Phần nhiều đau khổ của chúng ta trong cuộc sống là do “không biết
đủ”. Chương này gợi mở cho bạn những ý tưởng nhằm đơn giản hóa nhu cầu
vật chất của bản thân. Mỗi chúng ta cần biết tự giải thoát mình khỏi
những “ám ảnh” của vật chất, để có thể vươn tới nghệ thuật sống giản dị,
cũng có nghĩa là vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, thanh thản vậy!
Cuộc đời nhiều âu lo, do đâu?
Vì đâu chúng ta luôn bận rộn, cuống cuồng, hối hả với những lo
âu hằng ngày? Có phải phần lớn những phức tạp, rắc rối, những lo âu hằng
ngày của chúng ta đều liên quan đến chuyện tiền bạc, nhằm giải quyết
những nhu cầu vật chất hằng ngày? Mọi băn khoăn, suy nghĩ, thắc mắc, lo
lắng... hàng ngày hàng giờ của chúng ta phải chăng chỉ xoay quanh những
chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại?
Câu hỏi trên khiến chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: Tại sao
con người ít khi biết đủ? Tại sao lúc nào cũng phải tìm cách thu gom,
tích cóp? Phần lớn nguyên nhân lâu nay được quy cho lòng tham vô đáy của
con người. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ, nguyên nhân trước tiên là
do nỗi lo sợ bị thiếu thốn.
Cuộc sống vốn dĩ là không thể biết trước! Chúng ta chỉ có thể
biết những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì đang diễn ra ở hiện
tại, còn cuộc sống tương lai sẽ như thế nào thì không ai dự đoán cụ thể
hay chắc chắn được. Ngay cả khi chúng ta mong muốn một cuộc sống phẳng
lặng bình yên, thì những bão giông của cuộc đời cũng có thể bất chợt đổ
xuống đầu mình. Chính vì nỗi lo lắng rằng tương lai mình có thể gặp
chuyện bất trắc, có thể lâm vào cảnh thiếu thốn mà con người mới luôn
tìm cách thu gom, tích cóp.
Nhưng thu gom, tích cóp bao nhiêu cũng không cảm thấy đủ. Từ
đây, khái niệm “lòng tham vô đáy” mới xuất hiện. Nhu cầu vật chất của
chúng ta là không có giới hạn, thành thử lại càng phải thu gom, tích cóp
để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình. Từ đó, cuộc sống trở thành những
bon chen, giành giật không hơn không kém. Bạn thử nghĩ xem, cuộc sống
của chúng ta trên cõi đời này chỉ vỏn vẹn có bao nhiêu năm – không dài
lâu bằng cuộc sống của một loài cây cổ thụ nữa, nhưng tại sao lại phải
vất vả, mệt mỏi đến thế? Làm sao để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này?
Vẫn biết rằng, cuộc sống quanh ta không thiếu gì những người còn
nghèo khổ. Vẫn biết rằng, hằng ngày có biết bao nhiêu người lương thiện
phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà vẫn chưa đủ ăn. Về vấn đề này, chúng
tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến
những con người không hề bị áp lực của những gánh nặng cuộc sống. Họ vẫn
có của ăn của để, không thiếu thốn chi. Thế nhưng, họ lại coi việc chạy
theo nhu cầu vật chất là điều đáng quan tâm bậc nhất trong cuộc sống,
ngoài ra không có điều gì khác đáng để quan tâm cả!
Ý nghĩa cuộc sống của bạn chắc chắn không thể đo đếm bằng khối
lượng hay giá trị tài sản mà bạn sở hữu. Trong cuộc sống, mọi thứ luôn
biến đổi. Ngày hôm nay tài sản nằm trong tay bạn, nhưng ngày mai nó có
thể nằm trong tay người khác. Nhận thức được tính chất mong manh đó,
biết nỗ lực tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc của nhu cầu vật chất
bao nhiêu, chúng ta càng dễ dàng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống bấy
nhiêu!
