Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần 2)
 
Hai ngày sau.
Tùng tùng tùng, tùng tùng tùng. Tiếng trống báo vào lớp.
- Mời các em ngồi xuống! Hôm nay chúng ta sẽ dành 15 phút đầu bàn luận về đề tài nóng bỏng nhất hiện nay của lớp mình, các em có biết đề tài gì không? - Thầy chủ nhiệm hỏi.
Cả lớp nhao nháo bàn luận:
- Không biết đề tài gì đây? - Hoa dâm bụt hỏi nhỏ Loan bé hạt tiêu.
- Tui cũng không biết nữa. - Loan hạt tiêu trả lời.
- Hay là… - Lời ngập ngừng của Hùng đà điểu.
- Hay là gì vậy Hùng? - Mi xí muội ngoái xuống hỏi.
- Hay là chuyện lớp mình bị giờ C môn thể dục, vì quên mặc đồng phục.
- Đúng đấy, tui cũng nghĩ như vậy. - Cảnh xe lu bên kia nói qua.
- Các em giữ trật tự nào. Các em có biết đề tài thầy bàn luận hôm nay là đề tài gì không?
Nhìn nét mặt nghiêm nghị của thầy, làm lớp chúng tôi không khỏi lo sợ, trong lòng đứa nào cũng nghĩ “chắc chắn lần này sẽ bị nghe một bài pháp nên thân.” Lớp chúng tôi bỗng im phăng phắc, đến nỗi nghe rõ nhịp đập của con tim, thời gian chầm chậm trôi, trên mặt ai cũng hiện rõ chữ “chết rồi”. Thấy lớp căng thẳng, thầy mỉm cười:
- Đề tài thầy muốn bàn luận đó là… “việc ai sẽ thay thầy dạy văn.”
Tất cả 46 cái miệng lớp tôi không hẹn mà cùng thở ra một tiếng “phào”.
- Thế mà chúng em tưởng… - Cả lớp đồng thanh nói.
- Các em tưởng thế nào?
- Dạ thưa thầy không có gì hết.
- Lớp mình hôm nay bị sao vậy. À các em tưởng thầy đem giờ C môn thể dục ra hỏi chứ gì. Không, tuần này thầy vui, thầy cho qua, không tra cứu.
- Thầy muôn năm, vạn tuế, vạn vạn tuế. - 46 cái miệng đồng thanh tạo thành bản hợp ca.
- Các em cho thầy biết, các em thích thay thế thầy dạy văn là thầy hay cô?
- Dạ cô ạ! - 24 cái miệng (không tính tôi)
của bọn con trai lớp tôi đồng thanh hét.
- Không, thầy ạ! - 21 cái miệng của tụi con gái cũng hét.
- Không, cô.
- Thầy.
- Cô.
- Trật tự, trật tự. Thầy sẽ hỏi từng người. Đầu tiên thầy mời lớp trưởng. Em là lớp trưởng của lớp, vậy em thích cô hay thích thầy?
- Dạ thưa thầy! Em thích thầy ạ! - Lớp trưởng hạt tiêu dõng dạc nói. Trước khi ngồi xuống còn đệm thêm câu “mà thầy càng trẻ càng tốt ạ”, câu này hạt tiêu chỉ dám lí nhí.
- Còn Hùng lớp phó học tập, em thích thầy hay cô?
- Dạ thưa thầy đương nhiên thích cô ạ! Bởi lớp chúng em khao khát cô như nắng hạn khao khát mưa, như con trẻ khát sữa, như…
Hùng đà điểu chưa kịp nói hết lời, bọn con gái liền nhao nhao lên:
- Bớt ba hoa chích chòe đi ông tướng.  
- Trật tự, trật tự. Bây giờ đến lớp phó văn thể mỹ. Em thích thầy hay cô.
Ngà cận đứng dậy hất cái kính cận như hai cái đít chai của mình dõng dạc nói:
- Dạ em thưa thầy! Em thích thầy ạ!
