Trong chương đầu tiên này, chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn
về sự giản dị trong cõi lòng mỗi chúng ta. Sở dĩ chúng ta có thể có
được một phong cách sống giản dị là vì chúng ta đã có được phẩm chất
giản dị từ sâu thẳm cõi lòng mình.
Muốn thay đổi cuộc sống xung quanh, trước hết bạn phải thay đổi chính
bạn. Nói cách khác, mọi sự thay đổi phải được bắt đầu từ bên trong
bạn. Một cuộc sống giản dị phải bắt đầu từ sự giản dị nội tâm hướng ra
bên ngoài.
Một khi bạn đã có phẩm chất giản dị trong lòng, thì dù cuộc sống
quanh bạn có rắc rối, phức tạp thế nào, bạn vẫn có thể đơn giản hóa sự
việc, luôn bình an, vui sống trong mọi hoàn cảnh.
Đừng quan trọng hóa cái “Tôi”
Cuộc sống trên cõi đời này phức tạp, phải chăng là vì lòng người
phức tạp? Rất nhiều chuyện phức tạp trong cuộc đời này xảy ra chỉ vì
con người ta quá quan trọng hóa cái Tôi của mình mà ra! Nói cách khác,
cái Tôi là nguyên nhân của nhiều rắc rối trong cuộc đời!
Xét trong quá trình trưởng thành của một đời người, các nhà tâm lý
học nghiên cứu thấy rằng, đứa trẻ từ năm lên 3 tuổi bắt đầu có ý thức về cái Tôi (hay còn gọi là ý thức bản ngã).
Ý thức về cái Tôi có nghĩa là, trẻ bắt đầu ý thức được rằng mình là
một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh. Đến lúc này,
trẻ biết rằng mình có những ý muốn riêng, có thể hợp hay không hợp với
ý muốn của cha mẹ và người lớn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy, ở tuổi lên 3
đứa trẻ mới bắt đầu nhận ra rằng tên của mình gắn liền với bản thân
mình. Trẻ thường đồng nhất bản thân mình với tên gọi của mình và xưng
hô bằng tên khi chơi với bạn. Trẻ sẽ tỏ ra không bằng lòng nếu bị bạn
bè hoặc người lớn gọi sai tên của mình.
Như vậy, ý thức về cái Tôi là dấu hiệu của sự trưởng thành,
nên không có gì xấu mà ngược lại, còn là điều rất tốt. Con người sẽ
không thể trưởng thành được nếu như không có ý thức về cái Tôi. Con
người không có ý thức về cái Tôi thì sẽ không có sự phát triển nhân
cách, vì sẽ không biết “mình là ai”, sẽ không thể sống như “chính
mình”. Chỉ có việc “quá quan trọng hóa cái Tôi” mới là xấu!
°
Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều biểu hiện của việc quá quan trọng hóa cái Tôi:
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi nên trong mọi vấn đề chúng ta chỉ
thấy là mình đúng, tự cho mình là chân lý, còn những suy nghĩ, ý kiến
của người khác thì ta mặc kệ, chẳng thèm nghe.
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi nên chúng ta thường nghĩ mọi đau khổ,
phức tạp đều có nguyên do từ người khác, chứ không phải tại mình.
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những
lỗi lầm, xấu xa của người khác, chứ ta không nhận biết bản thân mình
thực sự ra sao?
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ muốn thay đổi người
khác theo ý mình, chứ ít khi ta nghĩ rằng bản thân mình phải thay đổi
trước.
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, bất cứ điều gì chúng ta cũng tự cho
mình là hạng nhất, cũng muốn tỏ ra hơn người khác, rằng: “Mình giàu có
hơn người khác. Vợ mình đẹp hơn người khác. Con mình giỏi hơn con của
thiên hạ...”
Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ nhìn thấy quyền lợi của
bản thân, chứ không biết nghĩ đến lợi ích chính đáng của người khác.
Chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ biết đến cái mình
muốn, chứ không thèm đoái hoài đến những mong muốn chính đáng của người
khác.
Chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta dễ có những hành vi cư xử bất công, tàn nhẫn với người khác...
Còn rất nhiều biểu hiện khác của việc quá quan trọng hóa cái Tôi,
nhưng trong phạm vi của cuốn sách nhỏ này, chúng ta không thể nào liệt
kê hết được!
