Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần 1)

Theo thông lệ hằng năm, cứ đến ngày 25 tháng 12 âm lịch, cả gia đình chúng tôi cùng đến nghĩa trang thăm và quét dọn mộ ông bà, tổ tiên. Năm nay lịch trình có một chút thay đổi, tôi không đi nghĩa trang với cha mẹ và gia đình, mà đi vào chùa thăm cốt bác, số là hồi tháng năm, bác tôi qua đời và gửi cốt vào chùa, cho nên nhiệm vụ năm nay của tôi là đi thăm cốt bác.
Sáng ngày 25 tháng chạp
Trước khi đi viếng mộ ông bà, mẹ đưa cho tôi hai bịch trái cây, hai bó hoa, hai thẻ hương và 200.000đ dặn:
- Con đem trái cây, hương, hoa lên chùa, một nửa cúng Phật, một nửa cúng bác, còn 200.000 này con bỏ vào thùng phước sương cúng dường Tam Bảo, tiện thể cho cha mẹ gửi lời vấn an sức khỏe thầy trú trì và đại chúng nghen.
- Dạ.
Chạy xe tới cổng chùa, tôi dừng lại tắt máy và dắt bộ vào cổng. Vừa vào cổng, đã nghe tiếng đại hồng chung ngân vang, tôi cảm thấy tâm mình thật yên tĩnh, bao nhiêu muộn phiền của trần gian đều tan biến. Thật lạ, chùa cách đường lộ không bao xa, thế mà không khí ngoài đường và trong chùa khác hẳn một trời một vực, ngoài kia ồn ào, náo nhiệt, vội vã chừng nào, thì trong chùa lại yên tĩnh, thanh tịnh, thảnh thơi chừng đó.
Sau khi chào thầy trụ trì, tôi lên chính điện cúng dường hương, hoa, quả và tiền xong, rồi xuống nhà cốt thăm bác. Tôi có thói quen, sau những lần thăm và cúng bác xong, tôi rất thích đi xung quanh những hủ cốt xem hình, đọc tên. Đang mãi mê đọc đọc, xem xem, bỗng bốn con mắt của tôi (cộng thêm hai mắt kiếng nữa) dừng lại trước hũ cốt mang tên Trần Thị Xuân Mai, bốn con mắt vội chuyển hướng nhìn lên phía trên một chút, Phật ơi, con đang tỉnh hay mơ, tấm hình dán trên cốt chính là hình của cô giáo dạy văn lớp 12 của tôi. Không, không thể nào, chắc người ta nhầm đấy thôi, chứ cô còn quá trẻ, vả lại 10 tháng trước tôi vẫn còn đi ăn kem chung với cô cơ mà. Tôi sợ mắt kiếng mình có vấn đề, vội lấy xuống lau đi lau lại mấy lượt, rồi đeo lên lại, lần này không thể nào nhầm được, trên hủ cốt ghi rất rõ: “Trần Thị Mai Xuân sinh ngày 04/04/1982 tại Thừa Thiên Huế, mất ngày 20/11/2006 (âl) tại thành phố Hồ Chí Minh”. Đọc xong, tôi chỉ kịp nói khẽ “Phật ơi! Không lẽ…”, cổ họng tôi nghẹn cứng, sống mũi cay cay, trong lòng đau nhói, không cầm được, tôi đã bật khóc. Những người đi thăm cốt thấy tôi khóc trước hũ cốt của cô, có người ác mồm ác miệng nói “tội cho thằng nhỏ chưa kìa, nó đứng khóc trước cốt của người yêu, thật chung tình hiếm thấy.” Có người còn nói thêm “thôi con trai, đời này con gái hiếm gì, người này mất đi tìm người khác, tội gì phải chung tình như vậy, nếu đồng ý thì làm rể bác đi.” Nói xong, mọi người cùng cười khúc khích. Tôi không trách họ, mà cũng không hơi đâu giận người dưng, họ nói thế nào cũng được, miễn hương hồn của cô biết cho tôi là được. Đang cầm khăn lau hủ cốt của cô, cha mẹ cô đến, vừa thấy tôi, họ liền hỏi:
- Vũ con đến thăm cô à?      
- Dạ thưa…
Tôi không thể nói “dạ”, mà cũng không thể nói “không ạ”, tôi chỉ hỏi lại:
- Hai bác đến thăm cô ạ!
- Ừ. Bác gái vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau nước mắt.
Mấy bà lúc nãy nghe chúng tôi nói như vậy, họ quay sang hỏi:
- Bộ cô ấy không phải là…? Thật tội lỗi, tội lỗi.
Sau khi hai bác thắp hương cho cô xong, tôi mời bác ra ghế đá bên hông chùa ngồi nói chuyện. Tôi hỏi:
- Lâu nay hai bác có được khỏe không ạ?
