Nhân vật
Lược Thuật Hành Trạng Hòa Thượng Quảng Khâm
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng Hiệu đính: Giáo sư. Phạm Phú Thành & Đại Đức. Thích Giải Hiền
17/06/2555 06:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Ngày 6 tháng 2 năm 1973, khi đến viếng chùa Đại Tiên, chúng tôi ghi lại cuộc pháp đàm giữa Hoà thượng Quảng Khâm [lời in chữ nghiêng] và Hoà thượng Khai Sâm.

Hoà thượng Khai Sâm:

“Thiện sanh thọ hạ văn thuỷ âm

Cổ kim thắng cảnh hiện mục tiền

Đắc ý vong ưu vô giá bảo

Bổn trân phi Phật diệt phi Tâm”

Tạm dịch ý:

“Lành thay sống chốn lâm tuyền,

Suối reo thông gọi cõi thiền là đây.

Cổ kim thắng cảnh nơi này,

Hiện ra trước mắt vẻ đầy thiên nhiên.

Bảo vật vô giá hiện tiền,

Thoả lòng vứt bỏ ưu phiền nơi đây.

Bảo vật vốn chẳng phơi bày,

Chẳng tâm chẳng Phật, vật này vốn không”.

Hoà thượng Quảng Khâm:

- Không cần tiền mới có tiền

- Làm người không nhiễm trần.

- Ăn, mặc, ở phải buông bỏ mới thoát ly sanh tử.

- Ý khởi là sanh tử,

Tha hương gặp cố nhân.

Đa tạ Pháp sư lời vàng tiếng ngọc.

- Hoan hỷ khổ hạnh.

- Hoan hỷ lạc hạnh. Mặc cho nó đi, mặc tình nó đến...

Thân tâm đều xuất gia, thân xuất gia tâm không xuất gia, thân không xuất gia tâm xuất gia.
Ngồi trên đá nói Pháp 

Hoà thượng Khai Sâm:

- Cây nào vỏ cũng màu xanh,

Đơm bông kết trái hai cái phân biệt rõ.

Ba bước thiền sư có thể độ Sư.

Minh tâm kiến tánh, không sát sanh tức thái bình

Tu lợi, tu lợi; tu không cầu lợi mới thoát sanh tử 

Cơm nhạt trong bụng no, mọi việc đều tùy duyên.

Sư Tâm Giác hỏi:

- Trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn “phi huyễn... diệc phi...”

Sư phụ đáp:

- Sáu căn phân biệt, liền có sanh tử, phàm cái gì có tiếp xúc sáu căn thì có sanh diệt, trở thành đời ác ngũ trược.

- Phân biệt tức là giặc, đúng hay không?

- Đúng hay không đúng cũng là phân biệt.

- “Lấy giặc đánh giặc”, trong Chỉ nguyệt lục có ghi công án:

Một vị tăng hỏi Triệu Châu ‘con chó có Phật tánh chăng?’

- Có hay không cũng không đúng, vì khởi vô minh. Nếu không vô minh thì hai người đều đúng, cũng đều không đúng.

- Buổi sáng Triệu Châu đáp KHÔNG để phá chấp CÓ của Tăng,

Buổi chiều Triệu Châu đáp CÓ để phá chấp KHÔNG của Tăng.

Pháp sư Sâm Nghĩa, người quốc tịch Úc hỏi:

- Sư phụ từ đâu đến?

Sư phụ đáp:

- Từ không chỗ trụ mà đến.

Pháp sư nghe, lấy làm thú vị nói rằng:

“Ấy là ngôn ngữ của bậc kiến tánh”.

Sư phụ hỏi:

- Hôm nay ông đến đây, vậy ông đến hay là ai đến?

- Con đến.

- Vậy lại có một cái “ta” đến, cũng chưa đúng. Có một tướng tới lui thì có sanh diệt, đều là huyễn hoá. Bản tánh không đến không đi không sanh không diệt, không mình không người. Nói không cần suy nghĩ, chuẩn bị; khi có người hỏi thì lập tức trả lời, thế mới là không có đến có đi. Chúng ta nói chuyện phải qua suy nghĩ, vậy là có đến có đi, Phật Pháp không thể nghĩ bàn, không thể dùng miệng mà nói được.

Pháp sư nói:

- Xin sư phụ chỉ dạy cho con phương pháp tu hành.

Sư phụ:

- Thọ giới là thọ nhẫn nhục, tai nghe người khác mắng ông, kích bác ông, mà ông không quan tâm đến những điều đó thì gọi là giới.

- Tu hành rất khó, giữ được hạnh nhẫn nhục lại còn khó hơn; như nhẫn một tuần, hai tuần, một tháng cho đến một năm, ba năm thì dễ. Nhưng nhẫn cả đời thì không phải là việc giản đơn.
- Vô minh của người xuất gia như lửa, vô minh của người tại gia như khói.

Có vị pháp sư nói:

- Căn phòng đóng kín của tôi rất nhỏ, không khí không được tốt.

- Nếu đóng kín tâm thì thân này tạm dùng được, còn như đóng kín thân thì điều đó thường xảy ra.
Pháp sư:

- Ban-chu tam-muội là một trong bốn loại tam muội mà Đại sư Trí Giả gọi là Trường hành tam-muội; pháp môn Sư phụ đang hành trì là Trường toạ tam-muội.

Sư phụ nói:

- Tôi không biết tôi đang làm gì, nếu ông không nói thì tôi cũng không biết. Vậy đừng nói tôi đang làm gì.

Năm 1974. Có một nữ cư sĩ hỏi rằng:

- Con học Phật pháp ba năm sao không hiểu gì hết, chỉ biết niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật. Có người nói Phật, Ma chỉ khác nhau một chút, không biết hiểu như thế nào mới đúng?

Sư phụ đáp:

- Phật, Ma đều do chúng ta vọng tưởng mà có, chánh niệm tức là Phật, tà niệm tức là Ma.

- Con học Phật chỉ mới ba năm, không biết gì cả, chỉ biết niệm Phật, phần lớn thời gian đều ở trên núi, chỉ có 2 - 3 tháng là ở nhà; con ở trên núi niệm Phật, có một thứ linh cảm, ấy là nếu nhà con xảy ra việc gì con đều biết ngay.

- Như vậy là con không có chánh niệm, tưởng nhớ đến việc nhà nên niệm Phật không chuyên nhất, có tạp niệm thì không có chánh niệm. Con vừa nói muốn học Phật, mà học Phật thì tư tưởng của thế gian phải vứt bỏ.

Sư phụ dạy:

*** Lịch sử và văn hoá Trung Quốc có giáo dục lễ, nghĩa; có Phật pháp Đại thừa và Tiểu thừa, nhưng mà người không có lễ nghĩa thì học Phật tương đối khó. Từ xưa Trung Quốc đã có lễ, nghĩa, trung, hiếu. Thuận với đạo lý mà làm, thì xã hội ổn định, quốc thái dân an. Thế giới ngày nay muôn màu muôn vẻ, muốn có được thân ngươi không phải dễ. Nếu không biết lễ, nghĩa, trung, hiếu thì dù có làm bác sĩ, cũng khó cứu được người. Bác sĩ chỉ học về sắc tướng; những gì có sanh có diệt thường chỉ gây nguy hại chứ không cứu được người; mắt cho thấy có sanh ắt có diệt. Các bậc thánh hiền xưa có lễ nghĩa, tuân theo quy cũ, làm cho thế giới thái bình, mới có thể cứu đựơc người.

*** Vô minh của chúng ta giống như đám mây, có lúc che ánh sáng mặt trời. Phàm mọi sự muốn đạt được đến chỗ rốt ráo, thì bắt đầu là phải dứt vô minh; không dấy lên ngọn lửa vô minh, không sanh phiền não, không đố kỵ người. Nếu như có tâm đố kỵ thì sẽ đoạ vào ba đừơng ác, kiếp sau không biết có được trở lại làm người hay không? Cho nên mới nói: Thân người khó có, Phật pháp khó được nghe, chánh pháp khó gặp”.

*** Trong tâm chứa đầy đủ tất cả, cần dùng liền có, không dùng thì không có, ấy gọi là “không tức là sắc, sắc tức là không”.

*** Ăn thịt chúng sanh tức là ăn thịt chính mình, giết người tức là tự giết mình. Nói điều phải trái của người tức là điều phải trái của mình; nói người khác xấu tức là chính mình xấu.

Việc của người xuất gia chúng ta, không nên nói cho người tại gia nghe. Mỗi đạo tràng đều có một vị La Hán. Ta phê bình người khác, chẳng phải là động đến các vị La hán đó sao?

Mặc ai có đúc tượng Phật cao bao nhiêu, hay làm hàng vạn tượng Phật đi nữa, các vị chỉ nên lo niệm Phật, tu khổ hạnh, ăn mặc đạm bạc thô sơ thì tự nhiên có người đến cúng dường, so với người xây đắp tượng Phật, công đức vẫn hơn.

*** Phải khổ hạnh mới đạt đến trí tuệ và Phật báo, phước báo.

Phước báo là khi người nhìn mình, họ liền phát sinh lòng vui mừng, tâm cung kính. Phước báo là được người cúng dường, nhưng mình phải quý phước, không nên xa xỉ. Mặc dầu có phước báo nhưng cần phải chừng mực, tốt hơn nên đem phước ấy ban bố cho người khác, không nên ôm giữ riêng cho mình.

*** Tự mình tinh tấn mà không hay biết, cần thuận theo tự nhiên không nên chấp trước – chấp rằng phải ra sức dụng công

*** Phật pháp không lìa thế gian pháp, tức là muốn cứu độ người cần phải đề cập đến những liên hệ nhân quả trong xã hội; phải tiếp xúc với xã hội. Còn thế gian cũng không lìa Phật pháp, nghĩa là mọi sự mọi việc trong xã hội phải dựa vào Phật pháp mới có thể đề cao cái thiện và tiêu trừ cái ác.

Có người hỏi Sư phụ 

- Vì sao con không muốn ngủ nhiều mà chẳng có cách gì để đối trị.

Sư phụ đáp:

- Vì con người có vô số tham dục, chẳng hạn miệng thích ăn, ăn no thì ưa ngủ. Mũi thích ngửi mùi thơm, mà hương thơm thì làm cho tâm tán loạn. Tai ưa nghe nên sinh ưa thích, ưa thích mà phải xa lìa thì khổ. Mắt ưa nhìn tâm động, tâm động thì bị “nhập tâm”

Có người ngoại đạo phát biểu:

- Tôi muốn tu cho đến sống mãi không già.

