Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần 3)
 
Sáng hôm sau, vừa đến cổng trường đã thấy nhỏ Ngà đứng chờ đó từ bao giờ rồi.
- Vũ ơi!
- Chuyện gì vzậy?
- Ông có phải là người không vzậy?
- Không phải người, chẳng lẽ là con vật? Đồ dở hơi.
- Mới sáng sớm đã mắng người ta rồi, ông chẳng có chút tình người nào cả.
- Tại sao không có tình người?
- Không phải sao? Tui đã thức đến 2 giờ sáng để soạn văn cho ông, thế mà khi tui gọi, ông hỏi một câu hết sức nhạt nhẽo “chuyện gì vzậy?”, chẳng biết công lao người ta gì cả.
- Xin lỗi tui nói chơi mà, do thấy sáng nay đó mặc đồ mới, mang dép mới, đội mũ mới, đi xe mới, giống y như các chị sinh viên, nên tui đùa tí xíu vậy mà, chớ sao tui không biết công sức của Ngà, đừng giận nghen, đừng giận nghen!
- Ờ, nói vzậy còn nghe được. Đây vở soạn văn của đó nè. – Nhỏ vừa nói vừa chìa cuốn vở của tôi ra, nhưng mặt ngoái sang một phía.
Tôi liền dở ra xem.
- Cảm ơn nha! Ủa sao nhiều dữ vzậy?  
- Ờ, mình thấy đó đang chuẩn bị ôn thi học sinh giỏi toán, nên mình soạn luôn ba bài, để đó khỏi bận tâm về môn văn đó mà.
- Thế thì thiệt cho Ngà quá!
- Tí xíu thôi chẳng đáng gì cả! - Nhỏ vừa nói vừa cúi đầu e thẹn.
- Vậy sau giờ học đây có thể mời đó ra căn tin uống nước được không nhỉ?
- Tại sao lại không được?
- Thôi mình vào lớp đi.
Chúng tôi cùng dắt xe vào cổng.
- Vũ ơi Vũ! - Hoa dâm bụt gọi. 
- Ô kìa Hoa dâm bụt! Mới buổi sáng đã nở rồi à?
- Mình xin Vũ làm ơn làm phước bỏ giùm hai chữ dâm bụt được không? Người ta dễ thương thế này mà bảo người ta là hoa dâm bụt.
- Bà tưởng ở thành phố này dễ tìm ra hoa dâm bụt lắm à?
- Đành rằng là vậy, nhưng tui không thích ông gọi tui là hoa dâm bụt.
- Nhưng cả lớp gọi bà có sao đâu?
- Cả lớp khác còn ông khác.
- Khác là khác thế nào? Chúng nó cũng người, tui cũng người, chúng nó có hai chân, hai tay, tui cũng vậy, chớ có khác gì đâu?
- Tui định hỏi ông một chuyện, nhưng ông làm mất hứng, tui không thèm nói chuyện với ông nữa.
- Thế thì cảm ơn nhá!
- Cận! - Nhỏ Hoa dâm bụt gọi Ngà cận.
- Cái gì? - Ngà giật mình trả lời.
- Bà nghe ổng nói chuyện với tui như vzậy có được không? Đàn ông con trai gì đâu thô lỗ, cộc cằn, chẳng lãng mạn chút nào cả.
- Chuyện của các người xin đừng lôi kéo tui vào. - Ngà cận xua tay, rút người lại từ chối.
- Tui biết mà, các người luôn binh nhau. Được, hãy đợi đấy!
- Bộ hai bà tính dắt xe vô lớp hay sao mà không chịu gửi?
- Kệ tui. – Hoa dâm bụt giận dỗi.
Ba chúng tôi cùng dắt xe vào nhà xe. Vừa mới đạp chân chống xuống đã nghe tiếng gọi ri rí của nhỏ Hoa.
- Ê, Vũ!
- Không phải Bà đã nói không thèm nói chuyện với tui nữa mà?