- Cảm ơn con, hai bác cứ bệnh hoài, nhất là ngày con Mai Xuân bỏ hai bác ra đi. - Nói xong bác gái lại móc khăn mùi soa ra lau nước mắt.
- Thôi, đừng khóc nữa, anh đã nói rồi, chết sống có số, như Bành Tổ còn phải chết huống là… - Bác trai khuyên bác gái, nhưng trong giọng nói mang đầy sự đau đớn của mất mát.
- Anh nói thì giỏi lắm, chứ hằng đêm ai ngủ không được, ngồi dậy thắp hương cho con và đứng nhìn trân trân vào hình con như người mất hồn?
- À, thì là… mà em không dậy làm sao biết anh thắp hương đứng nhìn con?
Nói xong hai vợ chồng nhìn nhau cười, còn những giọt lệ vẫn cứ vô tình lăn dài trên má.
- Dạ thưa hai bác! Cháu… cháu…
- Thôi con đừng nói, bác biết con định nói gì. - Bác trai nói.
- Không, không nói cháu không thể tha thứ cho mình. Cháu thật xin lỗi hai bác và hương hồn cô, cháu là người vô tâm quá phải không? Đến nỗi cô mất cháu vẫn không hay, không biết…
Nói đến đây, tự nhiên tôi không thể nào thốt ra lời được nữa, dù muốn nói rất nhiều rất nhiều… tôi cố gắng hết sức cũng không thể nào nói được, chỉ có mấy tiếng khóc ấm ức mà thôi.
Thấy thế, bác gái ôm tôi vào lòng:
- Thôi con à! Hai bác không trách con, chắc chắn cô cũng không trách con đâu. Bởi nghề giáo cũng giống như người chèo đò đưa khách sang sông, họ chỉ mong những người khách của mình thành đạt, có ích cho xã hội, chứ họ không bao giờ dám nghĩ những người khách đó phải luôn nhớ về mình, đến thăm mình. Đến thăm cũng tốt, không thăm cũng không sao. Con đừng tự trách mình như vậy. À, mà hôm đám cô cũng đâu có ai là học sinh cũ, thời đại kinh tế mà, ai ai cũng nỗ lực kiếm sống, làm gì có thời gian nhớ đến thầy cô giáo, chỉ cần họ sống tốt, không làm gì trái với lương tâm là đền đáp ơn thầy cô rồi, như vậy còn tốt hơn những người thường xuyên đến thăm thầy cô, mà lại làm những việc trái lương tâm, trái đạo đức, trái những điều thầy cô dạy.  
“Tại sao bác không mắng, không chửi tôi, mà lại nói ra những lời đầy rộng lượng, tha thứ của người đã và đang đứng trên bục giảng, những lời ấy tôi những tưởng như kim châm muối xát vào tim mình, đau đớn quá, cay đắng quá!” - Tôi đau xót trong lòng.
- Dạ thưa bác! Không biết cô bị bệnh gì mà qua đời đột ngột như vậy? - Tôi cố gắng vớt vát không khí đang nặng như chì.
- Nó bị suy tim con ạ! - Bác trai trả lời.
- Suy tim? Cháu nghe nói bệnh này cũng lâu lắm mà?
- Ờ, thì lâu, nhưng nó có nói cho hai bác biết đâu. Tính nó con còn lạ gì, có chuyện gì cũng đều gánh vác một mình, chẳng muốn cho ai biết hết, đến khi hai bác phát hiện đưa vào bệnh viện, thì... - Bác trai đứng lặng người không thể nào nói tiếp.
Nghe bác trai kể, tôi nhớ lại 10 tháng trước khi tôi mời cô đi ăn kem, gọi là ăn mừng điểm thi cuối khóa của mình, đang ăn cô hỏi:
- Vũ năm nay em bao nhiêu tuổi rồi nhỉ.
- Dạ 20 trừ sáu tháng.
- 19 tuổi rưỡi thì nói đại 19 tuổi rưỡi đi, còn màu mè.
- Học trò của cô phải giống cô chứ!
- Cô sao?
- Không biết ngày đầu tiên vào lớp ai giới
thiệu mình 22 tuổi rưỡi trừ sáu tháng?
- Ờ, thì… chính gậy ông đập lưng ông, đồ môi mỏng.
- Thế là một đều cô nhá!
- Hãy đợi đấy!
Nói xong, cô nhìn ra bờ sông, trong ánh mắt của cô mang một chút gì đó rất buồn, xen lẫn lo lắng.
- Rủi như sau này cô không còn trên cõi đời này nữa, thì sẽ như thế nào em nhỉ? - Đột nhiên cô quay sang hỏi tôi.
- Sao không còn, bộ cô tính đi đâu à, hay là cô tính đi lấy chồng xa.
- Vớ vẩn, cô nói là không còn trên cõi đời này nữa, chứ đâu nói không còn ở đây đâu mà nói đi lấy chồng.
