THƯ GỬI NGOẠI
Ngoại ơi! Cháu của ngoại nè!
Đã lâu lắm rồi cháu chưa có dịp viết thư thăm bà, hôm nay nhân lúc vừa thi xong, cháu liền cầm bút viết đôi dòng gửi thăm bà. Bút hạ dòng, cháu không có gì hơn, cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất đến với bà và gia đình.
Bà ơi! Gần đây bà khỏe không ạ? Bệnh đau cột sống của bà có khá hơn tí nào không ạ? Mỗi khi đến mùa đông chắc khó chịu lắm phải không bà? Không biết những buổi trưa có ai nhổ tóc ngứa cho bà không? Có ai đọc truyện xưa cho bà nghe không? Có ai ngoái trầu cho bà ăn không? Có ai ôm bà ngủ mỗi đêm không? Và rất nhiều cái “không” nữa…. Còn cháu ở trong này vẫn khỏe, học hành vẫn bình thường.
Thưa bà! Dù có đi đâu về đâu, song cháu vẫn luôn ghi lòng tạc dạ những chuyện cổ tích đầy đạo lí bà kể mỗi đêm trước khi ngủ, những câu ca dao tục ngữ, những cử chỉ hành động trong sinh hoạt hằng ngày của bà, và đặc biệt là lời nhắc nhở của bà khi cháu rời xa bà để vào Nam, còn nhớ lúc tiễn cháu lên đường, bà nắm tay cháu nói:
“Dù cho dòng xoáy cuộc đời có đưa đẩy, có vùi dập, nhưng đừng đánh mất nề nếp gia phong nghe con! Giấy rách phải giữ lấy lề đấy!”.
Những câu chuyện đạo lí, ca dao, tục ngữ, lối sống tưởng chừng như đơn giản và có một chút gì đó cổ lỗ sĩ ấy, nhưng đã giúp cho cháu rất nhiều trong cuộc sống. Trước kia cháu coi thường nó chừng nào, thì bây giờ cháu lại xem trọng chừng nấy, mỗi khi thấy bất ổn, cháu liền nhớ đến lời dạy của bà, nhờ nó soi sáng mà con thuyền của đời cháu đã vượt qua biết bao ngọn sóng ba đào, biết bao phong ba bão tố của dòng đời đấy bà ạ!
………
Ngoại còn nhớ lúc tiễn con đi ngoại luôn giục:
- Lên xe đi con!
- Nhưng ngoại về rồi con mới lên.
- Ừ! Ừ! Ngoại về!
Ngoại vừa quay lưng, thì cháu cũng bước lên xe. Bất ngờ ngoại quay lại gọi:
- À! Vũ! Tí xíu ngoại quên. Con cầm hộp dầu và gói xôi ngoại mới mua. Lên xe nhớ ăn xôi liền và xoa dầu vào bụng nghen!
- Dạ dạ!
- Thôi! Xắn áo lên ngoại xoa dầu cho, anh làm biếng lắm, dạ dạ chứ không bao giờ xoa đâu.
- Con lớn rồi mà ngoại cứ lo.
- Cha anh! Anh mắc cỡ với ngoại à? Ngoại nuôi anh từ tấm bé, trong người anh có cái gì mà ngoại không biết đâu, có gì mà ngại.
Ngoại mở nắp hộp dầu cù là và nhanh nhẹn xoa vào bụng cháu, nhìn đôi tay nhăn nheo, gầy yếu run run của bà cháu thương quá, bàn tay đã trải qua biết bao sương nắng, làm lụng để nuôi con, nuôi cháu. Bà xoa đến đâu cháu nghe ấm áp tới đó. Tuy xoa nhưng ngoại luôn xoay mặt nơi khác để dấu dòng lệ đang tuôn trào. Thấy thế dòng lệ trên khóe mắt cháu cũng chợt trào ra, cháu liền nói đùa để cho ngoại không thấy dòng lệ của mình:
- Chà! Ngoại có bàn tay ngòi bút, chắc khi còn trẻ được nhiều người theo đuổi lắm đây, ông ngoại con cũng chết mê chết mệt vì bàn tay này chứ gì?
- Cha anh! Chỉ có cái khéo nịnh!
