GỢI Ý VỀ MINH
TRIẾT TÂM LINH & CUỘC SỐNG
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
(Mong được độc giả đọc các phần làm đậm chữ
trước khi đọc toàn bài, để có thể góp phần khêu gợi một cái nhìn nhất quán.
Ngày nay có nhiều nhà khoa học xiển dương các giá trị của tôn giáo, vì thế tôi
xin trích dẫn một số quan điểm của vài vị. Ngoài ra, còn có một số trích dẫn
khác. Các trích dẫn chỉ nhằm mở rộng tham khảo).
1. Vũ trụ là biểu hiện của tâm (tinh thần); tìm hiểu về
minh triết tâm linh là việc làm vô cùng cần thiết để nâng cao chất- lượng-thực
của cuộc sống.
Tôi
tin rằng vũ trụ là biểu hiện của tâm (“Tam giới duy tâm”- Kinh Lăng Già). Một
số nhà khoa học đương đại cũng tin như vậy.
“Vũ trụ
mà tôi và bạn thể nghiệm bây giờ, với cây cối, nhà máy, con người, nhà cửa, xe
cộ, hành tinh và các thiên hà, chính là ý thức biểu hiện ở một tần số đặc biệt
nào đó.” (Deepak Chopra - tiến sĩ y
học; được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 anh hùng và biểu tượng của
thế kỉ XX. “Sự sống sau cái chết-gánh nặng chứng minh”; dịch giả: Trần Quang
Hưng).
“Tôi tuyệt đối tin rằng sự sống vật thể trên
trái đất đã được tạo ra bằng cách hồn cô đặc dần. Mọi học lí cho rằng, sự sống
trên trái đất xuất hiện do những phân tử phức tạp tự phát sinh và cô đọng thành
những cơ thể sống, không vững vàng, xét cả trên quan niệm tôn giáo lẫn quan
niệm vật lí học và hoá học hiện đại.” (E-rơ-nơ
Mun-đa-sép – giáo sư tiến sĩ y học, nhà bác học tên tuổi
quốc tế. “Chúng ta thoát thai từ đâu”; dịch giả: Hoàng Giang).
2. Nên hiểu về Thượng Đế theo quan niệm:
Thượng Đế là chân lí tuyệt đối, là bản thể vũ trụ, là Viên Giác.
“Chúng ta có thể xem Pháp thân (Dharmakàya)
tương ứng với ý niệm của Thiên Chúa giáo về đức Chúa Cha.” (Daizets Teitaro Suzuki - thiền sư học giả.
“Nghiên cứu Kinh Lăng Già”; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).
“Trên
phương diện thực hành tâm linh, niềm tin vào Thượng Đế, đối với một số người,
có thể tạo ra một số tình cảm thân thiện với người sáng tạo ra chúng ta và kích
thích chúng ta nuôi dưỡng tình yêu và lòng vị tha, để thể hiện lòng biết ơn của
mình và để tham gia vào tình yêu của Thượng Đế đối với mọi chúng sinh. Theo một
số người khác, sự hiểu biết sâu sắc về sự phụ thuộc lẫn nhau và về các quy luật
nhân quả, cũng như mong muốn đạt đến Giác ngộ để có thể giúp đỡ người khác hiệu
quả hơn, là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để phát triển tình yêu và lòng trắc
ẩn.” (Mathieu Ricard - tiến sĩ sinh
học, tu sĩ Phật giáo. “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”; đồng tác giả: Trịnh Xuân
Thuận; dịch giả: Phạm Văn Thiều, Ngô Vũ).
3. Mỗi một chúng ta là một sinh mệnh tâm
linh; tâm linh vừa mang tính chất cá thể, vừa mang tính chất tổng thể.
Về vấn
đề này, chúng ta tham khảo quan điểm của nhà bác học Nga, E-rơ-nơ Mun-đa-sep (ở
tác phẩm đã nêu):
“Dần dà trong quá trình tiến hoá trong
thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ - là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới
dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông
tin
to lớn. Nhiều đu-khơ
tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin
toàn thể, tức Cõi kia(…).
Liệu
con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo
bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên
Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu. (…). Sau khi xác
thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ,
còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi để rồi lúc
nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế
giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái
sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.”
4. Tất cả chúng ta đều lưu lạc từ một quê
hương tâm linh chung, và quên mất đường về từ nhiều kiếp sống; càng xa quê
hương tâm linh thì càng vô minh, bất thiện, gặp nhiều đau khổ phiền não,
trói buộc trong nghiệp chướng.
Theo
nhiều nhà khoa học, quê hương tâm linh của chúng ta chính là Trường ý thức.
“Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng
trong Tự nhiên, bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh
khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi
vũ trụ liên kết mọi sự kiện. (…) Chúng ta cần nhớ nguồn gốc chung của mình.
Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta hạn chế mình trong một kiếp người và
giam trong một thể xác.” (Deepak
Chopra – “Sự sống sau cái chết”).
Trong tôn giáo, có nhiều cách nói về quê
hương tâm linh gợi cảm hơn.
5. Cái chết của thân xác không làm chấm dứt
dòng sinh mệnh tâm linh; sinh mệnh tâm linh vô minh vẫn tiếp tục trong vòng
sinh hoá luân hồi theo nhân quả (nghiệp báo).
Một viện sĩ khoa học Liên Xô (cũ), ông M.A.Mikhiher
phát biểu về vấn đề này như sau (Báo Giáo dục & Thời đại CN 9/3/1997): Mỗi
con người là một năng lượng tinh thần trong một vỏ vật chất. Chết chỉ là băng
hoại vỏ vật chất, còn năng lượng tinh thần thì tiếp tục luân hồi, tiếp tục vòng
phát triển mới.
Trong
“Chúng ta thoát thai từ đâu” (E.Mun-đa-sep) có nói rằng: “Mọi ngưòi đều biết rõ
khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong
đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng
có thể thoái hoá.”
Tham
khảo thêm D.Chopra (theo sách đã dẫn): “Tiến sĩ Lommel, người lãnh đạo chương
trình kinh nghiệm cận tử (…) thẩm tra 344 người bệnh loạn tim trong bệnh viện
(tim đáng lẽ đập bình thường thì lại co thắt hỗn loạn). Tiến sĩ Lommel nói
chuyện với họ trong vòng vài ngày trong khi họ sống lại và phát hiện ra việc
gây mê và các loại thuốc không gây ảnh hưởng kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên ông
kinh ngạc hơn cả với các báo cáo về ý thức trong khi não không hoạt động. Nhiều
năm sau nghịch lí này vẫn khiến ông sợ hãi: “Vào thời điểm đó những người này
không chỉ có ý thức; ý thức của họ thậm chí bao quát hơn lúc nào hết. Họ có thể
tư duy hết sức sáng suốt, có trí nhớ về tuổi thơ xa nhất và thể nghiệm sự liên
kết chặt chẽ với mọi người, mọi vật xung quanh. Và bộ não hoàn toàn không có
một chút biểu hiện hoạt động nào”. (…) Có thể là ý thức không nằm trong bộ não.
Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại
nhất thế giới. (…) Khoa học trong thời đại vật lí lượng tử không phủ nhận sự
tồn tại của các thế giới vô hình. Hoàn toàn ngược lại.”
6. Sau cái chết của thân xác, nếu linh hồn
còn luẩn quẩn ở nơi thờ cúng và chốn mồ mả thì đó là những kiếp sống của linh
hồn ngạ quỷ (quỷ đói).
Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói rõ điều này.
Bà Phan
Thị Bích Hằng, một nhà ngoại cảm nổi tiếng, cũng có đề cập và khuyên thân nhân
nên tổ chức tụng kinh, cầu nguyện trợ lực cho các linh hồn cõi khổ được siêu
thăng.
Trong
“Sự sống sau cái chết” (D Chopra) có nói rằng: “Những linh hồn bấn loạn mắc kẹt
giữa hai thế giới, và nếu những người thương yêu bị bỏ lại cứ cầu nguyện gọi
hồn, cứ đau khổ, hoặc toan tính tiếp xúc với người đã mất, linh hồn sẽ tiếp tục
xốn xang.”
7. Sự sống của chúng sinh là một diễn trình
gieo nhân-gặt quả của hành vi thân khẩu ý (diễn trình của nghiệp), trong
đó tính chất tâm ý là trọng tâm.
“Có thể nói rằng gien nghiệp là cái do chính
mỗi người tự tạo cho mình. Khi một người chết đi, thân thể vật lí của người ấy
tan hoại, nhưng cái nghiệp ấy vẫn tiếp tục di truyền qua nhiều đời sống của
người ấy”. (Nguyễn Chung Tú – giáo sư
tiến sĩ vật lí. “NS Giác ngộ số 17/1997”).
Tham khảo thêm một đoạn trong “Sự sống sau
cái chết” (Chopra):
“Tiếp theo, như người chết đuối nhìn thấy cả
cuộc đời mình trôi qua trước mắt, nghiệp của một người bung ra như chỉ gỡ khỏi
suốt, và các sự kiện của cuộc đời này diễu ngược lại qua màn ảnh của tâm trí.
Bạn thể nghiệm lại tất cả các thời điểm trọng đại từ khi sinh ra, chỉ có điều
lúc này rất sinh động và rõ ràng khiến bạn nhìn thấy chính xác từng thời điểm
có nghĩa gì. Cái đúng và sai cũng hiển hiện rõ ràng, không có sự tha thứ hay
những giải thích duy lí. Bạn chịu trách nhiệm cho mọi điều đã làm.”
