Đời sống
Phật pháp cứu đời tôi
Tác giả: Thích Chân Tính
19/04/2553 01:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giả
 
   Giả là gì? Giả có nghĩa là không thật, là kém chất lượng, là tạm thời. Giả còn có nhiều nghĩa nữa, nhưng hôm nay chúng tôi chỉ nói qua ba nghĩa này.
Ý nghĩa thứ nhất: giả là kém chất lượng, là nhái nhãn hiệu

   Trong cuộc sống, chúng ta có lẽ ít nhiều cũng bị mua nhằm đồ giả và xài đồ giả, đồ kém chất lượng, khiến mình khó chịu bực tức có khi ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu đó là thức ăn, thức uống hoặc là thuốc giả. Đồng tiền của chúng ta làm ra tốn biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, khi sử dụng phải tương xứng. Nếu mua nhằm những thứ giả kém chất lượng, mình cũng khó chịu bực tức. Thế nhưng, hiện tại trên thị trường hàng hóa thật và giả lẫn lộn khó phân biệt được. Có những thứ hàng hóa thật mình nghĩ là giả. Có những thứ hàng hóa giả mình nghĩ là thật. Chỉ có những người chuyên môn về các mặt hàng nào đó, mới phân biệt được thứ nào thật, thứ nào giả. Chẳng hạn như người thợ máy chuyên sửa xe gắn máy hai bánh, hằng ngày họ tiếp xúc sửa chữa, mua bán các thứ phụ tùng xe máy, cho nên họ biết rõ thứ nào tốt xấu, thật giả không bị mua lầm. Còn chúng ta không rành về máy móc, rất dễ bị mua lầm đồ giả.

   Như người thợ mộc, hằng ngày tiếp xúc với các loại gỗ, cho nên biết rõ gỗ nào tốt gỗ nào xấu, cây nào lõi cây nào giác. Đối với những người thợ mộc rành nghề, người khác không dễ gì lừa gạt được họ, không thể nói đồ xấu là đồ tốt được. Còn mình thì người ta lừa gạt được. Chẳng hạn khi chúng ta mua một cái tủ hoặc bộ bàn ghế, người ta nói đó là gỗ cẩm lai, nhìn bên ngoài mình thấy cũng có những đường vân như gỗ cẩm lai. Thế nhưng, khi mua về nhà xài một thời gian thì gỗ co lại, nước sơn PU ở bên ngoài phai đi, lúc đó mình mới biết là gỗ tạp, bị mua nhầm đồ giả. Bây giờ họ có kỹ thuật sơn nhái rất tinh vi, nếu không phải con mắt nhà nghề khó mà phân biệt được thật hay giả và rất dễ bị mua lầm. Đến như hạt gạo mình ăn hằng ngày cũng vậy, chỉ có những người bán gạo chuyên môn mới biết rành rõ, gạo nào ngon, gạo nào dở, gạo nào bị pha trộn v.v…

   Hiện nay, ở trên thế giới có loại dầu gió xanh rất phổ biến. Dầu gió xanh này chắc có lẽ nhiều người đã biết và xài nó. Sở dĩ người ta gọi dầu gió xanh vì vỏ hộp của nó màu xanh và nước dầu cũng màu xanh. Thật ra nó là dầu gió hiệu con đại bàng do nước Đức sản xuất. Dầu này thơm và xức vào người rất nóng, được nhiều người tin dùng và được bán trên thị trường. Từ lý do đó cho nên đã bị nhái sản phẩm. Nếu chúng ta có mua xài cũng khó phân biệt được dầu thật dầu giả. Có lần, một cô Phật tử đến biếu cho tôi một chai dầu gió xanh, cô ta hỏi tôi có biết phân biệt dầu nào thật, giả hay không? Tôi lắc đầu trả lời không thể phân biệt được. Lúc đó, cô mới chỉ chúng tôi cách phân biệt dầu thật và giả. Cô cầm hộp dầu đưa ra ánh sáng mặt trời, chiếc hộp để nằm trên bàn tay, hơi nghiêng chiếc hộp thì thấy hiện rất  nhiều hình con đại bàng và hàng chữ EAGLE. Có để ý kỹ lắm chúng ta mới thấy được. Sau đó, tôi vào phòng lấy một số hộp dầu mà người ta biếu trước đây đem ra xem thử, và quả đúng như lời cô Phật tử nói. Tôi thấy có hộp hiện hình con đại bàng, có hộp không. Từ đó, tôi mới phân biệt được hộp dầu nào thật, hộp dầu nào giả. Nói là giả chứ chất lượng và mùi thơm của nó cũng gần tương đương với dầu thật. Nếu không phân biệt hộp cũng khó phân biệt được dầu. Hiện nay, hộp dầu này đã thay đổi mẫu, nhìn hộp dầu óng ánh rất đẹp. Và chỉ nhìn sơ mình cũng thấy hiện rõ hình con đại bàng. Mặt sau của hộp để nghiêng bên phải thì nhìn thấy chữ OIL. Trước đây là chữ EAGLE. Nếu nghiêng về bên trái thì thấy hiện hình con đại bàng. Bây giờ chúng ta nhìn hộp dầu rất dễ phân biệt hộp dầu thật hay giả.
Còn quý vị nào có sử dụng mật ong, tôi sẽ chỉ cho quý vị cách thức thử mật, xem coi mật ong nào nguyên chất, và mật ong nào đã pha đường. Quý vị có biết thử không? Tôi có đọc trong sách thuốc họ hướng dẫn: nhỏ một giọt mật xuống lòng bàn tay hoặc trên tờ giấy thấm, nếu giọt mật vẫn vó cục, không chảy ra thì đó là mật nguyên chất. Nhỏ mật xuống chảy ra là mật đã pha chế. Mật nguyên chất người ta gọi là mật thật, còn mật pha chế với nước đường người ta gọi là mật giả. Mật thật hay mật giả dùng vẫn được, không hại gì. Chỉ là mật thật chất dinh dưỡng cao hơn mật giả.

