PHẦN 3
"Tuyệt đối đừng làm gì, và
cứ xem hơi thở êm dịu, đẹp đẽ và phi thời gian xảy ra như thế nào."
Phần 1 và 2 mô tả bốn giai đoạn
đầu của sự hành thiền. Đó là:
1) Chú tâm vững bền vào thời khắc hiện tại.
2) Giác niệm tĩnh lặng vào thời khắc hiện tại.
3) Giác niệm tĩnh lặng trong hiện tại về hơi thở
4) Hoàn toàn chú tâm vững bền vào hơi thở.
Mỗi giai đoạn cần được tập luyện
và phát triển đầy đủ, trước khi bước sang giai đoạn kế tiếp. Khi một người quá
vội vàng đi lướt qua các "giai đoạn xả ly" này, người ấy không thể
nào đạt đến các giai đoạn cao hơn. Cũng tựa như xây cất ngôi nhà lầu cao với
một nền móng không đủ vững chắc. Tầng thứ nhất được xây quá nhanh, và tầng thứ
hai, thứ ba cũng vậy. Đến khi xây thêm tầng thứ tư, cả kiến trúc bắt đầu thấy
lung lay. Khi gắng xây thêm tầng thứ năm, cả ngôi nhà đổ sập xuống. Vậy, xin
hãy dành thật nhiều thì giờ cho bốn giai đoạn tiên khởi, làm cho chúng thật
kiên cố và vững chắc, trước khi bước sang giai đoạn thứ năm. Bạn phải có đủ khả
năng để duy trì giai đoạn thứ tư, "hoàn toàn chú tâm vững bền vào hơi
thở", theo dõi mỗi lúc của hơi thở, không gián đoạn lần nào, trong hai
hay ba trăm hơi thở luôn một loạt, một cách thật thoải mái. Tôi không nói là
phải đếm hơi thở trong giai đoạn này, nhưng tôi chỉ đưa ra một ước tính
về khoảng thời gian mà thiền sinh cần an trụ trong giai đoạn thứ tư, trước khi
tiến xa hơn. Trong việc hành thiền, kiên nhẫn bao giờ cũng là phương cách nhanh
nhất!
Giai đoạn thứ năm được gọi là "hoàn
toàn chú tâm vững bền vào hơi thở tuyệt đẹp". Thông thường,
giai đoạn thứ năm trôi chảy một cách tự nhiên, thông suốt, từ giai đoạn trước.
Khi thiền sinh hoàn toàn chú tâm thể nghiệm hơi thở, một cách liên tục thoải
mái và không có điều chi làm gián đoạn dòng chảy giác niệm, hơi thở sẽ trở nên
êm dịu. Từ dạng thô kệch, tầm thường, hơi thở biến thành êm dịu, an hòa và
"tuyệt đẹp". Tâm nhận ra ngay hơi thở tuyệt đẹp đó và thích thú với
nó. Tâm thể nghiệm được một sự hài lòng sâu sắc. Tâm hoan hỷ, chỉ ở đấy để quan
sát hơi thở tuyệt đẹp này. Tâm không cần phải bị thúc dục hay ép buộc. Nó tự ý
an trụ nơi hơi thở tuyệt đẹp. "Bạn" chẳng cần làm gì cả. Nếu
bạn cố thử làm chút gì vào giai đoạn này, bạn sẽ khuấy rối toàn bộ tiến trình,
sự đẹp đẽ sẽ bị mất ngay; cũng tựa như trong trò chơi "con rắn và cái
thang", bạn lọt vào ô vuông "đầu rắn" thì bạn phải trở ngược lại
nhiều ô vuông ở phía sau. "Tác nhân" (người làm, người
tạo tác) cần phải biến mất từ giai đoạn hành thiền này trở về sau, chỉ còn "Tri
nhân" (người nhận biết) đang quán sát một cách thụ động.
Có một xảo thuật tốt để giúp ta
đạt đến giai đoạn này, là phá vỡ sự im lặng nội tại, chỉ một lần thôi, bằng
cách nhẹ nhàng tự nhủ: "Hãy êm dịu!". Chỉ thế thôi! Ở giai đoạn này
của sự hành thiền, tâm thường rất nhạy cảm, đến nỗi chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng
như thế, cũng đủ khiến cho tâm tuân theo chỉ thị một cách ngoan ngoãn. Hơi thở
dịu lại, và hơi thở "tuyệt đẹp" liền khởi lên.
