Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần 6)

Có lần cha mẹ cô về Huế ăn đám cưới, ông bà nói với cha mẹ tôi cho tôi đến ở nhà ông bà khoảng nửa tháng, đương nhiên cha mẹ tôi không có lí do gì để từ chối. Mới chân ướt chân ráo dọn đồ đến, cô đã chia công việc:
- Trong nhà chỉ có hai người, vậy cô nhường chức làm chủ cho em.
- Dạ thưa cô sao được, nhà của cô, đương nhiên cô làm chủ chớ!
- Không được cãi, trong suốt nửa tháng này em chỉ được có quyền nghe và làm theo mệnh lệnh chứ không được ý kiến, rõ chưa?
- Dạ rõ, thưa cô chủ!
- Được, nghe đây, mỗi buổi sáng em chở cô đến trường, trưa chở về, còn buổi chiều nào có tiết cô tự đi.
- Dạ rõ, nhưng còn chuyện cơm nước thì sao ạ?
- Chuyện đó em khỏi lo, cô chịu trách nhiệm tất!
- Lạy Phật! Mong trời đừng mưa!
- Em lâm râm gì vậy?
- Dạ thưa cô! Em đang cầu xin Đức Phật cho trời đừng mưa, ít nhất là trong nửa tháng sắp tới.
- Làm gì?
- Chứ cô chịu trách nhiệm nấu cơm, rủi hôm nào như bữa mưa hôm nọ, em có mà chết đói.
- Em yên tâm cô không để em chết đói đâu mà lo, hung lắm chỉ trễ vài tiếng, không đến nỗi chết đâu!
- Phật ơi! Thế là đời con đã được định đoạt!
Đêm đó, ngoài trời mưa rào rào, những cành cây bị gió làm tình làm tội nên nó vật vờ như bàn tay của kẻ ăn mày vật vã đập đập vào cửa, dáng cây me ngoài đường như mụ điên đứng múa, tiếng gió gào thét như tiếng tru của loài chó sói, ngọn đèn đường bị gió thổi chao qua chao lại, tôi và cô ở trong nhà đứng ngồi
không yên:
- Không biết sao hôm nay thời tiết lại kì vậy? - Cô hỏi.  
- Dạ thưa cô, em nghe đâu bị ảnh hưởng cơn bão số năm.
“Ầm”, tiếng cành me gãy.
- Cô ơi! Tiếng gì vậy? - Vừa nói tôi vừa thót lên ghế sa lông.
- Cô cũng không rõ nữa, hình như tiếng cành me trước nhà bị gió quật gãy. Cô cố gắng nói với giọng bình tĩnh, nhưng không giấu được sự lo sợ.
- Cô biết không đây là lần đầu tiên em thấy cảnh này đấy! Còn cô?
- Lúc nhỏ khi còn ở ngoài quê cô thấy hoài à!
- Vậy cô có sợ không?
- Xí, ai mà sợ!
- Không sợ sao cô đứng sát vào em làm chi vậy?
- Ờ… nói gì thì nói cô vẫn là con gái mà! Đồ môi mỏng lí sự.
- Thôi em đi học bài đây!
- Ờ, em vào phòng của cha cô mà học!
- Thôi em ngồi ngoài bàn sa lông cũng được.
“Rét rét rét ầm ầm ầm…” tiếng sấm chớp vang dậy cùng trời, lâu lâu lại có những tia chớp dài tận cuối chân trời, giống như cái lưỡi của mụ phù thủy.
- Cô đem bài đi đâu vậy?
- Ờ, cô ra ngoài đây ngồi chung với em cho vui, thứ nhất để em khỏi sợ, thứ hai cô kèm em luôn.
- Dạ em cảm ơn tấm lòng cao cả của cô!
- Người ta nói thật mà em không tin!
- Ai nói em không tin?
- Chứ không phải em vừa nói đó sao?
- Ý em không phải vậy, mà là…
- Thôi, là gì cũng được, ờ cô mới phát hiện ra một cách giúp em học văn giỏi hơn, nhưng em phải làm cho cô một việc, đồng ý không?
- Miễn học giỏi văn dù là 10 việc em cũng đồng ý, đừng nói chi một việc.
- Em đã biết việc gì đâu mà dám nhận lời? Rủi cô bảo em vào rừng dao biển lửa thì sao?
- Làm người ai lại làm thế bao giờ phải không cô?
- Không làm thế sao làm người! Thôi, không dài dòng với em nữa, từ đây về sau em phải đọc tất cả những bài kiểm tra văn của các bạn.
- Để làm gì vậy cô?
- Đọc như vậy giúp em học được cách làm văn và dùng từ của mỗi bạn, có như thế em mới mau tiến bộ.
- Cô đã nói thế, em xin nhận lời, dẫu sao cả tháng mới có một lần kiểm tra.
- Em nói sao, em tưởng đọc một mình lớp em thôi sao?
- Dạ!
- Không phải đọc một mình lớp em thôi đâu, mà phải đọc tất cả các lớp cô dạy.
- Phật ơi! Không phải cô bắt em đọc bài của mấy đứa lớp 10, 11 đấy chứ?
- Đương nhiên rồi.
- Sao cô có thể bắt em đọc bài của mấy đứa nhỏ hơn em?
