Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần 5)

Chiều hôm đó, trước giờ tan học, cô ghé vào đưa cho tôi một lô giấy viết kín chữ:
- Đây là một số bài văn của cô trong suốt ba năm cấp III, cô đã để riêng từng lớp, em đem về đọc kĩ, coi như đây là những bài văn mẫu, khi nào đọc xong em trả lại cho cô, cô sẽ đưa thứ khác.
- Dạ em cảm ơn cô!
Tôi đưa hai tay ra tiếp nhận tập giấy đã ngả
màu, mà trong lòng buồn còn hơn đưa đám, bởi lẽ từ đây tôi phải bị đọc cái thứ mà mình không mấy thích thú, không nói là quá ghét. Nhưng không đọc không được, rủi cô hỏi cô đã viết gì trong đó thì biết ăn nói thế nào. Thôi thì tranh thủ tụng vậy. Tôi bắt đầu lên lại lịch học, mỗi tối tôi đều dành ra 1 giờ để miễn cưỡng đọc những bài văn của cô. Thật lạ, càng đọc tôi càng ngưỡng mộ cô, bởi văn của cô hay chi lạ, từ cách đặt vấn đề, diễn đạt, phân tích… phần nào cũng hay và hấp dẫn cả. Nhưng bấy nhiêu không đủ sức đánh tan thành kiến về môn văn trong đầu tôi. Nhiều lúc thấy cô giảng bài mồ hôi ướt đẫm cả trán, khan cả cổ… tôi thương cô lắm, nhưng chỉ cần nghĩ đến những con chữ trong sách văn, ngay lập tức lòng bi mẫn của tôi tan biết theo mây khói, nghĩ đi nghĩ lại, ông bà chúng ta nói quả thật không sai “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.” Mình không thích một cái gì đó, thì mình ghét luôn những gì liên quan đến họ. Tuy được cô tận tình chỉ dạy, nhưng ý định phá cô vẫn không suy giảm, thua keo này tôi bày keo khác.
Một hôm, mẹ sai tôi ra tiệm tạp hóa mua
đồ, đang lựa lựa, tôi thấy hộp kim cúc, bỗng tia sáng tội lỗi lóe lên trong đầu, thế là tôi hi sinh 2.500 mua một hộp, nhưng thực chất chỉ cần một cây thôi. Chiều hôm ấy, cô có tiết ôn thi văn cho ba bạn học sinh giỏi cấp thành phố của trường, còn tôi cũng có tiết ôn toán để chuẩn bị thi. Theo tôi tính, hôm nay ít nhất phải hơn 5 giờ rưỡi mới tan học, thế là tôi liền gói bảo bối lại đem theo. Hôm nay tôi đặc biệt đi trễ, khi vào nhà xe đã thấy xe cô dựng đó rồi, tôi liền lân la dắt xe lại gần, sau khi chống xe đâu vào đó, tôi móc bảo bối ra và ấn mạnh vào bánh sau của xe cô, tức khắc có một làn hơi ào ạt bay ra từ trong lốp xe của cô, tiếng xì càng mạnh, trong lòng tôi càng thấy thích thú, sau khi hạ xong đối thủ, tôi liền phi tang hiện trường, ôm cặp đi lên lớp một cách tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Chúng tôi đang mãi mê học, bỗng nghe tiếng “ầm, ầm”, tôi nhìn ra thấy mây đen đã che kín cả bầu trời, những hạt mưa đầu tiên đã bắt đầu rơi xuống, mưa càng lúc càng lớn, mưa càng lớn tôi càng đắc chí, càng hả dạ. Như dự đoán, hơn 5 rưỡi chúng tôi mới tan học, nhìn qua bên kia thấy cô hãy còn đứng chờ mưa tạnh, tôi nghĩ “trời đã giúp mình rồi, mưa lớn thế này, cộng thêm xe không còn hơi, chắc chắn cô giáo xinh đẹp của mình sẽ ướt sũng cho mà xem, với thân hình mảnh mai như vậy, thế nào cũng phải bị bệnh cả tuần, vậy là mình thoát được sự tra tấn, hà hà hà”. Tôi đang mải mê tận hưởng hạnh phúc độc ác của mình, bỗng cô đến gần hỏi:
- Em cũng chờ tạnh mưa à?
- Dạ thưa… - Tôi giật mình không biết trả lời thế nào.
- Không hiểu tại sao chiều nay mưa lớn thế không biết!
- Dạ cô không đem áo mưa à?
- Không đem. Còn em?
- Dạ em có đem.
- Có đem sao em không về kẻo tối.
- Dạ thưa…
Tôi thật bất ngờ và xúc động khi nhận được sự quan tâm của cô, lời nói tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng sao khiến tôi cảm động thế không biết.
- Dạ thưa cô! Nếu cô không chê thì cô lấy
áo mưa của em mà về.
- Em khách sáo thế, cô chê sao được, nhưng cô lấy rồi còn em làm thế nào?
- Dạ em là con trai, vả lại em là học sinh, rủi có như thế nào cũng không sao,chứ còn cô lỡ về trễ, đói, rồi bị bệnh, thì học sinh chúng em thiệt thòi lắm, đặc biệt là em.
- Bộ cô đói, em không đói à? Nếu trong cuộc sống chúng ta luôn chọn những cái nhẹ nhàng, sung sướng, vậy ai sẽ gánh vác gian khổ?
- Trên thế giới này ai cũng có được tấm lòng như cô thì hay biết mấy nhỉ!
- Do em chưa gặp đó thôi, chứ thiếu gì. À, mà tập bài văn cô đưa em đọc đến đâu rồi?
- Dạ em đọc hết năm lớp 10 rồi ạ!
- Tốt quá rồi, chỉ cần em cố gắng đọc hết, cô bảo đảm em sẽ có được một số kiến thức quan trọng. Nhưng cô hỏi thật, em có thấy cô quá đáng không? Em có trách cô không?
Tôi thật bất ngờ với câu hỏi của cô:
- Tại sao cô lại nói vậy?
- Không phải sao? Em đang dành thời gian
ôn thi học sinh giỏi toán thành phố, thế mà tiết nào cô cũng kiểm tra bài cũ của em, lại còn bắt em đọc rất nhiều bài văn cũ của cô nữa.
- Dạ thưa cô! Đây đâu phải quá đáng, mà đây là do cô thương em chứ bộ, nếu cô không quan tâm thì em biết làm thế nào, em nghĩ nếu một người nào đó học giỏi tất cả các môn, mà chỉ cần một môn không đạt yêu cầu, cũng chưa gọi là thành công, huống gì môn văn lại là môn quan trọng, em cảm ơn cô không hết làm sao dám trách cứ gì cô.
