Một tâm đầy đủ niềm tin nơi Đức Phật Vô Lượng Quang
Thì chắc chắn tái sanh vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc siêu phàm.
Một tâm tỉnh thức với những phẩm tính-Phật
Đều được hợp nhất với Cõi Tịnh Độ Cực Lạc, bất kể nó ở đâu.
Vũ trụ học đạo Phật chứa đựng vô số
hệ thống thế giới bao la không thể tưởng vượt khỏi thế gian của chúng ta. Bên
ngoài thế giới phàm tục, sáu cõi của luân hồi, hiện hữu vô số cõi tịnh độ trải
rộng khắp mười phương của vũ trụ (tám điểm chính của la bàn, điểm cao nhất, và
điểm thấp nhất). Những thiên đường thanh tịnh này là nơi an trụ của những đấng
cao cả, bao gồm chư Phật và các đại bồ tát của cõi trời.
Giữa vô số cõi tịnh độ này, một số
đặc biệt quan trọng, bao gồm cõi tịnh độ của Phật Vairochana, Vajrasattva,
Avalokiteshvara, Tara, Maitreya, và Guru Padmasambhava. Cõi tốt nhất được biết
là Sukhavati, Cõi Tịnh Độ Cực Lạc, tọa lạc ở hướng Tây, vượt trên rất nhiều vũ
trụ. Thế giới lý tưởng này là nơi an trụ của Đức Phật Vô Lượng Quang, Ngài chủ
trì trên vô số người tìm cầu giác ngộ, tu khổ hạnh, và những đệ tử khác. Vì ánh
sáng thân Ngài tràn đầy mọi cõi Phật tịnh độ khác không chướng ngại, danh hiệu
Ngài là Amitabha trong tiếng Phạn, có nghĩa Vô Lượng Quang.
Amitabha là trọng tâm của truyền
thống sùng kính được biết như Cõi Tịnh Độ của Phật giáo trở nên rất phổ biến ở
Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật bản. Ở Tây Tạng, Cõi Tịnh Độ Cực Lạc là đối tượng
yêu thích của cầu nguyện và thiền quán, nhất là trong những nghi lễ cho người
chết. Trong sutra, Đức Phật lịch sử, Thích Ca Mâu Ni, cam đoan với người sùng
mộ rằng đây là tịnh dộ dễ dàng nhất để tái sanh, và là nơi hoan hỷ, hùng mạnh nhất
để nâng cao đến giác ngộ. Bất kỳ ai thọ tái sanh vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc sẽ đạt
được toàn giác, tối thiểu trong một kiếp, vì những phẩm tính của tịnh độ này,
sự ban phước của Đức Phật Vô Lượng Quang, và công đức của chính họ.
NGUỒN GỐC CỦA TRUYỀN THỐNG TỊNH ĐỘ
Một vài kinh điển đạo Phật là suối
nguồn của cõi Phật tịnh độ. Cả sutra (giáo lý công truyền) và tantra (giáo lý
mật truyền) bao gồm những danh hiệu và mô tả nhiều cõi tịnh độ khác nhau, mà
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đưa chú ý lớn nhất để diễn tả Cõi Tịnh Độ Cực Lạc
của Đức Phật A Di Đà, trong những chi tiết sống động và đẹp đẽ. [1]
Về sự quan trọng đặc biệt là hai
sutra Đại Thừa như Sukhavati-vyuha Sutra Rộng lớn và Sukhavati-vyuha Sutra Nhỏ.
Những giáo lý này là luận giảng của Đức Phật cho những người thân cận của Ngài.
Ngài dạy sutra lớn trên Đỉnh Núi Chim Kên Kên (Núi Gridhakuta) gần thị trấn
Rajagriha (ngày nay là Rajgir, Tiểu Bang Bihar, ẤnĐộ) cho Ananda và Ajita cùng
với rất nhiều đệ tử khác tụ hội. Ngài dạy sutra nhỏ ở Greta Grove (ngày nay là
Shravasti, Bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) cho Shariputra và một đại tập hội những
đệ tử.
Hai sutra này đã xuất hiện trong
nhiều bản dịch, bao gồm Trung Quốc (từ thế kỷ thứ ba C.E) Hàn Quốc và Nhật Bản
(từ thế kỷ thứ bảy). Đại dịch giả Tây Tạng Yeshe De chuyển từ tiếng Phạn sang
Tây Tạng vào thế kỷ thứ chín. Chương này dựa chủ yếu trên bản dịch Tây Tạng
cũng như một số bản văn và luận giảng khác.
BA PHƯƠNG DIỆN CỦA TỊNH ĐỘ
Như chúng ta đã ghi chú trước đây,
Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Ngài mô tả trong sách này
thuộc về “thân hóa hiện”, một trong ba phương diện của thân hay Phật quả.
Đầu tiên là thân tối thượng (pháp thân), đó là sự vô tướng, tánh thanh tịnh của
Phật quả, giống hệt với tự thân thực tại. Nó là trạng thái tuyệt đối của rộng
mở và rỗng rang hoàn toàn, thoát khỏi chiều kích, đặc tính, và giới hạn.