   Hằng ngày chúng ta sử dụng xà bông, khi ra chợ mua một cục xà bông nhãn hiệu Camay. Nhìn vỏ bên ngoài cục xà bông ghi tiếng Anh Made in USA rõ ràng, mùi thơm cũng không khác gì xà bông Camay thật. Thế nhưng, khi xài tắm lần đầu có mùi thơm, qua lần thứ hai, thứ ba thì giảm dần, vài lần sau hết thấy mùi thơm. Lúc đó mình mới biết là xà bông giả. Còn xà bông thật khi chúng ta xài từ đầu cho đến lúc hết vẫn còn mùi thơm, chất lượng vẫn tốt.

   Trong cuộc sống hằng ngày, việc đi lại làm ăn hoặc công việc đời thường, cần phải có chiếc xe để làm phương tiện. Bây giờ mình muốn mua một chiếc xe máy hai bánh hiệu Honda, nhưng mua xe mới không đủ tiền, vì kinh tế gia đình không cho phép, mình phải mua xe cũ. Có người biết chúng ta cần mua xe, họ đem đến tận nhà giới thiệu cho mình một chiếc xe đã xài rồi. Nhìn ở bên ngoài nước sơn vẫn còn mới, mẫu mã còn đẹp, còn tốt phù hợp với túi tiền của mình, có thể mua được chiếc xe đó, nên đồng ý lấy. Thế nhưng, khi sử dụng được vài tháng thì có vấn đề: tiếng máy khua, chạy xì khói đen, hay bị chết máy, trục trặc đủ thứ hết. Lúc đó mình mới biết là mua nhằm xe dổm, vì tất cả những thứ phụ tùng bên trong máy không còn đồ zin nữa, mà là đồ lô. Đồ lô là những thứ nhái sản phẩm, những thứ giả mạo kém chất lượng, không phải chính phẩm. Cho nên, xe mới chạy được vài tháng đã xuống cấp, đã rơ hư hỏng đủ thứ hết. Vì không có đủ tiền mua xe mới, đành phải mua xe cũ để đi, không ngờ mua nhầm xe dổm, đã nghèo lại mắc phải cái eo, thật khổ!

   Đến như thức ăn, có khi chúng ta cũng mua nhầm thứ giả. Phật tử chúng ta trước đây ưa chuộng và tin dùng nước tương hiệu lá Bồ-đề, gọi là vị trai lá Bồ-đề do chùa Giác Sanh và một số chùa hợp tác sản xuất. Sở dĩ nước tương này được đa số Phật tử tin dùng là vì sản xuất tại chùa, chất lượng bảo đảm. Trước đây, tôi cũng thường dùng loại nước tương chai này. Có lần tôi mua một chai nước tương nhãn hiệu lá Bồ-đề đem về ăn thấy mùi vị hơi khác, có vị mặn hơn. Tôi biết mình đã mua nước tương giả. Mình không biết trong đó họ pha chế thứ gì, nhưng chắc chắn đã là giả mạo thì phải kém chất lượng. Nếu người làm hàng giả nghĩ đến lợi nhuận nhiều, chắc chắn phải kém chất lượng, và mình ăn vào có thể hại đến sức khỏe. Nhìn nhãn hiệu bên ngoài chúng ta khó thể phân biệt được chai nào thật, chai nào giả. Nhất là vấn đề sử dụng thuốc Bắc, hiện tại có rất nhiều loại thuốc hộp, thuốc chai, thuốc tể mang nhãn hiệu sản xuất tại Hồng Kông. Nhìn nhãn hiệu bên ngoài cũng in chữ tàu, chữ Anh Made in Hong Kong. Thế nhưng, trong ruột không biết Hồng Kông thật hay Hồng Kông giả.

   Như vậy, khi chúng ta mua một đồ vật gì để sử dụng, hoặc các thứ ăn uống, thuốc men mà mua phải những thứ giả hoặc kém chất lượng, mình cảm thấy khó chịu, bực tức và chắc chắn chẳng ai thích mua nhằm đồ giả. Đó là tôi giải thích về ý nghĩa giả là kém chất lượng và nhái nhãn hiệu.

   Ý nghĩa thứ hai: giả là không thật
   Về ý nghĩa giả là không thật này, tôi đưa ra thí dụ để quý vị dễ hiểu. Chẳng hạn như vàng. Vàng có vàng thật và vàng giả. Vàng thật khi người ta đốt cao độ nó chảy ra, nhưng khi để nguội thì nó vẫn còn nguyên chất, không bị thiêu hủy. Còn vàng giả khi đốt cao độ, nó có thể cháy thành than. Vàng thật có giá trị, bán một chỉ lúc này cũng được sáu bảy trăm ngàn. Còn vàng giả bán một chỉ được chừng vài chục đồng, chưa chắc có người mua. Vì vàng giả đâu có giá trị. Còn tiền cũng vậy, cũng có tiền thật tiền giả. Tiền thật và tiền giả chúng ta cũng khó phân biệt được. Hiện nay ở Việt Nam chúng ta xài đô la Mỹ khá nhiều. Một đô la Mỹ đổi được hơn mười lăm ngàn đồng tiền Việt Nam. Thế nhưng, mười lăm ngàn đồng tiền Việt Nam có thể mua được vài chục ngàn đô la Mỹ. Quý vị có tin không? Quý vị có biết đô la gì không? Đó là đô la âm phủ! Như vậy tiền đô la này có xài được không? Chắc chắn không xài được. Tại sao? Tại vì nó là tiền giả, nhìn tờ giấy bạc một trăm đô la giả cũng giống y như đô la thật, nhưng mình không xài được. Hiện nay người ta dùng để đốt xuống cho người chết xài. Thực tế chưa chắc họ đã xài được.