Đừng chăm chút vẻ ngoài nhiều quá
Biểu hiện trước tiên của việc không biết đơn giản hóa nhu cầu
vật chất là chăm chút cho vẻ ngoài của bản thân mình nhiều quá! Những
người như vậy không biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến những người đói
khổ xung quanh. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để săn sóc cho làn da,
mái tóc, chau chuốt từng chiếc móng tay, móng chân... nhưng lại tính
toán, so đo từng đồng cắc một mỗi khi phải giúp đỡ một ai đó đang trong
hoàn cảnh khốn khổ.
Nhiều người không tiếc bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền của, thậm
chí bất chấp hiểm nguy tính mạng để đi giải phẫu thẩm mỹ; nhưng khi
phải giúp đỡ người khác thì họ tính toán, bủn xỉn đừng đồng một. Nói
cách khác, xài tiền cho bản thân bao nhiêu họ vẫn không cảm thấy đủ,
nhưng khi giúp đỡ ai một chút thôi thì họ luôn kể lể vì cảm thấy quá
nhiều. Thói ích kỷ này một khi đã hằn sâu trong lòng thì thật là tai
hại. Nó làm cho con người ta chỉ biết đến bản thân mình mà thôi!
Nhiều người dành phần lớn thời gian cho áo quần, cho cách ăn
mặc, coi trọng vẻ ngoài hơn vẻ đẹp tâm hồn. Họ mất rất nhiều tiền bạc,
thời gian cho những nhu cầu chưng diện này. Hẳn bạn thấy, nhiều người
chẳng phải là nghệ sĩ hay ca sĩ gì ráo, vậy mà dép guốc mua về cả trăm
đôi, áo quần cùng một lúc trong tủ hơn cả trăm bộ. Chưa hết! Lại còn cà
vạt, khăn quàng cổ, túi xách, mũ nón... cũng từ vài chục đến hơn cả trăm
cái.
Chao ôi! Có cần thiết gì mà phải phức tạp, rắc rối quá mức như
vậy? Chỉ tính riêng thời gian để cất dép guốc, giặt ủi áo quần thôi cũng
đã hết cả ngày! Nếu chậm chạp, lề mề thì có khi lại mất cả tuần, cả
tháng. Thử hỏi, ai kính trọng mình, ai khâm phục mình chỉ vì những “lớp
sơn” giả tạo như vậy? Có chăng cũng chỉ là những người hời hợt, không
biết đánh giá con người. Trên đời này, chỉ có những kẻ hời hợt mới đánh
giá con người qua dáng vẻ bên ngoài, vì họ đâu có đủ sâu sắc để nhìn
thấy điều gì khác hơn nữa!
Điều đáng nói là, nhiều khi trong túi không có nhiều tiền nhưng
vẫn cứ phải tìm cách đi vay mượn, để có thêm tiền mua sắm, để rồi cũng
phải ăn diện “cho có với người ta”! Chính những suy nghĩ lầm lạc này dẫn
đến tình trạng nợ nần chồng chất! Những người càng nghèo khổ lại càng
mặc cảm, càng tìm cách dùng vẻ ăn diện bề ngoài để che giấu hoàn cảnh
thực tế của mình thì càng có nguy cơ nợ nần chồng chất, đã nghèo lại
càng nghèo thêm, không biết đến khi nào mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
Đáng tiếc là, ở những xứ sở chậm tiến, trình độ dân trí còn thấp
kém thì loại người suy nghĩ hời hợt lại chiếm số đông. Giới kinh doanh
và quảng cáo lại luôn tìm cách tranh thủ nhược điểm này để khuếch trương
hoạt động của mình. Thành thử, những suy nghĩ lệch lạc và tật đua đòi
của nhiều người cứ thế mà ngày càng “liên tục phát triển”, ngày càng
nhân rộng trong xã hội. Điều nguy hiểm nhất là, thời gian dành để chăm
sóc ngoại hình, thời gian dành để tự ngắm vuốt chính mình trước gương
lại nhiều hơn thời gian dành để tự kiểm thảo nội tâm.