8. Con người cần biết học tập (có thể tự
học) ở các tôn giáo thánh thiện và các minh triết tâm linh để tu chỉnh tâm ý;
cần biết hướng về quê hương tâm linh (có thể có nhiều tên gọi khác nhau) để
giảm bớt nghiệp chướng phiền não, tăng trưởng trí tuệ tâm linh (trí tuệ siêu
việt).
Einstein, một tên tuổi bác học hàng đầu,
từng nói rằng: Khoa học không có tôn giáo là khoa học khập khiễng. Qua phát
biểu đó, cho thấy ông nhận thức được giá trị minh triết và nhân văn lớn lao của
các tôn giáo thánh thiện.
Nhà bác
học Nga nói trong “Chúng ta thoát thai từ đâu”: “Sự sống và cái chết thay đổi
luôn là để nhanh chóng thay con người độc ác, ích kỉ và hám danh bằng một người
khác với hi vọng, sau khi con người ở Cõi kia bị thần linh “trừng phạt” sẽ đầu
thai tái sinh trở thành người tốt hơn, thiện hơn. Vì vậy có lẽ huyền thoại
về địa ngục và thiên đường có cơ sở.” Và : “Nền khoa học hiện đại đã đạt tới
tầm mức nhận thức được tôn giáo và hiểu rằng, học thuyết con người phát sinh từ
con khỉ của Đác-uyn quá thô thiển, còn tôn giáo chẳng là cái gì khác ngoài một
cách trình bày phóng dụ tri thức của các nền văn minh cổ đại.”
9. Giác ngộ là soi sáng cái “tôi” và chuyển
hoá thành trạng thái vô ngã, nhất thể; giác ngộ là từng bước trở về với sự sống
vĩnh hằng bất sinh bất diệt; tuỳ cường độ giác ngộ mà có các phẩm chất tâm linh
mang năng lượng tự lợi-lợi tha khác nhau.
“Mặc dù các trường phái đạo học phương Đông
khác nhau về nhiều chi tiết, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến tính nhất thể của
vũ trụ, đó là điểm trung tâm của mọi giáo pháp. Mục đích cao nhất của kẻ tầm
đạo - không kể Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Lão giáo - là luôn luôn tỉnh giác về
sự nhất thể và về mối tương quan của mọi pháp, vượt lên khái niệm về một cái
ngã độc lập, và tự hoà mình vào “thực tại cuối cùng” đó. Sự tỉnh giác này - có
khi gọi là “giác ngộ” - không phải chỉ là một tiến trình hiểu biết mà là một
kinh nghiệm tự nếm trải, kinh nghiệm này chiếm toàn bộ thân tâm hành giả và vì
thế có tính chất tôn giáo.” (Fritjof
Capra – giáo sư vật lí ở các đại học danh tiếng Anh, Mĩ. “Đạo của vật lí”; dịch
giả: Nguyễn Tường Bách).
“Đâu là miếng đất thuần nhất bất nhị
(non-dualism) để ta được nghỉ yên trong vui tươi và hạnh phúc? Xin dẫn lại lời
Eckhart: “Có lắm người tưởng rằng ta phải thấy Chúa y như Chúa đứng bên này,
còn ta đứng bên kia. Đâu phải vậy. Chúa với tôi chỉ là một trong động tác thấy
Chúa của tôi”. Chính trong cái “chỉ là một” tuyệt đối ấy Thiền đặt căn bản cho
đạo pháp. Khái niệm “chỉ là một” không thuộc độc quyền của Thiền; nhiều tôn
giáo, triết học khác cũng giảng chung giáo lí ấy.” (Daizets Teitaro Suzuki. “Thiền luận-quyển thượng”; dịch giả: Trúc
Thiên).
10. Để góp phần cải thiện sức khoẻ, hạnh phúc và
nâng cao mọi chất lượng tâm linh-cuộc sống, để góp phần vào sự chứng ngộ
Chân Tâm vô ngã, xin giới thiệu bài Hơi Thở Minh Triết (của tác giả).
HƠI THỞ MINH TRIẾT
(Bài thực hành)
Thở vào, cảm nhận hơi
vào
Thở ra, cảm nhận hơi
ra
Chú tâm lắng nghe hơi
thở
Vọng tâm vọng tưởng
dần xa
Toạ thiền hoặc không
toạ thiền
Miễn sao ngồi thật an
nhiên
Thở đều, hơi dài và
nhẹ
Vơi bao nghiệp chướng
ưu phiền
An định: dễ thấy cái
“tôi”
Cái khuôn tâm não
tháo lơi
Tự tri là gốc minh
triết
Tỉnh thức vô ngã
chiếu soi
Thở vào, cảm nhận hơi
vào
Thở ra, cảm nhận hơi
ra
Chú tâm lắng nghe hơi
thở
Trí tuệ tâm linh
thăng hoa
Y học có nhiều chứng
minh
Công năng của
hơi-thở-thiền
Nhân điện điều hoà cơ
thể
Năng lượng vũ trụ
diệu huyền
Vật lí có nhiều chứng
minh
Tâm năng của
hơi-thở-thiền
Lan toả duyên lành vô
tận
Thiện ích khắp nẻo
chúng sinh
Thở vào, lắng nghe
hơi vào
Thở ra, lắng nghe hơi
ra
Dần dần biết nghe
vọng tưởng
Chân Tâm cực lạc khai
hoa…
“Tự
tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc
sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng
hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất
cả”.
