Phật học cơ bản
Truyền thọ tam quy
Nguyên tác: Pháp Sư Tịnh Không Việt dịch: Thích Chân Tính
07/06/2556 17:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính thưa quý vị đồng tu. Nhận lời mời của quý vị, hôm nay có duyên cùng quý vị bàn về tam quy y trong Phật pháp tại Bờ biển Vàng (Golden coast) Queensland - Australia. Ðối với Phật pháp đây là đề tài rất quan trọng, là chỗ nhập môn tu học của chúng ta. Trước khi nói đến tam quy, đầu tiên phải có nhận thức chính xác về Phật pháp. Phật pháp trên thế giới hiện nay có rất nhiều hình thức bất đồng, chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng. Ðiều phổ biến nhất là người ta cho rằng Phật pháp là “Tôn giáo”, và chúng ta cũng không thể không thừa nhận là tôn giáo được, đây chính là Phật pháp biến chất. Thật ra Phật pháp vốn không phải là tôn giáo, nhưng hiện nay xác thực đã biến thành tôn giáo. Có nơi biến thành học thuật, đặc biệt có một số trường học, đoàn thể học thuật tại Nhật Bản biến Phật pháp thành triết học, đó cũng là Phật pháp biến chất.

Kính thưa quý vị đồng tu.

Nhận lời mời của quý vị, hôm nay có duyên cùng quý vị bàn về tam quy y trong Phật pháp tại Bờ biển Vàng (Golden coast) Queensland - Australia. Ðối với Phật pháp đây là đề tài rất quan trọng, là chỗ nhập môn tu học của chúng ta. Trước khi nói đến tam quy, đầu tiên phải có nhận thức chính xác về Phật pháp.

Phật pháp trên thế giới hiện nay có rất nhiều hình thức bất đồng, chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng. Ðiều phổ biến nhất là người ta cho rằng Phật pháp là “Tôn giáo”, và chúng ta cũng không thể không thừa nhận là tôn giáo được, đây chính là Phật pháp biến chất. Thật ra Phật pháp vốn không phải là tôn giáo, nhưng hiện nay xác thực đã biến thành tôn giáo. Có nơi biến thành học thuật, đặc biệt có một số trường học, đoàn thể học thuật tại Nhật Bản biến Phật pháp thành triết học, đó cũng là Phật pháp biến chất.

Năm 1923 Ðại sư Âu Dương Cánh Vô tại Ðại học Trung Sơn đệ tứ Nam Kinh (tức là Ðại học sư phạm Nam Kinh hiện nay), đã diễn giảng một bài rất cảm động là: “Phật pháp chẳng phải tôn giáo, chẳng phải triết học, mà là nhu cầu cấp thiết của đời sống hiện nay”, nói rõ Phật pháp không phải là tôn giáo, cũng không phải là triết học, mà nó chính là thứ mà người ta hiện nay đều cần phải học tập. Phật pháp biến chất thành tôn giáo và triết học, thật tại là rất bất hạnh, thế nhưng đối với xã hội thì không đến nỗi ảnh hưởng gì.

Những năm gần đây, chúng ta thấy có nơi Phật pháp biến thành “tà giáo”. Quý vị có quan sát rõ ràng mới thấy đối với cá nhân, xã hội là rất có hại. Có nơi Phật pháp bị biến chất pha tạp quá nhiều. Ðại sư Âu Dương nói với chúng ta Phật pháp là thứ mà người hiện tại cần phải học tập; nhưng lại chưa nói rõ Phật pháp cứu cánh là gì, ông muốn để tự chúng ta lãnh ngộ, thể hội.

Chúng ta bình tĩnh quan sát sẽ thấy “Phật pháp” chính là “giáo dục”, là “giáo học”, từ cách xưng hô thường thấy trong kinh luận có thể chứng minh được điều này. Chúng ta gọi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là “Bổn Sư”, tự xưng mình là “đệ tử”. Chỉ có trong giáo dục giáo học mới có loại xưng hô này, đây là mối quan hệ thầy trò. Phật là thầy gốc của chúng ta.

Phật pháp hướng dẫn chúng sinh “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Phật nói vô lượng khổ não của tất cả chúng sinh, bắt nguồn từ chỗ không hiểu rõ chân tướng của chính mình và hoàn cảnh sinh hoạt, cho nên đã sinh ra cái thấy, cái nhìn sai lầm, do đó mới có bao nhiêu là khổ nạn. Nếu có thể triệt để hiểu rõ chính mình và hoàn cảnh sinh hoạt, thì tư tưởng và kiến giải sẽ chính xác, tất cả khổ tự nhiên tiêu trừ, đạt đến chỗ khoái lạc chân chính. Ðây là nội dung của giáo học, tôn chỉ của giáo dục Phật pháp. Do đó đủ biết giáo dục của Ðức Phật thật tại có thể đem lại lợi ích chân thật cho tất cả chúng sinh. Ðây chính là chỗ mà đại sư Âu Dương đã nói “Phật pháp là nhu cầu tu học cần thiết của tất cả chúng sinh”.