   Đức Phật dạy rằng: Người ta khi chết nếu chưa chứng quả vị từ A-la-hán trở lên, vẫn phải còn bị luân hồi trong sáu đường. Tức là sáu cảnh giới gồm có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời. Như vậy, nếu người thân chúng ta chết mà chưa chứng quả A-la-hán phải xoay vần trong sáu cảnh giới này. Giả sử bị đọa vào địa ngục hoặc làm ngạ quỷ có sử dụng được tiền đô la này không? Địa ngục, ngạ quỷ là cảnh giới hành hình đau khổ thì làm gì có bán thức ăn mà xài tiền. Những người bị đọa vào hai cảnh giới này chỉ có đau khổ không có an vui thì không thể hưởng được những thứ tốt đẹp. Còn nếu làm súc sinh là những loài mà chúng ta thấy trên thế gian này như gà, vịt, chó, mèo v.v… Những loài này có xài tiền được không, chúng ta cũng đã thấy rõ.

   Nếu sinh làm người trở lại họ chỉ xài đô la thật, chứ đô la giả cũng không xài. Những người sinh vào cảnh giới A-tu-la hoặc trời, họ có phước nên muốn thứ gì là có, khỏi cần phải xài tiền. Giả dụ như có xài tiền thì tiền của họ, chứ tiền đô la của chúng ta ở thế gian này họ cũng không xài được. Như vậy mình đốt những tiền đô la âm phủ cho người chết họ nhận được không? Nếu nhận được họ có xài được không? Chắc chắn là không xài được! Như vậy, mình đốt những thứ tiền âm phủ này có lợi ích gì cho người chết không? Thay vì mua những thứ tiền giả đó để đốt, quý vị nên mua vài chục con chim bị nhốt ở trong lồng thả ra. Khi những con chim bị nhốt, sắp bị giết chết được thả tự do nó sung sướng bay trên bầu trời bao la. Nhìn nó vui sướng bay lượn trên bầu trời trong lòng mình cũng thấy hoan hỷ. Bởi đồng tiền mình bỏ ra, đem lại lợi ích an vui cho chúng sinh thì đồng tiền đó mới có ý nghĩa, giá trị. Hoặc chúng ta mua những con cá ở ngoài chợ đem ra sông thả. Nhìn những con cá thoát chết tung tăng bơi lượn trong dòng sông, lòng mình vui. Nó vui mình cũng vui. Hoặc đem đồng tiền đó biếu cho người nghèo đói một chén cơm, người ta được no bụng hết cơn đói; người ta vui mình cũng thấy vui. Hoặc là đem đồng tiền đó cho người bệnh mua được vài viên thuốc uống, làm bớt cơn đau hết bệnh. Người ta vui sướng mình cũng vui sướng. Hoặc đem đồng tiền đó giúp cho những đứa trẻ nghèo khó không đi học, có cơ hội được đi học. Hoặc đem đồng tiền đó mua sữa cho người già nghèo khổ neo đơn v.v… Như vậy, thay vì chúng ta đem đồng tiền mua đô la âm phủ đốt cho người chết, mình đem tiền đó làm những việc có lợi ích cho mọi người. Chắc chắn người chết khi thấy chúng ta vì họ làm những việc phước thiện, họ cũng sẽ vui theo.

   Hôm trước có một Cô đi vào nghĩa trang thăm mộ người thân, trên tay Cô có cầm theo một cái nhà lầu, một chiếc xe xích lô và mấy bộ quần áo đều làm bằng giấy cả. Tôi thấy vậy hỏi:
   - Cô đem theo xe xích lô để làm gì?
Cô nói:
  - Chồng con trước đây đạp xích lô, bây giờ ông chết con đốt xe xích lô để ông chạy
   Tôi nói:
   - Trời ơi, ngày trước ông còn sống phải đạp xe xích lô nuôi vợ nuôi con khổ cực quá rồi, bây giờ ông chết để cho ông nghỉ tại sao lại mua xích lô cho ông chạy, làm như vậy tội cho ông quá!
   Cô nói:
   - Dạ con không biết nghe người ta chỉ vẽ sao thì làm vậy. Thôi lần này lỡ rồi lần sau con sẽ mua xe hơi đốt cho ông chạy.
   Tôi cười nói:
   - Cô không muốn cho chồng cô siêu thoát sao?
   Cô nói:
   - Dạ có
   - Vậy cô đốt xe hơi làm gì nữa.
   - Cõi dương sao thì cõi âm vậy.
   - Cô muốn ông ở mãi cõi âm hay sao?
   Lúc này Cô mới ú ớ không trả lời được. Nhân đó tôi mới giải thích cho Cô hiểu. Muốn chồng cô được siêu thoát thay vì đem tiền mua những thứ đồ mã đốt để ông ở cõi âm xài mãi mãi, mình nên mua chim cá phóng sinh hoặc bố thí cúng dường, in kinh ấn tống hoặc giúp đỡ người nghèo đói hoạn nạn v.v… Làm các việc phước thiện này, trước hết mình được lợi lạc, người khác được lợi lạc và cả người chết cũng được lợi lạc nữa. Tôi kể cho Cô nghe một mẩu chuyện trong kinh Thí Dụ.

