Phật học cơ bản
Phật Học Cơ Bản Tập Ba
Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002) Nguyệt san Giác Ngộ
18/03/2553 22:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần I - Bài 3

Phật giáo từ thời Trần Nhân Tông đến cận đại

Thích Tâm Hải


Từ Trần Nhân Tông (ở ngôi 1279-1293) cho đến nay, Phật giáo nước ta về cơ bản vẫn chịu những ảnh hưởng bởi những thiết định của nền Phật giáo do dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, trực tiếp là nhà vua-thiền sư Trần Nhân Tông, đệ nhất Tổ thiết lập. Chúng ta sẽ tìm hiểu thời kỳ này qua hai giai đoạn: giai đoạn từ vua Trần Nhân Tông đến chúa Nguyễn Phúc Chu và từ chúa Nguyễn Phúc Chu đến cận đại.

I. Phật giáo từ thời Vua Trần Nhân Tông đến Chúa Nguyễn Phúc Chu

Vua Trần Nhân Tông là một trong những nhà lãnh đạo Phật tử có một vị trí hết sức quan trọng không những đối với Phật giáo nước ta mà đối với cả dân tộc. Ngài là nhà tư tưởng và là một nhà chính trị kiệt xuất. Trong thời gian lãnh đạo đất nước, Ngài đã làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, đưa Phật giáo Việt Nam phát triển đến chỗ cực thịnh. Phật giáo ở thời nhà Trần được các tài liệu đề cập dưới nhiều góc độ, qua các gương mặt cự phách như các vua Trần Thái Tông, người viết nhiều tác phẩm Phật học nổi tiếng như Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi, Kim cương tam muội kinh chú giải, Bình đẳng lễ sám văn; Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230-1291), đệ tử của ngài Tiêu Diêu và là thầy của vua Trần Nhân Tông, tư tưởng và hành trạng của Ngài được ghi lại trong tác phẩm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Phật giáo đời Trần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, hiện có nhiều tài liệu để tham khảo và những đánh giá đã khá toàn diện, nên ở đây chúng tôi chỉ nói sơ một số điểm cần nhấn mạnh lại. Và, trước hết, chúng ta tìm hiểu đôi nét về con người của ngài Trần Nhân Tông, những thiết định của nền Phật giáo do Ngài thiết lập và nguyên nhân ra đời của dòng Thiền thứ tư, một dòng thiền được xem là sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam mà nó còn ảnh hưởng đến tận hôm nay.

1. Ðôi nét về con người vua Trần Nhân Tông và sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

a. Ðôi nét về ngài Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông tên là Trần Khâm (1258-1308), con của vua Trần Thánh Tông (Trần Hoảng), lên ngôi năm 1278, đến năm 1293 thì tự nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm thái thượng hoàng. Trong thời gian làm thái tử và ở ngôi, Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo toàn dân đánh tan quân xâm lược Nguyên- Mông năm 1285 và 1288. Trần Nhân Tông là một vị vua Phật tử thuần thành, được học đạo trực tiếp với Tuệ Trung Thượng sĩ trong lúc còn làm thái tử cũng như sau khi đã lên ngôi. Năm 1299, Ngài xuất gia, vào tu ở núi Yên Tử và lấy pháp hiệu là Trúc Lâm cư sĩ, tự xưng là Hương Vân đại đầu đà, người đời gọi Ngài bằng mỹ hiệu là Trúc Lâm Ðiều ngự (1), Ðiều ngự Giác hoàng...

Là một nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước nhưng Trần Nhân Tông đã tự nhường ngôi lại cho con để rút lui làm thái thượng hoàng. Tuy vậy, ngay cả khi đã xuất gia, vai trò chính trị của Ngài vẫn không kém phần quan trọng. Ngài đã vân du giảng Phật pháp tại nhiều trung tâm Phật giáo của nước ta thời bấy giờ, như các chùa Phổ Minh, Sùng Nghiêm, Báo Ân, Vĩnh Nghiêm...và đi vào quần chúng để truyền bá những nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo. Sách Tam tổ thực lục chép rằng, năm 1304 Ngài "đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ các dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện". Trước đó, Ngài đã từng chống gậy vân du nhiều nơi, vào tận Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay), lập am Tri Kiến ở đây. Năm 1301, Ngài sang Chiêm Thành, gặp gỡ vua nước này và tạo được mối bang giao hòa bình giữa hai nước bằng cách gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Cuộc sang thăm đó đã đem về cho dân tộc thêm vùng đất rộng lớn là hai châu Ô và Rí (2) mà không tốn một sinh lực nào.

Về việc xây dựng giáo hội, Ngài đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược khi chọn và đào tạo người lãnh đạo kế tục là ngài Pháp Loa. Nền Phật giáo mà Ngài thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội lành mạnh theo nền tảng của mười thiện nghiệp. Những quan niệm về Phật giáo của Ngài hiện biết được chủ yếu là qua các bài Cư trần lạc đạo phú Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Sách Tam tổ thực lục cho biết Ngài là tác giả của nhiều tác phẩm như Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc lâm hậu lục, Thạch thất mị ngữ, Ðại hương hải ân thi tậpTăng già toái sự, nhưng đã thất lạc khá nhiều, hiện còn một số bài thơ được chép trong Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục. Ngài mất năm 1308 tại Yên Tử, thọ 51 tuổi.

b. Bối cảnh ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Ở đời Trần, cả dân tộc phải đối diện một mặt với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầy cam go để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, và mặt khác là nhiệm vụ phục hồi kinh tế, khai khẩn đất đai ở những vùng đất mới, ổn định đời sống của nhân dân. Trước xu thế đó, mọi nguồn tinh lực của dân tộc đều được huy động. Và đó là bối cảnh để dòng thiền Trúc lâm Yên tử ra đời.