Bước đầu tu học Phật pháp chính là truyền thọ tam quy. Tam quy là tổng cương lĩnh, tổng phương hướng tu hành Phật pháp. Học Phật là bắt đầu từ tam quy, nó là tổng nguyên tắc tu học của người học Phật phải tuân thủ thực hành suốt đời. Thứ nhất là quy y Phật, thứ hai là quy y Pháp, thứ ba là quy y Tăng. Thời xưa giảng pháp cách này, mọi người sẽ không phát sinh hiểu lầm. Thế nhưng Phật pháp từ xưa lưu truyền đến nay, căn cứ theo sự ghi chép của lịch sử Trung Quốc đã có gần ba ngàn năm, đời đời tương truyền, không tránh khỏi lẫn lộn một số tri kiến không chính xác ở trong đó, hiểu sai nghĩa chân thật của tam quy, như người Trung Quốc thường nói “Dùng sai truyền sai”.

“Lục Tổ Ðàn Kinh” là trước tác đời Ðường, cách nay khoảng 1300 năm. Trong “Ðàn Kinh” Lục Tổ nói “Tam quy y” thì nói là “quy y giác”, “quy y chính”, “quy y tịnh”, mà không dùng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ðiều này khiến chúng ta liên tưởng đến, ngay từ trước thời triều Ðường đại khái có rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa quy y Tam Bảo. Nếu không có người hiểu lầm, Lục Tổ đâu phải dùng cách giảng này ! Tất nhiên là có rất nhiều người hiểu lầm. Trước 1300 năm nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng có người hiểu lầm, hà huống trải qua 1300 năm sau, ngày nay nói đến quy y Tam Bảo khó tránh khỏi mọi người hiểu sai ý nghĩa.

Ðàn Kinh cho chúng ta một lời khai thị rất lớn. Lục Tổ giải thích Phật Pháp Tăng Tam Bảo: Phật là giác, là ý giác ngộ. Pháp là chính, là chính tri chính kiến. Tăng là tịnh, là sáu căn thanh tịnh, một hạt bụi không nhiễm. Còn chữ quy y, quy là hồi đầu, y là nương tựa.

Thế nào là quy y Phật? Thông thường người ta đối với bản thân, đối với hoàn cảnh sinh hoạt trước mắt xác thực là mê mà không giác. Phật dạy chúng ta từ mê hoặc điên đảo hồi đầu nương theo chính giác, đó mới là quy y Phật chân chính. Do đây đủ biết, Phật pháp giảng về Tam Bảo có rất nhiều cách nói, quy y giác là tự tính Tam bảo. Nếu hướng ngoài tự tính tìm học, chính là chỗ mà nhà Phật gọi là ngoại đạo. Nhà Phật giảng ngoại đạo không phải xem khinh người khác mà là cầu pháp ngoài tâm gọi là ngoại đạo. Phật pháp dạy chúng ta từ trong tâm tính mà cầu, cho nên Phật pháp là cái học bên trong, từ trong tâm mình mà cầu, không phải hướng ngoại mà cầu. Hướng ngoại mà cầu là sai, là không thể được, hướng nội cầu thì có cầu tất ứng. Ðạo lý này, không những trong kinh luận của Phật nói rất rõ, Nho gia, Ðạo gia của Trung Quốc cũng nói rất chính xác.

Quy y Tam Bảo, chỗ quy y chân chính là nương tựa tự tính Tam Bảo. Từ mê hoặc hồi đầu nương theo tự tính giác, câu này nói thì rất dễ nhưng rốt ráo phải làm cách nào? Chúng ta rất muốn hồi đầu, rất muốn giác mà không mê, nhưng nó cứ mê hoặc điên đảo mãi. Nếu như không dừng lại trong sinh hoạt thực tại, cách nói này biến thành huyền đàm, huyền học, trên sinh hoạt thực tế không có được chút thọ dụng nào. Hiện tượng mê và giác là gì, mê cái gì, giác cái gì, Phật, Bồ Tát và phàm phu khác nhau như thế nào? Chúng ta từ trong đó có thể tìm ra một con đường, tìm được chỗ quy y chân chính.

