- Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ Tát
Phần II
BỔ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ
(Bodhisattva Mahasthanapràta)
DANH HIỆU.
Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Đại Thế Chí có nghĩa là dùng ánh sáng trí tuệ soi khắp hết thảy, khiến chúng sanh trong ba đường ác được giải thoát và được năng lực vô thượng.
TIỀN THÂN.
Thuở xa xưa ở thế giới Vô Lượng Đức Tựu An Lạc thị hiện có đức Phật hiệu Kim Quang Sư Tử Du Hý ra đời hóa độ chúng sanh. Trong nước có ông vua hiệu Oai Đức, lấy chánh pháp trị dân nên cũng gọi là Pháp vương. Trong nước ấy không có người nữ, toàn là do hóa sanh. Vua kính thờ đức Phật Kim Quang Sư Tử Du Hý không biết mỏi nhàm. Một hôm, vua tọa thiền Tam muội, khi xuất định thấy hai hoa sen mọc bên tả hữu, trong mỗi hoa sen có mỗi đồng tử, rồi cùng nhà vua đến Phật nghe pháp. Vua Oai Đức đó là tiền thân Phật Thích Ca, hai vị đồng tử là Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. (Quán Thế Âm Bồ-tát Thọ Ký kinh)
Lại một thuở khác, Ngài là con trai thứ của vua Vô Tránh Niệm tên Ni-ma. Ngài được thân thừa cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh, được Phật thọ ký: sau này làm Bồ-tát hiệu là Đắc Đại Thế (Đại Thế Chí), phụ tá bên cạnh đức Phật A Di Đà ở cõi Cực-lạc. Và, sau nữa Ngài sẽ thành Phật hiệu là "Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương", ở thế giới Đại Thế. (Kinh Bi Hoa, quyển ba, phẩm Chư Bồ-tát Bổn Thọ Ký).
HẠNH NGUYỆN.
Ngài dùng pháp môn Niệm Phật Tam muội để tự tu và hóa độ chúng sanh. Trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật Thích Ca hỏi chỗ sở tu sở đắc của các vị La-hán và Bồ-tát, Ngài tự thuật: "Thời đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm Phật Tam muội... Nhơn địa xưa của con dùng tâm niệm Phật nhập vô sanh nhẫn. Nay ở thế giới này, con tiếp độ người niệm Phật về Tịnh độ...". Đức Quan Thế Âm dùng lòng từ bi lăùng nghe tiếng đau khổ đến cứu độ chúng sanh, đức Đại Thế Chí dùng ánh sáng trí tuệ soi đường cho chúng sanh được giải thoát.
BIỂU TƯỚNG.
Ngài đứng bên hữu đức Phật A Di Đà, tướng người cư sĩ cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh. Đây là lối thờ Di Đà tam tông: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên tả Bồ-tát Quán Thế Âm, bên hữu Bồ-tát Đại Thế Chí.
MẬT Ý.
Bồ-tát hình người cư sĩ để nói lên hạnh nguyện độ sanh của Ngài luôn luôn gần gũi quần chúng. Bởi vì muốn cảm thông nhau thì trước phải cùng hình thức như nhau. Bồ-tát là bạn lành của chúng sanh, cho nên mang hình thức người cư sĩ để dễ lăn lộn trong nhân gian, mà hóa độ họ.
Hoa sen xanh tượng trưng thanh tịnh, tức là đoạn đức. Dùng trí tuệ dứt sạch tất cả phiền não nhiễm ô, cứu vớt chúng sanh lên khỏi vũng bùn ác trược.
Muốn cứu vớt chúng sanh về tịnh độ, trước phải dạy họ dứt sạch phiền não uế ô. Vì thế, danh hiệu Ngài đã nói lên ý nghĩa vận dụng ánh sáng trí tuệ chiếu soi cho chúng sanh thấy rõ những uế trược nơi mình, đồng thời giúp cho họ có sức mạnh đoạn trừ những uế trược ấy, nhiên hậu đưa họ về Tịnh Độ.
Mỗi đức Phật đều đầy đủ hai đức tánh quan trọng là từ bi và trí tuệ. Thiếu một trong hai đức tánh này, không bao giờ thành Phật. Cho nên, thờ tượng tam tông để biểu thị ý nghĩa này. Đức Phật Thích Ca có hai vị Bồ-tát phụ tá là Văn Thù và Phổ Hiền. Ngài Văn Thù tượng trưng trí tuệ. Ngài Phổ Hiền là đại hạnh từ bi.
