Phật học cơ bản
Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ (Tập I)
Tỳ khưu Giác Hạnh (Hồ Quang Khánh)
09/08/2553 08:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Phần (4): Không nói dối.

Nói dối là giới thứ tư trong ngũ và bát giới của người tại gia cư sĩ, giới thứ tư trong thập giới của Sa-di, và giới thứ tư trong 227 giới của Tỳ-khưu. Nói cho đủ là không nói dối hay là không nói láo (hay là nói sai sự thật đối với những gì mình đã được nghe hay là sai lệch đối với suy nghĩ của mình nhằm lừa gạt đối phương), không nói hai lưỡi hay là không nói hai chiều (đến người này thì nói xấu người kia và đến người kia thì nói xấu người nay), không nói lời thêu dệt hay là không thêm mắm dặm muối(ít xít cho nhiều khiến cho bạn bè, thân bằng của người phải chịu cảnh ly tan), không nói lời thô ác hay là không nói lời nguyền rủa độc ác(nói những lời chua chác, cay độc, đắng cay khiến đối phương phải vở mật bầm tim). Như vậy, nên nói lời chân thật, nghe sao nói vậy chứ không nên thêm vào và không bớt ra, không nên đến người này nói thế này, đến người khác nói thế kia, nếu làm như vậy thì khiến mối quan hệ họ hàng hoặc bà con hoặc bạn bè của tha nhân phải ly gián chia lìa, không nên thổi phồng vấn đề bằng những lời hoa mỹ để mị người khác, đừng nên ít xít cho nhiều khiến tha nhân phai tranh cãi, và xô ẩu nhau, không nên dùng lời thô ác, thâm thiểm mắng nhiếc và nguyền rủa tha nhân.

Lời nói là một trong những phương tiện dùng để giao tiếp hay dùng để chuyển tải những thông tin từ người này đến người khác hay từ một khu vực này đến khu vực khác, v.v... Hiện nay, khoa học rất là phát triển cho nên ngôn ngữ giao tiếp cũng đa dạng và vô cùng phong phú, các hệ thống truyền tin hiện đại. Tin tức sẽ được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi. Chúng ta cần tôn trọng sự thật và dùng ngôn từ chính xác trong truyền đạt hoặc phổ biến tin tức để khỏi gây cho người khác bức xúc, quần chúng hoang mang. Phật giáo đề cao và rất tôn trọng những lời nói chân thật, hòa nhã, dịu dàng hầu mang lại sự tin tưởng, thông cảm, hài hòa và hạnh phúc.

Chúng ta thử hình dung một cuộc sống mà mọi người luôn luôn lừa dối, phỉnh phờ, mưu hại nhau. Liệu họ có thể tin tưởng nhau để cộng tác và chung sống không? Hay họ luôn nhìn nhau với những cặp mắt không thiện cảm, nhìn nhau bằng những hoài nghi và luôn có tâm lý đề phòng đối với tha nhân. Không biết có nên hay không nên tin vào một người nào đó... Còn hơn thế, những người có học thức cao thì viết sách, viết báo kích bác nhau, nhục mạ nhau...Có nhiều lúc, họ suy luận sai và nói oan cho người khác làm cho người khác ngậm hờn suốt đời, oan ức, tức tối...Trong cuộc sống, có nhiều lúc có nói không, không nói có, nói những lời văn hoa dối mị, hình thành một lối đạo đức khó hiểu, nghe qua thì xem như là đúng, hay, và êm dịu đôi tai của người nghe, thế nhưng trong lòng chứa chất đầy âm mưu toan tính lợi hại. Nhưng thực sự là: "Đạo đức giả." Nhìn bên ngoài thấy họ đối đãi với nhau rất là tốt. Nhưng bên trong lòng họ nham hiểm vô cùng, họ sắp lớp, lập mưu để hại lẫn nhau. Vì vậy, dân gian có câu: "Khẩu Phật tâm xà."

Hành trì giới không nói dối với mục đích là để tôn trọng sự thật, tin tưởng lẫn nhau và điều này dẫn đến sự ổn định xã hội. Ở đời búa nằm trong miệng, sở dĩ giết mình là do lời nói ác. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy:

"Chớ nói lời thô ác, khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác thì người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi. Thương thay những lời nóng giận thô ác, chỉ làm cho các ngươi đau đớn như bị dao gậy cắt thịt mà thôi."

Chúng ta đang sống trong vọng tưởng. Vì vậy, muốn có một cuộc sống an lạc thực sự thì chúng ta phải cố gắng phá tan vọng tưởng ấy. Nếu không làm được như thế mà còn chồng chất lên cái vọng tưởng của những sự dối trá, lừa phỉnh thì cuộc sống ngày càng điên đảo. Trong đó, động lực chính của sự dối trá là lòng ích kỷ, độc ác, luôn muốn hại người để thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Tuy nhiên, người lừa dối phỉnh gạt, thêu dệt kia sẽ phải đau khổ vì mình, lắm khi vươn thù mắc oán, nhiều lúc phải tan gia bại sản. Do đó, người phạm giới nói dối là người đã tự bóp chết tình thương trong lòng của họ. Một khi lòng từ bi không còn nữa, tức là cái động lực chính đưa đến cuộc sống tốt đẹp đã mất, thì cơ nguy của những việc đồi bại, xấu xa sẽ xuất hiện. Vì vậy, muốn có một cuộc sống hạnh phúc trong hiện kiếp cũng như những kiếp trong tương lai, chúng ta nên kiềm chế khẩu nghiệp. Có như vậy, chúng ta sẽ có một cuộc sống tương đối hạnh phúc cho chính mình và cũng là nhân đem lại an lành, hạnh phúc cho tha nhân nói riêng và xã hội nói chung.

Hậu quả của sự nói dối:

Bất cứ ai hễ phạm giới nói dối sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh trên và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả như sau:

1. Giọng nói không rõ ràng (ngọng, câm...).
2. Hàm răng không đều đặn (bị đề phô, không vô hợp tác...).
3. Hơi thở hôi hám.
4. Nước da xanh xao, sần sùi.
5. Thị giác không tốt, thính giác không nhạy bén.
6. Thân hình khiếm khuyết.
7. Không tạo được ảnh hưởng đối với quần chúng.
8. Lời nói thô kệch, và
9. Tâm luôn luôn trạo cử (vọng động).

Ngược lại, nếu người kiêng cử sự nói dối sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả đã đề cập ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.143 & 144).