- Phật Học Khái Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết III
- Tứ Thánh Đế
- A. Tổng Quát về Tứ Thánh Đế
Sau ngày giác ngộ Vô Thượng Bồ-đề, khi quyết định lên đường giáo hóa, Thế Tôn rời khỏi cột Bồ-đề ở Ưu-lâu-tần-loa (Uruvelà), đi đến Ba-la-nại (Bàrànasì), chỗ chư Tiên Đọa Xứ (Isipatana), ở vườn Nai (Migadaya) để khởi đầu thuyết pháp độ năm người bạn cũ cùng tu khổ hạnh (năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như - Kodanna).
Kinh Đế Phân Biệt Tâm Kinh (Saccavibhangacittasuttam), Trung Bộ Kinh III; Hán tạng: Kinh Phân Biệt Thánh đế, Trung A-hàm số 31; kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ - Annakodanna; Kinh Tương Ưng V, Phẩm Chuyển Pháp Luân, trình bày, Thế Tôn thuyết Tứ Thánh đế và chỉ rõ con đường tu tập Trung đạo là tránh xa sự đắm say các dục và sự tự hành khổ. Tại đây, Thế Tôn khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, phân biệt và hiển lộ rộng rãi Tứ Thánh đế mà Thế Tôn gọi là "Vô thượng Pháp luân" (Đế Phân Biệt Tâm Kinh).
Thực ra, trong thời pháp này, ngoài năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như, còn có hàng vạn chư Thiên đến nghe pháp.
Khi Thế Tôn vừa tuyên bố: "... Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong Bốn Thánh đế này, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri: "Đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác..." (Tương Ưng Bộ Kinh V, tr. 426), thì chư Thiên ở cõi đất, Tứ Thiên Vương Thiên cho đến Phạm Thiên giới đều cao tiếng nói: "Nay Vô thượng Pháp luân này... được Thế Tôn chuyển vận, một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận..." (Sđd, tr. 427).
"Trong khoảnh khắc này, mười nghìn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên". (Sđd, tr. 427).
Ngay sau thời pháp này, Thế Tôn tuyên bố: "Đã giác hiểu là Kodanna". Từ đó Tôn giả Kiều-trần-như mới có tên là A-nhã Kiều-trần-như (Anna Kodanna: Kiều Trần Như đã giác hiểu), và cùng với hàng vạn Phạm Thiên chứng đắc Tu-đà-hoàn quả (Trưởng Lão Tăng Kệ, Anna-Kodanna).
Thế nào là Tứ Thánh đế? "Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế và Khổ diệt đạo Thánh đế."
Thế nào là Khổ Thánh đế? "Sanh là Khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi là khổ, ưu não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại Năm thủ uẩn là khổ". (Tương Ưng V, phẩm Chuyển Pháp Luân, tr.424).
Các phần kiết tập ở Trung Bộ Kinh thì định nghĩa Khổ đế khác hơn: "Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại Năm thủ uẩn là khổ". (Trung Bộ III, Đế Phân Biệt Tâm Kinh, tr. 470).
Thế nào là Khổ tập Thánh đế? "Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, vô hữu ái". (Tương Ưng V, tr. 425; Trung Bộ III, Đế Phân Biệt Tâm Kinh).
Thế nào là Khổ diệt Thánh đế? "Chính sự đoạn diệt, ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước". (Sđd, tr. 425).
Thế nào là Khổ Diệt Đạo Thánh đế? "Chính là Bát Thánh đạo; tức là chánh kiến... chánh định". (Ibid., tr. 425).
Thế Tôn đã cắt nghĩa tri kiến như thật về Bốn Thánh đế là rõ biết Bốn Thánh đế qua "ba chuyển" và mười hai hành tướng. Ba chuyển là: thấy rõ nỗi khổ đau và chỉ cho chúng sinh thấy rõ khổ đau gọi là "thị chuyển"; hiểu rõ nỗi khổ đau và khích lệ chúng sinh nhận rõ nỗi khổ đau gọi là "khuyến chuyển"; đã chứng ngộ, dứt trừ hết khổ đau gọi là "chứng chuyển". Mỗi Đế có ba chuyển, nên bốn Đế gồm thành mười hai hành tướng. Thế Tôn dạy:
"Đây là Thánh đế về khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh (thị chuyển). Đây là Thánh đế về khổ cần phải liễu tri (khuyến chuyển)... nhãn sanh, trí sanh... Đây là Thánh đế về khổ đã được liễu tri (chứng chuyển) đối với các pháp từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh ... minh sanh, quang sanh.". (Sđd, tr. 425).
(Tương tự đối với Tập, Diệt, Đạo Thánh đế).
Bát Thánh đạo ấy là con đường tu tập Thiền Định. Thế Tôn đã xác quyết con đường đưa đến giải thoát không phải do hành khổ, nhưng nhờ đến hỷ và lạc:
"Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với những đau khổ do bị thương đâm, kiếm chém, búa chặt, dầu vậy chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu, Bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này, các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố nhờ lạc và hỷ, Bốn Thánh đế được chứng ngộ". (Sđd, tr. 446).
Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) đã đưa ra nhận xét sau đây về Tứ Thánh đế:
"Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh đế". (Trung Bộ I, Kinh Tượng Tích Dụ Đại Kinh, tr.184).
Như thế, Tứ Thánh đế là giáo lý rất là nền tảng, tối trọng yếu của Phật giáo, của con đường đi vào giải thoát. Trên con đường này, hành giả đi những bước an tịnh, hỷ và lạc, cho đến đích giải thoát, đạt tri kiến giải thoát, mà không phải đi với vẻ đầy ưu tư, sầu muộn hay bi quan, yếm thế.
Thế Tôn đã thuyết giảng Tứ đế; giáo lý này các đệ tử của Ngài cũng đã thuyết giảng trong suốt bốn mươi lăm năm Ngài tại thế. Cho đến nay, giáo lý này vẫn là giáo lý nền tảng của các bộ phái Phật giáo, không một nhà nghiên cứu Phật học nào có thể phủ nhận điều này.
Nói là Bốn Thánh đế, nhưng thực ra chỉ có một sự thật muôn thuở: ai thấy rõ Khổ đế thì người ấy đồng thời cũng thấy suốt Tứ đế đúng như Thế Tôn dạy:
"Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Con đường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt". (Sđd, tr. 441).
Thấy rõ Tứ Thánh đế có nghĩa là có Chánh tri kiến về Tứ Thánh đế. Đây là dấu hiệu báo trước sự giác ngộ như thật Tứ Thánh đế. Thế Tôn dạy: "Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật Tứ Thánh đế, tức là Chánh tri kiến". (Tương Ưng V, tr. 447).