“Tự
tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình”.
(Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn);
Idoc.vn).
11. Thiền định, tự tri, hơi-thở-thiền,
mọi sự tu tập thăng hoa trí tuệ tâm linh, sự cầu nguyện chân chính, đó là những
hành động tích cực của tâm linh, mang năng lượng cải thiện sức khoẻ tổng quát,
thiện ích cho mình và tha nhân.
“Không còn hoài nghi gì nữa về ảnh hưởng to
lớn của năng lượng tâm thần tới cơ thể con người; mà có được trạng thái
xô-ma-chi chính là nhờ tham thiền đấy thôi.” (E. Mun-đa-sep).
“Các nhà
khoa học cũng đang quay lại và hướng sự tập trung vào việc tìm hiểu cách thức
suy nghĩ và trạng thái của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến lực từ trường bên
trong và xung quanh chúng ta. (…) Những phát hiện này có thể chứng minh cho
tuyên bố từ lâu của những người luyện thiền và những người tập luyện yoga, rằng
những sự rèn luyện này thực sự làm tăng sinh khí cho chúng ta và tiếp thêm năng
lượng cho ta.(…) Nhiều nghiên cứu khoa học đã khiến cho melatonin ngày càng
được biết đến với giá trị như một phân tử chống ung thư. (…) Thú vị là việc
luyện thiền được coi là một hành động kích thích tuyến tùng và giúp tạo ra được
đủ lượng melatonin cần thiết.” (Karen
Nesbitt Shanor - tiến sĩ sinh học. “Trí tuệ nổi trội”; dịch giả: Vũ Thị Hồng
Việt).
Tác giả
trên viết chung với John Spencer, tiến sĩ y học danh tiếng: “Các phương pháp
thiền khuyến khích sự thở sâu từ cơ hoành, được biết đến với chức năng nuôi
dưỡng các cơ quan cần thiết và làm tăng các mức độ năng lượng, tăng tỉ lệ trao
đổi chất và tái sinh các khu vực trì trệ của cơ thể.”
Đặc
biệt, hai tác giả này viết trong tác phẩm “Trí tuệ nổi trội”: “Một nghiên cứu
xuất sắc đánh giá vai trò của sự cầu nguyện (cho người khác) trong việc chữa
bệnh do bác sĩ chuyên khoa tim Randolph Byrd tiến hành đã khích lệ rất nhiều
các nghiên cứu sau đó. (…) Các nhóm tôn giáo khác nhau được cử đến để cầu
nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện (bệnh nhân không biết). (…) Các bệnh nhân trong nhóm được cầu
nguyện ở một số khu vực so sánh với những người trong nhóm không cầu nguyện: Họ
dùng thuốc kháng sinh ít hơn năm lần; họ ít bị mắc chứng phù ở phổi hơn ba lần;
không ai trong số họ cần đến ống thở (…); và có rất ít bệnh nhân trong nhóm
được cầu nguyện bị chết.”
Để dễ
hiểu vấn đề hơn, chúng ta đọc thêm một đoạn, trong tác phẩm đã nêu, của
D.Chopra: “Những người nghi ngờ khả năng tâm linh đặc dị làm ngơ trước vô số
những nghiên cứu cho thấy ý nghĩ thông thường có thể thực sự tác động đến thế
giới. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tâm trí là trường.”
12. Thiền là “tự tri-tỉnh thức-vô
ngã”, là siêu vượt khái niệm-tướng trạng, là tự do tinh thần, là sống
với ý-thức-mở; ý thức mở là tâm giải thoát, là vô sư trí, là điều
kiện để cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp cuộc sống, để Chân-Thiện-Mĩ hiện
tiền trong cuộc sống của ta.
“Tự tri là thấy mình, nhìn thấy tâm trí mình
từ giây phút này đến giây phút khác trong lăng kính của tương giao tương
hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự việc, đối với con người, đối với
những ý tưởng… (…) Đây là việc chính yếu: khi mà tôi chưa hiểu
được mình, tôi không
thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm của tôi chỉ là vô vọng hão
huyền. (…) Chính sự kiện ý thức trực tiếp về hiện thể (cái đang là) là chân lí
rồi. (…) Đừng phân tích tâm thức để tâm trí tĩnh lặng.” (Jiddu Krishnamurti – danh nhân giác ngộ. “Tự do đầu tiên và cuối
cùng”; dịch giả: Phạm Công Thiện).