   Một hôm, đức Phật cùng A-nan đi ở trên bờ sông, bỗng thấy năm trăm quỷ đói vừa đi vừa hát, đồng thời lại thấy năm trăm quỷ đói khóc lóc đi qua. A-nan thấy thế mới bạch hỏi đức Phật:
   - Bạch Thế Tôn! Tại sao bọn quỷ kia vừa đi vừa hát, còn bọn quỷ này lại khóc như thế?
   Đức Phật nói:
   - Bọn quỷ ca hát ấy sắp sinh lên cõi trời, vì  trong nhà con cháu biết tu phước trì trai lễ bái cúng dường bố thí, hồi hướng phước quả đến cho họ. Còn bọn quỷ khóc la kia không được siêu thoát, vì trong nhà người thân của họ vì họ  sát sinh cúng tế, nên họ gánh lấy quả báo ác, vì vậy mà họ khóc.
Nghe tôi kể xong, Cô hứa là từ nay về sau không mua vàng mã đốt nữa. Đem tiền đó làm phước để hồi hướng cho chồng được siêu thoát.

   Năm ngoái, tôi có đi Đài Loan dự lễ khai giảng lớp Phật học tại chùa Từ Ân, nhằm vào tháng Tám âm lịch. Sau đó, tôi được nhà trường cho đi tham quan một số nơi và họ có đưa đến xem một đàn tràng cầu siêu. Tại đàn tràng, tôi thấy họ làm một chiếc xe Buýt gần bằng chiếc xe Buýt thật. Họ làm khung bằng tre, bên ngoài dán giấy, bên trong có tài xế hành khách ngồi đầy đủ hết. Nhìn chiếc xe làm rất công phu, tôi nghĩ là phải tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Có lẽ chủ nhân của nó trước đây chạy xe buýt đã quá cố, cho nên người thân làm chiếc xe buýt này đốt cho họ xài. Quý vị thử nghĩ xem, một chiếc xe làm tốn kém tiền bạc như vậy, rồi đem đốt có lãng phí không? Với số tiền đó, họ có thể làm được rất nhiều việc lợi ích cho mọi người, cho bản thân họ và cho cả người chết. Cho nên, người học Phật phải có trí tuệ, nhìn sự việc cho thấu đáo, để khi hành động không bị sai tinh thần nhân quả, không bị mê tín.

   Trong cuộc sống, ai cũng có những giấc mộng khi ngủ. Có giấc mộng rất đẹp gọi là mộng lành, có giấc mộng rất dữ, rất xấu gọi là mộng ác. Hôm nào đó mình bị bọn cướp vào nhà trói lại đánh đập tra khảo tiền bạc. Mình nhất định không khai, không chỉ chỗ cất giấu, bọn cướp tức giận lấy dao đâm mình một nhát. Lúc đó sợ quá la lên, liền giật mình tỉnh giấc và biết nằm chiêm bao. Tuy trong lòng vui mừng vì việc vừa qua là mộng chứ không phải  thật, nhưng tim vẫn đập thình thịch, mồ hôi vẫn xuất ra như tắm. Khi tỉnh rất mừng vì không bị bọn cướp giết, mừng vì đó là mộng. Một hôm, mình được trúng số độc đắc, mừng quá đem tờ vé số đến ngân hàng lãnh tiền. Sau khi lãnh tiền xong bỏ vào cặp táp, rồi ôm trong lòng vì sợ bọn cướp giật mất, mắt thì lo để ý xem có kẻ cướp hay không, nên không để ý bậc thềm và bước hụt chân té nhào xuống đường. Lúc đó giật mình tỉnh giấc, mới biết việc trúng số độc đắc là chiêm bao, trong lòng cứ tiếc mãi, phải chi đó là sự thật thì đỡ khổ biết mấy… Như vậy, tỉnh rồi nhưng vẫn còn tiếc. Khi chúng ta tỉnh mà cứ tiếc những chuyện trong mơ thì gọi là gì? Tỉnh nhưng mà mê. Hoặc mình là diễn viên điện ảnh, khi đóng phim được đóng vai vua, có kẻ hầu người hạ, oai phong lẫm liệt, ai cũng kính phục nể sợ. Khi đóng phim xong rồi không còn là vua nữa, chỉ là một anh diễn viên bình thường. Lúc đó, mình cứ rầu buồn vì không được làm vua. Nếu người cứ rầu buồn nuối tiếc ngôi vua ở trong phim, đó là người mê hay tỉnh? Rõ ràng là người mê! Như vậy, những gì giả mà mình tham luyến thì gọi là mê. Tất cả quý vị hiện diện ở đây ai cũng tỉnh, chắc chắn không ai mê tiền giả, vàng giả, nhà giả, xe giả hay trúng số độc đắc giả, cũng không ai mê ngôi vua ở trên sân khấu cả. Giả sử có người nào mê những thứ đó là người không tỉnh hoặc không bình thường. Đó là chúng tôi nói về ý nghĩa thứ hai giả là không phải thật.

    Ý nghĩa thứ ba: giả là tạm thời
   Tất cả sự vật hiện hữu ở trên đời này đều do nhân duyên hợp lại mà thành. Ngay như bản thân chúng ta cũng do tinh cha huyết mẹ hợp lại. Tinh cha huyết mẹ là những chất dơ được cấu tạo bởi bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Nhìn thân thể chúng ta bên ngoài được bao bọc bởi lớp da, trông rất đẹp. Thế nhưng, nó che đậy những thứ dơ bẩn  bên trong. Hằng ngày, trong người chúng ta có chín chỗ thải ra những chất dơ gọi là cửu khiếu, gồm có: hai mắt, hai mũi, miệng, hai lỗ tai và đường tiêu, tiểu. Khi chín chỗ này thải chất dơ ra không ai muốn nhìn, muốn ngửi. Nếu bị thêm bệnh cùi hủi hay lở loét hoặc ung bướu thì chẳng ai dám đến gần. Nếu thân này chết đi người ta lại càng ghê sợ hơn nữa. Lúc sống gương mặt hồng hào xinh đẹp ai cũng muốn ngắm, muốn nhìn, muốn ôm hôn. Đến khi chết mặt mũi thâm xanh, không ai dám nhìn dám ngó, lại càng không dám đến gần. Lúc sống đôi khi vì giành người đẹp mà đánh giết lẫn nhau, đến khi chết nằm ngay đơ ra đó chẳng ai thèm giành. Lúc đó có cho chẳng ai thèm lấy, lấy của nợ về mất công tốn tiền chôn cất. Thân người giả tạm, chứa những thứ dơ bẩn trong mình như vậy mà chúng ta lại tốn biết bao thời gian tiền bạc để tô điểm cho nó, như xức dầu thơm, trang điểm môi son, má phấn, nhuộm tóc v.v…

