Bài 4: Tri túc là căn
bản để gìn giữ đạo nghiệp
Phiên âm:
Đệ tam giác tri: Tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ
tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ
tăng thêm tội ác. Bồ tát không như vậy, thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo
giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp.
Giảng giải:
Điều giác ngộ thứ hai: Đa dục là căn bản của sinh tử. Còn điều giác ngộ thứ
ba: Tri túc là căn bản để gìn giữ đạo nghiệp. Muốn lìa sinh tử, đầu tiên phải
trừ dục; muốn tu chính đạo, trước hết phải tri túc. Người không tri túc, cho dù
tu hành bao lâu năm, vẫn không có ngày thành tựu.
Tâm của chúng sinh không bao giờ thấy thỏa mãn đối với những gì mình đã có
được. Tiền bạc có một trăm lại nghĩ đến một ngàn, được một ngàn lại đòi lên một
vạn! Quan vị là quận trưởng mong làm tỉnh trưởng, lên tỉnh trưởng lại muốn làm
bộ trưởng!
Có một bài ca nói thật đúng cái tâm không biết đủ của con người:
Suốt ngày bận rộn cũng chỉ vì
Lo ăn, lo mặc chuyện áo y
Ăn mặc đủ rồi, lại suy nghĩ:
Phòng trung còn thiếu vợ đương thì!
Vợ đẹp, hầu non đều đủ cả
Ra vào xe ngựa lấy đâu đi?
Ngựa đã thành bầy, xe đã sẵn
Lại lo ruộng ít, khó thu chi!
Mua được ruộng vườn trăm vạn mẫu
Sợ không quan chức bị người khi!
Tam phẩm, tứ phẩm còn chê nhỏ
Ngũ phẩm, thất phẩm có ra gì.
Nhất phẩm vừa lên quan tể tướng
Lại muốn làm vua, chắc có khi?
Thỏa lòng lên được ngôi thiên tử
Mơ ước thành tiên sống trường kỳ!
Tham vọng leo thang không dừng nghỉ
Vô thường chợt đến, ôm hận đi!
Đây là nói về một người sống trong dục vọng, không bao giờ biết đủ về giàu
sang, công danh, để kiếp người đáng qúi trôi qua trong phiền não khổ đau.
Tai họa trên thế gian, tội ác trong cuộc sống đều do tâm không biết đủ này
mà ra. Mọi người ai cũng biết:
Một mai vô thường đến
Mới hay mộng huyễn thân
Muôn việc đem chẳng được
Chỉ nghiệp theo thức thần!
Nhưng họ sống một ngày là lại tham cầu một ngày!
Theo truyền thuyết, ông Lữ Động Tân vốn là vị tu tiên về sau qui y Phật
giáo. Một hôm, ông chợt khởi lên ý tưởng muốn thử căn cơ chúng sinh, xem có thể
hóa độ được không. Ông liền hóa làm một ông lão xuống phàm trần và gặp một đứa
trẻ. Ông bước đến hỏi:
- Này chú bé, chú muốn gì? Chỉ cần chú nói cho tôi biết, tôi sẽ làm vừa lòng
chú!
Chú bé ấy suy nghĩ, cái quí nhất trong đời không gì hơn vàng, có vàng chuyện
gì làm cũng xong, nên đáp:
- Tôi muốn có một khối vàng!
Lữ Động Tân liền chỉ ngón tay vào tảng đá bên cạnh, khối đá bổng nhiên biến
thành khối vàng! Ông nói:
- Này chú nhỏ, hãy mang khối vàng này đi, xem như là lễ ra mắt của chúng ta!
Chú bé ấy ngạc nhiên đến sững người trước việc chỉ đá hoá vàng của Ngài,
nhưng sau khi suy nghĩ một lát, lại nói:
- Tôi không muốn khối vàng này!
- Vì sao không muốn?
- Tôi chỉ muốn ngón tay của Ngài!
- Ngươi muốn ngón tay ta để làm gì?
- Vừa rồi Ngài nói sẽ làm vừa lòng tôi. Khối vàng này có lúc sẽ xài hết, nếu
Ngài cho tôi ngón tay, lúc cần tiền chỉ việc dùng nó để chỉ đá hóa vàng, sẽ mặc
sức tiêu xài!
Chú bé này tâm không biết đủ, không nhận ra tấm lòng của người tốt khiến cho
Lữ Động Tân vô cùng thất vọng. Ngài chỉ còn biết than chúng sinh khó độ mà
thôi!