Nói xong, lại hất cái kính cận của mình một lần nữa. Trông nhỏ hất cái kính cận thấy phát ghét. Thế là lần lượt từng người đứng lên trình bày sở thích của mình. Đương nhiên bọn con trai thích cô, còn bọn con gái thích thầy. Bất chợt thầy gọi:
- Ủa, Vũ sao em không ý kiến gì hết vậy?
Nghe thầy hỏi, tất cả hơn 50 đôi mắt (kể cả hơn chục đôi mắt kiếng) dồn về phía tôi, chúng đồng loạt nói:
- Ờ, đúng vậy, nói đi mắt kiếng.  
Tôi chưa kịp nói thì tùng tùng tùng, tiếng trống báo hiệu hết giờ, may quá, tôi thầm cảm ơn cái trống.
- Hết giờ rồi, các em nghỉ. Thầy chủ nhiệm nói.
- Vậy tóm lại là thầy hay cô sẽ thay thầy
dạy văn thưa thầy? - Cả lớp đồng nói.
- Thiên cơ bất khả lộ. - Thầy mỉm cười và đứng dậy chào lớp đi ra.
Thế là lớp chúng tôi lại có một trận bàn luận trước khi đến giờ văn. Nhưng lần này bọn con trai và con gái không tranh luận với nhau nữa, mà bao nhiêu mũi nhọn đều tấn công vào tôi. Đầu tiên Hùng đà điểu hỏi:
- Vũ sao ông không ý kiến gì vậy?
- Ờ, thì mình…
- Mình thế nào? - Ngà cận vừa nói vừa hất hai đít chai lên trông phát ghét.
Thế là bao nhiêu oan ức bọn chúng đều đổ hết lên đầu tôi, bọn chúng cho tôi là kẻ ngoại bang, không yêu lớp, không có tinh thần đồng đội…
- Xin các bạn hiểu cho mình, mình là một trong những người học văn dở nhất lớp, vì mình chẳng thích thú gì mấy với môn văn, dù cô hay thầy cũng chẳng quan hệ. Một khi mình không thích môn học nào đó, thì dù cho thầy dạy đẹp trai cho mấy, mình cũng chẳng ham, có đúng không?
- Ờ Vũ nói cũng phải. Như thầy dạy anh văn đâu có tệ, nhưng sao mình chán đến tiết của thầy thế không biết. - Ngà cận đồng cảm nói.
Nghe Ngà cận nói thế, tất cả bọn con trai lẫn con gái đều giải tán không tra tấn tôi nữa. Tôi liền nhìn Ngà cúi đầu cảm ơn sự giải nguy. Ngà mỉm cười đáp trả. Ơ, xem ra Ngà cũng dễ thương đấy chứ, thế mà lâu nay tại sao tôi không cảm nhận được kìa.
Tùng tùng tùng, tùng tùng tùng. Tiếng trống báo hiệu vào lớp.
Lớp tôi lại bắt đầu bàn tán, không biết là thầy hay cô sẽ dạy môn văn. Bất ngờ thầy Hiền bước vào, bọn con gái đứng lên vỗ tay reo mừng, thầy ngước lên nhìn:
- Ơ, xin lỗi, thầy lộn lớp. Thầy tưởng là lớp 12A2.
Nói xong, thầy xách cặp đi ra. Lúc này trông bọn con gái lớp tôi thật tội nghiệp, chúng đứng trân người nhìn thầy đi ra, rồi lũ lượt ngồi xuống như người cả tuần không có hạt cơm nào vào bụng. Thấy thế, tất cả bọn con trai chúng tôi “è” một tiếng rõ to, làm bọn con gái đỏ mặt. Hai phút đã trôi qua, bất chợt thầy giáo chủ nhiệm bước vào:
- Tại sao là thầy? - Cả lớp đồng thanh hỏi.
- Thầy không được à?
- Thầy đâu phải giáo viên dạy văn?     
- Thì thầy đâu nói sự có mặt của thầy tiết này để dạy văn, mà để giới thiệu với các em.