Liệu một cách sống như vậy có thoả đáng không? Lớp “vỏ bọc trang
trí” của ta lại quan trọng hơn bản thân ta hay sao? Chỉ biết chăm lo
cho vẻ đẹp bề ngoài mà thiếu hẳn vẻ đẹp tâm hồn, thì thử hỏi vẻ đẹp lộng
lẫy bên ngoài kia còn có ý nghĩa gì? Hay nó chỉ là phương tiện để tiếp
tục lừa lọc những kẻ nhẹ dạ, hời hợt? Chỉ biết chăm lo cho vẻ đẹp bề
ngoài mà thiếu chiều sâu tâm hồn, thì khi bề ngoài càng trở nên “đẹp”
bao nhiêu, mức độ “suy thoái” trong tâm hồn cũng sẽ gia tăng tương ứng
bấy nhiêu!
Bôi son trát phấn lên mặt cho đẹp, mà trong sâu thẳm nội tâm lại
không đẹp, thì liệu gương mặt có đẹp được không? Dù bạn có sử dụng
những loại mỹ phẩm danh tiếng hoặc mắc tiền cỡ nào, nhưng bạn vẫn mang
một bộ mặt “sưng sỉa” khi gặp gỡ người khác, thì khuôn mặt của bạn cũng
rất khó mà tươi đẹp cho được!
Cần một lối sống giản dị, lành mạnh
Thêm một biểu hiện nữa của việc không biết đơn giản hóa nhu cầu
vật chất, đó là mua sắm quá mức cần thiết. Mỗi lần bước chân vào siêu
thị hoặc những trung tâm thương mại lớn, có nhiều người dường như luôn
bị “cám dỗ” bởi hết thảy những gì đang được trưng bày trước mắt họ. Có
thể khái quát hoàn cảnh của những người như vậy trong câu này: “Không
mua về thì thấy thiếu thiếu, nhưng mua về thì lại thấy... quá thừa!”.
Nhà cửa của họ bị biến thành kho chứa đồ đạc mà họ không hay! Chỉ tính
riêng thời gian dành để lo bảo quản, sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc không thôi
cũng đã đủ mệt. Do vậy, chúng ta nên biết đơn giản hóa việc mua sắm thì
tốt hơn! Giàu có, nhưng vẫn lựa chọn một lối sống giản dị, đó mới là
thái độ của người hiểu biết.
Chưa hết, trong cuộc sống bạn có thể để ý thấy nhiều người có
thói quen ăn uống thiếu điều độ, dẫn đến béo phì, rồi lại mất thời gian
để đi tập thể dục thẩm mỹ, đi giải phẫu thẩm mỹ, đi hút mỡ... với mong
muốn được giảm cân. Thật là vớ vẩn quá! Những người khác thì có thói
quen hút thuốc lá, uống bia rượu. Dường như họ không thể sống nổi nếu
thiếu những thứ này! Những nguy cơ bệnh tật luôn rình rập những người có
lối sống thiếu điều độ, không hài hòa với tự nhiên. Thế rồi, bao nhiêu
bệnh tật rình rập, lại phải khổ sở, lo lắng, tìm cách chạy chữa!
Phần lớn bệnh tật của chúng ta đến từ lối sống thiếu lành mạnh,
thiếu điều độ. Chúng ta ngủ nghỉ không đúng giờ giấc, cố gắng làm việc
quá sức. Rất nhiều người dành cả tuổi trẻ của mình để lo kiếm tiền, đến
tuổi trung niên tích lũy được một tài sản kếch xù thì lại mắc bệnh hiểm
nghèo, muốn đánh đổi cả gia tài để lấy lại sức khỏe như trước cũng không
được! Như vậy có phải là tự mình đưa bản thân mình vào “vòng luẩn quẩn”
do chính mình tạo ra hay không?
