Nhân vật
Lược Thuật Hành Trạng Hòa Thượng Quảng Khâm
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng Hiệu đính: Giáo sư. Phạm Phú Thành & Đại Đức. Thích Giải Hiền
17/06/2555 06:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Đại lão Hoà thượng thượng QUẢNG hạ KHÂM, - bậc Đại Đức của thời đại, mọi người xưng tụng Ngài là “Quốc bảo trong giới Phật giáo”. Nhìn bức ảnh chụp hai ngày trước khi viên tịch, Ngài đã 95 tuổi thọ mà ánh mắt vẫn rất trong sáng có thần!

Năm Hoà thượng 92 tuổi hậu học tôi từng được duyên may theo Ngài leo núi. Ngài đi trước, chân bước nhanh thoăn thoát, hậu học theo sau khá vất vả. Chùa Thừa Thiên lúc đó đang trong thời kỳ xây dựng, có một đoạn đầy dẫy những vật chướng ngại làm cho hậu học suýt bị vấp ngã, Hoà thượng quay lại bảo: “Hãy đi cho tốt chứ!”, giọng nói tuy hơi gắt nhưng thân thiết, ánh mắt nghiêm nghị mà chan chứa từ bi, hậu học cảm thấy thật hổ thẹn. Cho đến nay qua bao nhiêu lần vấp ngã trên đường đời mới thấm thía “đi cho tốt” đâu phải dễ; sau bao phen “u đầu sứt trán” nghĩ lại câu nói hàm chứa hai ý nghĩa của Ngài, tự nhiên nước mắt trào ra.
Có người tưởng Ngài là một con người huyền bí khác thường nên tìm đến “tham khảo cho biết”, ở bên cạnh Ngài cả buổi chỉ nghe vỏn vẹn một lời: “Niệm Phật, ăn chay!” Họ lại nghĩ bụng “Câu ấy mình nói cũng được, cần gì phải đến hỏi Hoà thượng!” Đúng vậy, nói thì ai nói cũng được nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta đâu có được công phu khổ hạnh như Ngài, và cũng không có đức độ cảm hoá người như Ngài; dù ta nhiệt tình đến nhà người khác khuyên bảo, cũng e rằng người ta phát cáu. Còn Ngài thì đã nhiếp phục được chính mình, đã dụng công niệm Phật đến chỗ tuyệt diệu, tự nhiên cảm hoá được hàng ngàn, hàng vạn chúng sanh. Lúc còn trẻ Ngài lên động núi sâu tu thiền. An hết thức ăn dự trữ, chỉ còn cách ăn trái cây, khoai rừng để duy trì mạng sống, ba bộ y phục vá thành một bộ, gần 60 năm nay chỉ ngồi chứ không nằm; về phương tiện vật chất nhu cầu của Ngài vô cùng ít ỏi. Hồi ở chùa Thừa Thiên bên Đại Lục, Sư phụ của Ngài, - Đại lão Hoà thượng thượng Chuyển hạ Trần dạy Ngài: “Ăn thức ăn người không muốn ăn, mặc cái người không muốn mặc, làm những việc người không muốn làm, về sau con sẽ biết”, đồng thời chỉ muốn Ngài tu khổ hạnh và niệm Phật. Ngài chất phác thuần thành thực hành đúng theo lời giáo huấn, một dạ dốc chí khổ tu, kết quả Ngài trở thành người siêu phàm thoát tục. Nhiều phật tử mỗi lần nhìn thấy Ngài, quá cảm động không cầm được nước mắt.