- Đây chính là tinh thần của người tìm cầu tri thức đấy. Chứ em không nhớ, chính Đức Phật mà còn phải áp dụng cách đánh đàn của người ca kĩ để dạy đệ tử mình sao, Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm đi tham học với 53 vị thiện tri thức, trong số những vị thiện tri thức đó có cả người nông dân, trẻ nhỏ… còn nhà đại y học Lí Thời Trân của nhà Minh, ông đi trên hàng vạn dặm đường, hỏi thăm hàng triệu thầy thuốc và nông dân, học hỏi rất nhiều tri thức mà trong sách vở không có, đây đều gọi là “bùchǐ-xiàwèn” (không thấy mắc cỡ khi hỏi người nhỏ hơn mình).
- Trời, hôm nay cô bày đặt nói tiếng Hoa nữa chứ.
- Thế em không biết cô học xong bằng B tiếng Hoa rồi à, do công việc bận quá nên cô không thể học tiếp, chứ cô mà học, trong lớp xưng đệ nhị thì không ai dám xưng đệ nhất.
- Vâng, cho em xin!
Tôi và cô vừa học vừa nói chuyện, vui
cười, chẳng mấy chốc quên ngoài trời đang mưa giông bão tố, chỉ khi chiếc đồng hồ treo tường điểm 12 tiếng, hai cô trò mới giật mình, thì ra đã 12 giờ rồi.
- Thôi khuya rồi chúng ta đi ngủ đi. - Cô bảo.
- Dạ cô ngủ trước đi ạ, em còn vài bài toán chưa giải xong.
- Lo gì, đây là những bài toán của cha cô, nửa tháng nữa cha cô mới về, mai mốt làm cũng đâu có muộn, thôi đi ngủ đi.
- Thế thì chúc cô ngủ ngon.
Cô vào phòng của mình đóng cửa lại, còn tôi ngủ ở phòng cha của cô, tôi nằm chưa nóng chiếu, bỗng nghe tiếng la thất thanh của cô, tôi liền chộp cái bình hoa trên bàn mở cửa chạy ra. Càng đến gần phòng cô tôi càng có cảm giác ơn ớn, tôi nghĩ thầm trong bụng “rủi có tên ăn trộm nào đi lộn vào phòng cô thì nguy, lỡ mình vừa thò đầu vào, hắn ta nện cho mình một cái tiêu đời, nhưng không vào lỡ cô có mệnh hệ gì thì sao.” Tôi đắn đo suy nghĩ, cuối cùng quyết định dù sống chết cũng vào, một tay gõ cửa, còn một tay cầm chắc bình hoa thủ thế, nghe tiếng gõ cửa cô từ từ mở ra, nghe tiếng bước chân xiêu vẹo của cô, tôi càng tin vào phán đoán của mình là đúng. Cửa vừa mới hé mở, tôi liền dơ bình hoa định nện xuống, nhưng chưa kịp nện cô đã hét toáng lên rồi. Sau khi hỏi ra mới biết, cô tưởng cái dây leo bên tường bị gió đập vào cửa là ăn trộm đang tìm cách mở cửa, nên cô mới la.
- Phật ơi! Chuyện có thế mà cô cũng làm hết hồn, em tưởng tên ăn trộm nào siêng bất tử trời mưa gió cũng đi hành nghề chứ!
- Em biết không, từ nhỏ đến giờ cô vẫn luôn ngủ với mẹ, không có khi nào ngủ riêng một mình, cô sợ lắm. - Vừa nói cô vừa rút người lại trông rất tội nghiệp.
- Thôi được, em đổi phòng cho cô.
- Không được, phòng cha cô chỉ toàn sách là sách, thấy ớn lắm.
- Thế này cũng không được, thế kia cũng không được, vậy cô tính như thế nào?
- Em ngủ chung phòng với cô.
- Dạ, thế cũng được.
Nói xong tôi phải đi giải quyết hậu quả của
việc uống nước nhiều. Trên này cô lấy nệm, mền, mùng giăng ra giữa phòng của mình và nằm xuống đó ngủ.
- Sao cô ngủ ở đây?
- Em ngủ trên giường, để cô ngủ dưới đất cho!
- Ai lại làm thế bao giờ, em là con trai để em ngủ dưới dất, còn cô phải ngủ trên giường.
- Như vậy thiệt cho em quá, ai lại để khách ngủ dưới đất bao giờ.
- Chẳng lẽ cô coi em là khách à?
- Ý cô không phải như vậy…
- Không như vậy thì cứ quyết định em ngủ dưới đất, còn cô ngủ trên giường, bằng không em sẽ để cô ngủ một mình.
- Em đang khủng bố cô à?
- Cô nghĩ oan cho em rồi, ai dám khủng bố cô! Thôi cô ngủ ngon!
- Em cũng vậy!
10 phút.
Tôi vẫn cứ lăn qua trở lại, không tài nào
chợp mắt được, còn cô trên giường cũng vậy.
- Cô không ngủ được à? - Tôi hỏi.
- Cô đã thức giấc thì khó ngủ lại lắm. Em cũng vậy à?
- Chắc có lẽ là lạ chỗ.
- Tuổi bẻ gãy sừng trâu mà cũng lạ chỗ à?
- Cô thông cảm, từ trước đến giờ em vẫn vậy!
- Công tử vừa thôi ông tướng!
- Đây không phải công tử, mà là thói quen của em. Ôi, 1 giờ kém 10 rồi, em ngủ đây.