Bài 7: Bố thí là căn
bản rộng độ chúng sanh
Phiên âm:
Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên. Bồ Tát bố thí, đẳng
niệm oan thân, bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết ngang duyên
ác. Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không
ghét bỏ người ác.
Giảng giải:
Trong đoạn Kinh trên, trước hết chúng tôi sẽ nói quan điểm về giàu nghèo
trong thế gian theo Phật giáo.
Trong đời này, người có tiền ở nhà cao cửa rộng, ăn món ngon vật lạ; người
không tiền kiếm nhà tranh ở cũng khó, ba bữa ăn chưa chắc đã no. Người nghèo
hèn lúc gặp vận may, của cải vào như nước. Người giàu sang khi gặp vận rủi,
phải lưu lạc xin ăn. Đây là những điều thường thấy trong đời. Cho nên nghèo hèn
không phải nghèo hèn mãi; giàu sang cũng chẳng phải giàu sang hoài. Nghèo hèn
là do xan tham, giàu sang là nhờ hỷ xả.
Theo cách nhìn Phật giáo, giàu và nghèo không phải ở nơi có tiền hay không
tiền. Nên biết, nghèo kho?không phải là nói người không có tiền bạc, châu báu.
Dù cho người có vàng bạc, ngọc ngà chất đầy như núi, mà không có đạo đức, không
có học vấn, không có phước tuệ, vẫn gọi là nghèo khổ.
Trên đời này người có tiền rất nhiều, nhưng họ không biết khéo sử dụng tiền
bạc, nên trở lại bị tiền bạc sai sử, làm tôi mọi cho nó. Chỉ cần có tiền là
chuyện gì họ cũng dám làm, dù phi pháp, xấu xa đến mấy! Những người này tuy có
tiền, nhưng không có trí tuệ, không biết dùng tiền vào chỗ hữu dụng, ngược lại
còn gây ra đau khổ, nên vẫn là nghèo kho?
Người nghèo khổ thì dễ dàng khởi tâm oán giận. Họ do thấy mình khốn khổ gian
nan, nghèo cùng không nơi nương tựa, nên thường sinh tâm oán trời trách người,
ghen ghét với kẻ phước to, học rộng; buồn giận với người sang quí, tài cao,
thậm chí tìm trăm mưu ngàn kế để hại người, gây ra biết bao ác duyên, tạo thành
vô số ác nghiệp!
Người nghèo khổ hay oán giận những gì?
Thứ nhất là trên oán trời. Họ hận Bồ tát sao không gia hộ, trách thần minh
sao chẳng hiển linh?
Có những người chỉ vì cầu tài lợi trước mắt mà bị tà giáo dụ dỗ, làm mê
hoặc, ngay cả bài vị tổ tông cũng đem đi bán! Đây là điều mà các địa phương như
Cao Hùng, Hoa Liên v.v… ở Đài Loan thường xảy ra.
Thứ hai là dưới oán thế gian. Một mai gặp lúc nghèo khổ, thất chí, lại trách
xã hội như thế này, chủ nghĩa như thế kia, chế độ như thế nọ.
Thứ ba là trong oán gia đình quyến thuộc. Có nhiều người ra ngoài gặp nhiều
chuyện bực mình, về nhà lại đem vợ con ra hành tội! Khi không có tiền, họ lại
trách người trong nhà vô dụng. Đó gọi là: Thiếu gạo vợ chồng sinh lắm chuyện!
Thứ tư là ngoài oán thầy bạn. Người thất nghiệp thường không trách mình
thiếu tài chuyên môn, lại cứ trách bạn bè không chịu giúp đỡ.
Những trường hợp do nghèo khổ sinh ra oán giận như trên, không những chỉ làm
khổ cho mình, mà còn làm khổ cho người!
Nếu về mặt vật chất không dư dả, nhưng về mặt tinh thần lại biết tu dưỡng,
thì cuộc sống của chúng ta dù đạm bạc vẫn thấy an vui.
Người không có tiền mà có trí tuệ đạo đức, vẫn không phải là người nghèo
khổ, và cũng không bao giờ oán trời trách người. Thuở xưa, Nhan Hồi nghèo đến
nỗi chỉ có cơm một giỏ, nước một bầu, ai thấy cũng đều tội nghiệp, mà ông vẫn
sống an lạc như thường. Cho nên nghèo khổ hay oán không phải chỉ đánh giá trên
mặt kinh tế. Hàng ẩn sĩ ở núi sâu, bậc đầu đà nơi cổ tự, họ tuy thiếu thốn về
mặt của cải, vật chất, song về mặt tinh thần lại giàu có không ai sánh bằng!
