Tu thiền vốn không phải là việc dễ
dàng. Nó mất rất nhiều thời gian và năng lượng. Nó cũng đòi hỏi tính chịu đựng,
sự quyết tâm và tinh thần thi hành kỷ luật. Quá trình này cần phải có tính chủ
động đối đầu với phẩm cách cá nhân (của tự thân). Những điều này lại chính là
những sự việc mà chúng ta thường hay không ưa thích làm và lúc nào cũng muốn
tránh càng xa càng tốt. Tình trạng này, theo người Mỹ, thì được gọi là “sự phán
đoán.” hay “tính sáng tạo.” Thiền định thì cần phải có “tính sáng tạo.” Có như
thế, nó sẽ có vị thế tích cực hơn khi so sánh tu thiền với việc ngồi dựa lưng
để xem truyền hình cho qua thời gian. Vậy thì, tại sao lại phải bận tâm? Tại
sao lại phải hao tốn bao thời gian và năng lực trong khi bạn có thể tự mình
hưởng thụ? Sao lại bận tâm? Rất đơn giản. Bởi vì bạn là con người. Và chỉ vì
bạn đơn giản là con người, và có thể nhận ra rằng mình đang phải hứng chịu
những điều bất toại nguyện vốn có của cuộc đời mà không thể nào tránh khỏi. Bạn
có thể làm ngơ hay đè nén nó ra khỏi sự nhận biết của mình trong một thời gian.
Bạn có thể đánh lạc hướng bản thân trong vài giờ đồng hồ, nhưng rồi nó cũng trở
lại với bạn — thông thường thì nó trở lại vào những lúc bạn không thể nào ngờ
nhất. Một cách rất thình lình, ra vẻ như khơi khơi, bạn ngồi dậy, có sẵn đó, và
nhận diện ra hoàn cảnh thật sự của mình trong đời sống.
Đó là bạn, tự mình bất chợt nhận ra
là, chính ta đã và đang hoang phí cả đời mình để chỉ có thể vượt qua cơn lốc
xoáy cuộc đời một cách vất vả. Bạn gắng sức bằng mọi phương cách để giữ sao cho
bên ngoài được ra vẻ như hoàn toàn không có vấn đề gì. Rồi trong tình trạng
khẩn cấp, chính ngay lúc đó, bạn thấy ra mọi sự việc đã và đang luôn luôn bào
mòn bên trong con người của bạn, nhưng bạn vẫn cố gắng giấu diếm cho riêng mình
biết mà thôi. Thật ra, cuộc đời của bạn không gọn gàng chút nào cả, và bạn cũng
tự biết như thế. Nhưng bạn đã che đậy điều đó một cách thật tài tình. Thật ra
bạn cũng có biết là, ở bên dưới tất cả những vấn đề không ổn kia, phải có một
phương thức khác để sống, một cách tốt đẹp hơn để nhìn vào cuộc đời, một đường
lối để có thể cảm nhận cuộc đời một cách trọn vẹn hơn. Thỉnh thoảng bạn cũng có
lúc làm được điều đó. Bạn có được một việc làm tốt, đang và được yêu đương,
thắng một cuộc chơi. Rồi trong một lúc, sự thể trở nên khác đi. Cuộc sống thì
rất là dồi dào và trong sáng, có thể làm phai mờ đi những buồn bã và tẻ nhạt
trong một lúc. Cấu trúc kinh nghiệm của bạn thì không ngừng thay đổi và bạn tự
nhũ là, “Được rồi! Bây giờ thì xong chuyện và mình sẽ có được hạnh phúc.” Nhưng
cảm giác toại nguyện đó rồi cũng mờ phai tựa như khói bay theo gió. Những gì
còn lại với bạn là sự tưởng nhớ mà thôi. Những thứ đó và sự nhận biết mơ hồ đã
nói lên một điều gì đó không ổn vậy!