Sư phụ nói:

- Thân xác tôi không có chỗ gởi vào, nhưng tâm linh tôi thì có nơi để đến. Ngày nào đó, tâm linh sẽ lìa cái thân giả tạm này.

Tôi đã chuẩn bị cho cái thân, thì tâm linh tôi có chỗ để đến.

Ấy là: thân xác trở về tứ đại, tâm linh đến Tây phương.

Ngoại đạo nói:

- Tâm linh của tôi ở trong vạn vật vũ trụ.

- Tâm linh mà gởi trong vạn vật vũ trụ thì thật là nguy, vì phải thay hình đổi dạng và luân chuyển trong bốn loài chúng sinh. Mắt cho thấy, có sanh phải có diệt, vạn vật trong vũ trụ đều bị huỷ hoại. Dù cho thân thể này tồn tại hai ngàn năm đi nữa, cũng giống như tảng đá kia, vẫn bị huỷ hoại mà thôi.

Ngày 14 - 01 – 1974

Sư phụ nói:

- Độ chúng sanh không chỉ dùng lời nói, mà phải tu đạt đến chỗ vô hình trung cảm hoá được người, chứ không phải “lấy cái gì đó” để hoằng pháp.

Pháp sư Độ Luân:

- Đúng vậy, dùng pháp vô vị, không dạy bằng lời. Hiện nay tôi muốn làm việc gì thì tôi cũng có thể làm được, thí dụ: tôi muốn chỗ tôi đang ở là thành phố SanFrancisco không bị động đất, thì không bị động đất, không phải là đất không động, mà do tôi khiến cho đất không động. Trước kia tôi ở Hồng Kông, có trận cuồng phong sắp thổi đến, tôi làm cho nó thổi ở ngoài khơi, cách 20 dặm Anh. Khi tôi còn là sa-di có quỉ, thần, rồng, hồ ly đến quy y. Bây giờ tôi có một số đệ tử người Mỹ, dù cho tôi đánh họ, mắng họ, họ cũng không bỏ tôi mà đi.

- Tu hành phải tu tới chỗ nói được thì làm được, nói như thế nào thì phải làm như thế ấy. Còn phần tôi, tôi không nói là tôi đang làm gì cả, người ta thấy tôi hoặc nghe tôi nói một vài câu, họ cảm động; sau khi tôi đến Đài Loan, Đài Loan cũng tương đối được an ổn.

- Đó là đức hạnh của Hoà thượng cảm hoá được mọi người, những điều ấy tôi chưa nói với ai, vì gặp được tri kỷ nên mới thổ lộ. Tôi đến nước Mỹ, là do Lục Tổ Đại Sư bảo tôi đến, pháp tự của tôi là Độ Luân, pháp danh là An Từ, Hoà thượng Hư Vân đặt tên tôi là Tuyên Hoá.

- Khi tôi ở Cổ Sơn cũng đã từng gặp Hoà thượng Hư Vân. Tôi là người tu khổ hạnh, một chữ cũng không biết, không biết thuyết pháp, không biết gì cả.

- Hoà thượng quá khách khí, xưa nay vốn gọi đó là vô sở đắc, tu hành không phải dựa trên văn tự mà phải có đức hạnh mới độ chúng được. Lục Tổ Đại Sư một chữ cũng không biết, công phu mà tôi có được là nhờ trì chú Lăng Nghiêm và chú Đại Bi, lúc gặp việc gì nguy cấp phải dùng đến, không cần phải niệm từ đầu tới cuối, chỉ niệm một vài câu hoặc một chữ trong đó cũng có thể cảm ứng, tùy theo tình huống mà dùng câu cần thiết.

- Tôi chỉ niệm Phật, khi gặp việc gì chỉ cần niệm một câu A-Di-Đà Phật là được.

- Tôi vốn ưa giúp người, nhưng vì giúp người mà bị nhiều sự hủy báng. Mặc dù vậy, lòng lợi tha của tôi cũng không thối chuyển, nếu đem đầu tôi chặt đi, tôi cũng vui vẽ bằng lòng. Ai chửi mắng tôi, tôi cũng xem đó như lời ca tiếng hát; ai đánh tôi cũng như đánh vào vách, vì tôi muốn hàng phục thiên ma ngoại đạo.

- Ngài chính là Bồ Tát.

- Ngài là đại A La Hán, chúng ta sớm đã biết nhau, mấy chục năm không gặp, bây giờ lại được trùng phùng. Tuy nói như vậy nhưng thật ra chúng ta đã gặp nhau mấy lần rồi.

- Ngài vừa đến, tôi đã biết trước Ngài là ai; tâm Bồ Tát định gặp tức là gặp

 Phàm có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng tức là thấy Như Lai.

- Ấy vẫn còn là sắc tướng, dù sao tướng vô hình có được cũng do tu luyện từ tướng hữu hình

mà ra.

- Mượn giả để tu chơn.

- Những gì mắt thấy đựơc thì vẫn còn sanh diệt, những gì mà tai nghe đựơc cũng như vậy.

Thỉnh Hoà thượng trụ thế lâu hơn, trong chỗ vô hình Ngài hộ trì cho tôi hoằng pháp.

- Lần này tôi muốn rời cõi Ta-bà, không ngờ bị tín chúng giữ lại.

- Đến - không từ đâu mà đến; đi - không từ đâu mà đi.

- Tôi muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, - đến đi tự tại.

Pháp sư cười nói:

- Ngài không đi, bởi vì tôi chưa đến; bây giờ tôi đến rồi thì Ngài lại càng không được đi. Ngài phải trụ thế lâu hơn để cho thế giới hoà bình. Chúng ta mỗi người ở mỗi nơi, làm việc riêng của mình. Xin Hoà thựơng đem tinh thần giúp tôi hoằng pháp lợi sanh, hàng phục thiên ma, thuyết phục ngoại đạo.

- Còn như bây giờ chúng ta đang nói đến chuyện hoằng pháp; không thể mang cái gì ra để hoằng pháp, mà phải tu đạt đến chỗ cảm hoá người một cách vô hình. Đến như kẻ xấu trông thấy cũng khởi lòng tin, không cần dùng lời nói.

 - Đúng vậy, đúng vậy! Hồi tôi ở Mỹ, nhiều người giàu có đến chùa tôi cũng không tiếp chuyện, nhưng họ vẫn khởi tâm kính ngưỡng, ấy gọi là: “động” cũng đại chuyển pháp luân “tĩnh” cũng đại chuyển pháp luân; động-tĩnh không hai, tĩnh-động là một.

Sư phụ cười, Pháp sư Độ Luân cũng cười, Pháp sư ngửa bàn tay đưa cho sư phụ xem, sư phụ cũng ngửa bàn tay đưa cho Pháp sư xem. Hai người cùng mỉm cười hiểu ý nhau.

Sư phụ nói:

- Tôi không định nói điều gì cả, nhưng vì Ngài nói nên tôi mới nói, không cần phải nói nhiều lời 

- Tôi không nói gì cả:

Pháp sư Tạng Độ thấy sư phụ ngồi từ sáng đến chiều, tỏ ý:

- Hoà thượng ngồi lâu quá rồi!

- Chính Ngài mới ngồi lâu đấy chứ.

Ngày 3 và 4 tháng 7 – 1974

Sư phụ bắt đầu giảng dạy. Lúc ấy không có người ghi chép, bây giờ chúng tôi hồi ức lại lời sư phụ dạy, xin lược ghi ra đây:

“Cư sĩ đến chùa cúng dường tài vật là để tạo phước điền, phải nên bố thí không hình tướng thì công đức mới lớn, nghĩa là không thấy người bố thí, vật bố thí và người được bố thí.

Cư sĩ đến chùa tụng kinh bái sám phải thành tâm, phải buông xả. Không nên thân ở Chùa mà tâm lại lo nghĩ đến con cái ở nhà; con cái tự có phước báo của chúng, nên không cần quan tâm đến mà phải chuyên tâm học Phật. Nếu như còn để tâm lo nghĩ đến con cái và việc nhà, tức là người si mê.

Cư sĩ đem phẩm vật đến cúng dường chư Phật, vật ấy trở thành vật của Tam Bảo, không còn là vật của mình.

Giả sử trẻ con dẫn đến chùa đòi ăn trái cây cúng Phật hoặc đã cúng rồi, không thể tự tiện lấy cho. Vì phẩm vật ấy đã trở thành vật của Tam Bảo, không thuộc về mình. Muốn cho chúng thì phải có sự đồng ý của người xuất gia trong chùa.

Cư sỹ đến chùa tụng kinh bái sám, tham gia Pháp hội, phải sống hoà đồng, không nên chê thức ăn ngon dở, vì ở chùa không giống như ở nhà. Ở nhà có thức ăn ngon, còn đến chùa thì phải ăn thức ăn đơn sơ, đạm bạc mới đúng. Cư sỹ đến chùa phải giúp đỡ công việc trong chùa, không nên nhàn rỗi vô sự, không nên nói chuyện đông chuyện tây, bàn luận thị phi.

Người xuất gia ở trong chùa, đối với người tại gia đến chùa lễ bái, không được cùng họ bàn chuyện thế tục, cần phải hướng dẫn họ học Phật như thế nào. Vì mục đích của cư sỹ đến chùa là để xin nhờ người xuất gia giảng dạy Phật pháp, theo người xuất gia để học cách đốt hương lễ phật, niệm Phật. Mục đích của người xuất gia là liễu sanh thoát tử mà muốn liễu sanh thoát tử thì cần phải nỗ lực tu hành, nếu không khổ hạnh thì không thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, chắc chắn đời sau sẽ rơi vào sáu nẻo luân hồi. Trong 4 loài noãn, thai, thấp, hoá, người là thai sanh có linh giác trong vạn vật, rất thông minh, cho nên con người tu học Phật pháp tương đối dễ dàng. Còn các động vật khác thì rất ngu si, không thích ứng đựơc với sự học Phật pháp.
Người xuất gia phải nên biết rằng, đựơc làm thân người không phải là dễ, phải biết nắm lấy cơ hội được làm thân người để nỗ lực tu hành, mong cầu giải thoát. Nếu không thì tu chưa thành đạo lại sẽ phải tái sanh trong bốn loài, cũng chẳng biết sẽ sanh vào loài nào.

Giả như kiếp sau sanh vào loài chim (noãn sanh), loài cá (thấp sanh), loài sâu bọ (hoá sanh), trí tuệ của chúng thấp hoặc không có trí tuệ các loài ấy muốn tu học Phật pháp rất khó.

