CHƯƠNG CHÍN
CHÍN PHÁP
I. Phẩm Chánh Giác
(I)
(1) Chánh Giác
1.
- Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông
Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo,". -
"Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
2. - Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ
ngoại đạo hỏi như sau: "Thưa chư Hiền, các pháp chánh giác phần lấy gì
làm sở y để tu tập?"
Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời cho các du sĩ ngoại
đạo như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản,
lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Thật lành thay,
bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe
Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ
ngoại đạo hỏi như sau: "Thưa chư Hiền, các pháp chánh giác phần, lấy gì
làm sở y để tu tập?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải
trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Ở đây, thưa chư Hiền,
Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này
chư Hiền, đây là sở y thứ nhất để tu tập các pháp chánh giác phần".
4. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo có
giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy
nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học
tập trong các học pháp. Này chư Hiền, đây là sở y thứ hai để tu tập các
pháp chánh giác phần.
5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo có
định, câu chuyện này có khả năng đoạn giảm hướng thượng đưa đến tâm
được rộng mở như luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận
về không tụ hội, luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định,
luận về tuệ, luận về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến, những câu
chuyện như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được
không phí sức. Này chư Hiền, đây là sở y thứ ba để tu tập các pháp chánh
giác phần.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để thành tựu các
pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện
pháp. Này chư Hiền, đây là sở y thứ tư để tu tập các pháp chánh giác
phần.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập
(quyết trạch) đi đến con đường đoạn tận khổ đau. Này chư Hiền, đây là sở
y thứ năm để tu tập các pháp chánh giác phần.
8. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm
bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ
đợi như sau: sẽ giữ giới, sẽ sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn
Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ
nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện,
giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả
năng đoạn giảm, đưa đến tâm rộng mở, như luận về ít dục... những câu
chuyện như vậy, có được không khó khăn, có không không mệt nhọc, có được
không phí sức. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu
với thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ sống
tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện... trong các thiện
pháp. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với
thiện, giao thiệp với thiện, thời được chờ đợi như sau: sẽ có trí tuệ,
thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con đường
chơn chánh đoạn tận khổ đau.
Và này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo ấy đã trú trong năm pháp này, bốn
pháp nữa cần phải tu tập. Cần phải tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận
tham ái, cần phải tu tập từ tâm để đoạn tận sân, cần phải tu tập niệm
hơi thở vô, hơi thở ra để cắt đứt tầm, cần phải tu tập tưởng vô thường
để phá hoại ngã mạn. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo có tưởng vô thường,
tưởng vô ngã được an trú; với Tỷ-kheo có tưởng vô ngã, ngã mạn bị phá
hoại, ngay trong hiện tại, đạt được Niết-bàn.
(II) (2) Y Chỉ
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn,
sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên,
Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ðầy đủ y chỉ, đầy đủ y chỉ, bạch Thế Tôn, được nói lên như vậy.
Bạch Thế Tôn cho đến như thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ y chỉ?
2. - Nếu Tỷ-kheo y chỉ lòng tin,
đoạn tận bất thiện tu tập thiện, như vậy, với vị ấy, bất thiện được đoạn
tận. Nếu Tỷ-kheo y chỉ tàm (xấu hổ)... nếu Tỷ-kheo y chỉ sợ hãi... nếu
Tỷ-kheo y chỉ tinh tấn... nếu Tỷ-kheo y chỉ trí tuệ, đoạn tận bất thiện,
tu tập thiện, như vậy với vị ấy, bất thiện được đoạn tận. Như vậy
Tỷ-kheo ấy đã đoạn tận, đã khéo đoạn tận bất thiện, khi bất thiện ấy
được thấy với Thánh trí tuệ và được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, sau khi
Tỷ-kheo ấy an trú trong năm pháp này, có bốn pháp nữa vị ấy phải y chỉ.
Thế nào là bốn?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
sau khi cân nhắc (ước lượng), thực hành một sự, sau khi cân nhắc, kham
nhẫn một sự, sau khi cân nhắc, từ bỏ một sự, sau khi cân nhắc, trừ sạch
một sự. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ y chỉ.
(III) (3) Tôn Gỉa Meghiya
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Càlikà,
tại núi Càlikà. Lúc bấy giờ, Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn.
Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi
đứng một bên. Ðứng một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.
- Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
2. Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi sáng
đắp y, cầm y bát đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi khất thực ở
làng Jantu xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến bờ
sông Kimikàlà, trong khi bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông
Kimikàla, Tôn giả Meghiya thấy một rừng xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy Tôn
giả suy nghĩ: "Rừng xoài này thật là đẹp đẽ khả ái. Vậy thật là vừa đủ
để cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp
thuận, ta sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần".
3. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế
Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên. Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở đây vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát và đi vào
làng Jantu để khất thực. Ði khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường
đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà. Bạch Thế Tôn, khi con
bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy một rừng
xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy, con suy nghĩ như sau: "Rừng xoài này thật
đẹp đẽ, khả ái. Vậy thật là vừa đủ cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để
tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp thuận ta, ta sẽ đi đến rừng xoài ấy để
tinh cần".
- Hãy chờ đợi này Meghiya cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì
chúng ta chỉ có một mình.
4. Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch
Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm,
không có cái gì cần phải làm thêm vào sự việc đã làm. Còn con, bạch Thế
Tôn, có sự việc cần phải làm thêm, còn có việc cần phải làm thêm vào sự
việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để
tinh cần.
- Hãy chờ đợi này Maghiya, cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì
chúng ta chỉ có một mình.
5. Lần thứ ba, Tôn giả Meghiya bạch
Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm, không có
cái gì cần phải thêm vào sự việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con
sẽ đi đến rừng xanh xoài ấy để tinh cần.
- Này Meghia, khi Thầy đã nói tinh cần, thời chúng ta có thể còn nói
gì nữa? Vậy này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp
thời.
6. Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, ra đi đến rừng
xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài, rồi ngồi nghỉ ban ngày dưới
một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng ấy, phần lớn ba ác
bất thiện tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm và hại tầm. Rồi Tôn
giả Meghiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay. Ta
vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba
ác bất thiện tầm này xâm nhập tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm".
7. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế
Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống tại rừng xoài ấy, ba ác bất thiện
tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, con suy
nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta vì lòng tin xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba ác bất thiện tầm này
xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm".
- Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa
đến thuần thục. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này Meghiya, Tỷ-kheo làm
bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Meghiya,
với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ nhất đưa đến
thuần thục.
9. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo có
giới, sống được bảo vệ sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi
chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học
trong các học pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần
thục, đây là pháp thứ hai đưa đến thuần thục.
10. Lại nữa, này Meghiya, câu chuyện
này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) đưa đến tâm được rộng mở, như
luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận về không tụ hội,
luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định, luận về tuệ, luận
về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có
được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này
Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ ba
đưa đến thuần thục.
11. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo
sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để được đầy đủ
các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì không từ bỏ gánh nặng trong các thiện
pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp
thứ tư đưa đến thuần thục.
12. Lại nữa, này Meghiya, có trí
tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con
đường đoạn tận khổ đau. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần
thục, đây là pháp thứ năm đưa đến thuần thục.
13. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn
với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như
sau: sẽ sống có giới, được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha,
đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp
nhận và học tập trong các học pháp.
Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao
thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả năng đoạn
giảm (hướng thượng) như luận về ít dục... Những câu chuyện như vậy có
được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này
Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp
với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ sống tinh cần tinh tấn...
không từ bỏ trách nhiệm trong các thiện pháp. Này Meghiya, Tỷ-kheo làm
bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi
như sau: Vị ấy sẽ có trí tuệ... chơn chánh đoạn tận khổ đau. Và này
Meghiya, khi Tỷ-kheo ấy đến trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần
phải tu tập: tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, tu tập từ bi để
đoạn
tận sân, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra để cắt đứt tầm, tu tập tưởng
vô thường để phá hoại ngã mạn. Này Meghiya, với Tỷ-kheo có tưởng vô
thưởng, tưởng vô ngã được tồn tại. Có tưởng vô ngã, thời ngã mạn bị phá
hoại, ngay trong hiện tại đạt được Niết-bàn.
(IV) (4) Tôn Giả Nandaka
1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi,
tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả
Nandaka đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo trong hội trường, thuyết giảng,
khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
2. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ
Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, đứng ngoài cửa hội
trường, chờ đợi cho cuộc giảng chấm dứt. Biết được bài giảng đã chấm
dứt, Thế Tôn đằng hắng và gõ vào then cửa. Các Tỷ-kheo ấy mở cửa cho Thế
Tôn. Rồi Thế Tôn bước vào hội trường và ngồi xuống trên chỗ đã soạn
sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn bảo Tôn giả Nandaka:
- Dài thay, này Nandaka là pháp môn này, Thầy đã giảng cho các
Tỷ-kheo! Lưng Ta đã mỏi khi đứng ở ngoài cửa, chờ cho buổi thuyết giảng
chấm dứt.
3. Khi được nói vậy, Tôn giả Nandaka
lấy làm bối rối bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không biết Thế Tôn đứng ở ngoài cửa. Nếu
chúng con biết Thế Tôn đứng ở ngoài cửa, thời chúng con đã không nói dài
như vậy.
Thế Tôn sau khi biết tâm trạng bối rối của Tôn giả Nandaka liền nói
với Tôn giả Nandaka:
- Lành thay, lành thay, này Nandaka! Thật là xứng đáng cho các thiện
nam tử các Thầy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình, các Thầy ngồi lại với nhau để nghe pháp. Này Nandaka, khi các Thầy
hội họp với nhau, này Nandaka, có hai việc cần phải làm: nói pháp hay
giữ yên lặng của bậc Thánh. Này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin nhưng không
có giới, như vậy vị ấy không đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải
làm cho đầy đủ chi phần ấy: "Làm thế nào ta có lòng tin và cả giới
nữa?". Và khi nào, này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin và có giới, như vậy
vị ấy đầy đủ về chi phần ấy. Và này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin và có
giới, nhưng nội tâm không được tịnh chỉ; như vậy vị ấy không đầy đủ về
chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ về chi phần ấy: "Làm thế
nào
ta có lòng tin và cả giới và có nội tâm tịnh chỉ?". Và khi nào, này
Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới và có được tâm tịnh chỉ; như vậy
vị ấy đầy đủ về chi phần ấy. Và này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin, có
giới, có nội tâm được tịnh chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp
quán, như vậy, vị ấy không đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm
cho đầy đủ về chi phần ấy. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ về chi phần
ấy: "Làm thế nào ta có lòng tin, có giới, có được nội tâm tịnh chỉ, và
có được tăng thượng tuệ pháp quán?" Và khi nào, này Nandaka, Tỷ-kheo có
lòng tin, có giới, có được nội tâm tịnh chỉ, và có được tăng thượng tuệ
pháp quán, như vậy vị ấy đầy đủ về chi phần ấy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi
đứng dậy, bước vào tinh xá.
4. Rồi Tôn giả Nandaka khi Thế Tôn
đi không bao lâu gọi các Tỷ-kheo:
- Này, này chư Hiền, Thế Tôn với bốn câu, sau khi thuyết trình Phạm
hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh
xá. "Này Nandaka, Tỷ-kheo có lòng tin... như vậy, vị ấy được đầy đủ với
chi phần ấy".
Này chư Hiền, có năm lợi ích này, do nghe pháp đúng thời và luận đàm
về pháp đúng thời. Thế nào là năm?
5. Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa
có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền,
nhiều như thế nào, như thế nào, vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo,
sơ thiện, trung thiện, hậu thiện... đầy đủ trong sạch, nhiều như vậy,
như vậy, vị ấy ái mộ bậc Ðạo Sư, thích ý, kính trọng và noi gương theo.
Thưa chư Hiền, đây là lợi ích thứ nhất, do đúng thời nghe pháp, đúng
thời đàm luận về pháp.
6. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa,
có văn.. đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền, nhiều như thế nào, như thế
nào, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện... đầy đủ trong sạch,
nhiều như vậy, như vậy, vị ấy thọ trì về nghĩa, thọ trì về pháp. Thưa
chư Hiền, đây là lợi ích thứ hai, do đúng thời nghe pháp, đúng thời đàm
luận về pháp.
7. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, sơ thiện... đầy đủ trong sạch. Này chư
Hiền, nhiều như thế nào, như thế nào, vị ấy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo
sơ thiện... đầy đủ trong sạch, này chư Hiền, nhiều như vậy, như vậy, vị
ấy, sau khi thể nhập nghĩa cú thâm sâu trong pháp ấy, vị ấy thấy. Này
chư Hiền, đây là lợi ích thứ ba, do nghe pháp đúng thời và đàm luận về
pháp đúng thời.
8. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện... đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền,
nhiều như thế nào, như thế nào, vị ấy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ
thiện... đầy đủ trong sạch, nhiều như vậy, như vậy, các vị đồng Phạm
hạnh tôn trọng noi gương thêm nữa, nghĩ rằng: "Vị ấy đã chứng hay sẽ
chứng". Này chư Hiền, đây là lợi ích thứ tư, do nghe pháp đúng thời và
đàm luận về pháp đúng thời.
9. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa,
có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Này chư Hiền,
nhiều như thế nào, như thế nào, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo sơ
thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh
hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Ở đây, ở đây các Tỷ-kheo nào là hữu học,
tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an ổn, khỏi các khổ
ách, họ được nghe pháp ấy, khởi lên tinh tấn để chứng đạt được những gì
chưa được chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa được chứng đắc, để chứng
ngộ những gì chưa được chứng ngộ. Còn các Tỷ-kheo nào ở đây là các bậc
A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm
đã làm, đã đặt gánh nặng xuống,
đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát.
Những vị ấy sau khi nghe pháp, sống chú tâm vào hiện tại lạc trú. Này
chư Hiền, đây là lợi ích thứ năm, do nghe pháp đúng thời và do đàm luận
về pháp đúng thời.
Này chư Hiền, đó là năm lợi ích do nghe pháp đúng thời, và do đàm
luận về pháp đúng thời.
(V) (5) Những Sức Mạnh
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn sức
mạnh này. Thế nào là bốn?
2. Tuệ lực, tấn lực, vô tội lực,
năng nhiếp lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?
3. Những pháp nào bất thiện được xem
là bất thiện; những pháp nào thiện được xem là thiện; những pháp nào có
tội được xem là có tội; những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những
pháp nào đen được xem là đen; những pháp nào trắng được xem là trắng;
những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện;
những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện; những pháp nào
không xứng đáng bậc Thánh được xem là không xứng đáng bậc Thánh; những
pháp nào xứng đáng bậc Thánh được xem là xứng đáng bậc Thánh. Những pháp
ấy cần phải được khéo quán sát, khéo thẩm sát với trí tuệ. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực?
4. Những pháp nào bất thiện được xem
là bất thiện; những pháp nào có tội được xem là có tội; những pháp nào
đen được xem là đen; những pháp nào không nên thực hiện được xem là
không nên thực hiện; những pháp nào không xứng đáng bậc Thánh được xem
là không xứng đáng bậc Thánh. Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố
gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm để đoạn tận. Những pháp nào thiện được
xem là thiện; những pháp nào vô tội được xem là vô tội, những pháp nào
trắng được xem là trắng; những pháp nào nên thực hiện được xem là nên
thực hiện; những pháp nào xứng đáng bậc Thánh được xem là xứng đáng bậc
Thánh. Ðối với các pháp ấy, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách
tâm, trì tâm để chứng được. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô tội lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ
tử thành tựu thân nghiệp vô tội, thành tựu khẩu nghiệp vô tội, thành tựu
ý nghiệp vô tội. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô tội lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năng nhiếp lực?