Thay vào đó, một điều hết sức giản dị trong trường hợp này là,
chỉ cần bạn thay đổi lối sống và chế độ ăn uống thì mọi chuyện sẽ tốt
đẹp hơn ngay.
°
Với những biểu hiện cơ bản nêu trên, chúng ta thấy, nhiều khi
chính ta tạo ra nhu cầu, tìm cách thỏa mãn nó một cách quá mức, để rồi
chính những nhu cầu này lại hành hạ ngược trở lại bản thân ta. Chính vì
nhu cầu vật chất quá nhiều mà chúng ta phải cặm cụi kiếm tiền bao nhiêu
cũng không đủ để trang trải cho nhu cầu của chính mình. Điều này có khác
nào tự mang dây trói buộc mình? Nhìn vào cuộc sống, bạn sẽ thấy nhiều
người quanh bạn và có khi ngay cả chính bạn đang tự làm khổ bản thân vì
cứ tự giam hãm mình trong những nhu cầu vật chất. Dần dà, con người dần
trở thành nô lệ cho nhu cầu vật chất của chính mình mà không hay!
Muốn tránh khỏi những điều trên, để có được một cuộc sống giản
dị, chúng ta phải làm gì? Hẳn bạn đã tìm ra câu trả lời rồi. Đó là, hãy
biết đơn giản hóa nhu cầu vật chất của bản thân mình. Chừng nào chúng ta
chưa biết đơn giản hóa nhu cầu vật chất của bản thân thì chừng đó ta
vẫn còn bị những nỗi lo về vật chất đè nặng tâm hồn!
Tóm lại, người biết đơn giản hóa nhu cầu vật chất chính là người
biết lựa chọn một lối sống lành mạnh. Một lối sống lành mạnh, sống
khỏe, sống vui, sống đẹp, sống có ích, mở rộng tấm lòng với mọi người,
đó là một lối sống giản dị nhất!
Thoát khỏi những âu lo về tiền bạc
Bất cứ ai trong chúng ta mà chẳng bị những nỗi lo về tiền bạc đè
nặng tâm hồn mình? Cả ngày vất vả đi làm vì miếng cơm manh áo, chúng ta
bị nỗi lo tiền bạc ám ảnh đã đành; thế nhưng, ngay cả khi đã đến giờ đi
nghỉ rồi mà đầu óc vẫn bị ám ảnh bởi những lo nghĩ về đồng tiền đến nỗi
không sao chợp mắt được, thì quả thực là đời sống rất khổ. Lẽ ra, sau
những khoảng thời gian ban ngày vất vả lo làm ăn, chúng ta phải có thời
gian để tận hưởng những thú vui tinh thần của cuộc sống. Nhưng đằng này,
chúng ta lại tiếp tục sử dụng những khoảng thời gian quý báu này để
tiếp tục lo âu đủ chuyện. Nỗi lo về tiền bạc dằn vặt chúng ta, khiến
lòng ta ít khi nào được bình yên.
Nhiều người nghĩ rằng, sau khi họ đạt được sự giàu có rồi thì
lòng họ sẽ có được sự an ổn, bình yên. Có thật vậy không? Thực tế cho
thấy, nhiều người rất giàu có nhưng liệu trong tâm hồn họ đã tìm thấy sự
bình yên chưa? Hay từ sâu thẳm lòng họ chỉ là cảm giác trống rỗng và vô
nghĩa?
Trong ca khúc “Ở trọ”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Con
chim ở đậu cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.” Còn con người
chúng ta thì đang ở trọ chính nơi trần gian này, nghĩa là không có gì
vĩnh viễn, trường cửu cả! Mỗi chúng ta chỉ như một lữ khách đến với cuộc
đời này! Thế thì, cứ mãi quay cuồng, hối hả, vất vả cả đời để làm gì?
Dù đi nhanh hay đi chậm, rồi thì đến một lúc nào đấy, chúng ta cũng cùng
đi về một cõi mà thôi! Thế thì, vội vã mà làm gì? Tìm cách bám víu vào
cuộc sống này quá nhiều để làm gì? Không nên bám víu vào cuộc sống này
nhiều quá! Cứ sống giản dị, bình tâm, thanh thản có phải là tốt hơn
không?