Người nghèo khổ suốt ngày không biết tu tạo phước đức, chỉ biết kiếm tiền.
Trên đời không ai giàu ba ho, vì cho dù thần tài hoan hỷ cho bạn tiền, nhưng
đàng sau thần tài còn có quỷ nghèo đi theo đòi lại! Thực ra, dù mình có tiền mà
không biết đủ, thì thần tài cũng không thể nào làm ta vui lòng! Nếu không biết
đủ, gia tài dù muôn vạn vẫn cảm thấy nghèo khổ, và như vậy oán giận cũng càng
nhiều, ác duyên càng kết nối, ác nghiệp càng gây tạo vô số!
Người tu học đạo Bồ tát, không luận là nghèo giàu, đều không oán trời trách
người. Trái lại, Bồ tát còn nguyện đem vật sở hữu của mình ra bố thí cho người.
Bố thí, đây là cách phát tài tốt nhất. Phần đông người ta nghĩ rằng bố thí là
cho người, và đã cho người, thì làm sao mình phát tài cho được? Thực ra, đạo lý
này rất đơn giản. Như một đám ruộng, nếu ta không gieo trồng, làm sao có thu
hoạch? Không có hạt giống tu tập bố thí, thì làm sao có hoa trái giàu sang?
Chư Phật Bồ tát có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, là do nhiều đời,
nhiều kiếp tu hạnh bố thí mà được. Hành giả Đại thừa, tu học lục độ vạn hạnh,
lấy bố thí làm đầu trong sáu Ba la mật. Tâm Bồ đề, tâm từ bi của chúng ta phải
được nuôi dưỡng từ hành động bố thí.
Thuở xưa có một bà cụ nghèo hèn than với tôn giả Ca Chiên Diên về sự cực
khổ, nghèo đói của mình. Nghe xong, Ngài nói:
- Bà vì nghèo mà chịu khổ, sao không bán phứt cái nghèo đi?"
- Cái nghèo có thể bán được sao?
Bà cụ kinh ngạc kêu lên, và tiếp theo hỏi:
- Cái nghèo nếu bán được, thì ai mà chẳng muốn bán! Vậy trên đời này đâu còn
ai nghèo? Hơn nữa, có ai chịu mua cái nghèo đâu?
- Bà hãy bán cho ta!
Tôn giả điềm nhiên đáp.
Bà lão liền xin tôn giả chỉ cách bán cái nghèo. Tôn giải khai thị:
Hãy bố thí! Đó là cách bán cái nghèo. Bà nên biết giàu nghèo trong đời đều
có nhân duyên. Người nghèo hèn do đời trước không biết bố thí tu phước. Do đó,
bố thí là cách bán nghèo, mua giàu tốt nhất.
Bà cụ nghe rồi trí tuệ khai phát, từ đó biết tu tạo phước đức và hành Bồ tát
đạo!
Nhưng có người sẽ nghĩ như vầy: Người có tiền đương nhiên có thể làm việc bố
thí, còn nghèo khổ như bà cụ này thì lấy gì mà bố thí.
Nói đến bố thí, nhiều người nghĩ phải có tiền bạc, của cải mới bố thí được.
Nhưng thực ra, bố thí có nhiều phương diện, không phải nhất định đem tiền bạc,
của cải ra cho người mới là bố thí. Dù chúng ta nghèo đến nỗi không có một chút
gì, cũng vẫn thực hành hạnh bố thí được! Ví dụ khi chúng ta gặp ai, mình đưa
tay vẫy chào: Anh mạnh khoẻ! Hoặc hỏi: Anh ăn cơm chưa? Hay anh từ đâu đến? Cám
ơn anh! Mời ngồi! A Di Đà Phật!
Nếu bạn làm được như thế, thì không những sẽ gieo duyên tốt với người, mà
còn thực hành được việc bố thí ngôn ngữ. Ngoài điều này ra, lúc bạn tiếp xúc
với người mà mỉm cười, nét mặt hoan hỉ, chú ý lắng nghe v.v…, đây chính là bố
thí vẻ mặt. Thấy người lạc đường thì chỉ lối hay dắt họ đi. Thấy người khiêng
đồ không nỗi, thì xách hay khiêng giùm họ, thấy người làm không được thì giúp
họ làm, đây gọi là bố thí thân hành. Thấy người chịu khổ sinh tâm thương xót,
thấy người bố thí sinh tâm hoan hỷ, đây chính là bố thí tâm ý.
