Phật học cơ bản
Mười hạnh Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm
tác giả: Thích Chí giác Châu
10/02/2553 11:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mười hạnh Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm
Mục lục

Phần I - Dẫn Tập
 
   Kinh Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh lớn thuộc hệ thống kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây xếp vào một trong hai mươi thánh thư giá trị nhất phương Đông. Gía trị của bộ kinh thể hiện cả hai mặt: triết lý và lộ trình hành Bồ Tát đạo.

   Theo các tài liệu về lịch sử Phật giáo hiện đại như Đại Thừa tư tưởng luận của Kimura-Taiken, cũng như một số tài liệu khác, Phật giáo Đại thừa có mặt tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh vào thế kỷ thứ II trở đi. Kinh Hoa Nghiêm cũng xuất hiện trong thời kỳ đó, tức vào khoảng thế kỷ thứ II. Sự phát triển của Phật giáo Đại thừa là tất yếu đáp ứng nhu cầu tâm thức và tâm linh hiện đại. Vào thời điểm Hoa Nghiêm hay trước Hoa Nghiêm, kinh điển Đại thừa đã xuất hiện khá phong phú như “Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn”. Sự kiện kinh Hoa Nghiêm xuất hiện được xem như là bước tiếp nối tổng hợp tư tưởng Đại thừa của các bộ kinh điển nói trên.

   Tư tưởng của kinh Hoa Nghiêm trình bày “Vạn pháp do tâm sanh”. Trong đó, tâm là một thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình, sắc sắc trùng trùng duyên khởi, cái này có mặt, cái kia có mặt và ngược lại, cái này không có mặt, có kia không có mặt… chằng chịt như lưới đế châu. Tâm chơn, thì pháp giới với tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh, thì thấu đạt chân lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Hạnh Môn. Trong  kinh Hoa Nghiêm, đức Phật còn chỉ cho thấy rõ cội nguồn của sum la vạn tượng là do mê thức vọng tưởng điên đảo của chúng sanh. Vì thế mà nghiệp duyên mới hình thành. Các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như ảnh trong gương, như trăng dưới nước, như hoa đốm giữa hư không… Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều do từ tâm sinh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn pháp vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Kinh nói rằng: “Dưới cặp mắt của các vị Phật và Bồ tát, những bậc đại giải thoát đã vượt qua khỏi ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới, thì hết thảy các pháp hữu vi có hình tướng sai biệt trong vũ trụ tương đối và nhị nguyên đều như chiêm bao, mộng ảo, bóng chóp, sương mai. Không có gì là thật cả. Bồ tát đã chứng được cảnh giới Bất Tư Nghì Giải Thoát rồi thì thân tâm được tự tại, có thể qua lại bất cứ nơi đâu không gì chướng ngại; có thể làm được những việc khó làm nổi; có thể kéo dài một sát na trong muôn kiếp; lại có thể thu gọn muôn kiếp trong một sát na; cũng có thể tóm thâu cả càn khôn nhét trong một hạt cải…” Về sau này, các thiền sư Việt Nam cũng ảnh hưởng tinh thần đó mà nói rằng:
“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
   Nghĩa là:
"Trời đất này rút lại bằng một mảy lông
Mặt trời, mặt trăng nằm trong lòng hạt cải"
                                   (Thiền Tông Việt Nam, trang 312 - Hòa thượng Thích Thanh Từ)

   Người chưa chứng được triết lý Hoa Nghiêm, nhìn đời, nhìn chúng sanh, nhìn vạn vật bằng cặp mắt bình thường của thiên nhiên tạo hóa. Còn người ngộ đạo, bậc Bồ tát thì nhìn vạn vật thông suốt qua sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… không lầm thấy tướng bề ngoài sai khác mà chỉ thấu đạt tướng bên trong. Tức là các bậc ấy thấy được cái lý tuyệt đối hay cái bản thể chân không vạn pháp. Nên kinh cũng nói rằng:

Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo
    Tức là:
Người ấy phải quán chiếu pháp giới
Tất cả đều do tâm mà thôi.
                                              (Nhật Tụng thiền môn, trang 250 – Thiền sư Nhất Hạnh)