Đức Phật Di Đà cũng thế, có hai Bồ-tát phụ tá là Quán Âm và Thế Chí. Đức Quán Âm tượng trưng từ bi, Bồ-tát Thế Chí tượng trưng trí tuệ. Từ bi ở bên tả, trí tuệ ở bên hữu, để biểu thị trí tuệ lúc nào cũng dẫn đầu thì từ bi mới thành tựu. Chúng ta thờ Phật, lễ Phật luôn luôn phải học tập và thực hành hai hạnh này. Có thế, sự thờ Phật lễ Phật mới đầy đủ ý nghĩa.
BỔ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI
(Bodhisatva Manjusri)
DANH HIỆU.
Văn Thù Sư Lợi cũng gọi là Mạn Thù Thất Lỵ, dịch nghĩa là "Diệu Đức, Diệu Cát Tường". Vì thấy rõ Phật tánh, mọi đức đều tròn đầy, không sự ràng buộc nào chẳng dứt, nên gọi Diệu Đức.
TIỀN THÂN.
Thuở xưa, Ngài là con thứ ba vua Vô Tránh Niệm tên là Thái tử Vương Chúng. Do cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi và được thọ ký sau này sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chỉ, hiệu là Phật Văn Thù (Kinh Bi Hoa). Lại, trong kinh Pháp Hoa chép: Thời đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Ngài là Bồ-tát Diệu Quang thọ trì kinh Pháp Hoa. Tám người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều theo học với Ngài, sau này các vị ấy đều thành Phật, trong số đó có Phật Nhiên Đăng và Di Lặc. (Kinh Pháp Hoa)
HẠNH NGUYỆN.
Ngài là vị Bồ-tát hiểu thấu Phật tánh, đầy đủ ba đức: Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát; hằng đem ba đức ấy giác ngộ chúng sanh. Ngài là hiện thân của căn bản trí, cho nên trong hàng Bồ-tát Ngài là Thượng thủ. Trong các hội thuyết pháp của đức Phật Thích Ca, Ngài luôn hiện thân trợ hóa.
BIỂU TƯỚNG.
Tay mặt Ngài cầm kiếm sắc bén. Tay trái cầm hoa sen xanh. Mình ngồi trên lưng Sư Tử xanh. Có nơi Ngài hiện tướng người xuất gia, vì với tư cách trợ hoá cùng đức Phật Thích Ca nên phải hiện thân người xuất gia như các vị Tỳ- kheo. Có chỗ thờ Ngài với hình thức người cư sĩ đội mũ, mặc giáp, cầm kiếm. Như Thiện Tài Đồng Tử tán thán:
"Thân mặc giáp nhẫn nhục,
Tay cầm gươm trí tuệ,
Tự tại hàng quân ma,
Xin thương xót cứu vớt tôi".
(Kinh Hoa Nghiêm tập ba, phẩm pháp giới, Hòa Thượng Trí Tịnh dịch)
THÂM Ý.
Ngài Văn Thù tượng trưng căn bản trí. Tay mặt Ngài cầm kiếm là biểu thị trí đức. Dùng trí tuệ sáng suốt phá tan tất cả vô minh hắc ám. Ánh sáng trí tuệ soi đến đâu, hắc ám tan đến đấy. Như dũng sĩ cầm kiếm bén xông pha trong trận mạc, chiếc liếm lia đến đâu thì đầu giặc rơi đến đấy. Sức trí tuệ vô cùng mãnh liệt, như thanh kiếm báu cứng chắc san sảng, dù chạm phải cùng loại kim khí vẫn không bị khờn mẻ, mà có thể chặt đứt tất cả.
Tay trái Ngài cầm hoa sen xanh, biểu thị đoạn đức. Đối với tự thân cũng do sức trí tuệ dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Bồ-tát không phải người ẩn nơi non cao rừng thẩm, sống trong cảnh thanh tịnh u nhàn, mà là người sống chung đụng với quần chúng, lăn lộn trong đám bụi trần để cứu độ chúng sanh, nên có lúc ra làm vua, có lúc làm quan, cũng có khi làm kẻ tật nguyền cùng khổ... tuy sống trong dục lạc dẫy đầy, mà Bồ-tát vẫn giữ tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm như người đời. Đó là nhờ trí tuệ dứt sạch tham ái, viên thành đoạn đức.