Nói xong bà ôm thật chặt cháu vào lòng.
- Phật ơi! Ngoại làm gì kì vậy? Con đã lớn rồi mà.
- Lớn đối với ai, chứ với bà lúc nào anh cũng là con nít cả.
- Thôi! Ngoại về kẻo nắng.
- Ngoại về nghen! Con lên xe đi!
Cháu cứ ngỡ ngoại về thật, nhưng khi xe bắt đầu lăn bánh cháu nhìn vào gốc cây xoài thì thấy ngoại hãy còn đứng đó, mắt ngoại luôn hướng về chiếc xe cháu đang ngồi, chắc chắn lúc đó ngoại đang khóc. Chiếc xe cứ vô tình chạy ra khỏi bến, nó đâu biết rằng từng lằn bánh của nó đang chà xát tâm cháu, nó càng lăn tâm cháu càng đau nhói, từng tiếng còi “bíp bíp” như tiếng gọi của chia li, nó nói rằng “từ đây cháu đã xa ngoại”, không biết ngoại đứng đó cho đến lúc nào? Ngoại có biết lúc đó cháu cũng đang nhìn ngoại không? Nhìn dáng ngoại gầy còm, với bộ đồ bà ba đen đã bạc màu, quần ống thấp ống cao, xách cái giỏ lưới cũng cùng niên đại với bộ đồ, đứng núp dưới gốc cây xoài để không cho cháu thấy, lúc đó cháu hết sức buồn và đã bật khóc, cháu rất mong chiếc xe nổ lốp ngay tại đó, để chạy lại ôm bà, nhưng mong ước của cháu chỉ mãi là ước mong… Ngoại đừng cười cháu ích kỉ à nghen!
À! Tí xíu nữa cháu quên. Thưa ngoại! Ngoại có biết đêm hôm qua cháu đã nằm mơ thấy ai không? Cháu nằm mơ thấy ông ngoại, ông nội và bà nội đấy. Nhìn họ chẳng khác trong hình là mấy, vừa tới ông ngoại liền hỏi cháu:
- Lâu nay cháu có viết thư về cho bà không?
- Dạ thưa ông! Do bận thi nên cháu chưa viết được.
- Ờ! Thế thì thôi, cố gắng thi cho tốt. Nhưng lúc nào rảnh phải nhớ viết đấy. Tội nghiệp bà con, ông mất sớm, một mình bà phải tần tảo sớm hôm nuôi dạy đàn con cho đến khi chúng thành gia lập thất.
- Ông biết không, mái tóc của bà con nay đã bạc trắng hết rồi! Trên trán lại hằn sâu rất nhiều nếp nhăn của thời gian nữa.
- Thật à! Mới ngày nào tóc hãy còn xanh mượt, biết bao nhiêu chàng trai trong làng say mê và không ít người trồng cây si với suối tóc đó, thế mà bây giờ......
- Sao anh không nói trong đó có anh. - Bà nội ngắt lời.
Ông cười, thở dài rồi nói tiếp:
- Ây da! Cuộc đời thật ngắn ngủi, con quỉ dữ vô thường luôn rình rập một bên, lúc nào cũng chực chờ chém lưỡi búa tử thần vào chúng ta.
Ông ngoại nói chưa dứt lời, bà nội liền cắt lời nữa:
- Anh nghĩ sao mà nói nhiều dữ vậy? Bộ không cho tôi nói à? Cháu nội của tôi để tôi hỏi với chứ.
- Thì chị sui cứ hỏi chứ tôi đâu có giành.
- Lâu nay cháu khỏe không? Học hành vất vả lắm không? Ăn uống đầy đủ không? Có thường xuyên viết thư về nhà thăm cha mẹ không? Anh và em cháu được khỏe không?
Bà nội nói chưa dứt lời, ông ngoại trả đũa:
- Chị sui hỏi gì nhiều vậy, làm sao cháu tôi trả lời kịp, đúng là phụ nữ có khác.
Nói xong, ông ngoại trề môi cười.
Thấy thế ông nội liền can:
- Thôi, tôi xin mấy người, nói ít thôi để cháu tôi còn thở với.
Nội nắm lấy tay cháu, hỏi:
- Hình như cháu có tâm sự gì à!