Ngày 8 - 7 – 1974 Sư phụ kể lại cuộc đời của Ngài.

Khi tôi lên 5, 6 tuổi cùng mẹ đến chùa lễ Phật, có vị pháp sư bảo: “Gieo thiện căn cho con”. Lúc 25, 26 tuổi tôi đến chùa Thừa Thiên. Chẳng bao lâu cha mẹ qua đời, tôi bèn đi Nam Dương, vẫn ăn chay như cũ. Trong khoảng thời gian ấy tôi cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, không có gì đáng để mơ ước, đời người cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cha mẹ có để lại tài sản, ruộng đất; nếu như tôi cũng sống cày cấy như cha mẹ cho đến già, cuối cùng cũng đi đến cái chết mà thôi, vĩnh viễn trong vòng luân hồi sanh tử, do đó mà tôi mong thoát khỏi sanh tử. Ba mươi sáu tuổi tôi từ Nam Dương trở về chùa Thừa Thiên, chánh thức xuất gia. Tôi đảnh lễ Pháp sư Thụy Phương xin làm đệ tử, xuống tóc cho tôi. Lúc bấy giờ ai cũng chỉ nghĩ đến nghề ruộng vườn. Tôi không được học, không biết chữ. Trước tiên tôi học làm vườn, bửa củi, nấu ăn, làm những việc không ai muốn làm. Trong thời gian ấy tôi vẫn niệm Phật, ngồi thiền. Sau khi thọ giới xong, tôi trở về chùa Thừa Thiên ở ba năm, dốc lòng tu tập, chuẩn bị vào núi sâu để tu khổ hạnh. Khi vào núi, tôi chỉ mang theo một ít gạo, kim chỉ, áo quần và những dụng cụ cần thiết.

Nơi đây tôi tìm được một động đá. Động ấy có hai cửa, tôi ngăn lại một cửa. Trong động rất kín đáo và mát mẻ, lại có một tảng đá bằng phẳng có thể ngồi thiền rất thoải mái. Vào lúc mặt trời lặn bỗng nhiên có một con hổ tiến vào động, nó đưa mông vào trước. Tôi giật mình niệm liên tiếp “A-Di-Đà Phật …”. Hổ cũng hoảng hốt bỏ chạy, một lúc sau nó trở lại, tôi nói với nó: “Này hổ, con không thể nhường động này cho ta tu hành được sao, hay là con muốn ăn thịt ta?” Tôi thấy con hổ không tỏ ý dữ, nên liền quy y cho nó, ấy gọi là “tâm động tâm”. Tôi không có ác ý, nó cũng không có ác ý. Vậy là ngày hôm sau nó dẫn vài con hổ đến, chúng nhảy qua nhảy lại ở trước cửa động, tỏ vẻ rất vui thích, cảnh tượng ấy rất đẹp. Đó là nhờ ăn chay tu hành mới được vậy. Chốn thiên nhiên u tịch, ngoài tiếng chim kêu vượn hú ra, không có tiếng ồn ào của thế giới bên ngoài, thật là thanh tịnh.

Dù trước kia ở chùa Thừa Thiên tôi đã tập quen ăn, mặc, ở thật đơn giản, nhưng chỉ sau vài tháng số gạo mang theo cạn hết. Lúc đó tôi mới bắt đầu dụng công ngồi thiền, lần đầu chỉ được một tuần thì cảm thấy đói. Tôi ra khỏi động tìm thức ăn, nhìn thấy bầy khỉ ăn trái cây. Tôi nghĩ, khỉ ăn được thì người cũng có thể ăn được. Thế là tôi lượm vài trái khỉ ăn còn lại để ăn. Sau khi ăn xong, cảm thấy dễ chịu, định lượm một ít đem về ăn, bầy khỉ thấy vậy ra sức rung cây khiến cho trái rụng xuống, tôi lấy đem về. Số trái cây ấy chỉ ăn đủ vài ngày, tôi lại tiếp tục dụng công thiền định. Khoảng một tháng sau lại cảm thấy đói. Lần này ra ngoài tìm thức ăn, kiếm được một đám khoai rừng ước chừng một - hai mươi cân, tôi lấy cành cây đào lên một ít để ăn rồi lấy đất lấp lại, về động dụng công hành thiền tiếp. Xưa nay việc tu hành chỉ là mượn giả tu chơn, ăn ít, tạm đỡ đói là đủ. Đám khoai rừng ấy lại ra củ non, đủ ăn trong vòng 3, 4 năm.

Ở trong động khô ráo sạch sẽ nên quần áo ít khi giặt. Có lúc tôi cũng vá lại nó. Nhưng ngày qua tháng lại, áo quần vẫn phải rách. Đến khi ba cái chỉ còn một mà lại quá rách nát, tôi liền an ủi tấm thân giả tạm này: “Sau sẽ may cái tốt hơn cho ngươi mặc”. Về sau tôi nghĩ, ở lâu trên núi làm bạn với cầm thú chẳng qua chỉ tự độ mà thôi. Đức Phật dạy rằng: “Trước tự độ mình, sau cần phải độ chúng sanh”. Dù ở trên núi một ngàn năm cũng chỉ là tự độ, muốn độ chúng sanh ắt phải xuống núi. Thế rồi tôi trở về chùa Thừa Thiên. Khi xuống núi râu tóc mọc dài, giống như người rừng chẳng khác. Người trong chùa đều không nhận ra tôi, buộc tôi phải nói tôi là ai, ở chùa nào, thầy tôi là ai. Họ bèn đem y phục cho tôi mặc, cho tôi uống một ít nước cháo trắng. Tuy tôi không muốn uống nhưng không nỡ phụ lòng tốt của mọi người. Sau khi uống vào ít cháo tôi cảm thấy đầu óc không còn sáng suốt minh mẫn như trước.

Khi tôi còn ở trên núi, các tiều phu gọi tôi là “thầy phục hổ”. Tôi trở về chùa Thừa Thiên được 5, 6 năm, có cư sĩ Lâm Giác Phi muốn bái tôi làm thầy. Tôi bảo: “Anh nên tìm vị khác làm thầy, tôi không biết chữ”. Nhưng sau khi anh ta đi thăm dò khắp nơi, cuối cùng vẫn xin bái tôi làm thầy. Tôi đồng ý. Anh ta xin tôi bảo hộ để được bình an trót lọt trên đường đi ra Đài Loan. Đến Đài Loan, anh viết thư thỉnh tôi qua đó hoằng pháp. Tôi nghĩ mình không biết chữ làm sao hoằng pháp. Hơn nữa, hồi tôi ở chùa Thừa Thiên đi mua rau không biết làm toán nên lộn mất cả tiền, nói gì đến việc qua Đài Loan hoằng pháp. Anh ta biết việc ăn mặc của tôi rất đơn giản, không gì đáng lo, liền gởi tiền cho tôi làm lộ phí. Sau khi tôi đến Nam Phổ Đà - HẠ MÔN, nhận được thư và 1000 đồng Đài Loan từ chùa Thừa Thiên chuyển đến. Đúng dịp ấy có pháp sư Phổ Quán (trụ trì Đại Phật Viện Cơ Long), vốn từ Đài Loan đến Lục Điạ, cũng muốn trở về Đài Loan, nói với tôi: “Thầy chưa quen biết Đài Loan. Tôi có người chị ở Tiên Động, tôi sẽ đưa Thầy đến đó”. Tôi và vị pháp sư ấy cùng đến Tiên Động - CƠ LONG ở vài tháng. Sau đó, Lâm Giác Phi đón tôi đến chỗ ở của anh ta. Lúc bấy giờ cũng có nhiều vị pháp sư mời tôi đến ở, tôi đều nhẹ nhàng từ chối, vì tôi thích ở trên núi cất am tranh để tự tu.

Độ chúng sanh không phải đơn giản, cần phải có Phật duyên và Phật báo, tự mình có công tu hành, phước huệ đầy đủ thì tự nhiên Hộ pháp Vi Đà gia hộ. Nếu không như vậy, dù muốn độ người, người cũng không để cho mình độ.

Ngày nay tôi độ được nhiều người cũng là nhờ Hộ pháp Vi Đà gia hộ. Muốn độ người cần phải có tâm khoan dung độ lượng, ai hỏi bất cứ điều gì tôi cũng đều nhẫn nại trả lời, không hề khó chịu, mọi người thấy tôi vui vẻ; còn phần tôi, tôi không hiểu làm sao độ đựơc chúng, lập được đạo tràng. Tuy tôi không biết giảng kinh, nhưng có chút ít công phu tu hành có thể tỏ bày, chỉ ngay cho họ con đường đến Tây Phương“.

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật 

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 9 - 7 - 1974

Vào tháng 7, Sư phụ tổ chức pháp hội Địa Tạng trong vòng một tháng, cứ mỗi chiều Ngài giảng một giờ, thầy Truyền Hỷ dịch sang tiếng phổ thông, thầy Truyền Văn dịch lại sang tiếng Đài Loan. Đệ tử xuất gia của Sư phụ gồm có các thầy Truyền An, Truyền Phụng, Truyền Hối, Truyền Tổng, Truyền Tịnh, Truyền Đăng, Truyền Hải, Truyền Ngạn, Truyền Duyên, Truyền Thực, Truyền Âm, Truyền Đà, Truyền Tu, Truyền Nghĩa, Truyền Thông.

Mỗi chiều sau khi Sư phụ giảng xong, hứơng dẫn chúng niệm Phật, lễ Phật. Hôm trứơc Sư phụ nói về nhân duyên xuất gia và việc tu hành ở chùa Thừa Thiên và ở núi Thanh Nguyên, còn hôm nay thì Sư phụ kể lại những việc ở Đài Loan.

“Tôi ở chùa Thừa Thiên, định đến Nam Phổ Đà thì có điềm báo trước, một con chim (chim bạch-lộ-ty) đến trước mặt tôi kêu: “Lão Hoà thựơng” (tiếng kêu của nó nghe giống như vậy). Tôi ngờ rằng nó kêu Thầy tôi là Ngài Chuyển Trần, vì lúc ấy Ngài Chuyển Trần Là Hoà thượng trụ trì, không ngờ nó lại kêu tôi.