Người học Phật phải ý thức sâu xa rằng Tứ Thánh đế chẳng những là giáo lý nền tảng, mà là nền tảng nhất của các giáo lý nền tảng về mặt tôn chỉ. Một hôm, tại rừng Simsapà ở Kosambi, Thế Tôn đã xác nhận những gì mà Ngài biết rõ thì nhiều như lá trong toàn khu rừng Simsapa, nhưng những gì mà Ngài giảng dạy cho các đệ tử chỉ ít như nắm lá ở trên tay. Vì sao? - Thế Tôn dạy rằng, những gì mà Ngài không đem ra giảng dạy là những gì không phải là căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến ly tham, giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn. Những gì mà Thế Tôn giảng dạy là Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, bởi vì chúng liên hệ mật thiết đến mục đích giải thoát, là căn bản Phạm hạnh, đưa đến ly tham, giác ngộ, Niết-bàn (Sđd, tr.442).
Vì tầm mức quan trọng đó, Thế Tôn đã dạy giáo lý ấy nhiều lần, nhiều cách và bằng nhiều vận dụng giảng dạy. Ngài dạy: "Ở đây có vô lượng chữ, vô lượng câu, vô lượng thi thiết". (Sđd, tr. 433).
Chúng ta lần lượt khảo sát từng phần của Tứ Thánh đế nầy.
- B. Nội Dung Tứ Thánh Đế
- * Khổ Thánh Đế (Dukkha):
Theo lời Thế Tôn dạy, cuộc đời, và cả cuộc sanh tử, chỉ là khổ đau.
Trước hết, qua lời tuyên bố ấy, một số người vội kết án đạo Phật là tiêu cực, bi quan, yếm thế.
Chúng ta cần xác định rõ ở đây rằng, đấy là lời tuyên bố sau khi cảm nghiệm và quan sát kỹ cuộc đời. Nó là một nhận thức. Chỉ có thể phê phán nhận thức ấy đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp với cuộc sống, mà không phải là lạc quan hay bi quan, tích cực hay tiêu cực. Lạc quan hay bi quan là thuộc thái độ sống, mà không phải là nhận thức, đánh giá cuộc sống.
Ngay cả với thái độ sống của Phật giáo thì cũng không liên hệ gì đến thái độ lạc quan hay bi quan, yếm thế; Phật giáo chủ trương Trung đạo ở cả hai lãnh vực nhận thức và hành động (sống). Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là thái độ sống biểu hiện bên ngoài, thuộc Trung đạo mà không nghiêng về lạc quan hay bi quan.
Đi vào ý nghĩa của Tứ Thánh đế chúng ta càng thấy rõ thái độ sống như thật, an tịnh, hỷ lạc và đầy giải thoát của Phật giáo.
Gọi là Thánh đế bởi vì giáo lý này đưa đến thoát khổ. Gọi là Thánh đế bởi vì nó là như thật: "Bốn Thánh đế, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy được gọi là Thánh đế". (Tương Ưng V, tr. 439).
Giờ ta thử tìm xem có sự khác biệt nào giữa nghĩa khổ đau của người đời và nghĩa khổ đau (Dukkha) của Phật giáo trước khi đi vào phân tích từng sự kiện khổ đau. Nhìn thấy cảnh vô thường, khổ đau ở đời. Ôn Như Hầu thi cảm:
"Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương".
(Cung Oán Ngâm Khúc, câu số 73 - 76)
hoặc:
"Tiêu điều nhân sự đã xong,
Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư". (Ibid., câu 95 - 96).
hay:
"Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng huyễn hóa khéo bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau". (Ibid., câu 99 - 102).
Các thi hào lớn ở nước ta thường có những xúc cảm tương tự, cụ Nguyễn Du đã than:
"Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". (Kim Vân Kiều, câu 1-4).
Người đời có thấy vô thường là khổ, nhưng lại chấp chặt vào lòng khát ái và tự ngã nên càng đau thì lại càng than thở, càng than thở thì lại càng nghe đau. Thi ca vẫn để lại lời than thở khổ đau ấy.
Phật giáo thì cũng nhìn thấy đời vô thường và khổ đau. Do vô thường mà khổ đau. Do mọi chuyện đời vì duyên sinh mà vô thường; do lòng khát ái muốn nắm giữ cuộc sống không ngừng trôi chảy mà khổ đau. Khổ đau thật sự, theo Phật giáo, không phải vì vô thường, mà là vì lòng tham ái, và chấp thủ. Tôi sinh ra chỉ cao một thước rưỡi, cái khổ đau của tôi không phải vì một thước rưỡi chiều cao, mà là vì tôi muốn mình cao hơn một thước rưỡi, vì tôi nghĩ rằng một thước rưỡi là xấu, v.v..
Cái nghĩa khổ khác biệt giữa Phật giáo và người đời là ở chỗ, trong khi Phật giáo thấy khổ đau là do tham ái, thì người đời sống nắm chắc tham ái. Chính những điểm nhìn khác biệt này biến sự thật của khổ đau thành sự thật của bậc Thánh gọi là Khổ Thánh đế.
Sanh là khổ: Kinh chép: "Mỗi loài chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn gọi là sinh" (Trung Bộ III, Đế Phân Biệt Tâm Kinh, tr. 471).
Với con người, sanh có nghĩa là từ khi kết thai cho đến khi ra đời. Sự kết thai khởi đầu đã khó khăn. Phải có đủ ba điều kiện thai nhi mới hình thành: nghiệp thức (hay hương ấm), tinh khí của cha mẹ kết hợp, và phải trong thời bà mẹ có thể thụ thai (Kinh Đại Duyên, Trường Bộ Kinh III). Chỉ có một cặp tinh trùng được sinh thành giữa hơn mấy triệu tinh trùng khác, là một khó khăn nữa. Chín tháng trong lòng mẹ, với thai nhi là cả một thời gian dài dằng dặc và hãi hùng. Khi thì nghe nóng như ở giữa sa mạc nắng cháy, khi thì nghe như ở giữa tuyết lạnh. Thức ăn và những biến chuyển vật lý, tâm lý của người mẹ đều có ảnh hưởng mạnh vào thai nhi. Thai nhi được hình thành và được tăng trưởng ngoài sự mong muốn của mình. Đây là một điều khổ lớn.
Nghiệp thức vào thai là kết quả của ái, thủ, vô minh, khiến quên đi hết những gì của đời sống quá khứ của mình. Đây là một điều khổ lớn khác.
Lúc sinh, do vì sức ép và do sự thay đổi môi trường sống, trẻ phải chịu nhiều đau đớn - Bà mẹ thì hẳn là đau đớn rồi.
Ra đời chưa phải là hết hiện tượng sinh, còn tiếp tục sinh qua từng sát-na. Tất cả đều diễn biến ngoài sự can thiệp của mình, là một điều khổ tâm. Thi nhân thường chỉ cái khổ đau của trẻ biểu lộ qua tiếng khóc chào đời, đồng thời tiếng khóc này cũng báo hiệu sắp đi vào một quá trình sinh tử mới:
- "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì.. ?" (Nguyễn Công Trứ).
- "Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra". (Ôn Như Hầu)
Già là khổ: "Sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn biến loạn. Như vậy gọi là già". (Đế Phân Biệt Tâm Kinh, Trung Bộ III, tr. 471).
Dù đang tuổi trẻ, ta cũng dễ nhận ra già là khổ.