Lời dạy của Ngài thường chỉ là vài câu quan trọng cốt tủy, nếu chúng ta thực tâm tin tưởng nhất định chẳng uổng phí một đời. Như câu Ngài dạy trên đây: “Niệm Phật! ăn chay!” Nếu chúng ta mỗi niệm đều niệm Phật, ánh sáng trí tuệ từ bi của Đấng Giác Ngộ lúc nào cũng tràn đầy trong tâm, thì chẳng phải lúc nào cũng kiết tường sao? Không còn cái khổ tranh chấp ta-người-phải-trái, không bị tham sân si thiêu đốt. Nếu bỏ được thị dục sướng miệng khoái bao tử, làm theo lời dạy “ăn chay” của Ngài, dần dần thể nghiệm cái nghĩa lý “chúng sinh vốn cùng một gốc mà ra”, chứng nghiệm được niềm an lạc của Từ Bi. Kiếp này ngày ngày sống với một tâm hồn thanh thản, thành tâm nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ, khi lâm chung ắt được Phật tiếp dẫn, chấm dứt nỗi thống khổ sinh tử đời đời, kiếp kiếp! Bằng một hai câu Hoà thượng đã chỉ rõ con đường lớn tu hành trong một kiếp thành Phật. Người chân chính tin tưởng và phụng hành, được lợi ích vô cùng. Trái lại, người không chân chính thì chỉ thích nói chuyện cao siêu huyền bí, bày vẽ bao chuyện quái dị ly kỳ, khoa trương thần thông... mà xem thường lời dạy khẩn thiết liễu sanh thoát tử của Ngài.

Lúc Hoà thượng còn tại thế, ngày nọ có một người tay xách chiếc vali, vẻ đầy bí mật lên núi muốn xin gặp Hoà thượng, lại chỉ xin gặp riêng Ngài mà thôi. Vì trước kia từng có kẻ đến với ý đồ xấu nên đệ tử không cho anh ta một mình gặp riêng Hoà thượng. Anh ta bảo có việc rất cần thỉnh ý. Sau đó anh ta tới sát bên tai Hoà thượng trịnhh trọng nói: “Thưa Hoà thượng, nghe người ta đồn Ngài có thần thông, xin Hoà thượng nói thật cho con biết Ngài có thần thông hay không?” Hoà thượng cũng trịnh trọng nói nhỏ vẻ rất bí mật: “Tôi nói cho anh biết, tôi có ăn thì thông, không ăn thì không thông!” (Đài Loan ngữ) Câu nói ấy làm cho người ta phải suy ngẫm. Cái vi diệu của Phật pháp chính là cái bình thường, chứ chẳng phải thần thông khiến cho kẻ hiếu kỳ chạy theo, cũng chẳng phải là hiện tượng mơ hồ quái đản. Thần thông ai cũng có, nhưng chỉ vì bị các thứ phiền não tham, sân, si, mạn, nghi hoặc chôn vùi, làm cho không hiển hiện được. Có thần thông mà không giải quyết được vấn đề sanh tử thì cũng vô ích. Hướng ra bên ngoài để tìm cái gọi là “người có thần thông” giúp đỡ mình, như vậy là bỏ gốc tìm ngọn. Hoà thượng nói: “Cầu ở người là bỏ mất Phật Thích Ca nơi chính mình”.

Hậu học chúng tôi nhận thấy: “thần thông” vĩ đại nhất của Hoà thượng làm chấn động lòng người đó là công phu tu trì nhẫn nhục. Nhẫn cái mà người không thể nhẫn, làm cái mà người không thể làm.

Năm Hoà thượng từ trên núi trở về chùa Thừa Thiên bên Đại Lục, râu tóc đều mọc dài giống như người rừng, không ai nhận ra; sau nghe giọng nói mới nhận ra Ngài. Có thử lửa mới biết vàng thật hay giả. Một thời gian sau, sư trụ trì và sư hương đăng muốn kiểm nghiệm công phu của Ngài, cố ý đem tiền công đức trong thùng phước sương giấu đi rồi tỏ vẻ nghi Ngài lấy, thế là cả chùa đều cho Ngài là kẻ cắp, đối xử lạnh lùng và nặng lời nói xấu trong nhiều ngày. Ngài vẫn an nhiên tự tại như đang hứng gió xuân, như được úông cam lộ. Quả là một tâm hồn cao cả, một con người hoàn toàn tiêu dao tự tại! Cái thần thông nhẫn nhục ấy so với thần thông “đi trên lửa, phóng hào quang” còn thần kỳ hơn nhiều. Vì đốt giấy cũng có thể “đi trên lửa”, đốt đèn có thể “phóng hào quang”, nhưng chúng ta hãy tự hỏi lòng, ai có thể bị vu oan là trộm cắp mà vẫn an nhiên như uống nước cam lộ, không một lời biện bạch? Ai có khả năng khám phá cuộc đời như huyễn như mộng, đó là người đại trí tuệ đáng được cung kính đảnh lễ.