   Nếu thể tánh của tâm thâu nhiếp tất cả, thì tất cả là một, một là tất cả, “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Đó là bản tánh vô ngại của tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình, hữu biên và vô biên, lấy toàn thể pháp giới làm tánh, làm tướng; lấy xứng tánh Bất Tư Nghì Vô Ngại Giải Thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của bộ kinh Hoa Nghiêm.
Bởi thế, nếu kinh Đại Bát Nhã tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo Đại thừa về lý chơn không vô ngại, thì kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho tư tưởng Phật giáo Đại thừa về lý hóa hữu duyên sinh của vạn pháp

   Ngoài ra, kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng Đại thừa. Nếu hành giả muốn đạt đến cảnh giới của sự tu chứng thì cần phải suy nghiệm ra lý lẽ và điều tất yếu là phải tư duy thiền định. Điều đó được thể hiện qua hình ảnh của nhân vật Thiện Tài Đồng Tử dày công tham bái cầu học với năm mươi ba vị thiện tri thức.  Bằng chứng này cho ta thấy rằng: tu học đạo Bồ tát, điều tiên quyết là cần phải phát tâm Bồ đề. Kinh nói:
Bồ Tát phát tâm, lượng công đức
Ức kiếp ca ngợi không hết được
Vì xuất sanh các đức Như Lai
Và qủa Thanh văn, qủa Duyên giác
Mười phương quốc độ, các chúng sanh
Ban cho an vui vô lượng kiếp
Khiến dứt phiền não, thành La Hán
Những công đức đó đều vô lượng
Cũng chẳng bằng công đức phát tâm
… Quá khứ, vị lai và hiện tại
Bao nhiêu kiếp số, vô lượng biên
Những kiếp số này còn biết được
Công đức phát tâm chẳng thể lường
… Mọi công đức đó chẳng thể hết
Bởi ở nhà lớn của Như Lai
Các pháp thế gian không sánh được
Muốn biết rõ tất cả Phật Pháp
Phải nên mau phát Bồ đề tâm
Việc phát Bồ đề tâm là bước đầu trên con đường Bồ tát đạo. Nếu hành giả còn rụt rè, lưỡng lự, chần chừ, chưa dám mạnh dạn phát nguyện là còn chưa thành thật cầu đạo Bồ đề, chưa muốn nhất quyết tự giải thoát cho mình. Nếu còn ta cam chịu sống ươn hèn trong cảnh tối tăm của ngục tù nghiệp chướng thì thử hỏi làm sao thực hiện được tiêu chí: “Trong phải khắc phục nội tâm, ngoài thân khiêm cung cầu tiến”. Bởi vậy mới có câu:
“Ngoài không nhiễm là cảnh thiền
Trong không nổi loạn là định”
   Hành trì phương pháp Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ, mới mong hiển lộ được Phật tánh chân tâm của mình. Muốn được như thế, hành giả phải trải qua lộ trình hành Bồ tát hạnh. Vì Bồ tát hạnh là điều thực hành tất yếu trên con đường thành Phật. Đối với Đại thừa Phật giáo Bồ tát hạnh rất quan trọng, vì đó là con đường tích cực nhập thế, làm cho sự hiện hữu của đạo Phật có ý nghĩa đối với cuộc đời.    Đó cũng là phương cách duy nhất thành tựu Phật quả. Một đức Phật phải có đầy đủ  2 đức tính: tuệ giác viên mãn và tâm đại từ bi. Do vậy, một Bồ tát cũng phải tu tập và hoàn thiện hai đức tính đó. Bồ tát nhập thế là thể hiện tâm đại từ bi, đồng thời thể hiện tuệ giác siêu việt. Nhập thế là xuất thế. Phật giáo Đại thừa không chấp nhận sự giải thoát cá nhân vì đích nhắm của Đại thừa là tha nhân, là số đông, là vạn loại chúng sanh. Vị tha tuyệt đối là tính cách của hành giả Đại thừa. Đó là chủ trương “Thỏng tay vào chợ” của kinh Hoa Nghiêm.

   Đối tượng của Bồ tát là con người nói riêng và chúng sanh nói chung. Có chúng sanh nên có Bồ tát. Mối quan hệ giữa chúng sanh với Bồ tát cũng tương tự như mối quan hệ của mẹ và con. Tình thương của Bồ tát đối với chúng sanh như tình mẹ thương con, rất tự nhiên và không bị giới hạn. Do vậy, nỗi đau khổ hay niềm  hạnh phúc của toàn chúng sanh cũng chính là nỗi đau và niềm vui của một vị Bồ tát. Đây cũng chính là tâm niệm của người đi theo lộ trình tu tập theo kinh Hoa Nghiêm:
“Tùy thuận thế duyên vô quán ngại
Niết bàn sanh tử đẳng không hoa”
   Dịch là:
“Tùy thuận thế duyên
thì tâm không vướng bận
Niết bàn sanh tử
là hoa đốm giữa hư không”
   Hay:
“Diệt trừ phiền não trùng tăng bịnh
Xu hướng chân như tổng thị tà
   Dịch là:
 
“Đem tâm diệt trừ phiền não thì càng thêm bệnh
Còn chạy theo chân như chẳng khác đó là tà”
                                         (Lược giải Kinh Hoa Nghiêm trang 70, Hòa thượng Thích Trí Quảng).

