Đời sống
Phật pháp cứu đời tôi
30/08/2558 15:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vui buồn mùa xuân
 
   Chúng ta biết, thời tiết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tuần tự như thế hết Đông rồi lại Xuân. Khi Xuân đến, chúng ta chuẩn bị đón mừng năm mới. Về thời gian có ngày đêm, trải qua 365 ngày đêm là một năm. Khi mùa Xuân đến chúng ta đón mừng năm mới, và chuẩn bị rất nhiều thứ, từ các vật dụng trong nhà đến thức ăn thức uống cũng phải chuẩn bị. Ngoài ra còn phải sắm quần áo mới cho con cháu, chuẩn bị bao lì xì hoặc tổ chức cho chúng đi du lịch ba ngày tết. Có người cả năm làm việc rất vất vả mới có được đồng tiền, tập trung cho ngày tết là muốn hết. Người xưa nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ăn không cũng đủ mệt rồi, nếu thêm đi chơi thì còn tốn kém nhiều nữa.

   Năm mới chúng ta ai cũng mừng thêm một tuổi, đồng thời theo cái mừng thêm đó cũng thêm rất nhiều thứ: đầu thêm muối tiêu, tai thêm điếc, mắt thêm mờ, chân thêm yếu, ngủ thêm khó, thân thêm đau v.v… 
   Thiền sư Mãn Giác có bài thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. 
  
   Dịch nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng 
Xuân đến nở trăm hoa 
Việc trôi qua trước mắt
Già theo đầu đến rồi
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.

 
   Khi chúng ta thấy trên đầu mình có tóc bạc, mỗi ngày một bạc nhiều là biết rằng mình đang già.

   Tai thêm điếc. Trước đây tai chúng ta nghe rất thính, rất rõ. Còn bây giờ, mỗi mùa Xuân đến tai mình nghe kém, thỉnh thoảng trong lỗ tai nghe lùng bùng. Người ta nói mình nghe không rõ phải nhờ máy nghe. Phải thêm hai tai nữa nghe mới rõ.
 
   Mắt thêm mờ. Lúc trẻ nhìn cái gì cũng rõ, bây giờ mỗi năm mắt chúng ta kém dần, muốn đọc sách báo phải đeo kính. Bình thường chúng ta có hai mắt, bây giờ thêm hai mắt nữa là bốn mắt.

   Sách Thử Hòa Điệu Sống của Võ Đình Cường có đoạn: “Ôi mắt trong của em rồi cũng sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi cũng sẽ úa mầu, hai bàn tay đẹp đẽ này cũng sẽ như que củi khô. Ta nghe trong ta, trong em, trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian”.

   Quả đúng như vậy, mỗi ngày chúng ta đang bị búa thời gian tàn phá. Hồi nhỏ, mắt chúng ta tròng trắng, tròng đen rõ ràng, nhìn rất tỏ, bây giờ mắt mình trở thành mắt mờ đục. Khi trẻ đôi môi của mình đỏ, bây giờ môi bắt đầu thâm. Lúc trẻ hai bàn tay mình trông như búp măng, bây giờ dần dần da mình xanh xám, nhăn nheo, gân nổi lên, mỗi ngày nó héo dần như que củi khô…

   Chân thêm yếu. Lúc trẻ chúng ta chạy té lên té xuống không sao, đến độ tuổi 40, 50 trở lên, té rất dễ gãy xương. Lúc trẻ chúng ta chạy giỡn thỏa thích không biết mệt là gì, bây giờ đi hơi xa một tí là thấy mệt rồi, còn chạy nữa thì không thể. Chân bắt đầu yếu. Trước mình đi nhanh giờ thì đi chậm, một ngày nào đó thêm một chân nữa là ba chân mới đi được, có người phải bốn chân (hai cái nạng hai bên, cộng thêm hai chân là bốn) mới đi nổi.

   Ngủ thêm khó. Một đứa bé mới chào đời thường ngủ rất nhiều, hình như nó ngủ để lớn, còn bây giờ chúng ta mỗi tuổi giấc ngủ thêm khó và ngủ ít đi.

   Thân thêm đau. Trước đây mình đâu biết nhức mỏi, đau lưng là gì. Bây giờ lớn tuổi trong người bắt đầu nhức mỏi, đau lưng, đau xương đủ thứ.

   Ăn thêm ít. Tôi nhớ khi nhỏ khoảng 13, 14 tuổi, một bữa cơm ăn ba bát đầy, nếu như hôm đó có thêm xôi chè hay món gì ngon có thể ăn nữa cũng được, nghĩa là bụng đã no rồi ăn thêm vẫn không sao. Bây giờ mỗi bữa tôi chỉ ăn chừng hai bát cơm, nếu ăn thêm nữa thì thấy khó chịu. Một ngày nào đó chúng ta nhìn thấy thức ăn thức uống không còn thèm nữa, không còn muốn ăn nữa, lúc đó chúng ta sắp sửa lên xe hoa rồi. Ai biết tu thì lên xe hoa về Tây Phương, ai không biết tu thì lên xe hoa về Diêm Vương. Muốn đi Tây Phương hay Diêm Vương đều do chúng ta quyết định.
Khi mùa Xuân lại đến 
Ta mừng thêm một tuổi  
Lại thương đời ngắn ngủi 
Kiếp mộng mãi nổi trôi.
Chư Tổ có bài kệ rất hay:
Ngày nay đã qua
Sự sống cũng giảm
Như cá ít nước 
Có vui sướng gì
Đại chúng phải siêng tinh tấn
Như cứu cháy đầu 
Chỉ nghĩ vô thường
Không nên phóng dật!

