Nơi sẽ sinh
về
(Chùa
Diệu Tú, Hà Nội, ngày 30-6-2008) Ghi chép: Huỳnh Thị Nhã Phương
QUAN ĐIỂM CỦA CÁC TÔN GIÁO VÀ TRIẾT GIA
Nơi sẽ sinh về là mối quan tâm
của nhiều người đang sống ở cõi sống và cõi chết. Thỉnh thoảng, mỗi người trong
chúng ta tự đặt câu hỏi: Ta từ đâu đến? Chết đi về đâu?
Các tôn giáo và triết học đã nỗ
lực tìm giải pháp cho hai câu hỏi trên mà thực tế chẳng đơn giản tí nào. Các
tôn giáo như Do Thái, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Nho giáo v.v…
quan niệm rằng con người đến là do Thượng đế ban tặng sự sống, và mượn bào thai
của người mẹ để hình thành. Các triết gia Hi Lạp cổ đại quan niệm rằng con
người đến từ Đất, Nước, Gió, Lửa. Triết gia chủ nghĩa duy vật hiện đại quan
niệm con người đến từ vật chất. Mỗi quan niệm về nguồn gốc có mặt của con người
đưa đến những học thuyết lý giải về sự ra đi và nơi chốn sinh về khác nhau.
Các nhà duy vật cho rằng sau khi
chết con người sẽ trở về với nguyên lý vật chất. Đời sống con người chỉ có một
kiếp sống duy nhất ở hiện tại. Sinh ra từ vật chất, phát triển ý thức, sống và
làm việc trong cuộc đời; đến lúc già, bệnh và chết diễn ra là dấu chấm cuối
cùng, và sau cái chết sẽ không còn gì nữa. Quan điểm đó được đạo Phật cho là
đoạn kiến, nghĩa là cái nhìn bị giới hạn. Trong khi bản chất của thế giới sinh
học gồm con người và các loài động vật thì cái chết không phải là dấu chấm cuối
cùng. Cái chết giống như một con đường thẳng được nối kết bằng nhiều dấu chấm
và nhiều điểm khác nhau. Chết ở nơi này để tiếp nối sự sống ở nơi khác. Các nhà
tôn giáo học hữu thần cho rằng con người được tạo ra bởi Thượng Đế và khi chết
chỉ có hai cảnh giới tái sinh, hoặc lên Thiên đường để hưởng nhân đức chúa đời
đời kiếp kiếp nếu ai tin Chúa. Trái lại, kẻ nào dám đặt vấn đề, thắc mắc về nội
dung của kinh Thánh, không tin theo thì được xem là con chiên ngoài đàng, sau
khi chết bị đày xuống hoả ngục và thiêu rụi đời đời kiếp kiếp. Quan niệm này
Phật giáo gọi là đoạn kiến, bởi vì cấu trúc nhân quả trong đời sống về niềm tin
tái sanh đoản hậu như thế không phản ánh được bản chất vận hành trong từng hành
động, lời nói, việc làm và tư duy của con người.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, đức Phật đề cập: chư
pháp“bất sinh bất diệt”. Bốn
chữ này có ý nghĩa rất sâu sắc, có nghĩa là tất cả mọi sự vật, hiện tượng không
tự sinh ra và không tự mất đi vĩnh viễn. Định lý này được khoa học ngày nay xác
định như một nguyên lý, hay định luật bảo toàn năng lượng của vật chất. Một cơn
mưa nặng hạt từ trên vầng mây lửng trong không gian, sau đó rơi xuống mặt đất.
Nếu không có hệ thống thoát nước thì chắc chắn thủ đô Hà Nội sẽ chìm trong biển
nước. Nước thấm xuống lòng đất sẽ bị mất đi, nhưng do tác động của khí hậu,
nước lại bốc hơi và trở thành mây, và cứ thế nó vận hành khi thì là mây, khi là
hơi nước, khi là mưa…Nguồn năng lượng được thay hình đổi dạng, không bị mất đi
một cách vĩnh viễn, đó là quy luật bảo toàn năng lượng.
Sự sống con người không phải do
Thượng đế sinh ra. Vì theo đạo Phật, Thượng đế không có thật, chỉ do niềm tin
mê tín của con người nắn tạo ra mà thôi. Một triết gia Đức từng phát biểu:“Thượng đế đã chết”, nghĩa là khi khoa
học, kiến thức, trình độ, đạo đức của con người phát triển thì lúc đó niềm tin
vào Thượng đế sẽ không còn.
Hậu quả của cái nhìn đoạn kiến
sau khi con người chết là hết dẫn đến một đời sống dễ dàng, buông lung. Bởi sự so
sánh giữa người thiện và kẻ ác đều có kết cục giống nhau thì cần chi phải làm
lành lánh dữ. Có nhiều người, dù không tin có đời sau nhưng do sự giáo dục,
giao lưu, tiếp xúc với người hiền lương, nên họ vẫn là con người tốt suốt quãng
thời gian có mặt trên đời. Người rơi vào hoàn cảnh nghèo, bị thúc ép bởi sức
hút, cám dỗ của xã hội… có thể trở thành kẻ buông lung, ăn chơi sa đoạ, đánh
mất trách nhiệm đạo đức về đời sống bản thân. Hậu quả lối sống buông thả đó
càng làm cho họ lún lút sâu trong vũng lầy nghiệp xấu và tội ác.
CON THUYỀN VÀ LỤC BÌNH TRÔI SÔNG
Ngày 28- 06- 2008, sau khi
thuyết giảng tại một số ngôi chùa ở Hà Nội, tôi đến viếng thăm chùa Bồ Đề. Hôm
ấy, tôi đi bộ dọc bờ sông Hồng. Sông Hồng rất đẹp, trên mặt nước có vài chiếc
lục bình đang trôi, xa xa có vài chiếc thuyền. Nếu để ý quan sát cảnh lục bình
trôi bồng bềnh trên sông nước, có thể thấy đây là sự trôi vô định, không có mục
đích. Bởi bản chất của lục bình không có ý thức, trôi tùy theo thủy triều lên
hoặc xuống, tùy sức gió vận hành trên mặt nước, và có thể tấp dạt vào bờ. Nhất
là ở những đoạn khúc khuỷu, đôi lúc nó trôi ra giữa sông, hoặc đứng yên tại
chỗ. Việc trôi của lục bình hoàn toàn dựa vào duyên, mất sự chủ định. Ngược
lại, con thuyền trên sông nước lại có định hướng rõ ràng. Chủ nhân con thuyền
biết rõ mình xuất phát từ đâu, và chở hàng hoá cập bến nào. Do có chủ định rõ
nên thuyền sẽ không đậu vĩnh viễn trên sông, mà nay chỗ này, mai chỗ khác. Chỉ
cần so sánh hai hình ảnh giữa con thuyền và lục bình trên sông Hồng cho thấy rõ
có hai hình thái của sự đi về.
