Bài 5: Tinh tấn là
căn bản để hàng phục ma chướng
Phiên âm:
Đệ tứ giác tri: Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não
ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ tư: Giải đãi phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn,
để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.
Giảng giải:
Trong đời này, không luận làm việc gì cũng cần phải có tinh thần đại hùng,
đại lực, đại vô úy mới có thể thành công. Chúng ta dù xây dựng sự nghiệp trong
xã hội, hay tu học đạo nghiệp trong Phật Pháp, đều gặp không ít chướng ngại hay
ma nạn. Nếu ta do dự không tiến tới, hoặc có chút ít giải đãi, sẽ không thành
tựu được một việc gì cả! Nên trong đoạn Kinh này, chúng tôi sẽ giảng đến đề
tài: Tinh tấn là căn bản để hàng chục ma chướng. Giải đãi là chỉ sự không hết
lòng, hết sức trong viêc đoạn ác tu thiện. Giải là căn thân mệt mõi; đãi là tâm
thức phóng túng. Giải đãi là căn bệnh chung của chúng sinh, mà thuốc trị nó
chính là tinh tấn.
Tinh tấn có nghĩa: Tâm thiện của chúng ta chưa phát sinh, thì nỗ lực khiến
cho sớm phát sinh; tâm thiện đã sinh, thì nỗ lực làm cho được tăng trưởng; niệm
ác chưa sinh thì cố gắng giữ đừng cho sinh: niệm ác đã sinh, thì cố gắng sớm
dứt trừ. Thế gian này là cảnh giới ma. Tinh tấn có thể thành Phật, giải đãi sẽ
đọa vào ma giới.
Xem lại các bậc Thánh hiền thành tựu đạo nghiệp thuở trước, không ai là
chẳng trải qua một phen dùng tử công phu. Chúng tôi sẽ nói về Ngài A Na Luật,
đương cơ của Kinh này.
Một hôm trong Pháp hội của Phật, Tôn giả A Na Luật bổng bị hôn trầm, giải
đãi che lấp tâm tánh nên ngủ gục. Đức Phật thấy đệ tử giải đãi không tinh tấn
như vậy liền gọi Ngài tỉnh dậy, quở rằng:
Than ôi ông ham ngủ
Như sò ốc trong vỏ
Ngủ một giấc ngàn năm
Không nghe danh hiệu Phật!
A Na Luật nghe xong, trong lòng rất hổ thẹn bèn phát nguyện từ nay về sau
không ngủ nữa, mỗi ngày nếu không kinh hành thì tụng Kinh. Một hai ngày không
ngủ cũng không sao. Nhưng A Na Luật thức liên tiếp nhiều ngày đã ảnh hưởng xấu
đến sức khỏe và nhất là con mắt, song Ngài vẫn quyết chí tinh tấn tu tập như
vậy. Một thời gian sau, Ngài trở nên mù lòa.
Đức Phật thấy Ngài vì quá tinh tấn mà phải mù lòa nên rất thương, mới dạy
Ngài tu tập môn Kim Cương Chiếu Minh Tam Muội. Chẳng bao lâu Ngài chứng được
thiên nhãn thông.
A Na Luật chỉ nghe Phật dạy một câu mà tinh tấn như thế. Người ta nếu không
bị tình dục làm mê hoặc, sẽ không bị tà ma làm nhiễu loạn. Người học Phật nghe
học Kinh Pháp, liễu tri thật tướng vạn hữu, đây là được đại trí của Bồ tát Văn
Thù. Nhưng lại phải tinh tấn thực hành trí bát nhã đó, mới có thể khế hợp với
đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền.
Tập khí của chúng sinh là ưa nhàn nhã, thích hưởng thụ nên khó phát tâm dũng
mãnh, tinh tấn tu đạo. Đức Phật trong nhân tu quá khứ, từng xả thân cho cọp,
cắt thịt cho chim ưng. Đây là tâm tinh tấn, hy sinh, làm được việc khó làm,
nhẫn được việc khó nhẫn. Những kẻ phê bình Phật giáo là tiêu cực, làm sao có
thể tưởng tượng hay thể hội được điều này?
