Hoà thượng Quảng Khâm suốt cả cuộc
đời 95 năm niệm Phật, độ chúng chưa từng gián đoạn, nay xả báo thân vãng sanh
Cực Lạc! Ngưỡng mong Ngài quay Thuyền Từ, trở lại tiếp tục tiền duyên!
Người người xưng tụng Đại Lão Hoà thượng là bậc cao tăng, Ngài không ăn thức ăn
nấu chín như người thế gian, đêm không ngã lưng nằm nghỉ, nhất tâm niệm Phật,
mấy mươi năm ròng trước sau như một; do vậy mà đắc thần thông diệu dụng, hoá độ
vô số chúng sanh. Nhân duyên giữa tôi với Ngài rất sâu thâm. Tôi được biết về
cuộc đời của Ngài cũng khá nhiều, nhưng vì thời gian trình bày có hạn, chỉ xin
chọn kể ra đây ba mẫu chuyện thực điển hình, đồng thời hồi tưởng lại “sáu đề
cương trong đời tu hành” của Ngài để chứng minh rằng Ngài là vị Bồ Tát vì hạnh
nguyện mà trở lại độ chúng sanh.
1. Siêu độ vong linh – hộ trì chùa
được bình yên
Vào năm 1950 tôi ở ký túc xá Đài
Đừơng nằm trên đại lộ Vạn Hoa Côn Minh, ĐÀI BẮC. Tôi thừơng đến chùa Pháp Hoa
gần đấy lễ phật nên có quen một vị trai cô ở chùa. Trai cô cho biết cô là đại
diện của tín chúng chùa này. Sau khi vị trụ trì người Nhật về nước, cô được
giao cho tiếp quản chùa. Trai cô mời tôi mỗi chủ nhật đến dự pháp hội, giảng
kinh cho tín chúng, và dùng cơm trưa với chùa. Cô nói chùa này tối đến không có
ai dám ở lại, vì đêm khuya có ma tự mở cửa phòng, mở cửa sổ, lại còn bật đèn
điện …., làm nhiều động tác khuấy nhiễu khiến ai cũng hoảng sợ, đêm ngủ không
yên. Ngày ngày vào khoảng 7 giờ tối sau lúc mặt trời lặn, ai nấy đều phải ra
khỏi chùa đến nơi khác ở. Tôi nghe câu chuyện ma quỷ lộng hành gây họa như vậy
nghĩ rằng phải có cách gì trừ, trong lòng cứ lo lắng buồn bực. Một buổi chiều
nọ, tình cờ tôi gặp một Hoà thượng già, vóc dáng không cao, đi trên đường Nam
Tây Ninh, thong thả hướng về phía nam, cách chùa Pháp Hoa không xa. Tôi vội
bứơc đến trứơc người, chấp tay làm lễ và kính hỏi đạo hiệu. Người đáp: “Tôi là
Quảng Khâm”. Tôi hỏi Hoà thượng ở đâu, người trả lời: “Không nhất định là ở đâu”.
Nhìn dáng đi thanh thoát và đôi mắt
rất sáng của người, dừơng như đây là bậc đạo hạnh, tôi mời người về chùa Pháp
Hoa an nghỉ. Về đến chùa, trứơc tiên người lạy Phật, kế đó đi đến chỗ sàn gỗ mé
tây, bên trái bàn thờ Phật, ngồi kiết già. Khi ấy trai cô định dọn cơm chiều
cho người dùng, người bảo: “Tôi không ăn cơm, chỉ ăn trái cây”. Nghe thế tôi
liền ra ngoài chùa mua một ít quả chuối vào, đặt lên chiếc bàn nhỏ để người tuy
nghi thọ dụng. Đến khi trời sắp hoàng hôn tôi ngầm ra dấu cho các trai cô rời
khỏi chùa, chỉ để người ở lại một mình, xem thử người ứng phó ma quái quấy
nhiễu như thế nào.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến
chùa, Hoà thượng Quảng Khâm lấy tay chỉ phòng khách phía bên phải Đại Điện nói:
“Ở đó có hai hồn ma Nhật Bản, các vị hãy đến giở tấm ta-ta-mi (chiếu Nhật) lên,
lấy hài cốt của họ ra để tôi siêu độ cho họ”. Quả nhiên đúng như lời người nói,
các trai cô tìm thấy hai bộ xương người. Hoà thượng bảo: “Các cô đem xương cốt
bỏ vào cái lư dùng để thiêu giấy tiền vàng mã trước chùa đốt cho tiêu hết đi”.
Hoà thượng niệm Phật, lại như vừa
niệm chú vãng sanh, sau đó trở vào Đại Điện nói: “Đã siêu độ cho họ rồi”. Nhưng
chiều hôm đó các trai cô cũng không ai dám ở lại trong chùa. Sáng sớm ngày thứ
ba, Hoà thựơng vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, người lại nói phòng phía sau, bên phải
Đại Điện cũng có một hồn ma, bảo các trai cô giở tấm ta-ta-mi lên như hôm
trứơc, lại phát hiện một bộ hài cốt, và cũng bỏ vào lư thiêu. Hoà thượng niệm
Phật, trì chú xong nó: “Hồn ma này cũng đi rồi!”