Năm mươi ba tham vấn trong Kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Phật Bồ Tát. Những biểu hiện của họ chính là tất cả hoạt động trong cuộc sống hằng ngày trước mắt, dù biểu hiện qua các hình tướng nam nữ, già trẻ, các ngành nghề nào trong sinh hoạt thường ngày, tợ hồ như với phàm phu không có gì sai biệt, cũng làm việc, cũng giao tế qua lại, các việc này cũng tương đồng như chúng ta. Như vậy chỗ bất đồng trong tương đồng tại đâu? Ở chỗ tâm thanh tịnh của họ. Sự việc của họ với chúng ta giống nhau không có chút nào sai biệt. Chúng ta mỗi ngày làm việc 8 giờ, họ cũng làm việc 8 giờ. Chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày phát sinh phiền não, còn họ thì ngày ngày sinh trí tuệ. Ðó chính là chỗ không giống. Chúng ta sinh hoạt, làm việc, giao tiếp đều sinh phiền não. Họ sinh hoạt, làm việc, giao tiếp đều sinh trí tuệ. Vì sao biết được? Lục Tổ Huệ Năng là một chứng minh, lúc ngài đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ, bạch với Ngũ Tổ rằng: “Trong tâm của đệ tử thường sinh trí tuệ”. Chúng ta đọc qua câu này có sự cảm xúc rất sâu sắc, tâm của ngài thường sinh trí tuệ, tâm của ta thường sinh phiền não. Ðây là chỗ bất đồng giữa Phật Bồ Tát và người phàm.

Trí tuệ vì sao sinh, phiền não từ đâu đến, chỉ cần làm cho rõ ràng thì sẽ biết từ đâu để hồi đầu, để nương tựa. Phiền não từ vọng tưởng phân biệt chấp trước mà sinh, đây là điều Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm. Chúng ta mặc áo ăn cơm có vọng tưởng phân biệt chấp trước, đối người tiếp vật vẫn có vọng tưởng phân biệt chấp trước, từ chỗ này sinh phiền não, sinh thất tình ngũ dục, sinh tham sân si mạn, phiền não vĩnh viễn không đoạn. Do đây đủ biết, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là tâm luân hồi, lục đạo luân hồi là do những hiện tượng tâm niệm này tạo thành. Chúng ta hằng ngày sinh hoạt, làm việc, giao tiếp chính là tạo nghiệp luân hồi. Tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, tức là mê hoặc điên đảo.

Chúng ta học Phật, Phật dạy chúng ta hồi đầu, quy y tự tính giác. Tự tính giác tức là Phật tính. Phát Bồ đề tâm, tu Bồ Tát hạnh siêu việt thế gian và xuất thế gian pháp, xa lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước tức là chân tâm, Phật tính. Xa lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước thì sinh hoạt của chúng ta tức là Bồ Tát hạnh. Mỗi ngày đi làm việc cũng là Bồ Tát hạnh. Từ sáng đến chiều giao tiếp vẫn là Bồ Tát hạnh. Mấu chốt ở tại chỗ này, chính là đem vọng niệm xoay chuyển lại, từ trên quan niệm mà hồi đầu. Xa lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước, chỗ dụng chính là chân tâm, “chân tâm ly niệm” là điều mà kinh Ðại thừa thường nói. Niệm là vọng tưởng, vọng tưởng là vọng niệm, trong chân tâm không có vọng niệm, chân tâm là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Dùng tâm thanh tịnh sinh hoạt thì sinh hoạt thanh tịnh, dùng tâm thanh tịnh làm việc thì làm việc thanh tịnh, dùng tâm thanh tịnh giao tiếp thì giao tiếp thanh tịnh, không một thứ nào là không thanh tịnh. Tâm tịnh thân sẽ thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh.

Có một số vị đồng tu hỏi: “Tôi làm công việc cần phải suy nghĩ, nếu không suy nghĩ thì công việc của tôi làm sao thành tựu được?”. Lúc bạn làm việc cần phải suy nghĩ, cứ suy nghĩ, khi làm việc xong rồi thì không cần suy nghĩ lại nữa. Làm việc xong rồi lại còn nghĩ về nó tức là vọng tưởng. Niệm có vọng niệm, có chính niệm. Chính niệm là trong phạm vi việc làm của mình, ngoài ra không nghĩ tưởng thứ khác, những thứ khác với ta không tương can gì cả. Cũng vậy, công việc của bạn có thể làm được tốt, phiền não vọng tưởng ít đi, trí tuệ sẽ tăng trưởng, công việc sẽ rất thuận lợi. Tất cả thời, tất cả chỗ biết trưởng dưỡng tâm từ bi, thì dù cho việc gì cũng đều sẽ làm tốt, cuộc sống lại càng vui vẻ thêm hơn. Chúng ta cũng cần nên học đại sư Huệ Năng “Trong tâm đệ tử thường sinh trí tuệ”.

