Nội dung 28 phẩm kinh Pháp Hoa
Mỗi lần đức Phật định nói pháp gì trước hết đều có nguyên do nên có phẩm Tựa mở đầu (p1). Kế phần Tựa là phần Chánh tông, nói ra chánh pháp mà Ngài định nói và pháp định nói ở đây là: "Khai quyền hiển thật" nên có phẩm Phương tiện (sự khéo léo) (p2). Nhưng đối với Chánh pháp này chỉ có hàng thượng căn như Tôn giả Xá-lợi-phất hiểu và được Phật thọ ký. Còn hàng trung căn chưa thể vong ngôn hội pháp, họ cần nghe thêm thí dụ mới hiểu, nên có phẩm Thí dụ (p3). Ví dụ nhàn lửa ba xe, hàng trung căn nghe thí dụ liền tin nên có phẩm Tín giải (niềm tin vững chắc) (p4) và thuật lại với đức Phật cái ví dụ "Cùng tử trốn cha" để trình bày chỗ tín giải của mình, được đức Phật ấn chứng và Ngài nói tiếp thí dụ "Một trận mưa khắp cây cỏ đều nhờ" nên có phẩm Dược thảo dụ (thí dụ về cây thuốc) (p5). Đến đây hàng trung căn được thọ ký, nên có phẩm Thọ ký (chứng thực) (p6). Nhưng còn hàng hạ căn thì vẫn chưa ngộ phải chờ đức Phật kể lại nhân duyên quá khứ cho họ nhớ với thí dụ Hóa thành, nên có phẩm Hóa thành dụ (thí dụ về thành phố ảo hóa) (p7). Hàng hạ căn được ngộ và được đức Phật thọ ký, nên có phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký (500 đệ tử thọ nhận lời chứng thực) (p8) cho năm trăm vị thuộc hàng vô học hiển danh, và phẩm Thọ học, Vô học nhân ký (lời chứng thực cho những người còn cần phải học và những người không cần phải học) (p9) cho 2000 vị thuộc hàng học và vô học mật hạnh vô danh khác. Như vậy qua ba lần thuyết là Pháp thuyết, Dụ thuyết, Nhân duyên thuyết (hay gọi là tam châu thuyết pháp) thì ba hạng căn cơ thượng, trung, hạ có túc căn thâm hậu được đức Phật hiện tiền thọ ký. Còn bao nhiêu chúng sanh ít phước ở nơi khác thời khác không được gặp đức Phật thì ai thọ ký cho? Nên biết hết thảy chúng sanh bất luận ở đâu thời nào dù không gặp đức Phật mà gặp kinh và thọ trì giải nói kinh Pháp Hoa cũng đều được thọ ký, nên có phẩm Pháp sư (vị thầy dạy pháp) (p10) mà nội dung là tán thán công đức Pháp Hoa và người trì kinh cùng phương pháp cho người muốn nói kinh Pháp Hoa đem lại nhiều lợi ích.
Từ phẩm Tựa đến phẩm Pháp sư cọng là 10 phẩm, trừ phẩm Tựa, 8 phẩm giữa là phần Khai quyền hiển thật, phẩm Pháp Sư là để tán thán công đức Pháp Hoa và người thọ trì đọc tụng hầu cho những chúng sanh vị lai vẫn được thọ ký.