- Phật ơi! Bộ cô tính chết à?
- Thì thế gian vô thường, sinh lão bệnh tử biết thế nào mà nói.
- Cô nghiên cứu Phật giáo từ lúc nào vậy?
- Bộ Vũ tưởng Vũ sinh hoạt trong Gia
Đình Phật Tử mới có quyền nghiên cứu Phật giáo à? Còn cô không được chắc?
- Dạ, ý em không phải như vậy! Ý em muốn nói, công việc của cô nhiều, vả lại cô là đảng viên, nên em tưởng… chứ giáo lí của Phật giáo đâu có dành riêng cho ai.
- Bộ giáo viên không được nghiên cứu Phật giáo sao?
- Dạ, em… em… À, mà cô nói tính đi xa là nói đùa hay chơi vậy?
- Không phải đùa cũng không phải chơi, mà thật đấy!
- Thôi đi cô, cô còn trẻ, mạnh thế mà chết sao được? Đời này có rất nhiều cái đáng để ta sống lắm, cô đừng nghĩ đến cái chết. Nhưng nếu cô chết em sẽ đến đưa tang.
- Nếu cô chết Vũ đi cúng cô thứ gì nào?
- Em cúng cô một bó hương.
- Khoảng bao nhiêu tiền?
- Ờ, khoảng 5.000.
- 5.000 ít quá.
- Thế thì 10.000 vậy.
- Trước cũng cúng, sau cũng cúng, thôi bây giờ đưa 10.000 trước đi!
- Dạ không thành vấn đề!
Tôi mò tay vào túi quần, giật mình khi cái ví tiền của mình không cánh mà bay đâu mất. Tôi lo sợ, “không biết lát nữa làm sao tính tiền kem đây, không lẽ tôi mời mà để cô tính, rủi cô không đem theo tiền thì sao? Chuyến này có lẽ dùng mo cau che mặt mất. À, may quá mình có đem theo cái điện thoại di động của cha, có gì thì anh để em ở lại quán em điện thoại nhé!” Tôi thầm nghĩ.
- Sao, bộ đổi ý rồi à? - Cô hỏi giọng thách thức.
- Dạ thưa cô! Hôm nay không được, ngày mai em sẽ đưa cho cô 20.000.
- Tại sao? - Cô vừa nói vừa cười, trong nụ cười mang đầy ẩn ý.‎
- Tại vì… À, thầy bói nói năm nay tuổi em không tốt, nhất là ngày hôm nay, nếu hôm nay em mà cho ai tiền thì sẽ bị chết bất đắc kì tử.
- Sạo quá đi ông tướng. À, mà cô nhớ có
lần Vũ nói với cô người theo đạo Phật đâu có mê tín.
- Dạ… quả thật em có nói như vậy, nhưng lúc đó khác, bây giờ khác. – Tôi bối rối chẳng biết phải xử trí như thế nào.
- Khác là khác thế nào?
- Dạ, lúc đó…
- Hai một Vũ nhá!
- Như vậy là sao? - Tôi trố mắt nhìn cô như người ngoài hành tinh mới đến.
- Đây có phải ví tiền của Vũ không?
- Dạ đúng rồi, làm sao cô có được?
- Bộ Vũ nghi cô ăn cắp của Vũ à?
- Dạ em nào dám. Thôi cô cho em xin lại, em mang ơn cô năm giây.
- Đừng có mơ. - Cô vừa nói vừa hất càm lên trông đáng ghét.
- Vậy cô muốn thế nào mới cho em xin lại bóp? - Tôi xuống nước.
- Cô muốn bữa kem hôm nay cô trả tiền.
- Không được?
- Vì sao?
- Vì em mời cô mà.
- Thôi cô xin Vũ cho cô trả lần cuối. - Cô nói như năn nỉ, van xin.
- Như vậy ngại chết.
- Ngại gì, cứ quyết định như vậy nhé!
- Vậy cô cho em xin lại ví tiền đi!
- Để ra khỏi quán, rồi cô mới đưa.
- Sao cô rắc rối thế nhỉ!
- Đơn giản là đang giỡn, nếu đưa, liệu Vũ có cho cô trả tiền không?
- Thôi vậy cũng được. Em hỏi thật, cô nhặt được cái ví của em ở đâu?
- Vũ không nhớ à? Lúc Vũ đến nhà cô, cô nhờ Vũ làm gì?
- À, em nhớ rồi. Không lẽ…???
- Không sai!
Số là khi tôi qua nhà chở cô đi ăn kem, nhưng vừa đến thấy cô đang trèo lên thang thay bóng điện, tôi liền nói để tôi giúp, tuy làm nhưng tôi luôn tránh qua né lại sợ bẩn bộ đồ mẹ mới mua hôm qua. Thấy thế cô đi lấy bộ đồ cũ của cha cô cho tôi thay, trong lúc tôi đang sửa điện cũng chính là lúc cô lấy giấu cái ví tiền của tôi.