- Sao ông biết?
- Cha anh! Anh là cháu tôi, anh nghĩ gì làm sao có thể giấu tôi được.
- Bộ ông nội là “thám tử tư” à?
- Cần gì thám tử tư, chỉ nhìn nét mặt hôm nay của cháu là ông biết rồi.
Cháu đưa ngón tay cái lên, ý nói rất thán phục. Cháu thưa:
- Dạ thưa ông! Quả thật con có chuyện?
Nói chưa dứt lời, cả ông ngoại và bà nội liền rối rít hỏi:
- Cháu có chuyện à? Chuyện gì? Có đứa nào ăn hiếp cháu à? Hay là con nào đá cháu?
- Thôi! Tôi xin hai người, hỏi ít thôi để nghe cháu nói. - Ông nội cắt ngang.
- Ừ! Nói đi! Nói đi! - Ông ngoại và bà nội cùng thúc.
- Cháu có chuyện muốn kể cho ông bà nghe, sau đó hỏi cách giải quyết của ông bà.
- Chuyện gì? Kể mau! - Ông ngoại và bà nội lại thúc.
- Cái gì cũng từ từ đã. - Ông nội nói.
- Cháu có quen một người bạn, trước kia gia đình bạn ấy sống hạnh phúc lắm, không hiểu tại sao gần đây cha mẹ bạn ấy thường hay xích mích, gây gổ, hình như ngày nào không gây nhau ăn cơm không nổi ấy.
- Lí do sao họ xích mích? - Ông ngoại hỏi.
- Nghe nói gần đây mẹ của bạn ấy đi hơi nhiều, cha bạn ấy thì lại uống rượu cũng nhiều hơn. Do mẹ bạn ấy đi nhiều, nên có lời ra tiếng vào, khi nghe những lời như vậy, cha bạn ấy chịu không nổi, vì vậy mỗi lần uống rượu vào cha bạn ấy lại gây.
- Họ gây như thế nào? - Bà nội hỏi.
- Lúc đầu chỉ cãi sơ sơ với những ngôn từ đơn giản, dần dần họ cãi lớn tiếng, ngôn từ cũng lớn dần và phức tạp theo. Có lúc họ cãi nhau không đủ, họ lôi cả cha mẹ, dòng họ của nhau ra để chửi nữa.
- Thế là không được, dẫu biết rằng chén trong bát còn va chạm, chuyện vợ chồng khó tránh khỏi lời ra tiếng vào, nhưng không được lôi cha mẹ, dòng họ ra, vì họ đâu có lỗi, vả lại có người đã chết lâu rồi. Thật tội nghiệp cho hương hồn họ. Đã không báo hiếu thì thôi, sao lại làm điều bất hiếu như vậy? Không biết nếu sau này cha mẹ của bạn cháu nhắm mắt, mà con cháu cứ lôi họ ra để chửi mắng chắc họ sung sướng lắm? Điều này hiển nhiên thôi, bây giờ họ chửi cha mẹ của nhau được, sau này chắc chắn con cháu của họ sẽ bắt chước chửi lại họ.
Người xưa đã nói:
Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch con nào có khác chi
Xem trước hiên nhà mưa xối nước
Giọt sau giọt trước có khác gì!
Ông nội nói xong, thở dài ngao ngán.
- Do họ không biết quay về nương tựa ba ngôi báu (qui y Tam Bảo), nếu biết làm gì có chuyện đó. Anh chị sui còn nhớ chủ nhật tuần trước Bồ-tát Địa Tạng giảng cho chúng ta nghe đề tài “Tam Qui Ngũ Giới” không? Ngài nói năm giới chính là:
1. Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để người khác giết hại dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con. Phát nguyện giữ giới không giết hại vì tôn trọng sự sống, vì ý thức được khổ đau do giết hại gây ra. Do vậy, người giữ giới này hiện tại luôn sống trong an ổn, không lo sợ thù oán, thân thể khỏe mạnh, không bị quả báo lột da xẻ thịt ở đời sau. Nhờ không giết hại, môi sinh được giữ gìn, xã hội an ninh, thế giới hòa bình và an lạc.
