Đề tài trong quyển sách này là phương pháp tu tập Thiền
Minh Sát Tuệ. Xin lập lại ở đây “Tu Tập”. Đây là một cẩm nang hướng dẫn tu
Thiền Tuệ, là quyển sách chỉ dẫn từng bước công phu để đạt đến Tuệ giác. Điều
này cũng có nghĩa là thực hành, là thực dụng. Đã có nhiều quyển sách bao hàm về
Phật giáo, trên lãnh vực Triết học và lý thuyết về tu Thiền Phật giáo. Nếu vị
nào có hứng thú về phạm trù này, chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc những cuốn
sách đó. Phần nhiều những quyển sách này được viết rất xuất sắc. Còn quyển sách
mà bạn đang cầm trên tay, diễn giải cách thức “làm như thế nào”. Nó được viết
cho những ai thật sự muốn tu tập thiền, và đặc biệt nhất là những người muốn
bắt đầu ngay bây giờ. Thật ra ở Hoa kỳ hiện nay có rất nhiều giáo thọ tốt, đang
tu và dạy tu thiền Phật giáo theo truyền thống. Ý định của chúng tôi là cung
cấp cho bạn những gì cần thiết để bắt đầu. Những ai thực hành theo sự hướng dẫn
trong quyển sách này, mới có thể biết được là có kết quả hay không. Khi thật sự
tu tập một cách liên tục và siêng năng, người ấy mới nhận ra cái kết quả mình
đạt được. Không một quyển sách nào khả dĩ có thể bao gồm hết tất cả mọi vấn đề
mà một người tu thiền gặp phải. Bạn rồi đây sẽ cần phải gặp một người thầy có
đủ năng lực để hướng dẫn triệt để hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại,
những điều cơ bản và sự hiểu biết rõ ràng những gì diễn tả trong quyển sách
này, cũng đủ giúp bạn đi một đoạn đường rất xa.
Có rất nhiều phương pháp tu thiền. Mỗi truyền thống tôn
giáo lớn đều có một vài phương pháp tu tập mà họ gọi là sự trầm tư hay thiền
định, và từ ngữ này thường hay bị dùng một cách rất lỏng lẻo. Xin vui lòng hiểu
rằng, trong quyển sách này đề cập đến Thiền Minh Sát là phương pháp tu tập theo
truyền thống của Phật giáo ở miền Nam và Đông Nam Á châu. Pháp tu này
thường hay được gọi là Thiền Tuệ, vì bởi mục đích của đường lối tu thiền này
là, giúp cho hành giả có được Tuệ giác về bản chất của sự thật và sự hiểu biết
xác thực về sự vận hành của mọi hiện tượng.
Đạo Phật trong cách nhìn tổng quát, thì rất ư là khác biệt
so với các tôn giáo thần học khác, mà người phương Tây đã từng biết qua. Phật
Giáo thì giống như là một cánh cửa trực tiếp mở tới lãnh vực tâm linh hay
thiêng liêng mà không có sự liên đới hay trợ giúp của một vị thần linh nào cả.
Cái phong cách của đạo Phật thì rất là giản dị, rõ ràng: chỉ là một quá trình
xem xét liên tục không ngừng về hiện thực; một sự khảo xát tỉ mỉ về tiến trình
nhận thức ngay trong hiện tại. Với mục đích là chỉ rõ ra tính nguỵ tạo và sự thiếu
hiểu biết trong cách nhìn thế gian của chúng ta, để rồi lột trần ra bộ mặt thật
của sự thật rốt ráo. Thiền Minh Sát là một phương pháp cổ xưa và hoàn hảo nhất
cho mục đích này.
Trường phái Phật giáo nguyên thủy trình bày cho chúng ta
một đường lối hữu hiệu dùng để khám phá đến tầng lớp sâu kín của tâm, tận nơi
gốc rễ cái bản chất của Ý thức. Nó cũng cung cấp một hệ thống nghiêm chỉnh đúng
mức về nghi lễ. Truyền thống tốt đẹp này được nung kết theo lối hòa nhập vào
tập quán của từng địa phương trong suốt 2,500 năm ở miền Nam và Đông nam Á châu.
Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ cố gắng tách biệt phần
cơ bản chủ yếu và phần phụ thuộc, để hầu mong diễn đạt thực chất của vấn đề một
cách rõ ràng mà vẫn không đánh mất đi tính trung thực của nó. Những đọc giả nào
có khuynh hướng về lễ nghi thì nên nghiên cứu phương pháp tu tập Phật giáo
nguyên thủy trong những quyển sách khác, và họ sẽ tìm thấy ra một hệ thống nghi
thức to lớn với đầy nét phong tục tính, mà vẫn bảo tồn rõ nét truyền thống bản
xứ trong phong cách nghi lễ. Còn ở đây, với khuynh hướng đơn giản để áp dụng
những phương cách vào những hoàn cảnh thay đổi của tư tưởng và cảm giác khi
hành giả cần. Thực hành là cứu cánh. Sự khác biệt giữa Thiền Minh Sát và những
pháp môn thiền khác thì rất ư là quan trọng và cần phải được thấu hiểu rành rẽ.
Đạo Phật chỉ ra rõ hai hệ phái lớn của Thiền. Chúng có sự khác biệt về khả năng
tinh thần, sự vận hành hay tác động của Tư tưởng. Theo Kinh Tạng Pali, chúng
được gọi là “Thiền quán” hay “Thiền Minh Sát Tuệ” và “Thiền Chỉ”.
“Thiền Minh Sát” có thể phiên dịch là “Trí tuệ”, một sự
tỉnh giác rõ ràng và xác thực về những gì đang xảy ra trong lúc này. “Thiền
Chỉ” có thể chuyển dịch là “Tập trung” hay “Tịch tĩnh”. Đó là một trạng thái mà
tâm đã được đưa vào cảnh giới Định, chỉ tập trung vào một đề mục và không còn
trôi dạt lang thang trong lúc đó. Khi đạt được lãnh vực này, một sự tĩnh lặng
xuyên suốt thấm nhập khắp thân và tâm, một trạng thái tịch tĩnh cần phải được
kinh nghiệm và thông suốt rõ ràng. Phần lớn các dòng thiền đều nhấn mạnh về bộ
phận “Định” này. Hành giả nhiếp tâm vào đề mục, chẳng hạn như lời cầu nguyện,
một vật thể nào đó, tụng một thời kinh, ngọn lửa của một cây nến, một hình
tượng của tôn giáo, và loại trừ tất cả tư tưởng cùng khái niệm ra khỏi Ý thức.
Kết quả của buổi tọa thiền là một trạng thái hạnh phúc tuyệt vời cho đến khi
xuất thiền. Đây là một trạng thái rất tốt đẹp, thú vị và quyến rũ, nhưng nó chỉ
có tính cách tạm thời thôi. Thiền quán thì đặt phần quan trọng vào bộ phận
khác, “Trí Tuệ.”
Hành giả tu Thiền Minh Sát dùng sự tập trung của mình như
là loại dụng cụ, để cho sự chú tâm có thể đục bể từng mảnh cái bức tường ảo
tưởng; bức tường này đã từ bấy lâu nay vẫn luôn che lấp ánh sáng sự thật về đời
sống. Quá trình này sẽ dần dần làm sự chú tâm mạnh dần lên và đến gần thêm hơn
với bản chất của sự thật. Đây là một tiến trình cần rất nhiều thời gian, nhưng
nếu duy trì bền bỉ và liên tục thì một ngày nào đó, hành giả có thể xuyên thấu
cái bức tường kia và làm cho nó xụp đổ dưới ánh sáng của phút giây hiện tại.
Cái quá trình biến đổi đến đây coi như là hoàn tất. Lãnh vực này còn được gọi
là “giải thoát”, và nó thì vĩnh hằng. Sự giải thoát là mục đích tối hậu của mọi
pháp tu trong bất cứ pháp thừa nào của đạo Phật. Nhưng đường lối để đạt đến cứu
cánh thì thật là đa dạng.
Có nhiều sự khác biệt to lớn giữa các tông phái trong Phật
giáo. Nhưng tựu trung được xếp loại vào hai Tông phái chính — Đại thừa và
Nguyên thuỷ. Đại thừa Phật pháp thì phổ biến lan tràn qua các vùng Đông Á, tạo
nên nền văn hóa của Trung hoa, Hàn quốc, Nhật bản, Trung Á Nepal, Tây tạng và
Việt Nam. Nhánh được biết rộng rãi nhất trong Đại thừa là Thiền Tông, dòng này
được thực hành rộng rãi ở Nhật bản, Hàn quốc, Việt nam và Hoa kỳ. Phật giáo
Nguyên thủy tồn tại về phía Nam
và Đông Nam Á, lan tràn và phổ biến ở những quốc gia như Miến điện, Thái lan,
Lào, Miên. Trong quyển sách này, chúng tôi phổ cập theo đường lối tu tập của
Phật giáo Nguyên thủy.