Nhưng thật sự là có một lãnh vực
khác, sâu xa và nhạy cảm, vẫn luôn luôn tồn tại trong cuộc sống. Không hiểu vì
lý do nào đó, bạn lại không thể thấy được nó. Cảm giác của bạn luôn bị giới
hạn. Sự êm ái của cảm xúc giác quan luôn phân cách những hương vị ngọt ngào với
cái kinh nghiệm bạn đang có. Cho nên, bạn không thể cảm giác được đời sống một
cách thật sự. Bạn đánh mất nó hết lần này sang lần khác. Để rồi sau đó, ngay cả
sự nhận biết mơ hồ còn lại kia cũng phai mờ mất, và bạn sẽ phải quay về với cái
vỏ cũ rích ngày nào. Cuộc sống chừng như là nơi dành riêng cho những hành động
xấu, cho nên đôi lúc làm cho chúng ta cảm thấy thật là chán ngán, ê chề. Nó
thật là điên cuồng, và bạn đã bỏ ra không biết bao thời gian lặn ngụp ở tận
cùng hố thẵm, lúc nào cũng không ngừng khao khát được leo lên chỗ cao
hơn.
Vậy thì, cái gì không đúng đang xảy
ra đây? Bạn có phải là một người lập dị không? Không phải! Bạn chỉ là một con
người mà thôi. Và bạn đang chịu đựng cùng một chứng bệnh của kiếp con người,
bất cứ ai cũng phải cưu mang. Chứng bệnh ấy như là có con quái vật hiện hữu bên
trong mỗi người, và nó có nhiều tay: thói quen căng thẳng mãn tính, thiếu lòng
thương cảm chân thật đối với người khác — ngay cả những người thân cận với
chúng ta, luôn cảm thấy bị bế tắc, và căn bệnh vô cảm. Nhiều, rất ư là nhiều
cánh tay. Không một ai trong chúng ta hoàn toàn thoát khỏi sự kiềm chế của nó.
Chúng ta có thể phủ nhận con quái vật này, hay luôn luôn cố gắng đàn áp, đè bẹp
nó. Chúng ta sắp đặt ra cả một hệ thống giáo dục để tránh né nó, giả bộ như là
nó không có ở đó, và đánh trống lãng với bản thân ta bằng cách đừng nghĩ tới
nó; mà thay vào với những mục tiêu, kế hoạch và địa vị mà mình sẽ đến. Nhưng
con quái vật kia không bao giờ tự bỏ đi. Nó là một dòng tiềm lưu không dứt ẩn
hiện trong mỗi tư tưởng và nhận thức của chúng ta; một giọng nói không lời ở
trong đầu luôn văng vẳng vang lên, “Chưa đủ tốt. Phải có thêm. Cần phải hơn
thế. Phải có nhiều hơn thế nữa.” Nó là một con quái vật. Nó biểu hiện mọi nơi,
qua mọi hình thức vi tế khác nhau.
Đến dự một buổi tiệc; nghe những
giọng cười. Giọng giòn tan nói lên những điều vui vẽ bề ngoài nhưng vẫn không
che dấu được nỗi lo sợ nằm bên dưới nét ưu tư trên mặt kia. Chúng ta có thể cảm
ra được sự căng thẳng và những áp lực nặng nề. Không có ai thư giãn thật sự.
Mọi người đều làm ra vẻ như không có gì. Họ đi xem ném banh, cổ võ những vận
động viên từ các hàng ghế khán giả, chứng kiến những cơn bộc phát phẫn nộ một
cách phi lý. Họ chứng kiến hoặc dự phần vào những cơn chán nản không thể kiềm
chế, đang sôi sục bởi những kẻ đang giả vờ hăng hái dưới cái chiêu bài là đang
phấn khởi, hay có tính đoàn thể cao. La ó, phản đối và buông lung tính ích kỷ
trong danh nghĩa trung thành với tổ chức của mình. Khán giả say sưa, đấm đá lẫn
nhau. Những người này đang cố gắng một cách tuyệt vọng để làm cho vơi bớt những
căng thẳng bên trong tâm tư của chính mình. Họ là những người không có được sự
bình yên trong tâm hồn. Họ xem tin tức trên màn ảnh cho qua thời gian, nghe
những bài nhạc được nghe nhiều nhất, cho đúng phong trào. Bạn bao giờ cũng thấy
những âm giai cũ rích được lập lại nhiều lần, qua nhiều cung bật khác nhau:
Ganh tỵ, khổ sở, bất mãn, và căng thẳng.