Chúng sinh tâm không biết đủ, chỉ lo tham cầu, tăng thêm tội ác là một điều
không thể phủ nhận. Tham dục càng nhiều, tội lỗi càng lắm. Không ai biết nghĩ
đến:
Ngàn gian nhà rộng thênh thang Đêm nằm ngủ chỉ vài gang là vừa Tiền muôn bạc
vạn thải thừa Ngày ăn ba bữa, cất chừa làm chi?
Đàng sau gia tài đồ sộ kia, không biết che dấu biết bao tội ác! Bên trong
địa vị cao sang đó, ai hay ẩn chứa thật lắm âm mưu! Những tham cầu phi pháp,
làm tăng thêm tội lỗi, tóm lại có mấy điểm như sau:
Lấy trộm tài vật của người:
Ví dụ như ăn trộm, ăn cướp, làm thổ phỉ chuyên cướp đoạt tài vật của người
để sống.
Chối bỏ trách nhiệm:
Như mượn đồ vật của ai, đến kỳ không trả, lại chối nói không có, hay đổ
thừa, hại người lợi mình
Nuốt lời gửi gắm:
Ví dụ có người bận việc đi xa, gửi đồ cho mình trông coi hộ. Đến khi họ trở
về lấy lại, mình phủ nhận, rồi chiếm làm của riêng.
Dối lấy của chung:
Ví dụ hai người cùng hùn vốn làm ăn, khi có lợi nhuận đáng lẽ phải chia đều,
mà mình vì muốn hưởng nhiều hơn, nên số lời nhuận đúng ra là mười triệu mà chỉ
nói có năm triệu.
Thừa cơ chiếm dụng:
Ví dụ biển thủ của công, giảm bớt giờ làm, ăn xén vật liệu, mượn của công
làm việc tư v.v….
Cậy thế lực lấy của người:
Ví dụ như tham ô, dùng thủ đoạn qua mặt pháp luật, mượn thế lực chèn ép,
cưỡng đoạt của người ta, khiến cho họ không dám kêu ca.
Kinh doanh phi pháp:
Như mở quán rượu, vũ trường hay giết heo mổ trâu, hoặc buôn bán các dụng cụ
sát sinh.
Lòng người không biết nhàm đủ, nên việc tham cầu phi pháp là điều không thể
tránh khỏi. Thực ra, y phục vốn là để che thân và ngăn gió lạnh, nhưng người có
tiền lại đòi hỏi quần là áo lụa, nhung gấm hoa hòe; cơm ăn vốn cho khỏi đói,
nhưng người có tiền lại muốn mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị; chỗ ở vốn để tránh
gió che mưa, nhưng người có tiền lại muốn nhà cao cửa rộng, trang hoàng lộng
lẫy; về mặt giải trí thì núi sông hoa cảnh trong thiên nhiên người ta không cho
là đủ, lại còn rượu chè, khiêu vũ, bài bạc đủ thứ . Vật chất hữu hạn mà dục
vọng con người lại vô cùng thì làm sao thỏa mãn cho được? Do đó con người cứ
chạy theo lòng dục, luôn mãi tìm cầu, bất kể thủ đoạn, hại người lợi mình, gây
ra vô số tội ác.
Phàm phu trong vòng điên đảo do tâm không biết đủ nên tham cầu nhiều điều
phi pháp. Nhưng bậc Bồ tát tu hành lại thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo
giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp. Pháp sư Đạo An đời Tấn là vị công thần bậc nhất
trong lịch sử Trung Quốc. Một hôm có cư sĩ là Khích Siêu sai người dâng Ngài
một ngàn hộc gạo trắng để cúng vào ngôi Tam Bảo. Trong chùa không có kho lương
thực lớn nào có thể chứa đủ số lượng nhiều như thế. Ngài Đạo An phải dành ra ba
ngôi nhà lầu mới để hết một ngàn hộc gạo. Nhân đó Ngài viết thư trả lời cư sĩ
Khích Siêu, trong đó có đoạn viết: "Nhờ ông cúng cho chúng tôi một ngàn
hộc gạo, nhưng cũng vì thế mà tăng thêm phiền hà cho việc chứa cất!"
Bất cứ ai cũng hiềm của cải ít, mà Đạo An lại hiềm của cải nhiều! Đây là tâm
lượng của bậc Thánh giả, là thái độ của Bồ tát đối với thế gian.
Bậc tu đạo giác ngộ đối với vật dục thế gian cho rằng: Tham cầu nhiều, kết
quả sẽ bần cùng; hoan hỷ xả bỏ, sẽ giàu có hạnh phúc. Của cải nhiều thì tâm làm
tôi mọi cho hình hài, cuộc sống không sao an tĩnh được!