Khi bạn đang thụ động quán sát
hơi thở tuyệt đẹp trong thời khắc này, sự nhận biết về hơi thở vào, hơi
thở ra, hoặc hơi thở ở đoạn đầu, đoạn giữa, hay đoạn cuối, kể như đã được cho
phép biến mất. Những gì đang được hay biết chỉ là sự thể nghiệm về hơi thở
tuyệt đẹp đang diễn ra đây. Tâm không còn chú ý đến việc hơi thở đang ở trong
giai đoạn nào của chu trình hô hấp, hoặc đang xảy ra tại nơi nào trong cơ thể.
Ngay đây, ta đang đơn giản hóa đề mục của sự hành thiền, tức là sự thể nghiệm
về hơi thở trong hiện tại, lột bỏ hết tất cả các chi tiết không cần thiết, vượt
qua tính nhị nguyên của "vào" và "ra", và chỉ giác niệm về hơi
thở tuyệt đẹp, đang xảy ra rất êm dịu và liên tục, hầu như chẳng thay đổi chút
nào.
Tuyệt đối đừng làm gì cả, mà chỉ
ngắm nhìn hơi thở êm dịu, đẹp đẽ và phi thời gian xảy ra như thế nào. Hãy xem
bạn có thể để cho nó được êm dịu đến mức nào. Hãy để thì giờ ra mà thưởng thức vị
ngọt của hơi thở tuyệt đẹp, càng êm dịu, ngọt ngào hơn bao giờ hết.
Giờ đây, hơi thở sẽ biến mất,
chẳng phải khi "bạn" muốn nó phải như thế, mà khi nó đã có đủ
mức êm dịu, và chỉ lưu lại sự "đẹp đẽ" thôi. Một thí dụ trong văn
chương Anh có thể giúp ta hiểu rõ thêm. Trong quyển Alice in Wonderland (Alice
ở xứ sở diệu kỳ) của Lewis Carroll, cô Alice và Hồng Hậu nhìn thấy một ảo ảnh
giống hình chú mèo Cheshire, đang mỉm cười, hiện lên trên nền trời. Khi họ quan
sát, thì trước hết, đuôi mèo biến mất, kế đó đến các móng nhọn, rồi tiếp theo
là các phần còn lại của bốn chân. Chẳng mấy chốc, thân hình mèo cũng hoàn toàn
mất dạng, chỉ sót lại đầu mèo thôi, mà vẫn nở nụ cười. Rồi thì cả cái đầu cũng
mờ hẳn, từ đôi tai cho đến chòm râu vểnh ngược vào trong, và sau cùng, cả đầu
chú mèo cũng tiêu tan hết -- ngoại trừ nụ cười vẫn còn lưu lại trên nền trời!
Đó là một nụ cười chẳng thấy có đôi môi để nở thành nụ, tuy vậy, vẫn là một nụ
cười còn trông thấy được. Đây là một sự tương đồng rất chính xác với tiến trình
xả ly xảy ra ở vào giai đoạn này của sự hành thiền. Chú mèo với nụ cười trên
gương mặt tượng trưng cho hơi thở tuyệt đẹp. Chú mèo biến mất tượng trưng cho
hơi thở mất dạng. Nụ cười phi thể chất mà vẫn còn thấy được trên nền trời,
tượng trưng cho đối tượng tâm thuần tịnh, "vẻ đẹp" có thể thấy rõ
ràng trong tâm.
