1. VUA TỊNH-PHẠN VÀ HOÀNG HẬU MA-DA
Khi xưa, ở cõi Ấn Độ, gần dãy Hy-mã-lạp sơn có một thành đẹp đẽ vô
cùng tên là thành Ca-tỳ-la-vệ. Quang cảnh nơi đây rực rỡ, trong vườn
hoa thơm đủ sắc, bên tường có tiếng quyên gọi đầu cành, nhà cửa lầu đài
tươi xinh sắc sảo. Đâu đâu cũng đều được phong phú, yên vui. Châu gấm,
ngọc ngà chiếu ra sáng lòa, hòa với vẻ đẹp của gái tốt trai lành, với
dinh thự nguy nga, với vầng thái dương tươi đẹp, với bóng trăng dịu hiền
trên những cành mai cụm liễu.
Khắp trong thành, nhân dân đều được bình yên vui sống. Dưới thì dân cư
vừa hát hò vừa cày cuốc, cùng nhau dệt vải hái dâu, trên thì có vua
Tịnh-phạn là người đại độ khoan dung, hiền hậu và công bình. Trước kia,
ngài là bậc chinh chiến xông pha, đã từng khoác áo cầm binh mà dẹp an
bờ cõi. Nay nước được hòa thạnh, ngài lo việc trị quốc một cách tốt đẹp
và có được nhiều tôi trung phò giúp.
Ngài là dòng Thích-ca, chánh hậu là bà Ma-da, người có sắc đẹp, lại
đức độ. Vua và hoàng hậu đối đãi tương kính nhau và cả hai đồng lo việc
phúc lợi cho nước nhà.
Một hôm, hoàng hậu tắm gội sạch sẽ, mặc áo đoan trang, thoa ướp hương
hoa, đeo đồ quí xảo, tìm đến chỗ vua. Ngài ngự trong một cung điện rộng
lớn, có những nhạc công đang ca hát và đàn địch cho ngài nghe. Hoàng hậu
đến ngồi phía bên phải nhà vua và tâu rằng: “Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp
muốn cầu xin bệ hạ một điều.”
Vua phán rằng: “Ái hậu hãy nói đi, hậu muốn trẫm ban cho điều chi?”
“Tâu Bệ hạ! Thần thiếp trông thấy người đời phải lắm nỗi khổ nên thần
thiếp thật đem lòng chán ngán. Từ đây, thần thiếp muốn lo việc giúp đỡ
mọi người và tu dưỡng tính tình, để mong sao sau này không còn những sự
tham đắm trần tục nữa. Thần thiếp sẽ dứt bỏ lòng tự cao, không còn chạy
theo những điều dục vọng, sẽ không nói những lời vô nghĩa và bao giờ
cũng trọng danh dự lời nói của mình.
“Tâu Bệ hạ! Thần thiếp muốn cho đời mình từ đây sẽ trở nên trang nghiêm,
tịnh lạc. Thần thiếp sẽ siêng trì trai giới, không còn oán hận, bỏ lòng
dữ, không còn những lo âu, đố kỵ, giận hờn, tham lam. Thần thiếp sẽ vui
vẻ hài lòng với cuộc sống của mình, với số phận. Thần thiếp sẽ cố gắng
để trở nên trong sạch, theo đường tốt dẹp mà tiến lên, làm việc phước
thiện.”
Bà ngưng lại giây lát. Đức vua nhìn bà, mỉm cười với vẻ trân trọng. Bà nói tiếp:
“Từ đây thần thiếp không còn muốn đắm chìm trong những cuộc vui ở cõi
đời. Thần thiếp chỉ muốn duy trì những bạn đồng tâm hợp ý, chẳng muốn
phải gặp mặt kẻ xấu xa, chẳng muốn giao tiếp những kẻ đê hèn.”
Rồi hoàng hậu im lặng. Vua phán rằng:
“Điều ái hậu vừa tâu đó, ta nghe rất hài lòng.”
Hoàng hậu đứng dậy và tâu rằng:
“Thần thiếp cảm tạ lòng thương của hoàng thượng. Mong rằng hoàng thượng
cũng sẽ mở lòng mà xá tội cho những kẻ tội phạm đã biết ăn năn hối cải,
lại bố thí cho những kẻ đói rách, hoàng thượng sẽ rộng ban ân đức cho
dân được nhờ.”
Đức vua gật đầu chấp thuận. Hoàng hậu bèn lui về cung.
2. HOÀNG HẬU NẰM CHIÊM BAO
Một hôm, nhằm vào đầu mùa xuân, hoàng hậu nằm mộng chợt thấy một điềm chiêm bao lạ.
Bà thấy một con voi trắng lớn từ trên trời bay xuống, đầu có ba cặp ngà.