Thầy nói chưa dứt lời, bỗng một cô giáo bước vào, cô cúi đầu chào lớp. Chưa để thầy nói thêm gì, bọn con trai chúng tôi đã hô rõ to và vỗ tay reo mừng:
- Chúng em chào cô ạ!
- Các em ngoan, mời các em ngồi xuống. - Cô nói.
Tiếng của cô nhỏ nhẹ, trong trẻo, hay như tiếng chim vàng oanh hót trên cành liễu.
- Thầy xin giới thiệu, đây là cô Trần Thị Xuân Mai, mới ra trường, học sinh cũ của thầy, hôm nay cô sẽ chính thức đảm nhận dạy môn văn của lớp chúng ta, xin các em cho thêm tràng pháo tay đón cô.   
Vừa nghe xong, bọn con trai chúng tôi liền vỗ tay ầm ầm, còn bọn con gái bất đắc dĩ phải vỗ theo.
- Thôi, để cho cô làm quen với lớp, thầy xin phép. 
Cô đứng nép qua một bên chào thầy, chúng tôi cũng đứng dậy chào thầy. Thầy đi xong, cô bắt đầu giới thiệu:
- Cô tên là Trần Thị Xuân Mai, nghĩa là “hoa mai mùa xuân”, năm nay cô 22 tuổi rưỡi trừ sáu tháng, cô sinh ra ở đất Thần Kinh… 
Nghe tới đây, tự động hai con mắt tôi nặng trịch, không còn biết cô và lớp nói gì nữa. Cho đến khi cô hỏi:
- Lớp mình em nào tên Du?
Tôi giật thót tim, vội đứng dậy:
- Dạ thưa cô gọi em ạ! 
Cả lớp cười ầm lên. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả.
- Em có phải tên Du không?
- Dạ thưa cô! Em không phải tên Du ạ!
- Vậy em tên gì?
- Dạ em tên Vũ.
- Cô gọi em Du mà.
Tôi nghe hai lỗ tai mình bùng bùng, mặt mày tối xẩm, trời đất quay cuồng, Phật ơi, nếu có khả năng con độn thổ cho rồi, có ai có mo cau không cho tôi mượn một tí.
- Dạ thưa cô! Bạn Du hôm nay vắng ạ! - Lớp trưởng thưa.
- À, mà Vũ cũng được, cô tính gọi luôn cả em. - Cô nói.
- Dạ em thế nào ạ?
- Cuối giờ em ở lại gặp riêng cô.
- Vâng ạ! - Tôi trả lời một cách miễn cưỡng.
Nghe đến đây, tự nhiên tôi tỉnh như ruồi. Suốt hai tiết học của cô, tôi chẳng tiếp thu được chữ nào cả, bởi trong đầu tôi chỉ có một câu hỏi “không biết cô bảo ở lại có chuyện gì đây?”, nỗi lo lắng, hồi hộp, đè lên tôi. Không hiểu sao nổi tiếng là người cứng đầu, thế mà khi nghe cô bảo như vậy, tôi lại lo sợ đến thế không biết, “những gì đến nó sẽ đến, mình có lo lắng cũng vô ích, thôi hít vào thở ra đi!” tôi tự trấn an mình, dù cố gắng trấn an cách mấy, nhưng cảm giác lo lắng, hồi hộp cũng không vơi đi tí nào. Sau khi hết tiết cô bảo tôi ôm cặp sách theo cô lên văn phòng, tôi liền phục tùng mệnh lệnh và đi theo cô như con rôbốt. Tuy đi nhưng tôi nghe rất rõ tiếng của bọn lớp tôi đang đoán già đoán non.
- Không biết thằng Vũ phạm lỗi gì mà bị cô giáo gọi lên văn phòng?
- Ờ, cũng lạ thật đấy. Bình thường nó ít nói là thế mà sao lại như vậy?
- Chuyến này chắc uống nước trà đến sót ruột.