   Có lần, một anh Phật tử đến nói với tôi
   - Thưa thầy, lúc này con thấy có một số ni cô điệu quá!
   Tôi nói:
   - Đừng nên xúc phạm người xuất gia, coi chừng bị quả báo đó.
   - Dạ thưa thầy con nói sự thật.
   - Sự thật là sao?
   Anh ta nói:
   - Xin hỏi thật thầy, người xuất gia có được phép trang điểm phấn son không?
   Tôi nói:
   - Không, Phật cấm người xuất gia trang điểm phấn son, đã đi tu rồi còn làm đẹp làm gì nữa! Bởi vậy Phật mới bảo người xuất gia cạo tóc, nếu Phật cho làm đẹp thì để tóc chải bới kiểu này kiểu nọ cho đẹp, chứ cạo tóc làm gì.
   Anh ta nói:
   - Vậy sao con thấy có ni cô kẻ chân mày, đánh môi son.
   Nghe anh ta nói tôi hiểu rồi. Biết đây là nỗi oan của các ni cô, bây giờ mình cần phải biện minh để giải oan.
   Tôi nói:
   - Đây là tàn dư của thời còn trẻ, chứ không phải xuất gia rồi trang điểm đâu. Anh cũng đã biết đó, người nữ là phái đẹp nên lúc còn trẻ ở tại gia, mỗi lần đi dự lễ hay đám tiệc, cũng phải trang điểm phấn son một chút cho đẹp. Trang điểm cho được gương mặt đẹp như ý, cũng rất dày công. Hiện nay người ta có kỹ thuật xâm hình giúp cho các cô trang điểm một lần là đẹp mãi mãi. Do vậy ngày trước lúc còn trẻ mấy cô vì muốn đẹp mãi nên đã xâm mày xâm môi. Bây giờ giác ngộ thân người là giả tạm, không muốn trang điểm xác thân này bằng thứ phấn son nữa, mà muốn trang điểm bằng giới đức, bằng sự tu hành, chỉ có giới đức mới làm cho người ta đẹp vĩnh viễn. Cho nên mấy cô mới cắt tóc xuất gia làm ni cô. Thế nhưng, trước đây lỡ xâm mày xâm môi rồi bây giờ xuất gia làm sao tẩy xóa được.

   Trước đây, tôi có biết một bà Phật tử, lúc đó tuổi bà cũng hơn năm mươi, nhưng bà rất thích trang điểm. Mỗi lần đi đâu bà đều đeo bông tai, cổ đeo dây chuyền, tay đeo vòng vàng cà rá. Một hôm bà đang trên đường đi chợ, có hai thanh niên chạy xe dream kè sát bên bà, rồi giật sợi dây chuyền ở trên cổ của bà. Lúc đó bà chụp tay anh thanh niên la lên, nhưng vì sức của bà làm sao bằng sức của anh thanh niên. Anh ta giật mạnh tay bà, làm bà té nhào xuống đất, bị gãy tay, mặt mũi bị xây xát. Rốt cuộc tiền mất tật mang, đã bị mất sợi dây chuyền lại còn bị gãy tay, tốn thêm tiền thuốc. Đi ra đường mà phô trương khoe của nhiều quá có ngày mang họa vào thân. Có người chỉ đeo một chỉ vàng mà bị bọn cướp giết chết lấy của, sự việc này báo chí cũng đã nói rất nhiều. Cho nên người học Phật chúng ta biết thân người là giả tạm không nên tốn nhiều thời gian tiền bạc để tô điểm cho nó. Mạng sống rất ngắn ngủi không phải tính bằng năm tháng, ngày giờ, mà phải bằng hơi thở. Cái chết đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Không ai biết được mình chết bao nhiêu tuổi. Quý vị không tin đi ra nghĩa trang xem thì biết. Người mới sinh ra chết, người một tuổi, hai tuổi chết, người năm mươi, sáu mươi, bảy mươi tuổi chết.

Có lần, đức Phật hỏi các đệ tử:
   - Mạng sống con người bao lâu?
   Có vị thưa:
   - Trong vài ngày.
   Phật nói:
   - Ông chưa hiểu đạo.
   Một vị khác thưa:
   - Bạch Thế Tôn trong một bữa ăn.
   Phật nói:
   - Ông chưa hiểu đạo.
   Một vị khác thưa:
   - Bạch Thế Tôn trong một hơi thở.
   Phật bảo:
   - Hay lắm! Ông đã hiểu đạo.