Chiếc giáp Ngài mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân. Nó che chở cho Bồ-tát vẹn toàn tâm từ bi; bọn giặc sân hận oán thù không thể nào xúc não được hạnh nguyện của Bồ-tát. Bồ-tát không bao giờ rời chiếc giáp nhẫn nhục. Thiếu nó Bồ-tát không thể nào thực hiện được tâm Bồ-đề.
Con Sư tử là biểu thị công năng của trí tuệ. Bởi vì sư tử là chúa sơn lâm, một tiếng rống của nó muôn thú đều nép phục. Bồ-tát do trí tuệ viên mãn hay thuyết pháp phá dẹp tất cả tà tuyết. Một phen chánh pháp vang lên, mọi tà thuyết đều ẩn náu. Như một phen sư tử rống lên thì muôn thú đều kinh tâm tán đởm.
Chúng ta thờ phụng, đảnh lễ Bồ-tát Văn Thù là để hướng về trí tuệ sẵn có của chúng ta. Lâu rồi, chúng ta mãi sống quay cuồng theo vô minh tham ái, trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, chịu chập chồng muôn nỗi khổ đau. Giờ đây, chúng ta hãy tỉnh dậy, quay về với trí tuệ sẵn có của mình, dùng thanh gươm trí tuệ chặt đứt lưới tham ái để vượt ra khỏi bể khổ thâm sâu. Chỉ có trí tuệ mới đủ công năng cứu ta ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo. Sau khi, tự cứu được mình bằng khả năng trí tuệ, chúng ta lại dùng nó tuyên dương chánh pháp hóa độ quần mê. Được vậy, phần tự lợi và lợi tha mới được đầy đủ. Tuy nhiên, người chiến sĩ muốn chiến thắng kẻ thù phiền não, muốn cứu thoát mọi người ra khỏi vòng kềm hảm của chúng thì lúc nào trong người cũng không rời chiếc giáp nhẫn nhục. Được thế, mới chắc chắn thành công. Cũng vậy, chúng ta muốn tự giác giác tha thì hạnh nhẫn nhục không lúc nào dám xao lảng. Có thực hành được như vậy, mới xứng đáng đảnh lễ đức Văn Thù tay cầm kiếm, mình mặc giáp; ngồi trên lưng sư tử.
BỔ TÁT PHỒ HIỀN
Bodhisattva Visvabhadhra hoặc Samantabhadra
DANH HIỆU.
Phổ Hiền là vị hiền rất gần bậc thánh hay giáo hóa khắp tất cả chỗ. Đức độ khắp tất cả pháp giới; khéo hay điều phục thuận thảo gọi là å Hiền. Điều thiện vi diệu khắp tất cả chỗ gọi là Phổ.
TIỀN THÂN.
Thuở xưa, Ngài là con thứ tư vua Vô Tránh Niệm tên là Năng Độ. Do cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh, Ngài được Phật thọ ký sau này tu hạnh Bồ-tát sẽ được tên là Kim Cương Trí Huệ Quang Minh Công Đức và sẽ thành Phật ở thế giới Bất Huyền phương Đông hiệu là Phổ Hiền Như Lai (Kinh Bi Hoa).
HẠNH NGUYỆN.
Bồ-tát Phổ Hiền có mười hạnh nguyện lớn:
1. Lễ kỉnh chư Phật
2. Khen ngợi Như Lai
3. Cúng dường khắp cả
4. Sám hối nghiệp chướng
5. Tùy hỉ công đức
6. Thỉnh Phật chuyển pháp luân
7. Thỉnh Phật thường ở đời
8. Thường theo học Phật
9. Hằng tùy thuận chúng sanh
10. Hồi hướng khắp hết.
(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện)
Lại, trong hội Lăng Nghiêm, Phật hỏi về căn viên thông, Ngài thuật:
"Con đã từng làm con các vị Pháp Vương nhiều như số cát sông Hằng, chư Phật mười phương dạy đệ tử có căn Bồ-tát đều tu h?nh Phổ Hiền, là do con mà đặt tên. Bạch Thế Tôn! Con dùng tâm nghe và phân biệt những hiểu biết của chúng sanh, nếu ở phương khác ngoài số thế giới như cát sông Hằng, có một chúng sanh trong tâm phát minh hạnh Phổ Hiền, khi ấy con cưỡi voi trắng sáu ngà phân thân trăm ngàn đến khắp các chỗ kia. Dù người kia bị nghiệp chướng sâu nặng chưa thấy được con, con ở trong tối xoa đầu, an ủi ủng hộ, khiến người kia được thành tựu..." (Kinh Lăng Nghiêm, chương Phổ Hiền)
BIỂU TƯỚNG.