Đối tượng tâm thức thuần tịnh đó
được gọi là một định tướng -- nimitta. Chữ Pàli "nimitta" có
nghĩa là một dấu hiệu; ở đây, là một dấu hiệu trong tâm. Đây là một đối tượng
có thật trong tâm (citta), và khi xuất hiện lần đầu, nó rất lạ
lùng. Từ trước, ta chưa hề có kinh nghiệm về một đối tượng nào như vậy. Tuy
nhiên, hoạt động của tâm mà ta gọi là "sự tri giác" -- hay tưởng
uẩn, đã tìm tòi, trong ngân hàng ký ức của kinh nghiệm sống, một chút gì
tương tự để cống hiến một sự mô tả cho tâm. Đối với nhiều thiền sinh,
cái "vẻ đẹp phi thể chất" đó, cái niềm vui tinh thần đó, được cảm
nhận như một ánh sáng huy hoàng. Nó thực sự chẳng phải là ánh sáng. Đôi mắt
được nhắm kín và nhãn thức cũng đã đóng lại từ lâu rồi. Đó chính là tâm thức
lần đầu tiên được thoát khỏi cảnh giới của năm giác quan. Đó cũng tựa như vầng
trăng tròn -- tượng trưng cho cái tâm rạng chiếu -- vừa ló ra khỏi một
đám mây -- tượng trưng cho cảnh giới của năm giác quan. Đó chính là tâm tỏ
rạng, không phải là ánh sáng, nhưng với đa số chúng ta thì nó hiện ra như một
ánh sáng, nó được cảm nhận như ánh sáng, bởi vì sự mô tả chưa hoàn hảo này là
sự mô tả khá nhất mà tri giác có thể cung hiến được.
Đối với các thiền sinh khác, để
mô tả sự xuất hiện đầu tiên của tâm thức, tri giác thường chọn dạng các cảm
giác thể chất, ví dụ như một sự an tịnh thâm trầm hay là sự xuất thần đê mê (ectasy).
Lại nữa, thân thức (sự hay biết và cảm nhận được lạc thú hay đau khổ,
nóng hay lạnh, v.v...) được khép kín từ lâu, và vì thế, đây chẳng phải là một
cảm giác vật chất. Nó chỉ được "cảm nhận" giống như những lạc thú.
Vài người khác lại thấy một ánh sáng trắng, hoặc một ngôi sao vàng, hoặc một
viên bích ngọc, v.v...; điều quan trọng nên biết là họ đang mô tả cùng chung
một hiện tượng. Họ đều thể nghiệm chung một đối tượng tâm thức thuần tịnh, và
các chi tiết không giống nhau đó đã được sự tri giác khác biệt của từng người
đem thêm vào.
Bạn có thể nhận chân ra một định
tướng (nimitta) do sáu đặc điểm:
1) Nó chỉ hiện ra sau giai đoạn
thứ năm của hành thiền, sau khi thiền sinh an trú với hơi thở tuyệt đẹp trong
một thời gian dài;
2) Nó hiện ra khi hơi thở biến
mất;
3) Nó chỉ đến khi năm giác quan
bên ngoài về hình sắc, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm hoàn toàn vắng mặt;
4) Nó chỉ khởi hiện trong một
tâm thức tĩnh lặng, khi các tư tưởng mô tả (lời nói nội tâm) hoàn toàn vắng
bặt;
5) Nó rất lạ lùng, nhưng hấp dẫn
mạnh mẽ; và
6) Nó là một đối tượng đơn giản
và tuyệt đẹp.
Tôi nêu các đặc điểm đó để bạn
có thể phân biệt được định tướng (nimitta) thực sự với
những "tướng" do tưởng tượng mà có.
Giai đoạn thứ sáu được gọi là "thể
nghiệm định tướng mỹ lệ". Chúng ta đạt đến giai đoạn này
khi ta buông bỏ được thân thể, tư tưởng, và năm giác quan (kể cả sự giác niệm
về hơi thở), một cách thật hoàn toàn, cho đến mức chỉ còn riêng có định
tướng mà thôi.
Đôi khi, khi định tướng khởi lên
lần đầu, nó có vẻ còn lờ mờ. Trong trường hợp này, ta nên quay lại ngay với
giai đoạn trước của sự hành thiền, tức là giai đoạn của sự giác niệm tĩnh lặng
liên tục về hơi thở tuyệt đẹp; vì ta đã đi đến định tướng quá sớm. Đôi khi,
định tướng tỏ rạng, nhưng lại chẳng vững, chớp tắt giống như tia sáng của ngọn
hải đăng, rồi biến mất. Đây cũng cho thấy bạn đã rời hơi thở tuyệt đẹp sớm quá.