Tôi vừa đi vừa ngoái lại nhìn lườm lườm bọn chúng, đây là lần đầu tiên gần ba năm học, tôi mới thấy tụi bạn lớp mình dễ thương như vậy, chúng nhìn tôi với ánh mắt đầy cảm thông, chia sẻ.
- Mời em ngồi! - Cô bảo.
Chờ cô ngồi xuống xong tôi mới ngồi, sau khi ngồi đâu vào đó, cô vào việc ngay:
- Cô không làm mất thời giờ của em, cô sẽ vào thẳng vấn đề.
- Dạ có gì cô cứ dạy bảo ạ!
- Cô có xem qua thành tích học tập các môn nói chung và môn văn nói riêng của lớp mình, riêng môn văn, bên cạnh rất nhiều bạn học khá, có một vài bạn học chẳng ra gì, mà em là người sa sút nhất trong vài bạn chẳng ra gì đó. Em có thể cho cô biết, tại sao mấy môn kia em học rất khá, điểm rất cao, trên 7,5 cả, thế mà môn văn em lại học yếu như vậy, từ đầu năm đến giờ em chưa được một điểm 7, chỉ toàn 5, 6, đến nỗi điểm kiểm tra miệng tuần trước em chỉ được 4?
- Dạ thưa cô! Đó là do… - Tôi cúi gầm đầu xuống bàn.
- Do em không thích học, hay là do vấn đề gì?
- Dạ thưa cô! Không phải do em không thích học, trước kia em học văn rất giỏi, nhưng không hiểu tại sao từ giữa năm lớp 10, em lại thấy chán môn văn, học chẳng hiểu chút gì cả.
- Thế là cô biết rồi, do em mất căn bản từ khi mới bước vào cấp III. Thôi được, cô sẽ giúp em, nhưng em phải nỗ lực, chịu khó mới được,
em đồng ý không?
- Dạ em cảm ơn cô.
Không hiểu sao hằng ngày tôi mạnh mẽ là thế, mà khi đối diện với cô, tôi chẳng khác nào chú chuột nhắt đối diện với chị mèo mướp đầy uy mãnh. Cô nói gì tôi cũng đều dạ dạ vâng vâng, không một lời phản đối.
- Trễ rồi, em về đi!
- Dạ thưa cô em xin phép. À mà cô về bằng phương tiện gì vậy? - Tôi và cô vừa đi ra nơi gửi xe vừa nói.
- Cô đi xe máy.
- Nhà cô ở đường nào ạ?
- Chạy hết Cách Mạng Tháng Tám là tới.
- Xa thế cơ à?
- Ừm, nhưng chạy hoài sẽ quen thôi.
- Thật ngại, em làm phiền cô nhiều.
- Không sao, cô rất vui khi nghe những lời ấy của em, chứng tỏ em là người có tư chất tốt, biết phục thiện, cố gắng lên, tương lai đang đợi em phía trước.
- Cô đã quá lời rồi.
- À, mà em về đường nào vậy?
- Dạ thưa cô! Nhà em ở gần ngã tư Bảy Hiền ạ!
Vừa đi vừa nói, chẳng mấy chốc đã đến nơi gửi xe. Nhìn quanh nhìn quất, trong bãi gửi xe chỉ còn lại hai chiếc, một chiếc Dream của cô và một chiếc Chaly của tôi.
- Cô để em dắt ra cho!
- Thôi để cô, em về kẻo đói bụng.
- Dạ thưa cô em về!
Tôi đạp xe chạy về. Vừa chạy tôi vừa mỉm cười đắc thắng, vì cô đã mắc vào cái bẫy “con nai vàng ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô” của tôi, ngay tức khắc trong đầu tôi dự tính rất nhiều mưu kế để đối phó với cô. “Cô ơi! không phải em muốn phá cô đâu, nhưng ai bảo cô dạy môn văn chi, cô hãy tha thứ cho em cô nhá!”
