần bị xâm lược, nhưng cũng giành lại được chủ
quyền. Lúc Ngài Huyền Trang đến, tuy nước ấy được tự trị mà vua phải nạp
lễ cống cho vua Thổ miền Tây. Tuy nhiên, tình thế không có gì căng
thẳng, vì hai bên còn có quan hệ họ hàng.
Tuy vậy, họ cũng có lòng sợ những nước mạnh, nên vào năm 631, nhà vua
có sai sứ sang Trung Hoa xin nhận mình làm một nước chịu sự bảo hộ. Vua
Thái Tông thấy xứ Tát-mã-nhĩ-hãn rất xa xôi, cách trở bởi nhiều đồng cát
nguy hiểm nên không muốn. Vua phán rằng: Trẫm không muốn tham danh vọng
mà làm hại dân. Nếu trẫm nhận bảo hộ nước ấy, thì phải đưa binh đến đó
để ngăn ngừa khi giặc giã. Tội nghiệp cho quân lính phải trải qua cả
muôn dặm đường, trẫm đâu có nỡ.
Vua Thái Tông tuy không muốn giúp sức mà cũng vui lòng giao thiệp với
nước Tát-mã-nhĩ-hãn, thường phái sứ đến đó và cho thương khách hai nước
giao thông qua lại với nhau.
Ngài Huyền Trang vào thành Tát-mã-nhĩ-hãn, dường như đến một thế giới
khác rồi. Ngài nghĩ rằng, chỗ này ngày xưa có lẽ là một nơi danh tiếng
về đạo Phật với nhiều ngôi chùa lớn, nhưng bị ảnh hưởng của nước Ba-tư
nên người trong xứ đều bỏ phế Phật giáo. Bởi theo tôn giáo nước Ba-tư,
nên từ vua cho đến dân chúng đều không còn tin đạo Phật, chỉ trọng thờ
Thần lửa. Khi Ngài đến, vua tiếp rước có lễ phép mà trong lòng có sự
khinh bạc. Nhưng qua ngày kế, sau khi nghe Ngài thuyết pháp giữa triều
đình thì vua lấy làm kính phục lắm.
Vua trọng Ngài, một phần là do tài đức, mà một phần có lẽ cũng là muốn
làm vui lòng một nhà cao tăng của ĐườngThái Tông. Bởi vì vua đang có ý
muốn nhờ nước Trung Hoa làm chỗ dựa cho khỏi nước Ba-tư và nước Thổ miền
Tây áp bức.
Vua liền tiếp trợ cho chuyến đi của Ngài. Trong lúc đó, dân chúng ở đây
vì ghét kẻ khác đạo, lại đến phá và đốt nhà trọ của Ngài. Nhưng vua bắt
được và trừng phạt nặng nề. Nhờ có Ngài xin giùm, họ mới được giảm tội.
Nước Tát-mã-nhĩ-hãn phồn thịnh về vật chất, nhưng về tinh thần, tín
ngưỡng thì lôi thôi. Khi theo đạo này, lúc theo đạo nọ, tùy theo nước
mạnh ở gần. Chính nhờ có Ngài Huyền Trang lại, vua và đình thần vừa phục
tài thuyết giảng của Ngài, vừa kiêng oai nhà Đường, nên nhiều người đã
xin Ngài truyền giới để làm đệ tử Phật. Ngài bèn mời bá tánh lại, lập
hội trang nghiêm và ban hành những điều ước lập giáo hội tăng già, sùng
tu những chùa xưa đã hư hỏng, và chấn chỉnh nền Phật giáo trong nước.
Sau khi Ngài đi, nước Tát-mã-nhĩ-hãn gầy dựng lại đạo Phật. Vua ra lệnh
kiến lập chùa chiền và tìm đón các bậc cao tăng.
Những điều Ngài làm được thật là rất thanh cao, chính đáng. Chẳng những
Ngài chịu các điều khổ nhọc trong việc đi đường, giữ theo đạo hạnh của
người tu, mà Ngài lại còn giải thoát, cứu vớt được cho những người mê
lầm nữa.
Đi đến nhiều nơi, nhờ là dân Trung Hoa nên Ngài được người ta trọng đãi.
Nhưng lại nhờ Ngài có tài biện luận, có chí khí cao thượng mà người ta
càng kính phục nước Trung Hoa. Như có nhiều xứ còn ngần ngại chưa chịu
giao thiệp với nhà Đường, nhưng sau khi có Ngài ghé qua thì họ nhất định
phái sứ qua Trường An để ra mắt vua Thái Tông.
Ngài từ giã thành Tát-mã-nhĩ-hãn, bèn đi thẳng theo hướng Nam, đến một
hòn núi cũng là nhánh của dãy Bạch-mễ-nhĩ. Đường núi rất hiểm nguy, đầy
những hố sâu thăm thẳm. Tuy là núi mà không có cỏ cây, mạch nước. Đi
được ba trăm dặm thì đến giữa núi. Chỗ này người ta gọi là Thiết môn
quan, nghĩa là cửa sắt, vì hai dãy núi chạy dài song song nhau, ở giữa
thành một đường truông chật hẹp, đầy những hố, còn hai bên là đá chất
chồng cao đến mây xanh, mà đá thì đen sì như sắt. Thật ra thì trong núi
đá này cũng có nhiều mỏ sắt. Đi hết đường, gặp một cái cửa sắt thật, có
hai cánh lớn, trên cửa có treo lục lạc bằng sắt. Chỗ này khó đi lắm,
người ta cấm nhặt và giữ gìn rất kỹ. Đây là biên thùy phía nam của người
Thổ miền Tây. Họ canh giữ và thu thuế trong vùng cũng như những khách
buôn ra vào Ấn Độ.
Khi qua khỏi Thiết môn quan, ngoảnh lại phía sau là Trung Á, còn phía
trước là cõi Ấn độ mà Ngài đã thấy lố dạng rồi. Bao nhiêu nhọc nhằn tuy
đã trải qua, nhưng gần đến xứ Phật còn phải chịu lắm điều cực khổ bội
phần hơn nữa. Từ Trường An qua đến cửa sắt, Ngài chỉ khảo cứu về non
nước và phong tục của người, mắt thấy tai nghe lắm việc lạ hơn ở quê
nhà. Nhưng về phần đạo pháp, Ngài chưa nghiên cứu được bao nhiêu. Những
xứ Ngài đã trải qua rồi đều chỉ có phần văn minh vật chất, còn về tôn
giáo thì hầu hết là sơ sài lắm. Phần nhiều là những dân tộc bạo ngược
nương theo thời thế mà dựng nên cơ nghiệp, chứ không phải những bậc tri
thức anh hùng. Họ mới vừa tạo lập đất nước, có mấy khi đã nghĩ đến phần
đạo đức đâu...
Đến đây thì Ngài sắp gặp được những bậc cao tăng để mà luận đạo, sắp
thấy được những dấu tích của Phật tổ ngày xưa, lại sắp được viếng nhiều
ngôi chùa cổ xưa danh tiếng. Nhưng trước khi nhận hưởng được những gì mà
từ lúc bước chân ra đi Ngài đã từng mong mỏi, chừng như Ngài còn phải
chịu đựng những thử thách nhiều phen gay cấn nữa. Bấy giờ thì cửa từ bi
mới mở ra trọn vẹn cho người rộng đường bước tới, tha hồ tiếp lấy phần
đạo đức thanh cao.