Một hôm, người bạn học cùng lớp của tôi là Chandi lấy làm hân hoan mà thông báo với tôi điều này:
– Mukunda, tôi đã có địa chỉ của vị tu sĩ ngày xưa từng đánh cọp. Nếu anh muốn, ngày mai chúng ta sẽ cùng đi đến đó.
Tất nhiên là tôi đồng ý ngay. Thậm chí tôi còn cảm thấy nôn nóng, phấn
khích đến tưởng như không thể chờ đợi nổi cho đến hôm sau.
Hôm ấy trời giá lạnh, nhưng chúng tôi không hề ngần ngại lúc ra đi. Mặc
dù Chandi bảo là đã có được địa chỉ, nhưng đó chỉ là một địa chỉ khá mơ
hồ ở khu Bhowanipur, ngoại ô Calcutta. Chúng tôi phải tìm kiếm khá lâu
và vất vả trước khi đến được nơi cần đến.
Ngoài cửa nhà có treo những chiếc vòng sắt để thay cho chuông cửa. Chúng
tôi khua những chiếc vòng ấy một cách ầm ĩ, theo đúng với bầu máu nóng
nhiệt tình của tuổi thiếu niên và tâm trạng nôn nóng sau một thời gian
dài tìm kiếm. Một người giúp việc già nua chậm rãi đi ra mở cửa. Ông
nhìn chúng tôi với một nụ cười nửa mép, và hơi lắc đầu nhè nhẹ, như thể
muốn nói cho chúng tôi biết rằng những tiếng động inh ỏi kia cũng không
thể làm mất đi sự yên tĩnh cố hữu của nơi này.
Chúng tôi hiểu được ý nghĩ ấy của ông già, và thấy có phần hổ thẹn về
thái độ của mình. Vì thế, khi được mời vào phòng khách, chúng tôi đi rón
rén thật nhẹ nhàng và cố giữ thái độ nghiêm trang, từ tốn.
Tại đây, chúng tôi phải trải qua một thời gian chờ đợi tưởng chừng như
có đến hàng thế kỷ... nghĩa là đủ để làm cho sự nôn nóng của chúng tôi
bị đẩy lên thành sự căng thẳng cực độ. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu cái cổ
tục này của xứ Ấn, người đi cầu tìm chân lý trước hết phải học biết sự
kiên nhẫn, vì rất nhiều bậc chân sư dùng điều kiện này để thử thách kẻ
đến tìm mình.
Cuối cùng, ông già giúp việc cũng xuất hiện và đưa chúng tôi sang một
gian phòng khác nhỏ hơn. Vị tu sĩ tên Sohong Swami, người mà chúng tôi
muốn tìm, đang ngồi xếp bằng trên giường, mình vận duy nhất chỉ có một
tấm chăn, hay nói đúng hơn là một tấm da cọp. Thân hình để trần của ông
lực lưỡng đến mức độ tôi chưa từng thấy ai có một thân hình tương tự như
thế: to lớn và rắn chắc, bắp thịt cuồn cuộn nổi lên, cổ và vai đều to
và đầy đặn. Ông để tóc dài xuống đến vai và một bộ râu đen nhánh. Khuôn
mặt thoảng nụ cười hiền hòa, an lạc trong ánh mắt, nhưng vẫn còn phảng
phất nét hung tợn, dữ dằn với các nếp gấp sâu và màu da nâu sạm.
Chúng tôi cúi chào và đứng yên lặng một lúc lâu bên cạnh ông. Sau đó,
chúng tôi phá tan sự im lặng và nói với ông lý do chuyến viếng thăm của
mình. Chúng tôi bày tỏ lòng khâm phục với những gì đã được nghe về ông,
và rất mong sẽ được ông vui lòng trả lời một số câu hỏi liên quan đến
việc ông trở thành một tu sĩ.
Trong khi trò chuyện, tôi có cảm giác ông hiểu chúng tôi nhiều hơn những
gì chúng tôi đã tự nói ra, vì cung cách cởi mở mà ông dành cho chúng
tôi, cũng như những chi tiết ông đề cập đến trong cuộc nói chuyện, quả
thật có rất nhiều điều tôi muốn biết nhưng lại quên không nhắc đến.
Bạn tôi hỏi:
– Thưa ông, bằng cách nào mà ông đã chiến thắng con thú dữ tợn nhất rừng
già, con cọp xám ở Bengal, mà chỉ với hai bàn tay không?
Ông cười hiền hậu và nói:
– Nhiều người vẫn tưởng đó là chiến thắng anh dũng nhất trong đời tôi,
vì đó là con cọp cuối cùng mà tôi đánh, cũng là con cọp hung bạo nhất và
gây thương tổn cho tôi nhiều nhất, nhưng rồi tôi vẫn hạ được nó. Tuy
nhiên, giờ đây đối với tôi việc ấy chỉ là một trò chơi đã qua. Tôi sẽ
không có hứng thú lặp lại những trò như thế nữa. Và chiến công hiển hách
nhất của tôi không phải là việc đánh cọp, mà là việc chiến thắng chính
bản thân mình.