Vừa về đến nhà, tôi ăn vội ba hạt cơm, lại tiếp tục đến lớp học ca hai. Mới vác bộ mặt ủ rũ như gà bắt nước lên vì không được ngủ trưa của tôi vào đến cổng trường, bỗng có tiếng gọi thất thanh:
- Vũ mắt kiếng chờ tui với.  
- Thật đáng ghét, mình cận hơn người ta mà dám gọi người ta là mắt kiếng. - Tôi lầm bầm.
Cũng vừa đến cổng, tôi xuống xe, tắt máy, ngoái lại, ngay tức khắc Ngà cận cũng đã đến.
- Ông chạy gì như ma đuổi vzậy? Mới thấy ông ở đầu đường Võ Thành Trang, thế mà ông đã mất hút đi đâu không biết?  
- Đây nói cho đó biết nhá, đó nên soi vô gương xem lại mình đi, cặp mắt kiếng của mình như hai cái đít chai vzậy, thế mà dám gọi người ta là mắt kiếng, không biết ngượng miệng à?
- Không, tui không biết đâu, ông lại đụng vào nỗi đau thầm kín của tôi rồi. - Nhỏ vừa nói vừa lắc lắc cái đầu, khiến cho búi tóc được cột cao trên đầu đung đa đung đưa.
- Thôi bà đừng có lắc nữa, tới bãi gửi xe rồi, đồ bạn của Bạch Tuyết mà bầy đặt làm chảnh.
- Ông nói vzậy là ý gì?
- Không phải sao? Đã lùn thì cứ chấp nhận vậy đi, bầy đặt còn cột tóc bổng, để cho người ta cảm giác mình cao hơn.
- Ấy, đây là nghệ thuật của con gái chúng mình đấy! Ủa, bộ Vũ thấy cột tóc thế này làm mình cao hơn hả? - Vừa nói nhỏ vừa dùng ngón tay giữa hất cặp mắt kiếng lên.
- Ờ, nhưng như vậy cũng chưa cao đâu, đây có cách giúp đó cao hơn nữa kìa.
- Cách gì vzậy, nói nhanh đi? À mà thôi, cách của ông tui sợ lắm. Hôm trước ông bảo tui lấy hai cục đá cột vào chân, rồi bu lên xà đơn. Tôi tưởng thiệt, về làm y như vậy, tí xíu nữa là té lọi xương rồi.
- Lần đó nói chơi, còn lần này nói nghiêm túc đó. Mà lần này đơn giản như cột tóc vậy.
- Làm như thế nào vậy? - Nhỏ nóng lòng hỏi.
- Ừm… nhưng với một điều kiện.
- Được, ông nói đi.
- Cho tui mượn vở soạn văn.
- Tưởng chuyện gì, chuyện này thì…
- Thì sao?
- Thật khó đấy?
- Vì sao?
- Vì tui… chưa soạn.
- Thế thì thôi vậy.
- Không không không, tối nay tui tranh thủ soạn, tui hứa sáng mai sẽ có.
- Đã đưa Phật thì phải đưa đến Tây Phương, làm ơn thì làm cho trót, đây bà chép hộ tui luôn. - Tôi vừa nói vừa đưa cuốn vở soạn văn mới cáu cho nhỏ.
- Ông có biết ông đang ép người quá đáng không?
- Bà tưởng nghĩ ra cách làm cao dễ lắm à, tôi phải tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ, đến nỗi đêm không ăn, ngày không ngủ.
- Sạo quá đi ông tướng. Đêm ai ăn, ngày ai ngủ?
- Vậy thì tui không bày.
- Được được được, tui sẽ soạn cho ông. Thôi chỉ mau đi, tui nóng ruột quá rồi.
- Quân tử nhất ngôn đấy! Bà nghe đây. Bà về lấy một sợi dây thật dài, một đầu cột lên trần nhà, còn một đầu cột vào tóc, rồi sau đó…
- Sau đó làm thế nào nữa, nói mau lên.
- Nhìn vẻ khẩn trương của nhỏ, khiến tôi không thể nhịn cười.