Ngài Trần Nhân Tông là người lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, và theo phả hệ thì dòng thiền này xuất phát từ dòng thiền Vô Ngôn Thông. Bởi đệ nhất Tổ của Trúc Lâm Yên Tử là học trò của Tuệ Trung Thượng sĩ. Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ thì học đạo với ngài Tiêu Diêu, ngài Tiêu Diêu là đệ tử của ngài ng Thuận thuộc thế hệ thứ XV của dòng thiền vô Ngôn Thông.

c. Ðặc điểm của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm là phát triển đỉnh cao của quan niệm "tức tâm tức Phật". Trong bài phú Cư trần lạc đạo, ngài Trần Nhân Tông đã viết:

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Chỉnh mới hay chính Bụt là ta.

Và trước đó, quan niệm này đã được ngài Viên Chứng thức tỉnh vua Trần Thái Tông khi nhà vua bỏ ngai vàng trốn vào núi để tìm đạo: "Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết thì đó đích thị là Phật" (3). Tuệ Trung Thượng sĩ thì nói: " Khi mê không biết ta là Phật, khi ngộ thì ra Phật là ta" hay "Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng" (4)...Chính quan niệm đó đã đánh thức sức sống mãnh liệt bên trong con người thời bấy giờ và làm nên lẽ sống cao quý của thời đại, một thời đại Phật giáo với nhiều sự kiện kỳ tích trong lịch sử, để lại nhiều kinh nghiệm hết sức xương máu trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Nền tảng chung là thế, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm của phương pháp tu hành ở dòng Thiền này, nó không thuần túy pháp môn Thiền định mà bao gồm cả yếu tố Tịnh độ. Theo ngài Trúc Lâm Ðầu Ðà thì những pháp môn Tịnh độ cũng chính là Thiền. Ðây có thể nói là đặc điểm của Thiền tông Việt Nam. Trong Cư trần lạc đạo phú, Ngài viết:

Miễn được lòng rồi,
Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác (...)
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương,
Di Ðà là tính soi sáng, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc...

Phật giáo ở đời Trần nói chung và Phật giáo mà ngài Trần Nhân Tông thiết định nói riêng là một nền Phật giáo nhập thế, đưa Phật pháp vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội và làm một chuẩn mực đạo đức, định hướng cho đời sống của nhân dân. Và, như đã đề cập, nền tảng của nó được xây dựng trên cơ sở của mười thiện nghiệp mà chính bản thân nhà vua sau khi xuất gia đã vân du khắp nơi để quảng bá. Mẫu người Phật tử lý tưởng của nền Phật giáo này là ngài Tuệ Trung Thượng sĩ, với tư tưởng "hòa quang đồng trần", như chính lời của ngài Trần NhânTông đã ca ngợi: "Thượng sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc, Thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền nghịch (...) Thượng sĩ không bị ràng buộc với hình thức; khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện...". Chúng ta lại gặp tư tưởng này trong bài phú chữ Nôm nói về việc ở giữa đời sống bình thường mà hành đạo (Cư trần lạc đạo phú) của chính vị Tổ khai sáng dòng thiền này.

2. Về các ngài Pháp Loa, Huyền Quang và Kim Sơn

Pháp Loa (1284-1330) tên đời là Ðồng Kiên Cương, xuất gia năm 21 tuổi, là người được ngài Trần Nhân Tông chọn để lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm Yên Tử từ khi Ngài còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi (năm1308). Sau khi được giao phó trọng trách đứng đầu giáo hội, Ngài đã có những cải cách về mặt tổ chức đáng kể, với nhiều hoạt động Phật sự sôi nổi. Trong thời gian Ngài lãnh đạo, số lượng Tăng sĩ và Phật tử tại gia, chùa tháp được Tăng lên rất nhiều, phong trào tu học được đẩy mạnh và phổ biến trong các thành phần xã hội, đặc biệt là ấn hành được Ðại tạng kinh. Ngoài ra, ngài Pháp Loa còn là một tác gia lớn, người đã viết, biên soạn và biên tập khoảng 10 tác phẩm. Ðáng tiếc là nhiều tác phẩm của Ngài đã thất lạc.

Ngài Huyền Quang (1254-1334) là một trong những người kế tục ngắn ngủi của ngài Pháp Loa, thường được gọi là đệ tam Tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, tên đời là Lý Ðạo Tái, người tỉnh Bắc Ninh, từng thi đỗ và làm quan. Năm 51 tuổi xuất gia, từng học Thiền với ngài Trần Nhân Tông, và phụ giúp Ngài soạn một số sách, sau khi ngài Trần Nhân Tông mất thì theo ngài Pháp Loa.

Nếu ngài Pháp Loa thường được nhắc đến với những tài năng về mặt lãnh đạo và xây dựng giáo hội, thì ngài Huyền Quang được biết đến là một tác gia văn học lớn của Phật giáo và nền văn học của dân tộc đời Trần.