Bạn tôi há hốc mồm kinh ngạc khi nghe câu trả lời này. Riêng tôi, tôi có
thể hiểu được phần nào điều ông nói về việc tự thắng bản thân, vì đã
nhiều lần tôi được nghe các bậc thầy khác cũng nhắc nhở như thế. Tuy
nhiên, xem việc hạ gục con cọp xám Bengal đã khiến ông lừng danh khắp
nước chỉ như một trò chơi thì tôi không tưởng tượng nổi. Lẽ nào ông ta
không chút tự hào về thành tích có một không hai đó của mình?
Như hiểu thấu được suy nghĩ của hai chúng tôi, vị tu sĩ nở một nụ cười hồn nhiên và nói một cách giản dị:
– Đối với các em, cọp là một con thú dữ ghê gớm. Nhưng đối với tôi, con cọp chẳng qua cũng chỉ là một giống mèo lớn mà thôi!
Tôi nói:
– Thưa ngài, tôi có nghe về chuyện người ta có thể dùng tự kỷ ám thị để
xem rằng con cọp chỉ là một con mèo, và như thế họ có thể nhìn vào con
cọp mà không sợ hãi. Vấn đề ở đây đối với ngài là, ngài không chỉ nhìn
vào con cọp, mà ngài đánh nhau với nó. Như vậy, dù ngài có nghĩ nó là
con mèo, tôi e là bản thân nó không nghĩ như thế.
– Đúng vậy, và vì thế sức mạnh là điều cần thiết. Tôi xem con cọp giống
như con mèo, điều đó hoàn toàn không do tự kỷ ám thị, mà vì tôi có sức
mạnh vượt trội hơn nó.
Ông đứng dậy và lặng lẽ tiến ra hành lang. Chúng tôi đi theo ông. Đến
gần một bức tường gạch cũ, ông đưa nắm đấm thẳng vào tường. Với cử chỉ
ung dung có vẻ như không hề gắng sức của ông, vách tường đã thủng ngay
một lỗ. Chúng tôi nhìn rõ vụn gạch rơi xuống và khoảng trống hiện ra bên
kia vách tường. Và chúng tôi hiểu rõ ngay những lời ông nói. Quả thật,
với một nắm đấm như thế thì con cọp dữ đối với ông chỉ là một con mèo,
vì ông có thể dễ dàng đấm gãy quai hàm nó chỉ với bàn tay không như thế.
Ông nhìn chúng tôi và nói tiếp về chuyện đánh cọp:
– Sức mạnh là cần thiết. Tuy nhiên vẫn chưa đủ và chưa phải là yếu tố
chính yếu. Nhiều người khác cũng có sức mạnh như tôi nhưng họ thiếu sự
bình tĩnh. Việc đánh nhau với một con cọp dữ của rừng xanh hoàn toàn
khác hẳn với những con cọp trong gánh xiếc đã bị người ta thuần hóa bằng
thuốc phiện. Bản chất dữ tợn của nó còn tăng lên rất nhiều nếu như nó
đã bị người ta bắt giữ lại và bỏ đói một thời gian ngắn. Điều bất lợi
lớn nhất trong cuộc chiến đấu này là: cọp chẳng bao giờ sợ người, nó vẫn
xem đó chỉ là một con mồi yếu ớt chờ đợi bị xé xác ra để đánh chén ngon
lành. Vì thế, nó sẽ càng hung bạo và lanh lẹ hơn nhiều nếu như đang cơn
đói. Nó cần chiến thắng để no bụng. Ngược lại, người ta dù có sức mạnh
vẫn thường có tâm lý lo sợ. Và nếu sự sợ hãi làm anh ta mất đi sự bình
tĩnh, thì khi đó sự chiến bại dưới vuốt cọp xem như là cầm chắc. Tôi
luôn luôn chiến thắng trước hết là nhờ vào tinh thần, ý chí. Bằng cách
đó, tôi buộc những con cọp đối mặt với tôi phải khiếp sợ và có thái độ
của một con mèo.
Những điều vị tu sĩ đang nói dường như khá quen thuộc với những gì tôi
đã được biết về sức mạnh tinh thần của con người. Vì thế, tôi không chút
nghi ngờ khi nghe ông giải thích về phương thức chiến thắng của mình.
Đến đây, có vẻ như ông bắt đầu cho chúng tôi một bài giảng về một chủ đề
chung, không chỉ là chuyện đánh cọp:
– Tinh thần chính là ông chủ điều khiển thể xác, hay nói cụ thể hơn là
các bắp thịt. Một nhát kiếm có sức mạnh tùy thuộc vào nghị lực của người
cầm kiếm. Nói cách khác, sức mạnh của thể xác, hay là cái khí cụ vật
chất của chúng ta, tùy thuộc vào lòng can đảm và ý chí đấu tranh. Tinh
thần nuôi dưỡng sức mạnh thể xác, và cũng uốn nắn nó theo với bản chất
của mình. Những tính chất mạnh mẽ hay yếu đuối trải qua nhiều đời dần
dần thâm nhập vào tâm thức của mỗi chúng ta, và rồi biểu lộ ra ngoài
thành những thói quen, những thói quen này tạo thành một thể xác khỏe
mạnh hay yếu đuối... Vì thế, những điều này xét cho cùng đều do chúng ta
tự tạo lấy, không phải là một ân huệ trời ban cho như nhiều người lầm
tưởng. Sự yếu đuối của thể xác vốn bắt nguồn từ nơi tinh thần. Rồi chính
sự yếu đuối ấy, vốn hình thành từ nơi tập quán, thói quen, trở lại ngăn
cản sự hoàn thiện hay hướng thượng của tinh thần. Và cái vòng luẩn quẩn
này kéo dài mãi mãi theo hướng dìm người ta vào chỗ yếu ớt, trụy lạc.
