Phật học cơ bản
Phật Học Cơ Bản Tập Một
Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002) Nguyệt san Giác Ngộ
14/03/2553 23:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Học Phật bằng tinh thần đại học

HT Thích Thiện Châu
(Nguyễn Ðăng Khải lược ghi)

LTS : Nhân dịp khai giảng khóa "Phật học hàm thụ" để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu Phật học của độc giả, nguyệt san Giác Ngộ đã trao đổi với Hòa thượng Thích Thiện Châu về một số vấn đề có liên quan đến chương trình "Phật học hàm thụ" trên các tờ báo, tạp chí Phật học tại hải ngoại. Chúng tôi xin trích và giới thiệu cùng bạn đọc.

Trước hết, chúng tôi xin trân trọng tán dương Hòa thượng Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ đã có sáng kiến trong việc mở khóa "Phật học hàm thụ" nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu giáo lý của độc giả. Tôi hy vọng việc làm này sẽ xây dựng một phong trào nghiên cứu Phật học cho đồng bào Phật tử trong nước và Phật tử ngoại kiều tại hải ngoại. Ðiều đó ít nhiều sẽ khơi gợi nguồn pháp lạc vô biên cũng như một luồng sinh khí mới cho độc giả của Giác Ngộ.

Một thực tế sinh động của xã hội thời đại cần phải được quan tâm trong quá trình truyền bá chánh pháp, đó là sự phát triển vượt bậc của nước ta về các mặt kinh tế, xã hội... và nhất là về mặt dân trí. Trong sự thay đổi đó, Phật giáo cần phải được lưu bố sao cho thích ứng với quần chúng, đồng bào Phật tử, tạo điều kiện cho hàng Phật tử thường xuyên tiếp cận với chánh pháp của Ðức Phật. Trong một xã hội công nghiệp hóa và hiện đại hóa như ngày nay, người Phật tử phần lớn bị cuốn hút vào đà tiến triển như vũ bão của công ăn việc làm v.v... nên họ ít có thời giờ nhàn rỗi để đến chùa học giáo lý hoặc nghe thuyết giảng. Trong các lớp giáo lý tập trung, phần lớn là người lớn tuổi tham dự. Tôi nghĩ rằng đây là một thực tế của Phật giáo tại hải ngoại, và trong nước có lẽ cũng như vậy. Vì thế, đa số các tờ báo, tạp chí Phật giáo tại hải ngoại đều có trang "Phật học đặc biệt" dành cho các Phật tử không có điều kiện đến chùa nghe giảng đạo. Và các học viên từ xa này thường xuyên liên lạc với Ban hướng dẫn qua thư từ, sách báo để nghiên cứu, học tập giáo lý. Ðây là một cách học tập tiến bộ của ngày nay. Tôi nghĩ rằng, thông qua khóa "Phật học hàm thụ" này, bà con Phật tử sẽ có điều kiện tốt để nghiên cứu và tu tập theo lời dạy của Ðức Phật và hiểu biết về đạo Phật một cách chính xác hơn.

Có điều cần ghi nhận về phong cách học tập của học viên đối với chương trình hàm thụ là học viên phải nỗ lực tự học và tự nghiên cứu theo sự chỉ dẫn cũng như các tài liệu được giới thiệu. Ðây là điều kiện tốt để Phật tử bước đầu đi vào nghiên cứu Phật học một cách nghiêm túc. Ngoài các tài liệu được giới thiệu, học viên cần phải tự mình tìm hiểu thêm và cần thiết liên lạc thưòng xuyên với Ban hướng dẫn để có sự hỗ tương, giúp đỡ trên phương diện nghiên cứu. Do đó, có thể nói học Phật theo chương trình hàm thụ là học bằng tinh thần đại học, nghĩa là nó đòi hỏi một sự năng động, sáng tạo và kiên trì của người học, nhất là sự nỗ lực vận dụng Chánh tri kiến và Chánh tư duy theo dõi các chủ đề Phật học trong cuộc sống thực tiễn. Sự theo dõi một cách kiên trì và liên tục đó sẽ tạo ra một nền nếp đạo đức luân lý Phật giáo ngay trong tự thân của mỗi học viên. Chúng ta có thể nói quá trình học tập như thể là quá trình tu tập, tôi luyện đạo đức và trí tuệ hướng vào đời sống hiện thực của người Phật tử.

Và cuối cùng, niềm mong ước của chúng tôi là các Phật tử trong nước cũng như ở hải ngoại sẽ cố gắng tham dự khóa "Phật học hàm thụ" để trưởng dưõng đạo tâm và ngày càng tiến sâu vào đời sống của sinh thức - tuệ giác. Ðức Phật dạy rằng chỉ có "trí tuệ là sự nghiệp". Và chúng ta cũng biết rằng, trí tuệ chân chính chỉ được phát sinh trong quá trình vận dụng Chánh kiến và Chánh tư duy của mỗi con người./.

[^]

-oOo-