Căn cứ vào tượng Thích Ca tam tông, Bồ-tát Phổ Hiền hầu bên tả đức Phật Thích Ca, Bồ-tát Văn Thù hầu bên hữu. Bồ-tát Phổ Hiền thờ riêng với hình thức ngư cư sĩ, cưỡi voi trắng sáu ngà, hai tay chắp lại.
THÂM Ý.
Ngài tượng trưng cho chân lý, Văn Thù tượng trưng chân trí, lý trí dung thông. Hoặc Ngài tượng trưng cho tam muội, Văn Thù tượng trưng cho Bát-nhã. Hoặc Ngài tượng trưng cho hạnh, Văn Thù tượng trưng cho giải, hạnh giải viên dung. Hoặc Ngài tượng trưng cho từ bi, Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ. Đức Phật dùng chân trí thâm đạt chân lý, vì thế biểu thị hai vị Bồ-tát phụ tá hai bên. Hoặc đức Phật Bi, Trí viên mãn, nên hai Ngài thường có mặt bên trái, bên phải đức Phật.
Riêng tượng Bồ-tát Phổ Hiền ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà để biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Trong các loài thú, về sức mạnh chuyên chở, con voi là mạnh hơn cả. Nó hay chuyên chở người và vật từ chỗ này đến chỗ khác. Bồ-tát Phổ Hiền cũng thế, dùng đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác. Lại, con voi ấy trắng có sáu ngà, biểu thị Bồ-tát tuy còn lăn lộn trong trần để hóa độ chúng sanh, mà nghiệp chướng đã trong sạch. Sáu ngà là tượng trưng cho lục độ, Chèo thuyền lục độ, Bồ-tát cứu vớt chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ. Mặc dù bể khổ mênh mông, chúng sanh vô lượng, Bồ-tát không nại hà mệt nhọc vẫn say sưa cứu vớt không ngừng. Những chiếc chèo bố thí..., cánh buồm tinh tấn..., mục tiêu thiền định, tay lái trí tuệ mãi hoạt động luôn luôn tiến tới không bao giờ bị sóng gió khiến phải lui sụt.
Chúng ta thờ Bồ-tát Phổ Hiền là thờ chân lý, hằng ngày kính lễ Ngài, chúng ta phải tự tỉnh ăn năn tránh xa mọi ảo vọng, trở về phối hợp với chân lý. Còn gì đau buồn bằng, hằng ngày sống trong chân lý mà chúng ta bị mờ mịt bởi vô minh, rồi lấy vọng làm chân, lấy giả làm thực, càng ngày càng cách xa chân lý. Chúng ta hãy mở mang trí tuệ, nhìn thẳng vào mặt chân lý để được giác ngộ như chư Phật. Có vậy mới xứng đáng là Điều Ngự Tử (con của đấng Điều Ngự).
Lại, thờ Bồ-tát Phổ Hiền cũng là thờ Đại hạnh vô biên của chư Bồ-tát. Kính lễ Ngài có nghĩa là chúng ta tôn trọng học đòi theo hạnh nguyện rộng lớn của Ngài. Hãy đập tan đi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của chúng ta để hòa mình trong hạnh nguyện mênh mông của Bồ-tát. Còn đeo đẳng cái vỏ ích kỷ này là còn khổ đau, còn chìm đắm, phải gỡ nó bỏ đi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt khỏi muôn lớp trùng dương đến nơi bờ giác an vui. Lòng từ vô hạn, hạnh nguyện vô biên của Bồ-tát là những tiếng còi cảnh tỉnh, kêu gọi chúng ta hãy sống dậy trong đồng thể đại bi, trong chân như vĩnh cửu. Bỏ đi cái vỏ nhỏ nhen, tạm bợ, mà con người đang vì nó tạo nghiệp khổ ngập trời.
BỔ TÁT ĐỊA TẠNG
(Bodhisatva Ksitigarbha)
DANH HIỆU.
Địa Tạng có nghĩa an nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật.
TIỀN THÂN.