Bồ tát Quán Thế Âm với:
Ba mươi hai tướng, hiện Ta bà
Độ khắp muôn loài, kiếp hằng sa.
Ngàn chỗ nguyện cầu, ngàn chỗ ứng
Thuyền từ biển khổ, độ người ra.
Nếu người học Phật không có tinh thần tinh tấn, làm sao làm được như vậy?
Bồ tát Địa Tạng với lời nguyện:
Địa ngục chưa hết
Thề chưa thành Phật
Chúng sinh độ tận
Mới chứng Bồ Đề
Đây không phải là tinh thần tinh tấn của bậc đại nhân, đại trí hay sao?
Thời nay người ta rủ mình cờ bạc ăn tiền, nếu mình không theo, họ sẽ cho
mình là tiêu cực! Mời mình chè chén, khiêu vũ, mình không nhận lời, họ cho mình
là thụ động! Bậc Thánh giả tu học Bồ tát đạo, tinh tấn liễu thoát sinh tử, rộng
độ chúng sinh. Tinh thần tích cực này là điều mà người bình thường khó mà hiểu
được!
Đại sư Huyền Tráng đi Thiên Trúc thỉnh Kinh, trải qua tám trăm dặm sa mạc,
giữa đường thiếu nước cơ hồ bỏ mình nơi hoang mạc, song Ngài vẫn nguyện: Thà đi
về hướng Tây một bước mà chết, quyết không quay về hướng Đông một bước mà sống!
Nếu không phải là người có nhiệt tình tôn giáo, tâm tinh tấn vì đạo, thì làm
sao có thể làm được việc như vậy?
Đại sư Tuệ Khả đến tham bái Tổ sư Đạt Ma, đứng ngoài tuyết lạnh, chặt tay
cầu Pháp mà vẫn không thoái thất tâm tốt ban đầu. Thử hỏi, nếu không có tâm
tinh tấn cầu Pháp, thì làm sao có thể làm được như vậy? Trong Phật Pháp, lục độ
lấy tinh tấn làm chủ yếu. Không luận bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định,
trí tue? nếu không có tinh tấn, thì không cách nào thành tựu Ba la mật.
Trong Kinh nói tinh tấn có mười điều lợi ích:
1. Không bị lực lượng bên ngoài chiết phục.
2. Được chư Phật nhiếp thọ.
3. Chúng trời người kính ngưỡng.
4. Nghe được Chánh Pháp không quên.
5. Tìm biết được những điều chưa biết.
6. Tăng trưởng vô ngại biện tài.
7. Được an trú trong thiền định.
8. Ít bệnh, ít não, ít hoạn.
9. Ăn uống dễ dàng tiêu hóa.
10. Như hoa ưu đàm nở.
Tinh tấn như cọ xát cây lấy lửa, không thể dừng nghỉ giữa chừng. Tâm Bồ đề
đã phát nếu không có sức tinh tấn thường hằng thì khó mà duy trì được. Không
luận làm điều gì, nếu không có hằng tâm, tinh tấn, nghị lực, giữa chừng bỏ dở,
thì chắc chắn không thu được ích lợi, thành tựu được kết quả. Người ta gọi là:
nhiệt tình lửa rơm!
Người không có tâm tinh tấn thường hằng, làm việc với tâm thái nhiệt tình
lửa rơm như vậy, thì làm sao có thể thành công? Muốn tâm tinh tấn được lâu bền,
phải có tinh thần như Khổng Minh: Dốc lòng hết sức, đến chết mới thôi, và thái
độ: Chỉ lo cày bừa, không nghĩ thu hoạch. Nếu người có tâm mong mau chóng thành
tựu, hay cầu cái lợi trước mắt, thì khi vừa gặp thất bại đã bỏ cuộc, mới bị thử
thách liền nản lòng. Người làm việc có đầu không có đuôi, có thủy không có
chung như vậy, là không có tinh thần tinh tấn, không ngại gian lao, không nài
khó nhọc. Trong Kinh có kể một đoạn ngụ ngôn:
Có một con chim anh vũ, thấy một khu núi rừng bị lửa thiêu cháy, thế lửa rất
mạnh.