Ở đời không ai muốn già, chờ già, nhứt là nữ giới. Phép lịch sự phương Tây, không có hỏi tuổi tác của các phụ nữ, bởi làm thế là nhắc nhở họ trở về với hình ảnh buồn bã: đang già hay sắp già.
Ai mà lại không muốn mình trẻ mãi? Càng mong trẻ thì lại càng thấy khổ vì già. Già là một sự kiện kinh hoàng! Nó như là hoàng hôn đến, vùi dập bao nhiêu mộng ước của cuộc đời.
Nếu trẻ là đẹp, đầy nhựa sống, dễ chịu bao nhiêu, thì già lại ngược hẳn bấy nhiêu, với lưng còm, má hóp, da nhăn, mắt mờ, tai điếc..
Già thì cướp đi sức khỏe, cướp đi các thứ hạnh phúc của ăn, mặc, ngủ... Nó như con ngựa bất kham trên đường đời ngàn dặm. Ở già có mặt của nhiều đau nhức, mỏi mệt; ở đó, cái chết đang đến gần, cái mà mọi người đều sợ hãi.
Bệnh là khổ: Hầu như mọi người đều có dịp nếm cái vị đắng của bệnh tật, nhưng thấy sâu xa cái khổ đau của bệnh thì hiếm.
Chỉ một chiếc răng đau đủ làm cho ta khở sở lắm. Một cơn gió độc làm xây xẩm mặt mày, quay mòng đầu óc, dù chỉ trong một chốc, cũng đủ cho mình thấy mình không làm chủ cái thân, tâm này; mạng sống mỏng manh này có thể tắt ngấm bất cứ lúc nào cùng với sự nghiệp mà mình khổ công xây dựng ở đời. Đấy là khổ.
Có biết bao nhiêu chứng bệnh khác có thể xâm nhập cơ thể, gan, ruột, bao tử, mắt, mũi, v.v... bất cứ lúc nào. Cái ám ảnh của cơn vô thường bệnh hoạn cũng đủ làm cho mình khổ, huống nữa. Cứ một lần thử đi vào bệnh viện, thì thấy rõ hiện tượng của bệnh là khổ. Con người hầu như hoàn toàn bị động trước thân bệnh. Đây mới thực sự là niềm đau lớn nhất.
Chết là khổ: Mọi người đều phải chết sớm hay muộn. Sự cảm nhận khổ đau về cái chết thì có vẻ hơi mơ hồ, bởi vì khi có cảm nhận thì chưa chết, mà khi chết thì không còn cảm nhận.
Tuy nhiên, cái điều mà ta có thể nhận ra là khi có những người thân chết, cái cảnh xúc động, bi thương, tang tóc, khổ đau hiện rõ. Khổ cho người sống nhiều hơn. Người sắp chết mà biết mình sắp chết thì tâm lý cũng đầy dao động bi thương tương tự. Ở đây, ta thấy rõ, chết thì không mấy khổ đau, nhưng ám ảnh của cái chết gây nên nhiều khổ đau hơn.
Càng muốn sống, ham sống thì lại càng sợ chết. Càng sợ chết thì tâm lý sống càng dao động và có thể dấy khởi nhiều bất thiện tâm, nếu không biết tu tập giải thoát.
Có người không biết những gì sẽ xãy đến với mình sau cái chết mà đâm lo; có người cho rằng chết là hết rồi sinh phóng dật, sống vội vàng làm mất hết cái an tịnh và thanh thản của cuộc sống. Chết, do đó, trở thành cơn ác mộng của cuộc sống.
Chết có thể xãy đến bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do nào, do đó mà ma lực ám ảnh của nó lại càng lớn hơn, kéo dài suốt cuộc sống. Đây là khổ đau về cái chết.
Sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ. Tự thân của chúng rõ là khổ đau. Do gặp tai nạn, do cảm thọ khổ đau mà sinh sầu, nên sầu là khổ. Do gặp tai nạn, do cảm thọ khổ đau mà sinh bi thương, bi ai, than khóc, than vản; nên bi là khổ. Sự không thoải mái về thân, đau đớn về thân là khổ; nên khổ này cũng là nghĩa khổ đau (Dukkha). Sự không thoải mái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm nhận gọi là ưu, ưu chính là khổ. Do gặp tai nạn, do đau khổ mà lòng sinh bi não, ưu não, thất vọng, tuyệt vọng, gọi là não, do đó não là khổ.
Mong muốn không được là khổ (cầu bất đắc khổ). Sống thì ai cũng bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, nhưng lòng thì luôn luôn mong cầu đừng bị khổ vì sinh, đừng bị bệnh, đừng bị già hoặc bị già chi phối, đừng bị chết hay bị chết chi phối. Mong ước những điều mà không thể thành tựu được như vậy là thất vọng, là tuyệt vọng, là ưu sầu, do đó là khổ đau (Dukkha). Sống còn có những mong ước thiết tha khác nữa: mong có bạn tốt, có lợi, có danh, có tình đẹp, v.v... Không phải mong ước nào cũng được thực hiện. Mong ước không trở thành hiện thực là khổ. Cái lý do của nỗi khổ này là do con người không thực sự làm chủ chính mình, không thực sự làm chủ hoàn cảnh sống của tha nhân.
Sống thì mong ước, mà mong ước thì khổ. Đấy là cuộc đời!
Triển khai ý nghĩa "cầu bất đắc khổ" này, ta có "ái biệt ly khổ" và "oán tắng hội khổ". Yêu thương mà các đối tượng thương yêu bị xa lìa, ly biệt thì sẽ thất vọng, sầu não và khổ đau (Dukkha). Những gì mình ghét bỏ mà phải ôm ấp nắm giữ, gặp mặt thì sẽ làm cho mình thất vọng, khó chịu, phiền bực, đấy là khổ (Dukkha).
Năm uẩn là khổ : như đã được trình bày ở tiết Năm uẩn. Năm uẩn vốn do duyên sinh nên Vô ngã, Vô thường. Vì vô thường, biến hoại đi ngược với tham ái và chấp thủ của con người nên khổ đau.
Vì vô minh, con người chấp thân sắc uẩn, chấp cảm thọ, tư duy hiểu biết... là của mình, là mình, là tự ngã của mình nên khi chúng thay đổi, biến dịch, thì nghe mình khổ đau.
Sống với thân Năm uẩn như sống trong ngôi nhà đang bốc cháy. Lửa tham, lửa sân và lửa si đang bốc cháy ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; đang bốc cháy ở sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Nghĩa là cả thế giới đang bốc cháy. Chấp nhận Năm uẩn là mình thì sẽ bị thiêu cháy. Đấy, Năm uẩn là khổ.
Cái khổ đau kể⠴rên có thể biểu hiện qua ba hành tướng:
- Khổ khổ (Dukkha-dukkha): chỉ các khổ đau thông thường, thuộc khổ thọ.
- Hoại khổ (Viparigàma-dukkha): do thay đổi đột ngột mà khổ, thuộc lạc thọ.
