Đời sống
Trong vòng tay Mẹ
Tác giả: Thích Đạo Quang
30/03/2553 11:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GẶP CÔ GIỮA CHỐN VÔ THƯỜNG (Phần cuối)

Một ngày
Hai ngày
Ba ngày
Đến sáng ngày thứ tư, đã 6h30 vẫn chưa thấy cô thức, tôi nhẹ nhàng vào phòng xếp mền mùng, tôi làm việc gì cô vẫn nằm yên, linh tính báo cho tôi biết chuyện không lành sắp xảy ra. Tôi gọi: “Cô ơi! Cô ơi!” cô vẫn nằm yên không trả lời, tôi liền vén mùng lên, và hoảng hốt thấy trên trán cô đầy mồ hôi, mặt tái, người uể oải, đầu nóng như lửa.
- Cô ơi! Cô có sao không?
- Cô không sao, sáng nay cô thấy mệt không thể đi dạy, em chế mì ăn rồi đi học đi. - Cô trả lời một cách khó khăn.
- Không được, em đưa cô vào bệnh viện.
- Cô không sao, đưa vào bệnh viện làm chi!
- Người cô như vậy mà nói không sao?
Không đợi cô trả lời, tôi liền đỡ cô ngồi dậy, lấy nước cho cô súc miệng và gọi taxi.
- Cô không sao cả, em đi học đi kẻo trễ.
- Dạ sáng nay em nghỉ học.
- Không được.
Ngay lúc ấy taxi vừa đến, tôi dìu cô xuống lầu, nói dìu vậy, chứ hầu như tôi cõng cô. Sau khi lên taxi tôi mượn điện thoại của bác tài xế gọi cho cậu đang làm trong bệnh viện Hùng Vương, vì thế cô được khám ngay, không phải qua nhiều giai đoạn “dao kéo”, vừa rườm rà phức tạp vừa tốn kém. Cậu cho biết cô không bị sao cả, chỉ bị sốt, nằm khoảng vài ngày là khỏi. Sau khi cảm ơn cậu, tôi liền chạy vào phòng thăm cô. Có thể nói khi đặt chân vào bệnh viện có hai hạng người được đặc biệt ưu tiên nhất, thứ nhất là người có nhiều tiền, thứ hai là quen biết. Cậu bố trí cho cô ở một mình một phòng, mà lại là phòng vip, trong phòng không thiếu gì cả, chẳng khác nào ở khách sạn.
- Cô thấy khỏe tí nào chưa ạ?
- Cảm ơn em, cô thấy đỡ nhiều rồi. - Cô mỉm cười trả lời.
- Thế là tốt rồi, thôi cô nằm nghỉ em đi mua cháo cho cô ăn.
- Em cũng coi ăn sáng đi, chứ sáng nay em chưa ăn gì hết.
- Vậy em mua lên, em và cô cùng ăn nha!
- Ý kiến hay đấy!
Tôi định đi thì đã có tiếng gõ cửa.
- Xin lỗi chị lộn phòng rồi!
- Không lộn đâu cậu bé, đây là thức ăn ông
phó giám đốc bảo tôi mang lên, và buổi trưa, chiều cũng đều như vậy. - Cô y tá trả lời.
- Cảm ơn chị, và cho em cảm ơn ông phó giám đốc.
- Cậu bé cảm ơn ông phó giám đốc thì tôi sẽ nhắn lại, còn của tôi thì tôi không dám nhận, đây là bổn phận mà!
- Chị bán chữ “cậu bé” bao nhiêu em mua cho, người ta thế này mà gọi là cậu bé.
- Em thông cảm, chị không bán đâu. - Nói xong cô ta quay đi, trong bước chân toát lên một chút gì đó kiêu kiêu.
- May quá, em khỏi phải đi mua.
- Ông phó giám đốc là ai mà tốt quá vậy?
- Dạ cậu em ạ!
- Cậu em tốt quá ha!
- Cái đó em không dám chắc, hôm nào cô đi một mình rồi biết. - Thôi mời cô ăn chứ nguội.
- Ờ, em cũng ăn đi.
- Phật ơi! Thức ăn gì mà dở kinh khủng, chẳng bằng một góc của cô. – Tôi ngồi chống
cằm nhìn vào tô cháo.
- Có ăn là tốt lắm rồi, đừng khó tính quá ông tướng.
- Nói thật với cô, thà em ăn ít nhưng phải ngon mới được. Trên đời này chỉ có hai người nấu ăn em thấy thích nhất.
- Ai vậy?
- Một là mẹ em, còn một là cô.
- Em cũng biết nịnh đấy chứ! Vậy sau này ngày nào cô cũng nấu cho em ăn được không?
- Sợ lúc đó vừa thấy em cô đã chạy mất dép.
- Không đâu, cô hứa!
- Cô vẫn còn thời gian rút lại lời hứa đấy!
- Tại sao?
