Phật học cơ bản
Tam quy ngũ giới
tác giả: Thích Chân Tính
10/02/2553 11:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giải nghi
 
   1. Hỏi: Xin cho biết Bổn sư và Y chỉ sư khác nhau thế nào? 
       Đáp: Bổn sư là vị thầy đứng chủ lễ quy y Tam bảo và đặt pháp danh cho mình. Y chỉ sư là vị thầy mà chúng ta đến nương tựa học Phật pháp. Sau khi quy y với Bổn sư, chúng ta có thể đến nương tựa một vị thầy nào đó để cầu học Phật pháp, vị thầy đó gọi là Y chỉ sư. Chúng ta chỉ đến cầu pháp không cần phải quy y lại.

   2. Hỏi:
Pháp danh là gì?
       Đáp: Khi chúng ta mới sinh ra, cha mẹ đặt tên cho mình, tên đó gọi là thế danh hay tục danh. Khi chúng ta quy y Tam bảo, chính thức bước vào cửa Phật, vị Bổn sư đặt cho mình cái tên đạo gọi là pháp danh.

   3. Hỏi: Khi đến chùa gọi vị Tăng là thầy, đến Tịnh xá gọi là Sư. Thầy và Sư danh xưng có gì khác? 
       Đáp: Thầy và Sư danh xưng giống nhau. Sư nguyên là chữ Hán, dịch ra chữ Việt là thầy. Chư Tăng Nam tông và hệ phái khất sĩ thường dùng chữ Sư; chư Tăng Bắc tông thường gọi là thầy.

   4. Hỏi:
Vì sao gọi Bắc tông và Nam tông?
      Đáp: Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt tại Ấn Độ, giáo pháp của Ngài truyền ra nước ngoài chia thành hai dòng phái chính. Dòng phái truyền qua Trung Á đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... gọi là Bắc truyền hay Bắc tông, thuộc Phật giáo phát triển. Dòng phái truyền đến vùng Đông Nam Á bao gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào... gọi là Nam truyền hay Nam tông, thuộc Phật giáo Nguyên thủy. Tại Việt Nam chúng ta, có cả hai dòng phái Nam tông và Bắc tông.

5. Hỏi:
Cùng tu học Phật pháp, vì sao quý thầy Bắc tông ăn chay, quý Sư Nam tông không ăn chay?
    Đáp: Quý Sư Nam tông theo truyền thống khất thực thời đức Phật còn tại thế, dân chúng dâng cúng thức ăn gì thì nhận, không phân biệt chay hay mặn. Nếu dân chúng cúng chay, quý Sư cũng vẫn ăn chay. Quý thầy Bắc tông không đi khất thực, ở tại chùa, có nhà bếp tự nấu thức ăn nên việc ăn chay thuận lợi hơn quý Sư Nam tông.

  
6. Hỏi: Làm sao phân biệt Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng?
Đáp: Một người xuất gia tu học Phật pháp, khi thọ giới Tỳ–kheo gọi là Đại đức. Theo quy định của hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, vị Đại đức tu học thời gian 25 năm sau khi thọ Tỳ–kheo, tuổi đời phải từ 45, có đạo hạnh, có công đức với đạo pháp được Giáo hội tấn phong giáo phẩm Thượng tọa. Thượng tọa tương đương với Ni sư bên Ni giới. Vị Thượng tọa tu học thêm 15 năm tuổi đạo nữa (cộng với 25 năm là 40 năm), tuổi đời từ 60, có đạo hạnh, có công đức với đạo pháp, được Giáo hội tấn phong Hòa thượng. Hòa thượng tương đương với Ni trưởng bên Ni giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa có dấu hiệu nào để phân biệt ai là Thượng tọa, Hòa thượng. Chúng ta chỉ biết qua cách gọi của chư tôn đức với nhau.

   7. Hỏi:
Người xuất gia thường gọi là Sa–di  hoặc Tỳ–kheo, xin cho biết ý nghĩa?
       Đáp: Sa–di là người nam xuất gia thọ 10 giới. Sa–di có ba nghĩa: tức từ, cần sách và cầu tịch. Tức từ là dứt ác làm lành, cần sách là siêng năng tinh tấn tu hành, cầu tịch là dứt trừ phiền não cầu Niết–bàn.
   Tỳ–kheo là người xuất gia thọ 250 giới, gọi là Cụ túc giới. Tỳ–kheo có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma và phá ác. Khất sĩ là trên cầu giáo pháp của Phật để tu dưỡng pháp thân huệ mạng, dưới xin món ăn của người để nuôi dưỡng thân tứ đại; bố ma là làm cho ma vương khiếp sợ; phá ác là đoạn trừ các phiền não.