Không hiểu tại sao hôm nay tôi lại như vậy nữa, mới cách đây mấy giờ đồng hồ tôi còn đâm thủng bánh xe của cô, thế mà bây giờ tôi lại bênh vực cô mới lạ chứ?
- Em hiểu được như vậy cô vui rồi, chứng tỏ cô không nhìn nhầm, không đặt niềm tin sai mục đích.     
- Dạ trời đã tạnh, cô và em cùng về ạ!
- Cuối cùng em đem áo mưa cũng như không. Cô thật cảm ơn em.
- Xin cô đừng nói như vậy, chính em mới là người nên cảm ơn cô, cảm ơn buổi chiều mưa hôm nay, được nói chuyện với người trí thức lợi ích gấp bội lần đọc chục cuốn sách.
- Em đề cao cô quá rồi đấy, em xem lỗ mũi cô phồng ra như trái banh rồi nè.
- Không phải đề cao đâu ạ!
- Chết rồi!
- Cái gì vậy cô?
- Bánh xe của cô đã bị thủng rồi.
- Sao thủng được? - Tôi làm bộ ngơ ngác hỏi.
- Tại sao thủng được kìa, lúc cô đến hãy còn cứng cơ mà. Thôi đành dắt đi vá vậy, nhưng trời mưa, tối thế này có tiệm nào chịu vá cho không biết.
Nhìn cô vừa dắt xe vừa vén vạt áo dài, lòng tôi cảm thấy hối hận vô cùng, tôi nguyền rủa chính mình, nguyền rủa tâm niệm bất thiện trong mình. Bất ngờ, trời lại trút thêm những hạt mưa to như hạt bắp, dài cả cây số nữa. Thấy thế tôi vội rút áo mưa trong cặp ra đưa cho cô che:
- Thôi em đội về đi, cô đứng ở cổng chờ trời tạnh được rồi.
- Dạ thưa cô! Em có ý này không biết có
được không?
- Ý gì?
- Nhà đối diện trường là nhà của chú em, em gửi xe cô ở đó, rồi em đưa cô về, sáng mai em dắt trả lại cho cô.
- Cô sợ…
- Cô sợ mất xe à! Em dám đem tính mạng mình ra đánh đổi với cô.
- Không phải cô sợ mất xe, mà cô sợ làm phiền chú của em.
- Dạ không sao đâu ạ!
Không chờ cô nói thêm lời nào nữa, tôi liền mang áo mưa, dắt xe của cô qua gửi nhà chú. Sau đó, chạy sang đưa cô về.
- Phật ơi! Tại sao em lãng trí vậy kìa?
- Chuyện gì vậy em?
- Dạ em quên mua áo mưa cho cô. Cô chờ chút để em chạy đi mua.
- Thôi không cần đâu em.
- Thế cô lấy gì che?
- Thì em ngồi lái, cô kéo vạt sau lên che là
được chứ gì?
- Ai lại để cô che vạt sau.
- Vạt sau vạt trước có khác gì nhau đâu, chẳng lẽ vạt sau không che được sao?
- Dạ thưa, ý em không phải như vậy!
- Không phải như vậy, thì cứ chạy.
Nói xong cô leo lên xe kéo vạt sau áo mưa lên che.
- Dạ cô thông cảm, cái yên chiếc chaly của em nó bé tí tẹo, cô ngồi cẩn thận ạ!
- Được rồi, em chạy đi.
- Dạ cô đưa cặp em treo phía trước để cô ngồi cho thoải mái.
- Ừm, cặp nè.
Cô ngồi dịch sát vào, tôi bắt đầu nổ máy chạy. Càng lúc trời càng mưa lớn, những hạt mưa bay tấp vào mặt nghe ran rát, tôi hỏi:
- Cô có lạnh không ạ?
- Không sao! Còn em? - Cô trả lời với giọng run run.
- Cô mới về nên chưa biết đấy thôi, em là
vận động viên điền kinh của trường, em tính nếu thi toán xong, em sẽ đăng kí dự thi điền kinh, nói như vậy không phải em khoe, mà để cho cô biết em rất khỏe, mưa có thế này nhằm nhò gì.
Chạy vừa qua đường Nguyễn Thị Minh Khai tôi hỏi:
- Dạ đến đường Nguyễn Thị Minh Khai rồi, đi thế nào nữa ạ?
- Em chạy một đoạn nữa, quẹo đường Bùi Thị Xuân, nhà cô ở đầu đường Bùi Thị Xuân.
- Dạ thưa cô số nhà mấy ạ?
- Số 10A.
Chạy thêm một đoạn nữa:
- Dạ thưa cô đến rồi ạ!
- Em dừng lại ở đây được rồi.
- Trời mưa lớn thế này làm sao cô vào được, em bấm chuông gọi cha mẹ cô ra mở cửa được không ạ?
- Sao lại không được?
- Em sợ cha mẹ cô. - Vừa nói tôi vừa
bấm chuông.
- Cha mẹ cô hiền lắm, họ đều là giáo viên, nên rất thương học sinh, sẵn đây em vào nhà thăm luôn cho biết.
Chiếc cổng được mở ra cái kẹt, tuy trời tối, nhưng tôi cảm nhận người ra mở cổng là một phụ nữ đã đứng tuổi, hỏi:
- Sao con về trễ vậy? 
- Dạ thưa mẹ trời mưa to quá!
- Ủa, em này là ai, và xe con đâu?
- Dạ thưa mẹ! Đây là học sinh của con, do xe bị thủng nên nhờ em chở về đấy ạ!
- Dạ cháu chào bác ạ!
- Bác chào cháu! Thôi dắt xe vào nhà ăn cơm rồi hãy về!
- Dạ thưa bác! Cháu xin phép về kẻo cha mẹ trông, dịp khác cháu sẽ vào chơi ạ! Thôi em chào cô ạ! Dạ thưa cô, sáng mai em đến chở cô lên trường nha!
- Thôi, không làm phiền em.
- Không có gì, cứ quyết định vậy cô nha!
- Thế cũng được, em về cẩn thận, ờ nè về nhà nhớ không được tắm bằng nước lạnh, phải tắm bằng nước nóng đó.
- Dạ cô cũng vậy ạ! Dạ cháu chào bác!
- Cháu về cẩn thận.