“Ngộ là ngộ bằng trí tuệ, và trí tuệ phát ra
từ ý chí – ý chí muốn tự tri tự giác, và tự thực hiện trong chính nó. (…) Ta
nên ghi nhận, cái bị huỷ diệt ở đây là cái già và cái chết, chứ không phải cái
sống; vì chính xuyên qua giác ngộ cái sống ấy, lần đầu tiên, khôi phục lại tinh
thần tự do và tinh lực sáng tạo nguyên thuỷ.” (Daizets Teitaro Suzuki. “Thiền luận-quyển thượng”; dịch giả: Trúc
Thiên).
“Theo
Đạo học Đông Phương, tâm là một bản thể tĩnh lặng. Tâm như bầu trời là một
khoảng trống mênh mông, không màu sắc, không tiếng động, không quá khứ, không
tương lai. Trong khi đó tư tưởng như những đám mây vần vũ, luôn luôn di chuyển,
thay hình đổi dạng, và che khuất bầu trời. Người chứa đầy tư tưởng trong trí óc
cũng như bầu trời bị mây phủ dầy đặc. Như vậy tâm vốn an tịnh, mọi rắc rối đều
bởi trí óc mà ra. Chúng là tiến trình của những chuỗi tư tưởng đến rồi đi. Do
đó tư tưởng chỉ là cái nhất thời. Chúng không phải là ta, nhưng là những kẻ bên
ngoài tới rồi đi như những vị khách. Ta đón nhận chúng, khách tốt lẫn khách
xấu, nhưng không thay đổi vị thế chủ nhà của mình. Có nghĩa là trí biến dịch nhưng
ta vẫn tồn tại ở đây với tâm thanh khiết và đơn thuần. Vén mây để nhìn vào bầu
trời, đặc ngữ thiền gọi là “quán tâm” (nhìn vào nội tâm). Nhìn ra sự thanh
khiết của bầu trời (tâm) gọi là “ngộ” (trực giác biết không qua trí thức). Muốn
nhìn vào bên trong tâm, đơn giản chỉ là ngồi im lặng gạt bỏ mọi tạp niệm, tức
ngồi thiền. Thiền là đẩy những đám mây mù đặc để bầu trời (tâm) yên tĩnh hiện
ra.” (Đỗ Trân Duy – nhà nghiên cứu
Kitô giáo. “Thiền Kitô giáo”).
“Nhược ngộ tịch vi lạc / Thử sinh
nhàn hữu dư.” (Nếu ngộ tịch là lạc / Đời này nhàn có dư). (Vương Duy - thiền thi sĩ).
13. Tu tập thăng hoa trí tuệ tâm linh mang năng
lượng tích cực; thiện ích cho tất cả chúng sinh, cho toàn vũ trụ, cho sự nghiệp
giác ngộ chung.
E.Mun-đa-sep (“Chúng ta thoát
thai từ đâu”) cho chúng ta có ý niệm về vấn đề này. Nhà bác học này viết: “Thế
giới vi tế tức thế giới năng lượng tâm thần (thế giới tần số siêu cao) phải có
sự chuyển đổi qua lại, và có mối quan hệ tương hỗ với thế giới vật thể theo
kiểu năng lượng sóng chuyển sang dạng vật chất và ngược lại. Nói một cách khác,
phải có vật chất hoá ý nghĩ và phi vật chất hoá vật thể thành ý nghĩ. Các nhà
vật lí thường nhấn mạnh ý nghĩ có tính vật chất, và hình như điều đó đúng.”
Ông viết tiếp: “Trước mắt, nền văn minh của
chúng ta còn chưa biết sử dụng năng lượng vũ trụ. Mà năng lượng đó lại rất to
lớn. Một số nhà vật lí học hiện đại cho rằng, một mét khối Tuyệt đối có tiềm
lực năng lượng bằng công suất 40.000 tỉ quả bom hạt nhân.(…) Mà chỉ có con
người mới nắm được năng lượng này, bởi con người chính là tiểu vũ trụ của đại
vũ trụ. (…) Để nắm được năng lượng vũ trụ, người Lê-mu-ri đã sử dụng các phương
pháp vốn có ở Cõi kia. Cơ sở của các phương pháp đó (thời nay nghe thật lạ tai)
là các khái niệm giản đơn: “thiện” và “yêu thương”.
Tác giả
“Trí tuệ nổi trội” nói: “Các nghiên cứu tại trường Đại học Stanford đã chỉ ra
rằng thông qua suy nghĩ, chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp và nhịp tim
của một người ở cách xa chúng ta. Còn các nhà khoa học tại trường Đại học Princeton đã chứng minh được quá trình trao đổi thông tin
giữa hai người ở cách xa nhau hàng nghìn dặm.”