Nhiều người, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, mọi tham vọng
làm giàu ích kỷ lập tức tan biến hết. Thay vào đó, họ chỉ có một mong
ước được sống – sống một cách có ý nghĩa.
°
Để thoát khỏi những âu lo về tiền bạc, chúng ta phải làm sao?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng, nhưng tìm được câu trả lời cho nó lại
là điều không dễ dàng.
Trước hết, phải thay đổi nhận thức của chúng ta về vấn đề tiền
bạc. Cuộc sống của chúng ta có nhiều phương diện, có nhiều nhu cầu phong
phú khác nhau? Không phải lúc nào cũng “đỏ mắt” kiếm tiền! Thời gian
hai mươi bốn giờ mỗi ngày của chúng ta còn phải dành cho nhiều hoạt động
phong phú khác nữa. Nếu chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu vật
chất, nếu chỉ quan tâm đến phương diện tiền bạc, thì liệu đó có phải là
một thái độ sống khôn ngoan hay không?
Điều đáng sợ là, chính nỗi “ám ảnh” về tiền bạc khiến cho đầu óc
của chúng ta không còn đủ sáng suốt để suy nghĩ về nhiều vấn đề quan
trọng khác của cuộc sống. Phải thừa nhận rằng, tiền bạc rất khó kiếm và
nó rất khó giữ. Tuy nhiên, nó không thể nào so sánh được với sự thanh
thản tâm trí và sự bình yên về cảm xúc của chúng ta.
Thứ hai, hẳn bạn đồng ý với chúng tôi rằng, tương lai luôn nằm
ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Những gì bạn nắm giữ trong tay mình
hôm nay không có nghĩa là ngày mai bạn có thể tiếp tục nắm giữ chúng.
Tiền bạc mà bạn đang có trong tay, chưa chắc sẽ là sự đảm bảo vững chắc
cho cuộc sống tương lai của bạn. Thế thì, tại sao chúng ta cứ tìm cách
bấu víu vào những thứ không vững chắc như vậy?
Đừng bao giờ nghĩ rằng tiền bạc sẽ mang lại cho bạn một cuộc
sống ổn định! Thực tế, mọi thứ trong cuộc sống quanh ta luôn thay đổi và
biến động không ngừng. Đời sống phải có buồn có vui, có nụ cười có nước
mắt, có đắng cay có ngọt ngào... mới là đời sống phong phú. Một cuộc
sống yên ổn và sung sướng quá, lâu ngày cũng hóa thành chật hẹp, chán
ngơ chán ngắt, không còn khiến chúng ta cảm nhận được niềm vui, hạnh
phúc nữa!
Thứ ba, một cuộc sống giản dị về vật chất sẽ giúp bạn cất khỏi
vai mình những gánh nặng lo toan không cần thiết. Nhờ đó, bạn có thêm
thời gian để suy nghĩ về những điều cao cả hơn trong cuộc đời. Từ đó,
chúng ta có thể “mở mắt” ra để thấy những điều mà lâu nay chúng ta không
thấy, do bị đồng tiền che khuất. Dẫu rằng tiền bạc có thể quyết định
nhiều thứ và mang đến cho con người nhiều thứ, nhưng nó không thể mang
lại cho con người kiến thức, đạo đức và tình yêu. Cả ba điều này là
những giá trị tinh thần vô giá mà tiền bạc không thể nào mua được.
Vô nghĩa làm sao những kiếp người lúc nào cũng chỉ biết lo thu
gom, tích cóp! Đến khi xuôi tay nhắm mắt cũng chẳng thể mang theo được
gì. Để lại cho con cái thì chỉ góp phần làm tăng tính ỷ lại của chúng
vào cha mẹ. Lúc còn sống ở trong nhà cao cửa rộng bao nhiêu, đến khi nằm
xuống thì cũng chỉ cần hai mét vuông đất mà thôi!