Tôi quay đầu xe trở về. Vừa về đến nhà, tôi liền gọi điện nhờ chú vá giùm xe cô, để sáng mai đến lấy. Sau khi tắm rửa, cơm nước đâu vào đó, tôi leo lên giường nghỉ một chút gọi là “nghỉ mệt”, quả thật đúng với từ “nghỉ mệt”, vì càng nghỉ càng mệt, tôi không thể nào thực tập hít ra thở vào mà tôi đã được học trong một khóa tu thiền dành cho giới trẻ, vừa nằm xuống, bao nhiêu hình ảnh về cô lại hiện ra trong đầu, càng nghĩ tôi càng thấy hối hận về những việc làm sai trái trước đây của mình, bất chợt tôi khóc, khóc thật nhiều, ngay tức khắc tôi hứa với lòng từ đây mình sẽ cố gắng học môn văn cho thật giỏi để không phụ công sức và tâm sức của cô. Tôi liền bật dậy, lấy những bài văn của cô ra đọc. Lạ thật, cũng những bài văn này, nhưng tại sao hôm nay tôi lại thấy thú vị và đọc tới đâu hiểu một cách rõ ràng tới đó. Thật đúng như nhà Phật nói “tâm sinh tất cả”. Đêm đó, ngoài thời gian ôn lại bài và chuẩn bị bài cho ngày mai ra, tôi dành hết thời gian đọc những bài văn của cô. Cảm nhận nó giống như bộ phim kiếm hiệp tôi thích, chưa đến hồi kết thúc vẫn chưa chịu nghỉ, ngay đêm đó tôi đã đọc hết tất cả số bài văn của cô.
Sáng sớm hôm sau, mới 5 giờ tôi đã thức dậy, chuẩn bị bài vở, ăn sáng, đúng 6 giờ kém 15 xuất hành, thấy thế mẹ nói:
- Sáng nay đi học con nhớ đem theo chiếc đò nghe.
- Dạ thưa mẹ! Để làm chi ạ?
- Để khỏi chết đuối.
- Tại sao ạ?
- Chứ từ nhỏ đến giờ chưa có hôm nào mẹ không gọi ngược gọi xuôi mà con tự dậy, hôm nay như vậy có mà lụt lớn.
- Mẹ đánh giá quá thấp con trai yêu của mình rồi đấy! - Vừa nói tôi vừa ôm vai mẹ.
- Ờ, thấp hay cao đến sáng mai biết liền.
- Thấp cũng được không sao, miễn cái kia cao là được rồi!
- Sao, bộ muốn xin tiền à?
- Con phải công nhận trên thế gian này người sinh ra con chính là mẹ, và người hiểu con nhất cũng không ai ngoài mẹ.
- Chỉ có khéo nịnh, cần bao nhiêu?
- Càng nhiều càng tốt!
- 100 đủ không?
- Dạ quá đủ rồi, cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ, thưa mẹ con đi học!
- Sao sáng nay con vui dữ vậy Vũ? - Cha đi ra hỏi.
- Dạ không có gì hết cha ạ! Thưa cha con đi học.
- Đi cẩn thận đó.
Lúc này còn sớm, trên đường vắng hoe chỉ có mấy chiếc xe và vài người đi đi lại lại, cho nên mất có hơn 15 phút là đến nhà cô rồi. Tới cổng, tôi xuống xe đứng ngắm ngôi nhà, không biết trong nhà như thế nào, nhưng nhìn những dây leo bò trên tường rào, tôi dám chắc chắn nhà cô có rất nhiều hoa. Tôi dơ tay lên bấm chuông, ngay tức khắc có tiếng chân người ra
mở cửa:
- Em tìm ai?
- Dạ thưa bác cháu đến tìm cô giáo ạ!
- À, có phải em là người hôm qua chở cô về không?
- Dạ thưa phải ạ!
- Dắt xe vào đi em.
Ông mở rộng hai cánh cửa để tôi dắt xe vào, thú thật chỉ cần mở một cánh chiếc xe tôi cũng dư sức vào rồi, đằng này ông lại mở hai cánh, không biết đây có phải là cách tiếp khách của người xứ đất Thần Kinh không? Vừa mới bước vào cổng, tôi hết sức thích thú khi trước mặt là một sân hoa kiểng đủ loại, lại có thêm hồ cá, dàn thiên lí, ôi mùi hoa thiên lí thật dễ chịu làm sao.
- Mai ơi! Em Vũ đến rồi!
- Dạ thưa bác! Sao bác biết cháu tên Vũ ạ?
- Con Mai có kể cho thầy nghe, em đừng gọi thầy là bác, nghe già lắm, thầy thích nghe tiếng thầy hơn, và em cũng cho thầy được gọi em là em, dù thầy lớn tuổi hơn cha mẹ của em.
- Dạ thưa, vậy thầy cho phép em gọi thầy là thầy ạ!
- Đó nghe dễ thương chưa, à thầy nghe con Mai nói em gần thi học sinh giỏi toán thành phố rồi phải không?
- Dạ thưa thầy! Đúng ạ!
Đang nói chuyện cô đi xuống hỏi:
- Vũ đến sớm vậy?
- Dạ em chào cô ạ!
- Em vào nhà uống nước. - Cô mời.
- Ờ, em vào đi. - Cha cô lại bảo.
Tôi quay lưng lại bỏ dép dưới hè để mũi dép hướng ra đường, bước lui một bước lên tam cấp, từng hành động của tôi đều được cha cô chú ý rất kĩ, cô lấy đưa cho tôi đôi dép đi trong nhà. Tôi hết sức ngỡ ngàng với khung cảnh và cách bài trí trong nhà, thứ nào ra thứ nấy, gọn gàng ngăn nắp, nghĩ đến cái phòng chuồng heo của mình tôi thấy xấu hổ quá, cũng may cô không đến, nếu rủi cô đến không biết phải dấu mặt đi đâu. Cha cô mời tôi ngồi xuống bàn trà, nhưng ông cố tình không ngồi để coi thử như thế nào. Ông đã thất bại khi dùng chiến thuật này, ông đâu biết rằng sở dĩ cha tôi lấy được mẹ tôi là nhờ tuyệt chiêu này, và đương nhiên tôi đã hưởng được gen di truyền đó. Mẹ kể trước kia cha nghèo lắm, lại mồ côi, nên bên ngoại không ai chịu gả con gái mình cho người có tương lai mờ mờ ảo ảo, nhưng cha đã sống rất tuyệt, lễ phép, biết kính trên nhường dưới, mỗi khi được bên ngoại mời ăn cơm, nếu người lớn chưa ngồi thì cha không ngồi, còn món nào người lớn chưa đụng đũa vào, tuyệt nhiên cha cũng không đụng đũa. Hôm nay tôi cũng làm đúng như cha, thấy thế cha của cô gục gục nói:   
- Nghe con Mai giới thiệu về em, cho nên đêm hôm qua thầy nằm suy nghĩ và có nhã ý thế này, chiều thứ ba, thứ năm thầy không có tiết, nếu em rảnh đến thầy ôn toán cho.