- Sau đó bà ngồi mạnh xuống.
- Á.
- Cái gì vậy?
- Ông là đồ chết tiệt, tui ghét ông, đây trả lại vở cho ông nè. Nhỏ vừa nói vừa cầm cuốn vở ném vào ngực tôi.
- Giữa thanh thiên bạch nhật mà các cậu làm gì kì cục vậy? - Mi xí muội hỏi.
- Ông ấy hiếp tui.
- Hả??? - Mi xí muội kinh ngạc.
- Ê, bà nói lại đi, tui hiếp bà lúc nào? - Tôi tức giận nói.
- Quên tui nói lộn, ổng ăn hiếp tôi.
- Hú hồn, thế mà tôi tưởng… hi hi - Mi xí muội che miệng cười.
- Ăn hiếp là ăn hiếp thế nào? Tui dạy bà cách để có được chiều cao như ý, không thích thì thôi, làm gì dữ vzậy, chính là làm ơn mắc oán mà.
- Tóm lại ông bà có vào lớp không vzậy? Đồ dở hơi. - Mi xí muội vừa đi vừa nói.
- Ê, bà nói ai dở hơi. - Tôi hỏi.
- Thì hai ông bà chứ ai.
- Không được à nghen, bà có thể nói tui thế nào cũng được, nhưng bà không được đụng đến Ngà à!
- Thấy chưa, mới nói tí xíu mà đã binh nhau thấy ghê. Vừa nói nhỏ vừa chặc lưỡi.
- Chứ sao, đây gọi là tinh thần đồng đội. Chứ có ai như bà, suốt ngày chỉ biết lo cho mình, còn bạn bè sống chết mặc kệ, miễn điểm mình cao là được. Để coi chiều nay ai sẽ giúp bà khảo sát hàm số?
- Ê ê ê, đừng trả thù cá nhân à nghen. Bộ sáng nay tui không cho mượn vở soạn văn, bây giờ ông trả thù à?
- Bà lầm rồi đấy, bà quên bạn Ngà là cây văn giỏi nhất lớp mình à?
- Thế thì sao? Bộ ông tưởng ai cũng dại như tui cho ông mượn vở soạn văn à?
- Giữa tui và bà không thể gọi là dại, nên
gọi là hợp tác cả hai cùng có lợi.
- Xí. Nhỏ ngoắc ngoắc hai bím tóc đi thẳng.
- Kìa cô bé có mái tóc đuôi bò… - Tôi hát.
- Thôi mà Vũ, con gái tụi mình ghét nhất khi người khác đem dung nhan kiều diễm của mình ra bình luận đấy.
- Dung nhan kiều diễm? Câu này chỉ đúng với mình Ngà mà thôi.
- Vũ nói thật đấy à? - Nhỏ vừa nói vừa cúi xuống mỉm cười.
Nhìn bộ dạng mắc cỡ của nhỏ, tôi thầm nhủ “thế là có thêm một con nai nữa sa lưới.”
- Sao lại không thật? - Tui xin thề  
Tôi mới dơ tay lên định thề, nhỏ liền lấy tay bịt miệng tôi lại, không cho thề, cũng may nhỏ không cho thề, chứ không, cũng chẳng biết thề như thế nào nữa.
- Vũ đừng thề, mình tin Vũ mà. Chẳng lẽ Vũ thường xuyên mượn vở soạn văn của Mi vậy à?      
- Chứ còn gì nữa? Ngà thừa biết khả năng học văn của tui mà.
- Tại sao Vũ không nói sớm với mình?
- Nói thật, nhiều lần đây muốn nhờ đó lắm, nhưng thấy đó học nhiều quá, đây ngại.
- Ngại ngùng gì, mình là bạn tốt của nhau cơ mà. Thôi được, từ đây về sau mình sẽ soạn văn cho Vũ, được không?