Khi chủ nhân tinh thần không ý thức được vai trò của mình, như hầu hết
người ta đều như thế, và giao phó mọi việc cho tên nô bộc thể xác quyết
định, tất nhiên tên nô bộc này sẽ nắm lấy mọi quyền hạn và biến ông chủ
tinh thần trở thành một tên nô lệ. Sự thất bại của con người có nguồn
gốc từ mối quan hệ thể xác và tinh thần như thế.
Nghe những lời này, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trước một nhà hiền
triết hơn là một dũng sĩ đã từng đánh cọp. Vì sao một người chạy theo
sức mạnh lại có thể chuyển sang theo đuổi cuộc sống tinh thần, đối với
tôi vẫn là điều hết sức tò mò muốn biết.
Một lần nữa, ông chứng tỏ là biết được điều tôi đang suy nghĩ. Ông mời
chúng tôi trở vào nhà và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của
chính mình, cũng là lời giải đáp cho điều tôi muốn biết:
– Từ nhỏ, tôi đã nuôi trong lòng một ý chí mãnh liệt trở thành người
đánh cọp. Ý chí tôi đanh thép không lay chuyển, nhưng thể xác tôi yếu
ớt.
Chúng tôi đều kinh ngạc khi nghe lời này của ông. Một thân hình vạm vỡ
có một không hai như thế kia mà bảo là “yếu ớt” thì chúng tôi không sao
hiểu nổi! Biết được sự thắc mắc của chúng tôi, ông nhoẻn miệng cười và
nói tiếp để giải thích:
– Các em tưởng là tôi sinh ra đã có ngay xác thân lực lưỡng thế này sao?
Không đâu, đó là cả một quá trình rèn luyện với tinh thần và ý chí sắt
đá mới có thể đạt được đấy. Và chính nhờ sự tập trung tư tưởng vào những
ý tưởng rèn luyện sức mạnh, cuối cùng tôi đã vượt qua được trở ngại khó
khăn về thể lực. Nhưng cũng từ đó tôi luôn hun đúc cho mình một sức
mạnh tâm linh, một ý chí dũng mãnh. Và chính nhờ đó mà tôi hàng phục
được loài thú dữ của rừng xanh.
Bất chợt, trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ lạ kỳ không hiểu nổi, và tôi buột miệng hỏi ông:
– Thưa ngài, theo ngài thì tôi có thể đánh cọp được chăng?
Ông cười:
– Được chứ. Nhưng em cũng nên biết là có rất nhiều loại cọp. Loài hung
dữ và tai hại nhất trong số đó là loài cọp trong khu rừng dục vọng của
con người. Việc giết chết những con cọp của rừng xanh thật ra chẳng mang
lại ích lợi gì. Chúng chỉ hung dữ trong giang sơn của chúng, và rất ít
khi tự tìm đến gây hại cho con người. Nhưng loài cọp dữ trong nội tâm
của mỗi người thì luôn chờ dịp để giết chết những điều lành của chúng ta
trong từng giờ từng phút.
Tôi nói:
– Nhưng theo như chúng tôi được biết, chính ngài đã đánh hạ rất nhiều
những con cọp rừng xanh như thế. Tôi muốn biết là từ khi nào và vì sao
ngài đã từ một người khuất phục thú dữ chuyển sang khuất phục những vọng
tưởng nội tâm như hiện nay?
Vị tu sĩ im lặng một lúc lâu. Có vẻ như ông đang hồi tưởng lại những
chuyện đã xảy ra trong quá khứ, mà cũng có thể là ông đang cân nhắc xem
có nên trả lời câu hỏi của tôi hay không. Lát sau, ông nở một nụ cười và
bắt đầu kể:
– Khi tôi đã nhiều lần đánh hạ những con cọp dữ, tiếng tăm và sự vinh
quang đã đẩy lòng kiêu căng tự phụ của tôi lên đến mức tưởng như tột
cùng. Tôi quyết định không chỉ đánh hạ loài cọp, mà còn phải làm cho
chúng khiếp sợ và vâng theo lời tôi như những con vật nuôi trong nhà.
Tôi đã làm được điều đó, và tôi bày ra rất nhiều trò lạ mắt để biểu diễn
trước công chúng về sức mạnh và khả năng khuất phục loài thú dữ của
tôi. Sự thành công của tôi khiến cho mọi người đều nể sợ. Người ta xem
tôi như một dũng sĩ anh hùng và đi đến đâu tôi cũng chỉ nghe toàn những
lời khen ngợi, tán tụng.
Ông dừng lại một lát, với vẻ chua chát khi nghĩ về chuyện đã qua.
