CHƯƠNG II: SỐNG ĐẸP VỚI CHÍNH MÌNH
Thế nào là sống đẹp với chính mình
Thường thì người ta hay nói đến việc phải sống như thế nào với những
người chung quanh ta, chẳng hạn như cung cách ứng xử trong gia đình,
ngoài xã hội, ở nơi làm việc, nơi công cộng... Nhưng ít có ai lưu ý đến
việc phải sống như thế nào với chính mình. Nhưng thực ra, đây mới chính
là nền tảng để bắt đầu một cách sống đẹp.
Ý tưởng này thật ra chẳng có gì mới mẻ, mà đã có từ xa xưa. Sự quên
lãng của chúng ta cũng không có nghĩa là nó không còn đúng đắn, mà chỉ
mang lại sự thiệt thòi cho chính chúng ta vì không thể nhìn nhận vấn đề
một cách thấu đáo như bản chất thực sự của nó. Nhà Nho xưa vẫn thường
nhắc câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thiên hạ ngày nay
hẳn không mấy ai nghĩ đến chuyện “bình”, nhưng “tề gia, trị quốc” thì
vẫn còn là những vấn đề luôn mang tính thời sự. Riêng về khoản “tu
thân”, có vẻ như ngày nay người ta không còn quan tâm đến nhiều như
trước kia. Ngày nay, chúng ta “học” rất nhiều nhưng “tu” rất ít. Bởi
vậy, bằng cấp, tri thức thì rất nhiều, đếm không hết, nhưng tìm được
một người có phong cách đáng để ngưỡng mộ và học hỏi thì thật khó!
Việc trang bị kiến thức cho bản thân là điều cần thiết. Thậm chí là cực
kỳ cần thiết trong thời đại ngày nay, khi mà tri thức trở thành một
trong các yếu tố nhất thiết phải có để kiếm sống. Tuy nhiên, có một
kiến thức rộng không có nghĩa là đã thật sự “nên người”. Người xưa
thường phân biệt hai yếu tố “tài” và “đức” để làm nên một con người
hoàn thiện. Tài thì một phần nào đó có thể học để có được, nhưng đức
thì chỉ có thể có được bằng cách biết “tu thân” mà thôi. Dù có đọc sách
vở trăm ngàn quyển mà không biết hoặc không quan tâm đến việc tu thân
thì vẫn không thể do đâu mà trở thành người “tài đức vẹn toàn” được.
Chữ tu (修) nguyên là một từ gốc Hán, có nghĩa là sửa. Sửa ở đây là sửa
những điều sai trái. Con người sinh ra không biết có thể học cho biết,
nhưng nếu muốn hoàn thiện chỉ có thể bằng một phương cách duy nhất là
tự rèn luyện ý thức nhận lãnh trách nhiệm và sửa sai chính mình. Bởi vì
hầu hết chúng ta sinh ra vốn là không hoàn thiện, là thường xuyên mắc
phải sai lầm. Nhưng đồng thời, chúng ta ai ai cũng sẵn có năng lực phục
thiện, sửa chữa sai lầm để ngày càng tốt đẹp hơn. Việc tu thân có ý
nghĩa quan trọng là như thế.
Nhưng “tu thân” thì lại có liên hệ gì đến việc sống đẹp với chính mình?
Bởi vì, tu thân cũng chính là một cách để sống đẹp với chính mình. Khi
chúng ta cư xử tốt đẹp với người khác, chúng ta làm cho người ấy hài
lòng, vui vẻ. Đổi lại, chúng ta cũng sẽ nhận được tình cảm hoặc sự kính
trọng. Hoàn thiện bản thân để ngày càng tốt đẹp hơn là cách hiệu quả
nhất để mang lại niềm vui cho chính mình, loại bỏ những mặc cảm thua
kém hoặc tội lỗi... Đồng thời, nếu việc hoàn thiện bản thân của chúng
ta được thực hiện có hiệu quả, chúng ta cũng nảy sinh một niềm tự hào
chính đáng về bản thân. Hiểu theo cách này, hoàn thiện bản thân rõ ràng
là một trong những cách để sống đẹp với chính mình.
Nói cách khác, sống đẹp với chính mình có nghĩa là sống như thế nào để
bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, mang lại niềm vui sống và một tâm
hồn hướng thượng.
Chỉ khi nào tự thân chúng ta có một nếp sống hướng thượng, có một tâm
hồn vui tươi, lành mạnh, chúng ta mới có thể thật sự trở thành một
người sống đẹp giữa đời.
Sống đẹp với chính mình
Từ nhận thức về tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân và tự hình
thành niềm vui sống nội tại, chúng ta có thể nhận ra được nhiều phương
thức để đạt đến điều đó. Mỗi người có thể có những môi trường, hoàn
cảnh khác nhau, vì thế cũng sẽ có những cách vận dụng khác nhau. Tuy
nhiên, trên nguyên tắc chung chúng ta vẫn có thể đồng ý với nhau một số
nét cơ bản về những phương thức này.
1. Giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ
Không có quyển sách nào nói về một nếp sống hạnh phúc mà lại không đề
cập đến việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ. Nói cách khác, đây là một
nguyên tắc đã xưa cũ lắm rồi. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có
nghĩa là nó không còn đúng đắn. Hơn thế nữa, khi đề cập đến nguyên tắc
xưa cũ này, chúng ta hãy thử nhìn nhận nó bằng một nhận thức khác hơn
đôi chút.
Trước đây, chúng ta vẫn thường cho rằng việc giữ gìn và rèn luyện sức
khoẻ là vì lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta luôn dễ
dàng thấy được những lợi ích này mà không cần thiết phải có ai chỉ ra
cặn kẽ, bởi vì những điều đó bao giờ cũng thể hiện rõ ràng trong cuộc
sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ít khi nghĩ rằng
phải giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ như một trách nhiệm, một nghĩa vụ
đối với chính bản thân mình. Nhận thức theo cách này, chúng ta sẽ thấy
vấn đề thay đổi đi trong một số tình huống.