6. Này các Tỷ-kheo, có bốn Nhiếp
pháp này: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tối thượng trong các loại
bố thí, này các Tỷ-kheo, là pháp thí. Tối thượng trong các loại ái ngữ,
này các Tỷ-kheo là tiếp tục thuyết pháp cho những ai hy cầu và lóng tai
nghe. Tối thượng trong các lợi hành, này các Tỷ-kheo, là đối với người
không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin; đối
với người không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới; đối
với người xan tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí; đối với người
ác tuệ, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo,
tối thượng trong đồng sự là đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc
Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất Lai với bậc Bất Lai, bậc A-la-hán với
bậc A-la-hán. Này các
Tỷ-kheo, đây là sức mạnh năng nhiếp.
Này các Tỷ-kheo, đó là bốn sức mạnh.
7. Thành tựu bốn sức mạnh ấy, này
các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sợ hãi. Thế nào là năm?
8. Sợ hãi về sinh sống, sợ hãi về
tiếng đồn xấu, sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng, sợ hãi về chết, sợ hãi
về ác thú. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử ấy thẩm sát như sau:
9. "Ta không sợ hãi sự sợ hãi về
sinh sống. Vì sao ta sẽ sợ sự sợ hãi về sinh sống? Ta có bốn lực này:
tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực. Kẻ ác tuệ có thể sợ
hãi sự sợ hãi về sinh sống. Kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về
sinh sống. Kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có tội có thể sợ hãi
sự sợ hãi về sinh sống. Kẻ không năng nhiếp có thể sợ hãi sự sợ hãi về
sinh sống. Ta không có sợ sự sợ hãi về tiếng đồn xấu... Ta không có sợ
sự sợ hãi về xấu hổ trong hội chúng... Ta không có sợ sự sợ hãi về
chết... Ta không có sợ sự sợ hãi về ác thú. Vì sao Ta có bốn lực này:
tuệ lực, tinh tấn lực, vô tội lực, năng nhiếp lực. Kẻ ác tuệ lực có thể
sợ hãi sự sợ hãi về ác thú; kẻ biếng nhác có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác
thú; kẻ có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý
nghiệp có thể sợ hãi sự sợ hãi về ác thú; kẻ không năng nhiếp có thể sợ
hãi sự sợ hãi về ác thú."
Thành tựu bốn lực ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử vượt qua năm sự sợ
hãi này.
(VI) (6) Cần Phải Thân Cận
1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các
Tỷ-kheo: "Này chư Hiền". - "Thưa Hiền giả". Các không ấy vâng đáp Tôn
giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
2. - Này chư Hiền, con người cần
phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần
phải thân cận. Y áo, này chư Hiền, cần phải tìm hiểu trên hai phương
diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Ðồ ăn khất thực, này
chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng
hay không cần được sử dụng. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được tìm
hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần sử dụng. Làng
và thị trấn, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện:
cần tìm đến hay không cần tìm đến. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được
tìm hiểu trên hai phương diện: cần được tìm hay không cần được tìm.
3. Con người, này chư Hiền, cần phải
được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần
phải thân cận được nói đến như vậy. Do duyên gì, được nói đến như vậy?
Ở đây, khi biết được về một người như sau: "Người này, nếu ta thân
cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm.
Các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ
ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được
một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên
mãn". Ðối với một người như vậy, này chư hiền, bất luận đêm hay ngày,
không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết
được một người như sau: "Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất
thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm. Các vật dụng cần thiết
cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa,
dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn.
Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục
đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn". Ðối với một
người như vậy, này chư Hiền, sau khi tính toán, không hỏi gì, cần phải
bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết được một người như sau:
"Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các
pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia
mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh,
những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy,
đi đến tu tập viên mãn". Này chư Hiền, đối với một người như vậy, sau
khi tính toán, cần phải theo người ấy, không được bỏ đi. Ở đây, sau khi
biết được một người như sau: "Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp
bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần
thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực,
sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không
khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn". Này chư
Hiền, đối với một người như vậy, cần phải theo cho đến trọn đời, không
được bỏ đi, dầu có bị từ chối.
Này chư Hiền, một người cần phải được hiểu biết theo hai phương diện:
cần được thân cận và không cần được thân cận đã được nói đến như vậy,
chính do duyên này được nói đến.
4. Y áo, này chư Hiền, cần phải được
hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử
dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, sau khi biết được về y như sau: "Nếu ta sử dụng y này, các
pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; y như vậy không
nên sử dụng". Ở đây, sau khi biết được về y như sau: "Nếu ta sử dụng y
này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; y như vậy
nên sử dụng".
Này chư Hiền, y áo cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần
được sử dụng hay không cần được sử dụng, được nói đến như vậy, do duyên
này được nói đến.
5. Ðồ ăn khất thực, này chư Hiền,
cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không
cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thự như sau: "Nếu ta sử dụng
đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn
giảm; đồ ăn khất thực như vậy không nên sử dụng". Ở đây, sau khi biết
được về đồ ăn khất thực như sau: "Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này,
các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; đồ ăn khất
thực như vậy nên sử dụng".
Này chư Hiền, đồ ăn khất thực cần phải được hiểu biết theo hai phương
diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như
vậy, do duyên này được nói đến.
6. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải
được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được
sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: "Nếu ta sử dụng sàng
tọa này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; sàng
tọa như vậy không nên sử dụng". Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như
sau: "Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các
pháp thiện tăng trưởng; sàng tọa như vậy nên sử dụng".
Này chư Hiền, sàng tọa cần phải được hiểu biết theo hai phương diện:
cần được sử dụng hay không cần được sử dụng được nói đến như vậy, do
duyên này được nói đến.
7. Làng, thị trấn, này chư Hiền, cần
phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần tìm đến và không cần được
tìm đến đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: "Nếu ta tìm đến
làng, thị trấn này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn
giảm; làng và thị trấn như vậy không nên được tìm đến". Ở đây, sau khi
biết được về làng, thị trấn như sau: "Nếu ta tìm đến làng, thị trấn, các
pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; Làng thị trấn như
vậy cần được tìm đến".
Này chư Hiền, làng, thị trấn cần phải được hiểu biết theo hai phương
diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến, được nói đến như vậy,
do duyên này được nói đến.
8. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải
được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến và không cần tìm
đến đã được nói như vậy. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: "Nếu ta tìm đến quốc độ
này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; quốc độ
như vậy không nên được tìm đến". Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như
sau: "Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các
pháp thiện tăng trưởng; như vậy nên được tìm đến".
Này chư Hiền, quốc độ cần phải được hiểu biết theo hai phương diện:
nên được tìm đến hay không nên được tìm đến, được nói đến như vậy, do
duyên này được nói đến.
(VII) (7) Du Sĩ Sutavà
1. Như vậy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta. Rồi du sĩ
Sutavà đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn những lời chào đón
hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi
xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sutavà và bạch Thế Tôn;
2. - Bạch Thế Tôn, có một thời Thế
Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribbaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ
miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn:
"Này Sutavà, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã tận các lậu hoặc, đã
thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục
đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy
không có thể làm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể
có ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc
không có thể lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận
các lậu hoặc không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc
không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có
thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia
chủ". Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm giữ,
khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?
3. - Thật vậy, này Sutavà, như vậy
Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia, và
cả nay nữa, này Sutavà, Ta đã nói như sau: "Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán,
đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm,
đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận,
chơn chánh giải thoát, vị ấy không có thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã
đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt tận các lậu hoặc không thể
lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc
không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể
biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hưởng
thọ các dục do các đồ ăn cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ;
Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc
không có thể đi đến dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể
đi đến sân; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến si;
Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến sợ hãi". Xưa kia và
cả nay nữa, Ta nói như sau: "Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán đã đoạn tận
các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh
nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh
giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm năm sự".
(VIII) (8) Du Sĩ Sajjha
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta. Rồi
du sĩ Sajjha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào
đón hỏi thăm xã giao, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sajjha bạch Thế
Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, có một thời Thế
Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ
miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn.
"Này Sajjha, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn các lậu hoặc, Phạm
hạnh đã thành, việc nên làm đã làm đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã
đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có
thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý
đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc,
không có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận
các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu
hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc,
không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước làm
gia chủ". Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm
giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?
3. - Thật vật, này Sajjha, như vậy
Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia và cả
nay nữa, này Sajjha, Ta đã nói như sau:
"Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu
viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt
được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể
vi phạm chín sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý
đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không
có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các
lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc,
không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có
thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia
chủ. Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Phật;
Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Pháp; Tỷ-kheo
đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận chúng tăng; Tỷ-kheo đã
đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Học pháp".
- Xưa kia và cả nay nữa, Ta tuyên bố như sau:
"Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu
viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt
được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể
vi phạm chín sự".
(IX) (9) Các Hạng Người
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín hạng
người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là chín?
2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến
chứng đắc A-la-hán quả; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Bất
lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất lai; bậc Dự lưu,
bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; kẻ phàm phu.
Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(X)
(10) Ðáng Cung Kính
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín hạng
người này đáng được cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng
chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là chín?
2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến
chứng đắc quả A-la-hán; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc qủa Bất
lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất Lai, bậc Dư lưu,
bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; bậc chuyển tánh (gotrabhù).
II. Phẩm Tiếng Rống Con
Sư Tử
(I) (11) Sau Khi An Cư
1.
Như vậy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông
Anàthapindikam, rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta
bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con đã sống an cư trong mùa mưa tại Sàvatthi. Bạch
Thế Tôn, nay con muốn ra đi du hành trong quốc độ.
- Này Sàriputta, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Sàriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân
phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
2. Rồi một Tỷ-kheo, sau khi Tôn giả
Sàriputta ra đi không bao lâu, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta xâm phạm con, đã bỏ đi du hành
không có xin lỗi con.
Thế Tôn cho gọi một Tỷ-kheo:
- Này Tỷ-kheo, hãy đến nhân danh Ta, nói với Sàriputta: "Thưa Hiền
giả, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy, vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến,
nói với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Hiền giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả.
- Thưa vâng, này Hiền giả.
Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tỷ-kheo ấy. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà
Moggallàna và Tôn giả Ananda cầm chìa khóa, đi từ tinh xá này đến tinh
xá khác nói rằng:
- Chư Tôn giả hãy đến! Chư Tôn giả hãy đến! Nay Tôn giả Sàriputta sẽ
rống tiếng rống con sư tử trước mặt Thế Tôn.
3. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế
Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên Thế Tôn, nói với Tôn
giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
- Ở đây, này Sàriputta, một đồng Phạm hạnh có điều bất mãn với Thầy:
"Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta xâm phạm con đã ra đi không có xin lỗi
con".
4. - Thật vậy, bạch Thế Tôn, với ai
không an trú thân niệm trên thân, người ấy, ở đây, sau khi xâm phạm một
vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất
tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng
máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng
vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô
lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân
niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ
đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ bất
tịnh, rửa sạch phẩn uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa
sạch máu, rửa sạch mủ; tuy vậy nước không lo âu, không xấu hổ, không
nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như nước, rộng
rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai
không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng
Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ bất tịnh, đốt
phẩn uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa
không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con
an trú với tâm như lửa, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không
sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau
khi xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin
lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ bất tịnh,
thổi phẩn uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu; tuy
vậy gió không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế
Tôn, con an trú với tâm như gió, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không
hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở
đây, sau khi xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không
có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, một miếng vải lau chùi lau các đồ tịnh, lau các
đồ bất tịnh, lau phẩn uế, lau nước tiểu, lau nước miếng, lau mủ, lau
máu; tuy vậy miếng vải lau chùi không lo âu, không xấu hổ, không nhàm
chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như miếng vải lau chùi,
rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với
ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng
Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, con trai của một người Candàla (Chiên-đà-la: hạ
liệt) hay con gái của một người Candàla, với tây cầm bát ăn xin, mặc đồ
rách rưới, đi vào làng hay đi vào thị trấn, với một tâm trạng hạ liệt.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm giống như con Chiên-đà-la,
rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai
không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng
Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, một con bò đực, với sừng bị cưa, hiền lương,
khéo điều phục, khéo huấn luyện, đi lang thang từ đường này đến đường
khác, từ ngã tư này đến ngã tư khác, không hại một ai với chân hay với
sừng. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm giống như một con bò
đực với sừng bị cưa, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân.
Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi
xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, một nữ nhân hay một nam nhân còn trẻ tuổi,
thanh niên, ưa thích trang điểm, sau khi gội đầu, sẽ lo âu, xấu hổ, nhàm
chán nếu xác rắn, hay xác chó, hay xác người được cuốn vào cổ người ấy.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con lo âu, xấu hổ, nhàm chán với cái thân đầy
bất tịnh này. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở
đây, sau khi xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không
có xin lỗi.
Ví như, bạch Thế Tôn, có người mang một cái bát đầy mỡ, có thủng
nhiều lỗ, thủng nhiều đường, bị chảy, bị rỉ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con
mang cái thân này, có thủng nhiều lỗ, có thủng nhiều đường, bị chảy, bị
rỉ. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau
khi xâm phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin
lỗi.
5. Rồi Tỷ-kheo ấy từ chỗ ngồi đứng
dậy, đắp thượng y vào một bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch
Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô mình, vì
bất thiện. Thầy đã xuyên tạc Tôn giả Sàriputta, không ý thức, trống
không, vọng ngôn, không thật. Mong Thế Tôn chấp nhận cho con tội ấy là
một tội để con ngăn đón về tương lai.
Này Tỷ-kheo, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất
thiện, Thầy đã xuyên tạc Tôn giả Sàriputta, không ý thức, trống không,
vọng ngôn không thật. Này Tỷ kheo, vì Thầy đã thấy tội ấy là một tội, đã
phát lộ đúng pháp, Ta chấp nhận tội ấy cho Thầy. Ðây là một sự tiến bộ,
này Tỷ-kheo, trong Pháp Luật của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội,
phát lộ đúng pháp, và ngăn đón trong tương lai.
6. Rồi Thế Tôn, nói với Tôn giả
Sàriputta:
- Này Sàriputta, hay tha thứ kẻ ngu si này, trước khi ở đây, đầu nó
sẽ bị vỡ ta làm bảy mảnh.
- Bạch Thế Tôn, con tha thứ cho Tôn giả ấy, nếu Tôn giả ấy nói với
con: "Hãy tha thứ cho", và cũng mong Tôn giả ấy tha thứ cho con.
(II) (12) Không Có Dư Y
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi,
tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, rồi Tôn giả Sàriputta vào
buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Tôn giả
Sàriputta suy nghĩ như sau: "Nay còn quá sớm để vào Sàvatthi khất thực.
Vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Tôn giả Sàriputta
đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ
ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm , sau khi nói lên những lời
chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
2. Lúc bấy giờ, trong khi các du sĩ
ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp, câu chuyện này khởi lên: "Thưa chư Hiền,
ai chết có dư y, tất cả không được giải thoát khỏi địa ngục, không được
giải thoát khỏi bàng sinh, không được giải thoát ngạ quỷ, không được
giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ".