– Ngày kia, cha tôi đến gặp tôi với vẻ mặt suy tư: “Con ơi, cha rất lấy
làm lo lắng về những việc con làm. Theo như luật nhân quả, cha sợ rằng
con không tránh khỏi những thảm họa khôn lường về sau.” Tôi bật cười với
cha tôi và nói: “Cha không nên tin vào những chuyện vô căn cứ như thế.
Không ai có thể nhìn thấy được cái gọi là luật nhân quả ấy. Nhưng ai
cũng có thể dễ dàng thấy rõ được luật của sức mạnh. Con đã chiến thắng
và sẽ chiến thắng. Cha đừng lo cho con, chỉ trừ khi con thối chí và đâm
ra sợ hãi. Bằng không thì chẳng có con cọp nào có thể làm hại được con.”
Cha tôi có vẻ căng thẳng, người nói: “Con không thể phủ nhận luật nhân
quả như thế. Kinh điển từ xưa đã từng ghi chép, và nhiều bậc thánh nhân
đã xác nhận điều này. Kẻ làm điều xấu sẽ phải nhận lãnh kết quả xấu. Hơn
nữa, loài thú ở rừng xanh căm ghét con, một ngày kia chúng sẽ làm hại
con.” Cha tôi nói ra những lời này với vẻ lo lắng thật sự và người đã
làm tôi cảm động. Tôi tìm cách nói để trấn an người: “Thưa cha, loài cọp
vốn là hung dữ. Cuộc sống của chúng chỉ toàn là giết chóc. Chúng giết
chết con mồi để ăn thịt, nhưng ngay cả khi đã no nê chúng cũng không tha
cho những con vật hiền lành mà chúng gặp. Chúng có thể vồ chết một con
nai chỉ để uống một ngụm máu rồi bỏ đi. Thưa cha, nếu như con đánh hạ
những con vật hung dữ như thế thì lẽ nào lại là việc xấu? Biết đâu vì
khiếp sợ với con mà chúng sẽ ngần ngại ít nhiều trong việc làm hại những
loài vô tội. Việc làm như vậy làm sao lại phải chịu quả báo xấu hở cha?
Xin cha đừng buộc con phải từ bỏ việc đang làm.”
Chúng tôi yên lặng lắng nghe và bị thu hút hoàn toàn vào câu chuyện.
Theo phong tục Ấn Độ, cha mẹ có quyền quyết định hầu như tuyệt đối với
con cái. Không có người con nào dám cãi lại cha mẹ, cho dù là trong việc
chọn nghề nghiệp sinh sống hay con đường sự nghiệp của mình. Vị tu sĩ
chậm rãi kể tiếp:
– Cha tôi tỏ vẻ thông cảm với những điều tôi nói. Nhưng ông vẫn không
giấu được vẻ lo lắng, căng thẳng ngày càng nhiều hơn. Im lặng một lúc
như để cân nhắc kỹ những điều sắp nói, rồi ông mới bảo tôi bằng một
giọng rất nghiêm trọng: “Con ơi, cha cũng không giấu con chuyện này. Hôm
qua, khi cha đang ngồi thiền ngoài hiên trước, có một tu sĩ lạ mặt đến
và nói với cha rằng: “Tôi có một điều muốn nhắn gửi đến con ông. Nếu anh
ta không từ bỏ ngay những trận đấm đá hung bạo như hiện nay, thì không
bao lâu nữa anh ta sẽ phải gánh chịu một tai họa khủng khiếp. Trong sáu
tháng trời anh ta sẽ phải ở trong trạng thái dở sống dở chết. Và chỉ sau
đó anh ta mới biết chán ngán cảnh thế gian mà đi theo con đường xuất
gia làm một tu sĩ.” Tuy cha tôi rất lo lắng về lời cảnh báo có tính chất
tiên tri ấy, nhưng tôi không xem đó là quan trọng. Tôi không hề lấy đó
làm điều lo lắng. Trái lại, tôi cho rằng có lẽ chính những kẻ ganh tỵ
với sự thành công và danh tiếng của tôi đã tìm cách đe dọa tôi bằng cách
đặt ra một lời tiên tri vớ vẩn như thế qua trung gian của một tu sĩ.
Vị tu sĩ đột nhiên dừng lại và trầm ngâm rất lâu. Vẻ mặt ông lộ rõ sự
hối hận về sai lầm đã qua trong quá khứ. Khi ông ta tiếp tục câu chuyện,
giọng ông chìm xuống, thầm thì, như vọng về từ xa xăm:
– Không bao lâu sau đó, tôi đến chơi Cooch Behar. Phong cảnh nơi đây khá
mới mẻ và hấp dẫn đối với tôi, nên tôi có dự tính sẽ lưu lại một thời
gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Khi biết tin tôi đến, người ta thầm thì với
nhau trên đường phố và tin ấy nhanh chóng truyền lan khắp nơi. Đi đến
đâu tôi cũng nhìn thấy những ánh mắt chiêm ngưỡng, thán phục và cũng đầy
vẻ tò mò. Người ta tụ tập thành từng đám đông trên đường tôi đi qua,
chỉ cho nhau xem và bàn tán về tôi. Nhiều người trong số họ còn cố chứng
tỏ đã biết về tôi nhiều nhất, bằng cách kể lại những trận đánh cọp của
tôi mà họ đã từng được xem. Tất nhiên, đã có không ít những sự thổi
phồng trong khi kể chuyện, và vì thế hầu như tất cả người dân thành phố
đều mong muốn nhân dịp này được một lần tận mắt nhìn thấy tôi.