- Hành khổ (Sankhàra-dukkha): các pháp do duyên sinh nên vô thường biến hoại trong từng sát na mà khổ đau, thuộc xả thọ.
(Theo Visuddhimagga - Thanh Tịnh Đạo), Hội Pàli Texts ở London ấn hành, tr. 499).
* Khổ Tập Thánh Đế (Samudaya)
Tất cả những khổ đau kể trên cùng có nguyên nhân chính của chúng là khát ái (Tanhà).
Như đã được lập luận nhiều lần ở các phần giáo lý trước, Năm uẩn là khổ đau vì Năm uẩn vô thường, chính vô thường là ý nghĩa của khổ đau. Ở đâu có vô thường, ở đó có khổ đau. Từ địa ngục cho đến cõi trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng đều Vô thường, nên đều nằm trong nghĩa khổ đau (Dukkha).
Thực ra, không phải vì Vô thường mà khổ đau. Do con người ái sắc, ái thọ, ái tưởng, ái hành, ái thức, nên khi sắc thọ, tưởng, hành, thức ấy bị biến đổi, bị hoại diệt mới sinh sầu, bi, khổ, ưu, não. Khổ đau chính là lòng khát ái. Ngay cả khi có mặt cái gọi là khổ đau, nếu con người không chấp thủ sắc là mình..., thọ là mình..., tưởng là mình..., hành là mình.., thức là mình, là của mình, là tự ngã của mình, thì sẽ không thấy có ai khổ đau hay mình khổ đau. Chỉ khi có chấp thủ thì mới thực sự có khổ đau, có mình khổ đau. Ở đâu có dục, tham thì ở đấy có chấp thủ, như Thế Tôn đã dạy. Nói tóm lại, gốc của khổ đau chính là lòng tham ái.
Tham ái không có nghĩa là nguyên nhân đầu tiên của khổ đau, theo Phật giáo (hay theo giáo lý Duyên khởi). Bởi vì, chính ái do thọ sinh, thọ thì do xúc sinh, v.v... thức do hành sinh, hành do vô minh sinh,... ái chỉ là cái nhân chính yếu và gần nhất của khổ đau.
Nói nhân của khổ đau là lòng khát ái, có nghĩa: nhân của khổ đau là do mười hai nhân duyên tập khởi, hay Năm thủ uẩn tập khởi. Bởi vì theo Duyên khởi, ái có mặt là mười hai nhân duyên có mặt, Ái có mặt (hay hành uẩn có mặt, vì ái thuộc hành uẩn) là Năm thủ uẩn có mặt. Khổ tập Thánh đế, do đó, có thể nói rằng chính là mười hai nhân duyên hay chính là Năm thủ uẩn.
Nói khát ái là đã hàm ngụ nói đến sân và si. Sân chỉ là bề trái của khát ái (tham), và si là bản chất của khát ái. Khi nói ta thích tướng đẹp, có nghĩa là ghét bỏ tướng xấu, ghét bỏ hay chối bỏ tưởng xấu là biểu hiện của sân. Thế nên, ta cũng có thể phát biểu rằng Khổ tập Thánh đế là tham, sân và si.
Khuynh hướng của con người là tìm kiếm và ham thích những sắc đẹp, những âm thanh hay, những mùi hương thơm lạ, những vị ngon ngọt, những xúc chạm êm ái, và tránh xa các sắc, thanh, hương, vị và xúc trái ngược. Lòng tham ái càng mạnh thì chấp thủ ngã càng mạnh, là nghiệp lực dẫn tới tái sinh đời này, đời khác. Những ham muốn năm trần ấy được gọi là dục ái. Khi năm trần thay đổi thì khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ngay cả khi con người đang nắm giữ năm trần đẹp ấy, thì nỗi lo sợ năm trần biến đổi, biến hoại cũng đủ gây khổ đau ray rứt lòng người. Cả những khi lòng tham ái có mặt đang chờ đợi đón nhận năm trần đẹp, cũng gây nên những dao động, xao xuyến, âu lo. Đấy là tất cả ý nghĩa: dục ái là Khổ tập Thánh đế. Bị vướng mắc vào dục ái, con người khó thoát ly khỏi Dục giới.
Một khuynh hướng sống khác mà người ta gọi là bản năng sinh tồn, là khát vọng được tồn tại. Do muốn tồn tại nên lòng sinh sợ hãi sự chuyển sinh hay hoại diệt. Cứ nhìn một người đang phấn đấu với cái chết thì sẽ thấy bản năng sinh tồn hay khát vọng sinh tồn ấy. Đây gọi là hữu ái.
Hữu ái có ba đối tượng: Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Có người mong mình có mặt trong Dục giới, tái sinh trong Dục giới. Có người lại nhàm chán các dục lạc từ sắc, thanh, hương, vị và xúc; họ nhàm chán cõi Dục và khởi lên mong ước về cõi Sắc. Có người lại nhàm chán cả đến các sắc tướng, mong tồn tại ở trong thế giới không có sắc tướng, họ được sinh về cõi Vô sắc.
Còn khát vọng tồn tại là còn khát ái, là còn sinh tử, còn chịu cảnh vô thường và khổ đau. Do đó, Hữu ái là Khổ tập Thánh đế.
Có nhiều người nhàm chán cả cuộc sống sinh diệt, mong muốn không còn sống lâu hơn nữa, không còn thác sinh nữa. Đây là biểu hiện Vô hữu ái. Bởi vì không ham sống, thì bấy giờ họ có thể còn nuôi dưỡng cái lòng ham ở chỗ không sinh diệt và vẫn còn cái tập khí ham muốn. Ở đây, tùy thuộc theo nghiệp lực của họ mà thác sinh về cảnh giới thích ứng sau khi chết. Cảnh giới thoát ly sinh diệt thực sự là Niết-bàn. Niết-bàn là dập tắt hẳn lòng khát ái, chấp thủ. Nếu ái diệt, nếu tập khí của tham ái đã hoàn toàn đoạn diệt, thì Niết-bàn có mặt ngay tại cõi đời này. Nhưng nếu tập khí tham ái chưa hoàn toàn đoạn diệt, thì khát vọng Vô hữu không chưa đủ. Chính sự có mặt của khát vọng này là một thứ lửa nung nấu khổ đau.
Vô hữu ái, do đó, vẫn là nhân của khổ, là Khổ tập Thánh đế.
* Khổ Diệt Thánh Đế (Nirodha)
Nếu Khổ tập Thánh đế là tham ái thì Khổ diệt Thánh đế là tham ái diệt, là khổ diệt hay Niết-bàn.
Niết-bàn như đã được trình bày ở chương Phật Bảo, được đề cập ở Duyên khởi và ngũ uẩn trong chương Pháp Bảo này, là cảnh giới giải thoát, thoát ly ngôn ngữ khái niệm, thoát ly mọi tướng trạng diễn đạt, thoát ly năm thủ uẩn, nên không phải là vấn đề của khảo sát. Các kinh điển Phật giáo chỉ có thể định nghĩa Niết-bàn, hay phương tiện chỉ bày Niết-bàn bằng các từ ngữ rất phủ định như Niết-bàn là ái diệt, Khổ diệt, tham sân si diệt, thức diệt, hành diệt, vô minh diệt, v.v...