Ngài Kim Sơn (1300-1370) cũng là một trong những đệ tử của ngài Pháp Loa, là nhà sử học Phật giáo lớn, tác giả của Thiền uyển tập anh, Thánh đăng ngữ lục..., những bộ sử Phật giáo Việt Nam xuất hiện sớm nhất trong lịch sử dân tộc và Phật giáo nước ta, người đã có những đóng góp quan trọng để Phật giáo phát triển mạnh mẽ. Tình trạng Phật giáo cuối thế kỷ XIV vẫn được phát triển rầm rộ đến nỗi nhà nho Lê Quát đã vô tình mô tả trong lời than vãn viết ở văn bia chùa Thiên Phúc (Hà Bắc), rằng: "Việc họa phúc của nhà Phật rung động lòng người sao mà sâu và mạnh đến thế! Trên thì từ vương công, dưới thì đến thứ dân, phàm lo việc Phật thì tuy hết của cải cũng không tiếc gì. Ngày nay cúng tiền vào chùa tháp thì hớn hở như cầm tờ chứng khoán để được báo đáp ngày mai. Cho nên từ kinh thành ở trong cho đến châu phủ ở ngoài, khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta không được lệnh mà cứ theo, không thề thốt mà cứ tin, nơi nào có dân cư là nơi đó có chùa Phật, phế rồi lại hưng, đổ rồi lại sửa, chuông trống lâu đài, gần nửa dân cư lao vào đó." (5), qua đây chúng ta có thể hình dung phần nào tình hình Phật giáo thời bấy giờ. Tuy nhiên, cuối đời Trần, bị sự tác động của các nho thần như Lê Quát và Phạm Sư Mạnh với chủ trương vọng ngoại, những người lãnh đạo bất tài đã không làm chủ được tình hình, khiến cho xã hội ngày càng đi vào chỗ suy vi, và hậu quả là đưa đến cuộc chính biến năm 1400 và họa mất nước vào năm 1407.

3. Ðôi nét về tình hình Phật giáo sau thời ngài Kim Sơn

a. Cuộc nổi dậy của sư Phạm Sư Ôn cuối đời Trần

Vào cuối nhà Trần, do sự bất tài của những người lãnh đạo, bị cuốn theo xu hướng vọng ngoại bởi sự tác động của một số nho sĩ, đã không giữ được sự độc lập dân tộc trong đường lối chính trị và văn hóa, và rơi vào chỗ khủng hoảng trầm trọng. Trước cảnh đổ nát và phản động ấy, nhiều phong trào phản kháng nổ ra, trong đó đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của sư Phạm Sư Ôn (?-1390).

Bất bình trước tình trạng trên, sư Phạm Sư Ôn, đạo hiệu là Thiên Nhiên, đã lãnh đạo nhân dân, tầng lớp nông dân nghèo bị đè nén, khởi nghĩa chống lại chính sách cai trị của triều đình đương thời. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Quốc Oai Thượng (Hà Tây), nghĩa quân lập thành 3 đạo Thần Kỳ, Dũng Ðấu và Vô Hạn đánh thẳng vào Thăng Long khiến cho vua quan phải bỏ kinh thành mà chạy. Nghĩa quân làm chủ Thăng Long được một thời gian ngắn, nhưng sau đó thì bị phản công, và bị đàn áp (6).

Tuy thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa của sư Phạm Sư Ôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó nói lên tinh thần và phản ứng của giới Phật giáo đối với nhà nước, dẫu đấy là một nhà nước Phật giáo. Giới Phật giáo luôn đứng về phía nhân dân và dân tộc, chứ không hề đồng tình để vụ lợi khi một nhà nước trở nên mục nát và phản động.

Những nỗ lực như cuộc khởi nghĩa của sư Phạm Sư Ôn chưa đủ mạnh để làm nên một thay đổi cho dân tộc, và nhà Trần càng ngày càng mất uy tín, không còn khả năng khôi phục tình hình để cuối cùng đưa đến cuộc chính biến năm 1400, Hồ Quý Ly lên nắm quyền, lập ra nhà Hồ. Nhưng nhà Hồ tồn tại chỉ được 7 năm (1400-1407). Chính quyền của Hồ Quý Ly không được lòng dân, không dám dựa vào dân, lại sai lầm trong chiến lược về quân sự, nên đã thất bại trước âm mưu xâm lược của nhà Minh, để đất nước ta rơi vào một giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử.

Ngay sau khi chiếm nước ta, chính quyền xâm lược đã thực thi các chính sách đô hộ vô cùng khốc liệt và thâm độc nhằm tiêu hủy toàn bộ di sản văn hóa mà dân tộc ta đã xây dựng nên, vơ vét tất cả để đem về nước, bắt bớ nhân tài Việt Nam, áp đặt văn hóa Hán lên nước ta (7)... Trước nỗi đau đó, hơn bao giờ hết, ý thức dân tộc của nhân dân ta bùng dậy mạnh mẽ, phong trào kháng chiến cứu nước nổ ra nhiều nơi, ngoài cuộc kháng chiến trong giai đoạn đầu như của sư An Quốc và nhà Hậu Trần (1407-1413), sau đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, còn có nhiều cuộc nổi dậy khác mà đáng chú ý hơn cả là cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống Minh của nhà sư Phạm Ngọc.

b. Sư Phạm Ngọc với cuộc kháng chiến chống Minh cứu nước

Lâu nay, trong quốc sử lẫn sử Phật giáo, đã có những nhận định hết sức sai lầm về cuộc khởi nghĩa kháng chiến cứu nước do sư Phạm Ngọc lãnh đạo. Gần đây, vấn đề này đã được đem ra dưới ánh sáng của sự thật lịch sử, và qua đó cho chúng ta biết thêm về những hy sinh của người Phật tử trong cuộc kháng chiến chống Minh cứu nước đầy cam go (1407-1428) (8).