Ông lắc đầu nhè nhẹ khi kể đến đây, dường như ông vẫn chưa thôi ray rứt
khi nhớ lại những giây phút vinh quang hão huyền mà ngày ấy ông không hề
nhận ra. Ông kể tiếp:
– Buổi chiều, khi tôi đang ngồi trong nhà trọ thì có tiếng vó ngựa dồn
dập chạy đến. Tôi nhìn ra và thấy đó là những người vệ sĩ mặc đồng phục
rất nghiêm trang. Họ xuống ngựa bước vào trong sân. Một người trong số
họ có vẻ nhận biết tôi. Anh ta tiến lên trước và cúi chào thật lịch sự.
Những người khác cũng đều chào theo anh ta. Anh ta đến gần tôi hơn và
nói: “Thưa ông, tôi rất hân hạnh được diện kiến với ông hôm nay, và xin
cung kính chuyển đến ông lời mời của hoàng tử Cooch Behar. Ngài muốn
được gặp ông vào ngày mai.” Tôi hơi phân vân vì không muốn phải gián
đoạn những ngày nghỉ ngơi thư giãn chỉ vừa mới bắt đầu. Nhưng có vẻ như
đây là một trong những kiểu mời mọc mà người được mời không có quyền từ
chối. Dù sao đi nữa, tôi đang ở trên lãnh thổ của ông ta, và nếu không
có một lý do nào thật hợp lý thì không thể không nhận lời được. Nghĩ như
vậy, tôi đành nói vài câu xã giao rồi báo cho họ biết là tôi nhận lời.
Sáng hôm sau, tôi thật bất ngờ khi thấy người ta đưa một chiếc xe song
mã thật lộng lẫy đến đón, lại có cả một đoàn kỵ binh đi theo hộ tống
nữa. Xe đưa tôi đi một vòng quanh thành phố và phải băng qua mấy khu
rừng cây mới đến dinh thự của hoàng tử. Ông này đích thân ra trước cửa
để đón tôi và mời tôi vào một căn phòng sang trọng với những chiếc ghế
bành lót nệm rất lớn. Sau phần nghi thức chào hỏi, hoàng tử cho tôi biết
ngay mục đích của buổi gặp gỡ: “Tôi đã nghe tin đồn trong khắp thành
phố này về ông. Người ta nói ông vẫn thường đánh hạ những con cọp dữ
bằng tay không?” Tôi từ tốn gật đầu. Hoàng tử nở một nụ cười bí hiểm rồi
nói: “Chuyện nghe có vẻ khó tin đấy. Tôi tự hỏi phải chăng ông đã đánh
nhau với những con cọp đã bị cho ăn thuốc phiện?” Máu nóng trong người
tôi sôi lên. Và để phản đối, tôi mặc nhiên không thèm đáp lại lời khó
nghe ấy. Hoàng tử biết là cách nói khích của ông ta đã mang lại hiệu
quả, liền đi thẳng vào đề: “Tôi vừa mới bắt được một con cọp Rja. Tôi
có lời thách ông thi đấu cùng với nó. Nếu ông có thể tay không đánh ngã
được nó, trói lại rồi rời chuồng cọp mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào
từ bên ngoài, con cọp ấy sẽ thuộc về ông. Ngoài ra là một số tiền hai
ngàn ru-bi và nhiều quà tặng khác. Còn nếu ông từ chối, tôi buộc lòng sẽ
phải thông báo cho thần dân trên khắp đất nước này được biết rằng ông
chẳng bao giờ là một người thực sự đánh ngã được cọp cả, mà chỉ là một
kẻ bịp bợm hạ đẳng.” Khi ấy, tôi giận muốn điên lên và nhận lời ngay
không cần suy nghĩ. Sau này nghĩ lại, tôi mới biết hoàng tử cố tình chọc
giận tôi để đảm bảo là tôi sẽ không từ chối hoặc trốn tránh. Dụng ý của
ông chỉ là muốn được tận mắt xem tôi đánh nhau với con cọp hung dữ khét
tiếng mà ông tin là không ai có thể đánh hạ được. Khi thấy tôi đã nhận
lời, hoàng tử lộ vẻ hân hoan ra mặt. Nhìn vẻ mặt khoái trá của người,
tôi chợt liên tưởng đến các hoàng đế La Mã ngày xưa đã thích thú như thế
nào khi mang những người Thiên chúa tử đạo ra cho thú dữ xé xác. Hoàng
tử nói với tôi: “Ông có một tuần để chuẩn bị. Và tôi lấy làm tiếc là từ
nay cho đến ngày thi đấu, ông không được gặp trước địch thủ của mình.”
Có lẽ hoàng tử e rằng tôi sẽ trốn mất vì khiếp sợ nếu như tôi nhìn thấy
trước con cọp ấy chăng? Nếu vậy thì ông ấy đã lầm, vì tôi thà chết chứ
chẳng bao giờ rút lui theo cách ấy. Tôi rời khỏi dinh hoàng tử để trở về
nhà trọ, và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cả tinh thần lẫn thể chất
cho trận đấu. Không hiểu sao tôi linh cảm thấy đây là một trận đấu không
giống như bao nhiêu trận đấu khác mà tôi đã trải qua. Ngoài đường phố,
người ta xôn xao đủ thứ tin đồn liên quan đến tôi và trận đấu sắp tới.