Thứ hai là thân hỷ lạc (báo thân),
là trạng thái nhất như và bất nhị. Đây là tịnh độ của sắc thân, thanh tịnh và
bất khả phân với tự thân trí tuệ-Phật. Nó tỏa khắp, vĩnh cửu, bất biến, và luôn
hỷ lạc.
Tịnh độ tối thượng và tịnh độ hoan
hỷ chỉ có những bậc giác ngộ mới có thể thấy.
Phương diện thứ ba của Phật quả là
thân hóa hiện (hóa thân). Đây là thân thể mà Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Phật
khác xuất hiện trong cõi người chúng ta. Sự biểu hiện tịnh độ là tướng tương
đối mà người bình thường và người trần tục như chúng ta có thể nhận biết nếu
tích lũy việc làm công đức. Nếu được tái sanh vào một trong những tịnh độ an
bình, hỷ lạc, chúng ta sẽ nâng cao được thành tựu tâm linh và đạt tới tịnh độ
tuyệt đối.
Như tôi đã nhấn mạnh ở một số lúc,
sự nhận thức và kinh nghiệm chúng ta có vào những giai đoạn khác nhau của cuộc
sống, nhất là vào lúc chết, là một kết quả của thói quen tinh thần mà chúng ta
đã phát triển, nuôi dưỡng trong dòng tâm thức ở quá khứ. Nếu tâm chúng ta bị
khích động và chuyển thành một sân hận, thù ghét, và nhận thức tiêu cực mãnh
liệt, thì những hình tướng và kinh nghiệm của đời này, nhất là đời sống tương
lai chúng ta sẽ xuất hiện trong dạng địa ngục. Nếu tâm chúng ta được chiếm chỗ
bởi an bình, hoan hỷ, suy nghĩ và hành động quan tâm, và nếu hưởng thụ những
nhận thức tích cực, như sắc tướng và cảm giác của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc, thì thế
giới sẽ xuất hiện như cung điện, nơi chúng ta tái sanh sẽ là một thế giới tích
cực của an bình và hoan hỷ, như Cõi Tịnh Độ Cực Lạc.
Trọng tâm chính của rèn luyện mô tả
trong sách này là nhận tái sanh trong thân hóa hiện của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc.
Điều này dễ dàng hơn bất cứ cõi tịnh độ khác vì nguyện lực hùng mạnh của Đức
Phật Vô Lượng Quang đem tất cả chúng sanh đến Cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Ngài và
giúp họ đạt được giác ngộ.
NGUYỆN LỰC CỦA ĐỨC PHẬT
Sukhavati-vyuha Sutra Lớn kể về
chuyện Cõi Tịnh Độ Cực Lạc xảy ra như thế nào. Vô lượng kiếp trước, một vị tu
sĩ gọi là Dharmakara – người mà định mạng trở thành Phật A Di Đà – đã phát
triển thái độ giác ngộ (Phạn, bồ đề tâm) và lập một nguyện trước vị thầy Ngài,
Đức Phật Lokeshvara, rằng Ngài sẽ phục vụ tất cả chúng sanh. Vào lúc đó,
Dharmakara cũng lập nguyện khao khát đặc biệt để tạo ra cõi tịnh độ vô song của
Ngài với một số phẩm tính hiếm thấy. Khi Ngài đạt được Phật quả, nguyện của
Ngài đã kết quả trong vũ trụ của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc.
Theo phiên dịch sutra của Tây Tạng,
Dharmakara lập năm mươi mốt nguyện hoặc hứa dẫn dắt chúng sanh đến cõi tịnh độ
mới trong tương lai của Ngài.[2] Năm nguyện sau đây cho chúng ta một ý niệm về
những nguyện này và cõi tịnh độ của Ngài.
Trong nguyện đầu tiên, Dharmakara
nguyện không đạt Phật quả nếu bất cứ chúng sanh nào sinh vào tịnh độ của Ngài
phải chịu đựng đau khổ của cõi bán thiên, súc sinh, ngạ quỷ, hoặc địa ngục. Do
vậy, chẳng hạn từ lúc một chúng sanh của địa ngục thọ tái sanh vào Cõi Tịnh Độ
Cực Lạc, mọi đau khổ của ở địa ngục của họ sẽ chấm dứt và trở nên chúng sanh
hạnh phúc của tịnh độ. (Hãy nhớ lại sự khác biệt giữa chúng sanh của những cõi
thấp và của một cõi tịnh độ về cái thấy và cảm nhận những đối tượng tinh thần
xuất hiện trong tâm thức như thế nào.)
Trong nguyện thứ hai, Ngài hứa
không đạt Phật quả trừ khi mọi chúng sanh đều được tái sanh vào cõi tịnh độ của
Ngài, không bao giờ phải chịu tái sanh vào bất kỳ cõi thấp nào nữa.