- Sao Vũ phục cô chưa?
- Dạ quá phục! - Tôi cung hai tay lại ra vẻ bái phục.
Ăn xong, cô gọi người hầu bàn đến tính tiền. Thấy cô móc tiền ra trả, anh ta nhìn vào mặt tôi nói:
- Anh có phải là đàn ông không đấy?
- Wèishénme (tại sao)?
- Đi ăn kem mà để người yêu trả tiền, không ga lăng chút nào cả.
- Ê, anh nghĩ sao mà nói đây là người yêu của tôi vậy?
- Chứ không phải sao?
- Đương nhiên không phải rồi. Tôi xin trịnh trọng giới thiệu với anh, đây là cô giáo tôi.
- Ai tin được các người.
- Anh nói lại đi. - Tôi vừa nói vừa sáp tới. Cô vội nắm tay tôi kéo đi.
- Thôi, bỏ đi Vũ, chấp nê chi những lời vớ vẩn.
- Anh hãy đợi đấy!
Ra khỏi quán kem rồi mà mặt tôi vẫn còn hằm hằm sát khí, cô nhìn tôi cười:
- Cô không ngờ Vũ hung dữ vậy!
- Không hung không được, họ có thể nói gì em cũng được, nhưng không được hủy hoại danh tiết của cô.
- Xét ra, chính cô cũng có lỗi, nếu cô không đòi trả tiền và lấy ví tiền của Vũ, thì đâu có chuyện gì.
- Không, em mới là người phải xin lỗi cô.
- Thôi đừng nói lỗi phải nữa, chúng ta đi.
Tôi tính chở cô về, nhưng cô không muốn về, cô bảo chở cô đi xem thành phố về đêm. Sống ở thành phố bao nhiêu năm, thế mà tôi chưa một lần ngắm thành phố về đêm, bởi cha mẹ tôi là người nổi tiếng khó tính, ông bà lo cho tôi còn hơn lo con gái, cứ mỗi lần vừa đi học về, liền khóa cửa lại, và cầm luôn chìa khóa, đến sáng mới mở. Có nhiều khi tôi nhăn nhó:
- Cha mẹ làm sao ấy, khi con đi học thì cha mẹ mở cửa suốt, nhưng con vừa về, cha mẹ lại khóa kín.
- Thôi, phải giữ anh mới được, đời bây giờ cha mẹ mà lơ là một chút, các anh chị hư liền à.
- Bộ cha mẹ không tin con trai của mình sao?
- Mẹ tin, nhưng phòng bệnh còn hơn chữa bệnh cục cưng ạ!
Thành phố về đêm thật đẹp, hơn 22 giờ mà người ta vẫn còn đi chơi chật đường. Không khí về đêm trong lành, dễ chịu hẳn, so với cái oi bức, bụi bặm ban ngày, chẳng khác nào trời vực. Tôi ngoái lại nói với cô:
- Thành phố chúng ta về đêm đẹp quá cô ha!
- “Dạ”.
- Sao cô dạ với em.
- Ờ, cô quen miệng. Vũ biết không, đây là lần đầu tiên cô được đi chơi đêm đấy!
- Thế sao?
- Cha mẹ cô khó tính lắm, từ khi cô còn nhỏ đến giờ, cứ khoảng 9 giờ là khóa cửa rồi.
- Em nào có khác cô, vậy em và cô cùng cảnh ngộ.
- Nhưng cảnh của cô không giống Vũ đâu.
- Phật ơi! Cô gọi em là em được rồi, cô đừng gọi tên, nghe ra hình như em và cô ngang hàng với nhau vậy.
- Cô thích gọi tên thì sao, cô thấy gọi bằng tên hay đấy chứ, vả lại cô lớn hơn Vũ đâu bao nhiêu, thôi cho cô gọi tên lần cuối đi.
- Hôm nay cô khó hiểu quá, cô nói chuyện nghe sao sao ấy. Thôi em và cô dừng lại ở bờ kênh Nhiêu Lộc ngắm sao trời đi.
- Hảo ý, hảo ý. Cô cũng rất thích ngắm sao trời.
Tôi bật xinhan, tấp xe sát bờ kênh Nhiêu Lộc. Cô và tôi dựa vào thành xi măng ngắm những ngôi sao đang lấp lánh trên bầu trời, nhìn chúng giống như những viên ngọc quí gắn trên thảm lụa màu đen. Chúng tôi đang mãi mê ngắm những ngôi sao trên bầu trời cẩm thạch, bỗng nhiên có tiếng của một em bé:
- Anh chị ơi! Hãy mua cho em tờ vé số.