Điều đáng tiếc nhất là, chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta
không nhìn thấy được điều gì lớn lao hơn bản thân mình. Cuộc sống của
chúng ta hóa thành ích kỷ, tâm hồn chật hẹp.
Cuộc sống này phong phú biết bao nhiêu! Nếu chúng ta chỉ biết quan
trọng hóa cái Tôi của bản thân, chúng ta sẽ đánh mất những điều phong
phú khác của cuộc sống!
Con người một khi còn chưa biết nghĩ đến điều gì lớn lao hơn bản thân mình thì không thể sống một cách cao thượng được!
°
Trong cuộc sống, hẳn bạn đã từng nghe nói, “cái Tôi là cái... tồi”.
Chúng ta chỉ cần nhìn sơ qua một vài biểu hiện nêu trên của việc quá
quan trọng hóa cái Tôi thì cũng đủ hiểu tại sao nó “tồi” rồi! Tuy
nhiên, chúng tôi thiết nghĩ, “cái Tôi không chỉ là cái... tồi”, mà nó còn là cái “tội” và cái “tối” nữa! Vì sao chúng tôi khẳng định như vậy?
Bởi vì, khi nhìn vào đời sống tâm lý của con người, bạn có thể khái
quát ở ba mặt, đó là: mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt hành vi. Con
người một khi đã mang thái độ tự đề cao cái Tôi của mình quá mức (tức
thái độ “tồi”) thì dĩ nhiên xuất phát của thái độ này là do nhận thức
vẫn còn “tối”, và từ đó rất dễ dẫn đến cả những hành vi “tội” nữa.
Thế cho nên, trong cuộc sống, nếu chúng ta muốn có được nhận thức
sáng suốt và những việc làm tốt, thì chúng ta phải thay đổi nhận thức
về bản thân mình trước hết. Một thái độ quá đề cao cái Tôi của bản thân
nhất định là một thái độ sai lầm. Nó có thể làm cho chúng ta ảo tưởng
về bản thân, luôn tự cho mình là đúng, là hay, là giỏi giang – trong
khi thực chất mình không hề có. Nó khiến chúng ta khó suy nghĩ sáng
suốt và khó có được những hành động đúng đắn trong cuộc sống.
°
Để có được sự giản dị trong cõi lòng, trước hết, mỗi chúng ta phải
biết quên cái “Tôi” của mình đi. Một khi đã quyết tâm quên cái “Tôi”
của mình đi, điều này sẽ thực sự làm thay đổi thế giới của chúng ta,
khiến cho nó trở thành tốt đẹp hơn.
Đừng xét đoán, gán nhãn người khác
Trong cuộc sống, chúng ta thường có khuynh hướng nhìn thấy cái xấu
nơi người khác, chứ ít khi nhìn thấy cái xấu nơi mình. Như đã nói, đây
là một trong những biểu hiện của việc quan trọng hóa cái Tôi. Mỗi sáng
thức dậy, bạn có thể sẽ gặp rất nhiều người trái tính trái nết, nóng
nảy, ganh tị, cao ngạo, độc đoán, bảo thủ, thô lỗ, cộc cằn, vô liêm
sỉ... Bạn có thể tìm thấy rất nhiều tính từ chẳng mấy hay ho để “gán”
cho người khác.
Không phải chỉ ở ngoài đường hay ở nơi làm việc, mà ngay cả trong gia
đình mình, nhiều lúc bạn cũng không tránh khỏi những va chạm nảy sinh,
không cảm thấy hài lòng ngay cả với người thân của mình. Bạn có bao
giờ trách móc rằng, vì sao tâm tính con người ta lại phức tạp như vậy
không? Thực ra, khi bạn trách móc người khác là phức tạp, thì trong mắt
người khác, chính bạn cũng phức tạp không kém gì!
Tại sao mọi chuyện lại phức tạp? Trước hết, bản thân động từ “xét
đoán” đã nói lên tính chất mơ hồ rồi! Thêm nữa, động từ “gán nhãn” lại
càng thể hiện tính chất chủ quan của mỗi chúng ta. Giữa cuộc sống sinh
hoạt muôn màu của đời thường, chúng ta có thể vội vàng “xét đoán”, nhằm
“gán nhãn” cho những việc làm này, con người nọ, hoàn cảnh kia là tốt
hay xấu, là đúng hay sai. Nếu ta dễ dàng tìm cách “xét đoán”, “gán
nhãn” cho người khác, thì đổi lại, người khác cũng sẽ dễ dàng làm tương
tự như vậy đối với chúng ta mà thôi! Chính cái vòng luẩn quẩn “gán
nhãn người – người gán nhãn lại” đó sẽ luôn làm cho mọi chuyện ngày
càng thêm phức tạp?