Trong nguyện thứ tư, Ngài hứa không
đạt Phật quả, nếu chúng sanh tái sanh vào cõi của Ngài, đều sẽ có những đặc
tính hơn hẳn những cõi người và trời khác. Ngài muốn tịnh độ của Ngài hoàn toàn
thanh tịnh mà cũng có những phẩm tính tương tự với cõi người và trời.
Trong nguyện thứ mười chín, Ngài
hứa không đạt Phật quả cho đến khi tất cả những ai muốn thọ tái sanh vào tịnh
độ của Ngài, và người thực hành cầu nguyện hồng danh và hồi hướng công đức cho
tịnh độ, thật sự được tái sanh vào tịnh độ: “Cầu mong điều này được như vậy,
ngay cả nếu có người lập lại ý niệm thọ tái sanh trong tịnh độ của Ta chỉ mười
lần, chừng nào họ không phạm bất kỳ ‘năm tội vô gián’ hoặc từ bỏ Giáo Pháp.” Những
điều kiện này Đức Phật không có nhiệm vụ lựa chọn; nếu chúng sanh không rộng mở
để giải thoát, Đức Phật không thể áp đặt lên họ.
Trong nguyện thứ mười ba, Ngài hứa
không đạt Phật quả cho đến khi những chúng sanh của tịnh độ tương lai của Ngài,
không chỉ thoát khỏi đau khổ mà còn được ban nhiều phẩm tính tâm linh như trí
tuệ bao la và tự tín.
Nguyện bi mẫn của Phật A Di Đà thật
sự hùng mạnh. Nhưng bằng những nguyện này không thể chấp nhận chúng ta tái sanh
trong tịnh độ. Chúng ta phải làm phần của mình, phải không ngăn chận cơ hội
bằng việc vi phạm ngũ vô gián tội hay từ bỏ Giáo Pháp, và chúng ta phải rộng mở
con đường đến cõi tịnh độ với “bốn nguyên nhân” thọ tái sanh trong Cõi Tịnh Độ
Cực Lạc (xem phụ lục A).
NĂNG LỰC CỦA HỒNG DANH ĐỨC PHẬT
Phật A Di đà đã nguyện dẫn dắt tất
cả người lập lại tên Ngài đến cõi tịnh độ. Tên Ngài trở thành một cánh cửa, qua
đó chúng ta có thể thấy Đức Phật Vô Lượng Quang và Cõi Tịnh Độ Cực Lạc của
Ngài.
Phật giáo Đại Thừa dạy chúng ta
nhận ra mọi sự đều như sắc tướng, âm thanh, và kinh nghiệm của giác ngộ. Nhưng
để đạt tới mục đích này, chúng ta cần đi qua một cánh cửa đặc biệt – hoặc nó là
một hình ảnh Phật, một cảm giác an bình, hoăïc một âm thanh tích cực. Một trong
những cánh cổng như vậy là danh hiệu của Phật Amitabha, chính Ngài đã ban phước
để giúp chúng ta tới với Ngài và Ngài có thể đến với chúng ta.
Hồng danh của Phật Amitabha là sự
hiện diện, trí tuệ, lòng bi, và năng lực thật sự của Ngài. Khoảnh khắc chúng ta
ý thức được tên Ngài, Ngài liền trong chúng ta và cùng với chúng ta. Vậy nếu
chú tâm tập trung một điểm và hợp nhất với danh hiệu Ngài với lòng sùng kính,
chúng ta bắt đầu hưởng thụ một đại dương của những phẩm tính giác ngộ. Sự sùng
kính và niềm tin nơi Đức Phật sẽ tự nhiên nở hoa. Chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ
thấy rằng chẳng có chỗ cho tinh thần tiêu cực và cảm xúc phiền não như tham,
sân, si, và ghen tị. Khi chúng ta trở thành kinh mạch tràn đầy sự ban phước của
Đức Phật, chúng ta phục vụ lẫn nhau một cách tự phát. Bất cứ những gì chúng ta
nghe, thấy, và cảm nhận đều xuất hiện như hiện diện của Ngài. Tái sanh trong
Cõi Tịnh Độ Cực Lạc tự nhiên là bước kế tiếp. Và sự đạt được Phật quả, là nơi
đến cuối cùng của chúng ta sẽ tới.
Nếu danh hiệu ban phước trở thành
hơi thở và tư duy của chúng ta với lòng sùng kính và tán thán, thì ngay cả
trong lúc chúng ta nhận thức những hình ảnh, âm thanh, hoặc cảm nhận bình
thường – dù chúng ta đang sống, sắp chết hay trong bardo – chúng ta sẽ luôn
được kết nối với Đức Phật qua danh hiệu của Ngài.
Nếu bạn có thể niệm danh hiệu hay
cầu nguyện-danh hiệu trong ngôn ngữ nguyên thủy (Phạn ngữ) hoặc trong một ngôn
ngữ đã được ban phước bởi vô số các bậc giác ngộ, như Phạn và Tây Tạng thì đặc
biệt hùng mạnh. Nhưng nếu cầu nguyện trong ngôn ngữ của bạn thì gợi cảm hứng
cho bạn nhiều hơn, sử dụng ngôn ngữ của bạn sẽ khéo hơn, vì điều quan trọng là
mở rộng tâm với lòng sùng kính và phát triển tín tâm.