Cô ngồi xuống cầm tay đứa bé hỏi:
- Nhà em ở đâu mà bây giờ còn đi bán vé số?
- Dạ, nhà em ở tận ngoài miền Trung lận.
- Thế em không đi học gì sao?
- Dạ trước kia em đi học đến lớp hai, do nhà quá nghèo nên em phải nghỉ học, theo cha mẹ vào đây kiếm sống.
- Vậy cha mẹ em ở đâu?
- Dạ họ ở nhà ạ!
- Sao họ ở nhà mà em lại đi bán?
- Chị không biết đấy thôi, cha mẹ của nó bắt nó phải đi làm nuôi họ. - Em bé đi chung nói.
- Vậy họ không đi làm à?
- Không, họ đánh bài suốt ngày. Bảo mấy chị em nó bán được bao nhiêu tiền đều về đưa cho họ, lỡ hôm nào trời mưa bán ế, hoặc bị bọn xấu giật, thì hôm đó phải nhịn đói, bị đánh, thê thảm lắm chị ơi!
- Bộ mày hơn tao à? Dù sao tao còn đi bán vé số, chứ mày ban ngày phải ngồi ở các ngã tư đường xin tiền mọi người để cho cha mẹ mày ăn chơi.
- Thôi hai em đừng cãi nữa, anh sẽ mua cho mỗi em 10 vé được chưa? - Tôi nói.
- Dạ cảm ơn anh, cảm ơn anh.
- Nhưng, anh không lấy vé số. Các em giữ tiền phòng khi đau ốm và bị kẻ xấu giật, nhớ đừng về đưa cho cha mẹ nghe chưa?
- Chị cho mỗi em 30.000 nữa, nhưng cũng đừng về đưa cho cha mẹ đó!
- Dạ em cảm ơn anh chị, anh chị thật tốt bụng, chúc anh chị hạnh phúc. - Bọn trẻ ríu rít cảm ơn.
- Cái gì? - Tôi hỏi.
- Thì chúc anh chị hạnh phúc.
- Hạnh phúc là hạnh phúc thế nào?
- Bộ anh chị không phải người yêu của nhau à?
- Đương nhiên không phải. Anh xin được hãnh diện giới thiệu đây là cô giáo của anh.
- Thế mà em tưởng… xin lỗi anh chị.
- Húsīluànxiǎng (suy nghĩ vớ vẫn). - Tôi lầm bầm.
Khi bọn trẻ vừa đi khỏi, cô nhìn tôi cười:
- Làm thế nào mà Vũ dễ nổi nóng vậy?
- Không phải sao, mọi người cứ hiểu lầm em và cô, đối với em là con trai, em không ngại gì cả, nhưng còn cô, còn người yêu của cô và cả bạn gái của em, họ sẽ rất buồn và thất vọng khi nghe những lời như vậy.
- Em có bạn gái rồi à?
- Cô nói nhỏ thôi, ngại chết. Dạ mới quen được mấy tháng, hôm nay em định dẫn giới thiệu với cô, nhưng cô ấy không dám đi, cô ấy sợ cô.
- Tại sao sợ cô?
- Dạ tại vì cô ấy cũng là học sinh của cô.
- Bạn nào hè?
- Dạ bạn Trần Thanh Thảo Hiền, lớp 12A4 của cô Kiều ạ!
- À, cô nhớ rồi. Có phải cô bé có hai lúm
đồng tiền, nước da trắng không?
- Dạ đúng ạ!
- Khuya rồi cô phải về thôi. - Bỗng mặt cô buồn thiu, đột ngột đổi ‎ý đòi về.
- Sao cô đổi ý mau vậy? Mấy khi mới được đi chơi vui như đêm nay, ở lại chút nữa đi cô!
- Không được, cô thấy trong người không khỏe, nếu em thích thì ở lại chơi đi.
- Nếu vậy thế thì mời cô lên xe.
- Không, cô gọi xe ôm được rồi, em về đi kẻo trễ cha mẹ la. - Cô vừa nói vừa bỏ đi.
- Dạ cô yên tâm, khi đi em có xin rồi, mà em đưa cô đi phải đưa cô về chứ. Để cô về một mình, rủi ai bắt cóc cô, biết lấy ai để trả cho hai bác? - Tôi vừa nói vừa chạy đến kéo cô lại.
- Em mà cũng quan tâm đến cô sao?
- Cô nói gì lạ vậy, không có cô, làm sao em được như ngày hôm nay, vậy không quan tâm cô thì quan tâm ai?
- Em nên quan tâm Thảo Hiền của em đi.
- Cô yên tâm, đương nhiên em phải quan
tâm rồi. Thôi mời cô lên xe.
Trên suốt đoạn đường về, cô không nói chuyện, dù nhiều lần hỏi, tôi đoán chắc là cô mệt, cho nên tôi chạy thật nhanh, thế mà gần nửa tiếng sau mới đến nhà cô. Vừa dừng xe, tôi vội hỏi:
- Dạ thưa cô! Cô có mệt lắm không ạ?