Trong cuộc sống, phải thừa nhận là có rất nhiều khi chúng ta “trông
gà hoá quốc”. Có những sự việc thoạt nhìn tưởng là như vậy, nhưng thực
tế lại hoàn toàn không phải như vậy! Thế thì dựa vào cái gì mà chúng ta
vội vã đánh giá, gán nhãn như vậy? Chúng ta tự cho mình là quan tòa
chăng?
Mỗi con người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày đều có cá tính riêng, suy
nghĩ riêng, cách sống riêng. Một khi chúng ta đã nhận ra rằng người
khác rất khác mình về nhiều phương diện, thì chúng ta không có lý do gì
để gán nhãn cho họ. Thay vào đó, tốt hơn hết là hãy biết tôn trọng sự
khác biệt. Đừng vội cho rằng, tất cả những gì khác biệt với mình đều là
xấu, đều là những điều mình không thể chấp nhận.
Những hành động xét đoán, gán nhãn,... người khác, xét cho cùng chỉ
phản ánh những tình cảm, suy nghĩ mang tính chủ quan của ta mà thôi,
chứ không phản ánh hoàn toàn đúng đắn sự việc như vốn có. Mang nặng
những xét đoán, gán nhãn, thành kiến, định kiến... chỉ càng khiến chúng
ta nhìn mọi người, mọi việc trong cuộc đời một cách lệch lạc, méo mó.
Làm như thế, khác nào chúng ta tự dựng lên một hàng rào cách biệt giữa
mình và người khác? Làm như thế, về cơ bản chúng ta đã tự giới hạn
những trải nghiệm của mình về cuộc sống.
Việc đánh giá một sự việc hay một con người là đúng hay sai, tốt hay
xấu, hoàn toàn không đơn giản! Nếu chúng ta hấp tấp thì có thể dẫn đến
những kết luận vội vàng, hàm hồ. Phán xét, kết án người khác một cách
thiên lệch có thể dẫn ta đến chỗ tiếp tục có những hành động ứng xử sai
lầm. Kết quả là, chúng ta lại càng làm cho mọi chuyện trở nên tai hại,
rắc rối thêm!
°
Nếu lúc nào ta cũng chỉ nhìn thấy cái xấu của người khác, tâm trạng
của chúng ta sẽ dễ bực dọc, khó chịu. Lòng ta trở nên ngột ngạt, nặng
nề. Cuộc đời ta bị bao phủ bởi một bầu không khí bi quan. Dần dà, ta sẽ
mất niềm tin vào cuộc sống. Càng để ý đến những sự việc, những con
người khiến mình khó chịu, thì ta lại càng cảm thấy khó chịu. Làm sao
để thoát khỏi tình trạng này?
Câu trả lời rất đơn giản là, thay vì cứ tìm cách xét đoán, gán nhãn
cho người khác, bạn hãy thử can đảm tự soi vào tâm hồn mình. Tất cả
chúng ta đều là những cá nhân chưa hoàn hảo. Cho nên, chúng ta hãy trung
thực tự soi vào chính mình, sao cho thấy hết mọi cái xấu, cái tốt của
bản thân mình, để rồi tự nỗ lực hoàn thiện mình.
Bạn thử nghĩ xem, “người khác” trong nhân loại lúc nào cũng rất đông
đảo, lên đến cả mấy tỷ người đang sống cùng bạn trên hành tinh này. Còn
bản thân bạn, có một và duy nhất chỉ một mà thôi! Vậy thì, nếu lúc nào
bạn cũng tìm cách phán xét, gán nhãn người khác, bạn có còn thời gian
để sống cuộc đời của mình nữa hay không? Đó là chưa nói, khi chúng ta
xét đoán, gán nhãn người khác bằng những ý nghĩ hoặc lời lẽ không tốt
đẹp, chúng ta đã tự làm mất đi nhiều giá trị tốt đẹp của chính mình.
Thế thì, chúng ta đừng nên mất thời gian cho những chuyện vô bổ như vậy
nữa. Từ hôm nay, thay vì tìm cách xét đoán, gán nhãn người khác, chúng
ta hãy nỗ lực tự hoàn thiện mình.