   Mạng sống chúng ta chỉ trong hơi thở thôi, thở vào không thở ra là chết. Vậy mà chúng ta để hết thời gian vào cái thân giả tạm này, cho nó ăn thật ngon, mặc thật đẹp. Vì muốn cho thân này ăn ngon, nên chúng ta mới giết hại súc vật. Biết bao nhiêu sinh mạng phải đau khổ, phải chết oan ức vì thân giả tạm của mình! Khi chúng ta ăn uống bồi bổ thân thể nhiều quá, dục vọng tăng theo. Khi dục vọng tăng đòi hỏi phải thỏa mãn, thỏa mãn dục vọng nhiều quá sẽ tiêu hao năng lực, đã tiêu hao năng lực nhiều thì bồi bổ nhiều, phải giết hại súc vật nhiều để ăn cho có sức. Cứ như vậy xoay vần, khiến cho mình tạo biết bao nhiêu nghiệp sát. Hoặc vì thích trang điểm, chưng diện, mặc đẹp phải có tiền, nếu không có tiền phải tìm mọi cách cho có để thỏa mãn ước muốn của mình, có thể lừa đảo người, hoặc gian tham trộm cắp hoặc “lường cân tráo đấu”, hối lộ móc ngoặc, biển lận của công v.v… Rốt cuộc khi chúng ta chết, thân giả tạm này cũng trở về với cát bụi.

   Có ông Trưởng giả có bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất ông rất thương, hằng ngày chăm sóc rất kỹ. Đói thì cho ăn uống đầy đủ cao lương mỹ vị, hơi bệnh một chút đưa đi bác sĩ. Trời lạnh lo áo ấm, trời nóng lo quạt máy, phòng lạnh, trang điểm vàng vòng, quần áo thật đẹp mọi tiện nghi về vật chất đầy đủ.

   Bà vợ thứ hai ông cũng rất thương, đi đâu ở đâu cũng đem theo bên mình không rời nửa bước, lúc nào cũng lo sợ mất.

   Bà thứ ba ông thương yêu nhưng không đậm đà bằng hai bà trước, thỉnh thoảng quan tâm chăm sóc một chút.
   Riêng bà thứ tư thì ông bỏ lơ chẳng khi nào để ý chăm sóc.

   Một hôm ông sắp chết, kêu bà vợ thứ nhất đến nói:
   - Bà ơi! Từ trước tới giờ tôi thương bà nhiều lắm, tôi lo cho bà đầy đủ mọi thứ, chăm sóc bà thật chu đáo, bà muốn gì được nấy chiều chuộng mọi thứ, bây giờ tôi sắp đi về bên kia thế giới, bà đi theo tôi cho có thủy có chung!
   Bà nói:
   - Ý đâu được! Khi sống thì có nhau nhưng khi chết thì đường ai nấy đi, ông bắt tôi đi theo ông sao được!
   Nghe bà từ chối một cách phủ phàng, ông buồn quá gọi bà thứ hai đến. Ông nói:
   - Bà ơi! Từ trước tới giờ tôi với bà như hình với bóng, hình đâu thì bóng đó không lúc nào rời nhau, bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới, bà đi theo tôi cho có tình có nghĩa!
   Bà nói:
   - Ô, làm gì có chuyện đó! Tôi đang còn xuân xanh đầy nhựa sống như vầy, ông lại kêu tôi chết theo ông thì chết sao được. Nói thật với ông, nếu ông mà nhắm mắt là tôi đi lấy chồng khác liền!

   Nghe bà tuyên bố một câu thẳng thừng như vậy, ông ta muốn đứng tim. Ông cố lấy bình tỉnh lại để tiếp tục gọi bà thứ ba đến. Hai bà trước mình hết lòng thương, nhưng lại không theo. Hy vọng cuối cùng là bà thứ ba này. Ông nói:
   - Bà ơi! Lúc sống tôi không có mặn mà với bà, nhưng tôi vẫn thương bà, vẫn quan tâm đến bà, bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới, bà thương mà đi theo tôi cho có đôi có bạn!
Bà nói:
   - Xin cám ơn lòng tốt của ông, thỉnh thoảng ông có quan tâm chăm sóc đến tôi, với tình nghĩa ấy khi ông chết tôi sẽ đưa ông đến mộ huyệt rồi về, không thể theo ông được, mong ông cũng hiểu cho!

   Thế là ông hết hy vọng, vì ba người vợ mà ông thương nhất bây giờ không có ai chịu theo, người vợ thứ tư cũng chẳng hy vọng gì nữa. Suy đi nghĩ lại một lúc ông cũng mạnh dạn cho gọi bà vợ thứ tư đến. Ông nói:
   - Từ trước tới giờ tôi vì đắm mê mấy bà kia mà bỏ quên bà, nay tôi thấy được lỗi lầm của mình, mong bà nghĩ tình mà tha thứ cho. Bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới bà có đi theo tôi không?
   Bà nói:
   - Lúc sống ông không quan tâm đến tôi mà chỉ lo cho mấy bà kia, bây giờ họ không theo ông thì tôi sẵn sàng theo ông từ kiếp này sang kiếp khác!
Đến đây, đức Phật cho chúng ta biết bà vợ thứ nhất chính là thân thể của chúng ta, hằng ngày chúng ta chăm sóc nó kỹ lưỡng, cho ăn ngon mặc đẹp, trang điểm phấn son, ấp lạnh quạt nồng, đến khi chết nó chỉ là cái xác thối, không thể đem đi được. Bà vợ thứ hai là chỉ cho tiền bạc của cải, đi đâu mình cũng đem theo, lúc nào cũng lo sợ kẻ cắp lấy mất. Các cụ ngày xưa nói: “Tiền là bạc”, cho nên bà thứ hai mới phán thẳng một câu, là ông chết tôi đi theo người khác liền. Quả đúng như vậy, lúc sống tiền thuộc về mình, khi chết nó thuộc về người. Còn bà vợ thứ ba là chỉ cho vợ chồng, con cái, thân thuộc. Những người này có thương mình, song chỉ đưa đến huyệt mộ là cùng, không  ai chết theo chúng ta cả. Còn bà vợ thứ tư chính là tâm ý của ta. Lúc sống chúng ta không để ý chăm sóc nó, khi chết nó lại đi theo chúng ta từ đời này sang đời khác.