Cuộc sống như là một trận chiến dai
dẵng chừng như vô tận, những cố gắng to lớn để chống chọi lại những sự kiện
không bình thường luôn làm cho chúng ta phân vân. Và giải pháp của chúng ta đối
với những điều không vừa lòng này là gì? Chúng ta bị kẹt cứng trong căn bệnh
bất trị, bệnh chứng “Nếu như”. “Nếu như” tôi có nhiều tiền thì tôi sẽ vui vẻ;
“Nếu như” tôi tìm gặp người thật sự yêu tôi; “Nếu như” tôi có thể giảm đi 20
cân; “Nếu như” tôi có TV màu, bồn tắm sủi bọt nước nóng, mái tóc rợn sóng, và …
Vậy chứ tất cả những ý tưởng vụn vặt này từ đâu phát sinh ra, và quan trọng hơn
nữa là, chúng ta đối xử ra sao đối với chúng? Nó phát sinh ra từ quan niệm giới
hạn đã bị điều kiện hóa trong tâm thức của chính chúng ta. Nó nằm sâu thăm
thẵm, tiềm ẩn và thấm nhập vào trong thói quen, tập quán, và vấn đề cực kỳ hắc
búa là, chúng ta đã không ngừng củng cố nó từng chút một trong quá khứ. Nếu
muốn tháo gỡ nó ra, chúng ta phải dùng theo cùng một phương cách và chiều
hướng, mở từng chút một ra. Điều chỉnh sự chú tâm của mình, nạo gở ra từng mảnh
một và đưa nó ra ánh sáng. Chúng ta có thể tạo ra sự nhận biết vô ý thức, một
cách từ từ, mỗi lần cho một tư tưởng.
Thực chất của kinh nghiệm thì luôn
luôn biến đổi. Đã gọi là biến đổi thì có tính liên tục, không ngừng. Từng phút
giây đời sống trôi qua và không có chặp thời gian nào giống với bất cứ chặp
thời gian nào khác cả. Sự biến đổi liên tục cũng chính là thực chất của thế
giới tri giác. Một tư tưởng nảy sinh ra trong đầu của bạn và chỉ trong nửa giây
thời gian sau thì nó cũng đã hoại diệt đi. Rồi tư tưởng khác phát sinh và cũng
hoại diệt đi… Một tiếng động đập vào tai của bạn rồi tắt đi. Bạn mở mắt ra và
cả bầu không gian tràn vào, nháy mắt đóng lại, tất cả điều biến mất. Con người
đi vào cuộc đời bạn và họ rời xa bạn. Bạn bè xa đi, người thân lìa trần. Sự may
mắn cũng lúc lên, lúc xuống. Đôi khi bạn có được mà thường thì bị mất mát nhiều
hơn. Dòng sống cuộc đời luôn luôn xảy ra: thay đổi.. Không có hai khoảng thời
gian nào giống nhau cả, dù cho thật ngắn.
Không có gì là sai trái cho vấn đề
này cả. Đó là bản chất vốn có của thế gian. Nhưng tập quán lại huân tập cho
chúng ta những đáp ứng không thích hợp đối với sự vận hành không ngừng này.
Chúng ta phân loại kinh nghiệm. Chúng ta cố gắng bám lấy và nhận nhét từng sự
nhận thức, từng sự thay đổi tâm lý ở trong dòng tiến triển này; đưa nó vào một
trong ba khuôn khổ tâm thức: Tốt, xấu, và trung tính. Sau đó, tùy theo nó được
phân định vào thể loại nào, chúng ta có một thái độ hành xử tương ứng theo
trạng thái tâm lý quen thuộc của mình. Nếu một nhận thức nào đó được cho là
“tốt”, thì chúng ta cố gắng nắm giữ thời gian dừng lại. Chúng ta bám chặt vào
tư tưởng đó, nâng niu nó, ôm giữ nó, cố gắng giữ nó lại càng lâu càng tốt,
không cho nó thoát đi. Khi những hành động kia không mang lại kết quả, chúng ta
đưa ra tất cả năng lực, mong sao tái tạo lại cái kinh nghiệm mà do cái cảm giác
kia gây ra. Hãy gọi cái thói quen tâm lý ấy là “chấp thủ.”