- Nói đùa vậy thôi, chứ không nói chuyện với ông thì tui biết nói chuyện với ai? Tôi sẽ
chết vì buồn mất.
- Thế thì chuyện gì?
- Bộ hai người không lên lớp à? - Nhỏ Ngà hối.
- Ngà lên trước đi, mình có tí chuyện muốn hỏi Vũ.
- Ờ, thế thì tui lên trước, đây lên trước đó nha!
- Phật ơi! Bà coi tay chân tui nổi da gà hết rồi nè! - Tôi nói.
Đúng lúc đó cô dạy văn của tôi cũng vừa đến.
- Dạ em chào cô ạ!
Vừa nói tôi vừa cúi sát người xuống, trông thật lễ phép. Thấy thế nhỏ Hoa cũng làm y theo.
- Cô chào hai em.
- Sao cô đến sớm vậy? - Tôi hỏi.
- Cô sợ đoạn đường trước câu lạc bộ Lan Anh kẹt xe. Thôi cô lên trước nha!
- Dạ cô đi từ từ ạ!
- Ông điêu quá đi. - Nhỏ Hoa vừa nói vừa đánh vào vai tôi.
- Sao bà nói tui điêu, chẳng lẽ lễ phép với cô là điêu à?
- Tui không nói lễ phép với thầy cô là điêu, nhưng tui thấy đối với mấy thầy cô khác ông đâu có lễ phép dữ vzậy?
- Mấy thầy cô kia khác, còn cô mình khác.
- Ông đừng nói cô trẻ, đẹp chứ?
- Chứ bà không thấy vậy à?
- Thôi đừng nói chuyện khác nữa, bây giời tui hỏi ông phải trả lời thật lòng đấy nha!
- Cứ tự nhiên.
- Vzậy… vzậy…
- Vzậy gì?
- Ờ… khó nói quá!
- Khó nói thì thôi đừng nói! - Tôi vừa nói vừa định bước đi.
- Chờ chút, vì không nói không được.
Nhỏ đứng thẳng lên, lấy giọng, đằng hắng vài cái:
- Theo đó, đó nhận xét thấy đây như thế nào?
- Tự động nhỏ đổi cách xương hô đột ngột. Nói xong, nhỏ kéo mấy sợi tóc phía sau ra vuốt vuốt.    
- Nhận xét của mình hả? Ừm… mình thấy…
- Thấy làm sao?
- Cũng khó nói quá!
- Có gì đâu mà khó nói, cứ nói tự nhiên, mình đã chuẩn bị những tình huống xấu nhất rồi.
- Thế thì đây nói, à nhưng bà không được nói cho ai nghe nghen chưa? - Tôi làm ra vẻ thần bí.
- Được, tui xin hứa.
- Mình thấy cô rất đẹp, hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, tiếng hay hơn tiếng chim vàng oanh hót trên cành liễu, đặc biệt là đôi mắt, mình cảm nhận trong đôi mắt ấy thoang thoảng một chút u buồn, nhưng có lẽ nhờ đó mà khiến cho đôi mắt càng thêm đẹp, còn hai tròng đen như hai giọt nước long lanh dưới giếng sâu…
- Ôi hạnh phúc làm sao! Nhỏ vừa nói vừa chắp hai tay để nằm dưới má.
- Mình cảm nhận ngoài cái đẹp bề ngoài ra,
cô còn có một nội tâm phong phú, ít nói, giàu tình cảm, thương người… khiến cho người đối diện thấy mình bé nhỏ giữa biển tâm rộng rãi, bao la của cô.
- Vũ nói thật đấy chứ? - Nhỏ thì thào.
- Những lời Vũ vừa rồi được phát xuất từ tấm lòng chân thật, mới gặp cô lần đầu Vũ đã có cảm nhận đó rồi.
- Vũ đừng gọi là cô, ngại lắm. - Nhỏ vừa nói, vừa cúi nhìn xuống e thẹn, trong cái e thẹn đó mang một chút tự hào, hạnh phúc.