Trong cuộc sống, chúng ta cần hết sức chín chắn trong suy nghĩ trước
khi đánh giá một ai đó. Nói cách khác, chúng ta phải cố gắng nhìn nhận
người khác như những gì họ vốn có. Dù sự đánh giá của chúng ta chưa
thật sự hoàn toàn đúng như những gì mà người khác vốn có, nhưng ít ra
thái độ thận trọng khi đánh giá cũng giúp ta hạn chế đến mức thấp nhất
những ngộ nhận, sai lệch. Nếu không có được thái độ thận trọng như vậy
thì coi chừng chúng ta sẽ mãi mãi làm nô lệ cho những thiên kiến của
chính mình!
Nhìn thấy cái xấu của người khác thì rất dễ! Nhìn thấy cái tốt của họ
mới khó! Rất nhiều khi chúng ta cảm thấy đau khổ chỉ vì ta chưa hiểu
biết thấu đáo, đầy đủ về người khác với tất cả những điểm tốt, xấu của
họ. Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nhìn chằm chằm vào những gì là xấu
xa, tầm thường của người khác, thì khác nào ta đang tự cúi gằm mặt xuống
đất. Chỉ những ai biết nhìn vào những gì là tốt đẹp, là cao thượng của
con người thì mới có thể ngẩng mặt lên. Cho nên, nếu lâu nay bạn chỉ
nhìn thấy cái xấu của người khác, thì từ giờ trở đi bạn hãy thử nhìn
vào cái đẹp của con người, như tính trung thực, lòng nhân hậu, đức tính
kiên trì, dũng cảm, óc hài hước, cùng những ước mơ, khát vọng cao cả
của con người... Chính những suy nghĩ tích cực về người khác sẽ nâng dần
tâm trạng chúng ta lên.
°
Cuối cùng, để tâm hồn luôn nhẹ nhàng, thanh thản, bạn hãy vững tin
vào sự hướng thiện của con người, cho dù hôm nay họ có lỡ xử tệ với
bạn. Hãy có một tấm lòng rộng mở, biết cảm thông với những lầm lỗi,
khuyết điểm của người khác. Tục ngữ có câu: “Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc
sống của con người ta nhiều khi phải trải qua những giai đoạn hết sức
khó khăn. Hoàn cảnh của mỗi người đều có những khó khăn riêng: ta có
cái khó của ta, người khác cũng có cái khó của riêng họ. Nhiều khi
chúng ta không thể thấu hiểu người khác nếu ta không tự đặt mình vào
hoàn cảnh đầy phức tạp, khó khăn, thậm chí cả những bi kịch khốn cùng
trong cuộc sống của họ. Do vậy, tuyệt đối đừng bao giờ vội vã đánh giá
người khác, nhất là khi bản thân mình chưa nếm trải những gì mà người
khác đã từng phải đối mặt.
Giải tỏa những điều chất chứa trong lòng
Trong cuộc sống, những điều khiến chúng ta bực tức, cáu kỉnh, không
hài lòng, không thỏa mãn... thì rất nhiều. Mỗi sáng thức dậy, bạn có
thể tự nhủ rằng, hôm nay mình sẽ cố gắng giữ cho tâm trạng vui vẻ. Thế
nhưng, chỉ cần bước ra khỏi nhà không bao lâu, thế nào cũng có những
điều xảy ra trái ý, khiến bạn khó chịu, bực bội. Mọi cố gắng giữ cho
tâm trạng vui vẻ bỗng chốc tan biến hết!
Ngay cả khi bạn chọn một nếp sống hiền lành, chẳng muốn làm hại ai
bao giờ, thì chưa chắc người khác đã để bạn yên thân. Dù bạn sống chân
thật, thì một người nào đấy vẫn có thể lừa dối bạn, bày ra những mánh
khóe, gạt gẫm bạn, thậm chí chỉ muốn gây gổ, chống đối, quấy phá, làm
hại bạn. Chưa hết, ngay cả khi bạn không làm điều gì sai trái, thì vẫn
có những kẻ tìm cách đơm đặt, bịa chuyện, nói xấu sau lưng bạn... Tục
ngữ gọi tình trạng này là: “Cây muốn lặng, gió chẳng đừng!” Với những trường hợp như vậy, trong lòng bạn sẽ xảy ra một cuộc chiến – uất ức, cay nghiệt, muốn trả đũa.
Bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi những căng thẳng, lo phiền, nếu trong
cuộc sống bạn vẫn còn những vấn đề không thể giải quyết được và những
mối quan hệ không thoả mãn. Những chuyện bực bội, khó chịu nho nhỏ hằng
ngày, nếu không giải tỏa được thì sẽ kéo dài mãi, lâu dần sẽ khiến
lòng ta hóa thành nặng nề. Lòng người càng nặng nề bởi những buồn đau
chất ngất, những hận thù, oán ghét bao nhiêu, thì cuộc sống xung quanh
càng trở nên phức tạp bấy nhiêu. Chúng ta khó có thể cảm nhận được một
cuộc sống thanh thản, hạnh phúc nếu như lòng chúng ta vẫn còn đầy những
xúc cảm tiêu cực.
°
Những người biết sống giản dị thì cõi lòng luôn nhẹ nhàng, thanh
thản. Những nỗi bực dọc không bao giờ có chỗ đứng trong tâm hồn họ. Hơn
thế nữa, trong tâm hồn họ càng không có chỗ cho những hận thù, đố kị,
ghét ghen...
Muốn giải tỏa những điều chất chứa trong lòng, chúng ta phải làm sao?
Những điều chất chứa trong lòng khiến chúng ta nghẹt thở. Cách tốt
nhất là đừng bao giờ để cho những chuyện bực dọc nho nhỏ hằng ngày làm
chủ bản thân mình. Thay vào đó, bạn hãy làm chủ bản thân trước mọi
chuyện nho nhỏ trái ý mình xảy ra hằng ngày. Nếu bạn cảm thấy bực bội
thì trước hết, bạn hãy thừa nhận cảm xúc này. Nó là một phản ứng mang
tính tự nhiên, bạn đừng né tránh nó. Hãy can đảm thừa nhận nó, để rồi
dũng cảm vượt lên nó.
Những phiền muộn, bực tức trong lòng có thể khiến bạn cảm thấy khó
thở. Mỗi khi cảm thấy khó thở, bạn hãy thở chầm chậm lại. Hãy nghĩ về
hơi thở trong từng khoảnh khắc. Hãy thư giãn và hướng vào nội tâm mình.
Hãy tự nhủ rằng: “Hôm nay tôi sẽ làm chủ những cảm xúc giận dữ của
chính mình chứ không để cho chúng làm chủ.” Hãy hồi tưởng lại những
khoảnh khắc hạnh phúc trong đời mình. Thở vào chầm chậm. Rồi thở ra
cũng chầm chậm. Bạn hãy cảm nhận không khí diệu kỳ ngập tràn nơi bạn.
Rồi một hơi thở khác kế tiếp...
Sau khi can đảm thừa nhận những nỗi bực dọc và giải tỏa chúng bằng
hơi thở, chúng ta tiếp tục dũng cảm vượt lên nó. Với thời gian, những
ẩn ức dồn nén sẽ được giải tỏa, nỗi đau được xoa dịu. Cách vượt lên tốt
nhất là tìm cách bỏ qua, tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót của
người khác. Đành rằng tha thứ cho người khác không phải là một điều dễ
dàng gì! Theo phản ứng tự nhiên, chúng ta thích chấp nhặt, thích trả
đũa... Tuy nhiên, nếu sống mà cứ luẩn quẩn mãi trong những suy nghĩ nhỏ
nhen, tầm thường thì chúng ta rất khó làm nên được chuyện gì lớn lao
trong cuộc sống.
Do vậy, để dễ dàng tha thứ cho người khác, bạn cũng cần phải nghĩ đến
giá trị của việc tha thứ đối với mình. Tha thứ không chỉ là món quà
ta trao tặng người khác mà còn là quà tặng cho chính bản thân ta. Trong
cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta đủ mạnh mẽ để tha thứ cho người
khác, thì bản thân việc tha thứ này cũng đồng thời mang đi tất cả những
nóng giận, xấu hổ, oán hờn lâu nay chất chứa trong lòng ta. Nhờ đó,
cõi lòng ta mới trở nên giản dị. Chúng ta lại có đủ sức mạnh nội tâm để
tìm thấy những gì ta cần cho chính mình. Khi đó, ta mới thật sự cảm
nhận được sự bình an, vui sống...