Có người không dám làm Hoà thượng, vì làm Hoà thượng không phải dễ, không thể tùy tiện gọi ai cũng là Hoà thượng. Nếu làm Hoà thựơng thì phải trụ trì, xây dựng đạo tràng, độ người; vả lại cách hành đạo có chỗ khác với pháp sư. Sở dĩ tôi rời chùa Thừa Thiên đến Nam Phổ Đà là do cư sĩ Lâm Giác Phi viết thư mời tôi đến Đài Loan để hoằng pháp độ sanh. Tôi nghĩ rằng đã có người thỉnh thì tôi cũng tùy duyên đến Đài Loan xem sao. Thế là tôi đi thuyền đến Hạ Môn lo giấy tờ xuất cảnh.

Tôi không giống như những pháp sư khác đi theo bộ đội mà đến. Sau khi tới Đài Loan, tôi ở Tiên Động 4 – 5 tháng rồi lại đi Đài Bắc. Ban đầu tôi ở động núi Chi Sơn được mấy tháng, sau đó đến chùa Long Sơn, nhưng vì khí hậu nơi đây quá nóng chỉ ở đựơc vài ngày, bèn đến Thuỷ Liêm Đình – TÂN ĐIẾM; ở đựơc một hai ngày có một “thái cô” (cô ăn rau chay) mời tôi đến chùa Pháp Hoa. Chùa này vốn là của người Nhật, sau khi người Nhật rút về nước còn nhiều hồn ma Nhật ở đấy. Ban đầu tôi không biết, nhưng lúc cùng đến đó với cư sĩ Cao Minh Thụ, đêm nghe âm khí lạnh buốt. Có nhiều bóng ma mặc độ Nhật, tóc chải, mang đồ đạc trên lưng hiện ra. Mọi người không ai dám ngủ lại, lần lượt lén bỏ đi, chỉ còn lại một mình tôi. Tôi giảng pháp cho các hồn ma, đồng thời phát hiện thấy nhiều xương người dầm trong chum nước để dưới đất. Tôi vớt ra từng cái đem phơi khô, sau đó bọc kỹ lại, niệm Phật siêu độ cho họ, thế là mọi sự bình an trở lại. Hiện nay ở chùa Pháp Hoa vào ngày 17 mỗi tháng có tổ chức tụng kinh cầu siêu, thông lệ này bắt đầu từ đó. Các “thái cô” chùa Pháp Hoa chỉ bíêt ăn chay, không hiểu Phật pháp, cũng không biết coi trọng pháp sư. Sau khi tôi làm cho ngôi chùa ấy bình an trở lại họ vẫn không biết cung kính pháp sư và ứng xử như người thế tục, có người còn nói rằng thỉnh tôi đến đây chưa chắc đã mời tôi ra khỏi được. Mà tôi thì không thích ở chùa người, bèn giả từ họ.
Từ chùa Pháp Vũ đến núi Đại Đồn có chùa Đại Từ, nơi đây có vài ngôi nhà Nhật Bản, có mấy “thái cô” ở, họ đều để tóc, có gia đình và con cái. Có “thái cô” tên A Thụy mời tôi đến. Tôi cùng sư sĩ Cao Minh Thụ đến xem qua thì thấy giống như chùa Pháp Hoa. Thế là lại tiếp tục lên đường đi đến Thủy Liêm Đình nằm bên kia Điếu Kiều – TÂN ĐIẾM, gần TÂN XÃ.

Nếu muốn xây dựng đạo tràng tôi có thể mua một ngọn núi ở Thủy Liêm Đình, nhưng tôi nghĩ người xuất gia không cần làm như thế, ở đâu cũng xong, sống qua ngày là được. Về sau, từ Thuỷ Liêm Đình nhìn ra tôi thấy một ngọn núi giống như đầu sư tử, trên núi này có một tảng đá lớn, tôi liền nghĩ có thể đục đá thành động để ở, vì người xuất gia không nên ở nhà thế tục (chỉ Thủy Liêm Đình). Do đó tôi mới rời Thủy Liêm Đình cùng cư sĩ Cao Minh Thụ lên núi đục đá làm động, thiên hạ ở đây cũng đến giúp đỡ. Thế là tôi có được một động đá để an trú. Dần dần có một số người đến quy y.

Ở Tân Điếm, nhiều người không có tinh thần hộ pháp nhưng lại tổ chức Hội hộ pháp, lợi dụng người xuất gia để thu tiền hương đèn. Người Đài Loan lúc bấy giờ không có chánh tín, không hiểu Phật pháp, giống như những người thờ thần miếu vậy. Tôi ở động Quảng Minh độ chúng. Lúc đầu cứ nghĩ Hội hộ pháp là nhằm để ủng hộ Phật pháp, sau đó thấy nhiều người hăm hở đến quy y …. Tín đồ đến, tôi nấu cơm đạm bạc cho họ ăn, nghĩ rằng mình chỉ cần hoá độ chúng sanh, nếu hoá độ tốt thì đạo tràng nào mà chẳng thành. Nhưng mọi người không hiểu, họ bảo không nên cho tín chúng ăn, làm như vậy là phí của, nhà chùa mất đi thu nhập. Tôi chỉ chú trọng độ chúng, không chú trọng đến tiền bạc và không xem trọng hình thức bên ngoài, nghĩ rằng ở Đại Lục người tại gia phải cất nhà cho người xuất gia ở, làm gì có người tại gia đi lợi dụng người xuất gia. Tôi chỉ muốn độ sinh chứ không muốn mình giống như ông thần miếu. Do đó bèn xây dựng chùa Quảng Chiếu phía trên động Quảng Minh và tạc một pho tượng Phật A-Di-Đà cao 1 trượng 8. Có người nói với tôi: “Ngài vào ở chùa Quảng Chiếu, để động Quảng Minh cho chúng tôi quản lý”. Tôi bảo: “Các ông muốn quản lý động Quảng Minh tùy các ông, chúng tôi là người xuất gia không thể để các ông quản lý được”. Vì thế tôi vẫn ở trong chùa Quảng Chiếu. Tôi nghĩ bụng, sau khi tượng đức A-Di-Đà chùa Quảng Chiếu hoàn thành dân chúng ở Tân Điếm sẽ được bình an; nơi đây ắt sẽ đựơc phát đạt và tương lai có thể trở thành khu du lãm.

Về sau chùa Quảng Chiếu cũng có người muốn lấy, tôi mới cùng với sư Truyền Ý và Trịnh Thuỷ Thanh đi đến động Nhật Nguyệt. Trong động có một cái ao – nơi đây heo rừng thường đến tắm, trong động có cây cối, trên đỉnh động có nước nhỏ giọt, tôi nhận thấy nơi này thật tốt. Lúc đầu động Nhật Nguyệt không có lối đi, cỏ giây mọc đầy, tôi phải lần theo dây mây bám dọc theo vách đá mà leo lên. Đến nơi thấy chẳng có gì để ăn, mọi người bảo tôi: “Sư phụ không thể ở đây được”. Tôi nói “Các vị về đi”. Sư Truyền Ý nói muốn ở lại cùng tôi. Trước kia ở Đại Lục tôi đã có nhiều công phu tập luyện, dụng công ngồi thiền. Nhờ công phu thiền định nên không sợ lạnh, vả lại lúc ấy tôi còn trẻ, thân thể khoẻ mạnh, nên một mình tôi ở nơi này cũng không sao. Còn sư Truyền Ý thì ngủ nằm, sợ lạnh, phải xuống núi lấy chăn bông, khi trở lên trời tối không tìm ra đường nên rán hết sức kêu tôi, tôi gọi to trả lời, sư mới nương theo tiếng lần lên tới động được, sau đó động được sắp xếp lại tốt hơn. Dần dần một số tín đồ ở Tân Điếm tìm tôi không thấy, nghe tin tôi đến chốn này, họ cũng theo lên, rồi có nhiều kẻ ở lại, nam nữ cộng khoảng mười người.

Động Nhật Nguyệt là tên do tôi đặt. Tôi thấy lần này không phải như khi ở núi bên Đại Lục; trước mắt, việc độ chúng không đựơc thuận lợi, nhất là đối với người già cả, nên đã kiếm xem một mảnh đất nào đó tương đối thấp để mua, và kiến lập chùa Thừa Thiên. Núi này 1úc đầu giá rất rẻ, mua chỉ một ngàn đồng. Tín đồ lúc ấy đều là dân ở Bản kiều, họ kiến nghị tôi mua khoảnh đất này, và tự họ bỏ tiền ra mua. Nơi này vốn có tên là “Trúc Tử Lâm”, rất âm u, không có lối đi, rắn rết rất nhiều, nếu là người không bản lãnh thì không dám đến. Dân địa phương muốn chặt tre, ít nhất cũng phải 5, 6 người cùng đi. Sau khi mua đất này xong, tôi liền dùng vật liệu tại chỗ và nhờ người xung quanh giúp chặt tre, dựng một lều tranh”

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 10 - 07 - 1974

“Phàm là người thế gian đều phải chịu cái khổ sanh, lão, bệnh, tử. Chúng ta phải biết mình từ đâu sanh ra, chết đi về đâu. Con cái càng đối xử tốt với ta, ta càng khó xa lìa chúng. Vì quyến luyến thế gian nên không biết thoát ly khổ hải, vẫn ở mãi trong vòng luân hồi. Ấy là do nghiệp chướng quá nặng, mà nghiệp chướng là phiền não, là vướng vít, như vướng vít con cái trong gia đình. Mỗi người bị vướng vít khác nhau, nhưng đều vì thế mà quên mất con đường sanh tử của chính mình, thậm chí khi sắp chết, cũng chẳng quan tâm sẽ đi về đâu.

Trẻ con mà đã biết kính Phật đó là nhờ thiện căn từ kiếp trước.