Tài liệu về truyền thống Nguyên thủy đều diễn đạt cả hai
phương pháp về Thiền Chỉ (tập trung và tâm tĩnh lặng) và Thiền Quán (Tuệ giác
và Tỉnh giác). Có 40 đề mục được dẫn giải trong tài liệu Pali. Chúng được đề
nghị như là những đối tượng tập trung và là đề tài cho sự xem xét để dẫn đến
Tuệ giác (kinh nghiệm trực giác). Nhưng đây chỉ là sổ tay căn bản, và chúng tôi
chỉ hạn chế sự bàn luận về tầm mức quan trọng của những đề mục này — Hơi thở.
Quyển sách này là phần giới thiệu về sự đạt được khả năng Chánh niệm qua sự chú
ý vừa phải, và hiểu biết rõ ràng về cả tiến trình của sự thở. Dùng hơi thở như
là điểm chú ý chính, thiền giả áp dụng sự quan sát vào toàn bộ những gì đang
vận hành trong Tri giác. Hành giả học nhìn sự thay đổi đang xảy ra trong tất cả
kinh nghiệm sinh lý, cảm giác và quan niệm. Người ấy học hoạt động của sự kiện
tâm lý và lề lối biến chuyển trong bản chất của Tri thức. Tất cả những thay đổi
này luôn luôn xảy ra liên tục không ngừng và hiện hữu trong mỗi phút giây kinh
nghiệm trong đời sống của chính mình.
Tu thiền là một phương thức sống, một phương thức kinh
nghiệm tự nhiên (vốn có). Phương pháp này không thể nào được dạy như là một môn
học trong học đường. Cái tâm điểm của phương pháp dạy phải xuất phát từ kinh
nghiệm tự thân của người thầy. Tuy nhiên, vẫn còn có cả một khối giáo lý khổng
lồ về đề tài này, nó vốn là sản phẩm đã được để lại của bậc trí tuệ, toàn giác
trong lịch sử nhân loại. Những tài liệu này rất đáng giá cho mọi người nghiên
cứu. Điểm quan trọng nhất trong cuốn sách này được trích dẫn ra từ Tam Tạng
kinh điển (Tipitaka), đây là ba Tạng kinh bao gồm những gì đức Phật đã dạy khi
ngài còn hoằng pháp độ sinh. Tam Tạng luận gồm có Luật Tạng (Vinaya), nói lên
những điều luật dành cho những tu sĩ Phật giáo và phật tử; Kinh Tạng (Suttas),
ghi lại những bài giáo pháp của chính đức Phật dạy; và Luận Tạng, là toàn bộ Vi
Diệu Pháp (Abhidhamma) bao gồm tất cả những Triết lý và Tâm lý học Phật giáo.
Vào thế kỷ thứ nhất, có một học giả Phật giáo
nổi danh là Ưu-bà-đế-tu (Upatissa) đã viết quyển “Con đường giải thoát”
(Vimuttimagga), mà trong đó tác giả đã tóm lược lời dạy của đức Phật về pháp tu
Thiền. Cho đến thế kỷ thứ 5th, một học giả Phật giáo uyên thâm khác, ngài Phật
Âm (Buddhaghosa), cũng đã viết một luận thuyết về lãnh vực này — Thanh Tịnh Đạo
(Visuddhimagga) là quyển sách có tiêu chuẩn cao về thiền định, giá trị cho mãi
đến ngày nay. Những vị thầy dạy tu thiền thời hiện đại, tùy thuộc vào Tam Tạng
kinh điển và vào những kinh nghiệm của chính mình. Mục đích của chúng tôi ở đây
là trình bày cho bạn một đường lối rõ ràng, xúc tích về Thiền quán qua Anh ngữ.
Nhưng quyển sách này chỉ mời gọi bạn bước vào ngưỡng cửa mà thôi. Phần còn lại
là tùy thuộc vào bạn có chịu cất những bước đầu tiên hay không, trên con đường
khám phá ra “bạn là ai” và tất cả những thứ đó có ý nghĩa là gì. Đây là một
cuộc hành trình xứng đáng cho chúng ta vấn thân vào. Chúng tôi chúc bạn được
thành công.