Thời tượng pháp của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có người con gái dòng Bà-la-môn đầy đủ phước đức, mọi người đều cung kính. Mẹ cô không tin Tam bảo lại khi dể, tuy cô cố gắng giáo hóa mà không thể được. Sau khi mẹ chết, vì lòng hiếu thảo cô cúng dường tượng đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương cầu xin biết được mẹ đang sanh về đâu. Vì lòng chí hiếu cảm thông đến Phật, đức Phật dạy cô về nhà đêm đến ngồi nhớ danh hiệu Ngài sẽ biết chỗ mẹ sanh. Làm đúng như lời Phật dạy, cô được thấy cảnh địa ngục và sau rốt biết mẹ cô nhờ phước đức của cô đã được sanh về cõi trời.
Sau khi thấy cảnh khổ đau ở địa ngục, cô phát nguyện:
"Bao giờ địa ngục trống không, chúng sanh độ hết, tôi mới thành Phật quả".
Cô gái ấy là tiền thân Bồ-tát Địa Tạng. (Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Công Đức)
HẠNH NGUYỆN.
Đức Phật ở trên cung trời Đao Lợi thọ ký Ngài rằng:
"Địa Tạng ghi nhớ: ngày nay tôi ở cõi trời Đao Lợi trong đại hội có tất cả chư Phật, trời, rồng, bát bộ nhiều đến trăm ngàn muôn ức không thể nói, đem người, trời, các chúng sanh... chưa ra khỏi tam giới, còn ở trong nhà lửa giao phó cho ông. Ông chớ để các chúng sanh ấy rơi vào đường ác trong một ngày một đêm..." (Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện công đức, phẩm Chúc Lụy nhơn thiên).
Lại, kinh Địa Tạng Thập Luận có đoạn:
"Người thiện nam này Bồ-tát Địa Tạng, mỗi ngày vào buổi sáng, vì muốn làm thành thục các hữu tình, nhập các thiền định nhiều như số cát sông Hằng, từ định xuất rồi, đi khắp mười phương các cõi Phật làm thành thục tất cả hữu tình đã được giáo hóa, tùy cơ cảm của hữu tình khiến được lợi ích an lạc". (Địa Tạng Thập Luận kinh)
Theo kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Phật Thích Ca phó chúc cho Ngài cứu độ chúng sanh sau khi Phật nhập Niết-bàn cho đến lúc đức Di Lặc ra đời. Căn cứ các tiền thân của Ngài, Ngài thường nguyện làm cho địa ngục trống không và độ hết chúng sanh. Nói về hạnh nguyện của Ngài, chúng ta có thể thấy rõ trong bài tán sau đây:
Khể thủ từ bi đại Giáo chủ
Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tàng.
Nam phương thế giới võng hương vân,
Hương võ, hoa vân, cập hoa võ
Bảo võ, bao vân, vô số chủng
Vi tường, vi thụy, biến trang nghiêm.
Thiên, nhơn vấn Phật thì hà nhân?
Phật ngôn: Địa Tạng Bồ-tát chí!
Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng,
Thập phương Bồ-tát cộng quy y,
Ngã kim túc thực thiện nhơn duyên,
Tán dương Địa Tạng chân công đức:
Từ nhân, tích thiện, Thệ cứu chúng sanh.
Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn,
Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại thiên thế giới.
Diêm Vương điện thượng,
Nghiệp kính đài tiền,
Vị Nam Diêm Phù Đề chúng sanh
Tác đại chứng minh công đức chủ
Đại bi, đại nguyện,
Đại thánh, đại từ,
Bổn tôn, Địa Tạng Bồ-tát ma ha tát!
Dịch:
Dập đầu kính lễ đức giáo chủ Đại từ bi:
đức độ của Ngài, Như đất dày bao hàm rộng khắp
Thế giới phương nam tỏa mây hương
Mưa hương, mây hoa cùng mưa hoa,
Mây báu, mưa báu vô số lớp,
Biến hiện điềm lành khắp trang nghiêm.
Trời, người hỏi Phật nhân gì vậy?
Phật rằng: Địa Tạng Bồ-tát hiện,
Chư Phật ba đời đều tán ngưỡng.
Mười phương Bồ-tát thảy quy y.
Nhân xưa bồi đắp chút duyên lành,
Nay con tán dương chân công đức:
Địa Tạng Bồ-tát đại từ bi
Góp tập thân lành độ chúng sanh:
Rung tích trượng mở toang địa ngục,
Nâng minh châu soi khắp đại thiên.