Những hiện tượng được trình bày ở trên không
khó hiểu, bởi vì cơ học lượng tử đã cho thấy rằng: “Thế nên thuyết lượng tử
trình bày cho thấy thể thống nhất của vũ trụ. Nó cho ta thấy rằng không thể
chia chẻ thế giới ra từng hạt nhỏ rời rạc độc lập với nhau. Khi nghiên cứu sâu
về vật chất, ta sẽ biết thiên nhiên không cho thấy những “hạt cơ bản” riêng lẻ,
mà nó xuất hiện như một tấm lưới phức tạp chứa toàn những mối liên hệ của những
phần tử trong một toàn thể. Những mối liên hệ này gồm luôn cả người quan sát.
Con người quan sát chính là mắt xích cuối cùng của một chuỗi quá trình quan
sát, và tính chất của một vật thể nguyên tử chỉ có thể hiểu được trong mối quan
hệ giữa vật được quan sát và người quan sát. Điều đó có nghĩa là hình dung cổ
điển về một sự mô tả khách quan thế giới tự nhiên không còn giá trị nữa.” (Đạo của vật lí; F.Capra).
14. Tự tri là soi sáng, là thấy biết cái “tôi”;
thiền định tự tri là hành động tích cực để giải thoát khỏi trạng thái bị khuôn
đúc của trí não, để giải thoát khỏi tình trạng kiến chấp vô minh.
Để
rõ hơn về tình trạng vô minh của trí não, xin nêu một phát biểu trong Vật Lí
Lượng Tử Và Ý Thức (tác phẩm Trí Tuệ Nổi Trội). Phát biểu của ngài Deepak
Chopra, tiến sĩ y khoa, từng giảng dạy ở Đại học Boston (Mĩ):
“Một vài năm
trước đây, một thí nghiệm với các con mèo con đã được các nhà khoa học tại
Trường y khoa Harward thực hiện. Ngay từ khi sinh ra, người ta đã nuôi một số
mèo trong một khu vực sơn bằng các vạch kẻ ngang; tất cả các tác nhân kích
thích thị giác trong môi trường của chúng đều nằm ngang. Một nhóm khác được
nuôi trong một khu vực với các vạch kẻ sọc thẳng, và đó là tất cả những gì mà
chúng có thể nhìn thấy. Khi những con mèo này lớn lên, trở thành những con mèo
già khôn ngoan; còn những con mèo chỉ tiếp xúc với những vạch ngang thì chỉ
nhìn thấy thế giới nằm ngang, ví dụ như chúng va đụng vào những chân đồ đạc như
thể những cái chân này không có ở đó. Những con mèo được nuôi dưỡng trong thế
giới thẳng đứng cũng gặp vấn đề tương tự với thế giới ngang. Lẽ đương nhiên
những điều này không có gì liên quan đến hệ thống lòng tin ở những con mèo này.
Khi người ta nghiên cứu trí não của chúng, một nhóm mèo sẽ không có sự nối kết
liên thần kinh để nhìn thấy thế giới ngang, còn nhóm kia cũng không có sự nối
kết liên thần kinh để nhìn thấy thế giới thẳng đứng. Sự trải nghiệm giác quan
ban đầu của những chú mèo này và cách thức chúng hiểu sự trải nghiệm đó theo nhận
thức của chúng ngay từ những ngày đầu mới sinh khi thị lực của chúng phát
triển, đã thực sự hình thành sự phân tách hệ thần kinh của chúng. Rốt cục,
những chú mèo này chỉ nhận biết được những gì mà người ta đã tạo ra cho chúng
và chúng nhận biết được lập tức.
Một số
nhà tâm lí học đã có thuật ngữ rất thú vị về hiện tượng này - họ gọi nó là “sự
cam kết nhận thức sớm”. Sớm là vì chúng ta tiến hành việc này ngay từ giai đoạn
đầu cuộc sống của chúng. Nhận thức là vì nó ảnh hưởng đến sự phân tách hệ thần kinh
mà chúng ta nhận ra hay nhận biết về thế giới. Và sự cam kết là vì nó cam kết
với chúng ta một thực tế nhất định. Một số nhà khoa học có thể nói với bạn rằng
ngay lúc này hệ thần kinh bạn đang sử dụng sẽ tiếp nhận dưới một phần tỉ của
các tác nhân kích thích hiện hữu. Các tác nhân kích thích mà hệ thần kinh của
bạn tiếp nhận được là những tác nhân tăng cường sự vận động, ý tưởng, cách hiểu
của bạn về những gì mà bạn nghĩ là tồn tại ngoài kia. Nếu bạn đã có cam kết với
thực tế thì những thứ mà tồn tại bên ngoài khung cam kết sẽ bị hệ thần kinh của
bạn loại ra, hệ thần kinh mà bạn sử dụng để tạo ra sự quan sát. Tuỳ thuộc vào
loại cơ quan thụ cảm mà bạn có, tuỳ thuộc vào loại hình các sự quan sát mà bạn
muốn tạo ra và các câu hỏi mà bạn tự hỏi khi bạn tạo ra những quan sát này, tuỳ
thuộc vào tất cả những điều đó, bạn tiếp nhận một phần giới hạn nhất định của
thực tế. Rốt cục, hệ thần kinh của con người chỉ có thể tiếp nhận bước sóng ánh
sáng từ 400 đến 750 nanomet. Và nếu chúng ta ngẫu nhiên đồng ý với các quan sát
từ các giác quan của chúng ta và sự lí giải cho những quan sát này, thì chúng
ta đã tạo ra một khuôn khổ cho những lí giải mà chúng ta thống nhất.