Câu hỏi “chết đi về đâu” với sự
so sánh giữa hai hình ảnh trên cho thấy hai khuynh hướng. Thứ nhất, trong tình
huống của chiếc thuyền có người lái thì con người hay các loài động vật khi qua
đời sẽ đi theo nghiệp. Các năng lượng nghiệp sẽ chủ động dẫn dắt, đưa đường dẫn
lối về cảnh giới với nghiệp tương ứng, để tái sinh làm người với nhân quả tương
thích, hoặc ở cảnh giới thấp kém, hoặc ở cảnh giới cao thượng. Tình huống lục
bình trôi vô phương hướng tượng trưng cho người chết chưa có sự chuẩn bị, thái
độ không chấp nhận cái chết như một sự thật, cứ muốn níu kéo, bám víu mãi. Vì
vậy thần hồn vẩn vơ, lang thang vô định và thiếu mục đích, nên phải chấp nhận
tồn tại trong cảnh giới mà dân gian thường gọi đó là cõi âm. Hương linh tồn tại
trong thế giới
cõi âm với tính thời gian dài
ngắn cũng tương tự như lục bình trôi không có hướng đi về. Cách thức sống lảng
vảng như vậy được gọi là ngạ quỷ, tức là ma quỷ đói khát về cảm xúc, nhận thức,
tiêu thụ và nhiều phương diện hưởng thụ khác.
Tình trạng vô phương hướng trong
tái sinh khiến hương linh tốn nhiều năng lượng. Thay vì để các hạt giống mà họ
từng gieo trồng trong suốt quá trình sống có cơ hội trổ quả thì người không có
phương hướng do vì chấp trước, tiếc nuối, hận thù, oan ức nên phải bị kẹt lại,
mất đi khoảng thời gian trung chuyển quá dài. Điều này giống như sự hành hạ,
đày đoạ cảm xúc và tâm thức.
Hành giả là Phật tử có sự tu
tập, được huấn luyên tâm thức, chấp nhận vô thường và vô ngã thì khi cái chết
diễn ra, xem đó là qui luật bình thường. Ai có sự sống và được sinh ra từ cha
mẹ thì chắc chắn phải trải qua cái chết. Vấn đề còn lại là tính thời gian dẫn
đến sự tương thích về tuổi thọ hay yểu thọ mà thôi. Phủ định cái chết như một
sự thật khiến con người có mặt trong thế giới sự sống như chiếc lục bình trôi
vô nghĩa và khổ đau. Chính vì vậy, phải tập huấn luyện tâm thức theo cách làm
chủ hành động, nói theo ngôn ngữ Tịnh độ tông gọi đó là “Dự tri thời chí”, tức là nắm bắt và
biết rõ giờ khắc mình sẽ ra đi và đi về đâu.
CẬN TỬ NGHIỆP CÓ ĐỊNH HƯỚNG
Phật giáo Tây Tạng huấn luyện
các nhà sư về nghệ thuật sắp xếp cõi đi về sau khi qua đời bằng sự phát nguyện,
nghĩa là thoát khỏi vòng dẫn dắt của nghiệp vốn giam hãm và trói buộc con người
trong tiến trình tái sinh. Vì có phát nguyện nên năng lực
đẩy con người đi vào cuộc đời,
về ngay nơi mà họ muốn đến. Tuỳ theo ước nguyện, mà sự đi về của mỗi con người
đi theo một điểm đến nào đó, theo sự sắp xếp (theo nghiệp), hoặc theo nguyện
ước (theo phát tâm Bồ đề). Các vị cao tăng, hành giả chứng đắc và người có sự
huấn luyện, làm chủ vận mệnh trong tái sinh đều có thể phát nguyện để đi vào
cảnh giới nhất định.
Hòa thượng Thích Trí Thủ, chủ
tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đầu tiên phát nguyện đời đời kiếp kiếp tái sinh làm lại con người trong cõi Ta
bà này chỉ để làm một trong hai việc. Thứ nhất, nếu tái sinh dưới hình thức là
người cư sĩ, ngài phát nguyện sẽ là vị minh quân hay nguyên thủ quốc gia để
hướng dẫn mọi người trở về con đường chánh pháp, mang đạo lý Phật truyền bá cho
muôn dân; giúp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cơm
no, áo ấm, lúa thóc được mùa, mưa thuận gió hòa; chiến tranh, khủng bố, đói
nghèo không còn nữa. Thứ hai, nếu tái sinh là người tu sĩ, ngài phát nguyện
luôn là người lãnh đạo Giáo hội, để hướng dẫn cho các thế hệ sau đi đúng quỹ
đạo của chánh pháp, giúp ích cho người hữu duyên với Phật pháp.
Sự phát nguyện lúc lâm chung sẽ
định thành cận tử nghiệp có định hướng, giúp cho sự ra đi sẽ ở một trong hai
nơi này. Ngài đã qua đời vào năm 1984. Nếu áp dụng nguyên tắc tái sinh trung
bình là 9 tháng 10 ngày trong thai mẹ, cậu bé nào ra đời khoảng một năm sau
trong khoảng thời gian Hòa thượng viên tịch, chỉ cần quan sát tâm tính, hành
động, lời nói, việc làm có những dấu hiệu gần giống Hòa thượng lúc sanh tiền
thì đoán biết đó là hậu thân của Hòa thượng Nghiệp do con người tạo ra trở
thành chất keo gắn bó, nhất là những gì gắn bó trong mấy mươi năm cuộc đời tạo
cảm giác gần gũi, thân mật hơn cái vừa mới quen. Ví dụ ở đạo tràng Pháp Hoa -
chùa Diệu Tú này, phần lớn quý Phật Tử mặc áo tràng lam theo văn hóa pháp phục
của Phật giáo miền Nam.
Nếu đạo tràng này được thiết lập ở miền Bắc trong trong những năm trước thì quý
vị sẽ mặc áo tràng nâu của miền Bắc tượng trưng cho sự thanh bần. Ai đã quen
với áo tràng lam, đến cuối đời chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục mặc màu áo này. Áo
tràng lam vẫn gắn bó hơn so với áo tràng nâu. Hoặc quý vị nào có thói quen dùng
xâu chuỗi để lần và niệm Phật, giá trị xâu chuỗi có thể chẳng đáng là bao. Rồi
quý vị được một nhà sư tặng một xâu chuỗi khác bằng đá quý, mà giá trị cao gấp
nhiều lần so với xâu chuỗi mà mình đang lần niệm, nhưng quý vị vẫn cảm thấy nó
không quý bằng. Nếu được lựa chọn, chắc chắn quý vị sẽ chọn xâu chuỗi gắn với
sự hành trì của mình trong nhiều năm qua.