Vì sao nói rằng việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là một trách nhiệm
đối với chính bản thân mình? Bởi vì quả thật chúng ta không thể nào vui
sống được nếu bản thân chúng ta không được khoẻ khoắn, lành mạnh và ở
trong những điều kiện sức khoẻ tốt. Và nếu điều đó rõ ràng là nền tảng
cơ bản để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho ta, tại sao chúng ta lại
không có trách nhiệm phải giữ gìn, bảo vệ nó?
Khi chúng ta cần một người giúp việc, chúng ta luôn quan tâm đến các
điều kiện làm việc của người ấy. Công ty chăm lo sức khoẻ cho công
nhân, các ông chủ chia một phần lợi nhuận để bồi dưỡng thêm cho những
người có đóng góp tích cực vào công việc... những điều đó đều là dấu
hiệu của một nhận thức đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm. Thậm chí
luật lao động hiện nay đã đưa ra những điều kiện nhất định bắt buộc các
chủ thuê phải thực hiện về việc chăm sóc sức khoẻ và đời sống cho công
nhân. Hơn thế nữa, hiệu quả của nhận thức này trong việc nâng cao thêm
năng suất làm việc có lẽ chúng ta cũng dễ dàng đồng ý.
Thế nhưng với chính bản thân mình thì chúng ta lại rất thường không xem
đó là một vấn đề trách nhiệm. Vì không là trách nhiệm, nên nhiều người
chỉ xem việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là việc nên làm, thay vì là
bắt buộc phải làm. Giữa hai cách nhận thức này rõ ràng là có sự khác
biệt.
Thử liên tưởng đến việc giáo dục nâng cao dân trí hay xoá nạn mù chữ.
Nếu chúng ta chỉ mãi mãi hô hào, vận động đó là việc “nên làm”, liệu
chúng ta có được một nước Việt như ngày hôm nay chăng? Bằng mọi biện
pháp, chúng ta đã hướng nhận thức vấn đề đến chỗ “bắt buộc phải làm”,
và nhờ đó mà có được sự chuyển mình kỳ diệu nhanh chóng của toàn xã
hội. Không chỉ riêng ở nước ta, chính sách cưỡng bức giáo dục được áp
dụng ở nhiều nơi trên thế giới cũng đều mang lại những kết quả tốt đẹp
mà không mấy ai phải phàn nàn.
Đôi khi tôi tự nghĩ, tại sao chúng ta không thể có những chính sách
tương tự cho việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ? Xét cho cùng thì sức
khoẻ của mỗi cá nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần
làm nên một đất nước hùng cường. Chẳng hạn, chúng ta hô hào, vận động
tập thể dục, nhưng không bắt buộc. Chúng ta tuyên truyền bỏ thuốc lá,
nhưng không cấm thuốc lá... Rõ ràng là về mặt nhận thức, chúng ta mới
chỉ xem đó là những điều “nên làm” chứ chưa là điều “bắt buộc phải
làm”.
Tuy nhiên, đó là chuyện chung của toàn xã hội, không phải phạm vi bàn
luận trong tập sách này. Vấn đề là ở chỗ, nếu chúng ta thực sự muốn trở
thành người sống đẹp, đồng thời cũng có nghĩa là muốn có một cuộc sống
hạnh phúc, thì tự thân chúng ta phải thay đổi nhận thức này trước đã.
Hãy xem việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là một trách nhiệm phải làm,
thay vì chỉ là một việc nên làm.
Là một “động vật bậc cao” có ý chí, con người có khả năng nhận thức đầy
đủ và điều chỉnh được mọi hành vi của bản thân mình. Điều này là một
lợi thế, nhưng nếu chúng ta không có một nhận thức đúng đắn, cũng rất
dễ sa vào chỗ đi ngược lại các bản năng tự nhiên. Chúng ta thường dễ
nhìn thấy những lợi ích trước mắt của sự làm việc quá độ, mà không nhìn
xa hơn đến sự bất lợi của một sức khoẻ bị hao mòn.
Khi chúng ta buộc những người khác làm việc quá sức vì mình, chúng ta
sẽ bị chỉ trích, phê phán hoặc thậm chí phản đối. Nhưng khi chúng ta tự
vắt kiệt sức lực của bản thân, chúng ta không chịu lắng nghe sự phản
đối của chính mình. Chúng ta đối xử đẹp với mọi người, nhưng lại không
sống đẹp với chính mình.
Nếu bạn là người không mắc phải những sai lầm loại này, tôi thành thật
chúc mừng bạn. Nhưng rất nhiều, rất nhiều người mà tôi quen biết đều
thường xuyên hoặc thỉnh thoảng có sai lầm như thế.
Ngay trong ngày hôm nay, hãy nghĩ lại xem bạn đã sống đẹp với chính
mình về khía cạnh này hay chưa? Và nếu như cần phải thay đổi, tôi tin
là bạn thừa biết sẽ phải làm gì.
2. Đừng khắt khe với bản thân
Khi có ai đó quanh ta phạm phải một sai lầm, ta thường cân nhắc rất
lâu, rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra một lời góp ý, chỉ trích hay phê
phán. Ta làm như vậy vì ta có sự tôn trọng người ấy, ta cần suy nghĩ
thật chín chắn xem đó có thực sự là một sai lầm hay chăng, và nếu quả
đó là một sai lầm, thì có đến mức độ cần phải chỉ trích, phê phán hay
chưa, hoặc sẽ phê phán đến mức độ nào... Sau đó, khi đã quyết định đưa
ra lời chỉ trích hoặc phê phán ở mức độ thích hợp, nếu người đó chịu
thừa nhận lỗi lầm và hứa cố gắng sửa đổi, chúng ta sẽ sẵn sàng vui vẻ
bỏ qua mọi việc.
Điều kỳ lạ là chúng ta thường không làm như thế với chính bản thân
mình. Mỗi khi phạm phải một sai lầm, chúng ta thường suy nghĩ về sai
lầm đó, và nếu có dẫn đến những thiệt hại nhất định cho bản thân hoặc
người chung quanh, chúng ta càng ray rức nhiều hơn nữa.