- Thôi đi, mình không dám làm phiền Ngà đâu. Vả lại mình cũng không muốn mắc nợ người khác, đặc biệt là con gái hung dữ. (Nói cho oách, cho sĩ diện vậy, chứ tôi rất sợ Ngà cận đổi ý.)
- Chẳng lẽ Vũ xem mình là người xa lạ à?
- Thú thật trước kia thì có, nhưng bây giờ thì không.
- Chẳng lẽ trước kia Ngà hung dữ, đáng ghét lắm sao?
Chính gậy ông đập lưng ông. Nhìn cặp mắt ngây thơ, thật tình của nhỏ, tôi thầm nói “nhỏ này làm luật sư ai chịu cho nổi. Ngà đâu có hung dữ và đáng ghét đâu, mà là quá hung dữ và quá đáng ghét”
- Vũ sao vậy? - Nhỏ hỏi.
- Ờ ờ, không phải trước kia Ngà hung dữ và đáng ghét đâu, do lúc đó mình chưa hiểu Ngà đấy thôi, chứ bây giờ hiểu rồi thì khác.
- Vậy bây giờ Vũ hiểu mình như thế nào? - Nhỏ e thẹn và thành khẩn hỏi.
- Thật lòng mà nói, Ngà rất dễ thương, rộng lượng, biết giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người học yếu, với tấm lòng này, chắc chắn tương lai Ngà sẽ được mọi người tín nhiệm, yêu thích… (Phật ơi! Con đã nói dối)
- Mình cảm ơn Vũ nhiều lắm.
Vừa nói nhỏ vừa ngoe ngoải cái búi tóc, cúi mặt, mỉm cười sung sướng bước đi, tôi cũng đi theo sau, vừa đi tôi cũng vừa hát, mà còn cố tình hát lớn để cho nhỏ nghe “trên con đường một chiều ấy đi trước tôi đi sau…” Vừa mới bước chân đến cửa lớp, tôi đã bắt gặp tất cả các con mắt đang có mặt trong lớp nhìn chằm chằm một cách khó hiểu vào chúng tôi.
- Làm gì nhìn người ta dữ vzậy? - Ngà cận hỏi.
- Trời ơi! Con đang tỉnh hay mơ? Đây là cõi nhân gian hay địa ngục? - Nhỏ lớp trưởng
dơ hai tay lên trời, uốn éo hỏi.
- Đầu bà có bị sao không vzậy? - Tôi hỏi.
- Chứ không phải sao? Nước mà có thể sống chung với lửa, chó có thể ở chung với mèo. Đây không phải là chuyện lạ Việt Nam, mà đây là chuyện lạ thế giới, có thể ghi vào sách kỉ lục guiness được rồi.
- Hôm nay bà mới biết à? Thế là quá muộn rồi, chuyện này cả thế giới đã biết, vậy mà bày đặt xưng ta đây sinh vào thời đại thông tin. Hứ!
- Ê ê ê, dừng lại dừng lại. - Hùng đà điểu từ dưới chạy lên.
- Chuyện gì nữa đây? - Tôi hỏi.
- Tụi tui chờ ông từ sớm giờ, thôi chuyện giữa ông và Ngà cận để hạ hồi phân giải, bây giờ ông cho chúng tôi biết, trưa nay cô bảo ông ở lại, rốt cuộc là chuyện gì?
- À, đúng rồi, từ nãy giờ tui quên. - Ngà cận nói.
- Đúng rồi, đúng rồi. - Cả lớp nhốn nháo như cái chợ.
- Chẳng có chuyện gì cả.
Nói xong, tôi đi một mạch vào chỗ ngồi. Ngay tức khắc, cả lớp đều xúm quanh tôi hỏi cho ra lẽ mới chịu, dù chúng hỏi thế nào tôi vẫn ngồi im như tượng.
Tùng tùng tùng, tùng tùng tùng, tiếng trống báo hiệu vào lớp.
Cả buổi học hôm đó, tôi không tài nào tiếp thu được một chữ, trong đầu chỉ hình thành những kế sách đối phó với cô giáo dạy văn.