Sư Phạm Ngọc ở tại chùa Ðồ Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (thuộc TP. Hải Phòng ngày nay), nhóm nghĩa quân, thành lập chính quyền kháng chiến, tự xưng là La Bình vương, được sự ủng hộ của đông đảo đồng bào vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ. Về thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa không được ghi chép rõ, nhưng có thể cùng thời điểm với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Cuộc khởi nghĩa này đã đánh nhiều trận, gây tổn thất không nhỏ đối với chính quyền của quân xâm lăng. Tuy thất bại, sư Phạm Ngọc bị bắt, giặc Minh áp tải sang Trung Quốc rồi bị giết tại đó, nhưng cuộc khởi nghĩa này có một ý nghĩa quan trọng, nó phần nào cho phép chúng ta hình dung những phản ứng của Phật giáo ở nửa đầu thế kỷ XV, những đóng góp của người Phật tử vào công cuộc chống Minh cứu nước của dân tộc.

c. Sơ lược về tình hình Phật giáo

Cuộc kháng chiến chống Minh cứu nước do Lê Lợi lãnh đạo thành công, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê. Sự thay đổi triều đại ở thời kỳ này dĩ nhiên là có những ảnh hưởng đến xã hội, nhưng Phật giáo về cơ bản vẫn không có thay đổi gì nổi bật. Phật giáo vẫn là một hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống của dân tộc.

Những quan niệm trước đây cho rằng, từ thời Lê trở đi, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn trong đời sống chính trị và văn hóa và Phật giáo đi vào chỗ suy yếu. Ðấy là một nhận định thiếu chính xác. Vào cuối thế kỷ XIV, nhà nho Lê Quát đã thành thật thừa nhận sự thất bại của tư tưởng Nho giáo, bởi Phật giáo đã ăn sâu vào trong tâm thức của dân tộc Việt Nam, ông đã than rằng: "Ta từ thuở bé đi học, chí dốc vào cổ kim, cũng biết qua về đạo Thánh, muốn lấy đó mà dạy dân, thế nhưng rốt cuộc không một làng nào tin theo cả..." (9).

Ðến thời Lê sơ, với sự lãnh đạo của vị vua Phật tử Lê Lợi (Thái Tổ, ở ngôi 1428-1433) và các danh thần như Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân..., Phật giáo vẫn tiếp tục được phát triển. Vua Lê Thánh Tông (ở ngôi 1460-1497) là một người đã nhận thức sâu sắc vai trò của đạo Phật đối với dân tộc. Trong Hồng Ðức quốc âm thi tập của ông đã có những bài thơ vịnh về chùa Trấn Quốc, chùa Pháp Vân...với một niềm tin sâu sắc, chẳng hạn ông ca ngợi Phật Pháp Vân bằng một bài thơ dài, trong đó có câu: "Tỉnh phò thế nước dường như tại" (lặng lẽ phò trì cho đất nước như luôn thường trực một bên), hay:

Nguyện xem ấm tý thần thông ấy
Phổ độ nào đâu chẳng phỉ nguyền...;

và trong bài thơ ca ngợi về chùa Trấn Quốc, nhà vua đã viết: "Trung lập càn khôn vững đế đô" (10).

Vào thời vua Lê Thánh Tông, các lễ hội tâm linh truyền thống như lễ hội rước Phật Pháp Vân tổ chức rầm rộ, được ngài Pháp Tính (1470-1550), một cao tăng thời đó, kể lại rất sinh động trong tác phẩm chữ Nôm Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục (11).

Về Phật giáo thời Lê, hoàn toàn khác với những đánh giá trước đây, học giả Lê Mạnh Thát đã nhận định tổng quát: "Thời Lê là thời đại Phật giáo Việt Nam phát triển rầm rộ, do đối kháng lại với nền Phật giáo mà nhà Minh đưa qua..." (12). Phật giáo ở giai đoạn này đã kế thừa các nền tảng hình thành trước, tiếp tục phát triển, nổi bật với các gương mặt Phật tử, danh Tăng như nhà toán học Phật tử Lương Thế Vinh (1441-?), đỗ trạng nguyên năm 1463; nhà chính trị -quân sự thiên tài Nguyễn Trãi (1380-1442), người đã lấy tư tưởng Phật giáo để xây dựng quan niệm nhân nghĩa trong tư tưởng quân sự của mình; ngài Viên Thái (1400-1460), người đầu tiên dịch kinh Phật ra chữ Nôm hiện biết được (13); ngài Pháp Tính (1470-1550), người viết Ngọc âm chỉ nam giải nghĩa, Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục; và không ít vị Tăng sĩ Trung Quốc sang nước ta tu hành, như trường hợp các ngài Chuyết Chuyết (1590-1644), thế hệ thứ 34 dòng thiền Lâm Tế Trung Quốc, ngài Minh Hành, học trò của ngài Chuyết Chuyết...