- Không gọi là cô biết gọi là gì?
- Thì gọi tên, cậu, đại loại là thế.
Nghe nói thế, tôi bật ngửa ra:
- Chắc bà không tưởng tui đang nói bà đấy chứ?
- Chứ từ nãy giờ Vũ đang nói ai? - Nhỏ trố mắt nhìn tôi.
- Tui đang nói cô giáo dạy văn của mình.
- Cha ơi! Ông xấu lắm, tui ghét ông, tui căm thù ông.
- Tại sao lại như vậy? Bà bảo tui nhận xét như thế nào về cô, thì tui nhận xét y như những gì tui nghĩ, sao bà lại thù ghét tui, thật chẳng hiểu con gái các bà nữa.
- Tui đâu bảo ông nhận xét cô giáo.
- Chứ nhận xét ai?
- Nhận xét tui.
- Phật ạ! Nhận xét bà?
- Ừa!
- Vậy thì càng dễ, nếu tui là đạo diễn nhất định tui sẽ mời bà đóng nữ vai chính. 
- Thật à?
- Tại vì nhan sắc của bà đủ tiêu chuẩn rồi, khỏi tốn tiền hóa trang.
- Hạnh phúc vzậy sao? Thế đó định mời đây đóng vai gì vzậy?
- Đóng vai… vai…
- Vai gì nói mau đi, mình sắp ngất vì hạnh phúc đây nè!
- Vai Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đó.
- Cha ơi! Con không thể nhịn được nữa rồi.
Nhỏ chưa kịp ra tay, thì tôi đã chuồn lên lớp mất.
- Ông Vũ, đứng lại, đứng lại.
Trưa hôm đó, vừa đi học về, chưa kịp ăn cơm, tôi liền giở vở soạn văn ra xem lại coi thử cách nhỏ soạn như thế nào. Quả thật, nhỏ soạn rất kĩ lưỡng, chữ viết đẹp hết chỗ chê, tôi thầm nghĩ “thế là thoát nạn rồi, ngày mai rủi cô gọi lên kiểm tra vở soạn văn thì mình cũng an tâm.” Vừa thầm nói vừa vuốt ve quyển vở, mà lòng hết sức cảm ơn nhỏ cận. Bất chợt một tờ giấy rơi ra khỏi vở, “ủa đây là giấy gì vậy cà?”, tôi từ từ mở ra xem, giật bắn mình khi nhìn thấy hàng chữ trên cùng “Anh Vũ!…”. Phật ơi! Sao hôm nay nhỏ này gọi mình là anh cà? Tôi mới liếc xuống đọc tiếp, càng đọc tôi càng rụng rời tay chân, “thì ra đây là thư tỏ tình của nhỏ, lời lẽ gì đâu như tiểu thuyết vậy, đời thuở nào cột lại tìm trâu, thật đáng ghét. Nhưng dù sao đây cũng là tấm lòng của nhỏ, mình nên trân trọng. Vả lại đây cũng là lá bùa hộ mệnh cho môn văn của mình ” - Tôi thầm nói.
Sáng hôm sau, tôi vừa mới đến cổng
trường, không biết nhỏ ở đâu chạy ra hỏi một cách e thẹn:
- Hồi tối Vũ có lật vở soạn văn ra xem không?
- Có. Mà chuyện gì vậy? - Tôi giả bộ như không biết chuyện gì.
- À… tui hỏi để coi thử Vũ có chịu xem bài trước không đấy mà!
- Cảm ơn lòng đại bác của đó nha! Vừa nói tôi vừa dắt xe đi vào cổng.
- Ê ê Vũ Vũ! - Nhỏ vội gọi lại.
- Chuyện gì nữa đây?
- Tui nói chưa xong mà sao Vũ bỏ đi vội vzậy?
- Bà biết hôm nay là thứ mấy không?