- Dạ thưa thầy! Nếu được vậy còn gì tuyệt bằng, nhưng em sợ làm phiền thầy.
- Không sao, miễn làm được gì để giúp học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi là thầy vui rồi, cứ quyết định như vậy nha, chiều nay chúng ta bắt đầu được không?
- Dạ được, em cảm ơn thầy trước!
- Em biết uống trà chứ? – Cha cô vừa nói vừa chỉ tay vào bộ bình trà đặt trên cái bàn bằng tre trông rất đẹp.
- Dạ thưa thầy em cũng thường xuyên uống trà với cha.
- Được, em ngồi thầy pha trà chúng ta cùng uống.
- Dạ thưa thầy để em pha cho.
- Pha trà là cả một nghệ thuật, chứ không đơn giản như giải một bài toán đâu.
- Dạ thưa thầy, hôm nay xin thầy uống thử trà của em pha.
- Được không đấy? - Thầy hỏi với giọng đầy nghi ngờ và thách thức.
- Dạ thầy cho em thử ạ! Nếu có gì không đúng mong thầy chỉ dạy thêm.
- Được.
Đầu tiên tôi dùng nước sôi tráng bình trà, và làm từng bước từng bước y như những gì trong sách Thiền Trà của Nhật Bản dạy. Ông nhìn tôi pha trà không chớp mắt, từng cử chỉ của tôi, luôn được ông quan sát tỉ mỉ, đương nhiên
tôi cũng không để hớ một chút sai sót nào.
- Dạ em mời thầy thưởng thức.
Ông hớp một ngụm nhỏ:
- Tuyệt, rất tuyệt, quả thật hậu sinh khả úy, cách pha trà của em rất mới lạ, còn cách dùng từ trong uống trà của em thể hiện người sành sỏi. Thú thật trong mấy mươi năm nay chưa có ai pha trà và dùng từ trong uống trà độc đáo như em. Đúng, khi mời người khác uống trà không được nói mời anh hoặc bác uống trà, vì nói như vậy chưa cao siêu, nên dùng từ “thưởng thức” của em, khi dùng từ “thưởng thức”, chứng tỏ em đang nâng vị ngon của trà lên tới chỗ cao nhất, tuyệt tuyệt.
- Con mời cha ăn sáng, Vũ em ăn sáng luôn.
- Đúng rồi, cháu ăn sáng rồi hãy đi học! - Bác gái từ nhà dưới đi lên nói.
- Dạ cháu chào bác ạ! - Tôi vẫn giữ tư thế ngồi chỉ cúi đầu.
Cha cô vỗ tay nói:
- Ôi! Cháu còn trẻ tuổi mà hiểu biết nghệ thuật uống trà như vậy, thật ít có.
- Là thế nào vậy cha? - Cô hỏi.
- Khi ngồi xuống bàn trà, tuyệt đối không đứng dậy chào ai, nếu đứng lên sẽ bất kính với người trong bàn, và đánh mất ý nghĩa thưởng thức trà.
- Dạ thưa thầy! Em nghĩ không đứng dậy, chúng ta bất kính với người mới đến.
- Đó không phải bất kính, mà đây là qui định trong uống trà.
- Thôi chúng ta ăn sáng. - Cha cô nói.
- Dạ em mời cả nhà, em đã dùng rồi ạ!
- Ăn rồi ăn thêm có sao đâu, hoặc ngồi tham dự cũng được.
- Thôi thì cung kính không bằng vâng lệnh, em mời cả nhà.
Trước và sau lúc ăn cơm tôi vẫn thực hiện đúng theo gen di truyền của cha. Sau khi ăn sáng xong, tôi chở cô đến trường, vừa ra khỏi cổng cô hỏi:
- Em nịnh cha cô bằng cách gì mà hay thế?
- Sao cô lại nói em nịnh nhỉ?
- Không phải sao? Trước kia có mấy người bạn của cô đến chơi, nhưng đều bị ông hạ gục sát ván, chỉ có em ông mới không như vậy.
- Đây không phải là nịnh, mà đây gọi là cách sống hằng ngày và gen di truyền.
- Em có biết rằng em hơi tự tin quá không?
- Cô có thấy vậy không?
- Cô thấy quá rõ đi chứ.
- Thế thì tốt!
- Quả thật không sai mà!
- Dạ cô nói gì ạ?
- Trước kia cô nghe lớp em nói ai tin em có mà bán lúa giống, lúc đầu cô không tin đâu, một người hiền lành, ít nói, sống trầm lặng, làm sao có thể gọi là điêu được, nhưng hôm nay quả thật chẳng những không điêu mà lại còn quá điêu.
- Sao cô lại nỡ dùng từ đó với em cà? Em thấy mình thật thà như cục đất vậy chứ có điêu ngoa gì đâu?
- Ờ, lù khù chứ vác lu chạy lúc nào không hay đấy!
- À, em quên hỏi tối hôm qua cô ngủ ngon không? - Tôi lái sang chuyện khác.
- Thôi đi ông tướng, đừng đánh trống lảng.
- Em hỏi thật tình đấy!
- Cảm ơn em cô ngủ ngon, còn em?
- Em ngủ chả được tí nào cả.
- Vì sao?
- Vì từ đêm đến sáng mấy con mắt cá cứ mở trao tráo à.
- Đồ đáng ghét, em có nghe chuyện người ngồi sau đánh người ngồi trước rớt xe chưa?
- Dạ em có nghe rồi!
- Lúc nào?
- Không phải cô vừa mới nói đó sao?
- Cũng may em học văn dở đấy, nếu em học khá thiên hạ chịu sao nổi cái miệng của em.
- Cô đã quá khen, nhưng cô lại chạm đến nỗi đau muôn thuở của em rồi.
- Cho đáng đời.
- Dạ thưa cô! Tới trường rồi ạ!
- Mau thế, vậy mà thường ngày cô chạy thấy lâu ơi là lâu.
- Dạ em chào cô ạ!
- Thôi cô lên văn phòng trước nha!
- Dạ cô đi từ từ kẻo bị trợt ốc mít té.
- Cô hết chịu em nổi rồi. - Cô mỉm cười và bước đi.
- Cảm ơn cô.
Sau khi gửi xe xong, tôi liền chạy qua nhà chú lấy chiếc xe của cô, chú thật cừ, chẳng những vá mà lại còn rửa xe bóng loáng. Tôi vừa mới chạy xe của cô băng qua đường, nhỏ Ngà cận cũng vừa đến:
- Ôi! Hôm nay Vũ đi xe xịn kìa, rửa đi không thì trưa dắt bộ về đấy!