Về khía cạnh trái ngược của tâm,
cái mà đã được phân định là “xấu”. Khi cảm thấy một điều gì “xấu” là chúng ta
cố gắng đẩy nó ra xa. Chúng ta phủ nhận nó, khước từ nó, tống khứ nó bằng bất
cứ phương cách nào mà chúng ta có thể làm hay nghĩ ra. Con người thường hay đấm
đá với cảm giác của chính mình. Chúng ta trốn tránh từng phần tử nhỏ của tự
thân. Hãy gọi cái thói quen tâm lý ấy là “phản kháng.” Ở giữa của hai trạng
thái “Chấp thủ” và “Phản kháng” là trạng thái vô ký. Nơi đây chúng ta có một
loại kinh nghiệm trung tính — không tốt mà cũng không xấu. Đây là một trạng
thái mà chúng ta cho là nhạt nhẽo, vô vị, không hứng thú, hay buồn tẻ. Những
kinh nghiệm loại này được sắp đặt, để rồi chúng ta có thể lãng quên nó và quay
sang những thứ náo động hơn mà chúng ta đặt tên là “vòng sanh diệt vô tận” của
Tham muốn và Ghét bỏ. Thể loại kinh nghiệm này đã xâm chiếm gần như toàn diện
sự suy nghĩ của chúng ta. Hãy gọi trạng thái tâm lý này là “lơ đãng”. Cái kết
quả trực hệ cho tất cả hành động kém hiểu biết này là một lối mòn vô tận, đưa
chúng ta vào tình trạng không lối thoát, không ngừng tìm cầu dục lạc, không
ngừng trốn lánh khổ đau, liên tục lơ đãng hơn 90% đối với những kinh nghiệm của
mình. Để rồi sau đó, chúng ta lấy làm ngạc nhiên tại sao cuộc sống quá tẻ nhạt.
Nói cho cùng, cái hệ thống tư duy mà chúng ta đang xử dụng thật không mang lại
kết quả tốt.
Không cần biết bạn cố gắng vất vả
ra sao, hầu mong tìm cầu những hạnh phúc và thành công, nhưng vẫn có lúc bạn sẽ
phải bị thất bại. Không cần biết bạn thoát chạy nhanh nhẹn như thế nào, vẫn có
lúc khổ đau bắt kịp được bạn như thường. Và trong khoảng thời gian chạy và đuổi
kia, cuộc sống sao quá buồn tẻ đến đổi bạn có thể bị bức xúc đến muốn quát tháo
ầm ỉ lên. Tâm trí của chúng ta đầy rẫy những quan niệm và phán đoán. Chúng ta
đã dựng lên những bức tường vây quanh mình như là một ngục tù của đời sống bằng
những yếu tố yêu và ghét của chính mình. Để rồi, chúng ta bị đau khổ. “Đau khổ”
là một từ lớn trong tư tưởng Phật giáo. Nó là một thuật ngữ quan trọng cần nên
được thấu hiểu rõ ràng. Trong Phạn ngữ, “Khổ đau” không phải chỉ có nghĩa là
đau đớn nơi thân thể. Mà nó còn có nghĩa là sự bất toại nguyện từ trong sâu
thẵm của tiềm thức, là một phần tạo ra Sinh Tử luân hồi. Đức Phật từng có nói,
thực chất của đời sống là khổ đau. Thoạt đầu nghe qua có vẻ thụ động một cách
quá mức và bi quan gần như là phi lý. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng có những
khoảng thời gian vui vẽ và hạnh phúc, phải không? Không! Không hoàn toàn đúng
như thế. Nhưng trên bình diện thế gian thì có vẻ là như vậy. Hãy chọn bất cứ
khoảng thời gian nào đó, khi bạn thật sự cảm thấy thỏa ý, để nghiệm xét xem một
cách kỉ càng ra sao. Phía dưới của niềm vui kia, bạn sẽ thấy sự căng thẳng ngủ
ngầm tỏa khắp, không cần biết phút giây đó kỳ diệu ra sao, nó cũng phải có lúc
chấm dứt. Không cần biết bạn có được bao nhiêu, nó sẽ bị phân hóa đi một phần
lớn, và rồi sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối ngày, dù cho bạn có gìn giữ hay kế
hoạch để có thêm nhiều hơn. Cuối cùng thì bạn cũng sẽ chết đi, và sẽ mất tất
cả. Tất cả chỉ hiện hữu trong nhất thời mà thôi.