- Thứ 7.
- Thứ 7 có tiết gì đầu tiên bà biết không?
- Hai tiết văn.
- Nguy là chỗ đó. Tui chưa thuộc bài thơ “Enxa Ngồi Trước Gương” của Lui Aragông, rủi lát nữa cô gọi lên biết làm thế nào?
- Tưởng thứ gì, chứ đó là chuyện nhỏ.
- Ừa, nhỏ với bà chứ có nhỏ với tui đâu.
- Thôi bye bye nhá!
- Chưa được.
- Tui lạy bà làm ơn làm phước có chuyện gì nói mau đi!
- Bộ giở vở ra xem Vũ không thấy gì hết sao?
- Thấy gì cà?
- Thì đại loại như thấy có giấy viết chữ chẳng hạn.
- À, cái đó thì thấy.
- Vũ thấy rồi hả? - Nói xong, nhỏ lấy tay che miệng cười mỉm chi.
- Ừm, tui thấy rồi và còn đọc rất kĩ nữa.
- Thế, đọc xong Vũ có cảm giác và nhận xét gì?
- Tui thấy mình rất hạnh phúc khi có người bạn biết giúp đỡ bạn bè như Ngà. Chữ viết của Ngà rất đẹp, từng con chữ từng con chữ như rồng bay phượng múa, vả lại mình còn cảm nhận được tấm lòng chân thật của Ngà trong những con chữ đó, thú thật mình rất cảm động. Nhưng đây chỉ mới là hình thức trình bày, còn nội dung mới càng khiến mình cảm động hơn.
- Vậy Vũ nhận xét gì về nội dung?
- Phật ơi! Nội dung hay chi lạ, thế mà từ trước đến giờ tại sao mình không cảm nhận được kìa, nói Ngà đừng cười, chứ mình đọc gần đến ba giờ đồng hồ mới xong.
- Sao đọc lâu dữ vzậy? - Nhỏ ngạc nhiên trố mắt hỏi.
- Mình đang đọc mà nước mắt cứ tuôn ra như mưa, nhiều chỗ nước mắt nhỏ xuống làm nhòa cả chữ, càng đọc mình càng thấy thương, càng thấy kính trọng.
- Cha ơi! Con đang tỉnh hay mơ. Những gì Vũ nói là thật đấy chứ?
- Mình xin thề hoàn toàn là sự thật.
- Vũ ơi! Vũ có biết Vũ đáng yêu lắm không, Vũ ăn nói có duyên lắm không? - Vừa nói nhỏ vừa nghiêng qua ngả lại.
- Bà làm gì mà như không có xương sống vậy?
- Vũ cứ mắng đi, mình rất thích nghe tiếng nói của Vũ.
- Ối giời ơi! Hôm nay bà bị làm sao vậy, có bị ấm đầu không? - Vừa nói tôi vừa đưa tay lên sờ vào trán nhỏ.
- Không, đây không phải ấm đầu, mà đây gọi là hạnh phúc mối tình đầu.
- Bà có bị bệnh không vậy? Hạnh phúc mối tình đầu là hạnh phúc thế nào? Tui thấy bà bị nhiễm nặng phim Hàn Quốc rồi đó.
- Thôi mà đã chấp nhận tình cảm của người ta thì cứ nói đại đi, ở đây đâu có ai mà ngại?
- Chấp nhận tình cảm là chấp nhận thế nào?
- Thì tình cảm ấy ấy đó!
- Dở hơi à! Tình cảm ấy ấy là tình cảm thế nào?
- Thì là tình cảm giữa chúng mình đó. - Nói xong, nhỏ chạy đi.
- Ê cận, đứng lại. Bà vừa nói gì?
- Thì nói Vũ đã chấp nhận tình cảm mình rồi.
- Ai nói?
- Không phải Vũ vừa mới nói sao?
- Nói thế nào?
- Vũ nói càng đọc Vũ càng thấy thương.
- Đúng rồi.