Voi trắng bay thẳng vào lòng hoàng hậu. Liền đó, cả ngàn vị thần tiên
hiện xuống vây quanh và ca tụng bà. Lúc bấy giờ bà nghe trong người bỗng
nhiên thật thanh thoát, nhẹ nhàng, chẳng còn biết sầu lo oán hận gì cả.
Khi bà thức dậy thì những giọng hát, những tiếng nói thanh thanh dường
như hãy còn văng vẳng bên tai. Lòng bà tự dưng vui mừng khôn xiết, liền
hiểu rằng điềm mộng lành này hẳn báo trước cho một điều vui sắp tới.
Bà vội bước ra khỏi đền, có mấy cô mỹ nữ xinh đẹp theo hầu. Bà đi ngay ra vườn hoa, cho người báo cùng đức vua.
Đức vua được tin liền ngự đến vườn hoa ngay khi ấy.
Vừa đến nơi, nhà vua bỗng có một cảm giác rất lạ lùng. Vua thấy trong
người ngây ngất, chân muốn quỳ, tay run rẩy, mắt như lòa đi.
Ngài nghĩ rằng: “Ta đã từng vào sanh ra tử, không bao giờ run sợ như lần
này, cho đến mức bước đi cũng không được, nói không ra lời. Điều này là
do đâu, ta thật không hiểu nổi!”
Vừa lúc ấy, trên thinh không có tiếng nói vang lên rằng:
“Ta mừng cho vua Tịnh-phạn! Ngài sắp có một người con là bậc cứu độ
chúng sanh trong cõi trầm luân. Vị cứu tinh ấy sắp sanh vào gia đình của
ngài, là một gia đình đạo đức cao trổi nhất trên đời, và làm con của vị
hoàng hậu hiền từ đức độ nhất trên đời.”
Vua nghe âm thanh ấy, biết là tiếng của thiên thần, liền bái tạ. Rồi vua đi vào vườn hoa, trong lòng hớn hở vô cùng.
Vua gặp hoàng hậu liền hỏi rằng: “Hậu cho mời ta có việc gì chăng?”
Hoàng hậu bèn kể lại điềm chiêm bao tối qua và tâu vua xin cho mời các vị bà-la-môn đến đoán mộng.
Vua nghe xong liền cho người triệu đến hơn 60 vị bà-la-môn biết giải mộng. Cả thảy nghe xong đều tâu rằng:
“Muôn tâu bệ hạ! Thật là một điềm mộng rất lành. Theo điềm ấy, hoàng hậu
chắc sẽ sanh thái tử. Ngài là bậc đáng tôn kính hơn hết trong trời đất
này. Và nếu như ngày sau, thái tử thấy cuộc đời lắm nỗi tang thương mà
chạnh lòng muốn cứu vớt hết thảy sinh linh, bèn từ bỏ ngôi báu, đền đài,
dứt niềm luyến ái, đem thân làm một tu sĩ đi tìm đạo, thì ngài sẽ trở
thành bậc mà muôn đời về sau thờ kính và sùng bái.”
Vua và hoàng hậu nghe qua rất mừng, liền phát tâm bố thí cho nhân dân thật nhiều lương thực, vải vóc và tiền của.
Quả thật, sau điềm mộng đó, hoàng hậu thấy trong người đổi khác và biết mình đã thọ thai.
Từ khi ấy, phong thổ trong thành càng thêm phần hòa dịu, những luồng gió
mát thổi qua khiến cho người người đều thơ thới. Trên trời có hoa quý
rơi xuống và nghe có tiếng ca hát tán tụng công đức của gia đình vua.
3. THÁI TỬ RA ĐỜI
Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày hoàng hậu lâm bồn sắp đến. Một
hôm hoàng hậu dạo vườn, thấy những hạc múa, công chầu. Bà ngồi trên kiệu
mà trông ra những hoa tươi, lá đẹp, trong lòng hớn hở. Thấy vui, bà lần
bước xuống kiệu, dạo quanh trong vườn. Bỗng thấy xa xa có cây hoa quý
đang rực rỡ đơm bông. Bà liền đến gần, tay vịn một cành hoa toan hái.
Nhưng vừa lúc ấy bà nghe trong người như ngây ngất, liền đứng lặng một
hồi. Thị nữ bao quanh đỡ lấy bà, thì đã thấy chào đời một bé trai xinh
đẹp. Ngay khi đó, bà tỉnh lại, mỉm cười.
Lúc ấy, không khí nơi nơi đều hoan lạc lạ thường, quả địa cầu chấn động
sáu lần. Trên trời, các vị tiên nữ múa hát dịu dàng. Khắp thế giới, các
thứ cây đều đơm hoa thơm, kết trái lành. Ánh sáng trên cao chói xuống
rực rỡ.