Chúng
tôi gọi phương pháp này là “khoa học”. Chúng tôi thường coi khoa học như là một
phương pháp khám phá sự thật khi mà trên thực tế, khoa học - như cách nó được
kết cấu và hoạt động cho đến nay - thực sự cũng chẳng phải là một phương pháp
để khám phá sự thật. Nói đúng hơn, nó là một phương pháp khám phá khung khái
niệm hiện tại của chúng ta về những gì chúng ta cho là sự thật. (…)”.
Qua phát
biểu trên, có thể tin hiểu thêm về tình trạng vô minh của tâm trí. Càng vọng
tưởng thì càng củng cố kiến chấp vô minh.
Ngày nay
nhiều công trình khoa học đã phát hiện rằng, thiền định và các phương pháp tu
tập chân chính làm thay đổi cấu trúc não theo chiều hướng tốt.
15. Sự chứng ngộ xuất sinh từ khát vọng giác ngộ
vì tự lợi-lợi tha tối thượng; chứng ngộ là sự đột chuyển (chuyển y) ở
tâm thức: ánh sáng tâm phi thời gian (tâm thấy biết vô niệm vô ngôn) hiện tiền
và soi sáng mọi tạo tác, mọi sáng tạo.
Đọc
trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Lục tổ Huệ
Năng; dịch giả: Thích Thanh Từ):
“Ngài
Pháp Hải bạch rằng: Hoà Thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời
sau được thấy Phật tánh?
Tổ bảo:
Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sinh tức là Phật tánh,
nếu chẳng biết chúng sinh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông:
biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết
chúng sinh; chỉ vì chúng sinh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sinh. Tự tánh
nếu ngộ chúng sinh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sinh; tự tánh bình
đẳng chúng sinh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sinh. (…)”.
16. Nguyện hạnh Đại thừa xuất sinh năng lực gia
trì cho tha nhân; năng lực gia trì mang công năng ý giáo nhiệm mầu.
Một trích dẫn về năng lực gia trì:
“Được gia trợ bởi năng lực của chư Phật, chư
Bồ-tát Ma-ha-tát đang ở cấp độ thứ nhất của mình (sơ địa) sẽ đạt đến Bồ-tát
Tam-ma-địa gọi là Ánh sáng đại thừa (phát quang địa), thuộc về chư Bồ-tát
Ma-ha-tát.” (Kinh Lăng Già).
17. Hiện thực giác ngộ mang phẩm tính “tam thân
nhất thể” (pháp thân-báo thân-hoá thân); vì thế chứng ngộ
Tánh Không không phải là ở trong trạng thái của sự trống rỗng vô dụng, mà chính
là Tâm Không-diệu dụng (Chân Không-diệu hữu).
Chúng ta thưởng thức một đoạn trong Thiền
Luận (quyển hạ):
“Khi
quan niệm về “Hoá thân” đó trải qua một cuộc biến thái nữa, Bồ tát đích thực là
láng giềng của chúng ta. Ngài Bồ tát ông hay Bồ tát bà cũng đi chợ mua đồ, ngài
bửa củi, ngài chép kinh, ngài làm việc trong công xưởng, ngài làm thư kí trong
văn phòng…; thời xưa bà Bồ tát thậm chí còn làm kĩ nữ.
Diễn tả
theo cách khác, điều này có nghĩa rằng Phật tính (Buddhata) có trong mỗi người
chúng ta, trong mọi chúng sinh. Chỉ khi nào nhìn thấy, chúng ta trực nhận Bồ
tát trong một hoá thân nào đó của ngài. Khi một Văn Thù, hay một Phổ Hiền, hay
một Quan Thế Âm… hiện thân trong đẳng cấp xã hội của chúng ta theo kiểu đó,
chúng ta gặp ngài Bồ tát ông hay ngài Bồ tát bà mỗi ngày và mỗi nơi trong mỗi
bước đường thường nhật của đời sống. (…) Điều cần thiết để ý thức được sự kiện
đó, để thấy phải thực hiện ra sao, chính là việc mở ra con mắt Bát Nhã của
riêng chúng ta.” (D.T.Susuki; dịch
giả: Tuệ Sỹ).