Hiện nay làm các công việc đều phải suy nghĩ, đây là tập khí. Người tu hành chân chính, thời gian suy nghĩ như thế càng lúc càng ngắn, trình độ suy nghĩ càng lúc càng thưa dần. Nếu công phu thuần thục, dù việc làm trong ngành nghề nào cũng không cần phải suy nghĩ. Khi trí tuệ hiện tiền thì đâu phải suy nghĩ. Lúc trí tuệ chưa hiện tiền thì không thể lìa khỏi suy nghĩ, nhưng cần phải thu ngắn thời gian, thu nhỏ phạm vi suy nghĩ lại, nỗ lực làm nó giảm nhẹ khiến cho trí tuệ dần dần hiển lộ. Nếu nghĩ tưởng nhiều quá, xa quá, sâu quá thì trí tuệ hoàn toàn không có cách gì hiển lộ được, bởi vì vọng niệm chướng ngại trí tuệ vốn có của tự tính.

Nếu đem giác và mê làm cho rõ ràng, lý luận cũng minh bạch rồi thì nên chân thật mà làm, chân chính hạ thủ công phu. Nên học theo sự vận dụng lục căn của chư Phật Bồ Tát. Mắt thấy là sắc tướng, tai nghe là âm thanh, luyện tập lúc thấy sắc, nghe tiếng, sáu căn đối với cảnh giới sáu trần khởi tác dụng, học không phân biệt, không chấp trước, đây chính là trí tuệ chân thật. Lại học “Không khởi tâm, không động niệm”, tức là tu tâm thanh tịnh, tự tính vốn định. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, không khởi tâm, không động niệm tức là đại thiền định. Ðịnh huệ chính là ở trong sinh hoạt hằng ngày mà tu, tu ở chỗ sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, đây là từ căn bản mà tu, là phương pháp tu hành cao cấp nhất.

Bốn mươi mốt vị pháp thân Ðại sĩ trong Kinh Hoa Nghiêm, chính là dụng công ở phương diện này, cho nên không gò bó nơi hình thức tu thiền định, không phải là ngồi quay mặt vào tường, mà là lúc sáu căn đối với cảnh giới sáu trần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước là trí tuệ. Chuyển tham sân si thành giới định tuệ, chuyển phiền não thành Bồ đề. Chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước là tham sân si, Phật Bồ Tát không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt chấp trước, khởi tác dụng là giới định tuệ. Ðây tức là vì sao Bồ Tát thường sinh trí tuệ, chúng ta thường sinh phiền não. Phiền não chính là ba độc tham sân si, điều này cần phải biết. Từ vọng tưởng phân biệt mà hồi đầu, từ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước mà hồi đầu, nương theo chỗ không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, đây tức là quy y Phật.

Pháp là đối với nhân sinh vũ trụ có nhận thức và hiểu biết chính xác. Trí tuệ chân thật hiện tiền thì tư tưởng, hiểu biết mới chính xác. Vọng tưởng phân biệt chấp trước không buông xuống, cách nghĩ, cách nhìn đều là sai lầm. Chúng ta là người sơ học, nhất định phải nương theo kinh điển, chỉnh đốn lại cái thấy nghĩ sai lầm của mình. Những lời nói trong kinh tức là chính tri chính kiến của chư Phật Bồ Tát quyết định là chính xác. Y theo kinh điển tu chính cách nghĩ, cách nhìn sai lầm của mình, tức là từ trong kinh Ðức Phật dạy chúng ta làm thế nào, học tập thế nào là đúng. Do đó quy y Phật là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc. Quy y Pháp là dạy chúng ta làm thế nào từ trong công việc nhỏ nhặt hằng ngày mà tu học, tuân thủ lời dạy của Phật.

Kinh điển của Phật rất nhiều, chúng ta có cần phải mỗi bộ kinh đều học tập không? Không cần. Kinh Phật là ghi chép những lời Phật dạy cho đại chúng khi còn tại thế. Mỗi chúng sinh có những khó khăn và mê hoặc của mình, họ hướng về Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thưa hỏi, Phật dạy cho họ phương pháp giải trừ mê hoặc điên đảo, lìa khổ được vui, về sau ghi chép lại thành một bộ kinh. Như vậy kinh là do Phật chỉ dạy một lần để giải quyết vấn đề, để được lợi ích cho người nghe. Do đó đủ biết, một bộ kinh là đầy đủ rồi, điều này quả thật chính xác.