Cô chỉ gật đầu.
- Để em đưa cô vào nhà.
- Không cần đâu, em về đi kẻo trễ.
- Cô vào nhà đi rồi em mới về.
- Ừ, vậy cũng được.
- Chúc cô ngủ ngon, có giấc mơ đẹp, muốn mơ gì thì mơ.
Đợi cô vào cổng rồi, tôi mới quay đầu xe, chưa kịp đề, cô vội chạy ra gọi:
- Vũ à! Cô còn có chuyện này muốn nói với em.
- Dạ thưa cô! Có chuyện gì cô nói đi ạ!
Bất ngờ cô nắm tay tôi và chậm rãi nói:
- Làm người phải có thủy có chung, dám
nhận lãnh trách nhiệm, tuyệt đối không được qua cầu rút ván, lường gạt. Một khi đã yêu ai thì phải biết hi sinh cho người ấy, cô thấy cái Hiền rất tốt, hiền ngoan, có tinh thần cầu tiến, giàu tình cảm, sống nội tâm, ít nói, cho nên em cần phải tôn trọng tình cảm của người ta, đừng làm gì để người ta buồn. Cô là con gái nên cô biết, trông bề ngoài mạnh mẽ như vậy, nhưng thực chất họ rất yếu đuối, rất sợ mất những cái gì họ có, đặc biệt họ rất dễ bị tổn thương tình cảm. Cô hi vọng em sẽ không như vậy. Nhưng đây là chuyện tương lai, còn trước mắt em và bạn ấy phải cố gắng giúp nhau học tập, đạt kết quả tốt nhất, nếu có thời gian nên đi học thêm ngoại ngữ, một khi sự nghiệp vững vàng, lúc đó muốn gì cũng được. Tuy cô biết em là người sống đơn giản, xem nhẹ vật chất, cái Hiền cũng vậy, nhưng đôi khi tiền bạc lại là thước đo tình cảm, em cần phải nhớ điều này! Dẫu biết là vậy, nhưng em cũng đừng nghĩ rằng mình có trong tay tất cả: Tiền bạc, địa vị, sự giàu sang… là có hạnh phúc. Không, những thứ này không đủ mang lại hạnh phúc cho em. Trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều người lầm tưởng rằng tiền bạc có thể giúp mình chinh phục tất cả những gì mình muốn kể cả tình yêu. Nhưng tiền bạc chỉ là phương tiện sống, dĩ nhiên phương tiện cực kì quan trọng, nhất là khi người ta thiếu nó. Chỉ có tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mới có thể tạo ra hạnh phúc! 
- Cô nói gì như trăng trối vậy, cô yên tâm em sẽ không làm cô thất vọng đâu!
- Em nhìn thẳng vào mắt cô nè!
Cô làm tôi ngạc nhiên và khó xử quá, bởi từ trước đến giờ, khi nói chuyện với ai tôi rất ít nhìn thẳng mặt họ lắm, nói thật lòng tôi không dám (tôi cũng không biết tại sao mình lại như vậy nữa), vì thế có đôi người cho tôi kiêu căng, tự cao tự đại. Nghe cô nói tôi rất bối rối, tôi từ từ ngước sang nhìn thẳng vào mắt cô. Tuy ngọn đèn đường không đủ sáng, vả lại bị ngăn bởi cặp mắt kiếng mấy điôt, nhưng tôi vẫn cảm nhận được, cô có đôi mắt to, tròn, buồn, lúc nào cũng ươn ướt, khuôn mặt trái xoan của cô rất Huế, và cô là tác phẩm kiệt xuất về chân dung của người con gái đất Thần Kinh. Lúc này tôi cảm giác thời gian như ngừng trôi, cảnh vật xung quanh như ngừng chuyển động, và tôi đang rơi vào trạng thái chân không… Bất chợt
cô đưa tôi trở về hiện thực bằng câu nói:
- Quân tử nhất ngôn, em đã hứa với cô thì phải cố gắng sống thật tốt. Còn nữa, nếu sau này cô không còn, xin em thường xuyên lui tới thăm cha mẹ cô, coi ông bà như cha mẹ của mình, tội nghiệp ông bà chỉ có mình cô là con duy nhất. Em hứa với cô nha.
- Cô nói em không hiểu gì cả, thôi có gì sáng mai em qua, cô và em nói chuyện tiếp.
- Không, em phải hứa với cô ngay trong đêm nay.
- Dạ cô yên tâm, em xin hứa!
- Vậy là tốt rồi, cô cảm ơn em, thôi em về cẩn thận, chúc em ngủ ngon, có giấc mơ đẹp.