Khi còn sống, bất cứ kỉ niệm vật
nào đều tạo nên sự gắn bó. Đến lúc qua đời, tất cả năng lượng, hành động, chức
nghiệp, và sự hành thiện của con người không bị mất đi. Theo nguyên lý bảo toàn
năng lượng, nó tồn tại cùng một lúc tại thời điểm mà ta đầu thai, tâm thức ta
trở thành phôi trong bào thai người mẹ. Vì vậy, nhiều cậu bé hay cô bé vừa mới
chào đời đã có những thiên hướng bẩm sinh, mà tâm lý học Phật giáo gọi đó là:“câu sanh chủng tử”, tức là những hạt
giống năng khiếu xuất hiện ngay cùng thời điểm đứa bé ấy chào đời, khiến chúng
có thói quen chọn những vật liệu từng quen thuộc, gắn bó.
Hành giả nào ở đời trước từng có
thói quen lần chuỗi, niệm Phật, khi tái sinh ở đời sau nếu quan sát sẽ thấy rõ
trong buổi lễ thôi nôi; đứa bé ấy có khuynh hướng chọn xâu chuỗi - một vật liệu
từng gắn bó với nó từ đời trước. Nếu là một nhà sư tu hành chân chính, phát
nguyện trở lại cuộc đời để độ sinh, khi nhìn thấy xâu chuỗi, cái mỏ, cái chuông
chắc chắn đứa bé sẽ chọn những vật dụng biểu tượng của người tu. Bởi vì với quá
khứ từng là một nhà sư trong niềm an vui, hạnh phúc phục vụ nhân sinh, khiến
người đó có khuynh hướng gợi nhớ lại những hạt giống ấy.
Người tu có phương pháp có thể
làm chủ được vận mệnh lúc lâm chung, để tái sinh ở những gia đình thích hợp với
nguyện ước của mình, tiếp tục thực hiện công việc còn dở dang.
LÃO PHÚ HỘ VÀ THÂN PHẬN CON CHÓ
Chuyện kể có ông phú hộ giàu
sang, phú quý nhưng lại keo kiệt. Ngoài gia tài đồ sộ, ông còn có cả một lọ
vàng và kim cương mà ngay cả vợ con ông cũng giấu giếm không cho biết.
Một hôm, ông cho phép vợ con
mình đi chơi xa, ở nhà ông đào một cái hố nhỏ dưới gầm giường với độ sâu vừa đủ
chôn hũ vàng và kim cương lấp lại. Rồi đến một ngày, trong lúc đi đường thì tai
nạn giao thông ập đến. Ông đã chết bất đắc kỳ tử trong lúc vàng bạc, kim cương
chưa kịp sử dụng, vợ con cũng không hề hay biết. Ông tiếc nuối vô cùng, chính
cái tâm luyến tiếc ấy đã khiến ông tái sinh làm con chó được sinh ra trong nhà
của ông. Thời gian về sau, người con trai trong gia đình có cảm giác thương con
chó nhiều lắm, luôn gần gũi và ngủ chung với nó. Mỗi ngày, nó được tắm gội, cho
ăn uống thịnh soạn và được chủ dắt đi dạo phố. Thậm chí ngay lúc còn sống, ông
phú hộ chưa chắc nhận được sự chăm sóc, hiếu thảo của người con chu đáo đến
thế. Một hôm, đức Phật cùng tăng đoàn đi khất thực ngang qua nhà ông phú hộ
này, bỗng con chó từ trong nhà nhảy ra sủa ầm ĩ. Khi ấy, đức Phật dừng lại,
những người đệ tử lo ngại con chó này sẽ cắn Ngài, nhưng đức Phật bảo:
- Không sao đâu, con chó này có
duyên với ta đấy!
Con chó lại tiếp tục sủa ầm ĩ.
Đức Phật quán tưởng và thấy rõ con chó này tiền thân là lão phú hộ, do vì chấp
trước vào vàng bạc, châu báu nên phải tái sinh mang thân phận con chó để tiếp
tục canh giữ của cải ấy. Vì con chó không có ngôn ngữ truyền thông như con
người, nên nó không thể báo lại cho gia đình này biết. Mặc dù ngày nào nó cũng
nằm ngay vị trí gầm giường, nơi chôn giấu của cải. Đức Phật sờ vào đầu nó, dùng
năng lực từ bi truyền tần số tâm thức giúp nó nhớ được tiền kiếp mình là phú
hộ. Đột nhiên, nó ngưng bặt không sủa nữa. Ngài nói với con chó:
- Mong mãn báo thân này, ông nhớ
lại tiền thân của mình và hãy từ bỏ sự luyến tiếc về gia tài. Lúc đó, ông mới
có thể tái sinh làm con người, được tiếp tục hưởng phước báu mà ông đã tạo.
Nhìn thấy con chó đang sủa mà
bỗng dưng tắt lịm, người con
trai vừa ngạc nhiên vừa tức giận
mắng chửi đức Phật:
- Ông đã làm gì con chó tôi mà
đột nhiên nó im bặt vậy? Đức Phật nói:
- Này người trai trẻ, đừng vội
nóng giận. Con chó này thực ra là cha ruột của anh, do vì bị tiếc nuối nhiều
quá nên ông ấy phải mang thân phận là con chó nhà này.
Chàng thanh niên tức giận nói:
- Tại sao ông lại dám chửi bới
tổ tiên tôi, bàn hương án của cha
tôi vẫn còn nghi ngút khói, sao
ông dám bảo con chó là cha tôi?
Đức Phật nói:
- Nếu anh không tin, hãy vào
ngay chiếc giường nơi cha anh thường ngủ, phía dưới gầm giường đào xuống độ sâu
khoảng 1,5m, sẽ thấy một lọ vàng và kim cương được chôn giấu bên dưới. Cha anh
vì tiếc nuối số của cải này mà đầu thai làm thân phận con chó, mỗi ngày được
ngủ dưới gầm giường để canh giữ.
Nghe đức Phật nói thế, người con
trai ông phú hộ chợt nhớ lại suốt thời gian qua, quả thật con chó này thường
hay nằm dưới gầm giường. Thế là anh cho người đào bới ngay vị trí đó, và quả
thật tìm thấy hũ vàng. Vì được sự hướng dẫn của đức Phật, nên chỉ một, hai ngày
sau con chó đã qua đời dù không bệnh tật gì. Bởi lẽ nó đã cảm nhận được, buông
bỏ sự tiếc nuối và chấp trước nên nhẹ nhàng ra đi. Đây là câu chuyện lịch sử
diễn ra trong thời của đức Phật.
Câu hỏi chết đi về đâu đã có lời
giải đáp - chết đi theo nghiệp, đó là công thức tổng quát. Nhiều người làm
phước lành, gieo trồng công đức, phước báu, mà lẽ ra nếu chịu buông xả, không
còn tiếc nuối thì chắc chắn họ sẽ tái sinh làm người để tiếp tục hưởng gia tài
và các hạt giống mà mình gieo trồng trong quá khứ. May mắn thay con chó này
được gặp đức Phật, nếu gặp những người khác không có năng lực tha tâm thông,
thiên nhãn thông thì chẳng biết đến khi nào nó mới có thể đầu thai làm người.