Sáng ngày thứ tư tôi cũng lại đến
chùa Pháp Hoa, trai cô nói với tôi: “Sư phụ bảo chúng tôi tối nay có thể vào
chùa ở lại trong liêu phương trượng”. Từ đó trai cô yên tâm mời thêm mấy tín đồ
dạn dĩ vào chùa ở, quả nhiên bình an vô sự, tất cả thanh tịnh. Do vậy, tôi nói
với các cô: “Quý cô nên thỉnh Hoà thượng làm trụ trì chùa này, mời người ở lại
thừơng trú, nhất định sẽ đảm bảo an ninh”.
Phần mình, hầu như mỗi chiều khi
xong công việc tôi đều đến chùa Pháp Hoa xin được người chỉ dạy về quá trình tu
tập. Tôi mới được rõ người từ thuở ban đầu tu nơi sơn động ở Tuyền Châu cho đến
khi sang Đài Loan đã thực hiện rất nhiều kỳ tích; chắc hẳn có nhiều người biết
và ghi chép lại, tôi xin khỏi từơng thuật ra đây. Tuy trong kiếp này người
chẳng đọc nhiều kinh điển, chỉ bằng khổ hạnh và niệm Phật mà chứng ngộ, ắt là
do người đã trải qua nhiều kiếp tu hành nên mới có đựơc thần thông như vậy.
2. Ngày đêm niệm Phật nhất tâm bất
loạn
Ban đầu được gần gũi bên Hoà
thựơng, tôi vẫn có điều thắc mắc: người không nghiên cứu về Phật điển làm sao
lại đựơc thần thông như vậy? Nhiều lần tôi xin người dạy cho phương pháp tu
hành, người chỉ trả lời: “Anh chỉ cần tịnh tâm niệm Phật, lâu dài về sau sẽ đạt
đến chỗ nhất tâm bất loạn, tự nhiên có cảm ứng”. Nhưng tôi chưa nghe người
“niệm” bao giờ nên không hình dung nổi sự cao sâu của pháp môn này, do đó tôi
đặc biệt dành một buổi chiều ngày nghỉ cuối tuần đến chùa bái kiến. Người đang
ngồi “xếp bằng” trên một chiếc bàn tròn thấp kiểu Nhật trong chánh điện. Tôi
bước đến ngồi lên chiếc ghế đặt gần đấy bên cạnh người. Trời tối, tôi đến bậc đèn
rồi chú tâm hầu đợi người. Cứ độ nửa giờ hoặc 40, 50 phút tôi đi nhè nhẹ đến
bên cạnh người hỏi nhỏ: “Thầy đang làm gì vậy?” Người đáp:
- Niệm Phật
- Niệm Phật nào?
- Phật A-Di-Đà.
Tôi hỏi bảy tám lần như thế,
người đều trả lời như thế.
Suốt đêm ấy tôi không ngủ được. Đến
sáng hôm sau tôi lại hỏi:
- Thầy nói Thầy đang niệm Phật,
nhưng sao con không nghe tiếng.
Vậy thì niệm Phật như thế nào?
- Niệm Phật quan trọng là “tâm niệm”,
“chuyên tinh”, ngày đêm không gián đoạn, không tán tâm. Tuy nhiên, nếu các anh
biết miệng niệm, tai nghe, tâm tưởg, vậy cũng là “hạ thủ công phu”, dần dần tự nhiên
có thể niệm mà không còn phân biệt ngày hay đêm; niệm Phật nhất tâm bất loạn.
Do niệm Phật mà đắc định, đắc tuệ, chắc chắn sẽ thành tựu.
3. Dự báo sự việc sẽ xảy ra
Vị Thầy mà tôi quy y – Hoà thượng
Trí Quang - gặp giáo sư Lý Hạnh Thôn thuộc trừơng Đại học Đông Ngô đến Hoa
Nghiêm Liên Xã hỏi Thầy về vấn đề Phật học và tâm lý học. Thầy tôi không nói
với ông ta nhiều, chỉ viết trên một danh thiếp giới thiệu ông đến nhà tôi để
trao đổi. Sau khi đàm luận, tôi nhận thấy ông cũng có thiện căn, bèn giới thiệu
đến thỉnh giáo Hoà thượng Quảng Khâm.
Mới gặp Hoà thượng lần đầu, giáo sư
Lý Hạnh Thôn liền được cảm hoá bởi đạo hạnh của người, ông tự nguyện xin quy y
Tam Bảo. Ông có ký hợp đồng với Đại học Hạ Uy Di bên Mỹ, sẽ được mời sang làm
giáo sư; hơn nữa, vị chủ nhiệm Khoa người Mỹ sẽ đến Đài Loan gặp ông, trực tiếp
trao thư mời. Do đó, giáo sư thỉnh ý Hoà thượng:
- Việc con sang Mỹ có thành không?
