PHỤ BẢN
Sau khi
các độc giả xem qua quyển Kappa Kathā không khỏi phân vân khó hiểu, ví
có lắm điều vượt hẳn trình độ tri-kiến của chúng ta, đại khái như có nhiều đạo
giáo nói đến "Đấng Tạo-Hóa dựng nên trời đất v.v...".
Theo kinh Phật trong chỗ nầy,
thì không chỉ cho một đấng nào cả, mà trái lại dùng chữ "Pháp Tạo-Hóa thế
gian" với tri giác siêu phàm của Đức Phật, không phải như cái kiến thức
nhỏ hẹp của các người khác, chỉ biết nói đến một thời hạn ngắn và một đối tượng
do cá nhân nào đó sáng lập ra thôi, khi đi sâu và vấn đề, thì cụt đường bí lối.
Riêng Đức Phật Thích-Ca nói đến
pháp tạo-hóa, tức là do chúng duyên hiệp thành, chúng duyên chỗ nầy là dựa vào
trạng thái thiên nhiên của vũ trụ, đồng thời cũng do sự tương quan mật thiết
nhân duyên lành và dữ, tức là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp vậy.
Đoạn trước đã nêu rõ thập ác
nghiệp và thập thiện nghiệp để quí vị thấy rằng ta cần chừa bỏ hoặc lánh xa
điều ác, nên tu tập pháp lành.
Lời Phật dạy có rất nhiều, nhưng
đây tạm nói ba pháp lành là nguyên nhân phát sinh phước như sau đây:
- Bố thí (Dāna).
- Trì giới (Sīla).
- Tham thiền (Bhāvanā).
Sự bố thí để giúp cho kẻ khác
được an vui, ấy là ta sẽ được phước báu. Ngoài đó ra lại còn trưởng-dưỡng các
đức tánh tốt, khiến cho tâm ta mát mẽ vui tươi, mỗi kiếp sanh nào được sanh ra
cũng được đầy đủ hạnh phúc, nhất là có sắc thân xinh đẹp, túc-y, túc-thực.
Sự trì giới là phương tiện răn
cấm không cho thân làm, khẩu nói điều ác, bất cứ một điều nào nếu ta chẳng có
giới, chắc hẳn không trước thì sau, cũng sẽ làm hoặc nói tội lỗi độc ác, rồi bị
sa đọa chẳng sai. Người có giới chắc chắn sẽ đi trên con đường an lạc.
Sự tham thiền là phương pháp để
tu tâm; công nhận là tâm khó tu lắm, nhưng khi tu được rồi, ta sẽ thấy nó vô
cùng giá trị, thử nghĩ như nước đục ta không thể dùng vào một việc gì khác,
xong khi nước trong rồi sẽ trở thành hữu dụng vô cùng.
Tâm phàm tục cũng bợn nhơ như
nước đục kia vậy. Mọi người muốn nước trong cũng như bậc hành giả cố gắng tu
cho thân tâm đến mức thanh tịnh, ngõ hầu đạt được lợi ích cao thượng.
Lẽ thường, miếng chín ai cũng
muốn ăn, nhưng khó là khi nhúm lửa bắt nồi; nước trong ai cũng muốn uống song
làm cho trong mới là khó. Tâm phiền não ô trọc mà người khéo léo dùng đúng
phương pháp như:
- Nước đục đổ vào lu, tâm phàm
thể vào giới, lu nước để lóng trong, tâm phàm có tu định.
- Nước trong gặn cặn bỏ, tâm
phàm diệt bằng huệ.
Khi đã bỏ cặn-cáu, chỉ còn
thanh-thủy thuần nhất, cũng như tâm ô-trược, đã dùng Giới-Định-Huệ diệt trừ gặt
bỏ sạch hết rồi ấy là tâm giải thoát. Tâm cởi bỏ hết phiền não và nghiệp chướng
rồi, đạo quả thánh nhơn sẽ rõ rệt, thế là tuệ giải thoát đã minh hiện đầy đủ.
Bậc thánh nhân đạt đến quả vị siêu thoát, dù đang sống không lo ngại gì về vấn
đề Thành-Kiếp, Hoại-Kiếp ... cả.
Bởi các ngài không còn hột giống
sanh tử luân hồi để bắt buộc phải sanh lai tử biệt như mọi người khác nữa.
Chính các ngài chỉ tịch-tịnh Níp-Bàn mà thôi vậy.