°
Nói tóm lại, đừng bao giờ cho phép “cái tôi” điều khiển bạn đi
đến niềm tin rằng, đời sống vật chất của mình là những vấn đề quan
trọng. Hãy luôn luôn để cho nội tâm bạn xác định những gì là quan trọng
trong cuộc sống của bạn. Mải mê đi theo con đường của nhu cầu vật chất
sẽ dẫn đến sự mệt mỏi trống rỗng; nhưng trái lại, nếu bạn đi theo con
đường của tinh thần, bạn sẽ sống một cuộc đời thật phong phú, trọn vẹn.
Đừng bao giờ chỉ vì quá mải mê theo đuổi việc kiếm tiền đến nỗi không
còn đủ thời gian, sức lực để chinh phục những đỉnh cao học vấn, đỉnh cao
trí tuệ - sáng tạo mà lẽ ra bạn xứng đáng có được!
Và cũng đừng bao giờ mang nặng mặc cảm rằng, vì mình không đủ
khả năng để ngước nhìn lên những đỉnh cao khác trong cuộc sống, nên chỉ
còn cách duy nhất là cúi mặt xuống lo toan chuyện tiền bạc. Ngày hôm
nay, bạn hãy nỗ lực tìm kiếm những khát vọng tinh thần của mình hơn là
những gì đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu vật chất. Sự lựa chọn này sẽ làm
cho cuộc sống của bạn thay đổi hẳn! Bạn sẽ tìm thấy nhiều điều mới mẻ
hơn trong cuộc sống của mình.
Điều chúng tôi mong mỏi là, bạn phải dám sống theo những giá trị
cao đẹp của bản thân mình. Đó là một con đường không có sự vẫy gọi, phụ
thuộc quá nhiều vào nhu cầu vật chất. Khi đó, bạn sẽ nhận ra những giá
trị tinh thần của mình cao đẹp như thế nào. Ngay từ hôm nay, bạn có thể
bắt đầu vun trồng chân giá trị tinh thần bên trong của chính mình.
Chỉ khi nào bạn đứng trên nền tảng của những giá trị đó, bạn mới
có thể sống thanh thản, hạnh phúc - bất kể trong hoàn cảnh như thế nào.
Thanh thản với đồng tiền
Trong cuộc sống, bản thân đồng tiền không xấu xa. Nó là vật vô
tri vô giác, không có tội tình gì. Giá trị của nó, sở dĩ có được, là do
con người quy ước. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: “Chỉ có lòng
ham hố tiền bạc của con người mới xấu xa. Chỉ có sự lo lắng thái quá về
tiền bạc mới là đáng sợ!”
Lòng ham tiền rất nguy hiểm. Nó có thể khiến con người tự đánh
mất chính mình trước mãnh lực của đồng tiền. Bạn thử nghĩ xem, một khi
đã đặt nhu cầu vật chất lên trên hết thảy, thì rất có thể con người sẽ
không khước từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn là vơ vét cho thỏa túi
tham của mình.
Tiền bạc không phải là một cái gì đáng để bạn phải quá lo lắng.
Một khi biết đơn giản hóa nhu cầu vật chất, bạn không những có một cuộc
sống thoải mái, không phải lo âu về tài chính. Hãy sống thanh thản,
thoát khỏi những lo âu về tiền bạc.
°
Viết đến đây, chúng tôi rất ngại sẽ bị quý bạn đọc hiểu lầm, cho
là chúng tôi đang cố gắng cổ võ cho một lối sống khổ hạnh hoặc đang cố
tình tìm cách đi ngược lại với đà tiến lên của kinh tế - xã hội. Thưa
bạn, hoàn toàn không! Bản thân tôi chẳng những không muốn sống khổ hạnh,
mà còn quan niệm rằng cuộc sống của con người chỉ phong phú, hài hòa
khi cân bằng cả tinh thần lẫn vật chất, rằng càng vững vàng về phương
diện vật chất thì càng có điều kiện quan tâm đến đời sống tinh thần. Vật
chất để sinh tồn phải là cái có trước, sau đó mới có thể phát triển
tinh thần. Đây là chân lý đã trở thành kiến thức nằm lòng, phổ biến,
không thể chối cãi của xã hội loài người.