- Miệng bà ăn mắm ăn muối nói tùm bậy tùm bạ, rủi trưa nay dắt bộ thật, tui sẽ kéo bà dắt bộ chung với tui đó.
- Sẵn sàng thôi.
- Nói chơi vậy, chứ xe này của cô.
- Cô nào?
- Bà dở hơi, lớp mình có mấy cô, ngoài cô dạy văn còn cô nào nữa?
- Vậy xe này của cô Xuân Mai à?
- Bà nghĩ sao cha mẹ cho tôi đi Dram, nhờ cớ thi học sinh giỏi mới được đi Chaly đó, còn bằng không thì “sáng đạp xe 20 cây số… tối về một gói mì tôm”.
- Tội nghiệp Vũ ghê, con một, nhà giàu mà không biết hưởng thụ.
- Có giàu cũng là mồ hôi, nước mắt của cha mẹ tui làm ra, chứ tui làm được đồng nào đâu mà giàu? Thôi không cãi với bà nữa, tôi vào gửi xe cho cô cái đã.
- Tại sao ông ghét môn văn như vậy, mà lại dắt xe cho cô giáo?
- Ghét môn văn chứ đâu ghét cô giáo, bà này công tư không phân minh chút nào?
- Vậy ai thường lén lén bắn cô hè?
- Bà nhỏ cái mồm cho tôi nhờ, đồ con gái gì đâu nhớ dai như đỉa vậy.
- Tui xin hai ông bà để cho những cái cây quanh nhà xe nó nghỉ ngơi, làm gì mà bữa nào hai ông bà cũng ở đây tâm sự vzậy. - Lan sôcôla nói.
- Bộ không tâm sự với bà bà ganh à? - Tôi hỏi.
- Xí, ông nên coi lại mình đi, học văn dở như vzậy thì làm sao đủ khả năng tâm sự với tui.
- Bà hơi bị tự tin rồi đấy, bà học không bằng một nửa nhỏ Ngà của tui mà bầy đặt.
- Kệ không bằng ai cũng được, nhưng hơn ông là được rồi.
- Hãy đợi đấy!
- Tui đang đợi đây, bye bye.
- Tại sao Ngà không nói lời nào đỡ cho tui mà chỉ mỉm cười không vậy?
- Thì mình thấy cái Lan sôcôla nói cũng đúng đấy chứ?
- Cả bà mà cũng nói như vậy à, được các người chống mắt chờ xem.
Lòng tự ái đã thúc đẩy tôi đi một hơi, bỏ lại tiếng gọi xin lỗi của nhỏ Ngà. Suốt buổi học hôm đó tôi ngồi im như tượng, chẳng nói chẳng rằng với ai cả. Vừa tan học, tôi xuống bãi xe đợi cô. Sau khi dắt xe ra và đưa chìa khóa cho cô xong, tôi chào cô về, bỗng cô gọi lại:
- Em có chuyện gì à?
- Dạ không có gì ạ!
- Em không giấu được cô đâu. Có chuyện gì nói cô nghe thử.
- Dạ… mấy đứa bạn nó khinh em!
- Khinh là khinh thế nào?
- Tụi nó khinh em học dở.
- Trường này ai học toán lí hóa qua em.
- Không phải tụi nó khinh mấy môn đó, mà khinh môn văn kìa.
- Tưởng chuyện gì, chuyện này dễ như ăn cháo lỏng, cô sẽ giúp em, cô bảo đảm chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng em sẽ khá, nhưng em phải chịu học mới được.
- Thưa cô, em quyết tâm rồi, dù thế nào em cũng học giỏi môn văn.
- Được, à mà tập bài của cô em đọc đến đâu rồi?
- Dạ hết rồi ạ! - Vừa nói tôi vừa móc tập
bài ra trả lại cho cô.
- Chiều nay em đến nhà cô học phải không?
- Dạ phải!
- Chiều nay cô có tiết, nhưng không sao, cô về soạn một số sách căn bản nhờ cha cô đưa cho em.
- Dạ em cảm ơn cô.
- Thôi cô về, à cô gửi tiền vá và rửa xe.
- Dạ không tốn tiền đâu ạ!
- Sao không tốn?
- Tại vì chú của em làm nghề sửa xe mà, nếu có hư gì cô cứ nói em, bảo đảm ngon lành 100%.
- Thế cho cô cảm ơn chú của em, và đặc biệt cảm ơn em nha!
- Cô làm em ngại quá.
- Thôi cô về.
- Dạ cô về.
Chiều hôm đó.
Tôi đến nhà cô học, phải công nhận cha cô
có cách giải toán hết sức tuyệt vời, vừa ngắn gọn vừa nhanh chóng, cũng phải thôi bởi ông đang là trưởng bộ môn toán của một trường cao đẳng nổi tiếng ở thành phố. Trước khi ra về, ông đưa cho tôi một số sách cả toán lẫn văn, ông nói sách toán là của ông cho mượn tham khảo, còn sách văn của cô nhờ đưa. Tối đó, tôi lại chia thời gian học tập của mình thêm một lần nữa, mỗi ngày tôi dành ra 4 giờ để học văn và đọc thêm sách báo thay vì 1 giờ như mới đây. Quả thật tôi không ngờ chỉ trong thời gian ngắn mà kết quả lại bất ngờ như vậy. Trước khi khăn gói theo đoàn đi dự thi học sinh giỏi thành phố, sáng buổi học cuối cô lại bắt lớp tôi kiểm tra văn một tiết, khi nghe cô thông báo như vậy, tôi thầm trách “cô đang cố tình chơi khâm mình đây, cô thừa biết sáng mai mình đi rồi, thế mà bây giờ cô bắt làm văn, thật bất công.” Nghĩ thì nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng lấy giấy ra làm, “ôi, hôm nay sao mình lạ vậy”, vừa hạ bút xuống dòng, tôi bắt đầu cắm cúi viết, viết như một con rôbot, cũng không hiểu tại sao hôm nay ý tưởng của tôi lại nhiều như vậy, viết hoài cũng không hết, nhưng may thay dấu chấm kết bài cũng đã xuất hiện, tôi chưa nộp liền mà đọc lại một lượt, “thôi chết rồi! Bài văn của mình là tổng hợp ý trong các bài làm văn của cô, tại sao mình lại có thể ăn cắp ý tưởng của cô? Không biết cô sẽ nghĩ gì khi ý tưởng của cô bị mình mượn dùng?” Đúng lúc đó tiếng trống đã báo hiệu hết giờ, cô đi xuống thu bài, khi thu đến bài của tôi, cô hỏi:
- Làm được không em?