Bạn phải đủ khả năng nuôi dưỡng sự chú tâm đến hơi thở tuyệt đẹp một cách thoải
mái trong thời gian thật dài, thật lâu, trước khi tâm đủ sức duy trì sự chú ý
rõ ràng đến định tướng, vốn tế nhị bội phần hơn nữa. Vì vậy, bạn hãy huấn luyện
tâm về hơi thở tuyệt đẹp, huấn luyện kiên nhẫn và mẫn cán, rồi khi đến lúc
hướng đến định tướng, nó sẽ rạng chiếu, vững chắc, và dễ nuôi dưỡng lâu bền.
Lý do chính khiến cho định tướng
còn lờ mờ là vì sự hài lòng vẫn còn nông cạn. Bạn vẫn còn đang "muốn"
một điều gì. Thông thường, bạn muốn có một định tướng sáng tỏ, hay bạn muốn
đắc Thiền-na (Jhàna). Nên nhớ, và điều này rất quan trọng, Thiền-na là
những trạng thái của xả ly, những trạng thái bằng lòng thỏa ý vô cùng sâu xa.
Vậy, bạn hãy vất đi cái tâm khao khát, hãy phát triển sự thỏa ý với hơi thở
tuyệt đẹp, và rồi, định tướng và Thiền-na sẽ tự khắc xảy đến.
Nói cách khác, lý do tại sao
định tướng còn yếu ớt là vì "tác nhân" cứ xen vào mãi, chẳng chịu
ngừng. "Tác nhân" là kiểm soát viên, là tài xế ở ngồi ghế sau, luôn
xen vào các việc chẳng ăn nhập đến mình, và làm cho mọi việc càng rối rắm thêm.
Sự hành thiền là một tiến trình tự nhiên tiến đến nghỉ ngơi, và nó đòi hỏi bạn
phải hoàn toàn tránh sang một bên. Sự hành thiền thâm sâu chỉ thực hiện
được khi bạn thực sự buông bỏ; và thực sự buông bỏ có
nghĩa là đến mức mà trọn cả tiến trình hành thiền trở nên hoàn toàn ngoài vòng
xâm nhập của "tác nhân".
Một phương tiện khéo léo để đạt
được sự buông bỏ tuyệt đối đó, là thành tâm đặt trọn lòng tin vào định tướng.
Bạn hãy làm gián đoạn sự tĩnh lặng lại trong một lát, và bằng một cách thật hết
sức dịu dàng, nói rỉ tai, như thể là nó đang ở trong tâm bạn, rằng bạn đem trọn
lòng tin đặt vào định tướng, khiến cho "tác nhân" phải từ bỏ tất cả
sự kiểm soát và biến mất. Tâm, được biểu hiện ở đây bằng cái định tướng trước mắt
bạn, sẽ đảm đương trọn cả tiến trình, trong khi bạn chỉ quan sát mọi việc tuần
tự xảy ra.
Bạn không cần phải làm gì ở đây,
vì vẻ đẹp rực rỡ của định tướng dư sức để duy trì sự chú tâm mà chẳng cần bạn
giúp đỡ. Đến đây, nên cẩn thận đừng khởi lên nhận định phê phán. Các câu hỏi
như: "Cái gì vậy?", "Đó có phải là Thiền-na chăng?",
"Rồi ta phải làm gì nữa đây?", v.v..., đều là những công cụ để
"tác nhân" tìm cách xen vào lần nữa. Chúng khuấy rối cả tiến trình.
Bạn chỉ có thể nhận định, phê phán, một khi cuộc hành trình đã chấm dứt. Một
nhà khoa học giỏi chỉ nhận định khi thí nghiệm đã xong, với các dữ kiện được
nắm vững. Vậy thì, giờ đây, bạn đừng nhận định, cũng đừng cố giải thích. Bạn
không cần phải chú ý đến đường nét của định tướng, "Nó tròn hay bầu dục?",
"Đường viền của nó rõ hay mờ?"... Những điều đó chẳng cần thiết chi,
mà chỉ đem đến nhiều sự bất đồng hỗn tạp, nhiều nhị nguyên đối đãi "nội
tại" với "ngoại tại", và nhiều sự phiền nhiễu khác.
Hãy để cho tâm hướng về nơi mà
nó muốn, thông thường là hướng về trung tâm điểm của định tướng. Trung tâm điểm
đó là nơi điểm cao của vẻ mỹ lệ, nơi mà ánh sáng rạng rõ và tinh thuần nhất.