Nghe qua có vẻ buồn thảm quá phải
không? May mắn thay! Tình trạng không nhất định là phải như thế! Có vẻ là buồn
thảm khi bạn nhìn nó từ góc độ của tư tưởng khái niệm, ở tầng mức hoạt động của
vòng lẩn quẩn thế gian. Tiềm ẩn phía dưới là một thế giới quan hoàn toàn khác
biệt, một lối nhìn và tư duy khác đối với toàn thể. Đây là mức độ hoạt động mà
khi ấy cái tâm không muốn giữ cho thời gian đứng lại, chúng ta không vướng mắc
vào kinh nghiệm của mình trong khi nó đang vận hành, không cố gắng ngăn cản và
xua đuổi bất cứ điều gì. Đó là mức độ kinh nghiệm siêu thoát cả hai đối cực,
tốt và xấu, dễ chịu và đau đớn. Đây là một cách nhìn khoan dung để nhận biết thế
gian, và là một kỹ năng để học hỏi. Tuy đó không phải là việc dễ dàng đạt được
nhưng khả dĩ có thể tu tập được.
Hạnh phúc và Bình an. Đây chính là
những vấn đề cơ bản cho sự tồn tại nhân sinh. Đó cũng là tất cả những gì chúng
ta đã và đang luôn đi tìm. Thông thường đây là điều khó nhận thấy, bởi vì chúng
ta luôn muốn che dấu những ước muốn cơ bản này bằng những mục tiêu bên ngoài.
Con người muốn thực phẩm, tiền tài, nhục dục, tư hữu, và được tôn trọng bởi
người khác. Chúng ta thậm chí tự nhủ với mình rằng, quan niệm về ‘hạnh phúc’
thì quá trừu tượng: “Này nhé! Tôi thì rất thực tế. Chỉ cần tôi có đủ tiền bạc
thì tôi sẽ mua được tất cả hạnh phúc tôi cần.” Thật là không may, cái quan điểm
này không mang đến hiệu quả gì cả. Kiểm nghiệm lại xem những mục đích này và
bạn sẽ thấy chúng thật là thiển cận. Bạn muốn thực phẩm à? Tại sao? Bởi vì tôi
đang bị đói. Bạn đang đói thì sao? Nếu tôi ăn, tôi sẽ hết bị đói và tôi sẽ cảm
thấy thoải mái. À ha! Cảm thấy thoải mái! Đây mới là điểm chính. Những gì chúng
ta thật sự đi tìm, thì không phải là những mục tiêu ở bên ngoài mà là một cuối
điểm khác. Những gì chúng ta thật sự đeo đuổi là cảm giác của sự thư thả, là
động lực đưa ta tới cảm giác thỏa mãn. Thư thả, buông lỏng, chỉ là điểm tận
cùng của sự căng thẳng. Còn an bình, hạnh phúc chính là trạng thái không còn có
sự khát khao nữa.
Vậy thì hạnh phúc này là cái gì?
Phần lớn trong chúng ta, hạnh phúc trọn vẹn có nghĩa là có được tất cả những gì
mà ta mong muốn, có được quyền kiểm soát mọi thứ, có quyền hành như một vị vua,
làm cho cả thế gian thay đổi theo cơn hứng khởi của mình. Một lần nữa, những
điều này cũng không phải là giải pháp công hiệu. Nhìn lại lịch sử nhân loại,
những nhân vật có được loại quyền lực tối thượng này, họ không phải là những
người có hạnh phúc. Sinh hoạt sống cho ta thấy rằng họ không phải là người có
sự bình an trong tự thân. Tại sao vậy? Bởi vì họ nghĩ là họ có quyền lực áp chế
toàn thể thế giới một cách tuyệt đối, nhưng rõ ràng là không phải thế. Họ muốn
mọi người phải phục tùng họ, nhưng trên thế gian bao giờ vẫn luôn luôn có những
người không thích phục tùng kẻ khác. Họ cũng không thể điều khiển những tinh
hà. Họ vẫn bị bệnh và vẫn phải chết.
Bạn không thể nào có được tất cả
những gì mình muốn. Đó là điều không thể nào xảy ra. May mắn thay, còn có một
sự chọn lựa khác. Bạn có thể học cách kiểm soát tâm của mình, để có thể tách
rời cái vòng lẩn quẩn của Tham lam và Si mê. Có thể học cách không tham cầu
những gì mình muốn, học cách nhận biết lòng tham lam và không để cho nó điều
khiển bạn nữa. Điều này không có nghĩa là, bạn sẽ nằm trên lối đi để mời gọi
mọi người chà đạp lên thân xác của mình. Nó có nghĩa là, bạn vẫn tiếp tục sống
một đời sống bình thường, nhưng sống với một nhân sinh quan mới và khác hơn.