Một người không biết tri túc, tâm đam mê ngoại cảnh, hễ tham tài lợi thì
sinh mạng nằm trong tay của tài lợi; hễ tham sắc đẹp thì sinh mạng nằm trong
tay của sắc đẹp! Người tham lam cần phải biết, ngay thân mình còn không giữ
được, huống chi của cải là những thứ bên ngoài? Như các tay cự phú bao đời mà
nay có còn đâu? Nếu biết tri túc thì sinh mệnh mới an định, cuộc sống mới thực
sự an lạc.
Thuở xưa có một người cưỡi la ra ngoài dạo chơi, gặp một người cưỡi ngựa đi
phía trước, trong lòng rất ưa thích, mong ước có được con ngựa cao to như thế
để cưỡi. Nhưng liền đó anh ta quay đầu lại nhìn thấy một người đang cực nhọc
đẩy xe mồ hôi như tắm. Anh suy nghĩ chu đáo, tâm tham muốn liền lắng dịu, rồi
cảm khái thốt lên bài thơ:
Người khác cưỡi ngựa, mình cưỡi la
Tủi thân sao lại kém người ta?
Quay đầu chợt gặp ông xe đẩy
Mới thấy vẫn còn hơn người xa!
Điều này cho thấy, nếu chúng ta nhìn người giàu sang hơn mình, sẽ bất bình,
sinh tâm không biết đủ. Nhưng nếu ta so với người nghèo hèn hơn, sẽ tự nhiên
không còn tham cầu, không tạo nghiệp xấu. Câu biết đủ thường an lạc thật đáng
cho người học đạo chúng ta ghi lòng tạc dạ!
Người giác ngộ luôn luôn là người tri túc nên không tham cầu phi pháp. Bồ
tát giác ngộ không phải là không cần tiền, mà là khéo biết dùng tiền. Tiền bạc
tích trữ thì không phải thuộc về mình, tiền bạc dùng vào việc có ích mới thuộc
về mình. Cho nên cách người giác ngộ xử lý tiền bạc như sau:
Mười phần tiền của kiếm được, hai phần dùng vào việc phước thiện, bố thí
cúng dường; hai phần chi dụng trong cuộc sống hàng ngày; hai phần để dành phòng
khi già cả, yếu đau, và lúc cần gấp. Còn lại bốn phần dùng vào việc kinh doanh
để phát triển gia nghiệp.
Phật Pháp nói tiền bạc là sở hữu chung của năm nhà:
1. Nhà vua quan: Bọn tham quan ô lại có thể dựa vào quyền thế để tước
đoạt của cải chúng ta.
2. Nhà lửa nước: Tai nạn lũ lụt, hỏa hoạn có thể cuốn trôi, đốt sạch
của cải chúng ta trong một buổi.
3. Nhà trộm cướp: Trộm cướp lén lấy trộm hay ngang nhiên cướp đoạt
của cải chúng ta.
4. Nhà chiến tranh: Gặp lúc chiến tranh khói lửa, nhà cửa ly tán, của
cải càng nhiều càng lo sợ, nguy hiểm.
5. Nhà con cái: Gặp con cái bất hiếu, phá tán gia tài, khiến tan nhà
nát cửa.
Tiền của chính thuộc về năm nhà này. Người tri túc vì biết: Người ta ăn thì
còn, còn mình ăn thì hết, nên không chỉ cất chứa, hưởng thụ riêng cho mình, mà
còn biết bố thí cúng dường để vun trồng cội phước và làm những việc lợi ích.
Của cải đó mới là chân thật của mình.
Thời Chiến Quốc vua Tề Tuyên Vương muốn bái Nhan Xúc làm thầy, nên nói với
ông rằng:
- Chỉ cần Ngài nhận tôi làm đệ tử, sống chung với tôi, thì mỗi ngày sẽ ăn
cao lương mỹ vị, mặc toàn lụa là gấm vóc, ra ngoài có kiệu xe đưa rước, lại
thêm có mỹ nhân hầu hạ.
Nhan Xúc thản nhiên đáp:
- Cảm ơn lòng tốt của Ngài, nhưng tôi không mong làm thầy của vua. Tôi chỉ
mong được thảnh thơi ăn cơm, thì ngon đồng như ăn thịt; ra đường từ từ dạo
bước, nào khác với việc đi xe; an phận giữ mình, không làm điều sai quấy, thì
đó là tôn quí; đời sống thanh tịnh, phàm làm việc gì đều không trái với đạo lý,
thì đó là an lạc, hạnh phúc.