Chúng ta nên niệm danh hiệu đã ban
phước của Đức Phật Vô Lượng Quang càng nhiều càng tốt. Phụ lục A giải thích
cách dùng danh hiệu ra sao.
CÕI TỊNH ĐỘ RA SAO?
Thân hóa hiện của Cõi Tịnh Độ Cực
Lạc xuất hiện trong nhiều cách tương tự với những phẩm tánh cao nhất của cõi
người và trời. Vậy, những chúng sanh sinh vào đây sẽ có thân tướng giống như
trời và người.
Mặc dù sự biểu hiện tịnh độ này xuất
hiện như đối tượng của khái niệm và cảm xúc nhị nguyên, tuy vậy những phẩm tính
tích cực và rộng mở của nó sẽ nở hoa. Nó là một xứ sở thiên đường, vị trí ở
trên trời (không trong biển hay đất liền) và đầy dẫy những vật chất quý báu. Nó
hoạt động trong trật tự có thứ bậc của những vị thầy và đệ tử. Tất cả chúng
sanh được sinh vào tịnh độ này là những đệ tử, và giữa những đệ tử này là chư
bồ tát, lần lượt phục vụ người khác như các vị thầy.
Cõi Tịnh Độ Cực Lạc tương tự với
cõi người và trời trong cấu trúc chiều kích, sự phân biệt kích cỡ và khoảng
cách, và một khu vực thời gian tương đối. Tuy nhiên, nó không là chủ thể cho
con người đau khổ, như sinh, già, bệnh, và chết, cũng không có đau khổ như cõi
trời, như khi chết bị xuống cõi thấp. Giải thích vì sao nó được gọi là Cõi Tịnh
Độ Cực Lạc, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, “Trong Cõi Tịnh Độ Cực Lạc, thân
thể của chúng sanh không bị đau khổ. Không có đau khổ trong tâm họ. Lại có vô
số nguyên nhân tạo ra hạnh phúc. Đó là điều tại sao cõi này được gọi là Cõi
Tịnh Độ Cực Lạc.”
Đất đai của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc mềm
mại và bằng phẳng, giống như lòng bàn tay của một thanh niên. Nó bao la, trẻ
trung, tươi mát, dịu dàng, và là nguồn an ủi khi tiếp xúc, và không có gai,
sỏi, đá hay núi đá. Nó yên tĩnh, thanh bình, hỷ lạc, và tinh khiết. Nó được làm
bằng bảy vật liệu quý[3] và trang hoàng với những thiết kế bằng vàng chẳng có
bất cứ dấu vết của sự thô kệch, xù xì, dơ bẩn, tối tăm, hoặc hư hoại. Nó tỏa
sáng và đầy màu sắc, phát ra những tia sáng. Trong chính cõi tịnh độ này, vô
lượng cõi Phật tịnh độ khác xuất hiện như sự phản chiếu bề ngoài của một gương
trong sáng. Người ta có thể thấy những cõi tịnh độ này giống như đang xem những
lục địa khác trên một máy truyền hình trong phòng khách.
Tịnh độ này không có bóng tối hoặc
những rặng núi bình thường, mà được trang hoàng bằng nhiều loại ngọc quý với
những đỉnh cao và thấp. Đó đây, những rặng núi được trang hoàng bằng rất nhiều
ngọc quý, những kho tàng quý giá, những hang động chứa châu báu, và những lều
bạt được làm bằng những dây nho tinh tế và đẹp đẽ.
Những cây cối cực đẹp trong thiết
kế nhiều màu sắc tô điểm cho phong cảnh. Đó là những cây được làm bằng một,
hai, ba vật liệu quý. Nhiều cây khác được làm bằng bảy vật liệu quý: gốc rễ
được làm bằng vàng, thân bằng bạc, cành nhánh bằng lam ngọc, lá bằng pha lê,
cánh hoa làm bằng carnelian, hoa làm bằng ngọc trai-mẹ, và quả bằng hồng ngọc.
Những cây này khi xúc chạm đều mềm mại và dễ chịu, tỏa ra hương thơm dịu trong
mọi phương. Những âm thanh êm dịu được mang đi bởi những luồng gió.
Tịnh độ này được trang hoàng với
những hồ, ao, sông sâu và rộng, ở đó mọi người chơi đùa với sự thanh thản to
lớn. Những bước chân thoải mái trên ngọc quý dẫn đến ao, hồ đầy tràn nước trong
sạch. Mặt đất được làm bằng ngọc quý và che phủ bởi cát bằng vàng. Những hồ đầy
nước với tám tính chất lành mạnh: đó là trong trẻo, mát mẻ, nhẹ nhàng, tinh tế,
mềm mại, tinh khiết, lành mạnh cho cổ họng và bao tử. Những hoa sen trên trời
tỏa ra hương thơm thiên đường trôi nổi trên mặt nước. Nhiệt độ của nước thay
đổi tùy theo bạn muốn. Những dòng sông trôi chảy với âm thanh của hàng trăm
ngàn bản giao hưởng mà bất cứ âm nhạc cõi thiên nào cũng không thể sánh được.