Biết tự trách mình là yếu tố cần thiết đầu tiên để tự hoàn thiện. Vấn
đề là chúng ta thường hay đi đến chỗ quá khắt khe với bản thân mình.
Nếu tự xét lại, đôi khi chúng ta sẽ nhận ra có rất nhiều trường hợp mà
điều ấy không thực sự có lợi.
Con người sinh ra vốn không có ai hoàn thiện. Và việc mắc phải lỗi lầm
gần như là một chuyện tất nhiên xảy đến cho bất cứ ai. Có những lỗi lầm
mang lại hậu quả có thể khắc phục được, cũng có những lỗi lầm nghiêm
trọng mà hậu quả kéo dài rất lâu hoặc mãi mãi về sau. Bản thân người
mắc lỗi cần nhận thức rõ mức độ sai lầm và nỗ lực khắc phục không để
điều ấy xảy ra thêm lần nữa. Khi đã thực sự làm được như vậy, chúng ta
cần tha thứ cho chính mình mà không cần thiết phải để cho mặc cảm tội
lỗi đè nặng lên cuộc sống.
Một nhà kinh doanh rất thành công được hỏi về bí quyết thành đạt của
mình, ông ta nói: “Tôi mắc rất nhiều sai lầm, nhưng tôi không bao giờ
mắc phải bất cứ sai lầm nào lần thứ hai.” Quả là một con người phi
thường và rất xứng đáng để thành công. Bản thân tôi không được như vậy.
Nhiều người trong chúng ta cũng không được như vậy. Chúng ta thường mắc
phải cùng một sai lầm có khi đến năm bảy lần, thậm chí đến hàng chục
lần hoặc nhiều hơn nữa trước khi có thể vĩnh viễn xoá bỏ được nó. Tuy
nhiên, vấn đề là ở chỗ chúng ta tự nhận thức được sai lầm và quyết tâm
khắc phục. Đừng đòi hỏi ở chính mình những gì mà mình không có khả năng
làm được. Bởi vì như thế chỉ làm cho tâm hồn bạn trở nên ngày càng nặng
nề hơn và đánh mất đi niềm vui sống.
Khi còn đi học, ai trong chúng ta lại không mắc lỗi trong môn chính tả?
Và những lỗi ấy có khi lập đi lập lại đến hàng trăm lần trong đời học
sinh. Nhưng tôi chưa hề gặp một thầy cô giáo nào phàn nàn về điều đó.
Điều mà quý vị đòi hỏi ở học sinh là sự tiến bộ, không phải là sự hoàn
thiện tuyệt đối, vì quý vị biết rằng có muốn điều ấy cũng không thể nào
có được. Quý vị sẵn sàng tha thứ cho tất cả những lỗi lầm đã mắc phải,
và chỉ đòi hỏi ở học sinh một sự cố gắng để vươn lên. Nhiều người trong
chúng ta cho đến nay vẫn còn mắc phải các lỗi chính tả đã từng phạm
phải ở nhà trường. Làm sao chúng ta có thể đòi hỏi bản thân mình không
bao giờ phạm sai lầm hoặc không bao giờ lập lại sai lầm?
Nói như thế, không phải là chúng ta chấp nhận sự dễ dãi để rồi buông
thả bản thân. Điều tôi muốn nói ở đây là, nếu bạn đã chân thành nhận
lỗi và nỗ lực khắc phục – cho dù chưa chắc đã có thể khắc phục ngay
trong một vài lần – hãy sẵn lòng tha thứ cho bản thân, giống như bạn đã
sẵn sàng tha thứ cho người khác. Suy cho cùng, vì sao chúng ta lại có
thể khắt khe với chính mình hơn là với người khác kia chứ?
Tôi có một người bạn khá thành đạt về vật chất. Nhưng anh ta đến nay
vẫn sống cô độc và rất ít nói, thậm chí có vẻ lầm lì, tránh tiếp xúc.
Chơi với anh ta từ lâu nên tôi hiểu được nguyên nhân. Trước đây, vào
thời thanh niên anh ta rất hoạt bát, vui tính. Lập gia đình một thời
gian, anh sa vào nghiện ngập rượu chè. Người vợ hết lời khuyên can
nhưng không kết quả. Cuối cùng, chịu hết nổi cô ta đã bỏ anh mà đi, sau
đó kết hôn với một người khác. Chỉ đến lúc đó anh mới tỉnh ra và nhận
rõ sai lầm của mình. Anh ôm ấp trong lòng sự hối tiếc không thôi và
luôn tự trách mình. Nhiều năm trôi qua, anh tuyệt đối không bao giờ còn
động đến một giọt rượu nào, dù là trong giao tế. Tuy nhiên, anh vẫn
không quên chuyện cũ và không chịu tìm hiểu kết bạn với bất cứ một ai
khác.
Sự khắt khe như thế với bản thân rõ ràng là một điều vô ích. Sai lầm
của anh quả là đã dẫn đến một hậu quả vĩnh viễn không sao thay đổi, nếu
xét theo góc độ sự tan vỡ của hôn nhân. Nhưng biết hối tiếc và cải hối
là một hành động tốt xứng đáng để được tha thứ. Người vợ cũ của anh ta,
tuy không thể nào trở lại cùng anh, nhưng tôi tin là cũng không còn oán
trách gì anh nếu thấy anh đã thật sự thay đổi khác xưa. Và nếu như
người khác có thể tha thứ cho ta, thì tại sao chúng ta lại phải khắt
khe quá đáng với chính mình? Chỉ cần anh nhận thức khác đi, tôi tin là
anh thừa sức tìm lại được một cuộc sống hạnh phúc mới, không cần thiết
phải tự đày đoạ mình trong sự hối tiếc, ân hận mãi mãi như thế. Xét cho
cùng, anh có thể đã trở nên một người thành đạt và tốt bụng với mọi
người chung quanh, nhưng ngược lại đã hoàn toàn không sống đẹp với
chính mình.
Trong việc ứng xử với người khác, chúng ta thường cố gắng để có thể tỏ
rõ ra sự khoan dung, độ lượng của mình, thậm chí là hơn cả mức thật có.