Nó cảm thấy hết sức đau lòng, thương cho các loài sinh vật trong đó, liền
bay đến bờ sông dùng miệng ngậm nước để cứu lửa. Việc làm này giống như đem
nước một chén mà cứu lửa cả xe, đương nhiên không giải quyết được vấn đề. Nhưng
chim vẫn quyết tâm không từ bỏ việc cứu lửa.
Lúc đó vị thần lửa trên trời biết được, liền hiện xuống nói với chim:
- Này chim anh vũ, thế lửa lớn dường ấy mà ngươi chỉ dùng vài giọt nước ngậm
trong miệng để dập tắt, thì làm sao mà có kết quả? Đây không phải là việc tốn
công vô ích hay sao?
Chim Anh Vũ đáp rằng:
- Cứu lửa đó là điều mọi người nên làm hết trách nhiệm. Tuy sức tôi rất nhỏ,
nhưng không thể không tận tâm, tận lực.
Lời nói của chim anh vũ rất bình thường, nhưng tráng chí của nó thật vĩ đại.
Tinh thần dũng mãnh, thấy khó khăn không lui bước này đã khiến thần lửa cảm
động sâu xa, nên đã dập tắt đám cháy đó giùm chim anh vũ.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có tất cả sáu chương nói về người học đạo nên
tinh tấn như thế nào. Tinh tấn được chia làm ba loại:
Phi giáp tinh tấn.
Nhiếp thiện pháp tinh tấn.
Lợi lạc hữu tình tinh tấn.
Sao gọi là phi giáp ( mặc áo giáp ) tinh tấn? Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:
Người học đạo như kẻ chiến đấu với vạn người, mặc áo giáp ra trận, nếu ý khiếp
nhược sẽ giữa đường thoái lui, hoặc chiến đấu đến chết. Nếu tinh tấn dũng mãnh,
không sợ gươm đao, thì dấn thân vào chỗ chết để tìm ra đường sống, phá diệt các
ma, mà được đạo quả. Cho nên, mặc áo giáp tinh tấn là nói người tu phải có tinh
thần chiến đấu với các ác pháp.
Thế nào là nhiếp thiện pháp tinh tấn?
Mặc áo giáp tinh tấn là trừ ác, nhưng tinh tấn còn phải hoàn thành thiện
pháp, đây gọi là nhiếp thiện pháp tinh tấn. Không luận người xuất gia hay tại
gia, khi tu tập thiện pháp không nên quá gấp, cũng không nên quá chậm, cốt yếu
vừa chừng là tốt. Gấp quá thì bị sức phản động mà lui sụt. Chậm quá thì do giải
đãi mà thoái đọa. Như gảy đàn, dây đàn chùng thì âm thanh không vang đúng mức,
dây căng quá sẽ dễ đứt. Vì vậy, việc tu thiện pháp không nên quá chậm, cũng
không nên quá gấp. Gấp hay chậm đều là sai lầm, đệ nhất nghĩa trong Phật Pháp
chính là trung đạo!
Thế nào là lợi lạc hữu tình tinh tấn?
Người học Phật phải phát tâm đại từ bi, độ khắp chúng sinh. Nhưng chúng sinh
trong tam giới vô lượng vô số, nếu không tinh tấn làm sao thực hiện được chí
nguyện độ sinh? Ta phải có tâm từ bi vô hạn, có chí độ sinh vô cùng, thì mới có
thể tinh tấn không thoái lui.
Chúng ta trên bước đường tu học, thường hay mắc phải chứng bệnh: Căn thân
mệt mỏi, tâm thức phóng túng! Đây là do chưa nhận thức rõ thời gian và sinh mệnh
trân quí biết chừng nào. Chúng ta sống trong dòng thời gian, nghĩ rằng: Ngày
nay trôi qua vẫn còn ngày mai; năm nay không làm, còn có năm sau; tuổi trẻ
không tu, hãy còn lúc gia, vì vậy mới luống qua thời gian, dần dà hết kiếp!
Không ngờ, kết quả do thói quen giải đãi, ỷ lại này, khiến ta phải chịu đọa
lạc, khổ đau!
Chúng ta nếu biết sinh mệnh là trân quí, thời gian qua rồi không trở lại,
thì phải luôn khắc ghi trong tâm hai chữ vô thường, không một giây phút chần
chờ, không một ý niệm xao lãng, trực tâm hướng về chính đạo.