- Dạ thưa cô! Em cũng không biết nữa ạ!
- Cô thấy em làm đầy cả hai đôi mà sao không biết?
- Cô về đọc rồi biết!
- Được, để cô về xem lại.
Thu bài xong cô bỏ vào cặp, thay vì giải lao 5 phút như mọi hôm, nhưng hôm nay cô lại dạy tiếp, cô nói:
- Hôm nay cô tranh thủ một chút, vì lát nữa xin lớp cho cô 10 phút.
- Thưa cô! Cho luôn một tiết cũng không sao! - Cả lớp nói lớn.
Cô chỉ mỉm cười và tiếp tục dạy. Tôi cảm nhận đây là buổi học hay nhất từ trước đến giờ, từng lời từng lời của cô khắc sâu vào tâm khảm của tôi, khiến cho nhãn quan của tôi chuyển hướng, nhìn môn văn một cách tích cực hơn, cũng chính hôm đó tôi đã mạnh dạn trả lời và đặt vài câu hỏi liên quan đến bài văn và nhân vật đã được cô phân tích. Sau những lần phát biểu và đặt câu hỏi, cô đều khích lệ một câu:
- Rất hay, rất có ý nghĩa.
Đối với sự tiến bộ của tôi, cô chẳng ngạc nhiên gì mấy, nhưng ngạc nhiên nhất vẫn là tất cả lớp tôi, chúng bàn tán, dòm ngó, chúng càng bàn tán, tôi càng muốn khẳng định mình. Chưa để chúng hết bàng hoàng, tôi đã thay cô nói nội dung của tác phẩm dạy hôm đó, đương nhiên những gì tôi nói thì một nửa là của cô, còn 25% lấy từ những tư liệu khác, chỉ có 25% mới thật sự là của mình.
Quả đúng như cô đã hứa, khi cây kim đồng hồ trên tường báo hiệu còn 10 phút nữa hết giờ, cô gấp giáo án lại bỏ vào cặp, và móc ra một bịch gì đen đen:
- Các em ạ! Lúc nãy cô đã xin các em cho cô 10 phút cuối, bây giờ cô sẽ dùng nó làm một việc, các em biết là việc gì không?  
- Thưa cô việc gì ạ? - Cả lớp ngơ ngác.
- Việc đó nằm trong túi đen này, nhưng trước hết cô mời bạn Vũ lên đây.
Tôi đứng dậy đi lên mà trong lòng không khỏi thắc mắc, lo lắng, còn cả lớp thì xì xào bàn tán:
- Em đứng đó và trả lời cho cô.
- Dạ! - Tôi cúi đầu một cách lễ phép.
- Ông xem ổng điêu chưa kìa! - Nhỏ lớp trưởng nói với Tiến đại gia.
- Hôm nay bà mới biết à, quá muộn rồi! - Tiến đại gia trả lời với giọng nghe phát ghét.
Cô từ từ móc túi đen đen ra một túi chè nho nhỏ:
- Em biết đây là thứ gì không?
- Dạ thưa cô! Chè đậu ván ạ!
- Còn cái này?
- Dạ thưa cô! Bánh đậu xanh ạ!
- Cái này?
- Dạ thưa cô! Kẹo đậu phụng ạ!
- Còn thứ này?
- Dạ thưa cô! Đậu nành rang ạ!
… cô móc ra đúng 10 thứ đậu, xong cô nói:
- Những thứ này cô đặc biệt dành cho em, em hãy đem về.
- Dạ thưa cô! Em vẫn chưa hiểu ý của cô!
- Vậy trong lớp có em nào hiểu không?
Nhìn bộ dạng ngơ ngác của lớp, cô biết chắc chẳng ai hiểu gì cả.
- Sở dĩ có chuyện kì lạ này, là do sáng mai bạn Vũ đi thi học sinh giỏi rồi, cô muốn tặng cho bạn ấy 10 thứ đậu, hi vọng bạn ấy sẽ đạt được điểm cao nhất. Cô chúc em thành công mĩ mãn, không phụ lòng mong đợi của nhà trường, thầy cô và bạn bè.
Cô nói xong, cả lớp đồng vỗ tay, còn tôi chỉ biết cúi đầu cảm ơn, chứ chẳng nói được lời nào.
Quả thật kì thi toán lần ấy tôi đã thành công ngoài dự tính, tôi ngỡ rằng giỏi lắm bài của mình khoảng 18 điểm là cùng, nhưng khi chào cờ thầy hiệu trưởng thông báo trước trường tôi đã đậu thủ khoa với số điểm 19,5 điểm, niềm vui được nhân đôi khi nghe thầy nói tôi sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Sau đó, thầy gọi tôi lên để tặng hoa, chân bước lên mà trái tim cứ đập “thình thịch, thình thịch”, tôi cúi gằm đầu xuống, cảm giác như đi trong chân không, tôi sung sướng và hạnh phúc quá, trong niềm sung sướng và hạnh phúc ấy, tôi thầm cảm ơn cô. Vừa mới bước lên khỏi hàng, tôi ngước nhìn thì bắt gặp ánh mắt của cô đang nhìn tôi, trong ánh mắt ấy biểu lộ sự sung sướng, hạnh phúc (không phải lúc ấy các thầy cô khác không nhìn, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao chỉ thấy một mình ánh mắt của cô, có lẽ tôi chỉ nhìn mình cô), sau khi thầy hiệu trưởng tặng hoa và quà chúc mừng xong, thầy bảo tôi có vài lời với các thầy cô và toàn thể học sinh. Tôi lại liếc nhìn qua cô, và bắt gặp ánh mắt của cô cũng đang nhìn tôi, tôi đọc được trong ánh mắt ấy hai chữ “cố lên”. Tôi cầm micro nói: “Kính thưa thầy hiệu thưởng, kính thưa thầy giáo chủ nhiệm 12A1, kính thưa thầy dạy toán Nguyễn Văn Toàn, kính thưa cô giáo dạy văn Trần Thị Xuân Mai, kính thưa các thầy cô và toàn thể các bạn! Hôm nay em rất hạnh phúc và hãnh diện khi được góp tiếng nói của trường vào ngành giáo dục, nhưng tiếng nói này không phải của em, mà là của tất cả các thầy cô, các bạn đã dạy và học chung với em từ mẫu giáo đến hôm nay, sự thành công này, tiếng nói này, hạnh phúc này, sự hãnh diện này là của chung, em cảm ơn tất cả. Dẫu biết đó là của chung, nhưng em đặc biệt cảm ơn cô Trần Thị Xuân Mai và cha của cô, nếu như không có khoảng thời gian ôn tập thêm của cha cô và 10 thứ đậu của cô, chắc chắn kết quả sẽ không khả quan như vậy. Cuối cùng em xin chúc các thầy các cô sức khỏe dồi dào để dẫn dắt chúng em, mình xin chúc các bạn học tốt, để đạt kết quả cao nhất. Cảm ơn tất cả!”