Hãy đi và tận hưởng chuyến nhàn du thích thú, trong khi sự chú ý được kéo về
trung tâm điểm và rơi đúng vào trong định tướng; hoặc trong khi ánh sáng rạng
rỡ tỏa khắp chung quanh, bao trùm trọn người bạn. Thật ra, đó cùng là một kinh
nghiệm cảm nhận từ các góc độ khác nhau. Bạn hãy để tâm tràn ngập trong hỷ lạc.
Hãy để cho giai đoạn thứ bảy của con đường hành thiền này, Thiền-na thứ
nhất (Sơ Thiền), diễn ra.
Có hai trở ngại thông thường tại
ngưỡng cửa đi vào Thiền-na: mừng rơn và sợ hãi. Mừng rơn là trở nên quá khích
động. Nếu vào lúc ấy, tâm nghĩ, "Chà! Chà! Chính là nó đấy!", thế là
Thiền-na sẽ khó xuất hiện. Cái phản ứng "Chà! Chà!" đó cần phải được
dẹp bỏ, để giúp cho tâm được thụ động tuyệt đối. Hãy gát cái "Chà!
Chà!" lại cho đến khi nào bạn xuất ra khỏi Thiền-na, rồi thốt lên thì mới
thật đúng lúc. Nhưng trở ngại quan trọng hơn, có lẽ là sự sợ hãi. Sợ hãi khởi
lên ngay tại lúc nhận diện ra sức mạnh và hỷ lạc của Thiền-na, hoặc ở sự nhận
thức rằng, để đi vào trọn vẹn trong Thiền-na, cần phải bỏ lại phía sau một cái
gì đó -- và cái đó chính là ... Bạn! "Tác nhân" tuy đã im lặng trước
khi nhập Thiền-na, nhưng nó vẫn còn đó. Bên trong Thiền-na, "tác
nhân" hoàn toàn biến mất. "Tri nhân" vẫn còn hoạt động, bạn vẫn
hoàn toàn hay biết, nhưng tất cả quyền kiểm soát, giờ đây, vuột khỏi tầm tay
rồi. Bạn chẳng thể khởi lên mỗi một tư tưởng nào, nói chi là lấy một quyết
định. Ý chí bị đông cứng lại, và điều này dường như rất đáng sợ cho người mới
bắt đầu. Từ trước đến nay, trong trọn đời bạn, có bao giờ bạn thể nghiệm một
tình trạng bị tước hết mọi quyền kiểm soát, trong khi vẫn còn hoàn toàn tỉnh
táo, không? Sự sợ hãi đó chính là sự sợ hãi phải dâng nộp một điều thật thiết
yếu, thật riêng tư, đó là ý chí muốn tác động.
Sự sợ hãi này có thể khuất phục
được bằng lòng tin vào lời dạy của Đức Phật, cùng với sự hỷ lạc đầy quyến rủ mà
thiền sinh xem như là phần thưởng còn đang chờ đón. Đức Phật thường bảo,
"Sự hỷ lạc của Thiền-na, chẳng nên lo sợ, mà cần nên thuận theo, phát
triển và thực tập luôn." (Kinh Latukikopama - Ví dụ chim Cáy, kinh số
66, Trung bộ kinh). Vậy, trước khi sự sợ hãi khởi lên, bạn hãy đặt trọn
niềm tin vào sự hỷ lạc đó và giữ vững niềm tín thành nơi lời giáo huấn của Đức
Phật và các vị Đại đệ tử của Ngài. Tin tưởng nơi Chánh Pháp, và cứ để cho
Thiền-na nồng nàn ôm lấy bạn để có được một kinh nghiệm chẳng cần nỗ lực, phi
thân thể, phi tự ngã, hỷ lạc sâu xa nhất trong đời bạn. Hãy có đủ can đảm để
vứt bỏ quyền kiểm soát trong một chốc, và thể nghiệm được tất cả các điều đó
cho riêng bạn.