Hơn thế nữa, một xã hội không thể tiến lên được nếu như mọi
thành viên trong đó đều suy nghĩ ì ạch, chẳng bao giờ dám nhen lên trong
lòng mình khát vọng làm giàu. Một khi đất nước giàu có, thì những phúc
lợi xã hội cho người dân sẽ có điều kiện được quan tâm nhiều hơn, có cơ
sở để giải quyết thỏa đáng hơn. Xa hơn nữa, chúng tôi còn đi đến chủ
trương rằng, cần phải giáo dục con người về cách làm giàu nữa!
Phần lớn những vất vả, lo toan trong cuộc sống hằng ngày của
chúng ta chẳng phải là xoay quanh chuyện kiếm tiền hay sao? Cho nên,
việc dạy cách làm giàu cũng quan trọng chẳng kém gì việc dạy cách làm
người. Nếu chúng ta phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ về cách học làm
người, thì tại sao chúng ta không dạy cho chúng hiểu về giá trị của đồng
tiền, và thái độ quý trọng cùng cách sử dụng đồng tiền như thế nào? Nếu
ngay từ nhỏ, đứa trẻ được dạy về những điều này, thì khi lớn lên, chúng
sẽ biết đơn giản hóa nhu cầu vật chất của bản thân và biết làm giàu vì
những mục tiêu chính đáng hơn để phục vụ người khác.
Con người, một khi chưa được giáo dục đầy đủ, chưa đủ bản lĩnh
để làm chủ, sai khiến đồng tiền, thì rất dễ bị đồng tiền sai khiến.
Đến đây, có thể bạn thắc mắc hỏi chúng tôi rằng: “Thế thì ông,
ông có muốn làm giàu không?” Chắc chắn chúng tôi sẽ trả lời bạn rằng:
“Đương nhiên là muốn! Thậm chí, rất muốn nữa là đằng khác! Nó là một
khát khao cháy bỏng trong tôi.” Nếu chúng tôi trả lời là “không muốn”,
thì hóa ra là tự dối mình và dối người. Còn nếu nói lời khẳng định là
mình “rất muốn” như vậy thì hóa ra, tự mình lại mâu thuẫn với chính mình
trong những đoạn viết ở trên ư?
Hoàn toàn không có gì là mâu thuẫn ở đây cả! Bởi vì vấn đề tiền
bạc rất đỗi phức tạp, nên để tìm được cách nói thỏa đáng về nó là điều
rất khó. Điều chính yếu mà chúng tôi muốn nhấn mạnh suốt từ đầu chương
này đến giờ, đó là: “Đừng vì đồng tiền mà đánh mất sự thanh thản và niềm
vui cuộc sống. Đừng coi đồng tiền cao hơn những thứ khác trong cuộc
sống của bạn. Trái lại, hãy biết đặt đồng tiền vào đúng vị trí của nó
trong đời mình, biết làm ra nó và sử dụng nó cho những mục đích cao cả
khác trong cuộc sống.”
°
Với một thái độ đúng đắn và tốt đẹp đối với tiền bạc, tiền bạc
có thể giúp chúng ta nâng cao nhiều phương diện khác trong cuộc sống.
Biết sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan, chúng ta có thể đem lại thật
nhiều điều tốt đẹp cho xã hội.
Trong hành trình hoàn thiện bản thân, chúng ta nên thay đổi thái
độ của chúng ta đối với tiền bạc và tìm kiếm niềm vui trong việc “làm
ra tiền bạc để phụng sự cho những mục đích sống cao cả hơn”. Khi đó,
tiền bạc trở thành phương tiện để thực hiện nhiều việc khác trong cuộc
sống, chứ nó không phải là mục đích duy nhất trong cuộc sống. Khi chúng
ta thịnh vượng, chúng ta có thể giúp những người chung quanh chúng ta
cũng có được một cuộc sống đỡ vất vả, thiếu thốn hơn.