   Hằng ngày, trên thế giới, người ta tốn rất nhiều tiền vào các việc xa xỉ như dầu thơm, phấn son, quần áo v.v… để trang điểm cho tấm thân giả tạm này. Có những chai dầu thơm rất đắt tiền, những bộ quần áo rất cầu kỳ trị giá bạc vạn. Nếu mỗi người đều ý thức thân này giả tạm, thì những thứ xa xỉ đó không cần thiết. Dùng đồng tiền này giúp đỡ cho người nghèo đói có chén cơm ăn, người đau bệnh có viên thuốc uống, những đứa trẻ nghèo được đi học, những người già yếu được chăm sóc, thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn, người ta bớt đi những đau khổ. Thân thể của chúng ta ví như chiếc thuyền ở trên sông, mà tác dụng của chiếc thuyền để đưa người qua sông, dù chiếc thuyền có xấu một tí nhưng vẫn làm lợi ích cho nhiều người, đưa được người qua sông. Còn chiếc thuyền sơn phết cho thật đẹp để ngắm nhìn thì không có lợi ích gì cả. Có những thứ tô điểm chỉ làm đẹp tạm thời. Có những thứ tô điểm làm đẹp mãi mãi. Thí dụ như chúng ta sức dầu thơm, dù chai dầu thơm đó thật là đắt tiền thì mùi thơm của nó cũng bay xa vài thước, hoặc vài chục thước là cùng và chỉ tồn tại một, hai cho đến ba ngày là hết thơm. Nó chỉ là mùi thơm tạm thời, không phải là mùi thơm vĩnh viễn. Nếu chúng ta biết sức dầu thơm bằng chất liệu giới định huệ, mùi thơm này sẽ còn mãi mãi.

   Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Hương thơm của các loài hoa, dù là hoa chiên đàn hay hoa mạt lỵ, đều không thể bay ngược gió. Chỉ có hương thơm của người giới hạnh, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương”. Chúng ta nên xông ướp chất liệu giới định huệ này, mùi thơm sẽ còn mãi mãi. Vậy chúng ta xông ướp bằng cách nào? Bằng cách chúng ta luôn thúc liễm thân tâm, chánh niệm tỉnh giác, giữ gìn giới luật nghiêm túc, giữ thân khẩu ý trong sạch. Ý không nghĩ ác, không nghĩ những điều làm đau khổ cho người. Khẩu không nói ác, không nói lời làm đau khổ cho người. Thân không làm ác, không làm những điều đau khổ cho người. Ba nghiệp thân khẩu ý được trong sạch là người có đạo đức, có nhân cách cao thượng, không làm khổ mình khổ người, luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Những người giữ giới trong sạch ai cũng kính nể, không chỉ loài người mà cả chư Thiên cũng ca ngợi và ngưỡng mộ. Khi chúng ta giữ giới trong sạch, sẽ có định và có tuệ. Đem trí tuệ của mình soi sáng cho người, hướng họ về nẻo chánh, xa lánh những đường tà, góp phần làm cho mọi người được an vui hạnh phúc, làm cho cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Đây chính là thứ hương thơm bất diệt, chúng ta nên xông ướp bằng thứ hương thơm giới định huệ này thì tốt hơn.

   Hiện tại, chúng ta làm đẹp thân thể bằng các loại phấn son đắt tiền, những thứ này cũng chỉ làm đẹp thân thể một thời gian ngắn ngủi. Chỉ có bố thí tài vật làm những việc lợi ích chúng sinh, trải tình thương đến muôn loài là thứ làm đẹp chúng ta mãi mãi. Khi chúng ta trải lòng thương yêu đến mọi người, hết lòng vì mọi người, tùy sức tùy khả năng của mình làm lợi ích cho mọi người, đem niềm an vui hạnh phúc đến cho mọi người, không tiếc thân mạng của cải, vì mọi người mà phục vụ hy sinh. Làm được như vậy chắc chắn mọi người sẽ nhìn chúng ta rất đẹp. Chỉ có những việc làm này mới làm cho chúng ta đẹp thật sự, đẹp mãi mãi. Hằng ngày, chúng ta trang phục đẹp bằng các thứ vải đắt tiền, những thứ quần áo này cũng chỉ là thứ làm đẹp tạm thời. Nếu chúng ta muốn trang phục đẹp mãi mãi, chỉ có trang phục bằng đức tính nhẫn nhục. Nhẫn nhục là sức chịu đựng. Chúng ta chịu đựng mọi khó khăn thử thách vững chí tu tập, làm lợi ích cho mọi người thì đó là những thứ trang phục đẹp nhất.

   Tôi còn nhớ một vị Thánh sống tên là Ganhdi ở Ấn Độ. Trong thời gian thực dân Anh xâm chiếm Ấn Độ, Ganhdi đã đưa ra thuyết bất bạo động để đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Thuyết bất bạo động của ông gồm có 11 nguyên tắc, trong đó ông chủ trương tuyệt đối không hợp tác với thực dân Anh. Cho dù thực dân Anh có đánh đập tù đày, thậm chí giết chết cũng không dùng vũ khí để chống trả. Thuyết này dùng tình thương, sức nhẫn nhục để chiến thắng vũ lực. Thuyết này rất khó thực hành nhưng do sự kiên trì nhẫn nại của Ganhdi, đã thuyết phục được toàn dân Ấn Độ làm theo. Bản thân của Gandhi cũng đã vào tù ra khám, chịu đựng biết bao đau khổ, nhưng ông vẫn giữ vững lập trường đấu tranh bất bạo động. Không ngờ sức mạnh của nhẫn nhục đã chiến thắng vũ lực. Cuối cùng, thực dân Anh đã công nhận nền độc lập Ấn Độ vào năm 1947. Sức nhẫn nhục để đấu tranh giành độc lập tự do hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Ấn Độ của Ganhdi là thứ trang phục đẹp nhất, không có thứ kim cương hột xoàn nào đẹp bằng. Chúng ta nên trang phục bằng đức tính nhẫn nhục này, để làm lợi ích cho mọi người sẽ đẹp hơn bất cứ thứ trang phục vải lụa đắt tiền nào. Đó là thứ trang phục đẹp mãi mãi.