Ở đây, chỉ nỗ lực trình bày sự bất lực trong việc diễn tả Niết-bàn, và chỉ rõ một số ngộ nhận về Niết-bàn trong khả năng có thể.
Câu chuyện thời danh về con rùa kể chuyện đất liền cho loài cá nghe cho chúng ta khái niệm rằng, ngôn ngữ chuyên chở ngã tính của con người hoàn toàn bất lực trong việc diễn đạt Niết-bàn. Càng nỗ lực diễn đạt càng tạo thêm ngộ nhận.
Một điều mà chúng ta có thể đề cập là Niết-bàn thoát ly ý niệm nên ở ngoài thời gian và không gian, nên hẳn nhiên Niết-bàn không phải là một nơi chốn, không phải sớm, muộn, lâu dài, ngắn ngủi, v.v... không có vận chuyển, không phải là kết quả hay hậu quả của bất cứ gì, không phải là tương đối hay tuyệt đối, không phải thường hay vô thường. Chỉ có thể nói Niết-bàn là thực tại như thật, nhận biết được bằng thể nhập do ái diệt hay khổ diệt. Con đường dẫn đến Niết-bàn là con đường đoạn trừ khổ đau mà ta sẽ khảo sát tiếp.
Dù không diễn tả được, nhưng quyết định Niết-bàn có thực; nó là thực tại như thật. Không thể xem Niết-bàn chính là cuộc đời này. Ở nơi nào có mặt tuệ giác Vô ngã hoàn toàn, ở đó có Niết-bàn, như Thế Tôn dạy: "Cái nào có bản chất của sinh thì cũng có bản chất của diệt; Năm uẩn, do đó, có đủ mầm mống của sinh và mầm mống của diệt, có đủ khát ái, tuệ giải thoát và có đủ Bốn Thánh đế".
Có một điểm mà chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng là, ái diệt là Niết-bàn, nhưng công phu tu tập để đoạn diệt ái không phải là nhân của Niết-bàn, mà là dẫn đến Niết-bàn. Ví như con đường đưa đến Tịnh xá Trúc Lâm không phải là Tịnh xá Trúc Lâm. Điều này không khó hiểu, bởi vì thực tánh của con người có sẵn, tu chỉ là việc làm cho tan hết mây mù đang che khuất trăng Thật Tánh, mà không phải là làm ra trăng Thật Tánh. Tất cả những tư duy, nói năng, diễn đạt và tu tập của con người chỉ là những việc nói chuyện với mây, đối thoại với gió, giới hạn ở vùng mây mù. Chúng ta không thể đi xa hơn nữa để đặt ra những câu hỏi và trả lời về trăng như thật.
Tại đây ta có thể kết luận Khổ diệt Thánh đế là khát ái diệt, hay thủ diệt, hay thức diệt, hay hành diệt, vô minh diệt... hoặc sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Một trong các chi phần ấy hoàn toàn đoạn diệt là Niết-bàn. Điều mà chúng ta sẽ đề cập đến nhiều là con đường tu tập đưa đến Niết-bàn, hay gọi là Khổ diệt Đạo Thánh đế.
* Khổ Diệt Đạo Thánh Đế (Magga).
Hầu hết các kinh nói nhiều đến Bát Thánh Đạo như là con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Đấy là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Chánh tinh tấn là nội dung của Tứ chánh cần; chánh niệm là nội dung của Tứ niệm xứ; và chánh định là Từ thiền Sắc giới định (theo Đế Phân Biệt Tâm Kinh, Trung Bộ Kinh III; hay Phân Biệt Thánh đế, Trung A-hàm, số 31). Nhiều kinh khác của Nikàya và A-hàm lại đề cập đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như y túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám Thánh đạo) như là Đạo đế, mà Bát Thánh đạo là giáo lý tiêu biểu. Phần đi sâu vào ba mươi bảy phẩm trợ đạo sẽ được bàn đến ở phần giáo lý Thiền định.
Tất cả giáo lý tu tập đều được xây dựng trên căn bản của Giới, Định, và Tuệ. Giới như là nền tảng từ đó Định và Tuệ được xây dựng. Nếu thiếu căn bản Giới thì Định và Tuệ không vận dụng được, ví như đất là nền tảng, nếu thiếu nó thì các sinh vật không di chuyển được.
Giới, đấy là lãnh vực giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, rời khỏi tham lam, sân hận và ác hại, ngỏ hầu tạo điều kiện tốt đi vào các tâm lý ly tham, ly sân, ly hại, ly si của Định, và Tuệ.
Các chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là thuộc giới này.
Thiền định là lãnh vực đối mặt với tâm lý động để loại bỏ các triều ái dục, sân, nghi, trạo cử và hôn trầm, và đi sâu vào tâm lý hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Các chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thuộc Định uẩn này.
Tuệ uẩn, gồm có hai chi phần chánh kiến và chánh tư duy, là hiểu biết đúng sự thật Tứ Thánh đế, Ngũ uẩn và Duyên khởi, hiểu biết mục đích của tu tập giải thoát là viễn ly tham, viễn ly sân (hay là từ, bi, bất hại tâm) và viễn ly si (viễn ly tà kiến); và thường tư duy về viễn ly tham, sân, si ấy, về Tứ Thánh đế, Ngũ uẩn và Duyên khởi ấy.
Đạo đế lần lượt được thảo luận kỹ ở phần trình bày ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
C. Tứ Thánh Đế vừa là Giáo Lý, vừa có Ý Nghĩa là Phương Pháp
Thông thường Tứ Thánh Đế được hiểu là giáo lý như các giáo lý Duyên khởi, Năm thủ uẩn v.v. Thực ra Tứ Thánh đế còn được Thế Tôn trình bày như là phương pháp nhận thức, sống và tu tập.
Khổ Thánh đế là kết quả khổ đau biểu hiện của nghiệp nhân quá khứ. Nghiệp nhân đó là tham ái, chấp thủ hay vô minh. Khổ diệt Thánh đế là kết quả đoạn trừ khổ đau do nghiệp nhân là công phu tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nghiệp nhân này là Khổ diệt đạo Thánh đế.
Như thế, Tứ Thánh Đế được trình bày theo tương quan nhân quả. Bất cứ pháp hữu vi nào, hay khổ đau nào có mặt cũng có nguyên nhân của nó, người tu tập nhận rõ nguyên nhân chính của khổ đau đó thì tất nhiên sẽ cùng lúc thấy rõ sự biến mất của nó và con đường (hay phương pháp) để loại bỏ nó.
Một người bỗng nhiên tức giận, đấy là biểu hiện của khổ đế. Muốn đi ra khỏi cơn sân ấy, người ấy phải bình tĩnh tìm hiểu xem do nguyên nhân, ly do nào mà mình nổi sân. Ví dụ, do bị một người khác vô cớ nguyền rủa. Sở dĩ sân hận là do chấp vào âm thanh gọi là lời nguyền rủa kia, và chấp rằng mình có tự ngã (ông A, bà B) và tự ngã này gây tổn thương bởi các âm thanh nguyền rủa ấy. Đây là Tập đế.
