Chùa Thừa Thiên Thiền Tự ở Thành Phố Phổ Thành, huyện Đài
Bắc cùng với tên tuổi của Ngài Quảng Khâm từ lâu đã đi vào lòng người Phật tử
và trở thành niềm tự hào của Phật giáo Đài Loan.
Ngài Quảng Khâm xuất gia tu học tại chùa Thừa Thiên, Tuyền Châu, Phúc Kiến,
Trung Quốc. Sau đó, Ngài đến Đài Loan hoằng pháp và xây dựng chùa Thừa Thiên
Thiền Tự. Ngài được tôn như Quốc Sư của Đài Loan, tổng thống Tưởng Kinh Quốc
mỗi khi gặp việc lớn của quốc gia thường đến cầu thỉnh ý Ngài. Ngài nổi tiếng
về hạnh tu đầu đà, sáu mươi năm Ngài không ăn đồ nấu, tòan ăn hoa quả và không
hề đặt lưng xuống giường thường ngồi thiền tọa. Ngài viên tịch trong tư thế
thiền tọa.
Chùa Thừa Thiên Thiền Tự cho đến nay vẫn giữ hạnh tu đầu
đà, chư tăng ni ở chùa sống cuộc sống thanh bần, mặc dầu Phật tử và du khách đến
chùa rất đông, nguồn thu nhập rất lớn nhưng cuộc sống đầu đà của chư tăng vẫn
không thay đổi. Sau khi Ngài Quảng Khâm viên tịch đệ tử Ngài là Hòa Thượng
Truyền Hối lên kế thế. Trong thời gian Ngài Truyền Hối kế thế trụ trì Ngài đã
đem số tiền mà thập phương thiện tín cúng dường cho chùa Thừa Thiên Thiền Tự đi
giúp xây dựng các Phật học viện và cơ sở hoằng pháp khác ở Đài Loan mà đặc biệt
là những cơ sở này không phải của Ngài và không thuộc hệ thống của Thừa Thiên
Thiền Tự, chỉ cần nhưng nơi ấy yêu cầu là Ngài đều sẳn lòng giúp tất cả nguồn
tài chánh, điều này giúp chúng ta thấy được tâm hạnh Bồ tát của Ngài. Trước khi
Ngài viên tịch, Ngài bảo đệ tử tổng kết số tiền mà trong mấy chục năm Ngài làm
trụ trì thập phương Phật tử cúng riêng cho Ngài tất cả được năm trăm triệu Đài
tệ (khoảng hai mươi tỷ đồng Việt Nam) Ngài phân làm năm phần cúng dường cho bốn
cơ sở Phật giáo là: Trường đại học Phật Quang của Ngài Tinh Vân Phật Quang Sơn,
trường đại học Pháp Cổ Sơn của Ngài Thánh Nghiêm, trường đại học Huyền Trang của
Ngài Liểu Trung và công trình hy vọng xây dựng sáu mươi ngôi trường trung tiểu
học do hội Từ Tế của Ni Sư Chứng Nghiêm đảm trách mỗi đơn vị một trăm triệu Đài
tệ, còn lại một trăm triệu Đài tệ Ngài cúng cho năm tổ chức từ thiện của chính
phủ và các tôn giáo khác.
Sau khi Ngài Truyền Hối viên tịch đệ tử là Thượng Tọa Đạo
Cầu lên kế vị trụ trì, vẫn tuân giữ đạo phong và thanh quy của chùa tiếp tục tu
hạnh đầu đà. Mặc dầu là trụ trì một chùa lớn Thượng Tọa Đạo Cầu vẫn rất giản dị
mộc mạc và Ngài không bao giờ bỏ thời khóa tụng kinh ở chùa, khi tiếp khách dù
là vị khách như thế nào cứ đến 3h45 chiều là Ngài nói với khách hoan hỷ ra về
hay lên chùa làm lễ vì sắp đến giờ Ngài phải đi công phu chiều với đại chúng
rồi. Việc tuân thủ giờ giấc của thời khóa tu tập hằng ngày của Thượng Tọa trụ
trì như vậy cũng đủ cho chúng ta thấy được đạo phong của chùa Thừa Thiên Thiền
Tự như thế nào.