Hoàng tử đã cho chuẩn bị rất quy mô và chu đáo. Ông dựng lên một khán
đài với sức chứa hàng ngàn người, giữa là khu vực đấu trường với lồng
sắt an toàn và con cọp Rja bị nhốt trong đó. Người ta cũng tính toán đến
việc bỏ đói con cọp để nó tăng thêm phần hung dữ, tất nhiên là để cho
trận đấu càng hấp dẫn hơn. Nhưng còn có một tin đồn khác nữa về tôi.
Không hiểu vì sao mọi người đều biết được và lan truyền khắp nơi lời
tiên tri dự báo về số phận thê thảm của tôi trong trận đấu sắp tới.
Người ta bàn tán nhau, kẻ thì cho rằng tôi sẽ thắng, người lại bảo chắc
chắn sẽ thua. Cả thành phố như sôi động cả lên và có vẻ như người ta
không còn chuyện gì khác để quan tâm ngoài trận đấu sắp tới giữa tôi và
con cọp Rja. Vé vào cửa để xem trận đấu đã bán hết trước hai hôm. Đến
ngày thi đấu còn có không dưới vài trăm người chen lấn đứng từ xa ở bên
ngoài vì không mua được vé để vào xem. Có một điều mà ít ai quan tâm
đến. Đó là hoàng tử thu một khoản lợi kếch sù từ tiền bán vé, bất kể kết
quả trận đấu sẽ như thế nào!
Khi câu chuyện được kể đến đây, cả tôi và Chandi gần như nín cả hơi thở
lại để chăm chú lắng nghe. Chúng tôi quên hẳn một điều rất quan trọng:
người đang kể chuyện cho chúng tôi nghe chính là người đã tham gia trận
đấu. Và chính vì quên mất điều này, nên chúng tôi không dằn được tâm
trạng hồi hộp, lo lắng cho số phận của người dũng sĩ đánh cọp trước cuộc
chiến đấu một mất một còn sắp diễn ra. Vị tu sĩ thong thả kể tiếp:
– Khi tôi xuất hiện trên đấu trường giữa những tiếng rống kinh hồn của
con cọp dữ, cả khán đài dường như đều nín lặng đi trong chốc lát. Mấy
ngàn tia mắt cùng đổ dồn vào tôi, lúc đó chỉ mặc duy nhất một cái quần
cụt, phô bày cả thân hình lực lưỡng với những bắp thịt cuồn cuộn đang
sắp đến lúc thi thố tài năng. Tuy vậy, đứng trước con cọp hung dữ to lớn
này, ai nấy đều có cảm giác tôi chỉ là một con cừu non đang nộp mạng.
Tôi bước đến, mở khóa để vào lồng an toàn và khóa cửa lại sau lưng mình.
Chuồng cọp đặt bên trong, và phải qua một cánh cửa sắt nữa tôi mới đối
mặt với con cọp. Tuy vậy, chỉ thoáng nhìn thấy tôi bên ngoài, con cọp đã
nhảy dựng lên với những tiếng gầm khủng khiếp. Những người xem đều im
phăng phắc. Họ lo sợ đang nhìn thấy tôi đi dần vào chuồng cọp trong một
cuộc chiến đấu có vẻ như không cân sức. Khi tôi vừa đẩy cánh cửa sắt để
bước vào, con cọp liền nhảy vọt tới nhanh như một mũi tên. Tôi xoay
người để tránh, nhưng cú nhảy của nó quá nhanh và móng vuốt đã chạm được
vào bàn tay mặt của tôi, xé rách toạt một mảng da thịt và tạo thành một
vết thương khá lớn, máu tuôn lênh láng. Tôi chợt nhớ đến lời tiên tri
mà cha tôi đã kể lại và thấy rợn cả người. Tuy nhiên, tôi biết mình
không còn gì để chọn lựa vào lúc này. Vì thế, tôi nhanh chóng lấy lại
tinh thần, áp chặt vết thương tạm thời trên mảnh quần cụt để giảm bớt
lượng máu chảy, và sẵn sàng đối phó với đòn tiếp theo. Lần này, khi thân
hình to lớn của nó phủ lên người tôi, tôi nhanh nhẹn tràn sang một bên
vừa tránh kịp, và giáng trả một quả đấm thôi sơn bằng tay trái ngay vào
hàm cọp. Nó lảo đảo xoay quanh mấy vòng và lại phóng tới. Đã kịp thủ thế
sẵn, tôi tiếp tục giáng cho nó một loạt quả đấm liên tiếp trên đầu.