Chúng ta lại chẳng may thường tự biến mình thành cái mà Hoà thượng hình dung: “con chó chạy theo cục đá”. Người ta muốn cho mình chạy thật giản dị, chỉ cần nhậm ý quăng một cục đá chúng ta lập tức đuổi chạy theo nó, chạy đến sức cùng lực tận, rốt cuộc chỉ vớ được một cái khối không ăn được. Hoà thượng trợn mắt bảo:” Như vậy là không có chủ trương, định hướng làm sao đi Tây phương được?”

Hoà thượng làm chủ chính mình, tự tại trong sanh tử, chẳng lạ gì được trẻ già đều kính ngưỡng. Ngài vốn không mưu cầu tiếng tăm, lợi lộc, chỉ nhờ chân chính thực tu mà cảm phục được lòng người.

Có một hôm, một phóng viên nhà báo lên núi định “tống tiền”, tỏ vẻ hăm dọa uy hiếp Ngài: “Ngòi bút của tôi rất lợi hại, nếu sư không đưa tiền, tôi sẽ viết một bài về sư”. Hoà thượng bình thản nói:” Anh cứ mặc tình đăng báo, tùy anh viết gì cũng được, tôi không cần ai cung kính. Người cung kính tôi, ngày ngày tôi vẫn niệm chú Đại Bi, trì chú vào Đại bi thuỷ; người không cung kính tôi, tôi cũng vẫn thanh tịnh niệm Phật A-Di-Đà”. Anh nhà báo chỉ còn biết tán thán Hoà thượng không giống như người thường, đúng là “Sự đáo vô tâm giai khả lạc, nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (Việc đến, vô tâm vẫn an vui; người đến không cầu, phẩm cách tự nhiên cao).

Lại có một lần, một số đệ tử đi nghe thuyết Pháp, nhận thấy giảng sư có ẩn ý phê bình Hoà thượng, họ bất bình lên núi thưa lại với Ngài, nào hay Ngài không những không hề có ý khó chịu mà còn bảo các đệ tử ấy phải sám hối về cái lỗi đã “hiểu lầm lời giảng của Pháp sư”, đồng thời còn giải thích hàm ý Phật pháp trong lời giảng sư, và khuyên răn các đệ tử: “Giả sử có người nêu danh tánh mình ra để mắng mình còn phải thành tâm biết ơn họ thay, huống hồ người ta không nêu tên mình ra!” Hoà thượng nghiêm túc nêu ra cho thấy đại nghĩa:” Muốn cho Phật pháp hưng vượng, thì tăng phải biểu dương tăng”. Rồi Hoà thượng tán dương vị Pháp sư ấy là “Ở trong thế giới phù hoa huyễn hoá này mà độ được chúng sanh, thật là một vị Bồ-Tát” và Ngài khiêm tốn:” Tôi vẫn không dám đi thuyết pháp!”

Công đức tu trì của Hoà thượng chúng ta không thể hiểu thấu, tuy nhiên qua vài sự việc nhỏ bất chợt diễn ra trong sinh hoạt hằng ngày cho thấy tâm hồn cao cả của Ngài; mỗi sự việc đều làm cho kẻ hậu học như tôi vô cùng cảm động! Hoà thượng như ánh mặt trời hiền hoà chiếu khắp từng thân cây bụi cỏ; nhưng cũng có lúc Ngài dùng gươm dao, búa rìu trí tuệ chặt đứt chi nhánh phiền não, đẵn hết dây mơ rễ má danh lợi làm chướng ngại Đạo; giúp cho thân vây vươn thẳng lên cõi Tịnh độ. Ngài thường phát ra những khảo đề trắc nghiệm bất ngời, “cực kỳ kích thích”, diễn bày rất sát với thực tế. Người chịu khảo nghiệm vốn thường bị hoàn cảnh chi phối, ngay lúc đó không hiểu ra, mãi về sau mới vỡ lẽ, mới biết Ngài dùng phương pháp “thuốc đắng đã tật”. Có lúc Ngài giáo dục bằng phương pháp “tôi luyện” khắc nghiệt, “nghiền cho tróc vỏ, xay cho nát vụn, nhồi cho nhuyễn, sấy cho đen”. Ai thực tâm phát nguyện tu hành sẽ trở thành “đạo lương cúng dường tất cả chúng sanh, cúng dường khắp mười phương chư Phật”, -- như thế thường là quá trình “máu và nước mắt”.