Trong thời gian du học ở Đài Loan, tôi được quen Phật tử
Triệu Sâm Phát và vợ là Lữ Tá Trí. Hai vị là hộ pháp của chùa Thừa Thiên Thiền
Tự. Mọi giấy tờ nhà đất của chùa đều do vợ chồng Phật tử Triệu Sâm Phát đứng ra
giải quyết. Trong chùa mỗi khi có việc quan trọng đều gọi và giao cho vợ chồng
Phật tử đứng ra lo liệu. Khi Ngài Truyền Hối sắp viên tịch Ngài cho gọi hai vợ
chồng Phật tử Triệu Sâm Phát thay Ngài chuyển số tiền của Ngài cúng dường đến
hội Từ Tế nên vợ chồng Phật tử rất được chùa tin cẩn.
Trong một lần về Việt Nam nghỉ hè và lo trai đàn Chẩn tế ở
chùa Linh Ẩn, các chư Ni của Vĩnh Minh Tự Viện có thưa với tôi việc dịch quyển
(Quảng Công Hành Trạng) và muốn in nhưng không có kinh phí nhờ tôi tìm cách
giúp cho quý vị đạt thành sở nguyện tôi liền nghĩ ngay đến vợ chồng Phật tử
Triệu Sâm Phát và Lữ Tá Trí mà tôi quen, nên nói quý vị viết liền cho tôi ít
chữ để khi xong lễ sang lại Đài Loan tôi sẽ tìm cách giúp quý vị.
Sau khi về lại Đài Loan tôi đã nhờ Phật tử Triệu Sâm Phát
đưa đến chùa Thừa Thiên Thiền Tự tổng cộng ba lần để đảnh lễ Thượng Tọa Đạo Cầu
cùng ban quản trị của chùa để xin phép cho quý cô được dịch và in quyển sách trên
ra Việt văn, Thượng Tọa Đạo Cầu rất hoan hỷ và xin ban quản trị ủng hộ kinh phí
một trăm năm mươi lăm ngàn Đài tệ để in sách. Được phép và được tiền rồi tôi
cùng thầy Phạm Phú Thành nổ lực sửa bản dịch (theo khả năng của chúng tôi) để
không phụ lòng của Thượng Tọa Đạo Cầu, ban quản trị của chùa cùng quý Phật tử
Triệu Sâm Phát và Lữ Tá Trí đã dốc lòng giúp đỡ.
Nay công việc in sách sắp đi vào giai đọan cuối. Tôi kính
ghi đôi dòng nhân duyên này để tỏ lòng tri ân cùng chư Tôn đức, quý Phật tử và
cần cầu chư Tôn thức giả chỉ giáo nhiều cho lần tái bản sau.
Đạt lạt,
Vu Lan năm 2003
Thích Giải
Hiền khế thủ
THƯ ỦY QUYỀN
Về việc: Dịch ra Việt văn và Ấn tống sách “Quảng Công
Thượng Nhân Sự Tích”
1. Nay chấp nhận cho Đại Đức Thích Giải Hiền cùng quý sư
cô (tất cả 5 vị) được tòan quyền phiên dịch “Quảng Công Thượng Nhân Sự Tích”
(phụ khai thị lục hành trì ngữ lục) do Thừa Thiên Thiền Tự ấn bản ra Việt văn.
2. Nay chấp nhận cho Đại Đức Thích Giải Hiền cùng quý sư
cô (tất cả 5 vị) ấn tống 5.000 quyển “Quảng Công Thượng Nhân Sự Tích” bằng Việt
văn. Đồng thời hoan nghênh việc phiên dịch ấn tống lưu truyền sách trên.
3. Kinh phí ấn tống 5.000 quyển bản Việt văn là 30 Đài
tệ/1 cuốn. Tổng cộng 150.000 Đài tệ (một trăm năm mươi nghìn Đài tệ) do Thừa
Thiên Thiền Tự cúng dường.