Nói xong cô buông tay tôi ra và đi một hơi vào cổng. Nhìn qua song cửa sắt, đợi cô mở cửa vào nhà, tôi mới nổ máy xe đi về.
Dòng đời hối hả, cuộc sống tấp nập, khiến cho con người cũng phải hối hả và tấp nập theo nếu không muốn chết ngạt giữa dòng. Nghe lời cô, ngoài học đại học ra, tôi còn đăng kí học thêm sinh ngữ. Thế là, tôi lao đầu vào bài vở như con thiêu thân, sáng học, chiều học, tối học, vừa về đến nhà, ăn đại ba hạt cơm, lại phải ngồi vào bàn chuẩn bị bài, đến nỗi thời gian xem những chương trình tivi tôi thích còn không có nữa là, huống chi việc khác. Xem ra cái Hiền người ấy của tôi rất hiểu biết, từ trước đến giờ cô ấy chưa một lời trách móc tại sao tôi không chở cô ấy đi chơi, chẳng những không trách, mà Hiền còn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên tôi. Trước tấm chân tình của nhỏ, tôi hứa với lòng mình phải nỗ lực học thật giỏi, để sau này mang lại cho nhỏ cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ và hạnh phúc.
Thời gian cứ trôi, dòng đời cứ hối hả, cuộc sống cứ tấp nập, tôi thấy mình chẳng khác nào con nhái lá cố gắng bám chặt cành cây mục đang trôi lênh đênh giữa biển nước mênh mông, nhưng biết làm sao được, lỡ phóng lao phải theo lao, đã bước chân vào dòng đời, rất khó rút ra. Mãi lo chạy theo dòng đời, chẳng mấy chốc tôi đã quên mình còn có một cô giáo, nói đúng hơn là người chị cả. Đã 10 tháng trôi qua, tôi chưa một lần gọi điện thăm cô, tôi định tết này sẽ qua nhà chúc tết cô, ai dè…
Dẫu biết rằng:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu vô.
(Thân như sấm chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương hồng.)
Nhưng sao tôi lại thấy đau đớn như vậy, hụt hẫng như vậy? Có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình, bởi cô đã nói trước cho tôi biết cô sẽ ra đi vĩnh viễn, nhưng tại sao tôi lại không nhận ra, lại không để ý? Thấy tôi trầm ngâm, vẻ mặt biểu hiện chút gì đó ân hận, đôi mắt đỏ ửng, bác trai nhẹ nhàng an ủi:
- Thôi con à! Dù sao việc cũng đã rồi, con không nên buồn phiền kẻo hại đến sức khỏe, đây là điều mà cái Xuân Mai nhà bác không bao giờ muốn. Trước khi cái Mai ra đi mấy ngày, bác có ý định gọi điện cho con hay, nhưng nó cản không cho gọi, nó nói con đang ôn thi, không nên làm con lo lắng, dù trong năm nay nó không qua khỏi, cũng tuyệt đối không được nói cho con biết, để qua tết hãy nói.          
Bác trai nói vừa dứt lời, bác gái lấy tấm hình trong xách ra:
- Con có nhớ tấm hình này không?
- Dạ đương nhiên cháu nhớ, đây là tấm hình cả lớp chụp chung với cô trước ngày ra trường.
- Nó quí tấm hình này lắm, trước khi nhắm mắt nó nhờ bác lấy tấm hình trên bàn sách lại, rồi đỡ nó ngồi dậy, sau đó chỉ tay vào từng cháu và kể lại cá tính của mỗi người: “Đây là em Hải, biệt danh là Hải Tặc Thái Lan, em này học giỏi, nhưng có điều hơi nghịch một chút, còn đây là cái Thoa, biệt danh là Đa Lệ, em này hiền ngoan, nhưng rất dễ khóc, ai động một chút là khóc òa lên, có lần đang đi giao lưu với trường khác, bỗng ai đó bắt con sâu bỏ vào cổ áo của em, thế là em khóc điếng, làm cho mọi người không nhịn được cười, còn đây là em Mi, biệt danh là Mi Xí Muội, bởi trong cặp của em lúc nào cũng có xí muội…”, nó lần lượt chỉ hết em này đến em khác, rồi ngón tay dừng lại người đứng sát mình là con, nó không nói gì cả, chỉ nhìn chăm chăm vào tấm hình và khóc. Nhìn khoảng năm phút, nói với bác, sau khi nó ra đi, nhờ bác ra tiệm rửa lớn tấm hình này, rồi treo đối diện bàn thờ của nó, còn mỗi khi đi thăm mộ, hãy mang theo tấm hình này, để nó thấy rõ những người học sinh đầu tiên của mình, còn dặn hai bác nhận con làm con, coi con là thành viên trong gia đình, hãy quan tâm con như quan tâm nó, nói xong nó ôm tấm hình vào lòng, mỉm cười ra đi.        