Một khi đã thấy rõ Tập đế và có quyết định loại bỏ sân hận kia, thì đương sự chỉ thay đổi cách suy tư của mình; nhìn các âm thanh kia chỉ là hơi gió thoảng, hoặc giả chỉ là các từ rời rạc vô nghĩa; tại sao mình lại tự kết luận đó là lời nguyền rủa? Tại sao mình lại không thể chấp nhận các âm thanh ấy như chỉ là âm thanh hay như tiếng thông reo, gió thoảng? Suy tư như vậy thì có thể dập tắt được chấp thủ kia, do đó dập tắt được cơn sân hận. Chấp thủ kia diệt là ý nghĩa của Diệt đế. Các lập luận để đi đến sự dập tắt ấy là Đạo đế.
Tại đây, Tứ đế xuất hiện như là một phương pháp phân tích các hiện tượng tâm lý xấu để vượt qua chúng. Tương tự, có thể phân tích các hiện tượng tâm lý tốt để duy trì hay phát triển.
Một dẫn chứng khác, có một hiện tượng xã hội xãy ra: trộm cướp và tham nhũng. Đây là Khổ đế, hay ý nghĩa của Khổ đế.
- Tìm hiểu ra lý do của hiện tượng xã hội này là do đói kém sinh. Đây là Tập đế, hay ý nghĩa của Tập đế.
- Hiện tượng xã hội này chấm dứt khi đói kém chấm dứt. Đây là ý nghĩa của Diệt đế.
- Con đường để đi ra khỏi đói kém là cải thiện kinh tế của xã hội (trả lương cao, giúp vốn cho dân đầu tư, cấp giống mạ và phương tiện canh tác, v.v..) Đây là ý nghiã của Đạo đế.
Ở lãnh vực khoa học, Tứ đế vẫn là phương pháp nhận thức và thực hiện. Nước được hình thành (H2O) là ý nghĩa Khổ đế. Sở dĩ được hình thành là do sự kết hợp của Hydro và Oxy, đây là ý nghĩa của Tập đế. Muốn lượng nước này không hiện hữu thì chỉ cần phân tán Hydro và Oxy ấy, cần thực hiện một cuộc phân tích nước (hay gọi là điện giải), đây là ý nghĩa của Đạo đế.
Ở lãnh vực y học cũng thế. Bệnh phát sinh là ý nghĩa của Khổ đế. Nguyên nhân sinh ra bệnh là ý nghĩa của Tập đế. Loại trừ nguyên nhân ấy là bệnh lành (bằng cách cho thuốc đối trị) là ý nghĩa của Diệt đế. Dùng thuốc hay chế thuốc để dùng đối trị là ý nghĩa của Đạo đế.
Trên đây chỉ là một số dẫn chứng điển hình. Nguyên tắc Tứ đế có thể ứng dụng để nhận thức và giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần trình bày tiếp theo đây.
- D. Ư鮧 Dụng Nguyên Tắc Tứ Đế vào Đời Sống Xã Hội.
- Tìm hiểu nỗi buồn vô cớ:
Trong cuộc sống, có khi chúng ta cảm thấy buồn buồn mà không biết lý do. Nỗi buồn này thường được gọi là nỗi buồn vô cớ.
Thực ra nỗi buồn nào cũng có nguyên cớ của nó. Có thể buồn vì cơ thể mỏi mệt, có thể buồn vì có một mong ước nào đó không đạt được, có thể buồn vì một thất vọng về người thân, cũng có thể buồn vì thời tiết u ám ở bên ngoài, v.v... Lắng lòng một chốc để thử xem nỗi buồn của ta đến từ lý do nào.
Buồn là Khổ đế; lý do của buồn là Tập đế.
Nếu vì lý do cơ thể uể oải, mệt mỏi, thì chỉ cần vận động cơ thể tích cực sẽ xua đi được mệt mỏi và sẽ loại bỏ được cảm giác buồn; hoặc giả phải cần một giấc ngủ ngon để lấy lại sức khỏe thì cảm giác buồn cũng sẽ đi xa.
Nếu vì lý do tâm lý hay tình cảm thì phải đổi cách suy nghĩ về động cơ tâm lý hay tình cảm đã gây nên nỗi buồn ấy thế nào để mình có thể tự thuyết phục mình, khích lệ mình phấn khởi. Tâm lý phấn khởi xuất hiện thì nỗi buồn cũng bay xa.
Dùng tâm lý hân hoan hay phấn khởi để khắc chế buồn, đấy là Diệt đế. Phương cách để chế ngự nỗi buồn là Đạo đế.
Giải quyết bất hòa trong đời sống gia đình, xã hội
Trong đời sống gia đình của cặp vợ chồng trẻ có thể xãy ra những vụ cãi lẫy, giận dỗi, bất hòa. Đây là Khổ đế.
Tìm hiểu nguyên nhân của vụ giận lẫy, bất hòa là tìm hiểu Tập đế. Giải quyết được vụ bất hòa là Diệt đế. Phương cách giải quyết là Đạo đế.
Không phải lúc nào xảy ra bất hòa cũng dễ dàng tìm ra lý do của nó. Có khi vì tự ái, đôi bên không chịu thổ lộ cái lý do mình giận lẫy. Trường hợp này người trong cuộc sẽ không tìm ra cách để giải quyết. Nếu để tình trạng giận lẫy kéo dài thì sẽ gây ra thêm nhiều bất ổn trong tương giao. Ở đây, nguyên nhân của sự không thổ lộ là tự ái. Để tránh khỏi cái tình trạng tự ái ấy, gia đình nên quy ước với nhau lập ra một cuốn sổ "hòa hợp" dành để ghi vào đấy những gì mà hai người cảm thấy không thể giáp mặt nói cho nhau nghe. Qua cuốn sổ này, đôi bên có thể tìm thấy ánh sáng của cảm thông; nhờ đó, giải quyết êm đẹp mối bất hòa. Cảm thông ấy là ý nghĩa của Diệt đế, phương cách giải quyết qua cuốn sổ kia là ý nghĩa của Đạo đế.
Tương tự, cuốn sổ "hòa hợp" hay "cảm thông" trên có thể được sử dụng để duy trì hay phát triển mối tương giao tốt của lứa đôi.
Trường hợp bất hòa xãy ra giữa các người bà con hoặc láng giềng, bạn bè, có thể vận dụng "đệ tam nhân" thay thế cuốn sổ. Vấn đề phát triển hay duy trì mối tương giao tốt giữa những người này cũng cần được vận dụng thông qua "đệ tam nhân".
Trên căn bản của nguyên tắc Tứ đế này có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề rộng lớn hơn ở bình diện quốc gia hay quốc tế.
Giải quyết nỗi sợ hãi đám đông
Sợ hãi đám đông, bối rối khi xuất hiện trước đám đông, hay lúc nói chuyện trước đám đông, là Khổ đế.