Trung Hoa Dân Quốc
năm thứ 91
Ngày 28 tháng 10 năm
2002
Bên được ủy quyền Bên
lập thư ủy quyền
Việt Nam
Minh Đức Từ Thiện Phật Giáo Tài Đòan Pháp Nhân
Sự Nghiệp Cơ Kim Hội Thừa
Thiên Thiền Tự Trụ Trì
THÍCH GIẢI HIỀN THÍCH
ĐẠO CẦU
(Đã ký) (Đã ký và đóng
dấu)
Biên tập thuyết minh
Vào năm 1997, khi chỉnh lý các bài ghi chép cũ, chúng tôi
tìm thấy một số bài ghi lại lời giảng của Ngài Quảng Khâm tại Pháp Hội tháng 7
năm 1974. Cùng thời gian này, thấy xuất hiện một phần tư liệu do một vị đệ tử
của Ngài lưu giữ. Hai nhóm tư liệu được đem kết tập thành cuốn “Quảng Khâm
Thượng Nhân khai thị” (Những lời giảng dạy của Ngài Quảng Khâm). Xét về thời
gian thì phần tư liệu chúng tôi độc thấy sau lại có trước, nhưng lúc bấy giờ
nhân duyên chưa hội đủ để có thể phổ biến đến các vị độc giả. Nay xin theo thứ
tự thời gian đưa phần tư liệu này lên phía trước của ấn bản đầu tiên, và sách
trở thành “Bản có bổ sung”.
Tập sách viết về cuộc đời của Ngài Quảng Khâm xuất bản lần
đầu tiên vào tháng 5 năm 1986 sau khi Ngài viên tịch ít lâu. Tập sách này tập
hợp những bài viết về Ngài được đăng tải trên các báo và tạp chí, lúc đó ấn
tống 5000 bản. Sau khi xuất bản phát hiện thấy nhiều sai sót, nên khi tái bản
đã cho đính chính và sửa chữa những sai sót ấy.
Sau lần xuất bản đầu tiên chưa đầy vài tháng, độc giả đã
nhanh chóng thỉnh hết; vì vậy vào tháng 9 năm đó sách lạI được tái bản 5000
cuốn. Lần đầu và lần thứ hai xuất bản, sách đều gồm 32 bài viết; lần thứ ba sửa
còn 25 bài. Nội dung và văn chương của lần xuất bản đầu và lần thứ hai hòan
tòan giống nhau; nhưng lần thứ hai, ngòai việc sửa chữa một số sai sót của lần
đầu, các bài viết còn được sắp xếp theo thứ tự thời gian; đến lần xuất bản thứ
ba mới thêm vào phần đối thọai giữa Hòa Thượng Quảng Khâm và Hòang Thượng Tuyên
Hóa, và thiên cuốn sách nói về “Những điều linh hiển”.
Về những hình ảnh tư liệu, có thêm ảnh chụp điện Tam Thánh
của chùa Thừa Thiên trước khi trùng tu và ảnh nhà kỷ niệm Ngài Quảng Khâm. Lại
có các ảnh cũ về đời sống sinh họat của Ngài, cùng với một số hình ảnh hai ngày
trước khi Ngài viên tịch.
Tháng 2 năm 1992, sách lại thêm bài “Niệm Nam -
Mô – A – Di - Phập, tức là Tổng tụng”.
Tập sách viết về hành trạng (tiểu sử) này đã được xuất bản
3 lần, mỗi lần ấn tống 5000 cuốn, đều được độc giả thỉnh hết.
Đến lần xuất bản thứ tư này, có người đề nghị nên có lời
giải thích về những điều sửa đổi của ba lần trước cho độc giả hiểu nhưng vì lúc
đó công việc ở chùa quá bận rộn nên không kịp cải chính.
Do vậy mà nay chúng tôi đặc biệt xin có đôi lời thuyết minh giải bày ở đây.
Ban biên tập cẩn chí