Nhưng điều bất lợi lớn nhất của tôi là vết thương đầu tiên. Mùi máu tươi
như một thứ thuốc kích thích làm cho con cọp điên tiết lên không còn
biết đau đớn, sợ sệt. Trong nhiều trận đấu trước đây, những quả đấm của
tôi thường vô cùng hiệu quả. Có những con cọp sau khi bị tôi đấm vào đầu
hay cằm, đã khiếp sợ đến mức không còn dám phóng tới mà chỉ thu mình
chờ tôi nhảy đến tấn công. Nhưng con cọp hăng máu này rõ ràng là không
còn biết sợ, nó liên tục tấn công tôi bằng những đòn chí tử, với những
nanh vuốt sắc nhọn. Đã thế, bàn tay mặt của tôi đã trở nên vô dụng, và
tôi chỉ có thể phản công bằng tay trái. Tôi và cọp quần nhau một hồi thì
tôi không còn biết là mình đã bị thương ở những nơi nào nữa. Bản năng
sinh tồn cho tôi biết là phải nhanh chóng hạ gục nó nếu không thì tôi sẽ
không còn đủ sức để đứng vững nữa. Tôi lựa thế tung một cú đấm bằng hết
sức mình vào đầu nó. Con cọp rống lên một tiếng đau đớn, nhưng thay vì
dội ngược, nó lại chồm ngay lên và phóng đến chỗ tôi. Bất ngờ và thất
thế sau khi vừa ra một đòn hết sức, tôi không tránh né kịp bị nó hất ngã
ngửa ra trên sàn. Nhiều tiếng hét kinh khiếp vang lên trên khán đài.
Khán giả nhao nhao cả lên và nhiều người la lớn: “Bắn chết nó đi, bắn
chết con cọp ngay đi!” Người gác chuồng cọp đã sẵn sàng hành động đúng
như thế, vì mọi người đều nghĩ là tôi đã thua cuộc và cần phải cứu lấy
mạng sống của tôi. Nhưng lúc đó tôi và con cọp đã quấn vào nhau, chồm
qua quật lại nhanh như cắt, và phát súng mất bình tĩnh của ông ta đã đi
vào khoảng không vô ích. Ngay khi ấy, tôi lừa được một dịp thuận tiện,
hét lên một tiếng lớn và dồn hết sức lực của mình giáng vào giữa đỉnh
đầu con cọp một quả đấm. Nó ngã lăn ra sàn gạch và không còn cử động.
– Thế là con cọp đã bị hạ.
Đến đây, tôi nói chen vào và thở ra để trút hết sự căng thẳng tự nãy giờ.
– Vâng, nó đã bị hạ.
Vị tu sĩ cười một cách hóm hỉnh khi đáp lại với tôi câu này. Và ông kể tiếp:
– Tôi dùng hai tay đẫm máu tươi, banh rộng quai hàm của nó ra và đặt đầu
mình vào đó trong một lúc. Khán giả đều nín thở rợn người khi chứng
kiến việc ấy. Sau đó, tôi lấy sợi dây xiềng quấn quanh cổ nó và buộc vào
song sắt của chuồng cọp. Rồi tôi quay lưng đi về phía cửa chuồng một
cách đắc thắng. Nhưng thật bất ngờ, ngay lúc ấy con Rja vùng dậy và vươn
mình nhảy vọt tới. Trong lúc đã đuối sức, tôi đã không buộc đầu dây đủ
chặt, và sợi dây xiềng bị kéo tuột ra bởi sức mạnh cú nhảy của con thú.
Nó phóng được tới và phủ xuống từ trên cao. Miệng nó ngoạm được một
miếng lớn vào vai tôi, máu tuôn ra xối xả. Tôi ngã quỵ. Nhưng ngay lập
tức tôi vùng dậy, lăn nhanh qua bên và quay lại giáng liên tục cho nó
mấy đấm nữa vào đầu. Con thú giãy lên mấy cái rồi nằm im bất động. Lần
này, tôi buộc nó chặt hơn rồi mới từ từ rời khỏi chuồng sắt. Bấy giờ,
trên khán đài mới bùng lên những tiếng hoan hô và những tiếng la hét
phấn khích. Người ta hoan nghênh chiến công hiển hách của tôi, và người
ta tự hào về chuyện tôi đã tay không đánh gục con thú hung dữ nhất của
rừng xanh. Tuy tôi bị thương rất nặng nề, nhưng tôi đã hội đủ các điều
kiện chiến thắng: đánh gục con cọp, trói nó lại trong chuồng và đi ra mà
không có sự trợ giúp của bất cứ ai. Khi người ta băng bó các vết thương
cho tôi vừa xong, họ công kênh tôi đi qua khắp các đường phố. Nhiều
người ném tiền vàng lên kiệu cho tôi. Cả thành phố tôn xưng tôi như một
vị anh hùng chưa từng có. Hoàng tử cho người mang đến ngay cho tôi số
tiền đã hứa. Nói chung, lúc bấy giờ tôi hầu như không còn thiếu bất cứ
thứ gì mà từ trước tôi hằng mong muốn đạt được như tiền bạc, danh
vọng... tất cả đều thừa thải. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là bỗng dưng tôi có
một tâm trạng chán ngắt, lãnh đạm với tất cả những gì đang xảy đến. Giây
phút kề cận cái chết vừa qua như một gáo nước lạnh làm tôi thức tỉnh.
Tôi nhận ra tất cả những gì mình theo đuổi từ trước đến nay đều chỉ là
phù phiếm, không thật. Và chỉ cần bước qua lằn ranh sống chết là hết
thảy đều sẽ không còn chút ý nghĩa gì nữa!