BUÔNG XẢ ĐỂ NHẸ NHÀNG RA ĐI
Trạng thái tiếc nuối làm trì
hoãn quá trình tái sinh làm con người ở một hay nhiều kiếp. Cận tử nghiệp là
nhận thức, thái độ, kéo theo hành động trong những giờ phút cái chết sắp diễn
ra. Trong tiến trình tái sinh cũng vậy, có người mải mê nhìn ngắm hoa thơm cỏ
lạ bên vệ đường mà quên mất đường đi, mục đích và điểm đến của mình là đâu.
Hành giả Tịnh độ tông có điểm đến là Tây Phương Cực Lạc, nhưng khi qua đời
không hướng tâm về Tây Phương mà lại hướng tâm về ngôi nhà mình mới vừa xây
xong chưa kịp hưởng thụ, đành phải tái sinh trở lại ngôi nhà đó, làm người con
hay cháu ở nhà ấy. Những điều này đôi lúc chúng ta không tin nhưng có thật. Các
vị công thần với triều chính, suốt cuộc đời sống liêm minh, đứng đắn, quên mình
để phục vụ cho quê hương nhưng vì lời sàm tấu, bị vua nghi oan nên phải tru di
tam tộc. Chẳng hạn như cụ Nguyễn Trãi đến mấy trăm năm sau mới được minh oan,
hoặc ngài khai quốc công thần trạng nguyên Lê Văn Thịnh và nhiều vị tướng tài
ba lỗi lạc khác.
Những người chết trong nỗi hàm
oan nếu không là Phật tử, được huấn luyện kỹ về sự buông xả, lỡ mà chấp trước
thì khó được siêu thoát. Họ bị lẩn quẩn trong cái án mà danh thơm tiếng tốt của
mình bị chôn vùi trong tủi nhục, đau đớn, bị lịch sử khinh thường, phỉ nhổ, lúc
đó tiến trình ra đi sẽ bị trì hoãn lại. Trong những tình huống như thế, hương
linh thường về mách bảo, đưa đường chỉ lối cho con cháu biết để giúp họ tháo mở
nỗi hàm oan [...]
Câu chuyện thiền của Phật giáo
Nhật Bản có dạy một câu rất sâu sắc chỉ với hai từ:“thế à”, đó là cách thức đưa nỗi hàm oan ra bên ngoài,
không than oán cuộc đời, không qui trách nhiệm cho tha nhân, xem đó là chuyện
không đáng để bận lòng. “Thế à”
với nụ cười tươi, như một sự trả nghiệp, giải nghiệp oan trái của mình với một
người nào đó. Tuy nhiên, đạo Phật dạy muốn tháo gỡ nỗi hàm oan thì cần phải lên
tiếng, trình bày hoặc giải thích. Luận Bảo Vương Tam Muội có dạy: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn
nhát.” Tôi khuyên quý vị không nên thực hành theo, bởi lời Phật dạy
trong kinh xác thực hơn rất nhiều.
Đức Phật từng bị biết bao nỗi
hàm oan trong cuộc đời với lời vu khống, thị phi, nói xấu v.v… nhưng trước mỗi
sự việc Ngài đều lên tiếng như sau:“Điều
này không có trong tôi, tôi không phải là tác giả của điều gán ghép này.”
Việc người ta có tin hay không thì tùy. Ít nhất về phương diện trách nhiệm xã
hội trong việc phơi bày chân lý, Ngài đã thực hiện trọn vẹn, không rơi vào cái
tôi bị tổn thương, cái tôi là nạn nhân, xem đây là cơ hội để tuyên bố chân lý,
vì vậy cái gút hàm oan được tháo gỡ phần nào. Nếu bị oan mà không nói ra, người
ta cứ ngỡ đó là sự thật, rồi những lời vu khống, xấu xa được lan truyền khắp
nơi, quần chúng mất hết niềm tin về con đường đạo đức, gây nhiều trở ngại trong
cuộc đời.
Dĩ nhiên, trong chế độ quân chủ,
năng lực tự minh oan rất khó, bởi lẽ ta nói chưa chắc vua đã nghe, và đôi lúc
cũng không có cơ hội để phân trần, nhưng khi tuyên ngôn rằng mình không phải là
tác giả của việc ấy, lập tức ta cũng học được bài học về sự buông xả, không
giận hờn, hận thù với người kết án sai hay cố tình hại ta. Thực tập được như
thế, ta không còn bị trở ngại trong tiến trình tái sinh, bằng không phải mất
đến vài mươi năm, vài trăm năm, hoặc kém may mắn hơn có thể là vài ngàn năm.
Như vậy trong tiến trình chết đi về đâu, người bị hàm oan nếu không được tháo
mở sẽ bám víu, tồn tại mãi với nỗi oan ấy, tiến trình tái sinh cũng bị gián
đoạn.
Một câu chuyện khác kể rằng, vị
Hòa thương nọ đạo cao đức trọng, những năm cuối đời có thú vui đam mê trồng
hoa. Vườn hoa được chính tay ông chăm sóc kỹ lưỡng, đến độ nó như một phần sự
sống của ông. Rồi đến một ngày, Hòa thượng viên tịch. Do bởi Hòa thượng ngày
đêm nhớ tưởng mãi về vườn hoa mà quên mất tâm Bồ đề, đành phải tái sinh làm con
sâu ngay vườn hoa ấy. May thay có một vị Hòa thượng khác biết việc này, nên
đứng bên con sâu bảo rằng:“Ngài là một vị
Hòa thượng đức độ nhân từ, không nên luyến tiếc vào những bông hoa đẹp này.”
Nhờ sự hỗ trợ và nhắc nhở như
thế khiến con sâu thức tỉnh, sớm từ bỏ thân phận và tái sanh lại một tu sĩ,
tiếp tục con đường Bồ-tát đạo. Đó là những câu chuyện không nên xem thường và
không tin. Những năm tháng cuối đời, đừng để lòng tham, sân, si tác động, chi
phối hoặc ảnh hưởng; thái độ luyến tiếc, hận thù, hờn dỗi, oan ức bám vào mảnh
đất tâm. Vì như vậy, ta sẽ bị lẩn quẩn trong cảnh giới không tương ứng với
nghiệp phước mà mình đã gieo tạo. Dĩ nhiên, trong thời gian trung chuyển, nếu
ta bị vướng thì các phước báu từng gieo trồng bị mất đi, nó tồn tại dưới dạng
tích năng lượng, nhưng không đủ cơ hội phát triển. Trải qua nỗ lực của tự thân
hoặc thông qua khoá lễ cầu siêu, được hướng dẫn rủ bỏ sự chấp trước, lúc đó
nguồn năng lượng tái sinh mới tiếp tục ứng với nghiệp cảm tương thích.