Bạn có một lần sợ hãi khi nói chuyện với quần chúng bạn mới nhận ra nỗi đau khổ, ưu não như thế nào. Tâm lý người sợ hãi đám đông là thường muốn rút lui an phận, tiêu cực. Đây không phải là tâm lý lành mạnh, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Càng lánh mặt đám đông bao nhiêu thì nỗi sợ hãi đám đông lại càng gia tăng bấy nhiêu. Mơ ước thiết tha của người sợ hãi là vượt qua nỗi sợ hãi ấy, nhưng tâm lý của họ thì bảo họ lánh mặt sợ hãi. Làm thế nào để khắc phục sợ hãi?
Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng lối vượt ra ngoài nguyên tắc Tứ đế. Cách nhìn và thái độ giải quyết theo Phật giáo là bằng mọi cách chúng ta phải đối mặt với sợ hãi. Bạn hãy nhìn kỹ sợ hãi để bình tĩnh tìm xem đâu là những nguyên nhân đưa đến sợ hãi. Vì cái nhìn của đám đông đe dọa chăng? Vì sợ đám đông thấy những nhược điểm của mình chăng? Vì không quen diễn đạt? v.v... Đây là ý nghĩa của Tập đế.
Làm vô hiệu hóa các ảnh hưởng tác động vào tâm lý vừa kể là ý nghĩa của Diệt đế. Bằng cách nào để xóa hết các ảnh hưởng trên, là ý nghĩa của Đạo đế. Tại đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng cần phải làm quen với đám đông cần tập diễn đạt, cần bổ túc kiến thức, v.v... Nguyên tắc chính của Tứ đế là, nếu nỗi sợ hãi khởi lên từ đám đông, thì cũng phải từ đám đông nỗi sợ hãi này được chế phục.
- Giải quyết các sợ hãi khác:
- sợ ma, sợ rắn, cóc, thằn lằn...
Tương tự như nỗi sợ hãi đám đông, nếu có người sợ ma, sợ rắn, sợ cóc, thằn lằn, v.v... người ấy cần tìm hiểu nguyên nhân của sợ hãi ấy.
Với sợ ma, người ấy cần phải xuất hiện ban đêm ở các nơi gây nên sợ hãi. Tại đây người ấy mới thấy rõ cách nhiếp phục nó.
Với sợ cóc, thằn lằn, v.v... người ấy cần nhìn kỹ vào tâm lý của mình tìm xem do mình bị ám ảnh như thế nào về cóc, thằn lằn v.v... khiến mình sợ hãi, từ đây người ấy mới thấy được lối đi ra khỏi sợ hãi.
Các lo sợ của tuổi thành niên
Tuổi trẻ đến độ lập gia đình thường có những lo âu, có khi sợ hãi nữa. Họ có những ham muốn cuộc sống lứa đôi, nhưng đồng thời họ cũng có nhiều bối rối lo lắng về con đường trước mặt. Người con gái có những bối rối, âu lo khi đi về nhà chồng, bối rối trước những bổn phận và tương giao mới. Người con trai cũng bối rối không kém trước bổn phận và tương giao ấy. Đây là một loại phiền não, khổ đau làm mất đi hạnh phúc của tuổi trẻ. Phương cách duy nhất để loại bỏ phiền não này là đối mặt giải quyết vấn đề. Tìm xem những gì đưa đến những âu lo, bối rối ấy để từ đó thấy được lối ra, rồi nỗ lực để đi ra.
Cuộc sống từ nhỏ đến lúc trưởng thành có biết bao nhiêu lo lắng, sầu ưu. Đã đành gốc rễ sâu xa của khổ vẫn là ái, thủ, nhưng để đối trị hữu hiệu từng loại phiền não, khổ đau khi ta đang sống đời sống xã hội, và để đối trị cấp thời, ta cần có những biện pháp giải quyết thích nghi khác nhau. Tứ đế bấy giờ trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho công cuộc giải quyết ấy.
Thế Tôn đã giảng dạy rộng rãi Tứ đế ứng dụng để loại trừ khổ đau cho những trường hợp cá biệt rất thực tế.
Kinh "Nhứt Thiết Lậu Hoặc" (Trung Bộ Kinh I) trình bày có bảy phương thức đối trị phiền não, lậu hoặc, tiêu biểu nhất là ứng dụng đúng giáo lý Tứ đế.
Nếu ta bị phiền não, khổ đau do các suy nghĩ lệch lạc, không đúng, không lành đem lại, thì ta phải áp dụng chánh tư duy và chánh tri kiến để loại trừ. Chánh kiến và Chánh tư duy áp dụng hữu hiệu nhất ở trường hợp này.
Chánh kiến và chánh tư duy còn giúp ta tìm ra được thái độ, phương cách ứng xử trước những khổ đau, trở ngại:
- Nếu ta bị khổ vì nóng, lạnh... thì ta hẳn phải tìm cho có áo ấm, áo mát, hay chỗ ở thích nghi. Nếu ta bị khổ sở vì nạn trâu dữ, ngựa dữ, chó dữ... hay sợ hãi vì hố sâu vực thẳm, thì bấy giờ biện pháp đối phó hữu hiệu là tránh mặt chúng, xa lánh chúng. Đối với các tâm niệm sân hận, ham muốn, tổn hại... thì ta phải cấp thời bám sát chúng để trừ khử, ta phải phủ nhận, chối bỏ, không cho các tâm niệm ấy khởi lên. Trường hợp này ta không áp dụng biện pháp tránh né được.
Sau cùng, đối với các kiết sử, muốn đối trị, ta phải tu tập Thất giác chi. Trong trường hợp này, ta không thể ứng dụng các biện pháp vừa kể trên.
E. Tinh Thần Thiết Thực của Tứ Thánh Đế
Khổ Thánh đế được nên lên trước nhất trong Tứ Thánh đế. Phật giáo như thế khởi hành từ thực tại khổ đau của cuộc đời, nhìn cuộc đời như là cuộc đời đang là; từ đây, đi tìm nguyên nhân của khổ đau có mặt ngay trong chính cuộc đời. Năm uẩn là khổ đau và nguyên nhân của khổ đau cũng ở ngay trong Năm uẩn; cũng từ Năm uẩn mà khổ đau diệt và tìm ra con đường đưa đến khổ đau diệt ở đó. Như Thế Tôn đã dạy: "Trong chính cái thân có ý thức dài một tầm này, Ta tuyên bố thế giới, sự sinh khởi của thế giới, sự chấm dứt của thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới". (Tăng Chi Bộ Kinh)
Phật giáo không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, không đưa ra những nguyên nhân phi thực, cũng không đề ra con đường giải quyết khổ đau bằng hành khổ, bằng cầu xin... không thực tiễn. Phật giáo chủ trương giải thoát có mặt trên đời này, có thể được thực hiện bằng chính nỗ lực đoạn trừ tham ái của con người. Điểm này nói lên tính chất rất là nhân bản, rất là nhập thế và rất là thiết thực hiện tại. Con người là gốc của khổ đau và của sự giải thoát của chính mình.