Câu cuối cùng được ông nhấn mạnh bằng cách nói chậm và rõ ràng từng
tiếng. Rồi ông dừng lại trầm ngâm. Tôi nhìn thấy được trong ánh mắt ông
vẻ suy tư cho thấy những kinh nghiệm tâm linh thực sự mà ông đã trải qua
sau lần đối mặt cùng cái chết. Dường như cho đến nay, điều đó vẫn còn
là một kinh nghiệm quý giá mà ông muốn truyền đạt với chúng tôi. Ông
chớp mắt mấy cái như đang nhớ lại mọi việc rồi kể tiếp:
– Thời gian tiếp theo đó quả là một thời kỳ khủng khiếp đối với tôi. Các
vết thương nặng nề không khỏi ngay mà hành hạ tôi đau đớn không thôi.
Bất cứ lúc nào mạng sống của tôi cũng đều nằm trong sự đe dọa mà không
vị thầy thuốc nào dám đoan chắc là có thể cứu vãn được. Tôi chịu đựng
cơn đau thể xác từng giây từng phút, cùng với nỗi lo sợ về một cái chết
tưởng chừng như không sao tránh khỏi. Nhưng chính trong thời gian này,
những sự chiêm nghiệm tâm linh của tôi về cuộc sống cũng chín mùi đến
một mức độ không ngờ được. Và kỳ lạ thay, quãng thời gian này kéo dài
đúng sáu tháng, khớp với lời cảnh báo tiên tri của vị tu sĩ ngày trước.
Chúng tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên khi nghe kể đến đây. Phải chăng
người ta sẽ có được khả năng biết trước mọi việc khi đã đạt đến sự chứng
ngộ? Nhưng đây là một câu chuyện thật hoàn toàn do người trong cuộc kể
lại, và xác nhận nó bằng chính cuộc đời mình, nên độ tin cậy là không
còn gì để nghi ngờ nữa. Chúng tôi rất nôn nao muốn biết phần tiếp theo
của câu chuyện.
– Làm thế nào mà tôi bình phục được sau sáu tháng kinh hoàng ấy, chính
tôi cũng không hiểu nổi. Có lẽ đây là một sự thử thách mà tôi phải trải
qua trước khi đạt được điều mà từ trước đến nay tôi chưa từng đạt được.
Ngay khi vừa bình phục, tôi rời khỏi Cooch Behar để trở về quê quán. Tôi
nói với cha tôi suy nghĩ của mình lúc đó: “Thưa cha, giờ thì con đã
hiểu ra vị tu sĩ đưa ra lời cảnh báo con ngày trước chính là vị thầy
đáng kính có thể cứu vớt đời con. Nhưng làm sao con có thể tìm được
người vào lúc này?” Cha tôi hiểu lòng tôi lúc đó, người an ủi tôi bằng
một giọng quả quyết: “Con đừng lo. Nếu ngài đã có ý muốn cứu độ cho con,
chắc chắn ngài sẽ đến đây vào thời điểm thích hợp.” Và quả đúng như cha
tôi đã tin tưởng. Ít lâu sau thì vị tu sĩ ấy bất ngờ xuất hiện. Người
đến gặp tôi và nói bằng một giọng từ hòa, êm ái: “Con không cần đánh cọp
dữ nữa. Con hãy đi theo thầy. Thầy sẽ dạy con khuất phục những con cọp
tham dục ẩn nấp trong khu rừng vô minh của lòng mình. Con đã có quá đủ
những lời khen ngợi, ca tụng của người đời. Giờ đây con hãy theo ta tinh
tấn tu tập để đạt đến sự khen ngợi và ca tụng của những vị thiên thần
và các bậc hiền thánh.”
Ngừng một chút, vị tu sĩ kết thúc câu chuyện đời mình bằng một giọng trầm trầm, chắc nịch:
– Kể từ đó, chính tôn sư là người dẫn dắt tôi trên con đường tâm linh.
Người khơi dậy nơi tôi những năng lực tinh thần đã từ lâu bị quên lãng.
Với sự hướng dẫn của người, mỗi ngày tôi càng mở rộng hơn lòng từ bi
thương xót của mình đến với hết thảy muôn loài, và thậm chí cũng không
còn để tâm hằn học, hận thù đối với loài cọp dữ trong rừng sâu nữa. Qua
một thời gian, tôn sư đã đưa tôi lên núi Hy Mã Lạp Sơn để tiếp tục công
phu tu tập thiền định.
Chúng tôi nghiêng mình chào tạm biệt vị tu sĩ với lòng cảm kích vô hạn.
Qua câu chuyện cuộc đời của ông, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều, và
cảm thấy vững tin hơn nữa vào những điều đã học được trên con đường tâm
linh. Chúng tôi hiểu ra một điều là sức mạnh thể chất tuy không thể phủ
nhận, nhưng chính sức mạnh tinh thần mới là yếu tố quyết định sức mạnh
của một con người. Và điều quan trọng nhất đối với tôi, là niềm mong ước
được bỏ nhà ra đi sống đời sống xuất gia của một tu sĩ giờ đây càng
mạnh mẽ và nung nấu tôi hơn bao giờ hết.