– (Bạn có bao giờ đã từng nói lời tha thứ khi trong lòng vẫn còn đôi
chút giận dỗi? Tôi thì có đấy.) Và quả thật đó là một cách ứng xử đẹp,
vì nó mang đến sự hài hoà, đoàn kết hơn trong cộng đồng. Thế nhưng khi
cần phải phán xét chính mình thì chúng ta không giữ cùng một cách nghĩ
như thế.
Nếu bạn muốn trở thành một người sống đẹp trong cuộc đời, trước hết hãy
sống đẹp với chính mình. Hãy thể hiện điều đó bằng cách khoan dung, độ
lượng với bản thân mình. Nỗ lực tối đa để khắc phục sai lầm, nhưng đừng
quá khắt khe với chính bản thân mình quá mức cần thiết.
3. Chiến thắng những ham muốn
Nếu bạn là một tu sĩ đã quên đời để bước vào cuộc sống tâm linh, bạn
không cần phải đọc phần này. Bởi vì hầu hết các tôn giáo đều dành nhiều
lời khuyên cho việc “thiểu dục tri túc” như một tiền đề để tiến đến đời
sống giải thoát tâm linh.
Tuy nhiên, nếu bạn cũng như tôi, cũng đang hụp lặn trong chốn trần gian
đầy ô trược này, có lẽ những điều sau đây sẽ có phần nào đó đáng để
chúng ta cùng trao đổi.
Tôi không phê phán lòng ham muốn. Ngược lại, tôi cho rằng đó là động
lực để thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của loài người. Thử tưởng
tượng một ngày nào đó bạn cảm thấy không có gì để ham muốn trong cuộc
sống này – không thiết ăn ngon, không cần mặc đẹp, không mong muốn có
được bất cứ điều gì... Tôi tự hỏi không biết là bạn có thể nào vui sống
trong một tâm trạng như thế hay không?
Nhưng trong cuộc sống trần tục này của chúng ta, không phải sự ham muốn
nào cũng giống như nhau, cũng có tác dụng như nhau. Có những ham muốn
giúp ta phát triển ngày càng tốt hơn, nhưng lại có những ham muốn chỉ
lôi kéo ta đi sâu vào chỗ tồi tàn, đoạ lạc. Ham muốn tri thức, thanh
danh, thậm chí là vật chất của cải một cách chính đáng... có thể xem là
những động lực tích cực. Ham muốn chè rượu, cờ bạc, vui chơi quá độ...
có thể xem là những nguyên nhân sa đoạ. Ở đây chúng ta không làm công
việc liệt kê phân loại, nhưng chỉ đề cập một cách khái quát để có thể
thấy được sự khác biệt giữa hai loại ham muốn khác nhau này.
Lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ngay từ thuở
sơ sinh, vừa ra khỏi lòng mẹ, chúng ta đã có những ham muốn đơn giản tự
nhiên theo bản năng để tồn tại. Lớn lên, chúng ta ngày càng có nhiều
ham muốn hơn. Và điều không may là bản năng chúng ta không tự phân biệt
được những ham muốn tích cực và tiêu cực. Chúng ta cần học hỏi, cần có
một tri thức nhất định, một nhận thức đúng đắn mới có thể phân biệt
được chúng.
Mặt khác, có những ham muốn là tích cực ở một mức độ nào đó, nhưng lại
trở thành tiêu cực khi vượt quá giới hạn thích hợp của nó. Như vậy,
ngoài việc phân biệt những ham muốn tích cực hoặc tiêu cực, chúng ta
còn cần phải chế ngự được lòng ham muốn của mình ở một mức độ thích hợp.
Điều có thể nói là phổ biến ở hầu hết mọi người là chúng ta ham muốn
theo bản năng, nhưng lại chỉ có thể chế ngự được lòng ham muốn thông
qua sự nỗ lực của tự thân. Nói cách khác, không ai tự nhiên có được
năng lực ấy, mà cần phải học tập, rèn luyện, thậm chí là tu dưỡng để có
thể đạt đến.
Người xưa nói: “Thắng được người khác là có trí, thắng được chính mình
mới là mạnh mẽ.” Chế ngự ham muốn, đó là thắng được chính mình. Chỉ có
chế ngự được ham muốn thì bạn mới có thể hé mở được cánh cửa bước vào
một cuộc sống hạnh phúc.
Chúng ta không phải là những người đầu tiên nghĩ đến hay nêu ra điều
này. Lại vẫn là chuyện cũ từ ngàn năm trước. Lão Tử xưa đã từng dạy
người “bớt ham muốn, biết đủ” để có thể đến gần với đạo. Chúng ta không
dám mong cầu đạt đạo hay trở thành thánh nhân, nhưng muốn sống hạnh
phúc tất yếu phải thấy rõ và chế ngự được những ham muốn của chính mình.
Nếu như những ham muốn chính đáng có thể thúc đẩy chúng ta luôn sống
vươn lên, thì những ham muốn tiêu cực là nguyên nhân trực tiếp cũng như
gián tiếp cho hầu hết những khổ đau trong cuộc đời. Phật giáo dạy rằng
lòng ham muốn là cội nguồn của đau khổ. Trong cuộc sống trần tục này,
chúng ta đương nhiên chấp nhận một phần nào đó những khổ đau tất nhiên
phải có, nhưng phần lớn những nỗi đau khổ của chúng ta có thể được giảm
thiểu đi nếu ta biết chế ngự những ham muốn của mình.
Rất nhiều khi chúng ta có đủ hiểu biết để thấy được những ham muốn nào
cần phải từ bỏ, nhưng điều quan trọng hơn, khó làm hơn là có đủ sức
mạnh ý chí để từ bỏ nó. Tôi đã gặp nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng
hút thuốc, nhưng bản thân không sao từ bỏ nổi sự ham muốn này. Những
người nghiện rượu, say mê cờ bạc... lại càng khó khăn trầm trọng hơn
nữa.