Có lúc Hoà thượng từ bi rơi nước mắt nói với đệ tử đang chịu thử thách:” Điều thầy dạy con, con có thật hiểu được không? Thầy sợ rằng con oán thầy, chẳng qua thầy muốn giúp con phá chấp; nhưng nếu như con không hiểu được dụng ý đích thực, sẽ trở thành oán hận thầy. Thầy tạo cho con nghịch cảnh là để rèn luyện con”.

Tổ Sư dạy chúng ta, muốn vãng sanh Tây phương cần phải có ba điều “tín, nguyện, hành”. Nguyện là chán bỏ cõi Ta-bà, vui tìm Cực lạc (Ta-bà do tâm xấu bẩn cảm ứng sinh ra, Cực lạc do tâm thanh tịnh hiển hiện).

Ân Sư Tuyết Công cũng nhấn mạnh tâm vui thích và tâm nhàm chán là pháp môn an tâm chính của tịnh độ. Nhưng phàm phu chúng ta trong thuận cảnh rất khó phát tâm vui thích hay nhàm chán. Bất đắc dĩ, Hoà thượng hay Phật và Bồ-Tát mới tạo cho chúng ta nhiều nghịch cảnh để chúng ta “lấy khổ làm thầy”, dũng mãnh phát tâm “vui thích – nhàm chán”, kiên trì niệm Phật để thoát vòng sanh tử. Đem sự tinh tấn lao khổ đời này đổi lấy hạnh phúc tự tại vĩnh hằng. Thật ra, đó là ân tứ cao quý nhất chẳng còn gì hơn. Chỉ có điều là chúng ta thường vui thích “những quả bom định giờ bọc trong bao bì xinh đẹp”, truy cầu khoái lạc và danh lợi nhất thời mà hy sinh cái an vui vĩnh cữu. Chư Phật và Bồ-Tát hằng xót thương rơi lệ vì tai hoạ ngút ngàn ấy của chúng ta. Hoà thượng thường nghiêm ngặt dạy rằng “Ở cõi Ta-bà chỉ cần tham lam một cọng cỏ cũng phải trở lại luân hồi!” Cũng vì lẽ đó, mắc dầu con người ở cõi Ta-bà này tôn kính Ngài như thế, Ngài vẫn tiêu dao thoát ly.

Công trình xây dựng quy mô hoành tráng trên núi đối với Ngài chẳng qua là “một giáo cụ bé nhỏ nhất thời”; dựa vào một số nhân duyên trần cảnh để thông cảm và dẫn dắt những chúng sinh có duyên với Ngài. Và ai thật sự thản nhiên trút bỏ, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh mới là đệ tử chân chính của Ngài. Trong mấy ngày trước vãng sanh, Hoà thượng nhiều lần dạy đệ tử: “Tai nạn càng lúc càng nhiều, phải gấp rút tu hành; tu một phần thì được một phần công đức, tu mười phần thì được mười phần công đức, tu trăm phần thì được trăm phần công đức, tu ngàn phần thì được ngàn phần công đức” Hoà thượng ân cần nói rõ từng câu, đó là những lời khích lệ khẩn khiết nhất. Tin theo lời Ngài, hãy thành tâm niệm Phật, vào ngày pháp môn giải thoát, không còn chần chờ gì nữa!