- Em nhớ có một lần đi nghe giảng, vị pháp sư nói một câu rất hay “quí vị nên nhớ khi vui chớ hứa, khi buồn chớ nói.”
- Thời gian sẽ chứng minh những gì cô nói.
- Thôi, em lấy nước cho cô uống thuốc, rồi em về nhà tí xíu lại đến ngay.
- Đã 9h rồi à, vì cô mà em phải bỏ buổi học,
thật ngại quá đi.
- Cô đừng bận tâm, đầu Lê Quí Đôn của em mà cô lo.
- Em đừng tự mãn, dẫu đầu như Lê Quí Đôn cũng phải tích cóp từng ngày từng giờ mới được, em phải nhớ điều này.
- Dạ, em biết sai rồi, thôi em về cô ạ!
- Em gọi taxi đi cho khỏe.
- Dạ để em xuống mượn xe của cậu được rồi!
- Cậu em đi xe hơi chứ có đi xe máy đâu mà mượn, nếu cậu đi xe máy, chắc chắn đi xe phân khối lớn, mà em chưa đến tuổi trưởng thành, làm sao có thể chạy.
- Cô yên tâm em biết rồi.
- Vũ nè, tí xíu nữa cô quên, em kéo học bàn của cô ra, lấy chìa khóa tròn màu đen mở tủ, và đem tất cả tiền trong đó đến cho cô.
- Dạ!
Thế là suốt hai ngày ở bệnh viện, tôi vừa là học trò vừa là bạn và cũng vừa là người thân của cô. 
Chiều ngày thứ hai.
Cô không chịu nằm viện nữa, bất cứ giá nào cũng bắt tôi phải kí giấy xuất viện cho bằng được, thấy cô kiên quyết, tôi chỉ còn cách nghe theo. Cô và tôi cùng đi xuống phòng thu viện phí tính tiền, xuống tới nơi mới biết đã có mạnh thường quân nào đó phát tâm trước một bước rồi, cô nhìn tôi, tôi vội co rút người lại lẩm bẩm nói “em không dính líu đến chuyện này à!” Tôi nghĩ chắc do cậu làm, may quá đúng lúc ấy cậu đi ngang, tôi hỏi:
- Thưa cậu! Không biết ai đã trả viện phí cho cô rồi ạ?   
- Cháu hỏi cậu, cậu hỏi ai?
- Cháu cứ ngỡ là cậu chứ?
- Cháu biết cậu của cháu mà, 500 đồng của cậu bỏ còn không lọt giếng nữa là, nói cho vui vậy thôi, viện phí là do cha mẹ cháu trả đó.
- Vậy là tốt rồi. Thôi, cháu về cậu ạ!
- Rất cảm ơn bác sĩ đã lo lắng chữa trị cho cháu trong mấy ngày qua, cháu không biết phải cảm ơn như thế nào nữa.
- Xin cô giáo đừng quá khách sáo, so với chuyện cô làm cho cháu tôi, thật chẳng thấm vào đâu. Cô về nhớ uống thuốc theo đơn đã cho, bảo đảm hai ngày sau có thể đi dạy lại được. À Vũ, cậu đã bảo tài xế rồi, xuống anh ấy chở về, đừng gọi taxi.
- Cảm ơn cậu, cháu xin phép.
Cứ thế, ngày tháng dần trôi, bỗng chốc những cây phượng trên sân trường đã bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên, những chú ve cũng đã thức dậy, lên dây, chỉnh sửa cây dương cầm của mình, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi sắp phải xa mái trường thân yêu, xa thầy cô, bạn bè, xa chỗ ngồi thân quen, xa nơi đã lưu lại biết bao kỉ niệm. Nhưng, thử hỏi trong những ngày này, có đứa nào còn thời gian suy nghĩ những chuyện vớ vẩn như vậy, chúng vùi đầu lo ôn thi tốt nghiệp, có đứa còn chuẩn bị bài vở để thi đại học.
Đầu giờ sinh hoạt lớp.
Thầy chủ nhiệm hỏi lớp tôi:
- Hôm trước thầy đã nói với các em về việc đăng kí thi đại học rồi, không biết các em đã chọn được trường mình thích chưa? Các em cần phải suy nghĩ kĩ, bởi đây là tương lai, sự nghiệp của mình. Nhân đây thầy cũng báo tin mừng cho bạn Vũ, bạn được tuyển thẳng vào đại học Bách Khoa, đây cũng là điều rất hãnh diện cho trường, lớp và cho thầy. Thôi, các em lên lấy hồ sơ, rồi thầy sẽ hướng dẫn cách làm cho.
Tất cả lớp tôi, lần lượt từng người một lên lấy hồ sơ, đương nhiên trong đó có tôi. Thấy tôi lên nhận hồ sơ, bọn lớp tôi trố mắt lên nhìn, chúng xì xầm bàn tán không biết tôi lấy hồ sơ làm gì.
Chiều hôm ấy.