18. Giác ngộ (ở kiếp này hoặc vào các kiếp sau)
là trở về với quê hương tâm linh (tức là trở về với tự tánh nhiệm mầu, ngộ nhập
pháp giới); gặp lại vô số bạn lữ giác ngộ; tiếp tục con đường sự nghiệp tối
thượng tự lợi-lợi tha.
Trích dẫn sau đây không phải là nêu lên đúng
đắn nội dung giác ngộ, cũng không phải nhằm mục đích nuôi dưỡng vọng tưởng siêu
hình, nhưng để có chút cảm hứng giải thoát bớt trạng thái tâm chấp thân-chấp
cảnh kiên cố. Đây là trích dẫn về một hiện tượng tâm linh kì bí mà Eduard Sagalayev,
một nhà khoa học lớn của Nga, đã trải nghiệm:
“… Và
đột nhiên, trong một khoảnh khắc không ngờ, tôi thấy chính bản thân mình từ một
góc độ bên ngoài (như nhìn một người khác). Tôi thấy tôi đang ngồi ở ghế và
nghe nhạc. Sau đó, tôi bắt đầu thấy rộng ra. Thấy rõ ràng tất cả những gì xảy
ra trong các căn phòng khác, ở các căn hộ khác của toà nhà chung cư ấy, rồi
thấy rõ tất cả mọi thứ trên một đường phố gần đó. Tôi nhận thấy mình ở một kích
thước hoàn toàn khác của thực tại. (…)
(…) Tôi vẫn tiếp tục “bay
đi”. Tâm trí của tôi đã mở rộng ra rất nhiều và tôi cảm thấy mình không chỉ
trong một số không gian đa chiều, mà hiện hữu trong một thế giới đặc biệt – nơi
mà thiên hà của chúng ta trở nên ít bụi tinh vân hơn nhiều, so với các vùng
khác. Tôi cảm thấy cõi đó rất tốt, thật ấm áp và chính tại nơi đó, tôi đã gặp
lại người mẹ quá cố từ lâu của mình. Tôi không nhìn thấy
rõ khuôn mặt của bà,
nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau – không phải bằng những từ ngữ, mà bằng
thông điệp trong tim. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rõ rệt cùng lúc có hai nơi:
trong căn hộ của người bạn và đồng thời, trong một thế giới chứa đầy năng lượng
tốt lành và tràn ngập các thông tin – nơi có hàng tỉ linh hồn con người đang
bình an cư trú. Tới lúc chợt nhận ra mình đã “Trở về bản thân mình” thì thời
gian ước tính đã qua mười lăm phút… Sau sự kiện đó tôi đã từ bỏ thói hư tật xấu
không chút khó khăn mà nếu như trước kia, tôi vẫn không đủ nghị lực để từ bỏ.
(…)” (T/c Tài Hoa Trẻ số 616/2010; Hoa
Cương dịch theo Pravda).
19. Khi không ý thức cái “tôi”, khi vô minh và ảo
tưởng ngã chấp còn làm chủ hoàn toàn tâm trí, thì không thể có nhãn quan minh
triết và đạo đức nhân văn đích thực.
“Muốn chuyển hoá thế giới, chuyển hoá sự khốn
khổ, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự
hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hoá chính bản thân mình. Cuộc cách
mạng (nội tâm) phải bắt đầu được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không
phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng hay ý thức hệ nào (…)”. (J.Krishnamurti; “Tự do đầu tiên và cuối
cùng”).
20. Không có người nào không chất chứa phiền não,
không có người nào không có tâm xấu ác, vì thế rất cần có Ngày quốc tế “tự
tri-tỉnh thức-vô ngã” để định hướng cho văn hoá-giáo dục, để đánh
thức tâm trí con người, để xây dựng mẫu số chung cho ý nghĩa cuộc sống.
Tham khảo tác phẩm danh tiếng Chúng Ta Thoát
Thai Từ Đâu: “Thầy Đa-ram nói: Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài
electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác
động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm
năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu
cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên
thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra
động đất, rơi thiên thạch…
(…) Chúng ta cần nhớ
rằng, lòng thiện và tri thức sẽ thúc đẩy quá trình hiện thực hoá dự báo
tích cực về sự phát triển của loài người; còn cái ác và thói hám quyền có thể
dẫn đến thảm hoạ toàn cầu trong tương lai, kể cả ngày tận thế, hoặc tạo điều
kiện phát triển yếu tố thụt lùi, dẫn đến hoá hoang.
(…) Tôi tin rằng,
trong tương lai, những lực lượng tích cực trên Trái đất sẽ áp đảo lực lượng
tiêu cực và sẽ không có thảm hoạ toàn cầu.” (E.Mun-đa-sép).