- Thế là Vũ đã chấp nhận tình cảm của mình rồi đó.
- Mà đọc là đọc cái gì?
- Chẳng lẽ Vũ chưa đọc tờ giấy kẹp trong vở sao?
- Tờ giấy nào hè?
- Vậy chứ vừa rồi Vũ nói thương là thương ai?
- Tui nói tui thương là thương nhân vật Hạ Du trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn mà bà đã soạn giúp tui đó.
- Chứ không phải……??? Ông chết đi, tui căm thù ông.
Nói xong, nhỏ chạy một hơi lên lớp. Tôi cũng đi lên lớp, vừa đi tôi vừa rờ vào túi áo nơi có bức tình thư của nhỏ và cười thầm. Tôi chưa kịp bước vào chỗ ngồi thì đã nghe tiếng trống báo hiệu vào lớp. Phật ơi! Tôi chưa học bài, rủi lát nữa cô gọi có mà độn thổ cũng không kịp, thôi lấy bài ra tranh thủ 15 phút đầu giờ. Chết rồi, bài thơ dài như thế này làm sao thuộc cho nổi, kệ được câu nào hay câu nấy. Thế là tôi gằm đầu vào trang sách, học lấy học để. “May quá mình đã thuộc ba khổ, còn hai khổ nữa thôi”, cuối cùng tôi cũng đạt chỉ tiêu trước khi cô vào lớp. Bất chợt nhỏ lớp trưởng nói lớn:
- Các cậu xem kìa, hôm nay cô mặc áo dài trắng trông dễ thương làm sao, nhìn cô chẳng khác học sinh tụi mình.
- Không sai.
Cả bọn con gái và con trai đều nháo nháo đứng dậy nhìn cô từ ngoài sân đang đi vào. Chỉ có riêng tôi vẫn ngồi im như tượng, chẳng nói chẳng rằng gì cả, vì trong đầu tôi đang tính kế chơi cô.
- Chúng em chào cô ạ!
- Mời các em ngồi xuống.
Cô đi từ từ lại bàn giáo viên và nhẹ nhàng bỏ cái cặp da màu đen xuống.
- Các em đã thuộc bài chưa?
- Dạ thưa cô! Chúng em thuộc rồi ạ!
- Bây giờ chúng ta sẽ kiểm tra bài cũ.
Cô nhẹ nhàng lấy sổ điểm ra, nhìn xuống lớp một lượt, rồi lại nhìn vào sổ.
- Võ Thị Trà Mi.
- May quá mình thoát nạn rồi. Thằng Lợi (biệt danh là Úc Đại Lợi) reo mừng.
- Em đọc cho cô từ hàng thứ 3 khổ 2.
- Thưa cô! Cô có thể giúp em chữ đầu tiên được không ạ!
- Đương nhiên không được.
- Chết rồi, cô kiểm tra kiểu này không phải là làm khó chúng ta sao? - Cả lớp xì xầm, lo sợ.
- Em không học bài à?
- Dạ thưa cô! Em có học, nhưng học không kĩ.
- Học không kĩ cũng không sao, lần này cô cho 1, còn lần sau cô cho 0. Thôi về chỗ đi.
Nhỏ Mi cầm vở đi về chỗ ngồi trông rất thảm não. Kì lạ, hôm nay sao lớp tôi ngoan hẳn đi, chẳng có đứa nào xì xầm bàn tán trong giờ học cả. Cô ngước lên nhìn xuống lớp một lần nữa, rồi lại nhìn vào sổ điểm.
- Trần Văn Ca.
- Chết rồi, cô gọi ngược lên. - Cả lớp lại nhao nháo.
Thấy chúng nhao nháo, lo sợ, tôi mỉm cười.
- Ông thuộc rồi hay sao mà thấy thoải mái vậy? - Nhỏ Ngà cận quay xuống hỏi. 
- Đương nhiên là thuộc rồi.