Bạn vẫn làm những gì một con người cần phải làm, nhưng không còn bị ám ảnh, hay
có xu hướng bị tác động bởi chính lòng tham lam của mình nữa. Bạn vẫn có thể
muốn một điều gì đó, nhưng không cần phải đeo đuổi nó, vẫn có thể còn sợ thứ gì
đó, nhưng không cần phải đứng đó mà chịu trận. Những thái độ tâm lý như thế này
thì rất khó thực hiện. Nó cần rất nhiều thời gian huấn luyện để đạt đến. Nhưng
muốn điều khiển tất cả thế gian thì “không thể nào”. Khó khăn thì khả dĩ có thể
thực hiện nếu so sánh với “không thể nào”, phải không?
Xin vui lòng đợi một chút. Nói đến
“Bình an” và “Hạnh phúc”, đó không phải là những gì mà nền văn minh nhân loại
luôn hướng về hay sao? Chúng ta tạo dựng nên những kiến trúc đồ sộ như là cao
ốc, xa lộ cao tốc, có những cuộc nghĩ hè, truyền hình nhiều màu, những phúc lợi
như là y thuật trị liệu, ngày nghỉ bệnh, trợ cấp xã hội, trợ cấp lợi tức, v.v…
Tất cả những thứ đó đều nhằm mục đích cung cấp một chừng mực nào đó về “Bình
an” và “Hạnh phúc” cho con người. Nhưng mức độ về bệnh tinh thần vẫn tăng
trưởng đều đặn và tệ nạn xã hội vẫn leo thang vượt bậc. Đường phố vẫn tràn ngập
kẻ phạm tội và kẻ quá khích. Khi bạn ra khỏi nhà, chỉ trong một phút giây không
cảnh giác, là có thể có kẻ nào đó giật đi chiếc đồng hồ đang đeo trên tay của
bạn. Luôn luôn có điều gì đó không ổn đang chờ trực. Một người đang vui vẻ thì
không thể nào có động cơ đi giết hại kẻ khác. Chúng ta thích nghĩ là, cái xã
hội này đang tận dụng mọi tiềm năng của con người để đạt được hòa bình và hạnh
phúc. Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận thức ra là, con người đã phải trả một cái
giá quá lớn — bằng mảnh tâm linh và tình cảm của nhân loại — cho sự phát triển
vượt bậc trên lãnh vực vật chất. Và chúng ta vẫn còn đang tiếp tục trả thêm vào
cái giá cho sự sai lầm ấy. Tiêu biểu cho điều cần phải nói là tình trạng thoái
hóa đạo đức và suy đồi tâm linh của xã hội Hoa kỳ ngày nay, và có nhiều vấn đề
cần phải giải quyết trong phạm trù này. Nơi mà có thể bắt đầu tốt nhất là phần
tâm linh của chúng ta. Nhìn vào bên trong một cách cẩn trọng, thành thật và
khách quan, mỗi người trong chúng ta sẽ thấy có lúc “Tôi là một kẻ côn đồ” hay
là “Tôi là một người điên rồ.” Chúng ta sẽ học để thấy những phút giây này,
nhìn chúng một cách rõ ràng, trong sáng, mà không có sự kết tội, để rồi chúng
ta sẽ trưởng thành hơn và sống tích cực hơn.
Bạn không thể nào tạo ra những đổi
thay triệt để về lối sống rập khuôn của mình, cho đến khi nào, bạn bắt đầu thấy
được bản thân của mình một cách tường tận như những gì bạn-đang-là. Cho đến bao
giờ bạn làm được điều này, sự đổi thay sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên. Bạn không
cần phải tự cưỡng ép, hay đấm đá, hay tuân thủ theo những luật lệ của một đấng
thẩm quyền nào đó đang điều khiển bạn. Sự đổi khác tự động xảy ra, thế thôi! Nó
rất là tự nhiên. Nhưng đi đến trạng thái kinh nghiệm trực giác lần đầu tiên là
một việc làm rất ư là gian nan. Bạn phải thấy ra là: “bạn là ai?” và “bạn ra
sao?” mà không có một ảo tưởng, phê phán hay sức đề kháng nào cả. Bạn phải thấy
được vị trí và chức năng thật sự của mình trong guồng máy xã hội trong phút
giây hiện tại. Thấy ra được chức nghiệp và bổn phận của mình đối với mọi người
chung quanh; và trên hơn cả, trách nhiệm đối với chính mình như là một cá nhân
đang sinh tồn chung với những phần tử cá nhân khác. Cho nên, bạn phải thấy tất
cả một cách rõ ràng và như là một khối, một cấu trúc đơn giản với đầy những mối
tương quan bên trong. Nghe qua có vẻ rất phức tạp, nhưng nó thường xảy ra trong
một khoảnh khắc thời gian. Thái độ tâm linh này — để nhận biết ra những điều
trên — thì không có bị kình chống gì với thiền định, trong quá trình giúp cho
bạn đạt được sự hiểu biết hay trạng thái tĩnh lặng.