Một anh bạn tôi hay nói đùa rằng: “Bỏ thuốc lá có gì là khó, mỗi năm
tôi đều làm điều đó đến năm bảy lần.” Ấy là vì chẳng có lần nào anh ta
thành công, thực sự bỏ thuốc được cả! Vì thế mà nói đùa một cách chua
chát để tự khoả lấp đi sự yếu đuối của mình. Điều này cho thấy việc tự
thắng được những ham muốn của chính mình thật không phải chuyện dễ dàng.
Tuy không dễ dàng, nhưng điều này thực sự là có thể làm được, nếu chúng
ta đủ quyết tâm, ý chí. Trong thực tế, nhiều người nghiện ma tuý đã có
thể vượt qua để quay lại với cuộc sống bình thường. Tất nhiên là cũng
rất cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng bản thân những người ấy cũng
nêu lên một tấm gương nỗ lực rất đáng khen.
Lòng ham muốn gây đau khổ cho chúng ta theo nhiều cách. Thường là chúng
ta phải vất vả để chạy đua theo những ham muốn của mình, trong khi nhu
cầu thiết yếu thực tế có thể là không cần thiết. Hơn thế nữa, một khi
không đạt được điều ham muốn, bản thân ta lại rơi vào sự khổ sở, dằn
vặt. Cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều điều tươi đẹp, nhưng một khi chúng
ta đã đầu hàng trước những ham muốn của bản thân, chúng ta thường không
còn có khả năng để cảm nhận được những điều tươi đẹp ấy.
Buông thả sự ham muốn của mình chẳng khác nào người làm vườn bỏ mặc cỏ
dại. Bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp của chúng ta đều sẽ không có điều kiện
để phát triển. Nếu một người làm vườn như thế là vô trách nhiệm, thì
một người không chế ngự được những ham muốn của bản thân cũng chính là
đã không sống đẹp với chính mình.
Nếu bạn đã biết chế ngự những ham muốn của mình, tôi xin thành thật
chúc mừng bạn. Nếu chưa, ngay từ hôm nay xin hãy thử sức xem!
4. Đừng tự dối mình
Khi chúng ta thường hay nói dối với người khác, tự thân chúng ta tất
nhiên là biết rõ thói xấu này. Bằng không, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ
có người nhắc nhở cho ta biết.
Nhưng nếu chúng ta tự dối chính mình, đôi khi thật khó để nhận ra, và
càng không có ai để nhắc nhở cho ta biết. Vì thế, nó dễ dàng trở thành
một thói xấu ăn sâu vào tận trong xương tuỷ.
Chúng ta rất ít khi chịu nhìn nhận năng lực hạn chế thực sự của mình.
Nếu chúng ta thất bại, thường có đến hàng tá lý do được đưa ra ngay để
chứng minh rằng ta hoàn toàn có thể làm được, chỉ vì thế này, thế nọ...
mà thất bại đó thôi. Nếu việc này xảy ra lần đầu tiên, ta có thể tự
biết rằng mình đang nói dối, và chỉ mong rằng những người khác tin theo
như thế để mình không bị chê trách.
Thật không may nếu như những lý do chúng ta đưa ra liền được tất cả mọi
người tin theo. Trong trường hợp đó, ta thường bắt đầu dấy lên tâm lý
hoang mang, phải chăng những điều mình nói là đúng thật? Và nếu nhiều
lần như thế xảy ra, ta sẽ không còn biết rằng mình nói dối nữa. Ngay
khi có điều gì đó lầm lỗi, ta sẽ có thói quen đưa ra ngay hàng loạt lý
do để biện minh. Và điều tồi tệ nhất ở đây là, mặc dù chúng được đưa ra
một cách dối trá nhưng chính bản thân ta cũng cố tin rằng đó là đúng
thật. Chúng ta không còn dừng ở mức độ biện minh với người khác, mà là
đang đưa ra những lý do không thật để dối gạt chính mình.
Người nào hình thành một thói quen xấu như vậy là đã tự xoá bỏ con
đường đi lên của bản thân mình. Sẽ rất khó khăn để họ chịu thừa nhận
sai lầm và sửa chữa.
Đôi khi chúng ta buồn hoặc vui nhưng có những lý do để không muốn bộc
lộ cho người khác biết. Chúng ta thường cố tạo một vẻ ngoài khác với
tâm trạng thật của mình. Trong những lần đầu tiên, ta dễ dàng ý thức
được sự nguỵ tạo ấy, nhưng lâu dần, chúng ta hình thành thói quen ức
chế tâm lý. Nhiều người mắc phải thói quen này mà không tự biết được.
Trong trường hợp đó, tâm lý của họ thường nặng nề, không thoải mái và
ít khi có được sự vui tươi, thanh thản.
Không có gì quan trọng bằng niềm vui sống tự nhiên, nếu chúng ta đã
từng biết được thế nào là một cuộc sống hạnh phúc. Những lý do thúc đẩy
chúng ta hình thành thói quen che giấu tâm trạng thật của mình không
bao giờ thực sự đáng để trả giá bằng những tai hại do chúng mang lại.
Nhiều chuyên gia tâm lý vẫn khuyên người ta nên bộc lộ tất cả những tâm
trạng của mình, thay vì là che giấu chúng.
Nếu bạn muốn có một nếp sống đẹp, trước tiên hãy sống đẹp với chính
mình bằng sự thành thật với bản thân. Có thể là chúng ta chưa hoàn
thiện về nhiều phương diện nào đó, nhưng chỉ riêng sự chân thật với
chính mình bao giờ cũng là một khởi đầu tốt đẹp cho sự hoàn thiện sau
đó.
5. Dành thời gian cho chính mình
Trong thời đại này, hầu hết chúng ta đều phải có thời biểu làm việc.
Bởi vì khối lượng công việc thường bao giờ cũng nhiều hơn thời gian mà
ta có, nên việc sắp xếp, tổ chức công việc theo thời biểu sẽ giúp chúng
ta chọn lựa được những việc nên làm để tập trung làm trước, và tạm thời
gác lại những việc chưa cần thiết.