TÂM LÝ TRONG CẬN TỬ NGHIỆP
Tâm muốn về chỗ nào, nguồn năng
lượng tái sinh đẩy ta về chỗ đó nhiều hơn. Những đột biến thay đổi tâm lý vào
giờ phút cuối cùng trước khi chết có thể diễn ra theo chiều hướng tốt hoặc xấu.
Có người suốt cuộc đời làm điều xấu, nhưng những năm tháng cuối đời được hướng
dẫn điều hiền lương, đạo đức, nên họ hồi đầu, ăn năn, sám hối, làm lành, ăn
chay, tu phước thì cận tử nghiệp này lại mở ra tiến trình tái sinh tốt đẹp. Còn
người tu hình thức, tức là chưa chuyển hoá được nội tâm, sự thanh tịnh chưa
trọn vẹn thì cận tử nghiệp ấy lại mở ra tiến trình tái sinh xấu đi.
Tình huống của người bệnh xơ gan
cổ trướng thường được hướng dẫn một phương pháp cổ truyền rằng, nên ăn các loại
ốc bươu bằm nhuyễn, nhất là ăn sống sẽ tạo ra nguồn dưỡng chất giúp duy trì lá
gan, trì hoãn tiến trình xơ hoá dẫn đến cái chết. Nhiều Phật tử là con thảo
cháu hiền phân vân, chẳng biết có nên làm theo lời khuyên của y học cổ truyền
hay không. Họ đến chùa hỏi, và câu trả lời của tôi là đề nghị họ nên thương
thảo ý kiến người bệnh trước khi quyết định. Dù thương thảo hay quyết định của
tự thân, tôi luôn cân nhắc họ nên đặt lên bàn cân ba yếu tố sau:
- Tính thời gian kéo dài sự sống
cho bệnh nhân được bao lâu? Nếu theo y học chỉ là một năm hoặc vài tháng tuỳ
từng trường hợp phát hiện sớm hay muộn thì đây không phải là giải pháp tối ưu.
Bởi sớm muộn gì cái chết cũng diễn ra, đôi lúc việc kéo dài thời gian chỉ làm tăng
thêm tình trạng khổ thọ, tức là duy trì dòng cảm xúc khổ đau, đau đớn trên cơ
thể bệnh nhân.
- Việc giết và làm thịt các loại
ốc bươu mỗi ngày lên đến vài chục con, và nếu trong vòng một năm như thế thì
nghiệp sát sẽ tăng lên đến hàng trăm lần. Phước tuổi thọ mà thân nhân giúp
người bệnh chẳng đạt là bao nhưng tác hại lại nhiều hơn, gây hậu quả yểu thọ và
bệnh tật trong tiến trình tái sinh ở đời sau thêm nặng nề.
- Trong thời gian được nuôi
dưỡng bằng những thực phẩm tạo nghiệp sát như thế, liệu người thân có hướng tâm
về cảnh giới an lành hay không, hoặc ngày đêm cứ nôm nốp lo sợ cái chết. Nếu
cái chết diễn ra trong trạng thái bị khủng hoảng tâm thức như thế là điều vô
cùng nguy hại.
Chi bằng hướng dẫn tâm của người
thân giúp họ bình thản đối với sự sống và cái chết, không bận lòng bởi vì sớm
hay muộn ai cũng phải một lần trải qua. Vấn đề sống thọ hay chết yểu không quan
trọng. Điều quan trọng là sống như thế nào với chất liệu và chất lượng ra sao.
Nếu suốt quá trình sống ta làm lành lánh dữ, an vui, hạnh phúc thì nghiệp này
sẽ tạo ra tiến trình cận tử nghiệp có cùng chiều hướng giống nhau, lúc đó tâm
được an và ra đi nhẹ nhàng. Đó là điều phúc cho người quá cố lẫn thân bằng
quyến thuộc.
Người lớn tuổi khi được bác sĩ
đề nghị muốn ăn gì thì cứ ăn, đừng nên vì thế mà hưởng thụ quá nhiều. Bởi cái
chết sẽ diễn ra sớm hơn và nghiệp hưởng thụ này sẽ ám ảnh làm cho người đó khi
tái sinh ở đời sau lại tiếp tục làm người hưởng thụ. Trong khi suốt cuộc đời họ
sống rất hiền lương, nhưng lại bị thay đổi khuynh hướng nghiệp vào giờ phút
cuối đời từ tốt thành xấu là điều không nên. Nếu lỡ phát hiện ra mình mắc phải
những chứng bệnh nan y trong giai đoạn cuối, sự sống chỉ tồn tại trong khoảng
thời gian ngắn ngủi, người Phật tử hãy thản nhiên với điều này và thốt lên một
câu:“thế à”. Trạng thái không
sợ hãi tạo thành nguồn năng lượng kháng sinh giúp sống bình an và kéo dài cái
chết. Kháng thể đó lệ thuộc vào tâm lý tích cực hay tiêu cực.
Năm 2003, tôi được UNICEF tài
trợ đến viếng thăm 10 trung tâm AIDS của Phật giáo Thái Lan dọc theo biên giới
Chiang-rai, Chiang-mai, Chiang-nai giữa Thái Lan và Miến Điện. Các bệnh nhân
nơi đây đều là những người Thái ở vùng nông thôn nghèo khó. Do thiếu kiến thức
về bảo hộ sức khỏe, cái nghèo chi phối và do muốn có nhiều tiền nên nhiều chị em
đã trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ trên đất nước này.
Có dịp tiếp xúc với các bệnh
nhân giai đoạn cuối, mỗi khi đến, tôi đều tụng một bài kinh bằng tiếng Việt.
Trong lúc thời kinh diễn ra, tôi quan sát thấy một số bệnh nhân cố gượng ngồi
dậy. Trong số đó có một phụ nữ tuổi ngoài 30 với thân thể gầy còm cố gượng dậy
mà không đủ sức. Tôi ra dấu yêu cầu cô hãy nằm xuống. Cô cố gắng chắp tay để xá
chào nhưng với sức lực yếu ớt khiến cô không thể nào đưa tay lên được. Trong
lúc tôi tiếp tục tập trung cao độ để tụng niệm, chưa hết bài thần Chú Đại Bi
thì cô đã qua đời. Trước khi qua đời, trên môi cô còn nở nụ cười mỉm khi sức
lực không còn và hơi đã tàn. Tình huống của người phụ nữ này sẽ là một cảnh
giới tái sinh rất tốt.
Tìm hiểu thông tin về người phụ
nữ này, tôi được nhà sư trụ trì tại ngôi chùa này cho biết, cô mắc phải căn
bệnh này mới chỉ 3 năm. Thái độ tâm lý tiêu cực sợ chết luôn là nỗi ám ảnh,
hành hạ cô. Cô luôn nguyền rủa người chồng ăn chơi trác táng đã truyền nhiễm
bệnh cho cô và đứa con. Vì mang tâm lý tiêu cực nên kháng thể trong cô tụt
xuống nghiêm trọng, khiến cô chết trước thời điểm.