   8. Hỏi:
Nghe quý Phật tử thường gọi nhau là đạo hữu hoặc liên hữu, xin cho biết sự sai khác của hai từ này?
       Đáp: Đạo hữu là bạn đạo, cùng nhau tu học Phật pháp. Từ này được dùng chung cho Phật tử khi gọi nhau. Liên hữu là bạn sen, từ này thường chỉ để gọi những người cùng tu theo pháp môn Tịnh độ. Người tu Tịnh độ được sinh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà từ trong hoa sen, nên gọi là bạn sen.

   9. Hỏi:
Xin cho biết Bồ tát và bố tát khác nhau hay gọi lầm Bồ tát thành bố tát?
       Đáp: Bồ tát và bố tát khác nhau, không phải do gọi lầm. Bồ tát là chỉ cho người tu hạnh Bồ tát; bố tát chỉ cho việc đọc tụng giới luật Phật.
   Bồ tát dịch là giác hữu tình. Người tu hành trên cầu Phật đạo bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi. Hợp lại mà nói trên cầu Phật đạo để tự giác, dưới hóa độ chúng sinh để giác tha, đây là ý nghĩa của Bồ tát.
   Bố tát dịch là thuyết giới, trưởng tịnh... pháp mà cứ mỗi nửa tháng vào ngày 14 hoặc 15 và 29 hoặc 30 các Tỳ–kheo nhóm họp lại một chỗ để tụng giới, thỉnh một vị Tỳ–kheo tụng giới bổn Ba–la–đề–mộc–xoa để xét lại hành vi của các Tỳ–kheo trong nửa tháng qua xem có đúng giới bổn hay không. Nếu có ai phạm giới phải sám hối trước chúng Tăng. Mỗi nửa tháng tụng giới như vầy giúp các Tỳ–kheo an trụ lâu dài trong tịnh giới, nuôi lớn pháp lành, thêm nhiều công đức gọi là bố tát.

   10. Hỏi:
Công phu, công quả khác nhau như thế nào?
        Đáp: Công phu là sự nỗ lực tu tập như: tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, quán tưởng, chánh niệm tỉnh giác... thuộc về tu tuệ.
Công quả là đem sức mình giúp đỡ những việc trong chùa như quét dọn, lau chùi chánh điện, thay nước cắm hoa, trồng cây, nấu cơm... thuộc về tu phước.