Vấn đề là trong thời biểu của mỗi chúng ta thường không có khoảng nào
được dành ra cho chính mình. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì với hầu hết
chúng ta thì khái niệm về việc dành thời gian cho chính mình có vẻ như
khá xa lạ và khó hiểu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta suy nghĩ lại vấn đề, chúng ta có thể tự thấy được sự vô lý của chính mình.
Với sự quý giá của thời gian trong thời đại ngày nay, chúng ta thường
tính toán, cân nhắc rất kỹ việc dùng từng khoản thời gian vào việc gì.
Ngay cả thời gian nghỉ ngơi, giải trí ... cũng cần phải được tính toán
trước. Nhưng nếu như công việc, gia đình, bạn bè, xã hội... đều được
chia sẻ một phần nhất định nào đó trong quỹ thời gian của chúng ta, thì
tại sao bản thân chúng ta lại không được dành cho một phần thời gian
thích đáng?
Chúng ta thường bị cuốn hút vào các yêu cầu của công việc, những nhu
cầu tất yếu của gia đình, bản thân... Và những gì chúng ta đạt được
chẳng bao giờ bằng hoặc vượt hơn những gì ta mong muốn. Vì thế, ta phải
liên tục cố gắng và cố gắng... Không chỉ là sự nỗ lực làm việc tích cực
hơn, hiệu quả hơn... mà chúng ta cũng thường phải mất thêm nhiều thời
gian hơn.
Trong những điều kiện như thế, chúng ta rất ít khi nghĩ lại về chính
bản thân mình. Nhưng thật ra, là một con người, chúng ta không thể duy
trì mãi mãi các điều kiện thể lực cũng như tinh thần nếu như không có
sự khôi phục hợp lý sau một thời gian làm việc nhất định. Vì thế, nếu
chúng ta cho rằng việc cắt xén đi khoản thời gian cho chính mình là có
lợi, chúng ta đã sai lầm.
Bạn có thể lý luận rằng, ít ra thì khi mệt mỏi tôi đã nghỉ ngơi, hoặc
thỉnh thoảng tôi cũng có dành thời gian giải trí... Đó cũng là thời
gian dành cho chính mình rồi chứ gì!
Vâng, đúng vậy. Nhưng thường thì những khoản thời gian ấy là do cơ thể
bạn ... đòi hỏi mà có được, không phải được bạn dành cho một cách “tự
nguyện”. Mà giữa hai việc này vốn có sự khác biệt nhau. Hơn thế nữa,
việc dành thời gian cho chính mình không chỉ giới hạn ở việc nghỉ ngơi
mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác nữa.
Nếu bạn nghỉ làm việc một ngày chỉ vì không sao làm việc được nữa, điều
đó không có nghĩa là bạn biết dành thời gian cho chính mình. Người
phương Tây có câu ngạn ngữ là “Hãy nghỉ ngơi khi còn chưa mệt mỏi.” Bạn
có thể so sánh để thấy được sự khác biệt ở đây.
Chúng ta nỗ lực làm việc, xét cho cùng cũng chỉ là nhắm đến một cuộc
sống vui tươi hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh.
Nhưng những thành quả vật chất mà ta đạt được bằng sự lao động quên
mình thường là chỉ cần nhưng chưa đủ cho một cuộc sống hạnh phúc. Chúng
ta còn phải biết sống nữa. Và một trong những biểu hiện của sự “biết
sống” chính là biết dành thời gian cho chính mình. Điều này thật ra là
hợp lý, công bằng và cần thiết.
Cách đây mấy năm, khi tôi lao vào giai đoạn cuối của việc biên soạn bộ
Từ điển Báo chí Anh Việt, tôi cũng đã mắc phải sai lầm mà chúng ta đang
đề cập ở đây. Lúc đó, tôi làm việc hầu như liên tục mà không còn tính
bằng giờ giấc nữa. Suốt ngày căng thẳng với hàng đống tư liệu vây
quanh, tôi không còn cảm thấy một nhu cầu nào khác ngoài làm việc và
làm việc...
Mặc dù không có những ảnh hưởng tức thời trong giai đoạn ấy, nhưng chỉ
ít lâu sau tinh thần tôi sa sút nặng nề. Những niềm vui đơn giản trong
cuộc sống trước đây dường như bỗng nhiên biến mất. Tôi không còn giữ
được sự vui tươi thoải mái mà trước đây vốn gần như là bản chất tự
nhiên của mình.
Thật may mắn là tôi đã nhanh chóng nhận ra điều đó. Và chỉ cần một thời
gian ngắn với những điều chỉnh thích hợp trong công việc, tôi đã lấy
lại ngay được nếp sống vui tươi ngày trước. Từ đó đến nay, điều này đã
trở thành một bài học vô giá trong cuộc sống của tôi.
Việc dành thời gian cho chính mình không chỉ là để nghỉ ngơi, như tôi
đã nói. Bạn cần xem đó là một nhu cầu hợp lý và công bằng mà bạn phải
dành ra nếu muốn sống đẹp với chính bản thân mình.
Có vẻ như trừu tượng, nhưng nếu bạn thực sự trải qua những gì mà bản
thân tôi đã làm, bạn sẽ thấy những điều được trình bày ở đây là hoàn
toàn chính xác.
Bằng vào quỹ thời gian cụ thể của mình, bạn hãy dành ra một thời gian
hợp lý nhất định cho riêng mình. Và vì đó là một nhu cầu hợp lý và công
bằng đối với bản thân, nên chính bạn cũng không bao giờ được phép đưa
ra bất cứ lý do gì để xâm phạm vào khoản thời gian đó.
Khi đã xác định như thế rồi, bạn sẽ sử dụng thời gian dành cho chính
mình như thế nào? Điều đó tuỳ thuộc sở thích và những nhu cầu riêng tư
của bạn, nhưng chỉ cần bạn phân biệt được mục đích của việc sử dụng
khoản thời gian này là cho chính bạn chứ không phải vì bất kỳ ai khác.