Về mặt lễ hội văn hóa tâm linh và xây dựng chùa chiền, ở thời Lê vẫn diễn ra tuy không nhiều như trước nhưng vẫn khá mạnh mẽ. Ðạo Phật đã thâm nhập và hòa quyện với văn hóa dân tộc, đã trở nên một bất khả phân ly. Chùa chiền vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Tuy phát triển lúc thiên về lĩnh vực này hay phương diện khác, nhưng Phật giáo không bao giờ rơi vào tình trạng gọi là suy yếu, bởi nó đã hòa quyện trong tâm hồn của dân tộc, cùng bước với bước tiến của đất nước qua các thời đại, bất chấp những cuộc chính biến và thay đổi triều đại. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu tổng quan về tình hình Phật giáo ở giai đoạn thứ năm, giai đoạn từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu đến cận đại.

II. Phật giáo từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu đến thời cận đại

Năm 1527, Mạc Ðăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc, tiếp sau đó là những mâu thuẫn nội bộ, đưa đến cuộc chia cắt đất nước thành hai miền là Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Xứ Ðàng Ngoài nằm trong tay của vua Lê-chúa Trịnh. Xứ Ðàng Trong do các chúa Nguyễn cai trị, bắt đầu là Nguyễn Hoàng, và nổi bật là vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu.

1. Chúa Nguyễn Phúc Chu, một Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là một trong những nhà lãnh đạo Phật tử thời Nguyễn trước Gia Long, có một vai trò hết sức quan trọng không những đối với công cuộc Nam tiến của dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Trong 34 năm ở ngôi chúa (1691-1725), ông đã có những đóng góp quan trọng đối với lịch sử mở đất của dân tộc. Năm 1698, ông đã sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thành lập trấn Gia Ðịnh, chính thức mở rộng biên cương với địa hình cơ bản như hiện nay.

Chúa Nguyễn Phúc Chu là một Phật tử nhiệt thành với tư tưởng mang đạo vào đời, ông có pháp danh là Hưng Long, còn có hiệu là Thiên Túng Ðạo nhân do ngài Thạch Liêm, một danh tăng thuộc phái thiền Tào Ðộng Trung Quốc đặt, và được xem là truyền thừa chánh tông đời thứ 30 của dòng thiền này. Bốn năm sau khi lên ngôi chúa, ông thọ Bồ tát giới, thường tự ví mình là Duy Ma Cật. Tư tưởng Phật giáo của chúa Nguyễn Phúc Chu có thể nói là một thể hiện khác của tư tưởng Trần Nhân Tông như đã đề cập phần trước, nghĩa là chủ trương lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc. Ông đã có những quan hệ mật thiết với ngài Thạch Liêm. Ngài Thạch Liêm đã có lần trình bày với chúa quan điểm trị nước theo tinh thần Phật giáo, được giải thích qua ý nghĩa "trai giới" đối với một vị quân vương: "Trai giới là làm cho quốc gia từ trên xuống dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết được chính đáng. Làm được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua". Chúa Nguyễn Phúc Chu có thể ví là một Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà lãnh đạo hộ pháp tích cực, và vận dụng tinh thần của Phật giáo vào chính sách lãnh đạo của mình. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng và trùng tu nhiều ngôi danh lam tại Thuận Hóa như trùng tu chùa Thúy Vân, chùa Linh Mụ... Sai người sang Trung Quốc thỉnh bộ Ðại tạng kinh, xây Tàng kinh lâu để bảo quản, v.v...

Trong thời đại của ông, với sự có mặt của nhiều cao tăng và sự ngoại hộ tích cực của nhà nước, Phật giáo nước ta phát triển trên cơ sở của một nền học lý mới mà chúng ta sẽ đề cập sơ bộ trong phần tiếp, qua các danh tăng của thời đại này.

2. Một số đại biểu của nền học lý Phật giáo ở thời đại Nguyễn Phúc Chu

Nền học lý thời đại chúa Nguyễn Phúc Chu được thiết định bởi các ngài Thạch Liêm, Nguyên Thiều, Liễu Quán ở xứ Ðàng Trong, và các ngài Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên, Toàn Nhật... ở Ðàng Ngoài. Vậy cơ bản của truyền thống và nền học lý này là gì? Chúng ta sơ bộ khái quát từ tư tưởng của các dòng thiền ra đời trong giai đoạn này.

a. Dòng thiền Tào Ðộng

Tào Ðộng là một dòng thiền xuất phát từ Trung Quốc, do các ngài Tào Sơn Bản Tịch (840-901) và Ðộng Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập, được truyền đến nước ta từ thế kỷ XVII, có xu hướng sử dụng dịch lý, ảnh hưởng trên cả hai miền Nam và Bắc. Ở miền Bắc (Ðàng Ngoài), cuối thế kỷ XVII và trong thế kỷ XVIII, dòng thiền Tào Ðộng đã có những ảnh hưởng to lớn, và nó còn ảnh hưởng đến tận ngày nay, nhiều chùa ở Hà Nội như Trấn Quốc, Hàm Long và Hòe Nhai...đến nay vẫn xem là truyền thừa của dòng thiền này (14).