Trong Kinh điển Phật giáo đã lưu
truyền nhiều ngàn năm qua có ghi lại: “Chúng ta ngày nay ra sao là cái kết quả
của những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Chúng ta sẽ là những gì trong ngày
mai chính là kết quả của những gì chúng ta đang làm trong hôm nay. Cái hậu quả
của cái tâm bất thiện sẽ theo bạn như cổ xe theo con bò đang kéo nó. Cái hậu
quả của cái tâm thiện sẽ theo bạn như bóng theo hình. Không một ai có thể làm
khác hơn cho bạn ngoài cái tâm thiện lành của chính mình — không phải cha mẹ,
người thân, bạn bè, hay bất cứ một ai khác. Cái tâm được huấn luyện tốt sẽ mang
lại hạnh phúc.”
Thiền định dùng để thanh lọc tâm.
Nó làm sạch cái quá trình tư duy của những gì được gọi là tâm lý khó chịu, những
trạng thái như: Tham, Ghét và Ganh tỵ, những thứ làm cho cảm giác của con người
bị bế tắc. Thiền định mang đến cho tâm một trạng thái tĩnh lặng và tỉnh giác,
một trạng thái Thiền Định và Tuệ giác.
Trong xã hội ngày nay, con người
tin tưởng sâu sắc vào nền giáo dục. Ai cũng tin rằng, giáo dục tạo ra những con
người có trình độ văn hóa. Tuy thế, nền văn minh cũng đánh bóng con người một
cách rất hời hợt. Xét lại có phải hay không, chính những người lãnh đạo có
trình độ văn hóa cao đã tạo ra chiến tranh và sự suy sụp kinh tế qua các chiêu
bài cao thượng, cải cách, thi hành pháp luật. Có sự khác biệt rất lớn trong lề
lối tuân thủ luật lệ. Một mặt, bởi vì một người biết ra — qua kiến thức, hình
tượng hóa — trước được sự bị trừng phạt, cho nên sợ cái hậu quả nếu không tuân
theo lề luật. Còn mặt kia, là vì bởi người đó đã thanh lọc bản thân không để bị
ô nhiễm do Tham lam; chính lòng tham đã tác động một cá nhân có hành động trộm
cướp, ganh ghét, hay sát sinh. Ném một cục đá vào dòng nước, dòng nước chỉ gợn
lên cơn sóng rồi sẽ phẳng lặng dần, nhưng bên trong viên đá kia thì không có gì
thay đổi. Nếu ném viên đá ấy vào trong lò luyện kim, cả viên đá sẽ biến đổi từ
trong ra ngoài. Nó bị tan chảy. Văn minh thay đổi con người ở bề mặt bên ngoài,
còn thiền định làm mềm con người từ bên trong, xuyên suốt.
Thiền định còn được gọi là vị thầy
vĩ đại. Nó là một ngọn lửa chuyên dùng để tinh lọc những kim loại, tuy chậm
nhưng có kết quả rất hữu hiệu. Sự hiểu biết càng thấu đáo bao nhiêu, thì bạn có
chừng bấy nhiêu sự linh hoạt và sự chịu đựng. Sự hiểu biết càng sâu rộng bao
nhiêu, thì lòng thương cảm nơi người tu thiền càng lan rộng bấy nhiêu. Bạn trở
thành bậc cha mẹ hoàn hảo hơn, một người thầy lý tưởng hơn, sẵn sàng tha thứ và
khoan dung đối với người khác. Bạn cảm thấy thương yêu và cảm thông người khác
nhiều hơn. Bởi vì bạn đã hiểu được chính mình, cho nên cũng hiểu được người
khác. Khi đã nhìn thật sâu vào bên trong và đã thấy được lòng tự kỷ ám thị,
cũng như những nhược điểm của chính mình, bạn sẽ thấy ra lòng nhân đạo vốn có,
để rồi học làm sao thành thật tha thứ và thương yêu. Khi đã học được lòng
thương cảm đối với chính bản thân, thì lòng thương cảm đối với người khác tự
nhiên phát sinh. Một thiền giả hoàn hảo thì đã đạt đến sự hiểu biết thâm sâu về
cuộc đời và người ấy sống trong thế gian với lòng từ bi bao la, vô biên.