Tôi định đi xuống, thầy hiệu trưởng đứng dậy cầm micro hỏi:
- Lúc nãy em nhắc đến 10 thứ đậu của cô Xuân Mai là thế nào?
- Dạ thưa thầy! Trước ngày đi thi cô có tặng cho em 10 thứ đậu, cô nói hi vọng em sẽ luôn đậu với kết quả cao nhất.
- Em có thể kể lại cho cả trường nghe được không?
- Dạ kính thưa các thầy cô và toàn thể các
bạn! Lúc nãy em có nhắc đến 10 thứ đậu của cô Trần Thị Xuân Mai, chuyện là như thế này. Trước khi em đi thi một ngày, cô gọi em lên bảng trả lời những vật cô đưa ra, đầu tiên là chè đậu ván, bánh đậu xanh, kẹo đậu phụng, đậu nành rang… tất cả là 10 thứ, cô nói cô hi vọng với 10 thứ đậu này, em sẽ luôn đậu với kết quả cao nhất. Và cũng nói riêng với cô, nhờ 10 thứ đậu của cô mà em lên gần nửa kí, em hi vọng sẽ thường xuyên nhận được đậu của cô. Dạ em xin hết.
Nghe tôi nói, không ai không ôm bụng phì cười, còn thầy hiệu trưởng không hết lời khen ngợi cô.
Sau giờ chào cờ, lớp tôi có hai tiết văn đầu tiên, khi cô mới vừa bước tới cửa, cả lớp đã đứng dậy vỗ tay chào mừng, cô chỉ mỉm cười và đi thẳng vào bài:
- Hôm nay là giờ trả và sửa bài, nên cô không kiểm tra bài cũ. Lời đầu tiên cô muốn nói là chúc mừng người hùng của lớp mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lời thứ hai là chúc mừng lớp mình làm bài kiểm tra vừa rồi điểm rất khá, nhưng bên cạnh đó có một bài vẫn chưa làm cô hài lòng.
- Thưa cô! Là bạn nào ạ! - Lớp trưởng bé hạt tiêu hỏi.
- Thôi, cô không muốn nêu tên, sau khi trả bài bạn ấy khắc tự biết.
- Sao bà ngu thế, bà coi lớp mình ai học văn dở nhất? - Tiến đại gia nói.
- Đúng rồi, cô không nêu tên cũng phải, vì mới làm người hùng đó, mà bây giờ bị nêu tên trước lớp, thì ê mặt biết chừng nào, cô mình thật tâm lí! Nhỏ Mi nói vọng lên.
- Tui đồng ý với mấy người! - Nhỏ Ngà cận cũng xen vào.
Nghe nhỏ Ngà nói thế, tôi liếc sang nhìn nhỏ, nhỏ liền nhìn đi chỗ khác.
- Các em đừng nói chuyện riêng nữa, theo chỗ cô nghe, hình như hầu hết các em đều cho rằng bạn Vũ là người làm cô không hài lòng phải không?
- Chúng em nghĩ là như vậy, nhưng mới nổi đó mà bây giờ bị chết đuối thì chúng em chịu sao nổi! - Nhỏ Hoa dâm bụt đía vào.
- Vậy trong lớp mình bạn nào cho bạn Vũ
là người cô không vừa lòng với bài văn vừa rồi.
Cô vừa dứt lời, tất cả bốn mươi mấy cánh tay đồng dơ lên.
- Thế là các em đều cho rằng bạn Vũ là người có số điểm thấp nhất trong bài kiểm tra vừa rồi. Ờ… có lẽ các em đã đúng.
Lúc này tất cả các ánh mắt đều hướng về tôi, tôi cảm giác hai lỗ tai mình đang nóng dần nóng dần, như sắp cháy.
- Sau đây cô sẽ đọc một bài văn với số điểm cao nhất, cô hi vọng các em sẽ học được một vài nghệ thuật trong cách hành văn này. Có một điểm đặc biệt của bài văn này, đó là cô không trực tiếp chấm, mà cô nhờ các thầy cô trong bộ môn văn chấm, cho nên điểm trong bài này hết sức công bằng, không có tình cảm riêng tư trong này. Bài văn đã được các thầy cô trong bộ môn chấm 9,5, nhưng cô đề nghị cho 9 điểm thôi.
Cô cầm bài văn đầu tiên trong xấp bài lên đọc, đọc hết mở bài, cô dừng lại phân tích chỗ hay, khéo của chủ nhân bài làm, đến thân bài kết bài cũng y như vậy. Khi nghe cô đọc và phân tích xong, trong lớp không ai không trầm trồ khen ngợi bài làm quá hay, cách làm và dùng từ quá mới.
- Theo các em bài văn này là của ai?
Tất cả các ánh mắt đều nhìn về phía cây văn của lớp, đó là nhỏ Ngà cận. - Thấy ai cũng nhìn mình, nhỏ lắc đầu nói:
- Không phải của tui.
- Không của bà còn của ai nữa, trong lớp này có ai học văn giỏi hơn bà, thôi nhận đi, hung lắm là mất chầu kem chứ gì! - Nhỏ lớp trưởng nói.
- Thôi nhận đi cho chúng tôi mừng! - Hùng đà điểu ngồi cuối lớp nói lên.
- Tui đã nói rồi không phải của tui.
- Vậy của ai, chẳng lẽ của ông Vũ mắt kiếng. - Nhỏ Mi vừa nói vừa mỉa mai.
Nghe nhỏ Mi nói thế, cả lớp cùng cười khúc khích, lúc này chỉ có nhỏ Ngà là không cười thôi, vì nhỏ biết bài văn không phải của mình, hình như nhỏ có linh cảm… nhỏ hất cái kính cận lên nhìn qua tôi, tôi liền nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Đúng, các em nói đúng, bài văn này là của bạn Vũ.  
Tiếng khẳng định của cô làm cho lớp tôi im lặng phăng phắc, chúng ngồi ngớ người ra như đang bị thôi miên, như còn đang mơ ngủ.
- Các em không ngờ chứ gì, chính cô cũng không ngờ bạn Vũ lại tiến bộ nhanh như vậy, nếu như thời gian có thể quay lại, cô sẽ cử bạn Vũ đi thi học sinh giỏi văn.