3. Rồi Tôn giả Sàriputta không hoan
hỷ, không chỉ trích lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy, không hoan hỷ, không
chỉ trích, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi, với ý nghĩ: "Ta sẽ
biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn". Rồi Tôn giả Sàriputta khất thực ở
Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế
Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát đi vào
Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: "Nay còn
quá sớm để vào Sàvatthi khất thực. Vậy ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ
ngoại đạo, sau khi đến, con nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời
chào đón, hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, trong khi các du sĩ ngoại đạo
đang ngồi tụ họp, câu chuyện này khởi lên: "Thưa chư Hiền, ai chết có dư
y, tất cả người ấy không được giải thoát khỏi địa ngục, không được giải
thoát khỏi bàng sinh, không được giải thoát ngạ quỷ, không được giải
thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ". Rồi bạch Thế Tôn, con không hoan hỷ,
không chỉ trích lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy. Không hoan hỷ, không
chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi, với ý nghĩ rằng: "Ta sẽ
biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn".
4. - Này Sàriputta, một số các du sĩ
ngoại đạo là những kẻ ngu si, không thông minh, một số sẽ biết: "Người
có dư y là người có dư y", hay sẽ biết: "Người không có dư y là người
không có dư y". Này Sàriputta, có chín hạng người này, khi chết có dư y,
được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sinh,
được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú , đọa
xứ. Thế nào là chín?
5. Ở đây, này Sàriputta, có hạng
người viên mãn trong các giới, viên mãn trong định, nhưng không viên mãn
trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, là vị Trung
gian Bát-niết-bàn (antarà parinibbàyì). Này Sàriputta, đây là hạng người
thứ nhất , khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải
thoát khỏi loài bàng sinh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát
khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
6. Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có
hạng người viên mãn trong các giới, viên mãn trong định, nhưng không
viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, là vị
Tổn hại Bát-niết-bàn (uppahacca parinibbàyì). Này Sàriputta, đây là hạng
người thứ hai, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được
giải thoát khỏi loài bàng sinh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải
thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới,
viên mãn trong định, nhưng không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt
tận năm hạ phần kiết sử, là vị Vô hành Bát Niết Bàn (asankhàra
parinibbàyì). Này Sàriputta, đây là hạng người thứ ba, khi chết có dư y,
được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sinh,
được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa
xứ.
Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới,
viên mãn trong định, nhưng không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt
tận năm hạ phần kiết sử, là vị Hữu hành Bát-niết-bàn (sasankhàra
parinibbàyì). Này Sàriputta, đây là hạng người thứ tư, khi chết có dư y,
được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sinh,
được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa
xứ.
Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới,
viên mãn trong định, nhưng không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt
tận năm hạ phần kiết sử, là vị Thượng Lưu đi đến Sắc cứu cánh thiên
(uddhamsota akanitthagàmì). Này Sàriputta, đây là hạng người thứ năm,
khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi
loài bàng sinh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi
dữ, ác thú, đọa xứ.
7. Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có
hạng người viên mãn trong các giới, không viên mãn trong định, không
viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, làm nhẹ bớt
tham, sân, si, là vị Nhất Lai, còn đến thế giới này một lần nữa, rồi
đoạn tận khổ đau. Này Sàriputta, đây là hạng người thứ sáu, khi chết có
dư y, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác
thú, đọa xứ.
8. Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có
hạng người viên mãn trong các giới, không viên mãn trong định, không
viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị Nhất Chủng
(ekabìji), còn sanh hiện hữu làm người một lần nữa rồi đoạn tận khổ
đau. Này Sàriputta, đây là hạng người thứ bảy, khi chết có dư y, được
giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
9. Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có
hạng người viên mãn trong các giới, thành tựu vừa phải trong định, thành
tựu vừa phải trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị Gia
gia (kolankolo), sau khi dong ruỗi, sau khi luân chuyển hai hay ba gia
đình, rồi đoạn tận khổ đau. Này Sàriputta, đây là hạng người thứ tám,
khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi
cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
10. Lại nữa, này Sàriputta, ở đây có
hạng người viên mãn trong các giới, thành tựu vừa phải trong định,
thành tựu vừa phải trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị
trở lui tối đa là bảy lần (Thất Lai, sattakkhattu-paramo), sau khi dong
ruỗi, sau khi luân chuyển, tối đa là bảy lần giữa chư Thiên và loài
Người, rồi đoạn tận khổ đau. Này Sàriputta, đây là hạng người thứ chín,
khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi
bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác
thú, đọa xứ.
Này Sàriputta, một số người du sĩ ngoại đạo là ngu si, không thông
minh, một số người sẽ biết: "Có dư y là có dư y" hay một số người sẽ
biết: "Không có dư y là không dư y".
Này Sàriputta, chín hạng người này, khi chết có dư y, được giải thoát
khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát
khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Nhưng này
Sàriputta, cho đến nay, pháp môn này chưa được nói cho các Tỷ-kheo, các
Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ. Vì cớ sao? Mong rằng khi nghe
pháp môn này, họ không đem lại phóng dật. Lại nữa, này Sàriputta, pháp
môn này được Ta nói đến vì Ta được hỏi đến.
(III) (13) Tôn Giả Mahàkotthita
1. Rồi Tôn giả Mahàkotthita đến Tôn
giả Sàriputta, sau khi đến, chào đón hỏi thăm Tôn giả Sàriputta, sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phạm nghiệp gì được cảm thọ hiện tại, mong rằng nghiệp ấy ta
được cảm thọ trong tương lai"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phạm nghiệp gì được cảm thọ tương lai, mong rằng nghiệp ấy, ta
được cảm thọ trong hiện tại"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm giác là lạc thọ, mong rằng nghiệp ấy ta
được cảm giác là khổ thọ?"
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
-Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm giác là khổ thọ, mong rằng nghiệp ấy ta
được cảm giác là lạc thọ"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
-Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là thuần thục, mong rằng nghiệp ấy ta
cảm thọ là không thuần thục"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là không thuần thục, mong rằng
nghiệp ấy ta cảm thọ là thuần thục"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là nhiều, mong rằng nghiệp ấy ta cảm
thọ là ít"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là ít, mong rằng nghiệp ấy ta cảm
thọ là nhiều"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì không được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được
cảm thọ"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy
vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta không được
cảm thọ"?
- Không phải vậy, thưa Hiền giả.
2. - Thưa Hiền giả Sàriputta, vì sao
khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: "Phàm
nghiệp gì được cảm thọ hiện tại, mong rằng nghiệp ấy, ta được cảm thọ
trong tương lai?" Hiền giả trả lời: "Không phải vậy, thưa Hiền giả?"
Thưa Hiền giả Sàriputta, vì sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh
dưới Thế Tôn với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ tương lai, mong
rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ hiện tại?" Hiền giả trả lời: "Không phải
vậy, thưa Hiền giả". Thưa Hiền giả Sàriputta, vì sao khi được hỏi: "Có
phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm
giác là lạc thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm giác là khổ thọ"?. Hiền
giả trả lời: "Không phải vậy, thưa Hiền giả". Vì sao khi được hỏi: "Có
phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn
với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ thuần phục, mong rằng nghiệp
ấy ta được cảm thọ là không thuần phục"?. Hiền giả trả lời: "Không phải
vậy, thưa Hiền giả". Vì sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh dưới
Thế Tôn với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ không thuần phục, mong
rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ là thuần phục"?. Hiền giả trả lời:
"Không phải vậy, thưa Hiền giả". Vì sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm
hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là nhiều,
mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là ít"?. Hiền giả trả lời: "Không phải
vậy, thưa Hiền giả". Vì sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh dưới
Thế Tôn với hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ là ít, mong rằng
nghiệp ấy ta cảm thọ là nhiều"?. Hiền giả trả lời: "Không phải vậy, thưa
Hiền giả". Vì sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với
hy vọng: "Phàm nghiệp gì được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta không
được cảm thọ"?. Hiền giả trả lời: "Không phải vậy, thưa Hiền giả". Vì
sao khi được hỏi: "Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng:
"Phàm nghiệp gì không được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm
thọ"?. Hiền giả trả lời: "Không phải vậy, thưa Hiền giả". Vì mục đích gì
sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn?
3. - Thưa Hiền giả, với những gì
không biết, không thấy, không đạt, không chứng ngộ, không hiện quán, với
mục đích để được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện
quán mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.
- Nhưng thưa Hiền giả, do không biết gì, không thấy gì, không đạt gì,
không chứng ngộ gì, không hiện quán gì, với mục đích để được biết, được
thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống
dưới Thế Tôn?
- "Ðây là Khổ", này Hiền giả, là điều không được biết, không được
thấy, không đạt, không chứng ngộ, không hiện quán, với mục đích để được
biết, được thấy... mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. "Ðây là Khổ
tập"... "Ðây là Khổ diệt"... "Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt", này
Hiền giả, là điều không được biết, không được thấy, không được đạt,
không được chứng ngộ, không được hiện quán, với mục đích được biết, được
thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống
dưới Thế Tôn. Thưa Hiền giả, đây là điều không được biết, không được
thấy, không đạt, không được chứng ngộ, không được hiện quán, với mục
đích để được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán,
mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.
(IV) (14) Tôn Giả Samiddhi
1. Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Tôn
giả Sàriputta, sau khi đến, chào đón hỏi thăm Tôn giả Sàriputta, sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Samiddhi đang ngồi xuống một bên:
- Do sở duyên gì, này Samiddhi, một người khởi lên các tư duy tầm?
- Do danh sắc làm sở duyên, thưa Tôn giả.
- Nhưng này Samiddhi, cái gì khiến chúng đi đến sai khác?
- Các giới, thưa Tôn giả.
- Nhưng này Samiddhi, chúng lấy gì làm tập khởi?
- Lấy xúc làm tập khởi, thưa Tôn giả.
- Này Samiddhi, chúng qui tụ ở đâu?
- Chúng qui tụ ở các cảm thọ, thưa Tôn giả.
- Nhưng này Samiddhi, chúng lấy gì làm thượng thủ?
- Chúng lấy định làm thượng thủ, thưa Tôn giả.
- Nhưng này Samiddhi, chúng lấy gì làm tăng thượng?
- Chúng lấy niệm làm tăng thượng, thưa Tôn giả.
- Này Samiddhi, chúng lấy cái gì làm tối thượng?
- Chúng là tuệ làm tối thượng, thưa Tôn giả.
- Này Samiddhi, chúng lấy gì làm lõi cây?
- Chúng lấy giải thoát làm lõi cây, thưa Tôn giả.
- Này Samiddhi, chúng thể nhập vào gì?
- Chúng thể nhập vào bất tử, thưa Tôn giả.
2. - Khi được hỏi: "Này Samiddhi, do
sở duyên gì một người khởi lên các tư duy tầm?", Hiền giả đáp: "Do danh
sắc làm sở duyên, thưa Tôn giả". Này Samiddhi, khi được hỏi: "Cái gì
khiến chúng đi đến sai khác?", Hiền giả đáp:" Trong các giới, thưa Tôn
giả". Khi được hỏi: "Này Samiddhi, chúng lấy gì làm tập khởi?", Hiền giả
đáp: "Lấy xúc làm tập khởi, thưa Tôn giả". Khi được hỏi: "Này Samiddhi,
chỗ qui tụ của chúng là gì?", Hiền giả đáp: "Chỗ qui tụ của chúng là
thọ, thưa Tôn giả". khi được hỏi: "Này Samiddhi, chúng lấy gì làm thượng
thủ?", Hiền giả đáp: "Chúng lấy định làm thượng thủ, thưa Tôn giả". Khi
được hỏi: "Này Samiddhi, chúng lấy gì làm tăng thượng?", Hiền giả đáp:
"Chúng lấy niệm tăng thượng, thưa Tôn giả". Khi được hỏi: "Này Samiddhi,
chúng lấy gì làm tối
thượng?" Hiền giả đáp: "Chúng lấy tuệ làm tối thượng, thưa Tôn giả". Khi
được hỏi: "Này Samiddhi, chúng lấy gì làm lõi cây?", Hiền giả đáp:
"Chúng lấy giải thoát làm lõi cây, thưa Tôn giả". Khi được hỏi: "Này
Samiddhi, chúng thể nhập vào gì?", Hiền giả đáp: "Chúng thể nhập vào bất
tử, thưa Tôn giả". Lành thay, lành thay, này Samiddhi! Lành thay này
Samiddhi! Hiền giả đã trả lời các câu hỏi. Nhưng Hiền giả chớ có kiêu
mạn về vấn đề này.
(V) (15) Một Ung Nhọt
1. - Ví như, này chư Hiền, một ung
nhọt đã trái nhiều. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn.
Từ đấy có cái gì chảy ra, chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi
rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy; có cái gì nứt chảy, chắc chắn bất
tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt
chảy.
5. Ung nhọt, này các Tỷ-kheo, là
đồng nghĩa với thân này do bốn đại tác thành, do cha mẹ sinh ra, do cơm
cháo chất chứa nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, tan nát, hủy hoại, hoại
diệt, có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn. Từ đấy có cái gì
chảy ra, chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc
chắn nhàm chán rỉ chảy; có cái gì nứt chảy, chắc chắn bất tịnh nứt chảy,
chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt chảy.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy nhàm chán thân này.
(VI) (16) Tưởng
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín tưởng
này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể
nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là chín?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng
ghê tởm đối với các món ăn, tưởng không ưa thích đối với tất cả thế
giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ,
tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Này các Tỷ-kheo, chín tưởng này được tu tập, được làm sung mãn, có
quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
(VII)
(17) Gia Ðình
1. - Này các Tỷ-kheo, gia đình nào
thành tựu chín chi phần, nếu chưa đến thời không nên đến, nếu đã đến
thời không nên ngồi xuống. Thế nào là chín?
2. Không vui vẻ đứng dậy; không vui
vẻ đảnh lễ; không vui vẻ mời ngồi; nếu có, họ giấu đi; có nhiều, họ cho
ít, có đồ tốt, họ cho đồ xấu; họ cho không cẩn thận; họ cho không có chu
đáo; họ không có ngồi xung quanh để nghe pháp, không thưởng thức lời
nói.
Này các Tỷ-kheo, gia đình nào thành tựu chín chi phần này, nếu chưa
đến thời không nên đến, nếu đã đến thời không nên ngồi xuống.
3. Này các Tỷ-kheo, gia đình nào
thành tựu chín chi phần, nếu chưa đến thời nên đến, nếu đã đến thời nên
ngồi xuống. Thế nào là chín?
4. Họ vui vẻ đứng dậy; họ vui vẻ
đảnh lễ; họ vui vẻ mời ngồi; nếu có, họ không giấu đi; có nhiều, họ cho
nhiều, có đồ tốt, họ cho đồ tốt; họ cho cẩn thận; họ cho một cách chu
đáo; họ ngồi xung quanh để nghe pháp, họ thưởng thức lời nói.
Này các Tỷ-kheo, gia đình nào thành tựu chín chi phần này, nếu chưa
đến thời nên đến, nếu đã đến thời nên ngồi xuống.
(VIII) (18) Từ Bi
1. - Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới
thành tựu chín chi phần được thực hành, có quả lớn, có lợi ích lớn, có
rực rỡ lớn, có biến mãn lớn. Ðược thực hành như thế nào, này các
Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu chín chi phần, có quả lớn, có lợi ích
lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ
tử suy nghĩ như sau: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát
sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống
thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay,
đêm này và ngày này, ta cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ
trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc
tất cả chúng sanh là loài hữu tình. Với chi phần này, ta theo gương vị
A-la-hán, sẽ thực hành ngày trai giới". Ðây là chi phần thứ nhất được
thành tựu.
3. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy
những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không
có trộm cướp. Hôm nay, đêm này và ngày này, ta cũng đoạn tận lấy của
không cho, từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong
những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Với chi phần
này, ta theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành trai giới". Ðây là chi phần
thứ hai được thành tựu.
4. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống xa lìa, từ bỏ dâm
dục hèn hạ. Hôm nay, đêm này và ngày này, ta cũng đoạn phi Phạm hạnh,
hành Phạm hạnh, sống xa lìa, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Với chi phần này, ta
theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành ngày trai giới". Ðây là chi phần
thứ ba được thành tựu.
5. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán đoạn tận nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y
chỉ nơi sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phải lại
lời hứa đối với đời. Hôm nay, đêm này và ngày này, ta cũng đoạn tận nói
láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật, chắc
chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phải lại lời hứa đối với đời.
Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành trai giới".
Ðây là chi phần thứ tư được thành tựu.
6. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Hôm nay, đêm này và ngày
này ta cũng đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Với chi phần này, ta
theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành ngày trai giới". Ðây là chi phần
thứ năm được thành tựu.
7. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán mỗi ngày dùng một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Hôm
nay, đêm này và ngày này, ta cũng dùng mỗi ngày dùng một bữa, không ăn
ban đêm, không ăn phi thời. Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán,
sẽ thực hành ngày trai giới". Ðây là chi phần thứ sáu được thành tựu.
8. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán từ bỏ xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng
hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày
này, ta cũng từ bỏ xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng
vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, ta
theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành ngày trai giới". Ðây là chi phần
thứ bảy được thành tựu.
9. "Cho đến trọn đời, các vị
A-la-hán đoạn tận giường cao, giường lớn, từ bỏ giường cao, giường lớn,
các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ, trên thảm cỏ. Hôm nay,
đêm này và ngày này, ta cũng đoạn tận giường cao, giường lớn, từ bỏ
giường cao, giường lớn, các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ,
trên thảm cỏ. Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán, sẽ thực hành
ngày trai giới". Ðây là chi phần thứ tám được thành tựu.
10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh
đệ tử với tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương và an trú, như vậy
phương thứ hai... như vậy phương thứ ba... như vậy phương thứ tư... như
vậy cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng
khắp vô biên giới, vị ấy với tâm câu hữu với từ, biến mãn và an trú,
quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, được thực hành ngày trai giới thành tựu
chín chi phần, có quả lớn, có lợi ích, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn.
(IX) (16) Chư Thiên
1. - Ðêm nay, này các Tỷ-kheo, một
số đông chư Thiên, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói
sáng toàn vùng Jetavana, đi đến chỗ Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng
một bên. Này các Tỷ-kheo, đứng một bên, các Thiên nhân ấy thưa với Ta:
"Bạch Thế Tôn, khi chúng con sống giữa loài Người, trong thời quá khứ,
các vị xuất gia không có gia đình đến chúng con. Bạch Thế Tôn, chúng con
đã đứng dậy, nhưng chúng con không đảnh lễ. Bạch Thế Tôn, do không làm
đầy đủ bổn phận, chúng con sanh ra hối hận, phiền não, vì bị sanh với
thân hạ liệt".
2. Này các Tỷ-kheo, lại có nhiều chư
Thiên khác đến chỗ Ta và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, khi chúng con
sống giữa loài Người, trong thời quá khứ, các vị xuất gia không có gia
đình đến chúng con. Chúng con đã đứng dậy, chúng con đã đảnh lễ, nhưng
con không mời ghế ngồi. Bạch Thế Tôn, do không làm đầy đủ bổn phận,
chúng con sanh ra hối hận, phiền não, vì bị sanh với thân hạ liệt".
3. Này các Tỷ-kheo, lại có nhiều chư
Thiên khác đến chỗ Ta và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, khi chúng con
sống giữa loài Người, trong thời quá khứ, các vị xuất gia không có gia
đình đến chúng con. Chúng con đã đứng dậy, chúng con đã đảnh lễ, chúng
con đã mời ghế ngồi nhưng chúng con không chia xẻ (đồ ăn) tùy theo khả
năng và sức lực của chúng con... Chúng con chia xẻ (đồ ăn), tùy theo khả
năng và sức lực của chúng con, nhưng chúng con không ngồi xung quanh để
nghe pháp... chúng con có ngồi xung quanh để nghe pháp, nhưng chúng con
không lóng tai nghe pháp... chúng con lóng tai nghe pháp, nhưng chúng
con sau khi nghe không có thọ trì pháp... chúng con sau khi nghe, có thọ
trì pháp, nhưng không có suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì...
chúng con có suy tư ý nghĩa các
pháp đã được thọ trì, nhưng chúng con sau khi biết nghĩa, biết pháp,
không thực hành pháp và tùy pháp. Bạch Thế Tôn, do không làm đầy đủ bổn
phận, chúng con sanh ra hối hận, phiền não, vì bị sanh ra với thân hạ
liệt".
4. Này các Tỷ-kheo, lại có nhiều chư
Thiên khác đến chỗ Ta và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, khi chúng con
sống giữa loài Người, trong thời gian quá khứ, các vị xuất gia không có
gia đình đến chúng con. Bạch Thế Tôn, chúng con đã đứng dậy, chúng con
đã đảnh lễ, chúng con đã mời ghế ngồi, chúng con đã chia xẻ (đồ ăn) tùy
theo khả năng và sức lực của chúng con, chúng con đã ngồi xung quanh để
nghe pháp, chúng con lóng tai nghe pháp, chúng con sau khi nghe thọ trì
pháp, chúng con có suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, chúng con
sau khi biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp. Bạch Thế Tôn,
do chúng con làm đầy đủ bổn phận, chúng con không sanh hối hận, phiền
não, vì được sanh với thân thù thắng".
Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống.
Này các Tỷ-kheo, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về
sau, như các Thiên nhân đã được nói đến trước đây.
(X)
(20) Velàma
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi,
tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Anàthapindika đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn
nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:
- Này Gia chủ, Ông có bố thí trong gia đình của Ông không?
- Bạch Thế Tôn, trong gia đình của con có bố thí, nhưng chỉ có món ăn
thô tệ làm bằng hột gạo bể, và cháo chua.
2. - Này Gia chủ, dầu bố thí các món
thô hay tế, nếu bố thí không cẩn thận, bố thí không có chú tâm, bố thí
không tự tay mình, bố thí những vật quăng đi, bố thí không có nghĩ đến
tương lai; chỗ nào, chỗ nào, sự bố thí ấy sanh quả dị thục, thời tâm
không thiên về thưởng thức các món ăn thù diệu, tâm không thiên về
thưởng thức y áo thù diệu, tâm không thiên về thưởng thức các cỗ xe thù
diệu, tâm không thiên về thưởng thức năm dục công đức thù diệu. Và các
người con, hay vợ, hay những người phục vụ, hay những người đưa tin, hay
những người làm công, họ không có khéo nghe, họ không có lóng tai, họ
không có an trú tâm hiểu biết. Vì sao? Này Gia chủ, như vậy là quả dị
thục của các nghiệp làm không có cẩn thận.
3. Này Gia chủ, dầu có bố thí các
món thô hay tế, nếu bố thí có cẩn thận, bố thí có chú tâm, bố thí tự tay
mình, bố thí những vật không quăng bỏ đi, bố thí có nghĩ đến tương lai;
chỗ nào, chỗ nào, sự bố thí ấy sanh quả dị thục, thời tâm thiên về
thưởng thức các món ăn thù diệu, tâm thiên về thưởng thức y áo thù diệu,
tâm thiên về thưởng thức các cỗ xe thù diệu, tâm thiên về thưởng thức
năm dục công đức thù diệu. Và các người con, hay vợ, hay những người
phục vụ, hay những người đưa tin, hay những người làm công, họ có khéo
nghe, họ có lóng tai, họ có an trú tâm hiểu biết. Vì sao? Này Gia chủ,
như vậy là quả dị thục của việc làm có cẩn thận.
4. Thuở xưa, này Gia chủ, có một vị
Bà-la-môn tên là Velàma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: Vị ấy bố thí
84.000 bát bằng vàng đựng đầy bạc. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng bạc đựng
đầy vàng. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng đồng đựng đầy châu báu. Vị ấy bố
thí 84.000 con voi với đồ trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng
vàng, bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng và 84.000 cỗ xe, được trải
với da sư tử, được trải với da cọp, được trải với da báo, được trải với
mềm màu vàng, với những trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng vàng,
bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng. Vị ấy bố thí 84.000 con bò sữa,
cột bằng những sợi dây gai mịn với những thùng sữa bằng bạc. Vị ấy bố
thí 84.000 thiếu nữ, trang sức với những bông tai bằng châu báu. Vị ấy
bố thí 84.000 giường nằm trải
nệm bằng len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm
khảm với lầu che phía trên, có đầu gối chân màu đỏ hai phía. Vị ấy bố
thí 84.000 thước vải, bằng vài gai mịn màng nhất, bằng vải lụa mịn màng
nhất, bằng vải len mịn màng nhất, bằng vải bông mịn màng nhất. Và ai có
thể nói về các đồ ăn, đồ uống, loại cứng, loại mềm, các loại đồ ăn nếm
và các loại nước đường. "Chúng tôi nghĩ chúng chảy như dòng sông".
5. Có thể, này Gia chủ, Ông nghĩ:
"Có thể Bà-la-môn Velàma là một người nào khác, vị đã bố thí một cách
rộng lớn như vậy". Này Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy. Chính lúc ấy, Ta là
Bà-la-môn Velàma, chính Ta đã bố thí rộng lớn ấy. Nhưng này Gia chủ,
khi bố thí ấy được cho, không có một ai xứng đáng để nhận bố thí. Không
có một ai làm cho thanh tịnh bố thí ấy. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn
Velàma bố thí có rộng lớn, nếu có ai bố thí cho một người chánh kiến, bố
thí này lớn hơn quả lớn kia. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí
có rộng lớn và có ai bố thí cho 100 người chánh kiến, và có ai bố thí
cho một vị Nhất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu
cho Bà-la-môn Velàma bố thí rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 người
Nhất lai, và có ai bố thí cho một vị
Bất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn
Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 vị Bất lai, và có ai
bố thí cho một vị A-la-hán, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia
chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn hơn, và có ai bố thí cho
một vị A-la-hán, và có ai bố thí cho một vị Ðộc Giác Phật, bố thí này
quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có
rộng lớn và có người bố thí cho 100 vị Ðộc Giác Phật, có ai bố thí cho
Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, bố thí này quả lớn hơn bố thí
kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai
bố thí cho chúng Tỷ-kheo với Đức Phật là vị thượng thủ, và có ai xây
dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương... và có ai với tâm
tịnh tín qui y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận
học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong
các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu... Và có
ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp... từ bỏ không đắm say rượu men,
rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc
vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho
Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, có ai bố thí một vị đầy đủ chánh
kiến.. và có ai bố thí cho 100 vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí
một vị Bất lai... và có ai bố thí trăm vị Bất lai, và có ai bố thí một
vị A-la-hán... và có ai bố thí trăm vị A-la-hán... và có ai bố thí một
vị Ðộc giác Phật, và có ai bố thí trăm vị Ðộc giác Phật, và có ai bố
thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... và có ai bố thí chúng
Tỷ-kheo với Đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá
cho chúng Tăng trong bốn phương... và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật,
Pháp và chúng Tăng... và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ
sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... và có ai dầu chỉ trong
một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một
khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn
hơn bố thí kia.
III. Phẩm Chỗ Cư Trú Của
Hữu Tình
(I) (21) Trong Ba Phương Diện
1.-
Này các Tỷ-kheo, trong ba phương diện
người Uttarakurukà (Bắc Cu-lô châu) thù thắng hơn chư Thiên cõi Ba mươi
ba và loài Người ở Jambudìpa (Diêm-phù-đề). Thế nào là ba?
2. Không có ngã sở, không có chấp
trước, tuổi thọ được quy định là những thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, trong ba phương diện này, người Uttarakuruka thù
thắng hơn chư Thiên cõi Ba mươi ba và loài Người ở Jambudìpa.
3. Này các Tỷ-kheo, trong ba phương
diện, chư Thiên cõi trời Ba mươi ba thù thắng hơn loài Người ở
Uttarakuruka và loài Người ở Jambudìpa. Thế nào là ba?
4. Về thiên thọ mạng, về thiên dung
sắc, về thiên lạc. Này các Tỷ-kheo, trong ba phương diện này, chư Thiên
cõi trời Ba mươi ba thù thắng hơn loài Người ở Uttarakuruka và loài
Người ở Jambudìpa.
5. Này các Tỷ-kheo, trong ba phương
diện, loài Người ở Jambudìpa thù thắng hơn loài Người ở cõi Uttarakuruka
và chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Thế nào là ba?
Họ là anh hùng, có trú niệm và sống Phạm hạnh ở đời này.
Này các Tỷ-kheo, trong ba phương diện này, loài Người ở cõi Jambudìpa
thù thắng hơn loài Người ở cõi Uttarakuruka và chư Thiên ở cõi trời Ba
mươi ba.
(II) (22) Ngựa Chưa Ðược Ðiều Phục
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về
ba loại ngựa chưa được điều phục và ba hạng người chưa được điều phục;
ba loại ngựa được điều phục, và ba hạng người được điều phục; ba loại
ngựa hiền thiện thuần lương và ba hạng người hiền thiện thuần lương. Hãy
nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
loại ngựa chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục có tốc lực
nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối bề cao, chu vi bề ngoài. Ở đây,
này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc
đẹp nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa
được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp và cân đối. Ba loại này, này các
Tỷ-kheo, là ba loại ngựa chưa được điều phục.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
hạng người chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực
nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp nhưng không có
cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có
tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, là
ba hạng người chưa được điều phục.
4. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng
người chưa được điều phục, có tốc lực nhưng không có sắc đẹp, không có
cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ", như
thật tuệ tri: "Ðây là Khổ tập", như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ diệt", như
thật tuệ tri: "Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt". Ðây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy
lại ngập ngừng, không có trả lời. Ðây Ta nói trong nghĩa không có sắc
đẹp. Vị ấy không có nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực,
sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa không có cân đối.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có tốc lực, nhưng
không có sắc đẹp, không có cân đối.
5. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là
hạng người chưa có điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân
đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ", như
thật tuệ tri: "Ðây là Khổ tập", như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ diệt", như
thật tuệ tri: "Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt". Ðây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy
liền trả lời, không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp.
Nhưng vị ấy không nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực,
sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa không có cân đối.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực,
có sắc đẹp nhưng không có cân đối.
6. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ"...,
như thật tuệ tri: "Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt". Ðây Ta nói trong
nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả
lời, không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy nhận
được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị
bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là
hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp có cân đối. Những
hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa được điều phục.
7. Này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
loại ngựa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực,
nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
loại ngựa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp nhưng không có cân đối.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực, có sắc
đẹp, có cân đối. Các loại này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng loại ngựa
được điều phục.
8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba
hạng người được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được điều phục, có tốc lực,
nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp nhưng không có cân
đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được điều phục, có tốc lực,
có sắc đẹp, có cân đối.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người được điều phục, có tốc lực,
không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, tại đấy, được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời
này nữa. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng được hỏi về thắng
pháp, thắng luật, vị ấy ngập ngừng, không có trả lời. Ðây Ta nói trong
nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ tư dụng như y áo,
đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa
không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều
phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc
lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, tại đấy, được nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời này
nữa. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp,
thắng luật, vị ấy trả lời, không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa
có sắc đẹp. Nhưng vị này không nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn
khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa không có
cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc
lực, có sắc đẹp nhưng không có cân đối.
9. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, tại đấy được nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời này
nữa. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp,
thắng luật, vị ấy liền trả lời, không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong
nghĩa có sắc đẹp. Và vị ấy nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất
thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa có cân đối.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có
sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng
người được điều phục.
10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ba loại ngựa hiền thiện thuần lương?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện thuần lương, có tốc
lực nhưng có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại
ngựa hiền thiện thuần lương, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân
đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện thuần lương, có tốc
lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những loại này, này các Tỷ-kheo, là ba
loại ngựa hiền thiện thuần lương.
11. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là
ba loại người hiền thiện thuần lương?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện thuần lương, có tốc
lực nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người hiền thiện thuần lương, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không
có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện thuần
lương, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các
Tỷ-kheo, là ba hạng người hiền thiện thuần lương.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện thuần lương,
có tốc lực nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện
tại, tự mình với thắng trí, chúng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm
giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được
hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy ngập ngừng, không trả lời. Ðây Ta
nói trong nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ tư dụng
như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói
trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người
hiền thiện thuần lương, có tốc lực nhưng không có sắc đẹp, không có cân
đối.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện thuần lương,
có tốc lực, có sắc đẹp nhưng không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong
hiện tại, tự mình với thắng trí, chúng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu
tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi
được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả lời, không có ngập
ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ
tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta
nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng
người hiền thiện thuần lương, có tốc lực, có sắc đẹp nhưng không có cân
đối.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện thuần
lương, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng
trí, chúng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp,
thắng luật, vị ấy liền trả lời. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy
nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm
trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
là hạng người hiền thiện thuần lương, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân
đối. Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người hiền thiện
thuần lương.
(III)
(23) Ái
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết
về chín pháp lấy ái làm cội gốc. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng. Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là chín pháp lấy ái làm cội gốc?
2. Do duyên ái nên cầu tìm; do duyên
cầu tìm nên có được; do duyên có được nên có quyết định; do duyên quyết
định nên có dục tham; do duyên dục tham nên đắm trước; do duyên đắm
trước nên có chấp trước; do duyên chấp trước nên có xan tham; do duyên
xan tham nên có thủ hộ, chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh,
kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ, rất nhiều các ác, bất thiện pháp
khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín pháp lấy ái làm cội gốc.
(IV) (24) Các Loại Hữu Tình
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín chỗ cư
trú của loài hữu tình. Thế nào là chín?
2. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình, thân sai biệt, tưởng sai biệt, như loài Người, một số chư
Thiên, một số ở các đọa xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ nhất.
3. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình, thân sai biệt, tưởng đồng nhất, chư Phạm Chúng thiên, khi mới
tái sanh. Ðó là hữu tình trú xứ thứ hai.
4. Này các Tỷ-kheo, có loại hữu
tình, thân đồng nhất, tưởng sai biệt như Quang âm thiên. Ðó là hữu tình
trú xứ thứ ba.
5. Này các Tỷ-kheo, có loài hữu
tình, thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, như Tịnh Cư thiên. Ðó là hữu tình
trú xứ thứ tư.
6. Này các Tỷ-kheo, có những loại
hữu tình không có tưởng, không có thọ như Vô Tưởng thiên. Ðó là hữu tình
trú xứ thứ năm.
7. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình vượt khỏi sắc tưởng một cách hoàn toàn, diệt trừ các đối ngại
tưởng, không có tác ý sai biệt tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên",
chứng được Không vô biên xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ sáu.
8. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình, vượt khỏi hư Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng:
"Thức là vô biên", chứng được Thức vô biên xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ
bảy.
9. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: "Không
có gì tất cả", chứng được Vô sở hữu xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ tám.
10. Này các Tỷ-kheo, có những loài
hữu tình vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng Phi tưởng phi
phi tưởng xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ chín.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín chỗ cư trú của các loài hữu tình.
(V) (25) Trí Tuệ
1. - Này các Tỷ-kheo, khi nào tâm
Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy
nói như sau: "Ta rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc
nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Và này các
Tỷ-kheo, thế nào là tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập?
2. "Ly tham là tâm của ta", như vậy
tâm vị ấy được khép tích tập với trí tuệ. "Ly sân là tâm của ta", như
vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ. "Ly si là tâm của ta", như
vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ. "Tánh không có tham là
tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ. "Tánh sân
là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ. "Tánh
không có si là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với
trí tuệ. "Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta", như vậy tâm
vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ. "Tánh không chuyển hướng về sắc
hữu là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
"Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy
được khéo tích tập với trí
tuệ.
Này các Tỷ-kheo, khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ,
thời thậĩt hợp lý cho Tỷ-kheo ấy nói như sau: "Ta rõ biết: "Sanh đã tận,
Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng
thái này nữa"" .
(VI) (26) Trụ Ðá
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Candikàputta trú ở Ràjagaha
(Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Tại đấy, Tôn giả
Candikàputta gọi các Tỷ-kheo, nói rằng:
- Này các Hiền giả, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau:
"Thưa các Hiền giả, khi nào tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí
tuệ, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Ta rõ biết: "Sanh
đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên là đã làm, không còn trở lui trạng
thái này nữa"".
2. Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta
nói với Tôn giả Candikàputta:
- Này Hiền giả Candikàputta, Devadatta không có thuyết pháp cho các
Tỷ-kheo như sau: "Thưa các Hiền giả, khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích
tạo với trí tuệ thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Ta rõ
biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không
còn trở lui trạng thái này nữa"". Này Hiền giả Candikàputta. Devadatta
thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: "Thưa các Hiền giả, khi nào tâm vị
Tỷ-kheo được khéo tích tập với tâm ý thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả
lời như sau: "Ta rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên
làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
3. Lần thứ hai... Lần thứ ba, Tôn
giả Candikàputta bảo các Tỷ-kheo nói rằng:
- Thưa các Hiền giả, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau:
"Khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ thời thật hợp lý cho
vị Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Ta rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã
thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"".
Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Candikàputta:
- Này Hiền giả Candikàputta, Devadatta không có thuyết pháp cho các
Tỷ-kheo như sau: "Thưa các Hiền giả, khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích
tập với trí tuệ thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Ta rõ
biết: "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa"". Này Hiền
giả Candikàputta. Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: "Thưa
các Hiền giả, khi nào tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với tâm ý thời
thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Ta rõ biết: "Sanh đã tận...
không còn trở lui trạng thái này nữa".
4. - Và như thế nào, này Hiền giả,
tâm vị Tỷ-kheo được khép tích tập với tâm ý?
- "Ly tham là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với
tâm ý. "Ly sân là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với
tâm ý. "Ly si là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với
tâm ý. "Tánh không có tham là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo
tích tập với tâm ý. "Tánh không có sân là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy
được khéo tích tập với tâm ý. "Tánh không có si là tâm của ta", như vậy
tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. "Tánh không chuyển hướng về dục
hữu là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý.
"Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta", như vậy tâm vị ấy
được khéo tích tập với tâm ý. "Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là
tâm của ta", như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý.
5. Như vậy, này Hiền giả, với
Tỷ-kheo có tâm chánh giải thoát như vậy, nếu các sắc do mắt nhận thức
mạnh mẽ đi vào giới vực của con mắt, các sắc không chinh phục tâm vị ấy,
tâm được an trú, không bị tạp nhiễm, không bị lay động. Vị ấy tùy quán
sự diệt tận của chúng; nếu các tiếng do tai nhận thức mạnh mẽ đi vào
giới vực của lỗ tai... nếu các hương do mũi nhận thức mạnh mẽ đi vào
giới vực của lỗ mũi... nếu các vị do lưỡi nhận thức mạnh mẽ đi vào giới
vức của lưỡi... nếu các xúc do thân nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức
của thân. nếu các pháp do ý nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của ý...
Các pháp không chinh phục, tâm vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp
nhiễm, không bị lay động. Vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng. Ví như,
này Hiền giả, một trụ đá cao mười sáu
khuỷu tay, tám khuỷu tay chôn sâu xuống đất, tám khuỷu tay nổi lên trên,
nếu từ phương Ðông, mưa to gió lớn đến, không làm rung động, không làm
chuyển động, không làm chuyển động mạnh trụ đá ấy; nếu từ phương Tây...
nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam, mưa to gió lớn đến, không làm
rung động, không làm chuyển động, không làm chuyển động mạnh trụ đá ấy.
Vì sao? Này Hiền giả, vì trụ đá được đào sâu, được chôn sâu. Cũng vậy,
này Hiền giả, với Tỷ-kheo có tâm chánh giải thoát như vậy, nếu các sắc
do mắt nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của con mắt, các sắc không
chinh phục tâm của vị ấy, tâm được an trú không bị tạp nhiễm, không bị
lay động. Vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng. Nếu các tiếng do tai
nhận thức... nếu các pháp do ý nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của ý,
các pháp không chinh phục tâm vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp
nhiễm, không bị lay động. Vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng.
(VII) (27) Sợ Hãi Hận Thù (1)
1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến
Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói
với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:
2. - Này Gia chủ, khi nào năm sợ hãi
hận thù của vị Thánh đệ tử được chỉ tức, thời vị ấy thành tựu được bốn
Dự lưu phần. Nếu vị ấy muốn, có thể tuyên bố về ngã đối với tự ngã: "Ðịa
ngục đối với ta được đoạn tận, loài bàng sanh đối với ta được đoạn tận,
cõi ngạ quỷ đối với ta được đoạn tận, cõi dữ, ác thú, đọa xứ đối với ta
được đoạn tận. Ta là vị Dự lưu, không còn thối đọa, chắc chắn đạt đến
Chánh giác".
3. Thế nào là năm sợ hãi hận thù
được chỉ tức?
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sát sanh, vì duyên sát sanh, đưa đến
trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ,
tâm ưu người ấy cảm thọ. Từ bỏ sát sanh, sợ hãi hận thù không đưa đến
trong hiện tại, sợ hãi hận thù không đưa đến trong tương lai, kể cả
không có tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ sát sanh,
như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do lấy của không cho, vì duyên lấy của
không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương
lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ lấy của
không cho, như vậy sự sợ hãi hận thùược nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sống tà hạnh trong các dục, vì duyên
sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa
đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với
vị từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp
phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do nói láo, vì duyên nói láo đưa đến
trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm
khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ nói láo, như vậy sợ hãi
hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do đắm say rượu men, rượu nấu, vì duyên
đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa
đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với
vị từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp
phục.
Năm sự sợ hãi hận thù này được nhiếp phục.
4. Thế nào là bốn Dự lưu phần được
đầy đủ?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử, đầy đủ lòng tin tuyệt đối với Đức
Phật: "Ðây là Thế Tôn, bậc ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn
Sư, Phật Thế Tôn".
Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn
khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có
khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".
Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử
Thế Tôn là bậc Thiên hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh;
chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là
bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của
Thế Tôn, đáng được cung kính, đang được tôn trọng, đáng được cúng dường,
đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời. Các vị ấy đầy
đủ các giới đức được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy
hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí
tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định. Bốn Dự lưu phần này
được thành tựu.
(VIII) (28) Sợ Hãi Hận Thù (2)
(Thế Tôn thuyết lại kinh 26 cho các Tỷ-kheo).
(IX) (29) Xung Ðột Sự
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín xung
đột sự. Thế nào là chín?
2. "Vị ấy đã làm hại tôi", xung đột
khởi lên. "Vị ấy đang làm hại tôi", xung đột khởi lên. "Vị ấy sẽ làm hại
tôi", xung đột khởi lên. "Vị ấy đã làm hại người tôi thương, tôi
mến"... "Vị ấy đang làm hại người tôi thương, tôi mến"... "Vị ấy sẽ làm
hại người tôi thương, tôi mến", xung đột khởi lên. "Vị ấy đã làm lợi cho
người tôi không thương, không mến"... "Vị ấy đang làm lợi..." Vị ấy sẽ
làm lợi cho người tôi không thương, không mến", xung đột khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín xung đột sự.
(X) (30) Ðiều Phục Xung Ðột Sự
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín điều
phục xung đột sự. Thế nào là chín? "Vị ấy đã làm hại tôi; có ích lợi gì
mà nghĩ như vậy", nhờ vậy xung đột được điều phục. "Vị ấy sẽ làm hại
tôi; có ích lợi gì mà nghĩ như vậy", nhờ vậy xung đột được điều phục.
"Vị ấy đã làm hại người tôi thương mến; có ích lợi gì mà nghĩ như vậy",
nhờ vậy xung đột được điều phục. "Vị ấy đã làm hại... vị ấy làm hại
người tôi thương tôi mến; có ích lợi gì mà nghĩ như vậy", nhờ vậy xung
đột được điều phục. "Vị ấy đã làm lợi cho người tôi không thương, không
mến"... "Vị ấy đang làm lợi... vị ấy sẽ làm lợi cho người tôi không
thương, không mến, có lợi ích gì mà nghĩ như vậy", nhờ vậy xung đột được
điều phục
Này các Tỷ-kheo, đây là chín xung đột sự được điều phục.
(XI) (31) Chín Thứ Ðệ Diệt
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín thứ đệ
diệt. Thế nào là chín?
2. Thành tựu sơ Thiền, các dục tưởng
bị đoạn diệt. Thành tựu đệ nhị Thiền, các tầm tứ bị đoạn diệt. Thành
tựu đệ tam Thiền, hỷ bị đoạn diệt. Thành tựu đệ tứ Thiền, hơi thở vào,
hơi thở ra bị đoạn diệt. Thành tựu Không vô biên xứ, sắc tưởng bị đoạn
diệt. Thành tựu Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng bị đoạn diệt.
Thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ bị đoạn diệt. Thành
tựu Diệt thọ tưởng định, các tưởng và các cảm thọ bị đoạn diệt.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín thứ đệ diệt.
IV. Ðại Phẩm
(I) (32) Chín Thứ Ðệ Trú (1)
1.
- Này các Tỷ-kheo, có chín thứ đệ trú
này. Thế nào là chín?
2. Này Hiền giả, ở đây có Tỷ-kheo ly
dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái
hỷ lạc do ly dục sanh có tầm và tứ. Diệt tầm và tứ... Thiền thứ hai...
Thiền thứ ba... chứng và trú Thiền thứ tư. Sau khi vượt qua sắc tưởng
một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý các
tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô
biên xứ. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết
rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Sau khi vượt qua
Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có sự gì", chứng
và trú Vô sở hữu xứ. Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn,
chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi vượt qua Phi tưởng phi
phi tưởng xứ một cách hoàn
toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín thứ đệ trú.
(II) (33) Chín Thứ Ðệ Trú (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết
về chín Thiền chứng thứ đệ trú này. Hãy lắng nghe... Này các Tỷ-kheo,
thế nào là chín thứ đệ trú Thiền chứng?
2. Chỗ nào các dục đoạn diệt, và
những ai sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn
Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên
kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào các dục được đoạn diệt? Những ai sau khi
đoạn diệt các dục, sống an trú: "Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy",
ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: "Ở đây, này Hiền giả,
Tỷ-kheo ly các dục... chứng và an trú Thiền thứ nhất. Tại đây, các dục
được đoạn diệt các dục, sống an trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người
không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành
thay". Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói "Lành thay" người ấy sẽ đảnh
lễ, chắp tay và hầu hạ.