Trong khi đó, đến viếng thăm một
ngôi chùa khác cũng có một bệnh nhân nữ mắc phải căn bệnh này hơn 10 năm rồi
nhưng vẫn khỏe. Ngày nào cô cũng tụng kinh niệm Phật, ngoài thời gian tu tập
hành trì, cô còn nhận đan mây tre lá thủ công tạo thêm nguồn thu nhập để điều
trị bệnh. Khi được phỏng vấn, cô cho biết không hề sợ hãi trước cái chết, vì đã
có Tam Bảo gia trì, đồng thời được quý thầy trong làng SIDA quanh khu vực thiền
viện quan tâm, nâng đỡ. Chính niềm hạnh phúc hân hoan đó tạo nguồn kháng thể
giúp cô kéo dài thêm sự sống. Tôi thiết nghĩ, nếu các trung tâm từ thiện Phật
giáo tạo được sự hỗ trợ cho người quá cố trong giai đoạn cuối tương tự như Thái
Lan là điều rất đáng tán thán.
THUẬT PHÓNG THÍCH TÂM LÝ TIÊU CỰC
Tôi có kinh nghiệm 5 năm đi
thuyết giảng tại các trung tâm người già tàn tật, trung tâm bảo trợ xã hội,
trung tâm phục hồi nhân phẩm phụ nữ v.v… Tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tân Hiệp,
tôi đã thành lập Ban hộ niệm để hướng dẫn anh chị em nơi đây cách thức niệm
Phật. Mỗi chuyến viếng thăm, đoàn chúng tôi đều tặng xâu chuỗi và một vài quyển
kinh. Tôi đề nghị anh chị em nơi đây khi thấy ai chuẩn bị lìa đời, hãy đến bên
cạnh họ tụng một bài kinh, giúp họ vơi bớt phần nào nỗi bất hạnh, mặc cảm, uất
hận vì không có người thân bên cạnh. Có như thế, tâm họ mới bình an, sự ra đi
trở nên nhẹ nhàng.
Trong chúng ta, ai cũng có nỗi
bất hạnh không mặt này thì cũng mặt khác. Vấn đề là ôm nỗi đau trong tâm sẽ
biến ta trở thành nạn nhân, dù đó là nỗi đau của 10 năm về trước hay mới là của
ngày hôm qua. Người cố chấp thường bám víu và giữ hoài nỗi đau suốt quãng đời
tồn tại, khiến họ không thể có an vui, hạnh phúc, bình an cho đến lúc trút hơi
thở cuối cùng. Đây là điều rất đáng tiếc.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Người
già Tàn tật Thạnh Lộc cho biết, kể từ khi được nghe những bài thuyết giảng của
tôi về các đề tài như: vượt qua tuổi già, đối diện nỗi cô đơn tuổi già, sống
hạnh phúc trong tuổi già và chuyển hoá thói quen trong tuổi già thì các cụ từ
70 cho đến 95 tuổi sống hân hoan hơn. Tôi khuyên các cụ sau khi ăn cơm xong
không nên nằm hoặc ngồi, vì nó sinh ra các biến chứng bệnh tật, mà nên thực
hành“Phạn thực kinh hành”,
nghĩa là ăn xong nên đi kinh hành. Nếu không tập luyện kinh hành được cũng phải
bách bộ khoảng nửa tiếng. Ban đầu có vẻ hơi khó vì các cụ phải sử dụng gậy đỡ,
nhưng nếu cố gắng một thời gian thì bệnh tật được đẩy lùi. Những ai sợ đau nhức
mà lười biếng tập luyện thì bệnh tật ngày một gia tăng, tuổi thọ bị rút ngắn.
Thông thường, sau khi thuyết
giảng, tôi đến từng trại tặng biếu quà cho những người già vì sức khỏe yếu phải
nằm một chỗ không đi lại được. Ngang qua chiếc giường nọ có một bác trai khoảng
hơn 75 tuổi, khi mở chiếc mền ra, tôi nhìn thấy cơ chân ông bị teo nhỏ lại. Tìm
hiểu nguyên nhân, ông cho biết đó là do tai nạn giao thông. Ông mở chiếu và lấy
ra cho tôi xem hai tấm ảnh ép plastic chụp cơ thể ông khi còn là lực sĩ cách
đây mấy mươi năm.
Cơ thể to, đẹp với cơ bắp cuồn
cuộn. Ông cho biết, mỗi ngày ông đều tâm niệm mình từng là một lực sĩ, nên
không có lý do gì phải sống vô nghĩa. Dù hai chân không đi lại được nhưng còn
hai tay vẫn có thể tập luyện. Nói xong, ông mở nút áo cho tôi xem các cơ bắp
trên thân thể ông vẫn còn vạm vỡ, rắn chắc như thời còn trai trẻ. Lúc nào trên
gương mặt ông cũng nở nụ cười thật tươi mát. Đó là thái độ lạc quan giúp ta
sống có hạnh phúc, cho dù các giác quan không trọn vẹn và đầy đủ. Mỗi chúng ta
phải tập sống như thế trong mọi tình huống của cuộc đời.
Đứng trước nỗi khổ niềm đau, nếu
biết tâm niệm:“thế à” thì khổ
đau sẽ không có chỗ để bám víu. Là hành giả Tịnh độ tông, quý vị có thể sử dụng
câu:“A-di-đà Phật” để thay
thế rất hay. Ai nói oan ta, hãy nở nụ cười và nói:“A-di-đà Phật”, nỗi oan tức thì được tan biến. Ai phê bình,
chỉ trích, dù ta đã giải thích nhưng họ vẫn không nghe, hãy nói“A-di-đà Phật”. Đây là cách giúp phóng
thích ức chế tâm lý, giống như chữ:“thế
à”, nhưng “thế à” nếu
nói gằng giọng sẽ trở thành sự tức tối. Ngược lại, khi nói:“A-di-đà Phật” hoặc “Nam
mô A-di-đà Phật” lại mang ý nghĩa “kính lạy đức Phật Vô Lượng Quang, kính lạy đức Phật Vô Lượng Thọ”.
Quang là trí tuệ, Thọ là sự bền bỉ, trí tuệ được khai thông, sự bền bỉ được mở
rộng thì không có lý do gì ta phải chán nản, thất vọng.
Người gặp nghịch cảnh, chướng
duyên khi dấn thân làm công tác xã hội, Phật sự thường thề thốt: “tôi thề sẽ không làm nữa”, “tôi thề không bước chân đến ngôi chùa đó nữa”,
“tôi thề sẽ không gặp người đó nữa”
v.v… Đừng dại dột mà thề thốt như vậy, hãy nói “A-di-đà Phật” rủ bỏ hết, chỉ còn lại tâm nhẹ nhàng, thư
thái và bình an. Thực tập niệm Phật buông bỏ những chấp trước trong cuộc đời,
chẳng may vô thường đến lúc nào, ta ra đi trong sự bình an lúc đó. Đó là chất
lượng của đời sống hạnh phúc.