Nói thật, khi nghe nhỏ hỏi tôi cũng hơi lo, thôi mình nhẫm lại cho chắc ăn. “Một ngày dài ngồi bên tấm gương soi, nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ, như lơ đãng dạo khúc đàn êm ả, ngay giữa hồi bi kịch của ta đây, suốt ngày dài… suốt ngày dài… suốt ngày dài… gì hè? Phật ơi! Tại sao mình không nhớ gì hết kìa, mới lúc nãy còn thuộc làu làu kia mà, kiểu này chết chắc rồi, lạy Phật cho cô đừng gọi con.” Nỗi lo lắng bắt đầu ập đến, tôi cúi mặt xuống bàn không dám nhìn cô.
- Ca, sao em không học bài?
- Thưa cô! Không phải em không học,
nhưng tại vì cô bảo đọc đoạn giữa, cho nên nhất thời em không nhớ ra.
- Học vẹt như em vậy thật nguy hiểm. Thôi không thuộc cũng không sao, cô cho em bằng điểm với bạn Trà Mi, em về chỗ đi.
Ca xe lu bước xuống lớp như kẻ mất hồn, về tới chỗ, ngồi xuống cái bịch, làm cho cái Bích cờ bạc hét:
- Ông coi lại thân hình của mình đi, được 80kg chưa, với thân hình lợn ỉ Nam Định như thế, nghĩ sao mà ngồi mạnh dữ vzậy?
Dù cái Bích cờ bạc nhăn nhó thế nào Ca xe lu vẫn ngồi lặng im như tượng. Cô lại ngước lên nhìn xuống lớp, rồi lại nhìn vào sổ điểm, có lẽ lúc này người sợ nhất trong lớp là tôi, tôi lẩm bẩm “cầu Phật trời cho cô đừng gọi con, cầu Phật trời cho cô đừng gọi con.”
- Phạm Thị Thanh Ngà.
- “May quá, không phải mình.” - Tôi thầm mừng.
- Em đọc cho cô từ hàng thứ ba khổ tư.
Nhỏ Ngà cận đọc vanh vách không thiếu
một chữ.
- Tốt, thuộc bài, soạn bài đầy đủ, sạch đẹp, cô khuyến khích 9 điểm. Mời em về chỗ.
Thấy nhỏ Ngà ôm vở về với bộ mặt vênh vênh nhìn tôi trông phát ghét. “Hãy đợi đấy” tôi thì thầm.
- Lẽ ra cô chỉ kiểm tra ba bạn thôi, nhưng hôm nay cô thấy vui, cho nên cô sẽ kiểm tra thêm một bạn nữa. Để coi bạn nào may mắn nhận được sự vinh dự này.
Lúc này, sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của những ai chưa bị gọi, trong đó có tôi, “lạy Phật trời cho cô đừng gọi trúng tên con, lạy Phật trời cho cô đừng gọi trúng tên con.”
- Mời em Vũ nào!
- Ui, may quá. - Mấy đứa còn lại thở phào nhẹ nhõm.
- “May mắn với các bà các ông chứ đâu may mắn với tui.” Tôi nói trong bụng.
- Vở soạn văn của em đâu?
- Dạ thưa cô! Ở trong cặp ạ!
- Em lấy đem lên cho cô kiểm tra.
- Thưa vâng ạ!
Tôi lấy vở soạn văn đem lên, cô xem qua xem lại một lúc:
- Bạn Thanh Ngà cho cô mượn vở nào!
Cả lớp ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, chỉ có tôi và Ngà là người hiểu rõ nhất. Nhìn bộ dạng lo sợ của nhỏ thấy tội nghiệp làm sao.
- Cô hỏi em phải trả lời thật, có phải em soạn văn hộ Vũ không?
- Dạ thưa cô! Không ạ!
- Thế thì tại sao chữ viết trong vở soạn văn của bạn Vũ y hệt chữ em?
- Thưa cô! Cái đó làm sao em biết được ạ!
