45. Bắt Ếch Bị Quả Báo (^)
Vào năm Đạo Quang thứ 16, quan phủ tại Giang Âm ra cáo thị nghiêm cấm nông dân bắt ếch, vì giống ếch xanh vốn là loài động vật bảo vệ lúa má, đối với ngũ cốc đã không có hại mà còn có ích. Những người có lòng tốt liền đem lời cáo thị kia bảo cho Trương A Hỷ - một anh chàng không biết chữ - biết. Nhưng y đáp một cách vô lễ "Hừ! Tôi cứ việc bắt thì đã sao nào?"
Người bàng quang tốt bụng kia nghe thế hết cả hứng thú. Vì vậy về sau không còn ai muốn đem những lời trung thực bảo cho y nữa. Tên Trương A Hỷ bắt ếch này đã không biết chữ mà tính tình lại quê mùa, thô kệch, nói năng lỗ mãng, lòng dạ ác độc. Mỗi năm, chính tay y bắt rồi đem bán vô số kể những con ếch.
"Bắt ếch thì có gì là không tốt? Hừ! Chẳng phải tôi đã dùng việc này làm kế sinh nhai rất thuận lợi đó là gì?". Đại loại, đó là lời tuyên bố huênh hoang của y.
Từ ngày y bắt ếch đem bán, cứ mỗi lần tu vài xị rượu, có chút hơi men chui vào dạ dày rồi, thì y đắc ý bảo với người khác như thế.
Y bất chấp cả lẽ phải, nói: "Ổ! Làm trái mệnh lệnh của quan phủ chẳng tốt lắm ru? Hừ! Có gì bảo là không tốt nào? Trong năm này, những việc làm trái lệnh của quan phủ xảy ra cũng không nhiều lắm! Vả lại, cũng chẳng phải mỗi mình Trương A Hỷ này vi phạm lệnh quan".
Vào một đêm kia, Trương A Hỷ đột nhiên mất tích. Hôm ấy trời không gió, không mưa, rất nhiều người dân ở hai bên bờ sông đổ xô đi tìm y, than thở: "Kỳ quái nhỉ! Vậy chứ hắn đi đâu?".
Đến khi họ tìm thấy tử thi của A Hỷ dưới dòng sông, thì có vô số ếch xanh vây quanh trên xác của y rỉa thịt. Những người trông thấy cảnh tượng ấy không ai là không tán đởm kinh hồn, bản nhau: "Phải chăng đây là quả báo về sự bắt ếch của hắn?".