Thiền định cũng giống như canh tác
trên một mảnh đất mới. Muốn biến một mảnh rừng hoang thành một thửa đất trồng
trọt, thì trước hết bạn phải san bằng hết cây và bứng hết các gốc. Rồi sau đó
mới xới đất, bón phân, rãi mầm và chăm sóc cả mùa màng. Để vun trồng tâm, trước
tiên bạn phải dọn dẹp hết tất cả những sự bực dọc, cáu kỉnh trên con đường tu
tập của mình, nhổ bậc tất cả gốc rễ để chúng không còn đâm chồi ra nữa. Bón
phân có nghĩa là bạn cho vào năng lượng và kỷ luật vô mảnh đất tâm. Kế đến bạn
rãi mầm và chăm sóc mùa màng bằng niềm tin, giới hạnh, chánh niệm, và trí tuệ.
Xin đặc biệt lưu ý, niềm tin và
giới hạnh ở đây có ý nghĩa khác biệt trong hoàn cảnh này. Đạo Phật không tán
thành niềm tin theo nghĩa bóng, là tin vào một đấng thần linh nào đó đã được
ghi lại trong kinh sách, hay được gán cho bởi các nhà tiên tri, hoặc được
truyền đạt đến bạn qua một thẩm quyền nào đó. Ở đây, nó chỉ có nghĩa là tự tin
vào khả năng vốn có của chính mình. Nhận xét ra điều gì đó là có thật; bởi vì
bạn đã thấy nó khi nhận xét nhiều khía cạnh trong tâm mình. Cùng lý luận đó,
giới hạnh không phải là lề lối tuân thủ lễ nghi bên ngoài, hay những áp đặt
trong phong cách xử thế. Mục đích của thiền định là sự biến chuyển cá nhân. Cái
“tôi” đi vào kinh nghiệm tĩnh lặng ở đầu này thì không giống cái “tôi” đi ra ở
đầu kia. Các tính chất của bạn đã bị thay đổi qua quá trình cảm ứng bén nhạy
hơn, bởi vì bạn đã phát triển, nâng cao tầm mức cảnh giác về tư tưởng, lời nói,
và hành động của mình. Sự ngạo mạn của bạn sẽ bị bốc hơi và lòng thù nghịch
cũng bị đốt cháy. Tâm trở nên lắng đọng và yên tĩnh hơn, và đời sống của bạn sẽ
được bình thản hơn trước kia. Do đó, tu tập thiền định đúng đắn sẽ trang bị tốt
hơn cho thiền giả, khi đối mặt với những thăng trầm của đời sống. Nó giúp giảm
bớt căng thẳng, sợ hãi, và lo âu. Nổi bất an giảm xuống, niềm thống khổ cũng
vơi nhẹ đi. Mọi thứ bắt đầu đi vào quỹ đạo và cuộc đời của bạn lướt đi thay vì
phải vật vả. Tất cả những điều này xảy ra không ngoài sự hiểu biết đúng đắn
theo chánh pháp.
Tu thiền sẽ phát triển mạnh khả
năng tập trung và suy nghĩ. Sau đó, từng phần một, sự vận hành và kết cấu của
tiềm thức trở nên ngày càng rõ ràng hơn đối với bạn. Trực giác sẽ lớn mạnh lên
dần. Chất lượng tư duy tăng lên và dần dần bạn có được trí tuệ trực giác về
những pháp tạo nên do điều kiện, nhận biết chúng như-nó-là, mà không có sự phán
đoán và phân biệt. Cho nên chỉ lý do này cũng đủ để bận tâm phải không? Đúng
thế. Đây chỉ là những hứa hẹn trên lý thuyết mà thôi. Vì vậy, chỉ có một cách
duy nhất để chứng minh thiền định có giá trị xứng đáng cho sự phấn đấu là: Học
phương pháp đúng để rồi thực hành. Tự mình nhận định lấy.