Thuở xưa, đức Phật hỏi các đệ tử:
- Mạng người trong bao lâu?
Một đệ tử đáp:
- Trong vài ngày!
Đức Phật lắc đầu bảo:
- Ông chưa hiểu đạo.
Ngài lại hỏi một vị khác:
- Mạng người trong bao lâu?
- Mạng người trong khoảng bữa ăn.
Phật cũng lắc đầu bảo:
- Ông chưa hiểu đạo!
Rồi Ngài lại hỏi một vị khác:
- Mạng người trong bao lâu?
Vị này đáp:
- Mạng người trong hơi thở!
Đức Phật vô cùng hoan hỉ, khen rằng:
- Lành thay! Ông hiểu được đạo!
Người biết giác ngộ mạng sống trong khoảng hơi thở, thì đôí với việc tu đạo,
hành thiện sao dám giải đãi? Đối với việc tu đạo hành thiện, nếu không nỗ lực
tinh tấn, làm sao có thể thành tựu? Tinh là chuyên ròng không tạp; tấn là tiến
mãi không lui. Mục đích của tinh tấn là phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, ra
ngục ấm giới.
Trời đất lâu dài có lúc hoại, phiền não miên man không tận cùng! Phiền não
vô minh vốn câu sinh với ta, nằm sẵn trong tâm, khiến chúng sinh không thoát
khỏi luân hồi, sinh tử. Học Phật, việc lớn nhất là phá phiền não ác. Phiền não
là chỉ phiền tâm va não thân. Phiền não còn nguy hiểm hơn oán tặc, cường đạo,
thổ phỉ. Cổ nhân bảo: Bắt giặc trong núi dễ, dẹp giặc trong lòng kho. Cuộc sống
bất an, đau khổ, đều do phiền não gây ra cả!
Phật Pháp có tám muôn bốn ngàn Pháp môn là để đối trị tám muôn bốn ngàn
phiền não. Lấy bất tịnh quán để đối trị tham dục, lấy từ bi đối trị sân hận,
lấy vô ngã đối trị kiêu mạn, lấy chánh tín đối trị nghi hoặc, lấy chánh kiến
đối trị tà kiến. Phiền não tóm lại có sáu loại căn bản: tham, sân, si, mạn,
nghi, ác kiến. Ngoài sáu loại căn bản phiền não này ra, còn có hai mươi loại
tùy phiền não.
Căn bản phiền não như rễ cây, nó là gốc rễ của tất cả phiền não. Trong hai
mươi tùy phiền não, lại chia ra có mười tiểu phiền não, hai trung phiền não và
tám đại phiền não. Mười tiểu phiền não là: phẫn nộ, cừu hận, kết oán, giả dối,
gian trá, siểm khúc, ngạo mạn, bách hại, tật đố, tự tư.
Hai trung phiền não là: vô tàm, vô quí.
Tám đại phiền não là: bất tín, giải đãi, phóng dật, hôn trầm, trạo cử, thất
niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Chúng ta sở dĩ không nhận ra được bản tánh chân như của mình, là do phiền
não che lấp ánh sáng tâm thể. Chúng ta sống trong nguy hiểm, lo sợ, là do phiền
não nhiễu loạn. Cội gốc của tất cả phiền não chính là ngã chấp. Chúng sinh do
chấp ngã nên tất cả phiền não mới dấy khởi. Cho nên cổ đức nói: Muốn học Phật
Pháp, trước hết hãy vô nga. Tu chứng được cảnh giới vô ngã, cũng chính là đạt
được cảnh giới không còn phiền não.
Ngã chấp đây là căn bản của phiền não sinh tử. Vô ngã là điều khó thực hiện
biết bao! Ngã chấp không trừ, thì phiền não ác không thể phá được. Cách phá
phiền não ác là trước phải tu tập ba môn vô lậu học: giới –định – tuệ, kế nữa
là niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà thì phiền não ác sẽ từ từ được phá trừ, bản lai
diện mục của chúng ta dần dần được hiển lộ.