Tại xứ Ðàng Trong, có lẽ người đầu tiên mang dòng thiền này đến là Quốc sư Hưng Liên tại chùa Tam Thai, Quảng Nam. Tuy nhiên, người đã làm cho nó trở nên thịnh là ngài Thạch Liêm (1633-1704). Ngài được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến nước ta (Thuận Hóa, Huế) vào năm1695, tổ chức đại giới đàn truyền giới cho nhiều người xuất gia và tại gia. Chúa Nguyễn Phúc Chu và nhiều hoàng thân quốc thích của chúa thọ giới Bồ tát tại đây. Về mặt tư tưởng Thiền, ngài Thạch Liêm không mang đến những tư tưởng gì mới, Ngài xiển dương phương pháp Thiền-Tịnh song tu, vốn là truyền thống của Phật giáo nước ta. Tuy nhiên, tư tưởng đưa đạo vào đời thì được ủng hộ mạnh mẽ, điều đó được thể hiện qua con người của chúa Nguyễn Phúc Chu, đệ tử của Ngài. Ngoài ra, Ngài còn viết một số tác phẩm Phật học, đặc biệt là cuốn Kim cương trực sớ, một tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ Phật tử miền Nam. Về truyền thừa thì dường như dòng thiền này không có duyên lắm với xứ Ðàng Trong, không thấy nhắc đến các thế hệ tiếp sau thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

b. Dòng thiền Lâm Tế

Nếu như dòng thiền Tào Ðộng thịnh ở miền Bắc thì dòng Lâm Tế tỏ ra phát triển ở miền Nam. Từ thế kỷ XVII, đã có sự hiện diện của nhiều Tăng sĩ thuộc dòng thiền Lâm Tế, như các ngài Viên Minh và Viên Khoan ở Quảng Trị, Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Từ Ðàm, ngài Giác Phong sáng lập chùa Báo Quốc tại Huế, ngài Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, ngài Nguyên Thiều sáng lập các chùa Thập Tháp Di Ðà tại Bình Ðịnh, chùa Quốc Ân và Hà Trung tại Thuận Hóa (Huế)...Ðặc biệt trong đó có các ngài Nguyên Thiều đã thành lập nên các dòng truyền thừa theo phả hệ Thập Tháp và Quốc Êân, ngài Pháp Bảo thành lập nên dòng truyền thừa hệ Chúc Thánh (15). Ngoài các dòng truyền thừa trên, tại miền Nam có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến hôm nay, đó là dòng Liễu Quán, do ngài Liễu Quán thành lập.

Ngài Liễu Quán (1670-1742) quê ở Phú Yên, từng học đạo với các ngài Giác Phong và Tử Dung tại Thuận Hóa. Ngài là Tổ khai sơn chùa Thiền Tôn tại núi Thiên Thai (Thuận Hóa), nơi Ngài dựng am cỏ (thảo am) để chuyên tu. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người rất kính ngưỡng Ngài, từng mời Ngài vào phủ nhưng Ngài thường từ chối. Ðạo phong của Ngài được đông đảo Phật tử mến mộ, người đến cầu pháp rất đông, gần bốn nghìn người cả xuất gia lẫn cư sĩ. Ngài mất năm 1742, thọ 72 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Khoát truy tặng Ngài thụy hiệu "Ðạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng". Tính theo truyền thừa của dòng thiền Lâm Tế, Ngài là thế hệ thứ 35. Ngài là bậc cao tăng mà tư tưởng đã ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo xứ Ðàng Trong, được đánh giá là người đã Việt hóa dòng thiền Lâm Tế, làm cho nó phổ biến, hiện nay dòng kệ truyền pháp của Ngài (16) vẫn còn được tiếp nối, nhất là miền Nam nước ta, kể từ Huế trở vào.

c. Các ngài Chân Nguyên, Minh Châu-Hương Hải và tình hình Phật giáo ở Ðàng Ngoài

Thế kỷ XVII tại miền Bắc nước ta, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh mẽ, người đứng đầu là ngài Chân Nguyên (1647-1726). Ý đồ phát triển nền Phật giáo thời Trần Nhân Tông là một trong những nỗ lực nhằm tìm một giải pháp cho những bế tắc của thời đại, khi mà các thế lực phong kiến cấu xé nhau để giành giựt quyền bính mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của dân tộc và xã hội đang trên đà băng hoại. Ngài đã viết nhiều tác phẩm về Phật giáo với nhận thức khá mới mẻ. Tuy nhiên, những cố gắng đó vẫn không xoay chuyển được tình thế, nhưng dẫu sao cũng đã tạo nên một sự phấn khích cho thế hệ đương thời và sau đó, mà một trong những người kế thừa xuất sắc là Ngô Thì Nhậm (1746-1802), tức Hải Lượng Thiền sư, tự xưng là Tổ thứ tư (17) của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, người đã viết tác phẩm nổi tiếng Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh.

Về ngài Minh Châu-Hương Hải (1628-1715), theo Toàn tập Minh Châu-Hương Hải (18), Ngài xuất thân từ một gia đình truyền thống danh gia thế phiệt, gốc Nghi Lộc, Nghệ An, nhưng sinh ra và lớn lên tại miền Nam. Trước khi xuất gia, Ngài từng thi đỗ và làm quan, học đạo với các ngài Lục Hồ Viên Cảnh và Viên Khoan Ðại Thâm, sau đó từ quan xuất gia và trú trì viện Thiền Tịnh ở núi Qui Kính. Do một số bất đồng với chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687), Ngài bỏ ra Bắc năm 1682. Cuộc đời hành đạo của ngài Minh Châu-Hương Hải đã có những ảnh hưởng lớn đối với tình hình Phật giáo đương thời bằng cách tác động vào chính sách triều đình, tiếp nối truyền thống gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc vốn có trong truyền thống của Phật giáo nước ta. Ngoài ra, Ngài là một tác gia lớn, người đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, là một ngôi sao sáng trên bầu trời Phật giáo thế kỷ XVII- đầu XVIII.