– Hoà thượng nói:
- Lúc này thì không được
Vài ngày sau lại có một giáo sư tên
Thang Chi Bình thuộc Viện Đại học Nông nghiệp Trung Hưng cũng được Hoà thượng
Trí Quang giới thiệu đến tôi để nói chuyện Phật pháp. Theo lời anh ta kể thì
gia đình đang gặp nhiều khó khăn và phiền muộn, rất mong sớm giải quyết được
vấn đề kinh tế. Anh hỏi đạo Phật có giúp được gì chăng? Tôi cũng giới thiệu anh
đến Hoà thựơng Quảng Khâm. Thang tới xin gặp Hoà thượng và thỉnh ý: “Con có quá
nhiều khó khăn và lo lắng, làm sao giải quyết nổi?” – Hoà thượng nói: “Anh có
thể ra nước ngoài làm việc kiếm tiền, cuộc sống sẽ được ổn định”.
Sau đó hai người hẹn nhau cùng đến
nhà tôi. Lý phát biểu trứơc rằng ông ta quyết định đi ra nước ngoài nhưng Hoà
thượng bảo: “đi không được”. Thang thì nói: “Tôi chẳng có ý định đi ra nứơc
ngoài mà Hoà thượng lại bảo “có thể đi được”. Cả hai người đều cho rằng lời Hoà
thượng rất khó làm cho người ta tin. Tôi nói: “Hoà thượng có thần thông, biết
trước việc tương lai của người khác”. Rồi tôi đề nghị Thang thử tìm cơ hội ra
nước ngoài xem sao; còn Lý thì hãy đợi xem kết quả ông chủ nhiệm Khoa đến Đài
Loan như thế nào.
Chưa đầy một tháng, khi ông Lý gặp
chủ nhiệm Khoa người Mỹ, ông này cho biết là phải trở về Hạ-Uy-Di bàn với Hiệu
trưởng xong mới gởi thư mời; từ đó Lý không được tin tức gì nữa. Còn anh Thang
thì trở về trường, đọc trong báo Nông nghiệp CANADA bỗng gặp mục quảng cáo tuyển
người có kỹ năng nông nghiệp, Thang liền gởi đơn xin ứng tuyển. Quả nhiên được
Nông trừơng Vancouver gởi thư mời và vé máy bay
đến Đài Loan cho anh ta và cả gia đình cùng sang CANADA nhận việc. Từ ấy cuộc sống
của gia đình Thang hoàn toàn thay đổi, khá hẳn lên.
4. Sáu đề cương lớn cho người tu
hành
Trên đây chỉ là thông linh biết
trước tương lai người khác của Hoà thượng, còn nhiều kỳ tích nữa, tôi không thể
kể hết.
Về sự tu hành của Hoà thượng, tôi
dựa vào phương pháp quan sát và quy nạp có thể nêu giản lược 6 đề cương như sau:
1. Tâm tưởng niệm đức Phật A-Di-Đà
2. Nói ra lời gì đều phải có ích
cho người.
3. Cử chỉ và hành động luôn ở trong
định và tuệ.
4. Trì giới nghiêm cẩn vượt xa
người thường.
5. Xem danh lợi là rỗng không.
6. Độ hết thảy sinh linh giải
thoát.
Từ các sự thật nói trên, có thể
chứng minh:
Hoà thượng Quảng Khâm là vị bồ-Tát
tái sinh theo thệ nguyện!
Tôi nhận được điện thoại của bạn
Huệ Cự từ Đài Loan gọi đến nói:
“Bồ–Tát Quảng Khâm báo cho biết,
vào ngày mồng 8 tháng 2 năm nay Ngài sẽ đoạn tận nhân duyên, thoát ly thế gian
này. Nhân vì đại chúng tha thiết thỉnh cầu Ngài lưu lại, Ngài từ bi hứa sẽ chậm
lại 5 ngày. Chiều ngày 13 tháng 2, quả nhiên trong Đại Hùng Bảo Điện chùa Diệu
Thông, giữa âm thanh tiếng niệm Phật của đại chúng bao quanh, Ngài an toạ siêu
hoá – Vào năm Ngài thọ 95 tuổi.
Đại chúng nghị bàn dự định đến ngày
mồng 6 tháng 3 làm “lễ Trà–tỳ”.
Nghe tin ấy, tôi không cầm được
nước mắt thương tiếc, và đau xót cho bao chúng sinh phứơc bạc đã mất đi một đấng
Tôn Sư!
Đúng vào dịp này, ngày 23 tháng 2
chùa Pháp Ấn bên Mỹ khánh thành, đồng thời có tổ chức ngày niệm Phật. Ngài trụ
trì – Pháp sư Ấn Hải – chỉ định tôi làm chủ xướng. Nhân dịp này, tôi báo cáo sơ
lược với mọi người về tin buồn, và nguyện cầu Bồ-Tát Quảng Khâm tạm về cõi Tịnh
Độ bên cạnh đức Phật A-Di-Đà, sau đó trở lại thế gian ô trược để hoá độ chúng
sanh cùng về Lạc Quốc, đồng thành Phật đạo.