Hiện tại chúng ta không gặp được Phật, Phật để lại rất nhiều kinh điển, phải nương theo một bộ kinh mà tu mới tốt, điều này rất hiện thực, cũng là vấn đề rất khó khăn. Phật như là thầy thuốc, chúng ta là bệnh nhân. Thầy thuốc vì chúng ta chẩn đoán cho thuốc, quả thực uống thuốc bệnh dứt, giải quyết vấn đề. Hiện nay thầy thuốc không còn, lưu lại một lô toa thuốc (kinh điển ví như toa thuốc). Chúng ta là người bệnh, những toa thuốc này phải dùng đúng, bệnh sẽ khỏi. Nếu dùng không đúng bệnh thì sẽ rắc rối lớn. Phật pháp xác thực như thế, phương pháp tu hành, lý luận kinh điển nếu cùng với căn cơ tương ưng, thì một đời quyết định thành tựu. Nếu không tương ưng cũng như uống lầm thuốc, chẳng những một đời cứu không được, về sau lại càng phiền phức hơn nữa. Các vị đồng tu nhất định phải cảm nhận sâu sắc vấn đề này. Làm sao biết được? Rất nhiều bạn đồng tu học Phật, trước khi chưa học Phật còn tốt, sau khi học Phật phiền não càng nhiều, càng học, phiền phức càng nhiều, cá nhân, gia đình phiền phức cả khối kéo đến, đây là thuốc không đúng bệnh, uống lầm thuốc.

Thật tình mà nói, chọn lựa pháp môn là một việc lớn, nhưng chúng ta không có khả năng, cũng không đủ trí tuệ. Như mình bị bệnh, thầy thuốc để lại một lô toa thuốc trong đó, nhưng không có người hướng dẫn thì việc này thật rắc rối. Muốn gặp may không phải dễ, giống như mua vé số muốn trúng số đặc biệt không phải dễ, không có được vận may đó đâu. Cần phải nhờ vào thiện tri thức chân chính có tu có học, trợ giúp chúng ta chọn lựa pháp môn. Tuy nhiên, đời nay người chân chính có học vấn có đạo đức không nhiều, một đời chưa chắc gặp được, gặp được rồi chưa chắc đã nhận thức được họ. Người càng có học vấn càng có đạo đức thì càng khiêm hạ, nếu hỏi thì họ sẽ đáp là: “Tôi không hiểu, tôi không có trí tuệ, không có năng lực, không có tu trì”, nếu họ nói rằng “Tôi thực hành, tôi có trí tuệ, môn nào cũng đều thực hành” đó không phải là chân thật. Hiện nay chúng ta không đủ năng lực để phân biệt chân giả, duy nhất có thể thực hành là, 3000 năm trước Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vì người thời đó chỉ thị một con đường sáng, theo như Kinh Ðại Tập đã nói: “Thời kỳ chính pháp, giới luật thành tựu. Thời kỳ tượng pháp, thiền định thành tựu. Thời kỳ mạt pháp, Tịnh độ thành tựu”.

Hiện nay chúng ta sinh vào thời kỳ mạt pháp. Vận pháp của Phật gồm có: Chính pháp 1000 năm, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp một vạn năm. Chúng ta sinh sau Ðức Phật Thích Ca diệt độ 2000 năm rồi, tức là thời kỳ mạt pháp, Phật nói “Thời kỳ mạt pháp, Tịnh độ thành tựu”, chúng ta quyết định phải chọn pháp tu Tịnh độ, chân thật niệm Phật, quyết định thành công. Ðó là tuân thủ theo chỉ thị của Phật. Cũng có người tu thiền thành tựu, có người tu mật thành tựu, những vị căn cơ đặc biệt rất ít, không phải ai cũng được. Chúng ta suy nghĩ thật kỹ xem mình có phải là 
căn tính đặc biệt không? Người căn tính thượng thượng có thể thí nghiệm học thiền, học mật hoặc học các pháp môn khác, nếu biết căn tính của mình bình thường thì hãy chân thật tuân thủ chỉ thị của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, là rất có hy vọng.

Chân thật niệm Phật, không ai không thành tựu, đặc biệt là đọc qua kinh luận Tịnh tông rồi tư duy nghiên cứu tường tận, thật sự có đạo lý. Ở trong tất cả pháp, quy y kinh điển vô lượng, chúng ta chọn “năm kinh một luận” của Tịnh tông. Sáu bộ này phân chia ra không nhiều đủ để chúng ta một đời thọ dụng, quyết không thể xem thường. Phân lượng của sáu bộ này tuy ít, nếu giảng tường tận thì giảng mười năm cũng chưa xong, cho nên y theo sáu bộ kinh này tu hành là đủ. Quy y pháp, chúng ta chọn lựa năm kinh một luận thuộc Tịnh tông là rất thực tế.