Càng nghe bác kể, lòng tôi càng đau như kim châm muối xát, càng bị tòa án lương tâm dày vò, khiển trách. Cô thánh thiện, cao quí bao nhiêu, thì tôi xấu xa bấy nhiêu. Bất chợt những kỉ niệm ngày đầu tiên khi cô vào lớp tôi lại hiện về như cuộn phim được tua lại…
Không hiểu sao cả ba năm học cấp III, lớp chúng tôi chỉ toàn là thầy dạy chứ không có một cô nào cả, không phải trong trường không có cô giáo, rất nhiều là đằng khác, từ đó lớp 12A1 chúng tôi nổi tiếng lớp sát cô (có đâu mà sát), sự nổi tiếng này càng làm cho bọn con gái trong lớp tỏ ra hí hửng, vênh vênh váo váo, nhất là khi lớp chúng tôi có thầy giáo mới vào thay, bọn con gái càng lên mặt hơn. Thấy thế bọn con trai chúng tôi không thể chịu được, cho nên nhiều lần đề bạt ý kiến này lên thầy chủ nhiệm, nhưng thầy chỉ cười và nói câu mà bọn con trai chúng tôi thuộc lòng “thầy cũng được, mà cô cũng được, chứ có sao đâu, chỉ cần chúng ta học có ra gì hay không mới là vấn đề quan trọng.” Thế là bọn con trai chúng tôi đành lê từng bước chân nặng nề như đoàn quân thua trận trở về, vừa mới vác mặt xuống lớp, bọn con gái hét toáng lên “các bạn ơi, tụi con trai đại bại rồi!” Càng ngày tôi càng căm thù bọn con gái, mỗi khi gặp chúng tôi đều lườm lườm như muốn ăn tươi nuốt sống vậy. Chịu đựng hoài cũng quen, chứ biết làm sao được, nếu mình so đo, tính toán, vô tình mình cũng như bọn chúng rồi. Bọn con trai chúng tôi bàn kế hoạch hoãn binh, đó là giả bộ như không nghe, không thấy, để bọn con gái muốn làm gì thì làm, dần dần bọn con gái nắm toàn bộ quyền bính trong tay, nhất là những lúc nhà trường giao phó nhiệm vụ gì, bọn chúng đều đẩy về phía chúng tôi, chúng tôi cũng cố nhẫn nại chứ biết làm thế nào. Thời gian cứ trôi đi một cách vô tình, mãi đến nửa học kì I năm lớp 12, thầy dạy văn được bộ giáo dục đề bạt làm phó phòng giáo dục, thế là thầy đành phải chia tay với lớp chúng tôi. Thầy vừa nói lời chia tay, bọn con gái xúm lại bàn tán, không biết thầy nào sẽ thay thầy đây, cầu mong thầy Toàn sẽ vào thay. Bọn con trai chúng tôi nghe vậy, cười muốn vỡ trường ra. 
- Tại sao các ông cười? - Loan hạt tiêu lớp trưởng hỏi.
- Chúng tôi cười là cười cái ảo tưởng của các bà đấy? - Hùng đà điểu lớp phó học tập đáp.
- Xí, để rồi xem. - Mi xí muội xen vào.
- Không phải vậy sao? Thầy Toàn vừa trẻ vừa đẹp trai, sức mấy thầy chịu vô cái lớp sư tử Hà Đông này. - Tiến đại gia thấy bất bình không thể khoanh tay đứng nhìn.
- Nói thế nào thì nói, chắc chắn người thay sẽ là một thầy giáo, chứ không phải cô giáo. - Lan sôcôla thủ quĩ khẳng định.
- Sao các bà không nghĩ thoáng hơn một chút, sẽ có một cô giáo trẻ, đẹp, mới ra trường vào thay. - Tiến đại gia nói.
- Thôi đi ông đại gia, ông về chui vào hủ nếp của mình đi, ông càng ảo tưởng hơn chúng tôi. Ông xem gần ba năm nay có cô giáo nào bước chân vào lớp chúng ta không, ngay cả dự giờ cũng toàn thầy giáo. - Loan bé hạt tiêu nói.
- Sao Vũ mắt kiếng, ông không nói gì hết vậy? - Hùng đà điểu hỏi.
- Ờ, thì mình nghĩ dù có bàn tán cũng chẳng ích lợi gì, chỉ làm cho tình cảm bạn bè đã rạn nứt nay lại càng thêm rạn nứt mà thôi. Vấn đề này cứ để nhà trường quyết định. - Tôi trả lời.
- Thôi đừng nói với ông đó, con trai gì đâu mà suốt ngày mặt mày ủ rũ như đưa đám. - Mi xí muội nói.
- Xin lỗi Mi đi nhá, do đây không muốn chấp nê với bọn con gái đấy thôi! - Tôi trả lời.
- Xí!