Cho nên nói rằng chúng sanh tùy nghiệp chuyển; chúng sinh nghiệp chướng không giống nhau, không chuyển được nghiệp thì phải luân hồi, chịu phiền não vô tận. Người già biết sám hối thì khỏi thác sanh vào bốn loài; bằng không, ắt sẽ có chỗ của mình trong đó 

Có người hỏi Ngài rằng “Định nghiệp không thể chuyển?”, Ngài nói: “Nếu hiểu đạo, tin Phật sám hối Phật thì định nghiệp có thể chuyển được”. Nghiệp cảm của mỗi người không giống nhau; không giác ngộ thì ở cõi Ta-bà mà cho là chốn Cực lạc. Như dòi bọ trong nhà xí, như người ăn thịt đi mua gà vịt ở chợ rất lấy làm sung sướng; khi hiểu ra rồi, mới biết đó là tội lỗi. Người ăn chay nhìn thấy người ăn mặn mắc tội, mới cảm thấy ăn chay là hạnh phúc. Người đang hưởng phước thế gian tự cho mình đang ở thế giới cực lạc, mà chẳng biết hưởng phước như vậy có vĩnh viễn không? Khi phước hưởng đã hết thì khổ não và phiền não sẽ đến. Cho nên chúng ta đã quy y Tam Bảo, phải thường xuyên niệm Phật, không bận bịu vì con cháu, không vướng vít với người khác, phải vứt bỏ tất cả. Rất ít người được hưởng phước mãn đời, có kẻ hưởng phước bao nhiêu thì lại chịu khổ bấy nhiêu. Ở nhà phải tinh tấn lễ Phật niệm Phật, ít nói chuyện phù phiếm, ngõ hầu thoát khỏi biển khổ

Con người ai cũng mang nghiệp chướng, mà đời người thì ngắn ngủi; còn nghiệp chướng là còn sanh tử luân hồi. Ngay trong bốn loài, thân người cũng khó được; người phiền não thác sinh vào bốn loài, các loài đều có khổ não riêng, như gà có khổ não của gà... Chỉ có niệm Phật thì mới dứt đừơng sanh tử.

Chúng sanh tùy nghiệp mà lưu chuyển, có kẻ đầu thai làm trâu, heo, gà, bướm …. Chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi phải nhất tâm niệm Phật. Nếu không như vậy thì tùy theo nghiệp mà lăn lộn mãi trong sáu đường. Có người vì mắt phàm không thấy, chẳng tin có luân hồi; song chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trong cuộc sống, những súc vật như heo, bò do nghiệp gì mà đầu thai? Chúng sanh do nghiệp chuyển, muốn nhờ Phật lực chuyển không phải dễ; mong giải thoát quả thực rất khó khăn. Tập khí, cá tính mỗi người khác nhau, nhưng nói chung thân thể ta cũng giống như một địa ngục mà tâm linh vào lưu trú. 

Ngừơi tại gia khó mà hiểu đựơc sự tu hành của người xuất gia. Cùng là người cả nhưng chúng ta không thể nói “người tại gia giống như người xuất gia”. Người xuất gia biết đựơc căn cơ của người tại gia, có thể hướng dẫn họ về với Đạo mà không đòi hỏi tiền của. Nếu mưu cầu tiền của thì rơi vào tham ái; phải cảm hoá tín chúng tại gia một cách vô hình. Hai chữ giải thoát không đơn giản; độ chúng sanh cần phải tùy duyên, cần lòng từ bi; không thể đem phương pháp độ người xuất gia mà độ người tại gia. Mong rằng các vị sau này tu hành như chúng tôi, khi có đủ đức hạnh, nói một câu cũng có thể độ được người. Mặc vào chiếc áo của người xuất gia đâu phải là việc giản đơn.

Lại nữa, thế nào là người tội lỗi lại cần đựơc độ? Bồ Tát Địa Tạng phát đại nguyện thế nào, tại sao các vị không làm giống như Ngài? Chẳng qua là việc rất khó. Lời nguyện lớn của Ngài là “Địa ngục còn một chúng sanh, ta thề không thành Phật”, nếu tâm chúng ta đều phát ra thệ nguyện lớn như Ngài thì địa ngục có thể không còn chúng sanh. 

Trong cõi ngũ trựơc và trong bốn loài, chúng sinh ăn thịt lẫn nhau, Bồ Tát Địa Tạng muốn chúng ta ăn chay là để chấm dứt cái vòng luân hồi sinh tử. Nếu con nói sai, xin Bồ Tát Địa Tạng tha thứ, con xin sám hối với Ngài”.

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

 Ngày 12 – 7 – 1974

“Trong xã hội, làm việc gì cũng cần phải giữ chữ tín, không tham lam, tận tâm tận lực, phải thành thực, làm nhân viên giúp việc có hết lòng thì “cấp trên” mới trọng dụng. Người phật tử cũng phải như thế, đối với chư Phật phải thành tâm kính ngưỡng thì chư Phật mới gia hộ. Làm ăn lớn, hoặc làm ăn với người nước ngoài lại cần phải giữ chữ tín mới được tin cậy, được đề bạt và bồi dưỡng, sự nghiệp mới dần dần lớn ra, và tiền đồ sẽ xán lạn. Học bác sỹ không chỉ cốt lo bản thân, mình phải chịu khó mới thành tài, rồi có tận tụy vất vả người ta mới tín nhiệm, tương lai mới sáng sủa. Cho nên, người nào chịu khổ chịu cực đựơc thì con đường tương lai sẽ rộng mở.

Quay nhìn lại, người xuất gia tu hành cũng như thế. Chư Phật, Bồ Tát đều dụng công khổ hạnh, không cần phải chọn một nhân tài nào đó, cũng không nhất định phải học trong Phật học viện nào mới thành tựu đựơc. Phật và Bồ Tát đều tu từ khổ hạnh, thể nghiệm, tôi luyện mà thành.

Người tin theo đạo Phật hay người xuất gia thường bị thử thách, đả kích, kích thích; có bị thử thách như thế mới có thể tu hành đến giác ngộ đựơc. Mỗi người xuất gia đều có nhân duyên riêng, nhưng không nên cho rằng “vì bị kích thích mà đi tu là dỡ”. Trái lại, bị kích thích mà xuất gia thì đạo tâm càng kiên cố, bất luận người xuất gia hay người tại gia đều cần phải có chí khí. Người có bị kích động mới nâng cao ý chí tu hành, hay hành sự.

Người đi tu hiện nay ít chịu cực khổ, không biết rằng đi tu cần phải trăm ngàn cay đắng để liễu sanh thoát tử. Họ cũng không biết vì sao đi tu và tu như thế nào? Tu sỹ phải chịu kham khổ, làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn. Tu sỹ hiện nay không hiểu như vậy nên sợ khổ, sợ bó buộc, rồi tự đi cất chùa riêng, kết quả là không lo liệu gì được cho đại chúng. Thực ra tự mình còn không biết tự độ làm sao mà độ người? Do đó người xuất gia chịu khổ để tu, chứ chẳng phải xuất gia để hưởng thụ.

Người tu mà không bàn luận về Phật pháp, chỉ bàn luận về chuyện thế tục, ấy đâu phải bổn phận của người xuất gia? Đem việc gia đình thế tục áp dụng trong chùa, tập khí chưa dứt làm sao nói đến việc tu đạo? Người xuất gia phải tu khổ hạnh, tu giới, định, tuệ. Có một số người mới thọ giới xong, liền tự cho mình là pháp sư. Thọ giới là phải tự mình giữ giới luật, trì giới mới phát định phát tuệ; giới, định, tuệ không phải chuyện dễ dàng, phải nương theo Kinh, Luật, Luận để thực hành. Giới, định, tuệ là: đối với bốn loài chúng sinh không làm tổn thương, phải từ bi, phải nhẫn nhục, phải chịu cực khổ.

Có người đi thọ giới về mang theo lòng tham dục, tính chuyện hưởng thụ ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ tiện nghi; không chịu dũng mãnh tinh tấn. Người thế tục làm ăn muốn cho người ta tin còn phải chịu khó khăn vất vả, phải thủ tín; tu sỹ lại không đựơc người ta tin tưởng lý do là vì tham ăn, mặc, ở, chẳng giữ giới chẳng tu trì, thì làm sao người ta tin theo? Chúng ta phải giữ giới, phải chịu khổ cần lao thì tín đồ mới tin tưởng và kính trọng chúng ta.

Có một số tu sĩ kiếm sống như người thế tục. Người tại gia biết tụng kinh (hộ niệm), người xuất gia cũng tranh đi tụng kinh (hộ niệm) với họ, giống như cạnh tranh nhau làm ăn, hiện tựơng này không tốt, chẳng khác gì “tôi độ họ, họ độ tôi”. Sau khi thọ giới phải gia tăng giữ giới, nỗ lực hành trì. Trì giới, được Giới Thần gia hộ các vị, mới mong thoát khỏi biển khổ. Nếu như sau khi thọ giới về lại tranh đi hộ niệm với người tại gia thì làm sao có thể độ người đựơc? Có trì giới, có định – tuệ đầy đủ thì Vi Đà Bồ Tát sẽ gia hộ các vị. Một lời nói ra quỷ thần nghe được cũng thoát khổ, như thế mới gọi là tự độ, độ tha.

Ngừơi xuất gia không nên vui mừng được ăn, mặc, ở đầy đủ. Nếu ham hưởng thụ thì dễ sanh ra giãi đãi. Người xuất gia phải nỗ lực tu hành, xem mình có thể liễu sanh thoát tử đựơc không? Thọ giới là nương vào giới – định – tuệ. Xem khả năng tu hành của mình đến đâu thì an nhiên tự tại, đến nơi nào cũng độ đựơc người, tới đâu cũng đựơc người cung kính.

Người thế tục tu hành tu lợi, còn ở trong thế giới ta – bà là vẫn còn luân hồi, khi chết đi thần thức đầu thai trở lại. Còn xuất gia là để thoát ly sanh tử. Người xuất gia lấy giới làm thầy, lấy giới làm thầy là tu đến chỗ người thấy mình như là thấy Phật, khởi tâm hoan hỷ kính ngưỡng. Người xuất gia cần phải có nguyện lực, không nên luyến tiếc thân thể vì thân thể này không trường tồn vĩnh cửu.

Xét người là xem xét lỗi người để sửa lỗi mình, không nên vì bị chỉ trích mà cho người chỉ trích là xấu, họ là thiện trí thức của chúng ta, dù phải hy sinh ta cũng phải độ họ. Phải tu đến chỗ bất sanh bất diệt, hiển lộ chơn tánh. 

Tôi không biết chữ, cũng không theo phương pháp giảng dạy nào, nay nghĩ gì thì nói nấy, nếu

có nói sai xin lựơng thứ cho.”

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 13 – 07 – 1974

“Hôm trước tôi nói về tuỳ duyên mà chuyển, ví như niệm Phật thì đựơc Phật chuyển, còn tạo nghiệp thì bị nghiệp chuyển.

Hôm nay bàn về người xuất gia vì sao làm cho người không tin tưởng, và người tu tại gia vì sao làm cho người không tin tưởng?

Người xuất gia ở Đại Lục không có tục khí của thế gian. Người xuất gia ở Đài Loan còn bị rất nhiều chướng ngại, cho dù họ là người đã xuất gia nhưng tâm trí họ vẫn còn vướng bận chuyện thế tục.