Tri túc như Nhan Xúc mới không bị thế gian làm nhục. Người tu hạnh Bồ tát có
thể sống yên vui trong cảnh nghèo vẫn giữ đạo thanh tịnh, lấy việc cầu trí tuệ
giải thoát làm sự nghiệp cả đời mình. Đại sư Huệ Năng giã gạo chuyên cần. Thiền
sư Bách Trượng một ngày không làm, một ngày không ăn. Luật sư Hoằng Nhất mấy
mươi năm mặc một chiếc áo bông. Hòa thượng Hư Vân lúc ở chùa Chân Như chỉ uống
nước thay cơm mà không khuất phục trước thế lực ác. Học được tinh thần vui
nghèo giữ đạo của các vị đó mới có thể thực sự thấu hiểu được cuộc sống, tận
dụng được cuộc sống!
Bồ tát tu học Phật Pháp không nhất thiết phải nghèo khổ mới gọi là thanh
cao. Trong Phật giáo có rất nhiều vị trưởng giả giàu có. Nếu bên trong tham dục
không trừ, bề ngoài làm ra vẻ khổ hạnh, đây là điều cần phải tránh!
Trong Phật giáo, cũng không phải dạy chúng ta không cần tiền, mà dạy chúng
ta nên có tiền của chính đáng, dùng vào chỗ chính đáng. Nếu tiền của có được và
sử dụng một cách chính đáng, thì có càng nhiều lại càng tốt! Nếu là tiền của
không chính đáng, dầu một đồng xu cũng không lấy.
Thuở Phật còn tại thế, một hôm Ngài và A Nan cùng đi trên đường, gặp một
khối vàng không biết là của ai đánh rơi. Đức Phật thấy rồi quay sang A Nan bảo:
- Này A Nan, ông có thấy không? Rắn độc đó!
A Nan đáp:
- Bạch Phật con có thấy. Quả là rắn độc!
Đức Phật và A Nan đi khỏi, hai cha con nông dân đang làm ruộng nghe nói rắn
độc, bèn hiếu kỳ bước lại xem thử, song không ngờ đó lại là một khối vàng! Hai
người hết sức vui mừng, cười thầm thầy trò đức Phật thấy của qúi mà không biết.
Họ bèn mang khối vàng về nhà, cho rằng nay mai sẽ phát tài. Không bao lâu, nhà
vua biết vàng bạc trong kho có người trộm mất nên ra lệnh điều tra. Đội điều
tra tìm thấy trong nhà hai cha con có khối vàng ròng, thật không cách gì chối
khỏi tội trộm, khi chứng cứ đã rành rành. Do đó họ bị bắt giam vào ngục, khép
vào tử tội. Hai cha con nông dân thấy mình thật oan uổng, mới nhớ lại lời đức
Phật nói với A Nan quả không sai. Người cha bèn đóng vai đức Phật, nói với con
rằng:
Này A Nan, ông có thấy không? Rắn độc đó!
Người con đáp:
Bạch đức Phật, con có thấy. Quả là rắn độc!
Quan coi ngục nghe hai cha con hỏi đáp rất lấy làm kỳ lạ, nên cho thẩm vấn
lại, điều tra kỹ lưỡng mới biết họ bị oan.
Hai cha con người đó vì cất chứa vàng bạc mà làm hại mình. Họ lại nhờ nhớ
được lời Phật và A Nan đối đáp về đạo lý vui nghèo giữ đạo mới được cứu thoát.
Qua đó ta thấy, của cải không phải phần mình không nên lấy, vui nghèo giữ đạo
mới là cách sống an ổn chân chính.
Tiền bạc là rắn độc, nhưng sống không thể thiếu tiền bạc. Cho nên tiền bạc
cũng là tư lương của người học đạo. Đây chỉ là vấn đề sử dụng tiền bạc đúng hay
không đúng mà thôi! Dùng tiền bạc để lo sự nghiệp xây dựng hạnh phúc cho mọi
người; dùng tiền bạc để hộ trì việc tu học, bồi dưỡng giới thân tuệ mạng của
tăng ni, thì tiền bạc không phải là rắn độc mà là tịnh tài!
Bậc Thánh giả vui nghèo giữ đạo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, thì không nên
cất chứa rắn độc, song nên biết dùng tịnh tài để lo việc Phật sự.
Dịch Thơ:
Điều thứ ba biết tâm giong ruổi
Luôn tìm cầu, đeo đuổi chẳng nhàm
Không sao thỏa được lòng tham
Tội kia theo đó, càng làm càng sâu
Bậc Bồ tát vô cầu, biết đủ
Vui phận nghèo, qui củ tu hành
Trau dồi tuệ nghiệp lợi sanh
Vung gươm trí tuệ, cắt mành vô minh.