Bờ hồ và sông đầy những lùm cây nhỏ tỏa hương thơm phong phú. Những dòng sông
ngân vang giáo lý Phật Pháp bao la và thâm sâu theo lệnh bạn.
Vô số chim muông biểu thị nơi ở của
cõi Phật tịnh độ. Giống như núi non, bông hoa và những đặc trưng khác của vùng
đất, chim muông là mọi biểu hiện của Đức Phật và là chính bản thân Đức Phật.
Hiểu theo nghĩa thông thường, chúng là suối nguồn của an bình, hoan hỷ, trí
tuệ, và giác ngộ, không phải suối nguồn của rối loạn, bám chấp, tham lam, hay
thù hận. Giống như một người trong cõi bình thường nghe chim hót bình thường,
bạn sẽ nghe chim hót những âm thanh cực lạc của Giáo Pháp. Tuy nhiên, nếu thích
yên tĩnh, những gì bạn sẽ nghe chỉ là âm thanh của tĩnh lặng.
Mọi bông hoa đều làm bằng vật chất
quý nhiều màu sắc. Chúng lớn như nửa, một, hay mười yojana (một do tuần tương
đương với bốn ngàn sải, một sải bằng 1m82). Từ mỗi hoa xuất hiện những tia sáng
vàng, trên mỗi tia sáng vô số chư Phật xuất hiện. Sự xuất hiện của chư Phật
tràn đầy vô lượng hệ thống thế giới, tuyên thuyết giáo lý như sư tử hống đến
tai tất cả chúng sanh nào mở rộng lắng nghe.
Những đệ tử trong tịnh độ không dựa
vào thực phẩm thô. Nhưng nếu muốn, bất cứ cao lương mỹ vị nào cũng sẽ xuất hiện
trước họ và làm thỏa mãn không cần phải ăn. Tương tự, bất kỳ họ muốn – trầm
hương, dầu thơm, lọng, phướng, nhạc cụ, quần áo, hoặc đồ trang sức –sẽ xuất
hiện trước họ khi muốn. Nhưng những thứ này sẽ không xuất hiện với những ai
không muốn.
Với những người muốn lâu đài, sẽ xuất hiện những lâu đài nhiều tầng, nhiều mái
vòm được làm bằng vật liệu quý, đầy những ghế, giường, những trang hoàng của
thiên đường vô giá, và các trang trí kỳ lạ. Mỗi cung điện đầy dẫy chư thiên
cung cấp vô lượng âm nhạc và các giải trí ưa thích. Các đệ tử du hành qua bầu
trời cùng với lâu đài linh thiệng, vườn hoa, rừng, sông, và ao hồ của họ.
Mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối,
nửa đêm và bình minh, những làn gió nhẹ thổi từ bốn phương đến thăm mọi người.
Chúng đem cơn mưa hoa thơm ngát từ những cây và che phủ mặt đất với những cánh
hoa nở rộ mềm như lụa. Khi được ngọn gió thơm tiếp xúc, bạn cảm thấy cực lạc
như thể trong thiền định thể nhập. Chẳng bao lâu sau, các bông hoa cũ trên mặt
đất sẽ biến mất; được thay thế bằng những hoa mới.
Đó đây, những cơn mưa mùi hương đem
lại những bông hoa và đồ trang sức lấp lánh, đi kèm với âm nhạc và chư thiên
khiêu vũ.
Trong tịnh độ, mọi sắc tướng, âm
thanh, và cảm giác đều là hình ảnh, và kinh nghiệm của Giáo Pháp. Điều này
không có nghĩa hình tướng trở thành hình ảnh-Phật hoặc âm thanh trở thành lời
của kinh điển đạo Phật, mà là tất cả suối nguồn hoặc sự hiện diện của an bình,
hỷ lạc, và giác ngộ.
Nơi trung tâm tịnh độ phong phú này
là Cây Giác Ngộ, cao khoảng sáu trăm ngàn do tuần (yojana). Nó được trang hoàng
với những hoa, lá, quả làm say đắm, và được trang trí với các châu ngọc quý báu
và những tràng hoa bằng vàng. Khi gió tiếp xúc, chúng phát ra những âm thanh
lôi cuốn khiến rất nhiều hệ thống thế giới nghe được. Tất cả ai nghe, thấy, hay
ngửi được Cây Giác Ngộ – hoặc nếm được quả, tiếp xúc ánh sáng của nó, hoặc suy
nghĩ trong tâm thức về nó – sẽ được giải thoát khỏi những khái niệm lưỡng lự và
các cảm xúc phiền não.