Ở Đài Loan giới nữ xuất gia đông, tâm họ khó quên chuyện gia đình. Ở Đại Lục người nam xuất gia nhiều, và tại sao các tu sỹ từ Đại Lục sang Đài Loan lại khiến cho người ta không tin theo? Vì người Đài Loan vốn tin theo Đạo giáo, họ không hiểu gì về Phật pháp, không tôn kính pháp sư.

Nhưng từ khi có các pháp sư từ Đại Lục sang truyền bá Phật pháp, dần dần khiến cho họ hiểu đựơc Phật pháp và kính trọng tăng.

Ngoại đạo dùng nhiều cách mua chuộc, như mua quà tặng hoặc dùng lời mê hoặc. Phật giáo dùng tâm cảm hoá, ngoại đạo dùng hình thức bên ngoài để cảm hoá. Phật giáo khiến cho người tin là do chỗ không dùng vật chất mua chuộc mà chỉ lấy đạo đức để cảm hoá.

Ngừơi thế tục cầu tài cầu lợi, kẻ xuất gia chỉ mong sao chúng sanh bớt tạo nghiệp, ra khỏi luân hồi sanh tử. Nếu người xuất gia còn cầu danh lợi thì có khác gì người tại gia, làm sao đựơc họ kính trọng.

Có nhiều cư sĩ trình độ đại học tin phật pháp, họ có khả năng giảng dạy, sáng tác. Người xuất gia chúng ta phải tu khổ hạnh, có giới, định, tuệ, có sức cảm hoá vô hình, như vậ y hàng trí thức mới thật tâm kính ngưỡng Phật giáo. Ngược lại, nếu nhà sư không chịu tu khổ hạnh thì hạng trình độ cỡ sinh viên, hơn mình, làm sao họ có thể kính nễ?

Thời xưa tăng sĩ bưng bình bát đi khất thực, ai cũng tự mình tu hành; đã tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, ai cũng có thể tu bằng công phu riêng của mình, hôm nay trong bát có thì ăn, không có thì nhịn, chuyên tâm trì chí tu hành để thoát ly sanh tử. Chẳng giống như nhiều người xuất gia thời nay chỉ lo làm sao cất đựơc chùa; đâu phải cất chùa nhiều là thoát vòng sanh tử. Có nhiều người cất chùa xong không biết để làm gì, không biết là để mình sống qua ngày hay để độ sinh? Nếu để sống qua ngày thì chỉ cần một cái chòi tranh là đủ, còn như viện cớ độ chúng thì họ lại phải kêu gọi cư sĩ giàu tiền ủng hộ, và trở thành có cạnh tranh, chẳng khác nào lợi dụng Phật và Bồ Tát để kiếm sống. Do vậy mà người tại gia mất niềm tin và xem thừơng người xuất gia. Cất chùa rồi, nấu ăn ngon để kêu gọi tín đồ, nhìn thấy ăn uống như vậy tín đồ hết cung kính. Xây chùa phải có đức cảm hoá, phải biết giảng dạy, biết viết, làm nổi việc mới khiến cho người kính phục. Người cất chùa hiện nay phần nhiều đức kém, thâu nhận cho có đệ tử, sai đệ tử đi hoá duyên, ngoài ra chẳng hiểu biết gì. Hể có tiền là xây chùa, đối xử với đệ tử như người làm thuê, cũng không biết giáo dục như thế nào; lâu ngày dài tháng đệ tử không nghe lời thầy, chỉ muốn bỏ chùa đi học ở Phật học viện. Nhiều người đi học Phật học viện bảo là vì “muốn hoằng pháp lợi sanh”. Nhưng kết quả học xong có bao nhiêu người “hoằng pháp lợi sinh”? Tín đồ tại gia thấy vậy không kính phục, họ bèn vào chùa tổ chức quản lý người xuất gia. Người xuất gia ở Đại lục ngày xưa tu hành cảm động đến Hoàng đế, vân du khất thực bốn phương, mang y bát đến nơi nào cũng có người cúng dường và cung kính. trên “Tứ đại danh sơn” (bốn núi lớn nổi tiếng) ở Đại Lục chùa nào cũng được Hoàng đế sắc phong. Người tu hành có đức hạnh tự nhiên Hộ pháp Vi Đà gia hộ.

Ngừơi chấp sự không được tham lam, dù tham một ngọn cỏ, một giọt nước cũng khó tiêu tội, còn một chút lòng tham thì còn mang nghiệp chướng. Ở Đại Lục tăng sỹ đi khắp nơi học hỏi, tu trì từ trong sự khổ hạnh, biết quý trọng của chùa, xem hạt gạo như núi Tu-di, không dùng vật chất giao dịch với người tại gia nên không bị xem thường. Muốn đi tu cha mẹ không cho vì nghĩ rằng người xuất gia tu và người tu tại gia không khác nhau bao nhiêu.

Ngừơi xuất gia bố thí cốt ở sự cung kính cúng dường, hết lòng hoan hỷ và tự nguyện; chứ đâu phải đòi hỏi nơi người tại gia khiến họ không vui lòng, để rồi không còn kính trọng tu sỹ. Lại nữa, người xuất gia vì thấy tín đồ cúng dường mà không tự nguyện, bèn lấy vật cúng dường đem nấu nướng để đãi họ, kết quả làm cho người tại gia không tu phước mà lại tạo nghiệp. Vật đã cúng dường để ở chùa thì tuỳ nhà chùa sử dụng, người tại gia không đựơc trở lại quản lý những vật ấy.”

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 18 – 07 – 1974

Ngừơi không tin Phật, không đến chùa thì không có cách gì để hiểu Phật pháp. Nhiều loại cô hồn, ngạ quỷ vốn không tin Phật pháp, vào ngày rằm tháng bảy cũng được siêu độ rộng khắp (phổ độ), do vì ngày thường không làm phép siêu độ. Thực hành phổ độ là một phương cách “cứu tế” của đạo Phật. 

Siêu độ cho các loài cô hồn, ngạ quỷ thể hiện đức từ bi của Phật giáo. Không phải thí chủ nào bỏ tiền ra thì mới đựơc siêu độ, dù có tiền hay không tiền cũng đều siêu độ như nhau. Người có tiền nhiều không nên thị tiền, cho rằng mình cúng tiền nhiều để siêu độ âm hồn của người khác thì công đức mới lớn. Nhà chùa chúng ta siêu độ cho mọi loài âm hồn bình đẳng như nhau.
Bố thí có ý nghĩa rất thâm sâu. Bố thí không nhất thiết phải bằng tiền của. Nếu không tiền thì đến chùa làm công quả cũng là bố thí. Bố thí cũng phải xét có đúng nghĩa hay không, nếu bố thí không đúng nghĩa thì không có công đức. Kẻ có tiền làm việc thiện hoặc bố thí, nhưng bỏ tiền ra chưa đáng kể; người không có tiền cũng bố thí đựơc; tiêu xài ít lại, tiết kiệm một ít tiền mua rau để bố thí; tiền tuy ít, nhưng so với người nhiều tiền công đức bằng nhau.

Quy mô chùa Thừa Thiên như thế, phải có nguồn tài chính để xây dựng. Người có tiền nhiều đóng góp nhiều, dĩ nhiên công đức rất lớn, người không có tiền đóng góp ít, hoặc ra sức đi quyên góp công đức cũng không kém.

Người tu hành, nếu đi đến nơi nào cũng đều được người tiếp đón và cung kính, ấy là nhờ Hộ pháp Vi Đà gia hộ. Người tu hành chân chính không cần phát nguyện xây chùa lớn, người chân tu đi vào núi sâu, dù không chú trọng đến việc ăn, mặc, ở vẫn có Hộ pháp Vi Đà đến gia hộ xây dựng đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.

Người xuất gia phải hiểu xuất gia là gì, và cần phải vào chốn tòng lâm rèn luyện tu tập; phải làm những việc người không muốn làm, phải như không thấy, không nghe, như câm, như điếc; phải chịu cực chịu khổ, đựơc vậy thì đến nơi nào kiến tập đạo tràng cũng thành công.

Nếu chưa trải qua sự khổ, xuất gia được vài ngày đã muốn đi xây dựng đạo tràng, như thế rất khó thành công. Người xuất gia phải vứt bỏ những thói quen thế tục, nếu không sẽ bị tham sân si khuấy động, dễ rơi vào tà đạo; cũng không được đem nếp sống thế tục vào trong chùa. Tín chúng nên thừơng xuyên đến chùa học tập, tìm pháp sư chỉ dạy niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Nếu đi tu mà không dụng công như vậy, lại chê ăn chẳng ngon mặc chẳng đẹp thì làm sao đắc đạo?

Phải biết quý thời gian và gấp rút tu hành, để ngày tháng trôi qua thật là đáng tiếc. May ra chỉ đựơc thân người, tệ thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào ba đường ác làm thân trâu ngựa, do đó phải nắm lấy cơ hội nỗ lực tu hành, đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích.

Phải hướng dẫn cho tín đồ học Phật pháp, làm sao tiêu trừ nghiệp chướng. Không được thấy người giàu có đến chùa vội cấp cho họ chỗ ở tiện nghi, quan tâm lo lắng cho họ ăn ngon; như vậy thí chủ chẳng gieo đựơc phước, làm hại cho cả hai bên. Người xuất gia xác định bổ phận và trách nhiệm của mình, tạo điều kiện cho tín đồ gieo phước, dứt nghiệp chướng. Cung phụng kẻ giàu có là làm cho họ tăng thêm nghiệp chướng. Chớ để họ khoe khoang thân thế mà sanh khẩu nghiệp. Đến chùa không đòi hỏi nhà chùa đãi ngộ mình nồng hậu, làm như vậy không gieo được phước mà lại tăng thêm tội lỗi. Người tại gia cùng người xuất gia phải thông cảm hiểu nhau.

Hiện có nhiều người xuất gia chưa đựơc bao lâu mà muốn xây cất chùa, đi khắp nơi quyên góp, không những tìm đến tín đồ Phật giáo, mà còn tới những người không tin Phật, hoặc ngoại đạo, do đó gây ra nhiều điều thị phi. Xây chùa cho mình hay để độ chúng? Giả như vì mình thì không xây được, hay có xây lên cũng gây lắm điều thị phi. Còn vì để độ chúng, nếu bản thân không tu học, không biết giới luật của người xuất gia thì làm sao lãnh đạo được chúng. Người xuất gia phải học chư Tổ ngày xưa tu khổ hạnh, sẽ có ngày thành tựu.