Ví dụ về nắm lá Simpapà của Thế Tôn phô diễn rất rõ cái tính chất tối thiết thực và cần yếu ấy của giáo lý Tứ Thánh đế này.
F. Tứ Đế Hàm Chứa Toàn Bộ Giáo Lý Phật Giáo
Thế Tôn đã thuyết giảng Duyên khởi lồng vào nội dung Tứ đế. Đối với Năm thủ uẩn cũng thế.
Thế Tôn đã lập lại rất nhiều lần trong các Kinh của Nikàya và A-hàm rằng: "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ". Điều này mang ý nghĩa toàn bộ giáo lý đều được quy vào, thu vào Tứ Thánh đế. Thế nên, có lần Tôn giả Xá-lợi-phất đã tuyên bố: "Tất cả các thiện pháp đều được bao hàm trong Tứ Thánh đế".
Các Kinh điển Bắc tạng không đi ra ngoài kết luận trên. Khi Kinh bàn đến chứng ngộ chân tâm, chỉ bày chân cảnh hay Niết-bàn, thì luôn luôn đề cập đến sự đoạn trừ chấp thủ, đoạn diệt tham ái, tức là bàn về Diệt đế hoặc vừa Diệt đế vừa Đạo đế (chẳng hạn nói rời hết thảy các tướng chấp thủ là ý nghĩa Diệt đế, hành Lục Ba-la-mật là ý nghĩa của Đạo đế). Bàn kỹ một đế trong Bốn đế là hiển bày được toàn thể Bốn đế, như Thế Tôn đã dạy.
Giáo lý Phật giáo, như đã được trình bày, xây dựng trên nền tảng Giới, Định, Tuệ, là phần giáo lý thuộc Đạo đế, do đó mà toàn thể giáo lý không đi ra khỏi giới vực của Tứ đế. Nói cách khác, toàn bộ giáo lý Phật giáo được thu nhiếp vào trong Tứ Thánh đế, như các dấu chân của các động vật được thu nhiếp vào trong dấu chân voi.
G. Chứng Ngộ Tứ Thánh Đế
Có nhiều người trên đường tìm hiểu các Tôn giáo, không hiểu rõ Phật giáo, khi thấy Phật giáo nói về Khổ Thánh đế thì vội vã kết án Phật giáo là bi quan, tiêu cực và yếm thế.
Như đã lập luận ở phần đầu của giáo lý Tứ Thánh đế này, cái thái độ sống bi quan hay tiêu cực, yếm thế không liên hệ gì đến phần nhận thức cũng như hành động của Phật giáo.
Nhận thức về cuộc đời của Phật giáo là một nhận thức rất khách quan và rất như thật, thái độ sống hay tu tập của Phật giáo là thái độ "trung đạo", lìa xa các thái cực hành khổ hay phóng túng trong dục lạc, lạc quan hay bi quan. Nếu cho rằng lạc quan là sống với tâm đầy trí tuệ và lòng tin giải thoát thì Phật giáo là tôn giáo lạc quan.
Hãy nghe một lời dạy của Thế Tôn về sự chứng ngộ Tứ Thánh đế, ta sẽ thấy Phật giáo đến với con người tươi mát như thế nào: "Này các Tỷ-kheo, ví như một người sống thọ một trăm năm, có người đến nói với người ấy: 'Này bạn, vào buổi sáng, bạn sẽ đâm một trăm cây thương, vào một buổi chiều, bạn sẽ đâm một trăm cây thương... Sau một trăm năm, bạn sẽ giác ngộ Bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngo'. Này các Tỷ-kheo, một người hiểu biết nghĩa lý có thể chấp nhận chăng?... Này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu, Bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố nhờ lạc và hỷ, Bốn Thánh đế được chứng ngộ". (Tương Ưng V, tr. 445-446)
Như chúng ta biết, con đường đi về giải thoát của Phật giáo là 37 phẩm trợ đạo đặt nền tảng trên Giới, Định và Tuệ. Người Phật tử đi trên một lộ trình đầy sự an tĩnh do giữ Giới, đầy hạnh phúc của lạc hỷ của Thiền định, và đầy giải thoát, sáng suốt và lòng tin của Trí tuệ. Con đường đi đầy hương hoa như thế được đặt ngay giữa lòng đời thì làm sao có thể gọi là bi quan, yếm thế được?
Kinh Tiểu Khổ Uẩn (Trung Bộ Kinh I) ghi rằng, ngoại đạo Ni-kiền-tử (Nigantha) chủ trương hành khổ thân xác để giải thoát nghiệp, họ cho rằng: "Hạnh phúc không thể đến từ hạnh phúc, mà phải đến từ khổ đau". Thế Tôn thì dạy do hộ trì thân, khẩu, ý thanh tịnh mà nghiệp tiêu, do đắc các định mà có được các cảm thọ hạnh phúc, cho đến giải thoát tri kiến là hạnh phúc tuyệt đối.
Cần phải "liễu tri Khổ đế, đoạn tận Tập đế, chứng ngộ Diệt đế, và tu tập Đạo đế" (Tương Ưng V, tr. 440) thì mới hiểu biết như thật Phật giáo, mới có thể đi ra khỏi mọi ngộ nhận về Phật giáo.
Người Phật tử phải hiểu rõ mọi khổ đau ở đời, hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau, hiểu rõ sự khổ đau đoạn tận và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Hiểu rõ không có nghĩa là đã chứng ngộ Tứ đế (hay chứng ngộ Diệt đế - Niết-bàn). Tại đây còn nhiều việc phải làm, phải tu tập Bát Thánh đạo, nỗ lực đoạn trừ Tập đế (hay đoạn trừ tham ái, chấp thủ). Khi ái, thủ, vô minh hoàn toàn bị dập tắt, bấy giờ Diệt đế mới được chứng ngộ, hay Tứ đế mới được hoàn toàn chứng ngộ. Quả vị chứng ngộ tại đây, với các đệ tử của Thế Tôn là A-la-hán, với Thế Tôn là Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, Phật, Thế Tôn.
- H. Tứ Thánh Đế và Bốn Hoằng Thệ Nguyện
- của Phật Tử Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu, trong một buổi thuyết giảng tại Huế (1983) đã đưa ra nhận xét rằng: Dựa vào Tứ đế này mà có bốn hoằng thệ nguyện, phần kết thúc mỗi thời Kinh, lễ của Phật tử Việt Nam.
- "Chúng sanh vô biện thệ nguyện độ" là dựa vào Khổ Thánh đế mà phát nguyện.
- "Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn" là dựa vào Khổ Tập Thánh đế mà phát nguyện.
- "Pháp môn vô lượng thệ nguyện học" là dựa vào Khổ Diệt Đạo Thánh đế mà phát nguyện.
- "Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành" là dựa vào Khổ Diệt Thánh đế mà phát nguyện.
Truyền thống của Phật giáo Việt Nam mãi mãi vẫn nằm trong truyền thống Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn: Tứ Thánh đế là giáo lý nền tảng và là phương pháp chỉ đạo./.