Trước đài "nghiệp kính", điện Diêm Vương,
Vì chúng sanh ở cõi Nam Diêm,
Làm giáo chủ chứng minh công đức.
Nam mô đại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ
Bổn Tôn Địa Tạng Bồ-tát ma ha tát.
(Ban Hộ Niệm Hội Việt Nam Phật Giáo dịch)
BIỂU TƯỚNG.
Tượng Ngài đúng là người xuất gia, đầu tròn, mặc áo ca sa, tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm hạt minh châu.
THÂM Ý.
Các vị Bồ-tát khác phần nhiều hiện thân cư sĩ, đặc biệt Bồ-tát Địa Tạng hiện thân vị Tỳ-kheo. Bởi vì bản nguyện của Ngài là cứu thoát chúng sanh ra khỏi địa ngục (cũng có nghĩa ngục tam giới), nên hình ảnh của Ngài là con người giải thoát (xuất gia). Mình có giải thoát mới mong độ thoát chúng sanh được. Qua hình ảnh giải thoát của Ngài, khiến chúng sanh hâm mộ cầu mong Ngài độ thoát.
Song muốn giải thoát chúng sanh phải có phương tiện gì? Trong tay sẵn có tích trượng và minh châu. Tích trượng là một pháp khí do Phật chế ra. Những vị Tỳ-kheo thời xưa đi khất thực, vai mang bình bát, tay cầm tích trượng. Tích trượng có hai công dụng:
1- Đến trước cổng nhà người rung tích trượng reng reng, khiến người hay ra cúng dường.
2- Lúc đi đường gặp rắn rết đuổi chúng đi, tránh khỏi tai họa.
Trên đầu tích trượng có mười hai khoen tượng trưng mười hai nhân duyên. Đức Phật giác ngộ lý nhân duyên sanh thành bậc chánh giác. Ngài cũng đem lý nhân duyên giáo hóa chúng sanh ngót bốn mươi chín năm. Muốn được giải thoát trước phải ngộ lý mười hai nhân duyên. Đức Địa Tạng tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen để nói lên ý nghĩa: Ngài luôn luôn dùng pháp thập nhị nhân duyên cảnh tỉnh chúng sanh. Nhờ sự cảnh tỉnh ấy, chúng sanh nhận chân được chân lý, giải thoát vòng sanh tử mê lầm.
Tuy nhiên, muốn thấu rõ lý nhân duyên phải nhờ ánh sáng trí tuệ. Chúng sanh trầm luân mãi mãi bởi vô minh che đậy, không trông thấy pháp duyên sanh như huyễn, chấp thật ngã, thật pháp nên cứ lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Muốn phá được vô minh phải phát huy trí tuệ. Trí tuệ tăng trưởng thì vô minh sẽ lùi xa. Biểu thị trí tuệ là viên minh châu trong lòng bàn tay đức Địa Tạng. Viên minh châu ấy soi sáng tất cả chốn u minh làm cho mọi chúng sanh bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng đều được thoát khỏi ngục hình. Cũng vậy, chúng sanh bị giam cầm trong ngục vô minh, một phen phát sanh ánh sáng trí tuệ, ngục thất vô minh liền tan vỡ, mọi người đều được thong dong tự tại.
Chúng ta thờ tượng đức Địa Tạng để nói lên lòng khao khát giải thoát. Sự giải thoát của chúng ta được thành tựu hay không là do trí tuệ nhận chân được lý thập nhị nhân duyên hay không. Nếu chúng ta hằng ngày vận dụng hết tâm tư của mình suy nghiệm pháp thập nhị nhân duyên, một ngày nào đó, thời tiết nhân duyên đến, bỗng nhiên bừng sáng. Đó là chúng ta đã nhờ đức Địa Tạng cứu thoát trong thời không có đức Phật ở đời. Ngược lại, chúng ta cứ đảnh lễ Ngài với ý niệm ỷ lại, dù Ngài có muốn cứu độ chúng ta thế mấy cũng khó bề cứu được.
Đức Địa Tạng sẵn sàng cứu độ chúng ta ra khỏi địa ngục, song chúng ta phải có đủ hai yếu tố: phát huy trí tuệ và soi thấu pháp thập nhị nhân duyên. Có thế, công dụng độ sanh của Bồ-tát Địa Tạng mới thực hữu.