Nếu thật sự đó là Thiền-na, thì
nó kéo dài một thời gian lâu. Chẳng đáng gọi là Thiền-na, nếu chỉ kéo dài chừng
vài phút. Thông thường, các cấp Thiền-na cao hơn sẽ kéo dài nhiều giờ. Một khi
đã vào trong Thiền-na rồi, thì chẳng còn sự chọn lựa gì nữa. Bạn sẽ xuất
Thiền-na khi nào tâm sẵn sàng đi ra khỏi, khi chất "nhiên liệu" về sự
từ khước, được gom góp để dành bấy lâu, nay được dùng cạn hết. Các trạng thái
tâm an định và sung mãn, do tự bản chất của chúng, sẽ kéo dài một thời gian
thật lâu. Một đặc điểm khác là Thiền-na chỉ khởi lên khi nào định tướng được
nhận ra thật rõ ràng, như đã mô tả ở trên. Hơn nữa, bạn cũng nên biết, trong
Thiền-na, không thể nào thể nghiệm được chính thân thể (ví dụ như sự đau đớn
thể chất), nghe tiếng động bên ngoài hoặc phát lên một tư tưởng nào, dù là một
tư tưởng thiện đi nữa. Bấy giờ chỉ là một tri giác trong sáng duy nhất, một thể
nghiệm hỷ lạc phi nhị nguyên kéo dài, không thay đổi trong một thời gian thật
lâu. Đó không phải là một trạng thái xuất thần (trance), nhưng là một
tình trạng tỉnh thức cao độ. Tôi nói ra như thế là để giúp bạn có thể tự mình
biết được những gì bạn cho đó là Thiền-na, có phải thực sự là Thiền-na không,
hay chỉ là do tưởng tượng.
* * *
Pháp hành thiền còn rất
nhiều việc nữa, nhưng ở đây chỉ mô tả phương pháp căn bản qua bảy giai đoạn,
với đỉnh cao là Sơ Thiền. Còn nhiều điều nữa có thể bàn đến, như về Năm Triền
Cái (Nìvarana) và làm cách nào để khuất phục chúng, về ý nghĩa của sự
giác niệm và cách ứng dụng, Bốn Niệm Xứ (Satipatthàna), Bốn Như Ý
Túc (Iddhipàda), Năm Căn (Indriya), và dĩ nhiên, về các tầng
Thiền-na cao hơn. Tất cả các điều đó đều liên quan đến sự thực tập hành thiền
này, nhưng xin dành lại cho một dịp khác.
Với những ai hiểu lầm rằng đây
chỉ là Samatha (thiền Chỉ), không liên hệ chi đến Vipassanà (thiền
Quán), xin hãy biết cho rằng đây không phải Samatha hay Vipassanà gì cả. Pháp
hành này được gọi là Bhàvanà (pháp Tu Thiền), phương pháp được
Đức Phật chỉ dạy và được thực hành trong truyền thống Sơn Lâm (Forest
Tradition) ở miền Đông Bắc Thái Lan, mà Thầy tôi, ngài Ajahn Chah là một
thành viên. Ngài Ajahn Chah thường dạy, Chỉ và Quán không thể nào tách rời ra
được, và cũng không thể nào phát triển cặp đôi đó mà bỏ qua Chánh Kiến, Chánh
Tư duy, Chánh Nghiệp và các chi kế tiếp của Bát Chánh Đạo. Thật vậy, để có thể
tiến bộ trong bảy giai đoạn trên, thiền sinh cần phải thấu hiểu và thực hành
giáo pháp của Đức Phật, và giữ giới hạnh thật thanh tịnh. Sự minh triết rất cần
cho mỗi giai đoạn, và đó là sự minh triết về buông bỏ, xả ly. Thiền sinh
tiến triển càng xa trên bảy giai đoạn đó, thì trí tuệ minh triết càng thâm
viễn, và nếu bạn đã đạt tới Thiền-na, thì Thiền-na sẽ làm thay đổi toàn thể sự
hiểu biết của bạn. Cũng tựa hồ như, Minh triết múa quanh Thiền-na và Thiền-na
cũng múa quanh Minh triết. Đây là con đường đi đến Niết-bàn, bởi vì Đức Phật có
nói, "Người nào sống hỷ lạc trong Thiền-na, có thể sẽ có bốn kết quả: Dự
lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán" (Kinh Thanh tịnh - Pàsadìka Sutta,
kinh số 29, Trường bộ kinh).
[^]