Phiền não phá rồi lại còn phải hàng ma. Những gì có thể làm hư hoại thiện
căn, dứt mất tuệ mạng của chúng sinh, đều gọi là ma. Những chướng ngại, nhiễu
loạn, phá hoại, dụ hoặc hay cướp đoạt tuệ mạng đều gọi là ma. Ngoại cảnh có ma:
sắc thanh danh lợi; trong tâm có ma: tham sân phiền não. Không có tinh thần
hàng phục ma thì không thể tu đạo. Ma có mặt khắp mọi nơi, nhưng nguy hiểm nhất
lại là ma ẩn tàng ngay trong tâm chúng ta! Trong các tu viện lớn, tượng Bồ tát
Vi Đà tay cầm chày hàng ma đứng mặt ngó vào mình, cho thấy hàng phục nội ma
quan trọng hơn hàng phục ngoại ma!
Phật giáo suy vi, những vị mang tâm niệm tiếp nối làm hưng thịnh hạt giống
Phật, khiến Chánh Pháp cửu trụ Ta bà, thật hiếm có người! Còn hạng mặc áo Phật,
ăn cơm Phật, mượn danh là đệ tử Phật để mua bán Như Lai, thì ma con, ma cháu
rất đông. Làm người con Phật chân chánh, ngày nay phải có tinh thần khiêu chiến
với ma! Thời mạt Pháp, cách Thánh lâu xa thì Phật cao một thước, ma cao một
trượng! Mong rằng đệ tử chánh tín của Phật thời nay phải học theo Bồ tát Vi Đà,
tay cầm chày hàng ma, tuân theo lời dạy Kinh này để hàng phục tất cả ma quỷ chướng
đạo!
Kinh văn nói: Hàng phục bốn ma. Bốn ma đó là:
1.Phiền não ma: Đây là chỉ tập khí tham sân si v.v… làm não hại thân tâm.
2. Ngũ ấm ma: Đây là chỉ năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sinh ra tất
cả đau khổ.
3. Tử ma: Đây là chỉ sự chấm dứt mạng căn sinh tồn của chúng sinh.
4. Thiên ma: Đây chỉ thiên ma ngoại đạo làm hư hoại thiện căn của chúng
sinh, như ma vương ở cõi trời Tự tại dục giới.
Trong Tiểu Chỉ Quán và Khởi Tín Sớ v.v…, đều nói cách hàng phục bốn ma là
trì niệm Thánh hiệu đức Phật A Di Đà, hay xưng niệm tam quy, ngũ giới, hoặc
tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Đức Phật Thích Ca khi ngồi trên tòa Kim cang dưới cội Bồ
đề, trước phải hàng phục ma, rồi sau mới thành đạo!
Phiền não khiến chúng ta gây tạo tội ác đã phá trừ; ma chướng làm nhiễu loạn
đạo nghiệp của chúng ta đã hàng phục, thì có thể ra khỏi luân hồi sinh tử, giải
thoát lao tù ngũ ấm, tam giới!
Ngũ ấm là chỉ sắc thân do ngũ uẩn hòa hợp của loài hữu tình. Ấm có nghĩa là
che ngăn, vì sắc thọ tưởng hành thức thường ngăn che chân như Phật tánh của
chúng hữu tình. Tam giới chỉ dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Ngũ ấm là chỗ tụ họp của các khổ, ba cõi như ngôi nhà đang bốc cháy. Thân
tâm, thế giới đều vô thường không thật, như lao ngục không thể nương cậy. Phải
phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, mới có thể ra khỏi ngục ấm giới!
Chúng sinh phải tinh tấn tu đạo, không được giải đãi, buông xả thân năm ấm,
ra khỏi nhà ngục tam giới, chứng đắc pháp thân thường trú, an nhiên tự tại, mới
là cảnh giới an ổn, giải thoát, quang minh!
Dịch Thơ:
Điều thứ tư phải luôn ghi nhớ
Lười biếng làm lỡ dở đạo tâm
Quen theo thói tục lạc lầm
Đắm mê sa đọa trong hầm khổ đau.
Nên thường phải dồi trau tinh tấn
Dũng mãnh tu phá những não phiền
Bốn ma hàng phục bình yên
Khỏi ngục ấm giới về miền chân như.