   Bồ tát còn thiết lập một thế giới Tỳ Lô Hoa Tạng để trang nghiêm Phật quốc, tịnh độ hay Bồ tát đạo tuy chưa thực ra chỉ là một (Bất Nhị). Vì tất cả đều là pháp thân Tỳ Lô Giá Na hằng hữu bất diệt.
 
   Con đường Bồ tát hay nơi chốn mà Bồ tát trú ở, lui tới, là nơi hồng trần đầy khát vọng, bất an và phiền lụy. Bồ tát với tuệ giác và hạnh nguyện biết rõ rằng chính chốn phiền trược ấy là nơi cung cấp chất liệu cho một Bồ tát giác ngộ và giải thoát. Như trong kinh Duy Ma phẩm Phật đạo đã nói: “Bồ tát thấy rõ ràng sự khó khăn, nghịch cảnh là nấc thang lên thánh đạo, nhờ nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại mà thành tựu công đức thù thắng”. Chứng tỏ con đường Bồ tát không hề có sự an nhàn và hưởng thụ.

   Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu con đường Bồ tát cho các hành giả muốn tu theo pháp Đại thừa nhập thế. Bởi vì, công hạnh của Bồ tát là chiếc cầu bắt sang thế giới Diệu Quang của chư Phật, trong đó chứa đựng tâm Phật, lời Phật và tuệ giác siêu việt. Công hạnh ấy là điển hình cho hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền vậy.

   Phổ Hiền hạnh nguyện là cửa ngõ để hành giả thâm nhập vào thế giới Hoa Nghiêm một cách sâu sắc. Lời phát nguyện rộng lớn của Phổ Hiền là tấm gương sáng, là thước đo chuẩn mực cho những ai phát tâm thực hành hạnh nguyện Bồ tát.
Vì khắp thanh tịnh hạnh Phổ Hiền
Trí tuệ rộng lớn của Văn Thù
Trọn sự nghiệp kia không hề sót
Đến kiếp vị lai hằng không mỏi
                                         (Lược giải Kinh Hoa Nghiêm trang 343. Hòa thượng Thích Trí Quảng)

   Trí Văn Thù và hạnh Phổ Hiền là hai điều tối quan trọng trên bước đường hành Bồ Tát Đạo. Phổ Hiền thập hạnh nguyện luôn theo sát người tu hạnh giải thoát như bóng theo hình từ lúc bắt đầu sự nghiệp tu tập cho đến khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nghĩa là Bồ tát bắt đầu từ một lý tưởng phải lập hạnh phát nguyện cho đến khi thành tựu lý tưởng đó. Thệ nguyện lúc nào cũng cao hơn lý tưởng vì nó phát xuất từ tự tâm để thúc đẩy hành giả tiến về phía trước. Lời nguyện luôn gắn liền với niềm tin vững chắc, nên mang tính kiên thệ và bản nguyện có sức mạnh hùng vỹ, vượt qua mọi gian nan thử thách để hoàn thành mục tiêu tối hậu.

   Điều cốt lõi trên tinh thần giải thoát viên mãn theo lời Phật dạy là:
“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác”
   Nghĩa là:
 
“Phật pháp ở thế gian
Chẳng lìa thế gian giác
                                                    (Kinh Pháp Bửu Đàn. Trang 165. Hòa thượng Thích Thanh Từ).

   Vì thế, trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật đã vạch rõ một con đường đi đến vô thượng Bồ đề, không gì hơn là một cuộc đồng hóa mình với ngài Phổ Hiền vậy. Bởi vì, cõi trần tục này là mảnh đất tốt để trưởng dưỡng đạo tâm, củng cố đạo lực, phát triển đạo hạnh và chứng thành đạo quả. Đây cũng là tâm nguyện lợi tha cụ túc của hành giả Đại thừa hay Bồ tát hạnh.