Ngày 02- 05-2008, cơn bão
Na-grít đi ngang qua Miến Điện đã để lại cái chết cho hơn 140.000 người với nỗi
đau mất mát người thân, cùng nhiều công trình xây dựng bị đổ nát, gây thiệt hại
về kinh tế không nhỏ. Mười ngày sau, vào ngày 12- 05- 2008 (2 ngày trước khi
đại lễ Phật Đản LHQ 2008 khai mạc) trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc
lại cướp đi mạng sống và mất tích của trên 80.000 người. Đặt câu hỏi: những
người chết trong thiên tai đó sẽ đi về đâu? Câu trả lời là tùy. Bởi cái chết
thường làm người ta sợ hãi và kháng cự lại như một phản ứng tất yếu, điều đó
dẫn đến sự tiếc nuối. Vì vậy, thân bằng quyến thuộc của các nạn nhân cần tổ
chức lễ cầu siêu giúp họ được siêu thoát.
Phật giáo Tích Lan, Miến Điện,
Trung Quốc, Việt Nam
đã làm lễ cầu siêu tập thể cho những người này. Với tư cách là Tổng thư ký Ủy
ban tổ chức quốc tế, tôi đã trình với ủy ban tổ chức và chính phủ Việt Nam cho phép
làm lễ cầu siêu tập thể đến ba lần. Lần thứ nhất vào ngày khai mạc với một phút
mặc niệm để chuyển năng lượng từ bi, giúp các nạn nhân buông bỏ sự chấp trước,
tiếc nuối. Lần thứ hai vào chiều ngày 14/05, do Phật Giáo Miến Điện thực hiện
ngay tại khán đài của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, và lần thứ ba vào đêm 16/05
(đêm bế mạc) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 10.000 ngọn nến được thắp sáng và
lễ cầu siêu được truyền hình trực tiếp trên VTV1, sau đó phát sóng trên VTV3 và
VTV4. Các đại biểu đến từ 74 quốc gia và trên 600 phái đoàn, cùng với chư tôn
đức từ mọi miền đất nước đã hướng tâm truyền năng lượng vô thường, vô ngã giúp
hương linh rủ bỏ sự chấp trước. Hy vọng rằng trong số đó sẽ có những người hữu
duyên nương theo nguồn tâm lượng sống để siêu sinh thoát hóa. Ai cố chấp, bám
víu, không nghe lời có thể bị vướng lụy trong tiến trình tái sinh. Cần nhấn
mạnh rằng không nhất thiết ai chết một cách bất đắc kỳ tử, mà theo kinh Dược Sư gọi là hoạnh tử đều không siêu
sinh được, nhất là cái chết chỉ diễn ra trong tích tắc. Nếu trong tiến trình
chết mà nỗi sợ hãi không có mặt thì sự ra đi tương đối nhẹ nhàng.
Ai đã từng xem qua bộ phim “Titanic” sẽ thấy rõ. Khi chiếc thuyền
sắp chìm xuống lòng biển, đạo diễn bộ phim đã tinh ý tạo ra một tình tiết khá
ấn tượng. Vị mục sư trên tay cầm xâu chuỗi, khuyên các tín đồ trên tàu hãy tin
vào Chúa, Chúa sẽ cứu họ bình an và sự sống. Ồng yêu cầu mọi người hãy đọc kinh
Thánh. Các tín đồ trung thành người níu tay, kẻ nắm lấy vạt áo, người này níu
lấy người kia, nhắm mắt lại mà tập trung đọc tụng. Trong khi đó, góc cận cảnh
quay gương mặt của vị mục sư lại đang méo mó, trông thiểu não và sợ chết vô
cùng. Cuối cùng rồi cái chết cũng diễn ra. Nếu phân tích về cái chết thì vị mục
sư đó sẽ khó được siêu. Ngược lại, các tín đồ của ông lại dễ siêu thoát hơn. Do
bởi họ thành tâm hướng về Chúa nên trạng thái tâm lý được thư thái, nhẹ nhàng.
Người sợ chết và kháng cự cái chết sẽ ra đi trong trạng thái bấn loạn tâm thức
nên khó được siêu.
LỰA CHỌN CÕI ĐI VỀ
Mấu chốt quan trọng là cần huấn
luyện, làm chủ tâm thức trong lúc sống thì khi vô thường, tang tóc đến, ta giữ
được trạng thái nhất tâm bất loạn hướng về Tây phương Cực Lạc để ra đi. Hoặc
nếu ai thích tiếp tục làm con người ở hành tinh này, mong mỏi mình trở thành
nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà nghệ thuật, nhà từ thiện v.v… thì hãy hướng tâm
về điều này. Khi ấy, người đó lại tiếp tục tái sinh ở những gia đình tương
thích về nghiệp cảm để thực hiện phận sự hay mong mỏi đó. Đi theo ước nguyện
thì sự ra đi có chỗ để đi về. Cõi đi về của con người là đi theo nghiệp hoặc
theo phát nguyện.
Trong bản đồ 10 pháp giới, có 6
pháp giới thuộc cõi phàm, 4 pháp giới thuộc cõi thánh. Trong 4 cõi Thánh có
Phật, Bồ-tát, A-la-hán, và Thanh văn (Thanh văn gồm hai loại Độc giác và Duyên
giác). Trong 6 cõi phàm gồm: thứ nhất là chư Thiên, nghĩa là con người ngoài
hành tinh có phước báu, tuổi thọ, hình thù, sức khỏe, và sự bình an cao hơn con
người ở cõi Ta bà này. Thứ hai là nhân, nghĩa là con người chúng ta, sống trong
kiếp người ở hành tinh cõi Ta bà này được xem là trung bình về phước và nghiệp.
Thứ ba là A-tu-la, được gọi là
các vị thần. Ở Việt Nam,
A-tu-la được tôn thờ ở Đình, Bà được tôn thờ ở Miếu. Văn hóa Đình ở miền Bắc
gắn liền với chùa, Đình thường được xây dựng cạnh chùa. Đình thờ những vị quan
tướng giỏi có công với quê hương xã tắc, còn được gọi là Thần Hoàng của địa
phương. Đây là một nghệ thuật nhớ ơn và ghi nhận công đức của những người có
công đóng góp cho quê hương xã tắc.