Lúc này, tất cả ánh mắt lại nhìn qua tôi, nhưng cái nhìn lần này khác xa với cái nhìn lần trước, đặc biệt nhỏ Ngà cận, nhỏ nhìn qua tôi mỉm cười, còn tôi vẫn lơ lơ như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng xét kĩ ra tôi phải mang ơn các nhỏ, nếu không có các nhỏ làm sao tôi có đủ sức mạnh đánh đuổi con ma ghét môn văn của mình đi được, và làm sao có thể làm sống lại năng khiếu môn văn của mình, người xưa nói quả thật không sai “ơn kẻ dữ, không ai ơn người hiền.”
Sau buổi học hôm đó, tôi liền thu dọn sách vở định tranh thủ chạy về báo tin cho cha mẹ mừng, nhưng nhớ lại sáng nay cha mẹ đã đi Vũng Tàu khai trương chi nhánh của công ty rồi, thôi lát về mình phone báo tin cũng được. Vừa mới dắt xe ra, đã thấy nhỏ Ngà cận đi lững thững từ xa xa, tôi nghĩ trong bụng “nhỏ này sao hôm nay đi lững thững giống như người mất hồn vậy, thôi nhân đây mình chủ động tạo cho nhỏ cơ hội xin lỗi.” Tôi đứng lại đợi, khi nhỏ gần tới tôi gọi:
- Ngà! Sao hôm nay thấy bà kì vậy, bị bệnh à?      
- Vũ hả! Mình có bệnh gì đâu? Tuy miệng thì nói nhưng nhỏ không dám nhìn thẳng mặt tôi.
- Không bệnh tại sao bà đi lửng thửng vậy?
- Do mình…
Nói tới đây nhỏ không nói được nữa, đôi mắt đã ngấn lệ từ lúc nào.
- Thôi, có chuyện gì có thể cho Vũ chia sẻ được không?
- Chuyện này… thôi Vũ không cần thương hại mình đâu, chỉ cần Vũ biết mình lúc nào cũng thật lòng với Vũ là được!
- Chứ Vũ nói Ngà giả dối với Vũ lúc nào đâu? Có chuyện gì nói đi!
- Thì… tất cả cũng không ngoài chuyện mình làm tổn thương Vũ.
- Làm lúc nào vậy, mà tổn thương cái gì vậy? - Tôi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra.
- Thôi, Vũ đừng có như vậy, Vũ càng như vậy mình càng thấy hối hận.
- Tui không hiểu con gái các bà nữa, có chuyện gì cứ nói đại đi, cứ ấp a ấp úng chẳng biết đường mô mà mần. Thôi, hôm nay có rảnh không?
- Làm gì?
- Vũ định mời Ngà ăn cơm, gọi là chiêu đãi, nhưng phải tự nấu mới được.
- Mình rảnh, nhưng mà ăn ở đâu?
- Nhà mình.
- Thôi đi không được đâu?
- Tại sao?
- Ngại chết, ai đời con gái lại đến nhà con trai bao giờ.
- Làm gì mà Ngà quan trọng hóa vấn đề lên vậy, cứ coi đây là buổi liên hoan nhẹ.
- Nhưng mình ngại cha mẹ Vũ lắm!
- Yên tâm, cha mẹ mình đi Vũng Tàu mai mới về.
- Thế thì được, nhưng Vũ cho Ngà đi ké xe về được không?
- Tại sao lại không được? Mời công chúa!
Trưa hôm đó, Ngà chiêu đãi tôi mấy món ăn, mà nhỏ cho là tuyệt chiêu của chị em phụ nữ:
- Vũ ăn thử món này đi ngon lắm! - Nhỏ vừa nói vừa gắp bỏ vào chén tôi.
- Nhìn cũng đẹp mắt đấy chứ, nhưng học của ai vậy?
- Ngà mới học trên tivi đó!
- Ờ, để ăn thử coi.
- Sao ngon không?
- Ờ… phải nói sao hè. - Sự ấp úng của tôi càng làm cho nhỏ căng thẳng.
- Có gì Vũ cứ nói thẳng đi đừng ngại, mình đã chuẩn bị tâm lí rồi mà.
- Ờ… trên cả tuyệt vời!
- Đồ đáng ghét, vậy mà cũng làm người ta
giật cả mình.
Tôi và nhỏ vừa ăn vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã khai thông được sợi dây truyền thông bị nghẽn mạch bấy lâu nay.
Vừa ăn cơm xong, tôi liền gọi điện báo tin mừng cho cha mẹ, khi nhận được tin của tôi, ông bà rất mừng, và hứa đủ điều khi trở về, bất ngờ cha hỏi:
- Con đã báo tin cho thầy chưa?
- Dạ chưa?
- Đầu giờ chiều con phải đi đến nhà thầy để cảm ơn, và cho cha mẹ gửi lời thăm, thưa với thầy mai mốt cha mẹ sẽ đến thăm.
- Dạ!
- Nè, con mở tủ ra lấy tiền mua biếu cho thầy món quà thầy thích.
- Không được đâu mẹ, thầy la chết, mẹ nhớ hôm trước không, thầy làm con ê cả mặt.
- Thôi, con cứ đến thăm không, mai cha mẹ về sẽ tính.
- Vậy con chào cha mẹ.
- Ờ mà nè, con ăn cơm chưa vậy?
- Dạ con vừa ăn xong.
- Chắc ăn mì gói chứ gì?
- Mẹ lầm rồi, hôm nay chẳng những con không ăn mì gói, mà ăn cơm có canh, đồ xào đàng hoàng đấy!
- Thôi ai tin anh nổi!
- Mẹ không tin thì thôi! À, cha mẹ ăn cơm chưa vậy?
- Vẫn chưa!
- Ôi, thương cho cha mẹ quá!
- Cha anh! Chỉ có cái khéo nịnh, thôi chào con yêu!
- Dạ, chào mẹ lúc yêu nhiều lúc yêu ít!
Đầu giờ chiều hôm ấy, tôi đến nhà thăm cha của cô. Vừa thấy tôi đến cả nhà cô vui vẻ đón tiếp, cha cô lại có nhã ý tiếp tục giúp tôi ôn tập cho kì thi quốc gia. Kể từ ngày đó, tình cảm của tôi và gia đình cô càng ngày càng sâu đậm, và không biết từ lúc nào, tôi đã trở thành thành viên chính thức trong gia đình cô, cha mẹ cô xem tôi như con ruột, còn cô khỏi phải nói, cô xem tôi như đứa em út của mình, bao nhiêu tình cảm cô dồn hết cho tôi.