Tôi cầm bộ hồ sơ tuyển sinh đại học đến nhà gặp cô. Cô cũng hết sức ngạc nhiên, khi thấy tôi làm hồ sơ thi, bởi cô biết tôi được tuyển thẳng, cô tò mò hỏi:
- Hôm nay em hẹn cô có việc gì không?
- Dạ thưa cô! Em xin ý kiến của cô về việc làm hồ sơ ạ!
- Cô nhớ lúc sáng thầy chủ nhiệm đã hướng dẫn cặn kẽ rồi mà. Nhưng em được tuyển thẳng lo gì!
- Thưa cô! Không phải thủ tục. Vấn đề em
muốn hỏi, theo cô em có thể thi thêm khối C được không?
- Khối C? - Cô trố mắt ngạc nhiên hỏi.
- Dạ sao ạ!
- Không sao, bởi cô quá ngạc nhiên đấy thôi! Nhưng em tính thi trường nào?
- Dạ em tính thi sư phạm Văn.
- Quá tốt đi chứ. Nhưng không biết động cơ nào khiến cho chàng trai giỏi toán lại muốn thi sư phạm Văn? - Cô vừa nói vừa mỉm cười.
- Không giấu gì cô, sở dĩ em có quyết định này, đều nhờ cô cả. Nhưng, em sợ mình thất bại, phụ tấm lòng của cô.
- Đừng sợ, muốn thành công, tuyệt đối không được sợ thất bại, nếu sợ thất bại, vĩnh viễn sẽ không thành công. Được, bắt đầu ngày mai cô sẽ giúp em ôn tập.
Tôi không ngờ quyết định thi sư phạm Văn của mình lại làm nhiều người ngạc nhiên đến vậy, đầu tiên là cô, đến cha mẹ tôi, cha mẹ cô, sau đó đến thầy giáo chủ nhiệm, nhỏ Ngà cận, cả lớp, đến cả trường. Từ khi biết tôi quyết định vào sư phạm Văn, mọi người đều nhìn tôi như người ngoài hành tinh mới đến, chỉ có cô là không như vậy, cô luôn khuyên nhủ, sách tấn tôi cố gắng lên.
Thế là ngày hạnh phúc nhất trong đời của tôi cũng đã đến, ngày cầm giấy trúng tuyển của trường đại học sư phạm, tôi không còn tin vào mắt mình nữa, chẳng lẽ đây là sự thật, tôi đã đậu vào sư phạm Văn rồi sao? Tôi liền cầm giấy trúng tuyển chạy đến nhà khoe với cô, nhìn giấy trúng tuyển của tôi cô mừng đến phát khóc, mừng còn hơn cô được trúng tuyển, cô lầm thầm:
- Không ngờ chưa đầy nửa năm mình đã thành công!
Mùa hè năm ấy, tôi và cô cùng đi Đà Lạt du lịch. Không ngờ chuyến đi ấy là một trong những chuyến đi chơi xa đầu tiên và cũng là cuối cùng của cô.
Hơn một tháng sau, tôi lại vùi đầu vào chuyện học. Lâu lâu cũng gọi điện và ghé thăm cô, nhưng không thường xuyên như năm học lớp 12, và sự không thường xuyên ấy lên đến đỉnh điểm khi quen Thảo Hiền, có chút thời gian nào, tôi đều chắt chiu, vun đắp và dành hết cho Hiền. Đây là định luật hết sức tự nhiên, nếu bạn chú ý, quan tâm, đặt nặng một chuyện gì đó, chắc chắn bạn sẽ ít chú ý, ít quan tâm và xem nhẹ chuyện khác. Tôi cũng không thể thoát ra khỏi định luật đó. Đang mải mê hồi tưởng về quá khứ, bỗng tôi giật mình khi nghe:
- Xin các vị hoan hỷ đứng qua một bên nhường đường cho xe đi.   
Tôi ngước lên, thấy các thầy đang vận chuyển mấy chậu hoa mai, nhìn những cành mai bắt đầu nhú nụ, một vài cái đã đơm hoa, thiên nhiên như nhà tạo hình tài ba nào đó đã chấm vội nét vàng trên cành xuân. Tôi đứng dậy ngắm những hoa mai vàng đang điểm xuyến trên cành, mà nghĩ ngợi đến ngày xuân, đến cô. Chim én đã lũ lượt bay về báo tin xuân, mai xuân đã nở, nhưng cô Xuân Mai (hoa mai mùa xuân) của tôi giờ ở phương trời nào???
Không, không, cô không đi đâu cả, mà cô đang hiện diện trong tôi, trong từng lời nói, việc làm, ý nghĩ, cho đến những vật vô tri như trang vở, con chữ, cái cổng, mái nhà, bảng đen, viên phấn, chậu kiểng, viên sỏi, đóa hoa, ngọn gió, ánh trăng… đâu đâu cũng có mặt của cô, cô là tất cả. Tôi không thấy mất cô bao giờ, trong bản thể thường trụ y nhiên.

 
Hết