Lời nói đầu
Trong không gian khắp vũ trụ,vạn
vật muôn loài đang từng sát na chuyển mình lay động, vươn tới một môi
trường sống thích ứng cho thế giới của riêng mình. Tất cả đang cùng nhau
ra sức truy tìm nguồn gốc khởi thủy và chung cuộc. Nhưng càng cố công
tìm kiếm, mà không có một la bàn Phật Pháp hay một đạo sư dẫn đường thì
kết qủa chỉ uổng công vô ích.
Vậy, làm sao tìm thấy được cội nguồn khi
những vọng tưởng, kiến chấp triền miên cố hữu vẫn tồn tại trong mỗi con
người, khi tất cả vạn vật trong vũ trụ đều do duyên sanh giả hợp, không
thật có? Để hiểu thực chất về vạn pháp, mục tiêu tối hậu của người tu
hành theo đạo Phật là phải đạt đến trí tuệ và hạnh phúc, an vui. Trí tuệ
nói đây không phải là trí tuệ bình thường của thế gian, mà là trí tuệ
Bát Nhã. Chỉ có lưỡi gươm trí tuệ sắc bén này mới có thể chặt đứt gông
cùm sanh tử. Bởi vậy, chư Phật, Bồ Tát sau khi y nơi trí tuệ Bát Nhã để
đoạn trừ vô minh và chứng thật tánh của vũ trụ vạn hữu, đều huấn thị lại
cho các hàng chúng sanh pháp bửu vô thượng tối thắng, nhằm chỉ rõ tánh
chân không - diệu hữu, sự huấn thị này, không ngoài mục đích khai thị
cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến như kinh Pháp Hoa đã trình bày.
Kinh Hoa Nghiêm mang lại ý nghĩa sâu xa
huyền diệu cho mọi tầng lớp, trên từ bậc thượng căn, thượng trí, dưới
cho đến kẻ hạ căn, trí kém. Những kẻ bậc dưới này, cũng có thể y theo đó
mà hành trì được. Đây là nét đặc thù vi diệu của bản kinh.
Với mở đầu bằng câu “Lễ kính chư Phật” – đây
là một hạnh đứng đầu trong muôn hạnh. Đồng thời, đó cũng là bức thông
điệp khai phóng mọi ý thức, chối từ và đập vỡ mọi quan điểm nhận thức,
mọi tư duy, ý niệm, mọi khái niệm về ngã và pháp.
Với nhan đề “Mười hạnh Phổ Hiền trong kinh
Hoa Nghiêm”, người viết thật sự đã ưu tư nhiều khi bước vào khu rừng rậm
của nền giáo lý phát triển thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã tánh không. Dẫu
biết rằng: “Một nắm lá trong tay không phải là toàn bộ lá trong rừng”,
nhưng vẫn biết rõ từ một chiếc lá trong tay mình, cũng có thể phần nào
hiểu được hết số lá của rừng giáo lý. Vì thế kẻ lữ thứ này đã cố công
cúi nhặt một chiếc lá “ Phổ Hiền Thập Hạnh Nguyện”, (Mười hạnh Phổ Hiền)
rơi trên bờ hoang vĩnh cửu để tự chiêm nghiệm lấy một mình. Nhưng “lực
bất tòng tâm”. Dẫu có nhiệt tình đến đâu đi chăng nữa, thì với mớ kiến
thức và khả năng giới hạn này, người viết không thể nào diễn đạt hết
những ý nghĩa thâm sâu cao diệu mà nội dung bản kinh chuyển tải. Chỉ mạo
muội trình bày tổng quát về “Mười hạnh Bồ Tát” để rèn luyện nơi bổn tâm
vốn sẵn có của chính mình.
Động lực lớn nhất để hình thành được quyển
sách này là nhờ ân đức của Thượng Tọa thượng Chân hạ Tính. Con xin kính
lễ và tri ân vô hạn. Người đã cho con bài học vô giá về thân giáo, khẩu
giáo và tâm giáo. Đặc biệt, với phong thái tỏa sáng nhẹ nhàng, mang đầy
tình thương và trí tuệ, người đã có một nhận định sâu sắc và cái nhìn
rất mới về thế hệ tương lai nhằm tiếp nối sự nghiệp đem đạo vào đời,
rạng ngời tổ tông.
Mặc dù người viết đã rất cố gắng nhưng quyển
sách này không sao tránh khỏi những điều thiếu sót. Do sự hiểu biết còn
thiển cận, thô sơ, con ngưỡng mong các bậc cao minh và chư huynh đệ,
đạo hữu thân hữu… niệm tình tha thứ và chỉ giáo thêm cho những lần tái
bản sau.
Cuối cùng, con xin mượn bài thơ trong tác
phẩm Bồ Tát Đạo của Vũ Quân để kết thúc phần nói trên:
“Mỗi câu tràng hạt, Phật là tâm
Phật rõ là
tâm, luống phải tầm?
Bể Phật dung hòa tâm lẫn cảnh
Trời tâm bình
đẳng, Phật cùng sanh
Bỏ tâm theo Phật còn mơ mộng
Chấp Phật là
tâm, chẳng trọn lành
Tâm, Phật nguyên lai đều giả huyễn
Phật tâm
đồng diệt đến viên thành”
Thích Chí
Giác Châu.