Đạo lý khai quyền hiển thật là thâm diệu lớn lao mà nay được đức Thích Tôn đã giảng nói, đức Phật Đa Bảo trong quá khứ từng phát nguyện: Hễ ở đâu có nói kinh Pháp Hoa, thì Ngài sẽ hiện đến, do đó tháp Đa Bảo từ lòng đất vọt lên, được kể trong phẩm Hiện Bảo tháp (hóa hiện tháp báu) (p11), trước là để xác chứng lời đức Thích Ca nói là không hư dối, sau để làm duyên khởi cho việc khai cận hiển viễn sắp được nói đến ở phần sau. Nhưng sự xác chứng rõ ràng mật thiết nhất chính là đức Thích Ca tự kể lại: Xưa kia Ngài từng cần cầu nghe kinh Pháp Hoa và từng được Đề-bà-đạt-đa nói cho nghe nhờ đó Ngài được thành Phật. Còn Đề-bà được thọ ký sẽ thành Phật, cho đến Long nữ cũng nhờ Pháp Hoa được thành Phật rất mau lẹ nên có phẩm Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) (p12). Sau khi nghe lời tán thán công đức và khuyến khích trì kinh của đức Thích Ca và đức Đa Bảo như vậy, các Bồ-Tát, Thanh Văn liền vâng mệnh thọ trì, nên có phẩm Trì (nắm giữ chắc chắn) (p13). Song thọ trì giảng nói trong đời ngũ trược ác thế làm sao tránh khỏi nguy nan nên có phẩm An lạc hạnh (p14), chỉ bày phương pháp hoằng kinh được an lạc khi nhân hạnh đã đầy đủ thì diệu quả ắt có. Các Bồ-tát từ lòng đất vọt lên nói trong phẩm Tùng địa dũng xuất (từ đất nhảy ra) (p15) chứng minh điều đó để khai cận hiển viễn, hiển bày cho thấy đức Phật đã thành Phật trãi vô lượng kiếp nói trong phẩm Như Lai thọ lượng (tuổi thọ của đức Như Lai) (p16). Phẩm Như Lai thọ lượng này nói hễ ai nghe được thì công đức vô lượng, nên có phẩm Phân biệt công đức (p17). Tuy chỉ tùy hỶ nghe và tùy hỶ người khác nghe vẫn được phước đức vô lượng, nên có phẩm Tùy hỶ công đức (công đức về sự vui nhận) (p18), đó là hạ phẩm công đức. Nếu nghe, thọ trì, đọc tụng, viết chép, giảng giải, nói cho người nghe, thành tựu 6 căn công đức như phẩm Pháp sư công đức (các công đức của vị pháp sư) (19) với năm hạng Pháp sư, đó là trung phẩm công đức. Nếu thực hành Pháp Hoa Hạnh, thanh tịnh sáu căn như Bồ-tát Thường Bất Khinh trong phẩm Thường Bất Khinh (p20) thì thuộc thượng phẩm công đức. Mười phương chư Phật thấy chúng sanh trong quá khứ hay trong vị lai nghe Pháp Hoa mà sanh tâm hoan hỶ thọ trì như vậy thì các Ngài càng rất hoan hỶ nên hiện thần lực để tán dương hỗ trợ cho lòng tin và thực hành thêm vững mạnh nên có phẩm Như Lai thần lực (thần lực của đức Như Lai) (p21).
Trên kia đức Phật đã tán thán kinh và người trì kinh, đến đây đức Phật phó chúc thọ trì, nên có phẩm Chúc lụy (dặn dò) (p22).
Dược Vương Bồ-tát nhờ lãnh thọ kinh giáo được lợi ích nên đã chịu khổ hạnh bằng cách thí xả thân mạng tài sản để cúng dường báo ân, nêu ra một mô phạm cho sự phụng mệnh hoằng kinh mà bản duyên này của Dược Vương được kể rõ trong phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự (chuyện về Bồ-tát Dược Vương) (p23). Nhưng ở Dược Vương chưa nói rõ cách truyền thông Kinh Pháp. Đến phẩm Diệu Âm Bồ-tát (24) mới nói rõ việc phân thân trong sáu đường để hoằng Kinh lợi vật. Về phần chúng sanh những người muốn tín thọ thường gặp trở nạn cần phải nhờ đức từ bi cứu tế mới vượt khỏi, nên có phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát (p25), và nhờ thần chú gia hộ nên có phẩm Đà-la-ni (mật chú) (p26).
Người hoằng Kinh lợi vật là chơn thiện tri thức của chúng sanh, dù ở trong nghịch cảnh nào họ cũng chuyển được người bỏ tà về chánh, nên có phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương bổn sự (chuyện về Vua Diệu Trang Nghiêm) (p27). Tu hạnh Nhất thừa Pháp Hoa, truyền trì Pháp Hoa tức là tu hạnh Phổ Hiền, tức nhiên Phổ Hiền từ phương xa đến ủng hộ khuyến khích, phát khởi nên có phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát (sự khuyến khích của Bồ-tát Phổ Hiền) (p28). Đó là hết hai mươi tám phẩm kinh.
Nói tóm tắt, 14 phẩm đầu kinh là thuộc phần Tích môn (cũng gọi là phần khai quyền hiển thật, khai tam hiển nhất, hội tam quy nhất, thừa phương tiện, thừa chân thật, thừa quyền, thừa thật, tích môn tích hóa hay thùy tích). 14 phẩm sau là thuộc phần Bản môn (cũng gọi là khai cận hiển viễn, khai tích hiển bổn, hội tích quy bổn, thân phương tiện, thân chân thật, thân quyền thân thật, bản môn bản hóa hay bản địa).
