Bồ-tát Thường Bất Khinh
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật bảo ngài Bồ-tát Đại Thế Chí rằng: "Các Ông nên biết, những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ trì kinh Pháp Hoa mà nếu ai dùng lời thô ác mắng nhiếc, sẽ bị trọng báo, trái lại người trì kinh này được công đức lớn, sáu căn thanh tịnh".
Như xưa trong thời tượng pháp của đức Phật Oai Âm Vương, giữa hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, có vị Bồ-tát là Thường Bất Khinh, Vị Bồ-tát ấy phàm thấy hàng xuất gia, tại gia, nam nữ... đều cung kính lễ bái khen ngợi rằng: "Tôi rất kính trọng các ngài, không dám khinh mạn, vì các ngài đều tu hành đạo Bồ-tát, sẽ đăng thành Phật". Ngoài sự lễ bái tán thán ấy vị Tỳ-kheo kia không hề đọc tụng kinh điển gì, nhưng gặp ai cũng chỉ lễ bái, tán thán và nói: "Tôi không dám khinh các người vì các người sẽ được làm Phật". Đến nỗi có người vì tâm chưa đặng thanh tịnh, nổi giận, mắng nhiếc: Ông Vô trí Tỳ-kheo cớ sao đến đây tự nói tôi không dám khinh người và thọ ký cho ta sẽ thành Phật, đó chỉ là nói dối, ta không dùng làm chi ? Có khi còn bị người ta lấy roi gậy, ngói đá đánh đập, ông trốn chạy qua một nơi xa mà còn lớn tiếng nói lại: "Tôi không dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật". Như vậy trải qua nhiều năm, dù bị khổ nhục cũng không sanh sân hận, nên các tăng thượng mạn Tỳ-kheo đều gọi vị Tỳ-kheo kia là Thường Bất Khinh. Vị Tỳ-kheo ấy khi mạng chung được nghe giữa hư không, Phật Oai Âm Vương nói kinh Pháp Hoa, đủ các công đức, lục căn thanh tịnh, sau rộng nói kinh Pháp Hoa lại cho mọi người đều nghe như mình đã được nghe vậy.
"Tất cả đều có Phật tánh". "Hết thảy đều làm Phật-đà". Đó là lời dạy không tiền khoán hậu, chỉ có đạo Phật mới thừa nhận và thuyết minh cái giá trị vô thượng ấy của muôn loài. Đó là một đặc điểm làm cho đạo Phật vượt hẳn lên trên tất cả tôn giáo học thuyết thế gian. Cho nên người Phật tử chân chính là phải luôn luôn cố gắng phát huy Phật tánh cao quý cho mình và chúng sinh, không xem thường, không khinh rẻ một chúng sinh nào, dù là hạng người mà xã hội cho là thấp kém, huống chi đến sự giết hại một cách vô ý thức, vì tư kỶ, vì vô minh. Vậy nên, hết thảy hành động tự lợi, lợi tha của người Phật tử mà gọi rằng lợi, là phải hướng về mục đích "phát huy Phật tánh" ấy.
Phật tử gánh vác nhiệm vụ ấy và hành động với tất cả cố gắng vì tự nhận là bổn phận thì dầu bị khổ nhục, dầu bị tai hại gì, cũng bền chí lướt qua và coi đó là thành công chứ không phải hy sinh. Ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh là tượng trưng đầy đủ cho tinh thần Phật tử đó vậy.