Những cách bố thí: Ngôn ngữ, vẻ mặt, thân hành, tâm ý nêu trên, ai nếu muốn
đều có thể làm được. Phật Pháp không phải là hàng trưng bày, cũng không phải
thuộc về quí tộc! Phật Pháp là đại chúng, ai ai cũng có thể phụng hành Phật
Pháp.
Kinh nói bố thí có ba cách: Tài thí, Pháp thí và vô úy thí.
Tài thí là đem tiền của, phẩm vật ra giúp cho người; Pháp thí là đem tri
thức, kỹ thuật, Chánh Pháp ra dạy cho người; vô úy thí là bảo vệ công lý chính
nghĩa, vì xã hội dẹp trừ bạo loạn, giúp tinh thần của mọi người được an ổn,
không lo sợ.
Hành bố thí là điều dễ dàng. Nhưng thực hành bố thí đạt đến chỗ cả ba đều
không là điều rất khó. Khi bố thí người ta dễ nảy sinh ra tâm lý mong người cảm
ơn, báo đáp hay ca ngợi công đức của họ. Chẳng những vậy, họ còn cảm thấy mình
bố thí được là điều hết sức vinh dự, hay khinh rẽ người nhận vật bố thí. Nếu
đem tâm như thế ra bố thí, chỉ là hạnh lành ở thế gian, mà không phải hạnh bố
thí của Bồ tát. Trong Phật Pháp, bố thí cần phải đặt trên nền tảng cả ba đều
không. Một, không có bản ngã ta là người bố thí. Hai, không có thấy đây là
người thọ thí. Ba, không thấy kia là vật bố thí. Trong Phật Pháp, hành hạnh bố
thí mà không thấy mình hành bố thí, tu công đức mà không thấy mình được công
đức. Thực ra, mình không cầu công đức, công đức lại càng vô lượng! Đó gọi là:
Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở
Vô tâm tiếp liễu, liễu xanh tươi!
Bố thí cho người thân hay người mình yêu mến thì dễ, bố thí cho người mình
oán hận, đó mới là điều rất khó. Biếu quà cho người mình yêu thích là vì thỏa
mãn lòng yêu mến của mình; còn biếu quà cho kẻ mình không thích mới thật là
hành hạnh bố thí. Vì thế, Bồ tát bố thí phải bình đẳng oán thân. Không luận
chúng sinh là kẻ oán hay người thân, Bồ tát đều bố thí một cách bình đẳng. Nếu
có người xưa kia làm hại mình, nay gặp lúc họ mắc nạn nhờ mình cứu giúp, trong
lòng ta nhất định sẽ không mấy bằng lòng, hoan hỉ giúp đỡ. Đây là do tâm từ bi
của chúng ta không đủ. Nói đến đây tôi chợt nhớ đến nhân cách của Pháp sư Từ
Hàng.
Pháp sư đã kể một chuyện mà bản thân gặp phải như sau. Khi Pháp sư giữ chức
y bát (tên một chức sự trong tòng lâm) ở Cổ sơn, một hôm Ngài đi vệ sinh quên
mang theo giấy, nên xin vị trà đầu (người lo việc trà nước trong chùa) cũng
đang đi vệ sinh bên cạnh. Vị này vốn là người xấu tính, nên lấy giấy đã dùng
rồi đưa cho, khiến tay Ngài cầm dính đồ dơ! Vị kia trêu chọc người như vậy, gặp
ai khác chắc đã nổi giận, nhưng Pháp sư vẫn điềm nhiên như không.
Một hôm Pháp sư Từ Hàng dời phòng , vị kia lại đến. Pháp sư mới nói với ông
ấy:
Ông đến thật may quá, nhờ ông giúp tôi xem chừng đồ đạc một lát, tôi mang
tấm mềm bông đi trước, sẽ trở lại liền. Một lát sau Ngài quay trở lại, phát
hiện ra một trăm đồng tiền bạc để trong ngăn kéo thiếu mất sáu mươi bảy đồng.
Ngài rất ngạc nhiên, chợt nghĩ ra, đây nếu không phải là vị trà đầu này lấy thì
còn ai? Điều này thì không thể nói ra được. Nếu nói ra rất có quan hệ đến danh dự
người ta. Mất tiền còn có thể tìm lại được, còn mất danh dự thì thật khó lấy
lại. Ngài nghĩ đến đó, nên giả như là không hay biết gì.