Có một nhà giáo kể với chúng tôi rằng ông ta đến xin hỏi Hoà thượng “nên niệm Phật như thế nào?” Hoà thượng hỏi lại: “Ông niệm Phật như thế nào?” Ông ta nói:” Khi nào rãnh thì con niệm Phật”. Hoà thượng lại hỏi:” Như vậy, có rãnh thì ông niệm Phật còn không rãnh thì không niệm Phật, thế thì ông chỉ cúi đầu chào Phật, chào cho có chào! Làm sao hy vọng Phật cứu ông khỏi cảnh sống chết? Lại đây! Lại đây! Ta cùng đưa chân ra xem! … Chân nào là chân Phật? Ông có nhận ra không? … Ủa! muốn ôm chân Phật mà ngay cả chân Phật là chân nào cũng không biết sao? Phải ôm chân nào đây? Vậy thì ông có nhận ra hay không nhận ra Phật?”

(Ngài thật khéo dùng ẩn dụ, làm cho người đối thoại hốt nhiên tỉnh ngộ). Nhà giáo ấy kể rằng Hoà thượng nhắp một tí trà rồi đưa mắt hỏi:

- Ông xem tôi có bị sặc không?

- Dạ thưa không.

- Tôi vừa niệm Phật, ông có biết không?

Lão Hoà thượng có lối giáo dục rất sinh động: uống trà, ăn cơm, đi, đứng, nằm, ngồi đều tu niệm Phật.

Nhà giáo ấy lại một phen gợi ý cho tôi:

Dù nửa đêm không đèn nhưng chỉ cần nghe vài tiếng ho thì anh cũng biết đó là cha mình về. Này nhé bây giờ là nửa đêm, đức Phật A-Di-Đà đến! … Bạn có biết Phật đến chăng? Chúng ta hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta đã niệm Phật đến độ nhận ra đựơc Phật, thân thiết với Phật chưa? Hòa thượng đã thân thiết với Phật rồi. Ngài từng nói với một tiến sỹ Mỹ từ Hoa Kỳ đến yết kiến Ngài: “Tiếng chim kêu, tiếng xe chạy và mọi tạp âm khác đều là tiếng niệm Phật”. Người Mỹ ấy hỏi trạng thái ấy kéo dài được bao lâu. Hoà thượng đáp:Ngày đêm sáu thời” (tức là lúc nào cũng như vậy). Mười năm về trước Hoà thượng có nói với đệ tử rằng “Sau này lúc nào ra đi Thầy sẽ hiện tướng bệnh mà đi, nhưng ba chúng con đều không có mặt để tiễn Thầy”. Ba người đệ tử lớn ấy của Hoà thựơng đều cho rằng điều ấy không thể x ảy ra, vì trong ba người bao giờ cũng có một người hầu cận Hoà thượng, làm sao mà có cái cảnh “không đưa tiễn được?!” Nhưng quả không sai, ngày hôm ấy nhân vì có công việc đặc biệt ba vị đệ tử lớn đều vắng mặt đúng vào lúc Sư Phụ viên tịch!

Trước khi vãng sanh, một lần nữa Hoà thượng dạy chúng đệ tử:

“Cõi Ta-bà này rất khổ, các con hãy mau sớm niệm Phật để vãng sanh về Thế giới Cực lạc của đức Phật A-Di-Đà”

Sau đó chúng đệ tử nhận thấy động mạch nơi cổ Sư Phụ từ từ ngừng đập trong tiếng niệm Phật, và lời nói cuối cùng của Người:

“Không đến cũng không đi, không có sự tình gì!”

Thật là thanh thoát!

Vô hình trung chúng ta “đến đến đi đi, toàn là sự tình”, không ngày nào ta không mang tạp sự trong tâm. Tiếng Đài Loan “sự tình” hay “đãi sự” hàm ý “không được cát tường cho lắm”. Đúng là:
“Bất thị nhàn nhân nhàn bất đắc, nhàn nhân bất thị đẳng nhàn nhân”

不是闲人闲不的,闲人不是等闲人
(Không phải người nhàn nhàn chẳng được; người nhàn đâu phải kẻ tầm thường)

Trong tâm hồn chúng ta nếu quả thực không có “đãi sự” (sự chẳng lành) mà có cái nhàn địch thực, hẳn phải biết bao công phu mới đạt được!