   11. Hỏi: Con là một Phật tử thuần thành, gia đình con có truyền thống Phật giáo đều quy kính Tam bảo. Con thường xuyên đến chùa tụng kinh, học hỏi giáo lý. Vì hoàn cảnh riêng nên phải lên thành phố học tập và làm việc. Trong thời gian này, con đã yêu một người con gái, cô ấy cũng thương con và chúng con có ý định tiến đến hôn nhân. Tiếc rằng, người yêu của con bắt buộc con phải theo Tôn giáo của cô ấy và nói rằng đó là điều kiện để đi đến hôn nhân. Con không muốn mất cô ấy, khuyên cô ấy theo con thì con không có khả năng mà bỏ đạo thì con không thể. Xin tổ tư vấn cho con một lời khuyên.
(Trần Văn Trung, Pháp danh Nguyên Sáng, Linh Chiểu, Thủ Đức, TP. HCM).
   Đáp: Bạn Nguyên Sáng thân mến!
   Một trong những yếu tố cơ bản để cấu thành cuộc hôn nhân bền vững, ngoài tình yêu là hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong hôn nhân, cố nhiên tình yêu vốn cực kỳ quan trọng, song chỉ có tình yêu đơn thuần thì chưa đủ. Một tình yêu đúng nghĩa phải vượt lên tất cả những chướng ngại bằng bao dung, vị tha và đặc biệt là sự tôn trọng.
   Có thể các bạn thương nhau nhưng chưa thực sự đạt đến độ chín của tình yêu chân thật. Trở ngại lớn nhất giữa các bạn bây giờ là niềm tin Tôn giáo và tín ngưỡng lại thuộc về phạm trù thiêng liêng, vốn bất khả xâm phạm. Theo như tâm sự của bạn trong thư thì chính bản thân bạn cũng như người yêu của bạn cả hai đều có lập trường kiên định trong việc bảo vệ niềm tin của mình.
   Giữ vững niềm tin là điều tốt song éo le ở chỗ là Tôn giáo hiện hữu trên đời để hướng thiện con người, giúp con người ngày một thăng hoa và tiến bộ trên phương diện đạo đức và tâm linh, trong đó có vấn đề bảo vệ và xây dựng tình yêu chứ không phải làm chướng ngại, ngăn cách tình yêu. Vấn đề đặt ra ở đây là người yêu của bạn “thách cưới” bằng việc bắt buộc bạn phải từ bỏ Tôn giáo của mình để theo Tôn giáo của cô ấy. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì hôn nhân chỉ là chuyện trong mơ. Chính yêu cầu này bộc lộ một điều rằng cô ấy quá ích kỷ, hẹp hòi; bảo vệ niềm tin một cách thiển cận, thiếu tôn trọng và yêu Tôn giáo của mình hơn yêu bạn.
   Một khi lập trường hôn nhân của người yêu bạn nghiêng nặng về Tôn giáo hơn là tình yêu, đồng thời ra điều kiện cho bạn muốn đi đến hôn nhân với cô ấy thì phải bỏ đạo, chính bạn cần phải sáng suốt cân nhắc và kiểm định lại quyết định hôn nhân của mình. Bởi lẽ, điều kiện trên đã cho thấy người yêu của bạn sẵn sàng hy sinh tình yêu để bảo vệ Tôn giáo, đồng thời lộ rõ sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến niềm tin Tôn giáo thiêng liêng của bạn.
   Còn đối với bạn, dù yêu thương cô ấy và có dự định hôn nhân nhưng vẫn giữ lập trường  kiên định về niềm tin Tôn giáo của mình. Bạn đã có một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đạo Phật không chủ trương lợi dụng hôn nhân để quy nạp tín đồ đồng thời cũng không khắt khe đến độ cực đoan khi bắt buộc người chung sống với mình phải cải đạo. Người Phật tử, quy hướng đạo Phật xuất phát từ niềm tịnh tín, với ý thức tự giác và tự nguyện đồng thời rất tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người khác. Do vậy, bạn cũng không cần người yêu của bạn bỏ Tôn giáo của mình để theo bạn nếu không xuất phát từ tự giác và tự nguyện, nhưng đối với riêng bản thân bạn thì cần phải sáng suốt, không mù quáng và nhất là không đánh mất lòng tự trọng của người Phật tử, vốn dĩ cao quý và thiêng liêng.
   Đạo Phật là đạo giác ngộ, được làm người Phật tử là đã đặt chân lên thềm thang giác ngộ, đó là một trong những căn lành mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Do vậy, nếu bạn không muốn trầm luân, đọa lạc trong đời này và đời sau thì phải giữ vững niềm tin của mình. Hôn nhân có thể đem lại cho bạn hạnh phúc trong một đời nhưng để đạt được hạnh phúc trước mắt vốn mong manh ấy mà phải thay đổi lý tưởng và niềm tin là một điều tệ hại nhất trong các điều tệ hại, vì đánh mất chánh kiến nên chắc chắn bị đọa lạc trong những đời sau.
   Vẫn biết rằng, nếu cùng một chí hướng và niềm tin thì rất tốt cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Song thực tế, quan điểm của hai người hiện giờ thì điều ấy trở thành không thể. Giải pháp “đạo ai nấy giữ” dù còn nhiều giới hạn và trở ngại nhưng vẫn không có tính khả thi vì điều kiện bắt buộc để tiến tới hôn nhân của cô ấy là bạn phải bỏ đạo. Và đây cũng là tín hiệu rõ ràng nhất của vấn đề rằng chuyện tình yêu của các bạn còn một khoảng trống bất hòa khá lớn, chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Do vậy, nếu đi đến hôn nhân khi tình yêu cũng như quan điểm chưa đạt đến độ hòa hợp chín muồi thì chắc chắn sẽ bất hạnh, đổ vỡ và chuốc lấy thất bại mà thôi.
   Người Phật tử luôn vận dụng trí tuệ để làm hành trang cho cuộc sống. Bạn phải luôn ý thức để quán niệm rằng hôn nhân (nếu may mắn) chỉ đem lại hạnh phúc một đời, còn chánh pháp sẽ dẫn bước và soi đường cho bạn đạt đến hạnh phúc và an vui trong đời này và mãi mãi về sau.
   Chúc bạn luôn sáng suốt và hạnh phúc!
  
(Câu hỏi số 11 trích trong mục “Tư Vấn Bạn Đọc” tuần san Giác Ngộ số 243, ngày 23/09/2004).