Kích thước và hình tướng Cây Giác
Ngộ được mô tả ở đây tùy theo cách người thường có thể thấy, nhưng trong thực
tế không thể nghĩ bàn về nó. Tại gốc cây là một ngai hoa sen khổng lồ. Đây là
chỗ ngồi của Đức Phật Vô Lượng Quang, từ đó Ngài giảng dạy và giải thoát cho
tất cả. [4]
ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG VÀ NHỮNG ĐỆ
TỬ CỦA NGÀI
Giống như Vua của Những Ngọn Núi
vượt xa trên mọi đỉnh thấp hơn, Đức Phật Amitabha cũng siêu vượt tất cả với sự
hiện diện huy hoàng của Ngài. Thân Ngài thanh tịnh và tinh khiết,10 trang hoàng
ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của một bậc siêu phàm. Thân Ngài thuần
tịnh và bao la như bầu trời, sáng rực với ánh sáng không thể nghĩ bàn, toả sáng
vô lượng cõi tịnh độ trong mười phương. Ánh sáng của Ngài là sự giác ngộ, đức hạnh,
và trí tuệ. Sự rực rỡ, đẹp đẽ và tinh khôi này giống như ánh sáng pha lê, kích
động thân và tâm của bất kỳ ai khi nó tiếp xúc với cực lạc, trí tuệ, và hoan hỷ
siêu phàm. Do vậy, Ngài được biết là Đức Phật Vô Lượng Quang, vì tuổi thọ của
Ngài là vô lượng, nên Ngài cũng được biết là Đức Phật Vô Lượng Thọ.
Ngữ của Ngài sinh ra những giai
điệu liên tục của Giáo Pháp. Tâm giác ngộ của Ngài là một đại dương an bình bao
la và trí tuệ sâu sắc. Ngài biết mọi đối tượng qua trí tuệ toàn giác không giới
hạn. Tâm Ngài tràn đầy tình thương và lòng bi cho tất cả những ai đau khổ,
giống như người mẹ yêu thương đứa con duy nhất. Với đại tự tin, Ngài làm tâm
chúng ta hoan hỷ và đáp ứng những gì ta cần với dòng chảy liên tục của giáo lý
như cam lồ vô tận. Với cống hiến nồng nhiệt, Ngài chia sẻ với mọi người cam lồ
thành tựu siêu phàm mà Ngài đã giác ngộ. Giống như ông chủ chăn đàn gia súc,
Ngài du hành chậm rãi nhưng kiên định, dẫn dắt tập hội đệ tử bao la như đại
dương.
Trong tịnh độ của Ngài, Đức Phật Vô
Lượng Quang chỉ huy vô số đệ tử không thể nghĩ bàn. Bao gồm những vị tìm kiếm
giác ngộ cho chính họ (Phạn, Thanh văn và độc giác Phật) và những vị tìm kiếm
sự giác ngộ cho người khác (Phạn, Bồ Tát). Trong số các vị Bồ Tát là tám bồ
tát: Avalokiteshvara, Mahasthamaprapta, Manjushri, Kshitigarbha,
Sarvanivaranaviskambini, Akashagarbha, Maitreya, và Samantabhadra. Tất cả các
Ngài sở hữu năm bậc trí tuệ phi thường như sau, (1) Sở hữu khả năng kỳ diệu du
hành trong khoảnh khắc qua vô số hệ thống thế giới để giảng dạy người khác. Mỗi
buổi sáng những vị đệ tử này du hành đến vô số cõi tịnh độ khác để gặp và tỏ
lòng tôn kính đến những đức Phật ở đó và nghe giáo lý của các Ngài, trước khi
trở về Tịnh Độ Cực Lạc. (2) Có khả năng nhớ lại các sự kiện từ nhiều kiếp quá
khứ, cho mục tiêu học hỏi và giảng dạy. (3) Thiên nhãn thông, các Ngài có khả
năng tìm kiếm trong vô số hệ thống thế giới để nhận ra người cần được bồ tát
phục vụ. (4) Thiên nhĩ thông, các Ngài có khả năng nghe giáo lý của vô số chư
Phật cũng như những lời cầu nguyện của vô lượng chúng sanh. (5) Các Ngài biết
trạng thái tâm thức của chúng sanh trong vô số xứ sở để phục vụ họ một cách
thích hợp. Qua những năng lực kỳ diệu này, chư bồ tát lo liệu hạnh phúc và lợi
ích cho vô số chúng sanh trong nhiều hệ thống thế giới.
Không phải tất cả chúng sanh được
sinh vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc đều có năng lực như vậy. Điều này là vì họ vẫn còn
nghi ngờ về việc được tái sanh vào tịnh độ và thiếu niềm tin tuyệt đối vào năng
lực của Đức Phật Vô Lượng Quang và các nguyện của Ngài.
Những chúng sanh khác thọ tái sanh
vào tịnh độ này có thể ở lại trong bụng một hoa sen trong năm trăm năm và không
thể thấy Đức Phật trong suốt thời gian đó. Họ sẽ hưởng thụ thanh bình và hạnh
phúc trong hoa sen tinh khiết, nhưng vì còn nghi ngờ, nên hoa vẫn đóng và họ không
thấy cõi tịnh độ và Đức Phật.