Con người chỉ đáng được trân trọng khi biết nỗ lực vượt lên những nhỏ
nhen, ti tiện ở đời. Trong tấm lòng vàng của bạn không hề có giới hạn
nào cho việc tha thứ. Sự tha thứ của bạn là cao cả, cho nên nó không
đòi hỏi bất cứ điều kiện gì kèm theo. Nói cách khác, nơi bạn luôn sẵn
có một tầm vóc cao cả, như “mặt trời gieo hạt nắng vô tư”, để sẵn lòng
tha thứ cho người khác, không cần so đo xem người khác có xứng đáng
được tha thứ hay không. Mỗi ngày, bạn hãy thử ngước lên nhìn bầu trời
để học lấy bài học về lòng bao dung, tha thứ.
Khoảnh khắc tĩnh lặng mỗi ngày
Giữa cuộc sống hối hả hôm nay, tại sao nhiều người không thể có sự
bình an trong tâm hồn? Bởi vì, có khi nào họ tạo cho bản thân một
khoảnh khắc tĩnh lặng để tâm hồn mình lắng đọng đâu! Trong khi đó, phần
lớn hạnh phúc đích thực lại đến từ đời sống nội tâm của mỗi chúng ta.
Tất cả chúng ta đều không tránh khỏi những áp lực của cuộc sống. Con
người ai cũng có nhu cầu được giải tỏa khỏi những căng thẳng của cuộc
sống hằng ngày. Sau những ồn ào, náo động của ngày thường, bạn cần một
khoảng thời gian nhất định để tĩnh lặng riêng mình, để nuôi dưỡng tâm
hồn. Khoảng thời gian này giúp bạn khẳng định một lẽ sống giản dị cho
bản thân – giữa bao phiền toái của cuộc đời.
Trong màn đêm, vạn vật đều chìm trong tĩnh lặng. Thế thì tại sao con
người lại vẫn tiếp tục tìm vui trong những trò giải trí ồn ào, náo
động? Đó có phải là một thái độ sống phù hợp với quy luật của tự nhiên
không? Những trò giải trí ồn ào, náo động không đem lại cho con người
cảm giác hạnh phúc thực sự. Cái còn lại sau những giờ phút lao mình vào
những trò tiêu khiển thiếu lành mạnh chỉ là cảm giác mệt mỏi và trống
rỗng.
Trong cuộc sống, có nhiều điều sâu sắc mà bạn chỉ có thể cảm nhận
được khi bạn ở trong một không gian yên tĩnh. Cho nên, tại nơi ở của
mình, nếu có điều kiện, bạn có thể tạo cho mình một không gian riêng –
nơi bạn có thể dễ dàng tĩnh tâm suy nghĩ. Khoảng thời gian này là lúc
bạn được tạm xa những tiếng ồn ào của xe cộ, máy móc và các phương tiện
kỹ thuật của cuộc sống hiện đại, để hòa mình vào đêm một cách yên
bình. Lòng bạn có dịp tĩnh lặng lại. Một cảm giác nhẹ nhàng, trong lành
len nhẹ trong tâm hồn. Chính trong tĩnh lặng là lúc chúng ta “nghe”
được tiếng nói của mình nhiều nhất.
Một khi lòng ta đã tĩnh lại rồi thì mọi chuyện dễ dàng trở nên sáng
rõ hơn. Bạn hiểu rõ mình hơn và hiểu về cuộc sống này nhiều hơn. Từ đó,
chúng ta càng thêm trân trọng, yêu thương cuộc sống, không hề sống
uổng phí bất cứ ngày nào!
Mọi chuyện xảy ra mỗi ngày, dù thuận hay trái ý ta, không quan trọng
bằng việc ta học hỏi được điều gì từ những chuyện đó. Có những suy nghĩ
tưởng chừng như rất bình thường thôi, nhưng chúng lại có tác dụng tiếp
thêm sức mạnh cho bạn trong cuộc sống. Bạn sẽ không còn phải mất
phương hướng, hoang mang hay dao động điều gì nữa!
°
Tóm lại, cố gắng rút ra được một điều gì đó từ mỗi ngày sống của mình
giúp chúng ta sống sâu sắc hơn, cõi lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản
hơn! Rồi sau đó, bạn có thể nhẹ nhàng đi vào một giấc ngủ ngon, không
còn bị những nỗi bực dọc, những dằn vặt... quấy rối giấc ngủ.