Bà gắn liền với sự hộ mệnh của
một số khu vực. Khi vô tình ta nghe nói Đình chỗ này hoặc Bà chỗ kia linh lắm,
nếu đó là một sự thật thì biết rằng Ông thần hay Bà thần đó chưa siêu. Sự tồn
tại của họ là đày đọa xác thân trong kiếp luân trần sinh giới. May mắn thay nền
văn hoá miền Bắc, Đền sát cạnh ngôi chùa nên những vị thần linh đó có điều kiện
nương vào cửa Phật, ngộ được lý vô thường, vô ngã mà siêu thoát. Đồng thời, nó
cũng là phương tiện giúp cho quý ông khi vào Đình bái viếng có dịp ghé sang lễ
bái Phật. Quan niệm sai lầm trong dân gian cho rằng Đình dành cho quý ông, chùa
dành cho quý bà. Đình gắn liền với một chính thể, quý ông có cơ hội đến để bàn
luận chính trị, và sau những cuộc bàn luận là rượu chè, nhậu nhẹt bê bết.
Trái lại, vào chùa với khung
cảnh trang nghiêm, thanh tịnh thì tư cách con người phải nhân từ, đạo đức. Quý
ông rất ngại đến chùa vì không thể nhậu nhẹt hay bàn chuyện chính trị. Thực ra,
chùa không chỉ dành riêng cho quý bà mà dành cho tất cả mọi giới, mọi thành
phần, và mọi lứa tuổi. Văn hóa chùa có Bi, Trí và Dũng. Bi tạo nên tình thương
lớn để chia sẻ khổ đau, mang an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Trí tạo ra con
đường nhận thức quan, nhân sinh quan chuẩn xác, sống trên nhân quả và đạo đức.
Dũng tạo nên sự bất khuất, kiên cường. Do đó, văn hóa Chùa hơn hẳn văn hóa
Đình.
Thứ tư là súc sinh, những ai lúc
còn sống đặt nặng sự hưởng thụ dục lạc đến độ sa đọa, tâm độc ác, thú tính,
hoặc tiếc nuối tài sản, sau khi chết nếu hết phước phải sinh vào loài cầm thú,
gia súc. Đó là bất hạnh lớn vì loài thú không phát triển ý thức. Khi mang thân
phận của loài cầm thú, gia súc thì chẳng biết đến kiếp nào mới có thể đầu thai
làm người. Loài thú trong các rạp xiếc có năng lực ngoại cảm mạnh nên nghe, cảm
nhận được ngôn ngữ và thực hành theo sự huấn luyện của con người, nhất là loài
chó, cá heo, khỉ…Vì vậy, nghiệp phàm phu của chúng được chuyển hóa, và sau khi
chết có thể được giải nghiệp, tái sanh làm con người nhanh hơn. Vấn đề quan
trọng vẫn là rũ bỏ và không chấp trước thì mới có thể siêu thoát.
Thứ năm là ngạ quỷ, cảnh giới
ngạ quỷ không nằm ở dưới lòng đất mà dân gian thường gọi đó là âm phủ. Trên
thực tế không có âm phủ, chỉ có cảnh giới trung chuyển sau cái chết do vì tiếc
nuối, bám víu nên không ra đi và tái sinh được mà thôi. Hương linh có thể tồn
tại nơi mồ mả, bàn hương án, ở bên cạnh hay trong ngôi nhà của ta, hoặc nơi mà
cái chết đã diễn ra, và họ có mặt giữa ban ngày chứ không chỉ vào ban đêm mà
thôi. Đa số hương linh đều rất cần sự giúp đỡ của những người còn sống. Do đó,
ta không nên sợ ma, vì ma không thể hại con người. Ma là đối tượng đáng thương
do vì oan ức, tiếc nuối, hận thù, không biết cách tháo gỡ nên họ cứ lẩn quẩn
trong cảnh giới sinh tử không siêu thoát được. Ta cần thực tập lòng từ bi hỗ
trợ cho hương linh rủ bỏ thân phận khổ đau thông qua các khoá lễ cầu siêu.
Thứ sáu là địa ngục, địa ngục
không có thật, chỉ là cách để răn dạy con người về phương diện nhân quả. So
sánh hình ảnh giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục được mô tả trong Phật Giáo
sẽ thấy hình thù, vóc dáng của hai cảnh giới này tương đối giống nhau. Cảnh giới
ngạ quỷ với đống xương khô, còn địa ngục với cảnh xử các tội nhân bằng nhiều
cách thức chỉ là sự hình dung, mô phỏng mà thôi. Thực tế, không có địa ngục
thật mà chỉ có địa ngục ở trần gian. Theo kinh Địa Tạng định nghĩa, địa ngục là nỗi đau được tiếp nối
không gián đoạn. Hai vợ chồng sống mà không tâm đầu ý hợp, người này nói một
câu thì người kia đáp trả lại, hơn thua nhau từng li từng tí, hận thù chất
chồng, khổ đau tiếp nối thì đó được gọi là địa ngục ở trần gian. Hoặc kẻ làm ác
liên tục tạo nỗi khổ niềm đau thì xem như đang thiết lập địa ngục cho bản thân.
Trên thực tế chỉ có tám cảnh
giới mà trong đó Thanh văn, Duyên giác và A-la-hán là ba danh xưng khác nhau
nhưng chỉ chung một trình độ tâm linh, đó là giải thoát – tức là tứ quả. Bậc
Thánh chỉ có ba gồm: Phật, Bồ-tát và A-la-hán. A-la-hán được gọi là Thanh văn,
Duyên giác, Độc giác. Bậc phàm gồm năm cảnh giới: nhân, thiên, A-tu-la, ngạ quỷ
và súc sinh. Tám cảnh giới này là hệ vận chuyển trên tâm thức nghiệp hoặc phước
của con người. Vì vậy, khi chết con người đi theo nghiệp hoặc phước. Trong nghi
thức Kinh tụng hàng ngày (tổng hợp 49 bài kinh) do tôi biên soạn từ năm 1994 và
được ấn tống nhiều lần, ở phần sám có bài “Quán
Tưởng” như sau:
Chúng sanh rồi phải bị già,
Không ai tránh khỏi lúc qua canh
tàn.
Chúng sanh bệnh tật phải mang,
Không ai sống mãi bình an, mạnh
lành.
Chúng sanh, sự chết sẵn dành,
Không ai tránh khỏi tử sanh đến
kỳ.
Chúng sanh phải chịu chia ly,
Giã từ tất cả, ra đi một mình
Mang theo gánh nghiệp ba sinh,
Theo ta như bóng theo hình không
buông.
Nay con nương đấng Pháp Vương
Niết-bàn chứng đắc, cát tường an
vui.
Đây
là một chân lý cần phải ghi nhận. Tiến trình tái sinh chết đi về đâu lệ thuộc
nhiều vào nghiệp. Nghiệp phước dẫn đến cảnh giới tái sinh tốt, hoặc nghiệp tội
dẫn đến cảnh giới tái sinh xấu. Tin tưởng vào nhân quả sẽ có một cảnh giới tái
sinh an lành. Điều quan trọng nhất phải rũ bỏ sự chấp trước mới có thể ra đi
nhẹ nhàng.