Khoảng một tuần lễ trước khi Hoà thựơng viên tịch, ngày đêm Ngài vận hết khí gọi đức Phật A-Di-Đà”, người thường không thể làm nổi. Đại chúng luân phiên niệm lớn theo Ngài còn cảm thấy khan cổ, đau ngực, tắt hơi huống hồ một cụ già 95 tuổi.

Thông thường người ta khi lâm chung hơi thở rất khó khăn, không tự chủ được gì cả, mà Ngài thì giống như vị tướng đột phá vòng vây ngũ trược. Có đệ tử sợ cơ thể Ngài không chịu đựng nỗi, do không ăn gần cả tháng, kiến nghị: “Bạch Thầy, để chúng con niệm Phật Thầy nghe cũng được”. Hoà thượng mở to đôi mắt nhìn … rồi nói một câu kiên quyết:” Mỗi người niệm cho mình, mỗi người giải quyết sanh tử cho mình”, nói xong lại khẩn khiết niệm lớn tiếng.

Thế rồi trước hôm vãng sanh sáu ngày, bỗng nhiên Hoà thượng “trình diễn một màn”, thể hiện tuyệt vời tính hài hước mà dư âm còn vang vọng sâu xa. Kẻ hậu học như tôi mỗi khi nghĩ đến cảm thấy cảnh tượng ấy có tác dụng làm cho các nhà tu hành, dù môn phái khác nhau, phải lấy đó mà cảnh tỉnh. Hoà thượng thường ngày dạy đại chúng chuyên tâm niệm Phật A-Di-Đà, đột nhiên hôm đó Ngài khẩn cấp bảo đại chúng tụng Kinh Đại Tạng, mà bộ Đại Tạng thì mênh mông như biển cả, chẳng biết bắt đầu tụng từ chỗ nào, chúng đệ tử bèn đến thỉnh ý Hoà thượng, Ngài bảo:” Tống tụng!” Đại chúng vội vàng đem Đại Tạng Kinh ra, hết bộ này đến bộ khác …, bê đến mệt thở. Nhìn thấy Sư Phụ sắp đến giờ phút vãng sanh, trong lòng ai nấy vừa bức xúc vừa đau xót, lại chẳng biết bất đầu tụng từ đâu, Hoà thượng nói:”Xem các con biết kinh gì, tụng lên cho Thầy nghe!”

Thế là đem từng bộ ra tụng: Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh Dược Sư, Kinh Địa tạng … Tới giờ phút quyết định sống chết mới hay bài Tâm Kinh chỉ có trên hai trăm chữ mà tụng cũng không xuôi, miệng tụng mà tâm trí rối bời. Giữa lúc đại chúng đem tụng từng bộ kinh, Hoà thượng chỉ mỉm cười u mặc, liền đó Ngài niệm:

“Nam-mô A-Di-Đà Phật! Nam-mô A-Di-Đà Phật! Nam-mô A-Di-Đà Phật! ….”; tiếng tụng kinh xung quang chẳng chút ảnh hưởng gì đến Ngài. Hậu học cảm thấy nụ cười của Ngài thật như “gậy gõ lên đầu”!

Xin hỏi: trong “buổi trình diễn đột xuất” ai là người “tống tụng” hết bộ Đại Tàng Kinh? Duy nhất chỉ có Hoà thượng niệm niệm trong sáng rõ ràng, mỗi tiếng Nam-mô A-Di-Đà Phật” đều thành khẩn có thần. Ấy mới thật là Tổng Tụng Đại Tạng Kinh! Chúng ta đừng thắc mắc: tại sao Hoà thượng lúc lâm chung thay đổi đề mục? Ngài là người rất giỏi dùng phép phản diện làm cho người ta thức tỉnh, tự mình thể nghiệm lấy ý vị và khắc dạ ghi tâm.