Trong giai đoạn này, Phật giáo đã cống hiến cho dân tộc nhiều thiên tài, trên các lĩnh vực, chẳng hạn những gương mặt nổi bật như các ngài Chân Nguyên, Minh Châu-Hương Hải, Chân An-Tuệ Tĩnh... Chính những nhân tố đó đã làm nên một diện mạo phát triển của Phật giáo giai đoạn này.

d. Cuộc khủng hoảng của xã hội Việt Nam ở thời Nguyễn và những phản ứng của Phật giáo

Từ thế kỷ thứ XVIII, xã hội nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng ý thức hệ trầm trọng. Trong bối cảnh đó, Phật giáo đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm cách xây dựng một hệ ý thức mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Tuy nhiên, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Gia Long lên ngôi (1802), ông đã chủ trương phục hồi hệ ý thức Nho giáo cực kỳ phản động, đưa đất nước đến chỗ bế tắc, dân tộc ta lại rơi vào đại họa ngoại xâm. Trước tình hình đó, triều đình không đủ can đảm để đánh giặc thì nhân dân tự dấy lên khởi nghĩa, và trong đó có những phản ứng của giới Phật giáo, điển hình là các cuộc khởi nghĩa chống pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của các vị sư Nguyễn Văn Quý, Trần Văn Thành, Võ Trứ, Vương Quốc Chính, Cao Văn Long, v.v... Ðây không phải là một đặc điểm mới mà vốn đã có trước đó khá lâu, qua gương mặt của sư Phạm Sư Ôn, An Quốc, Phạm Ngọc mà chúng ta đã đề cập.

Cũng trong thế kỷ XVIII-XIX, nhiều gương mặt cao tăng với nhiều nỗ lực nhằm tìm ra một lối đi cho dân tộc, nổi bật ngoài Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, còn có các ngài Pháp Chuyên (1726-1798), tác giả của 20 bộ sách; Toàn Nhật (1755-1832), tác giả của hơn 24 tác phẩm; ngài Tính Quảng (1740-1780), ngài An Thiền-Phúc Ðiền (1790-1860), người đã dấy lên một phong trào nghiên cứu lịch sử Phật giáo dân tộc và đã soạn một số tác phẩm giá trị như Ðại nam Thiền uyển truyền đăng chấp lục, Ðạo giáo nguyên lưu, Khóa hư lục giải nghĩa, v.v...; ngài Như Như (1836-1899), tác giả của tác phẩm nổi tiếng Hàm long sơn chí, v.v...

3. Ðôi nét về phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào phục hưng Phật giáo diễn ra tại nhiều nước như Tích Lan, Ấn Ðộ, đặc biệt là cuộc vận động phục hưng Phật giáo Trung Quốc do Thái Hư Ðại sư chủ trương từ năm 1912, đã ảnh hưởng đến cuộc vận động chấn hưng Phật giáo tại nước ta. Theo Nguyễn Lang, tác giả của Việt Nam Phật giáo sử luận, thì người châm ngòi cho cuộc vận động chấn hưng Phật giáo ở nước ta là ngài Khánh Hòa, năm 1923, tại tỉnh Bến Tre. Qua những phương tiện thông tin ngôn luận, cuộc vận động đã lan đi nhanh chóng. Bắt đầu từ Nam, ra Huế rồi Hà Nội. Nhiều hội đoàn Phật giáo, hội nghiên cứu Phật học được thành lập khắp nơi từ Bắc chí Nam, các trường truyền dạy Phật học được mở, nhiều tờ báo được xuất bản, tạo nên một phong trào hết sức rộng rãi. Ðặc biệt là ý thức về lịch sử Phật giáo dân tộc trỗi dậy, và hàng loạt công trình chuyên khảo cứu về vấn đề này ra đời, đáng chú ý hơn cả là các công trình của nhà sử học Trần Văn Giáp và ngài Mật Thể (19) về lịch sử Phật giáo Việt Nam đã tạo nên ý thức về vai trò của Phật giáo đối với dân tộc một cách sâu sắc. Cuộc vận động tiếp tục diễn ra và đã có những thành tựu rất to lớn. Tuy nhiên, nó chỉ làm sống dậy tinh thần của Phật giáo Việt Nam, mà chưa tạo được những sự bứt phá. Nội dung cơ bản, về truyền thống và học lý, vẫn chưa có gì mới đủ để đưa Phật giáo bước sang một thời kỳ mới. Phật giáo nước ta cho đến tận bây giờ vẫn chịu ảnh hưởng của những học lý và truyền thống của thời đại Phật giáo kể từ chúa Nguyễn Phúc Chu, và từ những thiết định tư tưởng của nền Phật giáo từ thời vua Trần Nhân Tông.