   “Ngày nay đã qua. Sự sống cũng giảm. Như cá ít nước”. Cá sống nhờ nước, mỗi ngày nước cạn bớt thì mạng sống của cá cũng đi dần đến cái chết. Thân của chúng ta cũng vậy, cứ một ngày trôi qua là mạng sống cũng giảm. “Như cá ít nước, có vui sướng gì. Đại chúng phải siêng tinh tấn, như cứu cháy đầu”. Các Ngài dùng hình tượng là đầu chúng ta đang bị cháy, phải mau mau cứu chữa không thể chần chờ được. Đầu cháy mà không chữa thì làm sao sống? Cho nên đây là hình ảnh nói lên sự vô thường tấn tốc để khuyến khích chúng ta cố gắng tinh tấn. Vậy vô thường là gì? Vô thường có nghĩa là luôn luôn thay đổi không bền chắc. Mạng sống chúng ta từng giây từng phút thay đổi. Có một nhà văn đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Thân chúng ta nhìn bên ngoài cứ tưởng nó là như thế, nhưng bên trong các tế bào luôn luôn sinh diệt đổi mới. Thân ngày hôm nay không phải là thân của hôm qua và cũng không phải là thân của ngày mai. Thân thể chúng ta giống như dòng sông luôn luôn có sự biến chuyển, thay đổi từng Sát-na một. “Chỉ nghĩ vô thường, không nên phóng dật”. Chư Tổ khuyên chúng ta phải nghĩ đến sự vô thường mà tinh tấn nỗ lực tu tập, không nên buông lung phóng túng theo Ngũ dục Lục trần, để rồi dẫn mình vào con đường đau khổ sa đọa.
Xuân đến rồi Xuân đi 
Hoa nở rồi lại tàn 
Đời người tại thế gian 
Như hoa nở mùa Xuân. 
Tuy thời gian khoảnh khắc 
Vẫn tỏa hương khoe sắc 
Tô thắm cho cuộc đời 
Thêm đẹp tươi phúc lạc.

   Hai câu đầu của bài thơ nói lên sự vận hành của thời tiết và định luật sinh diệt của hoa. Đó là định luật vô thường. Thân của chúng ta cũng vô thường sinh diệt, đó là quy luật không ai tránh khỏi: có sinh phải có tử và thời gian sống của chúng ta, tuy một trăm năm nhưng cũng không có là bao, chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi. Vậy trong thời gian chúng ta sống phải giống như bông hoa. Bông hoa nở ra chỉ một thời gian ngắn, nhưng nó tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp, thêm hương. Chúng ta là người phải hơn loài hoa, phải sống thật xứng đáng góp phần tô điểm cho cuộc đời thêm hương, thêm đẹp.

   Sống và chết là điều tất nhiên của con người. Song sống như thế nào có ích cho mình và người, chết như thế nào để lại tấm gương cho hậu thế noi theo học tập, đó là điều mà người trí cần phải suy nghĩ. Muốn sống xứng đáng chúng ta phải biết tu tập để làm mẫu mực, làm tấm gương cho người khác noi theo học tập. Để khi chúng ta nhắm mắt còn lại hương thơm cho cuộc đời.

   Mỗi một mùa Xuân đến ai cũng mừng thêm một tuổi, đồng thời lại thương cuộc đời ngắn ngủi, cái chết đến gần với chúng ta, thế mà chúng ta vẫn chưa giác ngộ, cứ mãi nổi trôi trong vòng luân hồi sinh tử Lục đạo đau khổ.
“Trên đầu tóc đã điểm sương 
Trăm năm là giấc mộng trường người ơi”
   Chúng ta sống một trăm năm chỉ là một giấc mộng dài. Cho nên khi mùa Xuân đến chúng ta có những niềm vui, nỗi lo và nỗi buồn. Vui là vui được thêm một tuổi. Lo là lo những thứ cần thiết cho ngày tết. Buồn là buồn tóc thêm bạc, da thêm nhăn, mắt thêm mờ, tai thêm điếc, sức khỏe thêm kém. Ngày nay, mình học Phật, đã hiểu được quy luật của vạn vật và nhân sinh là vô thường; tất cả những gì hữu tình tất hữu hoại, không còn lo sợ gì trước cảnh già bệnh chết đến với mình. Điều quan trọng là khi sống chúng ta phải như một bông hoa tươi đẹp, tô điểm sắc hương cho cuộc đời, cho đạo pháp, khi chết để lại tấm gương cho hậu thế noi theo học tập.