Lúc Tịnh tông học hội thành lập, trong phần “Duyên khởi” có đề xuất năm mục lớn để thực hành, tức là trong sinh hoạt hằng ngày cần phải tuân thủ năm quy chế “Tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, thập đại nguyện vương”. Ðều từ trong năm kinh một luận của Tịnh tông mà ra. Chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày khởi tâm động niệm, thời thời cùng với lời nói của Phật đối chiếu, nếu tương ưng tức là chính xác, thì sẽ không làm sai, không nghĩ sai. Nếu cùng với lời Phật nói trái ngược, thì là nghĩ sai, làm sai. Chúng ta thật sự nắm lấy cương lĩnh, dùng nó để kiểm điểm, tu chính hành vi sinh hoạt của mình.

Quy y Tăng, Tăng ý là thanh tịnh, một bụi trần không nhiễm. Ðặc biệt là Tịnh tông, chú trọng tu tâm thanh tịnh. Trong lời nguyện quy y có câu “quy y Tăng chúng trung tôn”. “Chúng” là chỉ cho đoàn thể, xã đoàn. Trên thế giới xã đoàn có rất nhiều, nhỏ thì một gia đình được coi là một đoàn thể. Phật nói với chúng ta, đoàn thể người học Phật ở trong đoàn thể của tất cả thế gian, rất được tôn kính và ca ngợi, bởi vì nó là “đoàn thể mô phạm”, có thể là tấm gương cho các xã đoàn. Ðặc điểm của nó là mỗi phần tử của xã đoàn đều có thể sống hòa thuận với nhau, là đoàn thể hòa hợp. Ðoàn thể rất sợ bất hòa, cách nghĩ cách nhìn của họ rất gần gũi “kiến hòa đồng giải”, cũng chính là do kiến lập được ý thức chung.

Cách nghĩ, cách nhìn nhất trí là cơ sở của một đoàn thể hòa kính. Ðặc biệt là tại Úc châu, hai ngày qua chúng tôi gặp được hai vị thủ trưởng chính phủ ở đây đều rất từ bi, hiền lành, thực tại rất hiếm có. Họ nói với tôi “Úc châu là xã hội đa nguyên văn hóa, có các chủng tộc bất đồng, tín ngưỡng tôn giáo bất đồng, làm thế nào trong chỗ khác biệt đó tìm ra được cái đồng, kiến lập được ý thức chung, đây là việc rất trọng yếu”. Hai ngày ấy chúng tôi tiếp xúc, hai bên đều có ý thức chung này, hy vọng chúng ta từ chỗ này có thể đoàn kết phát triển trên cơ sở “kiến hòa đồng giải”. Ðiều kiện thứ hai hòa hợp xã đoàn là “giới hòa đồng tu”. Trì giới tức là biểu thị tuân thủ pháp, tôn trọng người khác, tôn trọng luật pháp, tôn trọng tập quán sinh hoạt của người khác, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo người khác. Tất cả đều tôn trọng mà không bài xích, thì có thể thương yêu nhau, hỗ trợ hợp tác, xã hội mới có thể hòa thuận sống vui vẻ với nhau, mới có thể hưng thịnh, cùng nhau phát triển.

Ðoàn thể lục hòa kính của Phật rất tôn quý trong các đoàn thể. “Quy y Tăng, chúng trung tôn”. Chúng ta phải hướng về mục tiêu này mà nỗ lực. Người khác không tôn kính chúng ta, chúng ta phải nên tôn kính họ, người bài xích chúng ta, chúng ta càng phải yêu thương họ, dùng tâm nhẫn nại và chân thành cảm hóa họ. Có như thế, mới có thể đạt đến mục tiêu hòa hợp sống cùng nhau. Chữ Tăng có những ý nghĩa như vậy.

Quy y Tam Bảo, chính là quy y giác chính tịnh. Giác mà không mê, chính mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Bình thường nên giữ tâm thanh tịnh của mình, tâm thanh tịnh chính làø tâm giác, là giác ngộ, là chính tri chính kiến. Cho nên “Giác, Chính, Tịnh” thực tại là một mà ba, ba mà một, đều chỉ cho chân tâm bản tính của chúng ta.