2. Ý thức được khổ đau do lường gạt, trộm cắp gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để đem niềm vui sống cho mọi người và mọi loài. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ tài vật nào của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền sở hữu riêng của người khác và cũng nguyện ngăn ngừa không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài. Vì tôn trọng tài sản và ý thức sự khổ đau do bị trộm cắp gây ra nên người Phật tử không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng lõa với người trộm cắp. Người giữ giới này hiện tại luôn sống trong thanh thản, không sợ tù tội, được người khác tin cậy, giao phó nhiều trọng trách, hưởng phước giàu sang. Vì không gian tham nên không bị túng thiếu, mất mát, và không bị mang lông đội sừng để trả nợ ở đời sau.
3. Ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thuỷ chung, hòa thuận, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của người khác. Con biết hành động ngoại tình sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình con và hại đến hạnh phúc của người khác... Người Phật tử ý thức được sự tai hại của việc tư tình nên phát nguyện giữ giới. Lợi ích của sự tu tập không tà dâm là thân thể khỏe mạnh, gia đình ấm êm hạnh phúc, được mọi người tôn trọng, không có tình thù.
4. Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chính niệm gây ra, con xin nguyện nói lời chính ngữ, học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ. Con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. con nguyện không nói những lời sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con biết chắc là không thật, không phê bình và lên án những điều mà con không biết rõ. Con nguyện lắng nghe với tâm từ bi để có thể hiểu được những khổ đau, khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Người giữ giới không nói dối luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu thương. Không những không nói dối, người tu tập giới này còn góp ý, động viên, xây dựng và hòa giải với mọi người xung quanh, làm cho gia đình và xã hội ngày càng thêm tốt đẹp.
5. Ý thức được những khổ đau do sử dụng rượu, ma tuý, các chất kích thích, gây nghiện, các thực phẩm có độc tố và văn hóa phẩm đồi trụy gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thực phẩm không chứa độc tố, không có tác dụng gây nên sự say sưa, nghiện ngập làm thân tâm mất tự chủ. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng ma tuý, không tiêu thụ những thực phẩm có độc tố kể cả những văn hóa phẩm có nội dung bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù. Tu tập trọn vẹn giới thứ năm thì thân thể khỏe mạnh, hạn chế được bệnh tật, trí tuệ sáng suốt, tuổi thọ tăng trưởng đồng thời tránh được tai nạn, lỗi lầm đáng tiếc do sự mất tự chủ gây ra.
Trong vợ chồng chỉ cần giữ giới thứ 3 và thứ 5 cũng đủ hạnh phúc rồi. - Ông Ngoại nói.
- Trí nhớ của ông ngoại thật cừ, khiến
người ta phải bội phục.
- Hứ! Ổng mất lúc mới 30 tuổi, đương nhiên trí nhớ còn tốt rồi. Nói gì thì nói mình cũng rất mừng và tự hào khi con cái của mình sống rất hạnh phúc.
- Bà nội nói đúng đấy! Cháu cũng rất tự hào về gia đình mình, tuy gia đình không được khá giả lắm, nhưng sống rất hạnh phúc. Từ khi còn nhỏ, cháu đã được cha mẹ dạy phải biết kính trên nhường dưới, anh em gọi bằng thứ chứ không được gọi bằng tên, còn cha mẹ luôn xưng anh em, con chưa nghe cha mẹ con gọi nhau là ông bà, đừng nói chi đến tiếng khác... Mấy chị dâu lúc mới về, đêm đó cha mẹ cháu gọi hai vợ chồng lại dạy: “Con à! Gia đình mình tuy nghèo nhưng sống có trên dưới, anh nói em nghe, em nói anh nghe, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, nếu như con của cha mẹ có làm con buồn, con hãy nói với cha mẹ, chứ không được giận cá chém thớt, không được lôi cha mẹ ra chửi, hoặc mượn con để chửi cha mẹ, gia đình mình kị nhất tiếng chửi thề. Còn con cũng vậy, nếu vợ con chưa nên thì từ từ dạy, không được nói động đến cha mẹ vợ, không được đánh vợ, nếu con dạy không được để cha mẹ nhắc nhở, vì từ bây giờ vợ con không phải là con dâu của cha mẹ, mà vợ con chính là con gái của cha mẹ rồi. Người xưa nói con dâu mới thật con của mình, bởi khi cha mẹ nhắm mắt, vợ con phải chịu tang đến ba năm, phải lo ma chay. Vả lại, gia đình mình không có con gái, nên cha mẹ luôn coi con dâu như con ruột.”
