Chương 3
Học đạo cần phải chẳng phạm phép tắc của Phật Tổ
Trí Luận nói:
Học tập sách sở bên ngoài Phật pháp như cầm dao cắt bùn, bùn không đứt mà dao bị cùn lụt. Lại như gió ánh mặt trời khiến cho mắt người ta bị tối.
Tăng lữ ngày nay chưa hiểu được nửa bổn kinh, một quyển lục, mà lại tập tành thơ văn và học các sách vở bên ngoài, thật đáng xót thương! Tuy nhiên bậc cao tăng thuở xưa học thông các môn bên ngoài, rành các sách vở , chẳng có ý gì khác hơn là xô dẹp ngọai đạo, trợ giúp cho sự giáo hóa của đạo Phật mà thôi. Vì vậy, đuổi bọn nho cuộc kiến, dẹp bọn tục sĩ thiên chấp để thành người hộ pháp cho cả trong lẫn ngoài là sự lão thông ấy vậy. Như Ðại Ðiện đối với Hàn Dũ, Minh Giáo đối với Âu Dương, đều là loại người này, há đồng với các ông Tăng tầm thường ngày nay khoe khoang tài năng, tham danh cầu lợi ư!
Xin thưa cùng hàng đạo lưu là, vật chứa có giới hạn, tuổi đời có số lượng, hãy giữ gìn dao chớ có cắt bùn, chớ đọc các sách thơ văn ngoại điển, nếu may mắn có gặp được văn tự của Phật Tổ, công phu nếu có sức thừa thì nên xem các lời dạy ấy.
Thiền sư Trí Giác nói:
Nếu chẳng bỏ dâm thì dứt hết thảy hạt giống thanh tịnh. Nếu chẳng bỏ rượu thì dứt hết thảy hạt giống trí huệ. Nếu chẳng bỏ trộm cắp thì dứt hết thảy hạt giống phước đức. Nếu chẳng bỏ ăn thịt thì dứt hết thảy hạt giống từ bi.
Như nay người học thiền đối với dâm dục, trộm cắp, rượu thịt này, mà thật suốt một đời không phạm, cũng đủ để gọi là gieo hạt giống Phật. Ngoài ra, các lỗi lầm vi tế khác cũng được dứt hết, bởi vì không phạm bốn điều kể trên là điều kiện thuận lợi khiến cho người ta thường học đạo vô tâm vậy.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
Tâm dâm chẳng trừ thì trần lao không thể nào ra được, nếu dẫu có đa trí, thiền định hiện tiền mà nếu chẳng dứt tâm dâm ắt rơi vào đường ma. Nếu người chẳng dứt tâm dâm mà tu thiền định thì như nấu cát muốn thành cơm, trãi qua trăm nghìn kiếp chỉ được gọi cát nóng. Ông dùng thân dâm cầu diệu quả Phật, dẫu được diệu ngộ cũng là dâm căn, căn bản thành dâm, luân chuyển tam đồ ắt chẳng ra được. Phải làm cho động cơ dâm của thân tâm đều dứt, tánh dứt cũng không thì đối với Phật bồ đề mới có hy vọng.
Kinh Công Ðức Viên Mãn nói:
Tỳ kheo đời mạt pháp dâm dục lẫy lừng ngày đêm, đến nỗi phạm đến trẻ nhỏ, bên ngoài tương tự như Tăng, nội tâm như ngoại đạo. Tuy nam nữ riêng có khác mà nghiệp nhân sở niệm cũng chỉ là một.
Cận cố đến nay, đệ tử thiền môn cho việc phạm nam sắc(đồng tính luyến ái nam) là thường. Thói quen theo thế tục lâu ngày thành tệ, không còn biết đó là quấy, thậm chí có người đã nhận danh dự “trí thức” mà cũng không kiêng sợ. Sao họ lại lầm lẫn điên cuồng như thế?
Thiết nghĩ: Họ đắm nhiễm nam sắc, sợi dây thân ái, tật đố ràng buộc còn hơn người trần tục đam mê nữ sắc. Phàm Sa môn lấy đại sự của Phật Tổ làm niệm thì đâu còn thì giờ mà đam mê thị dục của chốn trần tục! Trong hội của Sơn tăng tôi, chẳng cho lỡ miệng nói ra một câu chuyện đời, hà huống cùng với Sa di nhỏ tuổi nói đùa giỡn cợt.
---o0o---