3. Chỗ nào các tầm và tứ được đoạn
diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt tầm và tứ, sống không an
trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn các Tôn giả ấy không bỏ dục ái, được tịch
tịnh, đã vượt qua , đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào các tầm
và tứ được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt tầm và tứ, sống an
trú? "Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy
cần được nói như sau: "Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo được nói như sau: "Ở
đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ
hai. Tại đây, các tầm và tứ được đoạn diệt, các vị ấy sau khi đoạn diệt,
đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người
không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói "Lành
thay". Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với
lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
4. Chỗ nào hỷ được đoạn diệt, và
những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt hỷ, sống an trú, Ta nói rằng:
"Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua,
đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào hỷ được đoạn diệt? Những ai
sau khi đoạn diệt, đoạn diệt hỷ, sống an trú. "Ta không biết vậy, ta
không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: "Ở đây,
này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chứng và trú Thiền thứ ba. Tại đây,
hỷ được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt, đoạn diệt hỷ, sống an
trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá
sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay". Sau khi hoan hỷ, sau khi
tùy hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
5. Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt, và
những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt xả lạc, sống an trú, Ta nói rằng:
"Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua,
đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt?
Những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt xả lạc, sống an trú. "Ta không
biết vậy, ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần được nói như
sau: "Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ,... chứng và trú Thiền
thứ tư. Tại đây, xả lạc được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt,
đoạn diệt xả lạc, sống an trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không
giả dối, không lường gạt sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay".
Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp
tay và hậu hạ.
6. Chỗ nào sắc tưởng được đoạn diệt,
và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú, Ta nói
rằng: "Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã
vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào sắc tưởng được
đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú.
"Ta không biết vậy, ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần
được nói như sau: "Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua sắc tưởng một
cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý các sai biệt
tưởng, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú "Không vô
biên xứ". Ở đây, các sắc tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn
diệt, đoạn diệt hỷ, sống an trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người
không lường gạt, không man trá sẽ
hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay". Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy
hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
7. Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng
được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Không vô biên
xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn các Tôn giả ấy không có
dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi
ấy". Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi
đoạn diệt, đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú. "Ta không biết
vậy, ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau:
"Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ tưởng một cách
hoàn toàn, biết rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú "Thức vô biên xứ".
Tại đây, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn
diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú". Chắc chắn, này các Tỷ-kheo,
người không lường gạt, không man
trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay". Sau khi hoan hỷ, sau
khi tùy hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
8. Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng
được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Thức vô biên xứ
tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục
ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy".
Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn
diệt, đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú. "Ta không biết vậy,
ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: "Ở
đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ tưởng một cách hoàn
toàn, biết rằng: "Không có vật gì", chứng và trú "Vô sở hữu xứ". Tại
đây, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt,
đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú". Chắc chắn, này các
Tỷ-kheo, người không lường gạt, không
man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay". Sau khi hoan hỷ,
sau khi tùy hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
9. Chỗ nào Vô sở hữu xứ tưởng được
đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng,
sống an trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái,
được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy". Chỗ
nào Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt, đoạn
diệt Thức vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú?
"Ta không biết vậy, ta không thấy vậy", ai nói như vậy, người ấy cần
được nói như sau: "Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt Vô sở hữu xứ một
cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ". Tại đây, Vô sở
hữu xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Vô
sở hữu xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không
lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói "Lành thay".
Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói "Lành thay" sẽ đảnh lễ, chắp
tay và hậu hạ.
10. Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng
xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Phi
tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: "Chắc chắn các
Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên
kia với Thiền chi ấy". Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được
đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng
xứ tưởng, sống an trú. "Ta không biết vậy, ta không thấy vậy", ai nói
như vậy, người ấy cần được nói như sau: "Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn... chứng và trú Diệt
thọ tưởng định". Tại đây, Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn
diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt, đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ
tưởng, sống an trú. Chắc chắn,
này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy
hỷ với lời nói "Lành thay". Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói "Lành
thay" sẽ đảnh lễ, chắp tay và hậu hạ.
Này các Tỷ-kheo, đây chín là thứ đệ trú Thiền chứng.
(III) (34) Niết Bàn
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi
dưỡng các con sóc. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Hiền giả, lạc là Niết-bàn này; này các Hiền giả, lạc là
Niết-bàn này.
2. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi
nói với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Hiền giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì
được cảm thọ?
3. - Này Hiền giả, cái này ở đây là
lạc, dầu rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ. Này Hiền giả, có năm dục
trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến
dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận
thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân nhận thức, khả lạc,
khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Này Hiền giả do duyên năm
dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc.
4. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
các dục, ly ác, bất thiện pháp... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này Hiền
giả, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu
hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng
bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể
khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý,
câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng
bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn
này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
diệt tầm và tứ... đạt được Thiền thứ hai và an trú. Này chư Hiền, nếu
trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm
vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như,
này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một
chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm
vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư
Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư
Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
6. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo ly
hỷ.... chứng và trú Thiền thứ ba. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo
ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như
vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với
một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng
vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như
vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được
Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu
Niết-bàn là lạc.
7. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
đoạn lạc... đạt được Thiền thứ tứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo
ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như
vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với
một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng
vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như
vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được
Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu
Niết-bàn là lạc.
8. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại
tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là vô
biên" chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi
Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện
hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư
Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng
bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện
hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng
bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải
hiểu Niết-bàn là lạc.
9. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Thức là vô
biên" chứng và an trú Thức vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi
Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên
xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví
như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như
một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với
Không vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng
bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn
này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
10. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật
gì" chứng và an trú Vô sở hữu xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy
trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn
hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này
chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một
chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Thức
vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh.
Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này
chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
11. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo
vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi
phi tưởng xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này,
các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối
với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người
sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với
Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như
vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được
Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu
Niết-bàn là lạc.
12. Này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi
Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ
tưởng định. Vị ấy, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận.
Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
(IV)
(35) Con Bò Cái
1. - Ví như, này các Tỷ-kheo, một
con bò cái sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết đồng
ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: "Ta hãy
đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được
ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống", và con bò cái ấy đã giơ
chân sau lên, trước khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước, và
nó không có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, không có thể ăn
cỏ trước kia chưa được ăn, và không có thể uống nước trước kia chưa được
uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: "Ta hãy đi đến phương
hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn ta sẽ uống nước
trước kia chưa uống", nó không có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn.
Vì sao? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si, kho6ng tho6ng minh,
không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi con hiểm trở.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo ngu si, không thông
minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo, ly dục, ly ác pháp...
chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy không thực hành, không tu tập tướng
ấy không làm cho sung mãn, không trú một cách khéo trú, vị ấy lại suy
nghĩ: "Ta hãy diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai". Vị ấy không
có thể diệt các tầm và tứ... không có thể chứng và trú Thiền thứ hai.
Dầu cho vị ấy có suy nghĩ: "Ta hãy ly dục... chứng và an trú Thiền thứ
nhất", vị ấy cũng không thể ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ
nhất. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo rơi vào cả hai phía, đọa vào
cả hai phía, ví như con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si , không thông
minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm
trở.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con
bò cái sống ở rừng núi, hiền trí, thông minh, biết đồng ruộng, biết
thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: "Ta hãy đi đến
phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta
sẽ uống nước trước kia chưa được uống", và con bò cái ấy, sau khi nó
khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước rồi giơ chân sau lên, và nó có
thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ăn cỏ trước kia chưa được ăn,
và uống nước trước kia chưa được uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt
chân, nó nghĩ: "Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn
cỏ trước kia chưa ăn ta sẽ uống nước trước kia chưa uống", nó có thể trở
lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vì con bò
cái ấy sống ở rừng núi, hiền trí,
thông minh, biết chỗ đồng ruộng, thiện xảo đi đến các núi con hiểm trở.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo hiền trí, thông minh,
biết chỗ đồng ruộng, biết thiện xảo, ly dục, ly ác pháp... có thể chứng
và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng
ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy lại suy nghĩ: "Ta hãy diệt tầm và tứ...
chứng và trú Thiền thứ hai". Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ hai, diệt
các tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thực hành, tu
tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ:
"Ta hãy ly hỷ... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba". Vị ấy thực hành, tu
tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ:
"Ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư".
Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ tư, đoạn lạc, đoạn khổ... chứng và an trú
Thiền thứ tư. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú
một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: "Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một
cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các
tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú
Không vô biên xứ. Vị ấy không lẫn lộn Không vô biên xứ, vượt qua các sắc
tưởng một cách hoàn toàn... không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết
rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy
thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị
ấy suy nghĩ: "Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết
rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ". Vị ấy
không lẫn lộn Thức vô biên xứ, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn
toàn, biết rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ.
Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo
trú. Vị ấy suy nghĩ: "Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn
toàn", biết rằng "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị
ấy không lẫn lộn Vô sở hữu xứ, vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn
toàn, biết rằng: "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị
ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú.
Vị ấy suy nghĩ: "Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn", chứng
đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy không lẫn lộn Phi tưởng
phi phi tưởng xứ, vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng
đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm
cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: "Ta hãy
vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an
trú Diệt thọ tưởng định. Vị ấy không lẫn lộn Diệt thọ tưởng định, vượt
qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú
Diệt thọ tưởng định.
3. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo
nhập vào và xuất ra khỏi Thiền chứng ấy, tâm vị ấy trở thành như nhuyến,
kham nhậm. Với tâm nhu nhuyến kham nhậm, định được khéo tu tập, trở
thành vô lượng. Vị ấy với định vô lượng khéo tu tập, tùy theo pháp gì,
pháp gì cần được chứng ngộ với thắng trí, vị ấy hướng tâm về sự chứng
ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có được khả năng chứng đạt
được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc nhiều loại
thần thông, một thân có thể trở thành nhiều thân... với thân có thể đạt
đến cõi Phạm thiên. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được,
dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc Thiên nhĩ
thông... Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc
loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể
chứng Tha tâm thông, với tâm của mình biết được tâm của các loại chúng
sanh và các loại hữu tình: Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không
tham biết là tâm không tham... tâm giải thoát biết là tâm giải thoát.
Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ
nào. Nếu muốn, vị ấy có thể: "Ta sẽ nhớ lại nhiều đời sống quá khứ, như
một đời, hai đời... có thể nhớ được nhiều đời quá khứ, với các nét đại
cương và các chi tiết". Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng chứng đạt
được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu vị ấy muốn, vị ấy với Thiên nhãn thuần
tịnh siêu nhân... "Ta có thể rõ biết các loài hữu tình theo nghiệp lực
của chúng". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu
thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể, do đoạn tận các lậu hoặc...
sau
khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả
năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào.
(V) (36) Thiền
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng:
"Y chỉ nơi sơ Thiền, các lậu hoặc được diệt tận". Này các Tỷ-kheo, Ta
nói rằng: "Y chỉ vào Thiền thứ hai, các lậu hoặc được diệt tận". Này các
Tỷ-kheo, Ta nói rằng" Y chỉ vào Thiền thứ ba, các lậu hoặc được diệt
tận". ". Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng" Y chỉ vào Thiền thứ tư, các lậu
hoặc được diệt tận". Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: "Y chỉ vào không vô
biên xứ... y chỉ vào Thức vô biên xứ... y chỉ vào Vô sở hữu xứ... Ta nói
rằng: "Y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các lậu hoặc được đoạn
tận".
2. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: "Y
chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận", như vậy được nói đến. Do
duyên gì, được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng và trú sơ Thiền.
Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng,
thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường,
là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là
khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm
mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp áy,
vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: "Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng,
tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát
ái, ly tham, đoạn diệt Niết-bàn". Vị ấy trú ở đây đạt đến sự diệt tận
các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp
hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng
được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Vị như người bắn
cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay
trên đồng đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn
nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú
sơ Thiền. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc
về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là
vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật
bệnh, là khác lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh
né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những
pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: "Ðây là tịch tịnh, đây là thù
thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt
tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự
diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy,
với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa
sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn
tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
3. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng y
chỉ Thiền thứ hai... y chỉ Thiền thứ ba... y chỉ Thiền thứ tư, các lậu
hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc, đoạn tận khổ, chấm
dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không
khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc
về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các
pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là
mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống
không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi
tránh né tâm mình khỏi những pháp áy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử:
"Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự
từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt Niết-bàn".
Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận
các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần
kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui
thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập
bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đồng đất sét, rồi người ấy có thể
trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn. Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc... chứng đạt và an trú sơ
Thiền... thứ tư. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ,
thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy
quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm,
là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị
ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình
khỏi những pháp ấy. Sau khi tránh né tâm khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng
dẫn đến giới bất tử: "Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ
tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham,
đoạn diệt, Niết-bàn". Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.
Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do
đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được
Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, thứ hai... thứ tư, các
lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói
đến.
4. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: "Y
chỉ vào Không vô biên xứ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận, được nói đến
như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn,
chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến tưởng sai biệt, biết
rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy
ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành... vị
ấy... do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng
được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, ta nói rằng: "Y chỉ vào Không vô biên xứ, các lậu
hoặc được đoạn tận", như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
5. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: "Y
chỉ vào Thức vô biên xứ... y chỉ vào Vô sở hữu xứ... các lậu hoặc được
đoạn diệt", được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách
hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu
xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng... vị ấy...
do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được
Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: "Y chỉ vào Vô sở hữu xứ, các lậu hoặc
được đoạn diệt", được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến.
Như vậy, xa cho đến các tưởng Thiền chứng, cho đến như vậy, cần phải
lấy trí để thể nhập. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các xứ này, như Phi tưởng
phi phi tưởng Thiền chứng và Diệt thọ tưởng là những xứ, các Tỷ-kheo
Thiền quán, khéo léo chứng nhập, khéo léo khởi xuất thiền chứng. Ta nói
rằng: "Sau khi chứng nhập và khởi xuất, các xứ ấy cần phải được chơn
chánh làm cho biết rõ".
(VI) (37) Tôn Giả Ananda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Tại
đấy, Tôn giả Ananda bảo các Tỷ-kheo:
- Này chư Hiền Tỷ-kheo.
- Vâng, thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda . Tôn giả Ananda nói như sau:
2. - Thật vi diệu thay, thưa các
Hiền giả! Thật hi hữu thay, thưa các Hiền giả, như thế nào là con đường
thoát ly, thoát khỏi sự trói buộc, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến
giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tùy giác để các loài hữu tình được
thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, giác
ngộ Niết-bàn. Ðây sẽ chỉ có mắt, chớ không có cảm thọ các sắc ấy và các
xứ ấy; đây chỉ có tai, chớ không có cảm thọ, các tiếng ấy và các xứ ấy;
đây chỉ có mũi chớ không có cảm thọ các hương ấy, và các xứ ấy; đây chỉ
có lưỡi, chớ không có cảm thọ các vị ấy và các xứ ấy; đây chỉ có thân,
chớ không có cảm thọ các xúc ấy và các xứ ấy.
3. Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi
nói với Tôn giả Ananda:
- Này Hiền giả Ananda, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng
hay không có tưởng?
- Này Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng, không
phải không có tưởng.
Nhưng thưa Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy tưởng cái
gì?
4. - Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại
tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là vô
biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có
tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Thức là vô
biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng
như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
6. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật
gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như
vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
7. Này Hiền giả, một thời tôi sống ở
Sàketa, rừng Anjanavana tại vườn nai. Rồi này Hiền giả, có một
Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha đến tôi, đảnh lễ tôi và đứng một bên. Ðứng một
bên, này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha thưa với tôi:
- Thưa Tôn giả Ananda, Thiền định này không thiên tà dục, không hướng
dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục,
nhờ giải thoát, được vững chắc, nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri
túc, không có âu lo. Thưa Tôn giả Ananda , Thiền định này được Thế Tôn
dạy, có quả gì?"
Ðược nói vậy, này Hiền giả, tôi nói với Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha như
sau: "- Thưa Chị, Thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận
tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải
thoát được vững chắc; nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có
âu lo... Này Chị, Thiền định này được chánh trí là quả".
Thế Tôn nói như vậy, này Hiền giả, vị ấy có những tưởng như vậy,
nhưng không cảm thọ xứ ấy.
(VII)
(38) Các Bà-La-Môn
1. Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi
đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi
thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi
xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
2. - Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana
Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ
không dư, nói rằng: "Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được
an trú liên tục thường hằng". Vị ấy nói như sau: "Với trí vô biên, ta
sống, biết và thấy thế giới hữu biên". Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha
Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ
không dư, nói rằng: "Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được
an trú liên tục thường hằng". Vị ấy nói như sau: "Với trí hữu biên, ta
sống, biết và thấy thế giới hữu biên". Thưa Tôn giả Gotama, giữa hai bậc
tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng
sự thật, ai nói lái?
3. - Thôi vừa rồi, này các
Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: "Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa
hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?"
Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo
tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. - Này các Bà-la-môn, ví như bốn
người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối
thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như
một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện
xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên
ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân
dài của họ, thời như sau: từ biển phía Ðông đến biển phía Tây. Rồi người
đứng ở phương Ðông nói như sau: "Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế
giới". Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm, và người ấy sống
môt trăm năm, và bước đi trong một trăm năm - trừ khi người ấy ăn, người
ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu
tiện, trừ khi người ấy ngủ để lấy
lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế
giới". Rồi người đứng ở phương Tây... rồi người đứng ở phương Bắc... rồi
người đứng ở phương Nam nói như sau: "Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của
thế giới". Dầu cho tuổi thọ... người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt
đến tận cùng của thế giới". Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng,
không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có
thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không
đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.
5. Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng
dưởng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là
năm?
6. Các sắc do con mắt nhận thức khả
lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai
nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức...
các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến
dục, hấp dẫn.
Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong
Luật của bậc Thánh.
7. Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo
ly các dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo
này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế
giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: "Vị này vẫn còn bị hạn
chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian". Này các
Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: "Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế
giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian".
8. Lại nữa, này các Bà-la-môn,
Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền
thứ ba... Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi
đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác
nói về vị ấy như sau: "Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này
chưa xuất ly khỏi thế gian". Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: "Vị
này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian".
9. Lại nữa, này các Bà-la-môn,
Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối
ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là
vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây
gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế
giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: "Vị này vẫn còn bị hạn
chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian". Này các
Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: "Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế
giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian".
10. Lại nữa, này các Bà-la-môn,
Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng:
"Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ... Sau khi vượt
khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật gì",
chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ... Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một
cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các
Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong
tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: "Vị này
vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian".
Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: "Vị này vẫn còn bị hạn chế trong
thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian".
11. Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt
qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú
Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được
đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế
giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược
của thế giới.
(VIII) (39) Chư Thiên
1. - Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
trận chiến kịch liệt giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận chiến
này, này các Tỷ-kheo, các Asurà thắng, chư Thiên bị bại trận. Chư Thiên
thất trận bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này
các Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ sau: "Các Asurà đang đuổi theo. Vậy
chúng ta hãy đánh một trận thứ hai với các Asurà".
2. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư
Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại
thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ
hãi bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này các
Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ như sau: "Các Asurà đang đuổi theo. Vậy
chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với các Asurà".
3. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư
Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại
thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ
hãi bỏ chạy vào thành phố chư Thiên. Và này các Tỷ-kheo, chư Thiên đi
vào trong thành của chư Thiên suy nghĩ như sau:" Nay ta hãy đi đến chỗ
ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta,
không có gì phải làm với các Asurà". Này các Tỷ-kheo, các Asurà cũng suy
nghĩ như sau: "Này chư Thiên đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ
hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng
ta."
4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có
trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận
chiến này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng, các Asurà bị bại trận. Các
Asurà thất trận bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi
này các Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: "Chư Thiên đang đuổi theo.
Vậy chúng ta hãy đánh trận thứ hai với chư Thiên".
5. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các
Asurà đánh trận với chư Thiên. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư Thiên
thắng trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ
hãi bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi này các
Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: "Chư Thiên đang đuổi theo. Vậy
chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với chư Thiên".
6. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các
Asurà đánh với chư Thiên. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng
trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ hãi bỏ
chạy vào thành phố Asurà. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà đi vào trong
thành phố của các Asurà suy nghĩ như sau: "Nay chúng ta đã đi đến chỗ ẩn
náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không
có gì phải làm với chư Thiên". Này các Tỷ-kheo, chư Thiên cũng suy nghĩ
như sau: "Này các Asurà đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi.
Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta."
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong
khi Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền, trong khi ấy, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: "Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ
hãi, nay ta sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với Màra". Và này
các Tỷ-kheo, chính Ác ma cũng suy nghĩ như sau: "Với sự đi đến chỗ ẩn
náu của sợ hãi, Tỷ-kheo sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với
ta".
8. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị
Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền
thứ ba... Thiền thứ tư, trong khi ấy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ
như sau: "Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, nay ta sống với tụ ngã,
không có việc gì phải làm với Màra". Và này các Tỷ-kheo, chính Ác ma
cũng suy nghĩ như sau: "Với sự đi đến chỗ ẩn náo của sợ hãi, Tỷ-kheo
sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với ta".
9. Này các Tỷ-kheo, trong khi
Tỷ-kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng
ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là
vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, như vậy
gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Màra, không còn
dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
10. Này các Tỷ-kheo, trong khi
Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Thức
là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ... Vượt khỏi Thức vô
biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật gì" chứng đạt và an
trú Vô sở hữu xứ... Vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng
đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong khi Tỷ-kheo vượt Phi
tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ
tưởng định; vị ấy thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các
Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của
Màra, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Vị ấy
đã vượt qua triền phược ở đời.
( IX) (40) Con Voi Lớn
1. - Này các Tỷ-kheo, khi nào các
con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con đi đến trước,
đến trước chỗ ăn của con voi lớn ở rừng cắt đứt các ngọn cỏ, thời này
các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỳ
kheo, Các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con
nhai ăn các bó cây gãy, các cành cây tại chỗ ăn của con voi lớn ở rừng,
thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào,
này các Tỷ-kheo, các con voi , các con voi cái, các con voi trẻ, các con
voi con đi trước, đi trước, xuống trũng nước của con voi rừng, dùng vòi
quấy động, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo ấu, xấu hổ, nhàm chán.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, các con voi cái bước xuống trũng nước của con
voi rừng, cọ xát thân của
con voi rừng, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo ấu, xấu hổ, nhàm
chán.
2. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo,
con voi rừng suy nghĩ như sau: "Này ta sống lẫn lộn với các con voi, các
con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con. Ta ăn các loại cỏ đầu
ngọn bị cắt đứt, chúng nhai ăn các bó cây gãy và các cành cây của ta, ta
uống nước bị vẩn đục; khi ta đi xuống trũng nước, các con voi cái đến
cọ xát thân ta. Vậy ta hãy sống một mình, xa rời bầy voi". Rồi sau một
thời gian, con voi ấy sống một mình, xa rời bầy voi, ăn các loại cỏ đầu
ngọn không bị cắt đứt, nó không ăn các bó cây gãy, và các cành cây, nó
uống nước không vẩn đục, khi bước xuống trũng nước, các con voi cái
không đi đến cọ xát thân. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, con voi rừng
suy nghĩ như sau: "Trước đây, ta sống lẫn lộn với các voi, các con voi
cái, các con voi trẻ, các con voi
con. Ta ăn các loại cỏ đầu ngọn bị cắt đứt, chúng ăn các bó cây gãy và
các cành cây của ta, ta uống nước bị vẩn đục. Khi ta bước xuống trũng
nước, các con voi cái đến cọ xát thân ta. Nay ta sống một mình, xa rời
bầy voi, ta ăn các loại cỏ đầu ngọn không bị cắt đứt, chúng không ăn các
bó cây gãy, và các cành cây của ta. Ta uống nước không vẩn đục. Khi ta
bước xuống trũng nước, các con voi cái không đi đến cọ xát thân ta. Con
voi rừng ấy với cái vòi bẻ gẫy cành cây, lấy cành cây cọ xát thân mình,
và hoan hỷ làm cho nhẹ bớt cơn ngứa".
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong
khi Tỷ-kheo sống lẫn lộn với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư
sĩ, với vua và đại thần của vua, với các ngoại dạo sư và đệ tử của ngoại
đạo, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: "Ta sống
lẫn lộn với các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ và nữ cư sĩ, vua và
các đại thần của vua, các ngoại đạo sư và các đệ tử của ngoại đạo. Vậy
ta hãy sống một mình, xa rời họ", vị ấy sống tại trú xứ xa vắng, ngôi
rừng, gốc cây, núi non ghềnh đá, hang núi, bãi tha ma, rừng cao nguyên,
ngoài trời, đống rơm. Vị ấy đi đến rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà
trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Vị ấy sau khi
đoạn tận tham ở đời, sống với tâm ly tham, gạn lọc tâm khỏi tham. Sau
khi đoạn tận sân, vị ấy
sống với tâm ly sân, có lòng thương tưởng tất cả chúng sanh và loài hữu
tình, gạn lọc tâm khỏi sân. Sau khi đoạn tận hôn trầm thụy miên, vị ấy
sống với tâm ly hôn trầm thụy miên, tưởng đến ánh sáng, chánh niệm, tỉnh
giác, gạn lọc tâm khởi hồn trầm thụy miên. Sau khi đoạn tận trạo cử hối
quá, vị ấy không có dao động, nội tâm an tịnh, gạn lọc tâm khởi trạo cử
hối quá. Sau khi đoạn tận nghi, vị ấy sống vượt qua nghi ngờ, không có
nghi ngờ do dự, gạn lọc tâm khỏi nghi ngờ trong các thiện pháp. Vị ấy
sau khi đoạn tận năm triền cái làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ
này, ly các dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền; vị ấy hoan hỷ vì đã đối
trị được cơn ngứa. Sau khi diệt tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền
thứ hai... Thiền thứ ba... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư; vị ấy
hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Vị ấy sau khi vượt qua các sắc
tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác
ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt
và an trú Không vô biên xứ; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa.
Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng:
"Thức là vô biên", chứng đạt vàn an trú Thức vô biên xứ... sau khi vượt
qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng: "Không có vật
gì", chứng đạt và an trú Vô sơ hữu xứ... sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ
một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ...
sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, vị ấy
chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các
lậu hoặc được đoạn tận, vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa.
(X)
(41) Tapussa
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla, tại một thị trấn của
dân chúng Malla tên là Uruvelakappa. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y,
cầm y bát, đi vào Uruvelakappa để khất thực. Khất thực ở Uruvelakappa
xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn bảo Tôn giả
Ananda, nói rằng:
- Này Ananda, Thầy hãy ở đây, chờ cho Ta vào trong rừng Ðại Lâm để
nghỉ ban ngày.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn đi vào rừng Ðại Lâm ngồi
nghi ban ngày tại một gốc cây.
2. Rồi gia chủ Tapussa đi đến Tôn
giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, gia chủ Tapussa thưa với Tôn giả Ananda:
- Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ, thụ hưởng các dục,
vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng
tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các
dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là
sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong
Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất
ly, tịnh tính, an trú, giải thoát, vì thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở
nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các vị
Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này.
- Này Gia chủ, đây là một vấn đề để nói chuyện. Này Gia chủ, chúng ta
hãy đi đến yết kiến Thế Tôn, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến,
hãy hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời như thế nào, chúng ta sẽ
như vậy thọ trì.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Tapussa vâng đáp Thế Tôn Ananda.
3. Rồi Tôn giả Ananda cùng với gia
chủ Tapussa đi đến Thế Tôn, sau khi đến... bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, gia chủ Tapussa này nói như sau: "Thưa Tôn giả
Ananda, chúng tôi là người gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục,
ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là
những gia chủ, thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục,
hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự
xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp
và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly,
tịnh tín, an trú, giải thoát, vì được thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở
nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các
Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này".
4. - Như vậy là phải, này Ananda!
Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, trước khi Ta giác ngộ, chưa
chứng được Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Lành
thay, sự xuất ly! Lành thay, sống viễn ly". Nhưng tâm của Ta không có
hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không
có giải thoát, dầu Ta có thấy "Ðây là an tịnh". Này Ananda, về vấn đề
ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng
khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có
giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi này Ananda, Ta suy
nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các dục, vì Ta không làm
cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc,
Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy.
Do vậy tâm Ta không hứng khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an
trú, không giải thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau:
Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy
hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi
ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong
xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy sự nguy hiểm trong
các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích
trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng
khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: "Ðây là
an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian Ta ly dục... chứng đạt và an trú
sơ Thiền. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục
vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này
Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một
chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành ở
nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
5. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy chỉ tức các tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ
hai". Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không
có tịnh hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có
an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh". Này
Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì, do duyên gì, Tâm
Ta không hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có
an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?" Rồi
Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các tầm,
vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có tầm chưa
được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy". Do vậy, tâm Ta
không hứng khởi đối với không có
tầm, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát. Này Ananda, về vấn
đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm,
Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có
tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có
thể hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta
thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các
tầm. Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích không
có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong
không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: "Ðây là an
tịnh". Này Ananda, sau một thời gian Ta diệt tầm và tứ... chứng đạt và
an trú Thiền thứ hai. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu
hữu với tầm vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như
vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
6. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy ta hãy ly hỷ... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Nhưng này
Ananda , tâm của Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có
tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là
an tịnh". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: "Do
nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy,
không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy:
"Ðây là an tịnh?". Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "VÌ Ta không
thấy sự nguy hiểm trong hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm
ấy, lợi ích không có hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức
lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không
tịnh tín, không có an trú, không có giải
thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy
nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng
được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức được lợi ích trong không
có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta
có thể hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta
có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ,
Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong
không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi
trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: "Ðây là an
tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly hỷ... chứng đạt và an trú
Thiền thứ ba. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với
hỷ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này
Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một
chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi
Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
7. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ
tư". Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không khổ, không lạc,
không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy:
"Ðây là an tịnh". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như
sau: "Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ,
không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu
Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì
Ta không thấy nguy hiểm trong xả lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự
nguy hiểm ấy. Lợi ích không khổ, không lạc chưa được chứng đắc. Ta chưa
được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không
khổ, không lạc ấy, không tịnh
tín, không có an trú, không giải thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta
suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho
sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không
lạc, Ta thưởng thức sự lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta
có thể hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải
thoát, vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong xả
lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích
trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng
khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta
thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả lạc, xả
khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Do Ta trú với sự an trú này,
các tưởng tác ý câu hữu với xả lạc vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta,
đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau
khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý
câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một
chứng bệnh.
8. Rồi này Aụnanda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các
đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng đạt và an trú
Không vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Không vô
biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta
có thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như
sau như sau: "Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với
Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải
thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ
như sau: "Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các sắc, Ta không làm cho
sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Không vô biên xứ chưa được chứng đắc.