* Kết Luận

Bất kỳ dân tộc nào cũng có nền văn hóa của mình, không ai có quyền phủ bác hay coi thường, hoặc chụp lên nó một nền văn hóa mới. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc vốn có một nền văn hóa với những thành tựu rực rỡ trước khi Phật giáo du nhập. Và, là một hệ thống tư tưởng không giáo điều, khiêm tốn khép mình, nên khi vào nước ta, Phật giáo sẵn sàng tiếp thu truyền thống bản địa, không buộc người Việt phải từ bỏ những gì vốn có trong nền văn hóa bản xứ, do đó nó đi sâu vào tâm hồn của con người một cách tự nhiên. Về phía dân tộc, dĩ nhiên là nhận thức rằng cần tiếp thu Phật giáo để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của chính mình. Hơn thế nữa, dân tộc ta luôn phải đối mặt với âm mưu đồng hóa văn hóa của kẻ thù phương Bắc, tư tưởng Phật giáo sau khi đã bản địa hóa, kết hợp với những yếu tố dân tộc, là một bức tường thành kiên cố chặn đứng mọi sự tấn công, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm giai đoạn phát triển của Phật giáo đã trình bày trên phản ánh được điều đó. Năm giai đoạn này được xây dựng cơ bản trên hai nền tảng tư tưởng, một là nền tư tưởng Phật giáo quyền năng và hai là tư tưởng tức tâm tức Phật. Hai nền tảng tư tưởng Phật giáo này hòa quyện với nhau, thấm sâu vào đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Và nó gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc, lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình. Ðó là tính nhất quán của lịch sử Phật giáo Việt Nam, được biểu hiện qua những bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu của từng chặng đường lịch sử cụ thể, vì lợi ích chung của dân tộc. Giáo sư Trần Văn Giàu đã rất có lý khi nhận định rằng: "Bình minh của dân tộc ta đã gắn với Phật giáo..." (20).

Sự phát triển của lịch sử là sự phát triển có ý thức. Năm giai đoạn, năm chặng đường đồng cam cộng khổ với dân tộc là một minh chứng cho bản chất của Phật giáo Việt Nam./.

* Chú thích:

(1) Có nghĩa là Phật Trúc Lâm (Ðiều ngự là một trong 10 danh hiệu tôn xưng Ðức Phật).

(2) Sau này đổi tên thành hai châu Thuận và Hóa, từ thị xã Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị đến Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

(3) Xem Thiền tông chỉ nam tự.

(4) Xem Niệm Phật luận, Khóa hư lục.

(5) Dẫn lại theo Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám , tập I: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 1996, trang 484. Những chỗ in đậm là chúng tôi (TTH) nhấn mạnh.

(6) Xem Trương Hữu Quýnh-Phan Ðại Doãn, Danh nhân lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo Dục, 1987, trang 96.

(7) Năm 1407, vua nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc phá hủy toàn bộ những di sản văn hóa của dân tộc ta: "một mảnh giấy, một nửa chữ, cùng những bia khắc của nước ấy dựng lên, hễ thấy thì lập tức hủy hoại hết". Do thế, ngày nay những tư liệu của Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung trước năm 1407 rất hiếm, chúng đã bị quân Minh phá hoặc thu gom về nước.

(8) Xem Lê Mạnh Thát, Cuộc khởi nghĩa chống Minh cứu nước của Tăng sĩ Phạm Ngọc, Tập văn Thành Ðạo, số 43 và Phật đản, số 44 năm 1999.

(9) Ðại Việt sử ký toàn thư.

(10) Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thơ văn Lê Thánh Tông, nxb. KHXH, 1986.

(11) Xem Lê Mạnh Thát, Viên Thái thiền sư toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh, 1977.

(12) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, sđd, trang 156.

(13) Ðại báo phụ mẫu ân trọng kinh.

(14) Về Thiền phả truyền thừa tại miền Bắc nước ta, xem tông tào Ðộng truyền sang miền Bắc Việt Nam, HT. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. TPHCM, 1999, trang 395-396.

(15) Bài kệ truyền pháp của Ngài là:

Minh thật pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc thánh thọ thiên cửu
Kỳ quốc tộ địa trường
Ðắc chính luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung.

(16) Dòng kệ truyền pháp theo phả hệ của ngài Liễu Quán:

Thiệt tế đại đạoTánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận Ðức bổn từ phong
Giới định phước huệ Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả Một khế thành công
Truyền trì diệu lý Diễn xướng chánh tông
Hành giải tương ứng Ðạt ngộ chơn không.

(17) Sau ngài Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

(18) Lê Mạnh Thát, Nxb. TPHCM, 2000.

(19) Xem chú thích (1) trong bài 1.

(20) Trần Văn Giàu, Ðạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam, in trong Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học xuất bản, HN, 1986, trang 15.

* Tài liệu tham khảo chủ yếu cho học viên

1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, tác giả Lê Mạnh Thát, Nxb. Thuận Hóa, 1999.

2. Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, tác giả Nguyễn Lang, Nxb. Văn Học, 1994.

3. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, tác giả Lê Mạnh Thát, Nxb. TPHCM, 1999.

4. Thiền sư Việt Nam, tác giả Thích Thanh Từ, Nxb. TPHCM, 1999.

-oOo-

Câu hỏi hướng dẫn ôn tập

1- Trình bày nét đặc sắc của nền Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do ngài Trần Nhân Tông thiết lập.

2- Truyền thống và học lý của Phật giáo Việt Nam hiện tại đang chịu ảnh hưởng của nền học lý nào?

3- Bạn có suy nghĩ gì về đặc tính của Phật giáo Việt Nam qua năm giai đoạn phát triển?

[^]

-oOo-