Trong chùa, cùng với đại chúng chia sẻ sự vất vả như gánh nước, bửa củi … để rèn luyện. Phải biết thế nào là tu phước, tu tuệ; được phước báo phải đem hồi hướng cho người khác. Mình có trí tuệ phải dùng nó để hứơng dẫn quần chúng học đạo, như vậy mới là trí tuệ chân chánh. Tự mình không hưởng thụ phứơc báo mới là phước báo chân chính.

Người phước tuệ song tu, phải có lòng quảng đại, nếu nay có lập đựơc chùa Thừa Thiên thì cũng vì mọi người chớ không phải vì mình. Chùa hiện nay được vài chục người, mà dù đến vài trăm người lương thực vẫn đủ, ấy là do xây chùa không phải vì mình mà vì người.

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 19 – 7 – 1974

Ngày xưa so với ngày nay, xét trên phương diện văn tự, học thuyết của Khổng Tử truyền báo đến nay đều dùng văn ngôn; người xưa dùng văn ngôn, ngày nay ai cũng dùng văn bạch thoại. Ngày xưa dùng văn ngôn là vì tôn kính kinh thư, ngày nay dùng văn bạch thoại cho nên đối với nho gia không trân trọng. Ngành in ấn bây giờ rất phát triển, kinh thư viết bằng văn ngôn không còn đựơc quý trọng.

Người xưa đọc sách để “hiểu lễ đạt đạo”, coi trọng đạo hiếu, tôn kính sư trưởng; học đựơc học thuyết Khổng – Mạnh nên rất coi trọng cha mẹ và sư trưởng, nhờ vậy trong gia đình rất hoà thuận. Người đời nay học vấn tuy cao, nhưng lại xem thừơng luân lý đạo đức; đối với người trên không hiếu kính, đối với kẻ dưới thiếu lòng nhân từ.

Phật giáo không chủ trọng về văn tự, nhưng so sánh tam giáo Nho Phật Lão thì: đạo Nho đề cao trung hiếu, có văn tự ghi chép; đạo Phật cũng có rất nhiều kinh điển, nhưng về phương diện tu trì có thể không đọc kinh điển; đạo Nho dựa vào sách Tứ thư-Ngũ kinh mới thành thánh hiền; còn tổ sư các đời của Phật giáo đều dựa vào sự tu trì, không nhất thiết phải đọc kinh mới thành Phật, thành Tổ.

Khi người thầy nói có thể dùng văn tự ghi lại, lấy đó để hiểu rõ lời của bậc thánh hiền xưa; tuy khi giảng thầy không dùng văn tự, nhưng có thể ghi chép lại nhằm giúp hiểu rõ ý nghĩa lời giảng hơn.

Giảng và ghi chép có chỗ khac nhau, thầy nói điều gì thính chúng đều có thể hiểu, song người có trình độ sẽ ghi lại sâu sắc, người thông minh thì hiểu được thâm thúy hơn. Lời thầy nói ra thừơng chưa hết ý, qua lời người phiên dịch lại ắt có chỗ không khớp hợp.

Xem kinh điển cũng như thế, ngày xưa đức Phật thuyết pháp không ai ghi chép, về sau Tôn giả A Nan cùng các vị khác nhớ và kết tập lại. Khi đức Phật nói, Ngài cảm hoá nhiều người, hậu thế kiết tập Kinh Luật Luận phải dùng văn tự để ghi chép, vậy mà người đời sau xem Kinh Luật Luận cũng được cảm hoá, đủ thấy văn tự quan trọng đến mức nào.

Nói đến việc tu hành, không phân biệt xưa và nay, tu là chịu cực chịu khổ, đồng thời phải trải qua bao nhiêu kiếp. Như đức Phật Thích Ca xưa kia, người cần mắt Ngài cho mắt, người xin mũi Ngài cho mũi; hy sinh như vậy trải nhiều kiếp Ngài mới thành Phật.

Nho giáo đề cao trung và hiếu, đạo Phật cũng xem trọng “tứ duy, bát đức” [ lễ, nghĩa, liêm, sĩ và hiếu, để, mục, nhân, nhậm, tuất, trung, hoà. –ND ]

Giá mà những người học Phật biết thực hành “tứ duy bát đức” của Nho giáo, và người dân trong nước được học Phật pháp, đem giáo lý Phật-Đà bồi dưỡng tâm tính của mỗi người, thì xã hội được an bình, quốc gia đựơc giàu mạnh. Trong xã hội, phần nhiều người ta coi trọng tiền của, người học thức cao phẩm hạnh tốt chỉ vì không tiền mà bị mọi người khi dễ. Một xã hội như thế làm sao tiến bộ và phát triển được.

Ở Đài Loan người đi tu rất đông. Sau khi xuất gia, đúng ra sư phụ phải dạy tu hành ra sao, cực khổ cần lao như thế nào. Song hiện nay, ni cô xuất gia lại cốt đi học để kiếm bằng cấp; ni cô được đào tạo như thế thì biết gì tu hành, chẳng qua đem tập khí thế gian vào cửa Phật, ảnh hửơng xấu đến nhiều người xuất gia khác.

Bậc tối cao ngày xưa là hoàng đế, hoàng đế lại rất kính trọng nhà sư, thậm chí nhà sư thấy hoàng đế không quỳ lạy như người dân, và có nhiều vị được hoàng đế sắc phong. Hoàng đế quý trọng người xuất gia là căn cứ vào đức hạnh tu hành của ho; sau khi sắc phong, đựơc sự tôn kính của mọi người trong nước.

Về mối quan hệ giữa người thế gian và người xuất gia. Có tu sỹ bám theo kẻ có chức quyền, kết giao với quan viên, rồi dính dáng vào việc chính trị. Đã xuất gia thì không kết giao với kẻ cầm quyền. Người tu hành đức độ tự nhiên cảm hoá đựơc họ. Người tu hành chân chính không dễ gì ai nhận ra; mãi đến khi tu trì thành tựu mới có thể cảm hoá đựơc nhiều người, cả những người không không tin Phật pháp. Đó mới là chánh nghiệp của sa-môn, đó mới gọi là độ chúng sanh, mà độ chúng sanh thì không nên kết giao với kẻ chức quyền.

Đi tu là nhờ thiện căn dẫn dắt theo Phật và thọ giới. Nhưng hiện nay, nhiều người xuất gia do vì thấy giới tu sỹ được sống hưởng thụ. Hôm nay xuất gia, ngày mai thọ giới, vậy là sai trái; người xưa xuất gia phải trải qua nhiều gian nan thử thách mới được thọ giới. Người xuất gia hiện nay thọ giới không phải thọ “tam đàn đại giới” mà là thọ “danh lợi giới”, bởi vì sau khi thọ giới họ thừơng bàn chuyện lợi danh, chẳng quan tâm gì đến việc tu hành.

Hiện nay, tới giới tràng tức là thọ giới, ra khỏi giới tràng không còn giới, vì giới tử không biết thế nào là sám hối, tự cho rằng sau khi thọ giới thì được làm “đại pháp sư”. Đúng ra, chưa đi thọ giới cần phải khổ học khổ tu, sau khi thọ giới rồi, phải sám hối và tinh tấn giữ giới; nếu vừa ra khỏi giới đàn làm ngay “đại pháp sư”, tỏ vẻ phô trương, đi đến đâu cũng muốn làm thầy người ta, như vậy chỉ đưa Phật giáo đến con đường cùng.

Nói đến tình trạng truyền giới hiện nay, người nào cũng đi thọ giới được: ông già bà cả, kẻ khuyết tật, ở đền nào miếu nào không cần biết, miễn có tiền là đựơc; sau khi thọ giới về chùa không ai quản lý.

Nên nhớ rằng truyền giới phải rất thận trọng, không được tùy tiện.

Ngừơi chưa thọ giới nhìn thấy người thọ giới trở về ra vẻ ta đây là pháp sư, điều khiển chỉ đạo mọi việc, trông thật oai vệ, liền gấp rút xin đi thọ giới!

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 20 – 7 –1974

Sư phụ giảng về vấn đề sống và chết:

“Chúng sanh từ đâu đến và chết đi về đâu?”

Một người vì không thoát khỏi vòng luân hồi? Bởi vì, con người tuy là tánh linh của vạn vật, nhưng nếu không tu luyện thì chẳng khác gì các loài động vật khác, người có khả năng tu hành mới thoát được sanh tử.

Xét theo luật nhân quả, nhiều kiếp trong quá khứ từng làm heo làm chó đến nay mới làm người, được làm người là điều rất khó. Các động vật khác trong bốn loài bị tham, sân, si che lấp rất khó tu hành, chỉ có con người mới có lý trí, mới đủ khả năng để khắc phục dục niệm. Đó là chỗ mà các động vật khác đối với việc tu học Phật pháp không thể sánh được với con người. Tham dục của loài người rất lớn, do tư duy tiến hoá và văn minh vật chất làm cho tham dục ngày càng gia tăng; ăn thì muốn cao lương mỹ vị, mặc thì muốn vải vóc sang trọng. Tham muốn càng nhiều thì niềm tin vào sự tu học Phật pháp càng giảm đi, làm sao thoát khỏi biển khổ, thật đáng thương xót.

Trong bốn loài chúng sanh có rất nhiều động vật sống theo quy luật tự nhiên, như trâu bò ăn cỏ, nhện giăng lứơi …., chúng sống rất đơn giản. Con người nguyên thuỷ cũng sống rất đơn giản. Nhưng khi xã hội phát triển, cha mẹ chỉ biết lo cho con cái, chỉ vì đàn con cháu hết thế hệ này đến thế hệ khác mà suốt ngày tất tả vội vàng, phí cả một kiếp sống, không biết tu hành, nên sẽ vẫn mãi lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi. Trong xã hội ngày nay có hiện tựơng: người ta không hiểu mình sinh ra con cái để làm gì, lỡ làm cha làm mẹ thì phải giáo dục con cái. Cha mẹ dù đã dốc sức dạy con điều thánh thiện, nhưng rất nhiều đứa con bất hiếu, thậm chí còn làm chuyện tà ác. Sau khi được nuôi nấng dạy dỗ liền rời bỏ cha mẹ đi tìm sự hưởng thụ; không biết hiếu thảo đền đáp công ơn dưỡng dục, khiến cho cha mẹ phải chịu cảnh neo đơn cô độc.