   Tóm lại, hôm nay tôi nói về đề tài giả. Giả có nghĩa là những thứ kém chất lượng, là không thật, là tạm thời. Vậy đồ giả chúng ta không thích, không tham đắm. Thân giả chúng ta có thích, có tham đắm không? Nói thế không có nghĩa là khuyên quý vị bỏ mặc thân thể này tàn tạ, không quan tâm chăm sóc. Dù sao thân thể chúng ta cũng cần có sức khỏe để sống, để tu, để làm lợi ích cho mọi người.

   Điều mà tôi muốn nói là chúng ta đừng nên tốn quá nhiều thời gian cho việc trang sức hoặc ăn uống. Chúng ta mặc để che thân, không phải để khoe của. Ăn để sống chứ không phải để giết hại súc vật ăn cho thỏa mãn khẩu vị. Sự  khác biệt giữa người mê và tỉnh là ở chỗ đó. Người mê biết thân là giả nhưng vẫn cứ tham đắm, dẫn đến tạo nghiệp ác. Còn người tỉnh biết thân là giả nên không để thời giờ vào những việc ăn uống quá đáng, không làm đẹp thân thể bằng những chất liệu giả tạm. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni biết được thân người giả tạm, Ngài không xông ướp dầu thơm giả tạm, mà Ngài xông ướp hương thơm giới định tuệ. Cho nên, dù Ngài đã nhập diệt hơn hai mươi lăm thế kỷ, hương thơm giới đức vẫn tỏa ngát trần gian, vẫn còn thơm mãi cho đến ngày nay.

   Tôi còn nhớ một bài thơ rất hay, nhưng không rõ tác giả.
Trăm năm trước thì ta không có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.
 
   Một trăm năm trước khi sinh chúng ta chưa có. Một trăm năm sau khi sinh chúng ta có lại hoàn không. “Cuộc đời sắc sắc không không, trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”. Chết rồi chúng ta chỉ còn lại tấm lòng từ bi nơi cuộc đời này. Như vậy, mỗi người hãy là một chiếc thuyền trên biển khổ. Chiếc thuyền dù có xấu, nhưng chở người qua biển khổ có ích lợi hơn chiếc thuyền tô điểm sơn phết cho đẹp chỉ để ngắm nhìn. Trước sau hai chiếc thuyền cũng mục nát theo thời gian. Vậy mỗi chiếc thuyền chúng ta nên ra sức chở khoảng vài trăm người. Nếu không thì chở vài chục người. Nếu không nữa chở vài người qua biển khổ. Được vậy cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn và đẹp hơn. Đừng để chiếc thuyền theo thời gian mà mục nát, không được lợi ích gì cho ai cả. Hãy quên mình vì lợi ích cho mọi người.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin đọc bài thơ Thân Người Giả Tạm, để tặng quý Phật tử.

Thân người giả tạm vô thường
Do duyên Tứ đại dựa nương mà thành
Vốn là chất liệu mong manh
Tinh cha huyết mẹ hôi tanh tượng hình.
Bên ngoài da bọc đẹp xinh
Bên trong chứa đựng linh tinh phân đờm
Hằng ngày chín lỗ xả tuôn
Ai nhìn cũng thấy gớm nhờm lánh xa.
Cho dù xông ướp nước hoa
Tô son bôi phấn cũng là uế thân
Già đau bệnh khổ đến gần
Mạng căn chấm dứt xác thân trương sình
Người nào cũng sợ cũng kinh
Sống thì quý giá chết khinh hơn hùm
Đời người ngắn ngủi quá chừng
Chỉ trong giây phút chỉ từng Sát-na.
Thở vào mà chẳng thở ra
Thân người lại hóa thân ma không hồn
Mất công mất của tô son
Mất tiền trang điểm nay còn gì đâu.
Cả đời mưa nắng dãi dầu
Khổ thân khổ trí lo cầu vinh hoa
Uống  ăn cho thật đẫy đà
Sát sinh hại vật để mà béo thân.
Gây bao oan trái nợ nần
Địa ngục ngạ quỷ xoay vần đọa sa
Ai người thức tỉnh hiểu ra
Đừng lo những chuyện xa hoa bên ngoài
Tu tâm sửa tánh dồi mài
Ăn chay niệm Phật ngày ngày công phu
Giữ gìn ba nghiệp tịnh tu
Giới hương thơm ngát thiên thu vẫn còn
Bỏ đi trang điểm phấn son
Cũng đừng bôi xức dầu thơm làm gì
Gấm nhung tơ lụa xiêm y
Những đồ xa xỉ ta thì bớt đi.
Để tiền giúp đỡ cô nhi
Có nơi ăn học còn gì quý hơn
Giúp người đói được chén cơm
Người già được sữa cô đơn ấm lòng.
Họa tai được áo được quần
Người đau được thuốc tâm thần được nuôi
Bớt ăn bớt mặc giúp người
Cho đời thêm đẹp, cho người thêm vui.
Trải lòng thương đến muôn nơi
Tô bồi phước đức đời đời hiển vinh
Quên mình vì cả chúng sinh
Sống cho trọn nghĩa trọn tình đẹp thay.

   Kính chúc quý Phật tử thân tâm thường lạc, đạo tâm kiên cố, tinh tấn tu tập. Dùng xác thân giả tạm này để làm chiếc thuyền đưa người qua biển khổ sông mê.

       Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!