- Đây em xem, chẳng những chữ viết, mà cả dấu chấm, dấu phẩy cũng giống nhau y đúc. Vậy em còn gì để nói nữa không?
- Dạ thưa cô! Hiện nay trên thế giới vấn đề nhân bản vô tính người ta còn làm được, thế thì hai ý tưởng, cách thể hiện trong bài văn cũng có lúc trùng nhau chứ ạ!
- Em đã nói như vậy, cô cũng xin chịu thua, nhưng em cho cô mượn vở này để lát nữa ra chơi cô lên văn phòng hỏi cha em thử như thế nào?
Thật vỏ quít dày có móng tay nhọn, nghe cô nói vậy, nhỏ sợ tái mặt, bởi cha của nhỏ làm hiệu phó trường này, ông luôn nhắc nhở, khuyên răn học sinh phải biết trung thực trong tất cả mọi việc, đặc biệt trong việc học tập và thi cử, chắc chắn ông sẽ không bỏ qua chuyện này.
- Dạ thưa cô! Em xin lỗi cô, quả thật em đã soạn bài cho bạn Vũ.
- Dạ thưa cô! Oan cho bạn ấy lắm, bởi vì chính em bắt buộc bạn ấy phải soạn đấy ạ!
- Bắt buộc là sao?
- Dạ thưa cô! Do nắm được khuyết điểm của bạn ấy, nên tận dụng khai thác tối đa, em bảo nếu không soạn em sẽ nói khuyết điểm này ra cho mọi người biết.
- Thật có chuyện đó sao?
- Thưa cô! Không phải đâu ạ! Đó là do em tự nguyện, em thấy bạn Vũ đang ôn thi giỏi toán cấp thành phố, nên em giúp bạn ấy đấy.
- Dạ thưa cô! Bạn ấy không có lỗi, lỗi ở em, chính do em ép buộc, nếu có trách phạt, xin cô hãy trách phạt em, đừng trách oan người tốt.
- Bị phạt mà cũng giành, ông đừng lo cho tui, dù sao cha tui cũng là hiệu phó, chắc chắn cô sẽ xử nhẹ hơn ông. - Nhỏ thì thầm vào tai tôi.
- Không lo cho bà thì lo cho ai?
- Ông mà cũng biết quan tâm đến người khác à?
- Sao lại không? Vì tôi đã sớm hiểu được tấm chân tình của bà rồi.
- Ôi Vũ! Vì Vũ mình có thể nhảy vào dầu sôi lửa bỏng.
- Không được, rủi bà nhảy vào, còn một mình tui biết sống thế nào, chắc có lẽ tui sẽ chết vì buồn mất.
- Hai em nói chuyện xong chưa?
- Dạ thưa cô! Lỗi này không phải tại Ngà, mà cũng không phải tại em.
- Vậy tại ai, chẳng lẽ tại cô?
- Chỉ đúng một phần thôi ạ, cái chính là tại
trời xui khiến cho nên mới như vậy.
- Dạ bạn Vũ nói không sai ạ! Chúng em quyết định chuyến này có phước cùng hưởng, có họa cùng chia.
Cô che miệng cười, cả lớp cũng cười ầm lên.
- Tốt, cô hết sức khâm phục sự đoàn kết của các em. Nhưng tội chết có thể miễn, còn tội sống không thể tha.
- Dạ, cô anh minh ạ!
- Cô sẽ trừ của bạn Ngà 3 điểm vì tội nói dối và cố ý làm trễ nãi thời giờ của người thi hành công vụ, còn em Vũ, em tạm lãnh con 0, vì tội lười học của mình.
- Dạ chúng em cảm ơn cô ạ!
Hai chúng tôi đi xuống chỗ ngồi trước những ánh mắt và nụ cười thầm bí, man rợ của cả lớp. Từ đó cho đến ngày ra trường, mỗi khi có tiết văn tôi đều được vinh dự bất đắc dĩ đó.