Từ nãy giờ ông nội chẳng nói năng gì cả, trông bộ dạng rất đăm chiêu. Cháu thưa:
- Sao ông nội không nói gì cả vậy?
Ông nội chép miệng rồi thở dài:
- Ây! Ông nội đang nghĩ đến người bạn của cháu, sống trong gia đình như vậy chắc bạn cháu rất buồn và tuyệt vọng.
- Thôi! Thôi! Thôi! Từ trước đến giờ anh toàn lo chuyện bao đồng. Chuyện người ta kệ họ, chỉ cần gia đình con cháu mình sống hạnh phúc là được. - Bà nội nói.
- Em nói vậy không được. Chẳng lẽ em không nhớ Bồ-tát Địa Tạng dạy kinh Từ Tâm sao:
Thấy người khổ nạn khó qua
Lòng mình đau xót như là khổ chung
Thấy người hạnh phúc thành công
Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.
Thấy người khác khổ xem như chính mình bị khổ.
- Ông nội nói đúng. Trước ngày thi, đêm đó cha mẹ bạn ấy lại gây lộn, bạn ấy chịu không nổi cảnh đó bèn xé hết sách vở và định nghỉ học luôn. Nhưng may thay được bạn bè động viên giúp đỡ, bạn ấy mới chịu đi thi, nhưng cháu dám chắc rằng kết quả sẽ không được tốt lắm, thật tội nghiệp làm sao.
- Bạn con thật tội nghiệp, nhưng cũng đáng trách, cho dù cha mẹ như thế nào mình cũng phải nỗ lực học, vì học chính là tương lai của mình. Ông nội hi vọng bạn con sẽ rút ra bài học từ cha mẹ bạn ấy.
- Anh sui nói gì dễ vậy, ai sống trong hoàn cảnh đó mới biết, khi thấy gia đình như vậy, không ai còn tâm trí đâu mà học hành, và biết bao đứa trẻ hư hỏng, hút chích, bài bạc, trộm cắp… cũng chính từ đó. Thế mà, khi con hư hỏng cha mẹ không nhìn thấy lỗi mình mà cứ trách mắng con. Chẳng hiểu ra làm sao nữa. - Ông ngoại thở dài ngao ngán.
- Cháu đồng ý với ông ngoại. Nếu cháu sống trong hoàn cảnh đó, cháu cũng không dám bảo đảm mình khá hơn bạn ấy.
- Anh sui thông cảm, nhà em từ nhỏ đến lớn luôn sống trong cảnh hạnh phúc, nên chưa từng gặp cảnh đó. Nhưng em nghĩ, nhà em nói cũng có lí đấy chứ, cho dù như thế nào chúng ta cũng phải mạnh mẽ vượt lên mọi hoàn cảnh và chính mình.
- Hứ! Chính là chồng ca vợ xướng! Sao trời sinh ra cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa thế không biết, đi qua thế giới khác rồi mà vẫn còn binh nhau. Thật là…
Tít tít tít, tít tít tít.....
Cái đồng hồ chết tiệt, sớm không tít, muộn không tít, tít đúng chỗ gây cấn. Ý chết! Nói chuyện một hồi, mà quên hỏi ông bà khỏe không, ăn uống được không? Cuộc sống tốt không? Thật thất lễ. Nhưng ngoại yên tâm, lần sau khi gặp nhất định cháu sẽ hỏi sức khỏe của họ đầu tiên.
Thôi thư đã dài cháu xin ngừng bút, chúc ngoại luôn khỏe mạnh và an vui bên con cháu. Ngoại yên tâm, dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cháu vẫn nhớ lời dạy của bà “dù cho dòng xoáy cuộc đời có đưa đẩy, có dìu dập, nhưng đừng đánh mất nề nếp gia phong! Giấy rách phải giữ lấy lề!”
Kính thư
Nguồn: chuahoangphap.com.vn