Chữ Môn ở đây không có nghĩa là một bộ phận hay nơi chốn biệt lập, nó chỉ có nghĩa là "hoạt động của đức Phật ở trong bản vị nguyên thủy" (bản địa hay bản môn bản hóa) và hoạt động của đức Phật có biểu lộ lưu dấu tích (tích môn tích hóa, thùy tích).
Phần Tích môn thì quy chiếu vào giáo pháp của đức Phật, tức là chỉ vào pháp. Phần Bản môn thì quy chiếu vào nhân cách của đức Phật, tức là chỉ vào người nói pháp.
Các đức Phật 10 phương chỉ có Nhất thừa đạo và chư Phật ra đời đều duy nhất chỉ muốn dạy cho chúng sanh Nhất thừa đạo chứ không có hai ba thừa, nhưng căn cơ chúng sanh không thể một sớm một chiều lãnh hội được, nên đức Phật phải quyền khai phương tiện để dẫn dắt.
Chữ "khai", "hiển" trong "khai quyền hiển thật" ở đây có hai nghĩa:
1. Nếu đức Phật chỉ một mực dạy thẳng đạo Nhất thừa thì không bao giờ chúng sanh lãnh ngộ được. Như vậy đạo Nhất thừa chỉ ẩn lấp ở nơi đức Phật chứ không hiển bày ra cho chúng sanh, nên đức Phật phải quyền khai ba thừa thì mới hiển lộ được Nhất thừa.
2. Nhưng khi chúng sanh tiếp nhận giáo lý ba thừa, họ lại tin chắc đó là thật mà không hiểu đó là đức Phật chỉ quyền khai và như vậy thì đạo Nhất thừa vẫn bị khuất lấp trong ba thừa không hiển lộ ra được. Đến khi đức Phật khai mỡ ra chỗ khuất lấp đó bằng cách nói rằng "Ba thừa kia chỉ là phương tiện, là quyền, chỉ có Nhất thừa mới là thật", như ở hội Pháp Hoa này thì chúng sanh mới rời bỏ chấp tam thừa mà hướng đến nhất thừa. Nghĩa khai cận hiển viễn cũng tương tợ như vậy.
Trong 14 phẩm thuộc Tích môn, thì phẩm Tựa là phẩm mở đầu duyên khởi, còn chủ yếu chính là phẩm Phương tiện với sự trình bày Thật trí, Quyền trí của chư Phật là đồng nhất, thật tướng các pháp mà chư Phật chứng ngộ là đồng nhất và bản hoài chư Phật ra đời độ sanh cũng đồng nhất. Những đồng nhất này gọi chung là Phật tri kiến, và Phật tri kiến này mọi chúng sanh đều có, chỉ vì bị vô minh, tham ái che lấp mà không hiển lộ ra được, nên nhân duyên chư Phật ra đời là chỉ nhằm một đại sự duy nhất tức "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến", chứng Nhất thừa đạo chứ không vì gì khác. Vì vậy dù trước đức Phật có quyền khai ba thừa, cuối cùng đức Phật cũng chỉ dạy Nhất thừa.
Trong 14 phẩm thuộc Bản môn, mở đầu duyên khởi là phẩm Tùng địa dũng xuất, nhưng chủ yếu chính là phẩm Như Lai thọ lượng, khai thị cho thấy đức Thích Ca chỉ là thân ứng hóa có sanh có diệt theo cơ cảm của chúng sanh trong đời ngũ trược ác thế, mà đã là thân ứng hóa tức nhiên phải xuất từ thân Phật bản hữu vốn đã thành Phật vô lượng vô biên kiếp.
Ngoài hai phẩm ở Tích môn và hai phẩm ở Bản môn vừa nói trên đây, các phẩm còn lại, hoặc để quảng diễn bổ túc, hoặc tán thán khuyến khích thọ trì, giảng nói, hoặc nêu sự hoạt dụng của Pháp Hoa, để làm trọn vẹn lý nghĩa Quyền, Thật, Tích, Bản, vạn thiện đồng quy bình đẳng đại huệ và chúng sanh đều thành Phật mà trong hội Pháp Hoa chủ tâm nói đến vậy.