Tu hành là phải “hành “, chớ đâu phải nói-nghe là xong, ví như lúc học lý thuyết ở Viện Y Học “dàn binh bố trận trên giấy” nhất định khác xa khi đối diện với bệnh nhân máu me đầy minh! Chúng ta có thể hiểu rằng cách diễn bày của Hoà thượng và câu “Tinh hoa vạn pháp gồm trong sáu chữ” của pháp sư Tuyết Vân tuy hai mà một, thật là vi diệu.

Nhiều người khi lâm chung vô cùng khổ sở, chỉ bốn chữ A-Di-Đà Phật còn niệm không nổi, huống gì tụng kinh – mà lại tụng Đại Tạng Kinh! Chúng ta một lònh thành kính tin theo lời dạy “thành tâm niệm Phật, không gì thay đổi”, ngõ hầu tránh tình trạng “luyện xong mừơi tám môn võ nghệ đến khi gặp nạn không biết dùng chiêu nào”. Ngày ngày tụng hết kinh này đến kinh khác, tựa hồ như có duyên với rất nhiều Phật nhiều Bồ-Tát, lúc sắp lìa đời tâm trí lại rối như tơ vò, không biết nên niệm Phật nào, kỳ thực trong kinh A-Di-Đà nói rằng Chư Phật sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài (quảng trường thiệt tướng) tán thán đức Phật A-Di-Đà, khuyên chúng sanh tin và niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Hiển nhiên, khi chúng ta niệm “A-Di-Đà Phật “thì tất cả chư Phật và Bồ Tát đều hoan hỷ, - ấy gọi là “tống tụng”.

Trước vãng sanh hai ngày, Hoà thượng tự mình gõ mõ cho chúng đệ tử niệm Phật, trong cử chỉ đó hàm chứa ý vị rất thâm thúy. Trước những danh hiệu Phật, Bồ Tát Ngài đều niệm “Nam-mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới”, như:

Nam-mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới Văn Thù Sư Lợi Bồ-Tát

Nam-mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới Phổ Hiền Bồ-Tát

Nam-mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới Di-Lặc Bồ-Tát …

Theo chỗ tôi hiểu, Hoà thượng bảo cho chúng ta biết có thể gặp các vị Đại Bồ-Tát ấy ở Tây Phương, chỉ cần chuyên tâm niệm Phật A-Di-Đà như Ngài thì có thể cùng với các bậc Bồ-Tát đồng hành!

Có lần tôi đi với một bác sỹ lên núi xin thỉnh giáo Ngài. Vị bác sỹ hỏi: “Thưa Ngài, ngồi thiền như thế nào thì mới thông khí mạch?” Hoà thượng trả lời: Đâu cần đả thông khí mạch, nhất tâm niệm Phật, chứng niệm Phật tam-muội thì tất cả khí mạch đều thông”. Đây là lời chỉ dạy trung thực của một người đạt đến chỗ tự tại dành cho chúng ta. Ai thông minh ắt không trở lại con đường quanh co oan uổng, ngõ hầu tránh khỏi cái cảnh “sắp chết hối tiếc thì đã muộn”. Hãy sớm chuẩn bị hành trang, như Hoà thượng đã tuyên bố từ trước:

“Tôi đã mua vé xe rồi, và đúng số xe!”

Xin hỏi, vé xe của quý vị tu học đàn anh đã mua chưa? có đúng số xe không? hay là không muốn có chỗ ngồi? hoặc chẳng muốn lên xe? Cũng có thể quý vị đã sớm chuẩn bị tốt rồi, để khỏi phải như chúng tôi đợi sau khi Hoà thượng nhập diệt mới lên núi niệm Phật! Niệm được một vài tiếng đồng hồ nước mắt tuôn trào …. Niệm không thành câu để cúng dường Hoà thượng! Cúi đầu chẳng dám ngẫng lên vì cảm thấy không xứng đáng với lời giáo huấn, dặn dò của Người! Thật xót xa đau khổ vì xấu hổ ân hận! Nguyện cầu các bậc tu học đàn anh sớm mua vé đúng xe “Kim Đài Thượng Phẩm Thượng Sanh”!

Nam-mô A-Di-Đà Phật