Không phải tất cả đệ tử trong tịnh
độ này là bồ tát thập địa, hay địa cao nhất, những bậc tìm kiếm giác ngộ cho
người khác, mà với tất cả những đệ tử đây sẽ là kiếp cuối của họ trước khi đạt
Phật quả, mọi người ở đây sẽ đạt giác ngộ – trừ khi họ chọn khác đi – cám ơn
năng lực của nguyện đức Phật. Không đệ tử nào dẫn dắt cách sống của một chủ gia
đình, với một phối ngẫu và gia đình, vì tất cả đều thoát khỏi sự bám luyến vào
những đối tượng gợi khoái lạc. Không ai lạc khỏi ý thức, tình cảm, và giới luật
thân thể chánh đáng, cho một cách sống hòa nhập với tịnh độ như vậy. Chúng sanh
trong Cõi Tịnh Độ Cực Lạc trong sạch hơn bất cứ chúng sanh của cõi phàm tục
nào. Thậm chí họ vượt lên cả sự phân loại nam và nữ. Tuy nhiên, theo sutra và
giáo lý của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc, dù không có người nam hay nữ bình thường giữa
những người được tái sanh vào tịnh độ, vẫn có những vị thánh nam và nữ biểu
hiện bởi Đức Phật Vô Lượng Quang để phục vụ chúng sanh.
Không có sinh ra bằng tử cung, vì
tất cả đều được sinh ra bởi những bông hoa nhiều màu sắc, hương thơm dịu dàng,
quý báu và bao la. Không một ai tạo ra nước tiểu, chất thải, hay mủ, vì chúng
sanh ở đây không có thân thô nặng hoặc [5] *ăn thực phẩm thế gian.
Đức Phật đã nói:
Trong tịnh độ của Đức Phật Vô Lượng Quang,
Vì mọi hưởng thụ thực phẩm đều là thiền định thể nhập,
Nên thậm chí không có tên gọi của thực phẩm [thông thường].
Mọi người đều có nước da thuần
khiết như vàng ròng. Thân của tất cả đệ tử trong tịnh độ đều tráng kiện và hùng
mạnh, phô diễn ba mươi hai dấu hiệu của bậc ưu tú. Ánh sáng trí tuệ của thân họ
tỏa sáng toàn bộ không gian. Đức Phật nói:
Trong tịnh độ của Đức Phật Vô Lượng Quang,
Ánh sáng trí tuệ của các bậc tôn quý luôn tỏa sáng.
Không có bóng tối,
Và không có sự khác biệt giữa ngày và đêm.
Tâm họ thanh bình vì tràn đầy tự
tin và trí tuệ. Họ hoan hỷ vì bất cứ những gì hưởng thụ dều tự nhiên không bám
chấp, hoặc thèm khát, hay bị phiền não bởi chúng. Thậm chí những người chưa
vượt lên đau khổ và những nguyên nhân gây khổ vẫn trụ trong hỷ lạc liên tục nhờ
vay mượn năng lực của cõi tịnh độ. Không ai phải chịu bệnh tật và tuổi già. Thọ
mạng là vô tận vì lực của công đức. Ngay sau khi tái sanh vào tịnh độ, mọi kinh
nghiệm đau khổ sẽ chấm dứt, vì không có cảm giác đau khổ trong cõi tịnh độ.
TÁI SANH TRONG CÕI TỊNH ĐỘ CỰC LẠC
Những mô tả về Cõi Tịnh Độ Cực Lạc
này chỉ là một phần thoáng qua của những phẩm tính phong phú không thể tưởng
của nó. Trong thực tế, ngay cả thiên nhãn thông cũng không thể thấy tất cả các
phẩm tính này, mà là sự vô tận, và thậm chí chư Phật cũng không thể giải nghĩa
tất cả chúng, vì ngôn từ không đủ giải thích.
Theo kinh điển, nguyện của Đức Phật
Vô Lượng Quang thật hùng mạnh, nếu bạn nhớ đến Ngài, không chỉ được tái sanh
vào cõi tịnh độ của Ngài, mà còn thấy được Ngài trong thân người trong cuộc
sống cũng như trong giấc mộng hay linh kiến của bạn. Vào lúc bạn chết, Đức Phật
Vô Lượng Quang sẽ xuất hiện trước bạn giữa đại dương các đệ tử của Ngài. Nhất
là nếu bạn nhờ đến Đức Phật Vô Lượng Quang trong bardo, thì ký ức đó sẽ giúp
bạn tái sanh vào tịnh độ của Ngài. Đó là vì trong bardo, việc thay đổi hoàn
cảnh của bạn được dễ dàng hơn.