Ta chưa được thưởng thức lợi
ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không
tịnh tín, không an trú, không giải thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta
suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho
sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên
xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có
thể hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì
Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các
sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong
Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng
khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy:
"Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua các sắc
tưởng... chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú
này, các tưởng tác ý câu hữu với các sắc vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta,
đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau
khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý
câu hữu với sắc vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một
chứng bệnh.
9. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết
rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Nhưng tâm
của Ta không có hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín,
không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì do duyên gì,
tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không
có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi
này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong
Không vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của
Thức vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích
ấy. Do vậy tâm Ta không hứng
khởi đối với Thức vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải
thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy
nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau
khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích
ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Thức vô
biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Không
vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi
ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm
Ta hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta
thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua
Không vô biên xứ... chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Do Ta trú với
sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện
hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với
người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng
vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi
Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
10. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng:
"Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Nhưng tâm của Ta
không có hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an
trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda,
về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta
không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an
trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi này
Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Thức
vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Vô sở
hữu xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy
tâm Ta không hứng khởi đối với
Vô sở hữu xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát". Này
Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu sau khi thấy nguy hiểm
trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng
được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự
kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh
tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Thức
vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích
trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta
hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy:
"Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Thức vô
biên xứ... chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Do Ta trú với sự an trú
này, các tưởng tác ý câu hữu với các Thức vô biên xứ vẫn hiện hành, như
vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người
sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các
tưởng, tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như
vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
11. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và
an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi
đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú,
không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, về
vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: "Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta
không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín,
không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?".
Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy sự nguy hiểm
trong Vô sở hữu xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích
của Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng
thức lợi ích ấy. Do vậy tâm
Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tịnh tín,
không an trú, không giải thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ
như sau: "Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung
mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi
tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của
Ta có thể hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú,
giải thoát, vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở
hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích
trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này
Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an
trú, giải thoát, vì Ta thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời
gian, Ta vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn... chứng đạt và an trú
Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý
câu hữu với các Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là
một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có
thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu
với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây
là một chứng bệnh.
12. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như
sau: "Vậy Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn,
chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng tâm của Ta không có hứng
khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú,
không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, về
vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: "Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta
không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có
an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: "Ðây là an tịnh?". Rồi này
Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Phi
tưởng phi phi tưởng xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi
ích của Diệt thọ tưởng định chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng
thức lợi ích ấy. Do vậy tâm
Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không tịnh tín, không an
trú, không giải thoát". Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau:
"Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho
sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng
định, Ta thưởng thức lợi ích ấy", thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có
thể hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát,
vì Ta có thấy: "Ðây là an tịnh".
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Phi
tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi
chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy.
Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an
trú, giải thoát, vì Ta thấy: "Ðây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời
gian, Ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ... chứng đạt và an trú
Diệt thọ tưởng định, ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn
diệt.
13. Cho đến khi nào, này Ananda,
chín thứ đệ trú Thiền chứng này chưa được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng
đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới, với Thiên giới, Ma
giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và
loài Người, Ta chưa xác chứng rằng ta đã chứng Chánh Ðẳng Chánh giác.
Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta
thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế
giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng
Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, cho đến khi ấy, Ta mới xác
chứng rằng Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri và Kiến
khởi lên nơi Ta. Ta biết rằng: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây
là đời sống cuối cùng, nay không
còn tái sanh nữa".
V. Phẩm Pancala
(I)
(42) Pancalacanda
1.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn
giả Udàyi đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda
những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi
thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả
Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
- Thưa Hiền giả, lời này được Thiên tử Pancàlacanda nói như sau:
"Bậc thiện trí tìm được,
Giải thoát trong triền phược,
Vị giác tỉnh với Thiền,
Bậc giác giả Mâu-ni,
Bậc từ bỏ, không chấp
Bậc anh hùng ẩn sĩ."
Thưa Hiền giả, thế nào là triền phược? Thế nào là giải thoát khỏi
triền phược được Thế Tôn nói đến?
2. - Này Hiền giả, năm dục trưởng
dưỡng này được Thế Tôn gọi là triền phược. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến
dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận
thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, khả lạc,
khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này là triền phược, được Thế Tôn
nói đến.
3. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
ly các dục... chứng và t rú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là
giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở
đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là tầm và tứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
4. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
diệt tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Cho đến như vậy,
này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với
pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là hỷ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
hỷ trú xả... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Cho đến như vậy, này
Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp
môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là xả lạc chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
6. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
đoạn lạc... chứng và trú Thiền thứ tư. Cho đến như vậy, này Hiền giả là
giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở
đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là sắc tưởng chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
7. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng,
không tác ý đến sai biệt tưởng, biết rằng: "Hư không là vô biên, chứng
đạt và an trú Không vô biên xứ. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải
thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây
vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Không vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền
phược.
8. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
biết rằng: "Thức là vô biên", vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn
toàn, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền
giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Thức vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền
phược.
9. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt Thức là vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật
gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là
giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở
đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Vô sở hữu xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền
phược.
10. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng
phi phi tưởng xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi
triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền
phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây
là triền phược.
11. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng
định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như
vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến
với phi pháp môn.
(II) (43) Vị Thân Chứng
1. - "Thân chứng, thân chứng", này
Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, thân
chứng được Thế Tôn nói đến?
2. - Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
dục... chứng và trú Thiền thứ nhất. Như thế nào, như thế nào, sau khi
cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy,
này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến pháp môn.
3. - Lại nữa, này các Hiền giả,
Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Chứng đạt và
an trú Thiền thứ tư. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân,
vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả,
thân chứng được Thế Tôn nói đến pháp môn.
4. - Lại nữa, này các Hiền giả,
Tỷ-kheo, sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các
tưởng đối ngại, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: "Hư
không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Như thế nào,
như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ
ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến pháp
môn... (như trên) ...
5. - Lại nữa, này các Hiền giả,
Tỷ-kheo, sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn,
chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Như thế nào, như thế nào, sau
khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như
vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến pháp môn.
(III) (44) Tuệ Giải Thoát
1. - "Tuệ giải thoát, tuệ giải
thoát", này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này
Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến?
2. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền; với trí tuệ vị ấy rõ biết. Cho đến
như vậy, này các Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến với pháp
môn... (như trên).
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng
định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với trí tuệ,
vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế
Tôn nói đến với phi pháp môn.
(IV) (45) Giải Thoát Cả Hai Phần
1. - "Giải thoát cả hai phần, giải
thoát cả hai phần", này Hiền giả, được nói đến. Cho đến như thế nào, này
Hiền giả, giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến?
2. - Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Như thế nào, như thế nào, sau khi
cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy; với trí tuệ, vị
ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát cả hai phần
được Thế Tôn nói đến với pháp môn... (như trên)...
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng
định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Như thế nào,
như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ
ấy; với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải
thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn.
(V) (46) Chính Thực Mình Thấy (1)
- "Pháp là chính thực mình thấy, pháp là thiết thực hiện tại", này
Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (47) Chính Thực Mình Thấy (2)
- "Niết-bàn là chính thực mình thấy, Niết-bàn là chính thực mình
thấy", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VII) (48) Niết Bàn
- "Niết-bàn, Niết-bàn", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (49) Hoàn Mãn Niết Bàn
- "Hoàn mãn Niết-bàn, hoàn mãn Niết-bàn", này Hiền giả, được nói đến
như vậy.
(IX)
(50) Hoàn Mãn Niét Bàn
- "Chi phần Niết-bàn, chi phần Niết-bàn", này Hiền giả, được nói đến
như vậy.
(X) (51) Thiết Thực Hiện Tại Niết Bàn
1. - "Thiết thực hiện tại Niết-bàn,
Thiết thực hiện tại Niết-bàn", này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho
đến như thế nào, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế
Tôn nói đến?
2. - Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là
thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ môĩt cách hoàn toàn, chứng
đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu
hoặc được tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại
Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn.
VI. Phẩm An Ổn
(I) (52) An Ổn
-
"An ổn, an ổn", này Hiền giả, được nói
đến như vậy.
(II) (53) Người Ðạt An Ổn
- "Người đạt an ổn, người đạt an ổn", này Hiền giả, được nói đến như
vậy.
(III) (54) Bất Tử
- "Bất tử, bất tử", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IV) (55) Người Ðạt Ðược Bất Tử
- "Người đạt được bất tử, người đạt được bất tử", này Hiền giả, được
nói đến như vậy.
(V)
(56) Vô Úy
- "Vô úy, vô úy", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (57) Người Ðạt Vô Úy
- "Người đạt vô úy, người đạt vô úy", này Hiền giả, được nói đến như
vậy.
(VII)
(58) Khinh An
- "Khinh an, khinh an", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (59) Thứ Ðệ Khinh An
Thứ đệ khinh an, thứ đệ khinh an, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IX) (60) Ðoạn Diệt
- "Ðoạn diệt, đoạn diệt", này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(X) (61) Thứ Ðệ Ðoạn Diệt
1. - "Thứ đệ đoạn diệt, thứ đệ đoạn
diệt", này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền
giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến?
2. - Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly
dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, ... cho đến như vậy, này
Hiền giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo
vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an
trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được
đoạn tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả là thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn
nói đến với phi pháp môn.
(XI) (62) Có Khả Năng
1. - Này các Tỷ-kheo, có chín pháp
không đoạn trừ thì không có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
2. Tham sân, si, phẫn nộ, hiềm hận,
giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
Chín pháp này, này các Tỷ-kheo, không đoạn trừ thì không có thể chứng
ngộ quả A-la-hán.
3. Chín pháp này, này các Tỷ-kheo,
được đoạn trừ thì có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
4. Tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận,
giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
VII. Phẩm Niệm Xứ
(I) (63) Học Tập
1.
- Này các Tỷ-Kheo, có năm pháp làm suy
yếu học tập này. Thế nào là năm?
2. Sát sanh, lấy của không cho, tà
hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này các
Tỷ-kheo, đây là năm pháp làm suy yếu học tập.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
pháp làm suy yếu học tập này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là
bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
trú tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, để nhiếp
phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú tùy quán thọ trên các cảm thọ.... trú tùy
quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục
tham ưu ở đời.
Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập này, Bốn
niệm xứ cần phải tu tập
(II) (64) Triền Cái
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm triền
cái này. Thế nào là năm?
2. Dục tham triền cái, sân triền
cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái.
Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
triền cái này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
trú quán thân trên thân... trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh
giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, để đoạn
tận năm triền cái, Bốn niệm xứ cần phải tu tập
(III) (65) Dục Trưởng Dưỡng
1.- Này các Tỷ-kheo, có năm dục
trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
2. Các sắc do mắt nhận thức, khả
lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai
nhận thức khả lạc... hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng
này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
dục trưởng dưỡng này, Bốn niệm xứ này phải tu tập.
(IV) (66) Thủ Uẩn
1. - Này các Tỷ-kheo có năm thủ uẩn
này. Thế nào là năm?
2. Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng
thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức uẩn. Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
thù uẩn này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? .... Bốn niệm
xứ cần phải tu tập
(V) (67) Năm Hạ Phần Kiết Sử
1. - Này các Tỷ-kheo có năm hạ phần
kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ,
dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận tâm
hạ phần kiết sử này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? ...
Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VI)
(68) Sanh Thú
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sanh
thú này. Thế nào là năm?
2. Ðịa ngục, loài bàng sanh, cõi ngạ
quỷ, loài Người, chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, có năm sanh thú này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
sanh thú này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? ... Bốn niệm
xứ này cần phải tu tập.
(VII)
(69) Xan Tham
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm xan
tham này. Thế nào là năm?
2. Xan tham trú xứ, xan tham gia
đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
xan tham này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? ... Bốn niệm
xứ này cần phải tu tập.
(VIII) (70) Năm Thượng Phần Kiết Sử
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm thượng
phần kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử,
vô minh. Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
... Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(IX) (71) Năm Tâm Hoang Vu
1. - Có năm tâm hoang vu này. Thế
nào là năm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán,
không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi
ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư,
Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi
tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như
vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất.
2. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị
Tỷ-kheo nghi ngờ đối với Pháp.... (như trên...) đối với Tăng... (như
trên..) đối với Học pháp... tức giận đối với các vị đồng Phạm hạnh,
không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Tỷ-kheo, khi
một vị Tỷ-kheo phẫn nộ đối với vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao
động, trở thành hoang vu, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái,
kiên trì và tinh thần. Như vậy gọi là tân hoang vu thứ năm.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm
tâm hoang vu này... Bốn niệm xứ cần phải tu tập
(X) (72) Tâm Phiền Trược
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm triền
phược này. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không
ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục. Này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao
khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục, tâm của vị
ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm của vị
nào không hướng về... (như trên)... như vậy là tâm triền phược thứ nhất.
3. Này các Tỷ-kheo, lại nửa, Tỷ-kheo
tâm không ly tham đối với thân... không ly tham đối với sắc... ăn quá
sức bao tư có thể chịu nổi, hưởng thọ sung sướng về giường nằm, sung
sướng về thụy miên... Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo sống đời sống
Phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư Thiên, "Với giới này,
với luật này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành
loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác". Này các Tỷ-kheo, khi
Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư
Thiên, "Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này hay với Phạm hạnh
này, ta sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác", tâm vị
này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tần. Tâm vị
nào... như vậy là tâm triền phược thứ năm.
4. Này các Tỷ-kheo, đây là năm tâm
triền phược, muốn đoạn tận năm tâm triền phược này, Bốn niệm xứ này cần
phải tu tập.
VIII. Phẩm Chánh Cần
(I-X) (73 - 81) Bốn Chánh Cần
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chi khác ở đây Bốn chánh cần
thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn chánh cần được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện
pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng,
tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Với mục đích khiến cho các ác, bất thiện
pháp đã sanh ra được trừ diệt khởi lên ý muốn cố gắng.... trì tâm. Với
mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có
mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn,
khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.
IX. Phẩm Bốn Như Ý Túc
(I-X) (82 - 92) Bốn Như Ý Túc
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chỉ khác ở đây Bốn như ý túc
thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn như ý túc được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với Ðục
định tinh cần hành.... câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành,... câu
hữu với Tâm định tinh cần hành,... câu hữu với Tư duy định tinh cần
hành.
X. Phẩm Tham
(I) (93) Thắng Tri Tham
1.
- Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham,
chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng
yểm ly đối với các món ăn, tưởng không vui thích đối với tất cả thế
giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ,
tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(II) (94) Thắng Tri Tham
1. - Này các Tỷ-kheo, để thắng tri
tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Sơ Thiền, Thiền thứ hai, thiền
thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ,
Phi tương phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(III) (95 - 100) Liễu Tri Tham
1. - Này các Tỷ-kheo, để liễu tri
tham... để diệt tận... để đoạn tận... để trừ diệt... để ly tham... để
đoạn diệt... để trừ khử... để từ bỏ, chín pháp này cần phải tu tập.
2. Ðể liễu tri sân... si, phẫn nộ,
hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham, man trá, phản bội, ngoan
cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu, phóng dật... để thắng tri...
để liễu tri... để diệt tận...để đoạn diệt... để trừ diệt... để ly
tham... để đoạn diệt... để trừ khử... để từ bỏ, chín pháp này cần phải
tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn
dạy.