Từ xưa đến nay, Phật pháp tại Trung Quốc có mười tông phái lớn, vô lượng pháp môn. Dù bao nhiêu tông phái pháp môn, phương pháp tu hành đều quy nạp thành ba loại lớn là “Giác, Chính, Tịnh”. Thông thường mà nói, Thiền tông, Tính tông (Pháp Tính tông) là từ cửa giác mà vào. Mục tiêu của Thiền tông là phải đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cái này trong giác chính tịnh gọi là “cửa giác”. Ngoài ra gọi là “giáo hạ” như Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Pháp Tướng tông, Tam Luận tông, đều từ kinh điển nhập môn, tức là từ “cửa chính” mà vào. Dùng lời dạy, lý luận và phương pháp trong kinh điển, tu chính lại cách nghĩ cách nhìn sai lầm của mình, đây là đi theo cửa chính. “Tịnh tông” hoàn toàn dùng phương pháp nhất tâm niệm Phật tu tâm thanh tịnh, đây là từ “cửa tịnh” mà vào. Ba cửa Giác, Chính, Tịnh, “cửa giác” nhất định phải là người thượng căn lợi trí mới có thể khế nhập, nếu không phải là người trí tuệ thượng đẳng thì không cách gì khai ngộ được. Từ “cửa chính” cần phải có thời gian dài, giống như đi học vậy, từ tiểu học, trung học, đại học rồi nghiên cứu sở, y theo kinh giáo của Phật dạy phải có thời gian dài huân tập mới có thể khế nhập, tuy người trung căn, hạ căn có thể khế nhập, nhưng thời gian rất dài mới được. So ra thì “cửa tịnh” vẫn tốt hơn, không cần phải căn cơ thượng thượng, càng không phải mất thời gian rất dài, một câu A Di Ðà Phật, tu tâm thanh tịnh, nhất định có thể vãng sinh, bất thối chuyển, thành Phật. Ví như một giảng đường có ba cửa, ở ngoài nhìn vào thì không giống, vào trong thì giống nhau. Do đây đủ biết, dù từ cửa nào vào cũng đều giống nhau cả. Cho nên khi khế nhập, Giác Chính Tịnh đều đồng thời đạt được, đồng thời đầy đủ. Vãng sinh Tịnh độ tức là khế nhập cảnh Phật. Phương pháp này được tất cả chư Phật tán thán, được xem là cao minh, bởi vì nó rất phương tiện, không cần phải thượng căn lợi trí, cũng không phải uổng phí nhiều thời gian, quả thật là pháp môn rất thù thắng.

“Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải” có nói: “Nay sẽ bàn về sự lợi ích, kia là giả (chỉ cho Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa) đây là thật (chỉ cho Kinh Vô Lượng Thọ). Vì sao thế? Vì kinh kia nói rằng mau chóng thành Phật đạo, nhưng không thấy ai mau chóng thành Phật... Nay người nào tin mà không nghi, mười người thì đều sinh cả mười. Vãng sinh bất thối cho đến khi thành tựu Bồ đề. Chỗ mới sinh ấy là Bồ đề. Sau này đến thời diệt chỉ có một Pháp này. Tất cả Thánh phàm thực hành theo thì lợi ích thật không gì vượt hơn”. Ðoạn này đã nói rõ Ðức Thế Tôn 49 năm thuyết pháp tất cả kinh luận, nếu nói về lợi ích chân thật thì không có gì qua pháp niệm Phật vãng sinh Tịnh độ. Cho nên Thập địa Bồ Tát trước sau không lìa niệm Phật. Vừa qua tôi đã trình bày rõ ràng cho quý vị “thế nào là quy, thế nào là y” rồi.

Ngoài “Tự tính Tam Bảo” còn có “Thường trụ Tam Bảo”, đây là hình tượng. Tượng Phật là Phật Bảo, kinh điển là Pháp Bảo, người xuất gia là Tăng Bảo. Tam Bảo trên hình tượng rất có tác dụng, nếu không có hình tượng Tam Bảo, ngày nay tuy có đem đại ý Tam Bảo giảng cho đại chúng rất rõ ràng, rất minh bạch e rằng quý vị sẽ quên mất, qua hai ngày là hoàn toàn không còn nhớ nữa. Do đó cúng dường hình tượng Tam Bảo lợi ích rất lớn. Trong nhà có thờ tượng Phật, khi nhìn thấy tượng Phật, liền nghĩ đến bản thân mình phải quy y tự tính giác. Sáu căn tiếp xúc sáu trần phải học Phật Bồ Tát, không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm. Thấy tượng Phật để đánh thức bản thân mình. Chỗ ứng dụng hình tượng Phật là như vậy, không phải dạy người ngày ngày hương hoa nước quả cúng dường, hướng về Ngài lễ bái cầu xin là không đúng.