Một số người không khỏi cho đây là một điều có phần ích kỷ. Riêng tôi
không nghĩ thế. Hãy làm một sự so sánh nhỏ. Nếu thời gian bạn dành cho
chính mình là quá nhiều so với thời gian dành cho công việc, gia đình,
xã hội... Điều đó quả là ích kỷ. Nhưng nếu bạn đã xác định được một tỷ
lệ hợp lý, thì đó chỉ là một sự sòng phẳng, công bằng mà thôi.
Thời gian dành cho chính mình nhằm khôi phục lại năng lực thể chất cũng
như tinh thần. Vì thế, bạn có thể dành để nghỉ ngơi, chơi thể thao,
giải trí theo sở thích... và đôi khi là chẳng làm gì cả.
Bạn cũng có thể khéo léo dành thời gian cho chính mình bằng những cách
thức mà không phải mất quá nhiều thời gian cho công việc. Buổi chiều,
trên đường về nhà sau giờ làm việc, bạn có thể dừng lại ở một nơi nào
đó vắng vẻ thích hợp, hoặc có thể là khi đã về gần đến nhà, và dành ra
chừng năm ba phút để ngắm cảnh đẹp thiên nhiên hoặc đơn giản chỉ là
những sinh hoạt cuối ngày trên một đường phố. Hãy buông bỏ tất cả lo
toan suy nghĩ trong giây phút ấy, và nở một nụ cười với chính mình vì
đã vượt qua được một ngày với tất cả những khó khăn bận rộn. Chỉ mấy
phút thôi, nhưng tâm trạng của bạn khi bước về nhà sẽ thay đổi rất
nhiều theo hướng tích cực hơn. Chỉ cần tập thành thói quen này trong
một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy mình không hề lãng phí thời gian chút
nào cả.
Bạn cũng có thể dành thời gian để theo học một khoá học nào đó mà hoàn
toàn không nhằm mục đích gì cả. Điều này khác hẳn với những khoá học
căng thẳng mà bạn thường tự xác định cho mình một mục tiêu ngay từ khi
bắt đầu theo học. Phụ nữ có thể học cắm hoa, nấu ăn, may thêu... Nam
giới có thể chọn học thêm một ngoại ngữ nào đó, hoặc tham gia một câu
lạc bộ thích hợp với mình... Khoản thời gian này sẽ xoa dịu đi những
căng thẳng trong đầu óc bạn sau nhiều giờ làm việc. Và hơn thế nữa, nó
có thể mang lại cho bạn một niềm say mê lành mạnh hoặc những kiến thức
bổ ích giúp bạn có một nhận thức tốt hơn về cuộc sống. Một số người học
toạ thiền ở nhà hoặc tham gia các lớp dạy thiền ở các chùa. Ngày nay
thiền không còn chỉ mang ý nghĩa thuần tuý tín ngưỡng nữa mà đã trở
thành một khoa học được nhiều người thừa nhận là có thể giúp mang lại
một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Dành một ít thời gian cho việc tập
toạ thiền cũng là một quyết định khôn ngoan có thể mang lại cho bạn
nhiều chuyển biến tích cực trong cuộc sống.
Sử dụng thời gian cho chính mình như thế nào cũng có thể là do hoàn
cảnh riêng và sự vận dụng sáng tạo của mỗi người. Tuy nhiên, việc dành
một khoản thời gian cho chính mình là điều hợp lý nên làm. Suy cho
cùng, làm sao bạn có thể sống đẹp với tất cả mọi người nhưng lại không
đối xử công bằng với chính bản thân mình kia chứ?
6. Vấn đề ăn uống
Ăn uống là một trong những vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống. Điều
đó không chỉ ở giới hạn là một nhu cầu dinh dưỡng để cho cơ thể tồn
tại. Người Anh có câu cách ngôn rằng: “Chúng ta là những gì chúng ta ăn
vào.” Trong nền văn hoá phương Đông, việc ăn uống (ẩm thực) cũng đóng
một vai trò quan trọng. Thậm chí trong y học cổ truyền, món ăn thức
uống được xem như một trong các yếu tố gây ra bệnh hoặc cũng có thể
dùng để trị bệnh.
Trong giao tiếp, chúng ta cũng thường dùng việc ăn uống như một phương
tiện hiệu quả. Bàn công việc làm ăn qua một bữa ăn trưa đôi khi hiệu
quả hơn là tại văn phòng. Một bữa tiệc nhẹ để cảm ơn ai đôi khi thân
mật và có giá trị hơn là một khoản tiền thù lao. Cách giới thiệu tốt
nhất để hai người chưa quen biết làm quen với nhau là mời cả hai cùng
đến ăn cơm thân mật vào một dịp thuận tiện... Và rất nhiều dịp khác mà
chúng ta cần dùng đến việc ăn uống như một công cụ trong giao tiếp.
Khi chúng ta mời ai ăn uống, chúng ta thường phải chú ý nhiều đến món
ăn. Ăn món gì cho thích hợp, vừa túi tiền mà vẫn ngon miệng, tạo được
ấn tượng tốt cho người được mời... Nhưng sự quan tâm tương tự như thế
đối với bản thân chúng ta lại thường là rất ít.
Tại sao chúng ta không có thói quen quan tâm đến những gì mình ăn vào?
Thông thường, chúng ta cho đó là việc quá bình thường, có thể làm theo
bản năng, không cần chú ý nhiều. Thực tế đã chứng minh khác hẳn. Người
vợ nào có hiểu biết đầy đủ và quan tâm chọn lựa tốt những món ăn thức
uống, thường cũng chính là những người vợ dễ mang lại hạnh phúc trong
gia đình nhất. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi vì tiết kiệm ngân sách và đảm
bảo sức khoẻ của cả gia đình thông qua việc ăn uống là những yếu tố
quan trọng góp phần làm tốt đẹp hơn cho cuộc sống gia đình.
Trở lại vấn đề chúng ta đang bàn. Nếu chúng ta chỉ chọn lựa việc ăn
uống theo bản năng, nhiều khi điều đó đưa tới những vấn đề. Bởi vì,
thật không may là bản năng chúng ta không phải bao giờ cũng đúng. Những
món ăn mà bạn cho là ngon miệng nhất chưa chắc là những món ăn tốt nhất
cho sức khoẻ của bạn, và ngược lại.