Để tái sanh vào cõi tịnh độ, bạn
không cần đạt được bất cứ nhận thức thiền định cao. Vì năng lực nguyện của Đức
Phật, những gì bạn cần là thực hành bốn nguyên nhân làm rộng mở tâm và dễ tiếp
thu với một triển vọng như vậy. Điều kiện duy nhất là bạn không phạm bất kỳ năm
tội vô gián hoặc từ bỏ Giáo Pháp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy bốn nguyên nhân
như vầy:
Này, Ananda, đó là người [1] suy
nghĩ kỹ lưỡng về Đức Phật [Vô Lượng Quang và cõi tịnh độ của Ngài] nhiều lần.
[2] Họ đã tạo nhiều công đức vô lượng. [3] Họ phát triển tâm giác ngộ [bồ đề
tâm]. [4] Họ hồi hướng công đức của họ và lập nguyện khao khát được tái sanh
vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Khi chết, họ sẽ tái sanh trong pháp giới của Cõi Tịnh
Độ Cực Lạc.
Do trau dồi sùng kính và nhớ tưởng
Đức Phật Vô Lượng Quang, chúng ta chắc chắn sẽ tái sanh vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc
phi thường của Ngài, một vũ trụ của thanh bình vĩnh cửu và hỷ lạc siêu phàm, và
trở thành suối nguồn thanh thản và hài lòng cho người khác. Cơ hội kỳ lạ này là
lời hứa của Đức Phật Vô Lượng Quang cho mỗi người chúng ta. Chân lý của hứa
nguyện này được chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết. Nó đã được các bậc
thánh của đạo Phật và những người sùng mộ chứng minh bằng con đường du hành qua
nhiều thời đại.
Một số Phật tử tự xem họ là “vô
thần” có thể cho rằng Cõi Tịnh Độ Cực Lạc chỉ dành cho những người mộ đạo với
một tiếp cận hữu thần. Tuy nhiên, hãy xem ví dụ của Ngài Nagarjuna. Ngài là
người đề xướng quan trọng nhất của học thuyết tánh Không của Phật Giáo Đại
Thừa, một học phái vô thần bác bỏ những cực đoan của hiện hữu, phi hiện hữu.
Tuy vậy, chính Đức Phật lịch sử đã tiên tri rằng “một vị tăng tên
Naga[rjuna]... sẽ thọ tái sanh vào Cõi Tịnh Độ Cực Lạc khi rời bỏ thân xác.”
Vậy, nếu vị thầy quan trọng nhất của học phái vô thần vĩ đại nhất của Phật giáo
đã được sinh vào tịnh độ, thì bất kỳ người đi theo nào, dù hữu thần hay không,
đều có thể khao khát được sinh vào đó.
Để dễ dàng tái sanh vào tịnh độ,
điều quan trọng cho người sắp chết là có cả hai hệ thống hỗ trợ bên trong và
chung quanh họ. Chương kế tiếp nói về cách người giúp đỡ có thể lo liệu hỗ trợ
đó ra sao.
[1] Ngài Je Tsongkhapa viết rằng
đây là các mô tả nhiều biểu hiện tịnh độ trong sutra, nhưng sự mô tả cõi Tịnh
Ðộ Cực Lạc được Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích kỹ lưỡng trong các đặc điểm
hết sức chi tiết.
[2] Theo bản văn của Phật giáo Ðại
Thừa, phần 2 trang 73: bốn mươi sáu nguyện được liệt kê trong bản văn tiếng
Phạn, và bốn mươi tám nguyện trong bản dịch của Trung Quốc.
[3] Theo quyển ‘Phags Pa Od dPag...
bên cạnh vàng, bạc, lam ngọc, pha lê, và hồng ngọc, có hai tên khác trong tiếng
Tây Tạng mà tôi không biết là sPug và rDo’i sNying Po. Theo Kinh Văn Phật Giáo
Ðại Thừa, bảy vật liệu quý là vàng, bạc, chất khoáng berin (hổ phách?), pha lê,
san hô, hồng ngọc, và ngọc lục bảo.
[4] “Theo Ngài Jigmed Tenpe Nyima
và các nguồn khác, Ðức Phật Vô Lượng Quang cũng giảng dạy trong một cung điện
làm bằng ngọc quý. Cũng không chắc rằng cung điện có ở tại gốc Cây Giác Ngộ hay
không.”
[5] Theo những bản văn Abhidharma
(A Tỳ Ðàm, hãy xem NG 183a/2 và CND [Ch’os mNgon Pa mDzod...] 30/18) Vào lúc
khởi đầu của thời đại chúng ta, nhiều aeon trước, nhân loại trên trái đất này không
phân biệt nam, nữ. Họ không giao hợp, và mọi người được sinh ra bằng những
phương tiện kỳ diệu. Người ta không cần ăn thực phẩm thô cũng như không dựa vào
ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, vì họ tự tỏa sáng bằng ánh sáng rực rỡ của
chính thân họ. Họ bay qua bầu trời như chim, dù không có cánh. Dần dần, con
người bắt đầu hưởng thụ vật chất thế gian và sau đó kinh nghiệm cảm xúc thô.
Ðiều này làm họ mất năng lực bay và sự tỏa sáng. Chẳng bao lâu sau, họ bắt đầu
phân biệt nam, nữ và bị sinh bằng tử cung.