Khát vọng làm giàu của chúng ta phải được ươm mầm từ chính cuộc
đời nhiều khổ cực của mỗi chúng ta, của gia đình chúng ta, của những
người xung quanh ta. Ta làm giàu hoàn toàn không phải do sự thôi thúc
của cái tôi ích kỷ, mà là vì muốn chung sức với mọi người vì một cuộc
sống tốt đẹp hơn!
Khi bất cứ bạn trẻ nào có một khát vọng làm giàu chính đáng như
vậy, thì việc kiếm tiền đối với bạn sẽ không còn là một nỗi lo hay một
gánh nặng như trước đây nữa! Những ý tưởng sáng tạo của chúng ta nảy
sinh khi chúng ta đang nỗ lực làm việc, khi chúng ta trực tiếp hướng khả
năng của mình vào những mục tiêu cao đẹp. Nó là nguồn sức mạnh để thành
công khi bánh xe của vận may bắt đầu quay tròn quanh ta. Đó là một cảm
giác rất tuyệt vời.
Khi kiếm được tiền rồi, chúng ta hãy rộng rãi với đồng tiền.
Nhiều tỷ phú thế giới tỏ ra khắt khe khi tiêu xài cho bản thân, nhưng họ
lại rất rộng rãi khi giúp đỡ người khác. Đó là những tấm gương rất đáng
để chúng ta học hỏi. Quả đúng như nhiều người Việt Nam mình vẫn quan
niệm, những người biết “sống xởi lởi thì Trời cho”, còn cứ “tính toán so
đo thì Trời lấy lại”. Một khi dám chia sẻ những gì mình có với người
khác, lòng bạn sẽ không bị đè nặng bởi nỗi lo phải giữ tiền hoặc lo kẻ
trộm sẽ đục tường khoét vách nhà bạn lấy mất! Hơn thế nữa, hành động
chia sẻ giúp chúng ta trở nên tự tin hơn, vui vẻ hơn, ảnh hưởng đến
những người chung quanh ta bằng những đóng góp tích cực. Nhiều người đã
tìm thấy hạnh phúc nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân để giúp
đỡ người khác. Đồng tiền như vậy mới là đồng tiền thanh thản!
Một khi bạn có được thái độ đúng đắn đối với tiền bạc như vậy,
bạn càng có động cơ cao cả thúc đẩy bạn hăng hái làm việc nhiều hơn, có
kết quả hơn! Khi bạn nghĩ rằng, mình đang cố gắng kiếm thật nhiều tiền
để giúp người khác, thì tầm vóc tư duy này sẽ giúp công việc của bạn
thuận lợi, trôi chảy hơn. Trái lại, nếu lúc nào cũng chỉ chăm chăm kiếm
tiền cho riêng mình, lúc nào cũng nghĩ “mình còn chưa đủ, làm sao nghĩ
tới người khác?” thì khác nào chúng ta đang để cho mọi cơ hội tốt đẹp
của cuộc sống tự đóng lại trước mắt mình. Nếu bạn không bao giờ thích
làm ăn với những kẻ ích kỷ, thì thiên hạ cũng sẽ như vậy!
°
Tóm lại, trong cuộc sống, điều quan trọng không phải là những
thứ bạn đã từng sở hữu, mà là những điều tốt đẹp mà bạn để lại cho đời.
Bất cứ công việc gì bạn làm với một ý hướng cao cả và nỗ lực làm thật
tốt, đều là những đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội!
Thay vì suốt cả đời cứ phải tối tăm mặt mũi vì tiền bạc, bạn hãy
cố gắng để lại cho đời những kho tàng vô giá mà tiền bạc không thể nào
mua được.