Một lát sau vị trà đầu cáo từ. Từ lão lại tặng ông mười lăm đồng bạc.
Ông ấy không chịu nhận. Nhưng Pháp sư nói rằng làm người phải giúp đỡ lẫn
nhau, ông làm chức y bát mỗi tháng được hai mươi đồng, tặng bớt một chút đâu có
sao? Nghe vậy, vị trà đầu mới nhận.
Không lâu sau, người trong chùa nghi vị trà đầu này sao có nhiều tiền quá,
không biết từ đâu có? Vị trà đầu mới bảo là do Pháp sư Từ Hàng cho. Có người
hỏi Từ lão có đúng vậy không. Gặp người khác nhất định sẽ nói ra hành vi trộm
cắp của người kia, nhưng Ngài vẫn từ bi độ lượng, không nói xấu hắn một tiếng
nào. Hành vi không nhớ lỗi cũ, không ghét người ác này, nếu không có tinh thần
bình đẳng oán thân thì không thể làm nổi. Bố thí cho người từng gây oán với
mình, không nói lỗi cũ của người từng làm hại mình, tinh thần này thật vĩ đại
biết bao!
Từ lão lại nói với tôi, ông trước giờ vốn là người gầy yếu, song từ khi xảy
ra vụ này, lần lần trở nên mập mạnh, cái bụng Di Lặc cũng từ từ to ra! Không
nhớ lỗi cũ, không ghét người ác, người học Phật không nên giận cách đêm. Tinh
thần: Thà người phụ ta, chớ ta không phụ người, đã khuyên người học hạnh Bồ tát
nên khoan dung với người lầm lỗi, dành cơ hội cho họ ăn năn, cải đổi, giúp đỡ
họ quay về nẻo chánh. Đây mới là chân chính độ sinh. Không nhớ lỗi cũ, không
báo cừu rửa hận là điều mà người có tu dưỡng dễ dàng làm được; còn không ghét
người ác, tức người oán ghét khi gặp mặt, mà mình không sinh tâm oán ghét mới
là điều rất khó. Muốn làm được oán thân bình đẳng, nếu không có tấm lòng của Bồ
tát thì không thể được. Nên biết, oán giận là điều tương đối. Mình giận người,
người cũng giận mình. Mọi người đối với oán giận nên mở không nên buộc. Mình
khoan thứ với người, thì người cũng khoan thứ với mình. Chúng ta không thể sống
cô độc một mình, quả đất tròn, có ngày gặp mặt. Người mình yêu thích để lòng
thương yêu, kẻ mình oán giận cũng mở lòng thương yêu, như vậy mới có thể làm
được việc oán thân bình đẳng.
Thuở Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa nhiều phen làm hại đức Phật, như sai
người hành thích, lăn đá trên núi xuống, cho voi say giày xéo v.v…, nhưng Ngài
chẳng những không báo thù, mà còn thường nói: Đề Bà Đạt Đa là tăng thượng duyên
cho ta, Đề Bà Đạt Đa là thiện trí thức của ta! Xem người ác như thiện trí thức,
Phật sở dĩ là Phật vì có lòng từ bi bao trùm trời đất, có đức khoan dung đối
với người ác.
Thế giới Ta bà là đời ác năm trược. Trong đời ác năm trược, nghịch tăng
thượng duyên rất nhiều, trong nghịch cảnh mà tu tập, thì thành tựu rất mau.
Trong cuộc sống tu hành, nếu có người ác phá hoại, đây không phải là một điều
bất hạnh, trái lại, nó còn giúp cho đạo nghiệp chúng ta dễ dàng thành tựu.
Không có bóng tối, làm sao hiển hiện được ánh sáng quang minh? Không có ác
độc, làm sao có những điều lương thiện? Cho nên, phiền não tức Bồ đề, hành giả
Đại thừa không oán ghét người ác, không sợ phiền não. Chỉ cần có tâm niệm oán
thân bình đẳng, thì điều ác cũ là ân huệ của chúng ta, còn người ác là thiện
tri thức của mình. Mây mù tan hết, sẽ là ánh dương quang rực rỡ chiếu soi!
Dịch thơ:
Điều thứ sáu phải nên giác ngộ
Nghèo khổ nhiều tật đố trách phiền
Thường gây lắm việc oan khiên
Ngang nhiên kết buộc ác duyên với người!
Bậc Bồ tát độ đời bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Khoan dung hỉ xả những phần lỗi xưa.