Phật Bồ Tát mong muốn chúng ta giác ngộ, không mong muốn chúng ta mê hoặc điên đảo, nhưng có những người sai lầm đem Phật Bồ Tát làm thần minh để cầu khẩn. Cho nên phải biết đạo lý cúng dường tượng Phật là ở chỗ cảnh tỉnh mình giác mà không mê. Thấy kinh điển thì phải nghĩ đến chính tri chính kiến, chính mà không tà. Thấy người xuất gia liền nghĩ đến tịnh mà không nhiễm, rồi nghĩ đến mình phải tu tâm thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, phải cùng đại chúng sống hòa hợp với nhau. Cứ như vậy thời thời cảnh tỉnh lấy mình, lợi ích thật là rất lớn, do đó Trụ trì Tam Bảo có lợi ích công đức như thế. Ðủ biết Trụ trì Tam Bảo rất cần thiết dù là hình tượng Tam Bảo nhưng phải có nội dung thực chất, mới có được lợi ích chân chính. Nếu không có nội dung thực chất, chỉ là hình thức mặt ngoài thì không có lợi ích. Quý vị hiểu rõ đạo lý, hiểu được cách thức nhập môn rồi thì đây là “truyền thọ tam quy”, đem ý nghĩa tam quy, cương lĩnh nguyên tắc tu học truyền trao cho mọi người.

Nghi thức tam quy là ở trước hình tượng chư Phật Bồ Tát phát nguyện, thệ nguyện, từ nay về sau phát tâm nhất định phải làm như vậy, do một vị pháp sư xuất gia vì bạn làm chứng minh, chứng minh bạn đã thật sự phát thệ, phát nguyện làm một vị đệ tử Phật chân chính. Nghi thức tam quy giản đơn mà long trọng. Hiện tại có nhiều nghi thức rất phức tạp và tốn thời gian, lại không hiểu được ý nghĩa của tam quy. Mơ hồ quy y Phật, sau khi quy y rồi vẫn mơ hồ cho qua ngày, điều này với giáo nghĩa Phật pháp hoàn toàn trái ngược. Chân chính hồi đầu nương theo Tự tính Tam Bảo, người này hoàn toàn cải biến. Nói chung cải tạo vận mạng, thậm chí cải tạo cả thể chất. Vận mạng, thể chất đều có thể cải tạo được, tâm niệm hồi đầu lại thì hoàn toàn cải biến.

Về nghi thức tam quy y, chúng ta sử dụng nghi thức tam quy của Hoằng Nhất Ðại sư rút từ trong Giới Kinh Tiết Lục. Hoằng Nhất Ðại sư nói: Ðức Thế Tôn lúc còn tại thế, dùng nghi thức này truyền trao tam quy cho các đệ tử, cho nên chúng ta cũng phải tuân theo nghi thức này.

Quy y Phật, chúng ta thiết thực quy y Phật A Di Ðà. Vì sao không quy y Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca? Phật Thích Ca dạy chúng sinh quy y Phật A Di Ðà. Do đó chúng ta quy y Phật A Di Ðà, chính là kỳ vọng của Phật Thích Ca đối với chúng ta. Quy y Pháp, chúng ta thiết thực quy y Kinh Vô Lượng Thọ. Quy y Tăng, chúng ta thiết thực quy y Quan Thế Âm, Ðại Thế Chí, hai vị Bồ Tát Tăng bảo này.

Nếu có người hỏi, bạn đã quy y chưa? Bạn trả lời tôi đã quy y Tam Bảo rồi. Quy y vị pháp sư nào? Quy y Phật A Di Ðà đại pháp sư, tôi là đệ tử của Phật Di Ðà. Ai chứng minh cho bạn? Pháp sư Tịnh Không chứng minh cho tôi. Nói điều này hoàn toàn chính xác, không nên nói tôi quy y pháp sư Tịnh Không. Ðó là điều sai lầm lớn.

Trước đây lúc tôi truyền trao tam quy thường giảng, chúng ta quy y Tam Bảo, không phải quy y cá nhân nào. Quy y cá nhân nào tức là đem Tăng đoàn của Phật pháp phân hóa, đây là sai lầm rất nặng. Nếu y theo giới kinh kết tội thì đó là phá hòa hợp Tăng, đọa A tỳ địa ngục. Cho nên pháp sư chứng minh tam quy làm đại biểu cho Tăng đoàn truyền trao tam quy, vì chúng ta mà chứng minh. Từ “Ðàn Kinh” mà xét, tam quy ít lắm cũng đã hiểu lầm hơn 1000 năm, điều này cần phải biết rõ ràng chúng ta mới có một lối đi chân chính.

Giảng tại Queensland - Australia

quangduc.com