Nhiều món ăn gây hại cho sức khoẻ vẫn được chúng ta thường xuyên sử
dụng. Chúng ta làm như thế thật là bất công với chính mình, bởi vì cơ
thể chúng ta xứng đáng nhận được sự quan tâm thích đáng, thậm chí là
phải hơn cả sự quan tâm mà chúng ta thường dành cho người khác. Nếu bạn
chờ đến khi cơ thể bạn thực sự phải lên tiếng phản đối, e rằng điều đó
sẽ là quá muộn.
Trong xã hội phương Tây ngày nay, người ta đã nhận ra điều này. Các chế
độ “ăn kiêng” đang phát triển trở thành một phong trào trong toàn xã
hội. Người ta đã hiểu ra tầm quan trọng của việc chú ý đến các món ăn
thức uống hàng ngày cho chính bản thân mình. Việc ăn chay chẳng hạn, đã
không còn là thuần tuý vì lý do tín ngưỡng nữa mà được nhiều người tuân
thủ vì lý do sức khoẻ.
Khi chúng ta không chọn lựa thích đáng các món ăn thức uống, chúng ta
hành hạ cơ thể mình thường xuyên vì phải chống chọi lại với nhiều độc
tố hoặc những món khó tiêu hoá, không thích hợp... Thậm chí ngay cả sự
thiếu điều độ trong ăn uống, quá nhiều hoặc quá ít, quá sớm hoặc quá
muộn... đều là những hình phạt mà cơ thể chúng ta phải âm thầm chịu
đựng.
Vì thế, bạn nhất thiết phải có những kiến thức tối thiểu về ăn uống và
một sự quan tâm thích đáng đối với việc ăn uống của chính mình. Điều đó
là một trong những yếu tố cần thiết khi bạn muốn sống đẹp với chính
mình.
Bạn có biết sau mỗi lần bạn uống rượu bia say xỉn, cơ thể bạn đã phải
chịu đựng đến mức nào không? Cảm giác mệt mỏi rã rời lẽ ra là một dấu
hiệu phản đối cần được chú ý, nhưng lại thường bị phớt lờ đi xem như
một chuyện rất... bình thường. Và vì thế lại thường xuyên tiếp diễn.
Ngay cả tác hại của việc hút thuốc lá cũng không còn xa lạ gì với chúng
ta ngày nay, nhưng con số những người hút thuốc lá vẫn còn là rất đáng
lo ngại! Với mỗi một hơi thuốc, chúng ta đang quất một lằn roi vào
chính cơ thể của mình, nhưng ít khi chúng ta nhận ra được nỗi đau ấy,
mãi cho đến khi nào có một phản ứng quyết liệt như một cơn đau tim hay
dấu hiệu ung thư phổi...
Vì sao chúng ta lại có thể “không đẹp” với chính mình như thế? Và nếu
như chúng ta đã không sống đẹp với chính mình, nói gì đến việc có thể
sống đẹp với người khác?
Vấn đề cần phải nhấn mạnh ở đây rõ ràng là một nhận thức đúng đắn. Hiểu
được sự lợi hại của từng món ăn thức uống tuy không phải là việc dễ
dàng nhưng khả dĩ chúng ta có thể học hỏi để biết được, và cũng có thể
nhận được sự giúp đỡ chỉ dẫn từ nhiều người khác: các bác sĩ, chuyên
gia dinh dưỡng, thậm chí là qua sách báo... Nhưng việc nhận thức đúng
về tầm quan trọng của vấn đề sẽ đóng một vai trò quan trọng, thiết yếu
hơn. Bởi vì chỉ khi ấy chúng ta mới có thể nghiêm túc nhìn nhận việc
quan tâm đến món ăn thức uống của chính mình là điều cần thiết phải làm.
Thực tế cho thấy là mặc dù biết rõ được tác hại của rượu và thuốc lá
chẳng hạn, nhưng tránh xa được những thứ ấy hay không lại là một việc
khác. Điều đó đòi hỏi một nhận thức đúng để có thể đưa đến một quyết
tâm sống đẹp với chính mình.
Kết luận
Khi đề cập đến việc sống đẹp với chính mình, có lẽ một số người có thể
cho là một khái niệm hơi khác thường. Tuy nhiên, qua một số vấn đề tiêu
biểu mà chúng ta vừa trao đổi, có lẽ khái niệm này không còn là quá
trừu tượng hoặc khó hiểu nữa.
Thật ra, đó chính là những điều rất gần gũi, thiết thực trong cuộc sống
hàng ngày. Nhưng chính vì quá thông thường nên đôi khi chúng ta thường
hay lãng quên đi. Mặc dù vậy, tầm quan trọng của chúng là không thể phủ
nhận được như chúng ta đã thấy khi xem xét qua từng vấn đề.
Điều cần nói ở đây là, không nên nhầm lẫn giữa việc sống đẹp với chính
mình và một nếp sống ích kỷ chỉ biết quan tâm đến bản thân.
Khi chúng ta sống đẹp với chính mình, chúng ta tự quan tâm đối xử công
bằng, hợp lý với bản thân, hình thành và bảo vệ những điều kiện sức
khoẻ và tinh thần tốt nhất, làm tiền đề tất yếu cho một nếp sống đẹp
trong cuộc đời.
Ngược lại, một nếp sống ích kỷ hình thành trên ý tưởng chỉ biết quan
tâm đến bản thân mình, thường là nghĩ nhiều đến sự hưởng thụ nhưng chưa
hẳn đã là lành mạnh, tốt đẹp. Người sống ích kỷ đôi khi vẫn hành hạ bản
thân mình vì sự thiếu hiểu biết, và tất nhiên là không thể sống đẹp với
bất cứ ai khác trong cuộc đời.
Sống đẹp với chính mình, vì thế, vừa là điểm khởi đầu, vừa là một điều
kiện tất yếu không thể nào thiếu được để hình thành một nếp sống đẹp
giữa cuộc đời.