Kết giao với bạn bè phải thành thật, có tình có nghĩa. Không nên coi trọng tiền tài thân nhau vì tiền – mà phải lấy nhân nghĩa cư xử với nhau. Thời xưa, bạn hữu giao tiếp với nhau rất trọng nghĩa khí. Nếu từ phương xa đến thăm bạn mà chỉ có vợ bạn ở nhà, chồng đi vắng thì liền tránh đi nơi khác. Còn bây giờ, ở xa đến thăm nạn, bạn đi vắng chỉ có vợ ở nhà, bèn nhân cơ hội thích thú trò chuyện với vợ bạn, không biết ngại ngùng “một nam một nữ gần nhau”, như vậy làm sao sánh đựơc nghĩa khí của người xưa.

Dục vọng của con người ngày càng trầm trọng, sinh hoạt của các loài động vật khác có tiết độ thời gian, con người thì không như vậy, lúc nào cũng đầy lòng tham muốn. Do đó mới xảy ra biết bao vụ án mạng, cướp bóc khiến cho xã hội bất an. Cho nên con người cần phải giảm bớt lòng tham, để tâm tìm hiểu và tu theo Phật pháp, được vậy xã hội mới an bình, con người mới mong thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta xuất gia, mặc áo nhà tu, đã thọ giới, là biểu tượng thầy của trời và người, phải làm thế nào cho đồng loại tôn kính; muốn vậy thì không đựơc tham dục, phải dứt bỏ mọi tập khí thế gian, phải nổ lực tu khổ hạnh, khiến cho người thế tục cảm động quy ngưỡng, như thế mới mong độ đựơc họ, độ đựơc chúng sinh.

Chư Tổ ngày xưa dạy chúng ta phải buông xả tất cả, vứt hết rác rến trong tâm, không nhiễm tập khí nào của thế tục, tâm hồn trong sáng không dính bụi trần, như vậy mới giúp cho sự tu hành của chúng ta đạt kết quả. Sở dĩ phải dứt trừ tập khí vì tham, sân, si che khuất bản tính chân như. Tâm hồn không trong lắng, bản lai diện mục chẳng bao giờ tiến bộ.

Mục đích của người tu hành là đắc đạo, phải tu chứng bản tính Chơn Như bất sanh bất diệt. Pháp môn tu trì của ngoại đạo còn có sanh có diệt. Nếu chúng ta đạt đến Chơn Như thật tướng thì thoát khỏi biển khổ.

Ngoại đạo thể hiện thần thông bằng đồng bóng, cầu cơ …., đều là những điều huyễn hoặc; đạo Giáo (đạo Lão) thì bày phép trừ bịnh để sống lâu. Đạo Phật không như họ, không cầu trường thọ không chứng tỏ thần thông, không làm các việc huyễn hoá hư ngụy, mà chỉ thực cầu Chân Lý.
Xưa và nay bất đồng, hai bàn tay của người xưa “vạn năng”, tay chân và đầu não được dùng đều. Xã hội thời nay tiến bộ, con người chỉ vận dụng đầu óc, rất ít dùng chân tay. Vậy thì ta phải vận động thật nhiều, phải chịu cực khổ, nhất tâm quyết chí tu hành.

Nhân loại hiện nay giết hại, tranh đấu lẫn nhau mà tự chuốc lấy hoạ diệt vong, tự gây nên nghiệp ác, - chẳng hạn như các nứơc trên thế giới chế tạo vũ khí giết người ngày càng tinh xảo, do đó càng làm tăng thêm tội ác của loài người. Cuối cùng chỉ còn hy vọng là mọi người biết niệm Phật, sớm cầu giải thoát.

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật

Nam-mô A-Di-Đà Phật

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngày 11 – 12 - 1975

Pháp sư Sám Vân đến thăm, hỏi sư phụ: “Pháp thể Hoà thượng trông rất khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn, không như cụ già 80 tuổi. Xin được hỏi, trứơc giờ Ngài không dùng thức ăn nấu như người thường, làm sao giữ được thân thể khoẻ mạnh như vậy?” Sư phụ đáp:

“Trước đây, khi tu khổ hạnh một thân một mình ở trong núi sâu, ăn hết mấy mươi cân gạo mang theo, lại không có tiếp tế, không biết phải làm sao, chỉ còn cách ăn trái cây rừng, rau dại, rễ cây để duy trì mạng sống, chứ nào phải vì tu hành buộc phải ăn như vậy.

Hiện nay là lúc tôi độ chúng, phải thích nghi với mọi người, nên tôi không còn sống như trong núi ngày ngày ăn rau dại, rễ cây. Tôi là kẻ phàm phu, nên cũng ăn như mọi người. Có điều, trong tín chúng ngày nào cũng có người đem cho trái cây nên tôi ăn chút ít trái cây để duy trì cái bao bị da thịt hôi thối này; và cũng uống chút ít sữa, như thế không thể nói “không ăn uống như người thừơng”, đó là người ta đồn đại về tôi vậy thôi”.

Có phật tử thưa: “Đệ tử có ý định cuối tháng tám mùa thu này bắt đầu tập tu thiền định, xin Sư phụ chỉ dạy cho con phương pháp”.

- “Tu thiền định trước hết cần phải biết căn cơ, tức là tự thân có căn cơ tu thiền được hay không? Nếu như tâm không định tĩnh đựơc thì tu thiền sẽ dễ khởi phiền não, thà rằng không tập còn tốt hơn. Lại nữa người tu tập thiền định, trước hết phải xa lánh chỗ ồn ào, không mang trong lòng bất cứ một sự sợ hãi nào, lúc ấy mới bắt đầu tập thiền đựơc. Hiện nay, thấy nhiều người ngồi thiền dưới mái hiên, dưới gốc cây, cũng mang tiếng là hành thiền, thật buồn cười. Đó chỉ là hình thức bề ngoài, sao có thể nói là tu thiền? Kế đến, tu thiền cần phải xa lánh thành thị thôn xóm, phải ở nơi hoang dã vắng vẻ; tĩnh toạ một thời gian, thể nghiệm xem tiếng trùng kêu chim hót, gió táp mưa sa…. đủ loại âm thanh có nhiễu loạn tâm mình không? Có làm kinh động, gây phiền não hay không? Thấy rắn rết, dã thú có sợ không? Thấy như không thấy, biết nhưng vẫn định tĩnh, như thế mới có thể tu tập lâu dài. Lại như “nhập thất niệm Phật” là cốt làm cho người tu tập định tĩnh, nhưng rồi có thành tựu theo dự kiến? Nếu không thì mỗi lần vô thất như thế không có tác dụng. Còn nếu trong lúc niệm Phật “nhất tâm bấn loạn”, như vậy mới đúng là niệm Phật tam- muội, đạt đến niệm Phật tam-muội thì Tây phương Tịnh độ hiển hiện trong tâm. Trong lúc niệm Phật “niệm mà không niệm”, ấm thức (thần thức) của hành giả, - còn gọi là A-lại-da thức, ngay lúc ấy hoà nhập với Hư không, có thể thấy Tây phương Tịnh. Thực ra, cõi Tịnh độ có bao giờ xa lìa tự tánh.

Trong lúc tĩnh tâm hay khi niệm Phật không trụ vào tướng, không khởi niệm thương-ghét-lấy- bỏ, không nghĩ đến thành bại, lợi ích, không sanh tâm thiện, không khởi tâm ác, - tất cả đều trở về hư không tịch tĩnh thì mới hiển lộ đựơc chơn tâm.

Tu tập thềin định không phải là ngồi trơ ra, ngồi trơ ra thì khác gì gỗ đá, chỉ như một tảng đá to bít động, dù trải qua 2000 năm chăng nữa cũng chỉ là một tảng đá ngoan cố mà thôi; do vậy, tu tập thiền định không có một hình thức nhất định. Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể là thiền, -- do tâm thanh tịnh. Trước hết phải xoá bỏ, cho đến khi không có gì để xả bỏ thì mới gọi là tu thiền. Nếu còn chút gì vứơng mắc thì chẳng phải là thiền. Hiện nay nhiều người hay tới hỏi tu thiền như thế nào? Nhưng họ là những người có gia đình, đang bon chen trong danh lợi thì làm sao có thể tu thiền đựơc? Đến như người xuất gia mà suốt ngày vì danh lợi, vì lo ăn lo ở, sự tu thiền của họ làm sao đạt tới định tam – muội? Chẳng qua là dối người đấy thôi.”

Pháp sư Sám Vân hỏi: “Nghe nói Ngài dùng nứơc trì Chú Đại Bi cứu được nhiều người khỏi bệnh, điều ấy có thật không?”

- Tôi làm gì mà biết chữa bệnh, đó là vì nhiều người tin “nứơc phép Đại Bi” có thể trị hết bệnh, họ thành tâm đến cầu xin thì tôi chú nguyện cho họ, còn như công hiệu hay không là do họ có thành tâm hay không, và do sự gia hộ của chư Phật – Bồ Tát ấy gọi là “tin thì thật, thành thì linh”. Thực ra mọi người đều có thể niệm Chú Đại Bi vào trong nứơc để trị bệnh, có điều là người niệm cần phải thành tâm mới đựơc.

- Người ta nói Hoà thựơng có thần thông, có đúng vậy không?

- Điều ấy là do người ta nói, còn tôi chỉ là một tăng nhân bình thường, bản chất dốt nát, không biết chữ, không biết tụng kinh thì lấy đâu ra thần thông? Nói như vậy không sợ thiên hạ cừơi sao?
- Xin mạn phép hỏi Hoà thượng: Nghe nói Ngài độ rất nhiều tín chúng, thật đáng khâm phục, không biết có bao nhiêu người đã đựơc độ?

- Nói ra thêm thẹn, tôi rất áy náy, tôi không có đức độ, lại kém tu trì, người quy y tuy nhiều mà kẻ được độ rất ít, đó là điều rất đáng tiếc cho tôi. Nói cách khác, không phải là đại chúng không thể độ được, nhưng vì tôi không có sự tu trì, không đủ đức độ để cảm hoá đại chúng.

- Hoà thựơng quá khiêm tốn, hiện nay ai mà không biết Hoà thượng đạo cao đức trọng, đệ tử hàng ngàn hàng vạn, trong và ngoài nước rất ngưỡng mộ. (Pháp sư Sám Vân chỉ mấy vị đứng gần Hoà thượng, hỏi tiếp:) Quý vị đây có phải là những đệ tử mới xuất gia? Kính thưa Hoà thượng, qúy vị đây đều có căn cơ tu hành thành tựu?

Sư phụ nói:

- Họ đều rất tốt, ai cũng có thiện căn, chỉ cần “trút bỏ hết” là thành tựu