Tin lành được truyền ngay sang cung vua. Đức vua vui mừng khôn xiết,
liền vào ngay vườn hoa. Cùng đi có nhiều thân quyến giòng họ Thích-ca và
nhiều thầy bà-la-môn uyên bác. Vua phán rằng: “Trẫm đặt tên thái tử là
Sĩ-đạt-ta.”
Khi ấy, các vị bà-la-môn đồng thanh ca ngợi rằng:
“Thái tử ra đời, từ đây đường đời không còn chông gai. Ngài sẽ làm cho
chúng sanh được thanh thản, an lạc. Thái tử ra đời, mặt trời và mặt
trăng như bị lu mờ vì hào quang của ngài chiếu sáng vô cùng. Ngài sẽ làm
cho cảnh trần thế trở nên quang minh. Ngài sẽ khai mở tri thức, trí
khôn cho hết thảy mọi người. Ngài sẽ cứu vớt những kẻ hoạn nạn, giúp đỡ
người nghèo khốn. Lửa dữ không còn đốt người, sông mê rồi sẽ cạn nguồn,
quả đất nhẹ nhàng mà chấn động. Ngài sẽ là người tìm ra tường tận chân
lý trong vũ trụ, khai mở con đường giải thoát cho muôn loài.”
Bấy giờ là ngày trăng tròn của tháng 4 âm lịch, vào năm 624 trước Công nguyên.
4. ÔNG TIÊN ĐOÁN VẬN MẠNG
Bấy giờ có một vị tiên nhân đã cao tuổi, tên là A-tư-đà. Nhờ tu
luyện lâu năm, ông đã đắc năm phép thần thông, có khả năng đoán biết vận
mệnh trong tương lai. Từ trên núi cao, ông đã biết việc thái tử ra đời
và sẽ là người cứu độ chúng sanh sau này. Ông liền xuống núi mà đi đến
thành Ca-tỳ-la-vệ, xin vào ra mắt vua Tịnh-phạn.
Đức vua từ lâu đã nghe danh và rất kính trọng ông, vì biết ông là người
đạo cao đức trọng, lại giỏi đoán vận mệnh. Vua liền tiếp rước ông theo
đúng nghi lễ rất trang trọng và nói rằng:
“Trẫm vừa sanh thái tử, nay được đại đức đến viếng, xin vì trẫm mà đoán cho vận mệnh của thái tử về sau thế nào.”
Tiên A-tư-đà tâu lên rằng:
“Bệ hạ là một nhà vua khoan dung, đức độ, thương kẻ nghèo khó, trọng
người hiền tài, nên mới được trời ban phúc mà sanh ra thái tử.
“Bần đạo đã nghe chư thiên mách bảo rằng: Bệ hạ sanh thái tử, sau này sẽ
tìm ra chánh đạo mà dẫn dắt người đời. Chính vì vậy mà bần đạo mới lặn
lội đến đây mong được yết kiến thái tử.”
Nhà vua nghe qua hết sức vui mừng, liền truyền mang thái tử ra cho ông A-tư-đà xem mặt.
Vị tiên nhân ngắm nhìn thái tử, thấy đủ vẻ hùng lực. Xem một hồi lâu rồi
trao lại cho vua mà thở dài, mắt nhuốm lệ. Đức vua lấy làm sửng sốt,
liền muốn biết nguyên do mà hỏi rằng:
“Đại đức vừa nói rằng thái tử không phải người tầm thường, ngài cũng nói
trẫm nhờ phúc đức mà sanh được thái tử. Ngài còn đoán sau này công
nghiệp thái tử sẽ được vinh quang. Vậy vì sao ngài nhìn thái tử mà có vẻ
ưu sầu, giọt lệ chứa chan, thực trẫm chưa hiểu được.”
Tiên nhân A-tư-đà tâu rằng:
“Muôn tâu bệ hạ! Không có điều gì lo ngại cho thái tử cả. Người sẽ thành
tựu muôn ngàn công nghiệp vinh quang. Điều tôi ưu sầu là vì buồn cho
thân phận bất hạnh của tôi. Nay được thấy thái tử ra đời, biết rằng ngài
sẽ diệt trừ nạn khổ cho hết thảy chúng sanh, song lại đã đến lúc tôi
phải lìa bỏ cõi đời, không được nghe những lời vàng ngọc của ngài thuyết
giảng.
“Rồi đây ngài sẽ không màng đến phú quý vinh hoa nơi chốn hoàng thành,
ngài sẽ lên đường đi tìm chân lý. Tinh thần ngài sẽ tỏa sáng chói lọi
trên trần thế, làm cho tan hết những điều mờ tối, lầm lạc. Ngài sẽ cứu
vớt muôn người, vượt qua chốn sông mê bể khổ mà độ cho biết bao kẻ nổi
chìm!
“Những kẻ nào hãy còn u ám, ngài lại dạy cho biết thương yêu, sống tốt
đẹp ở đời, rồi ngài chỉ cho con đường ngay thẳng, khỏi sự lầm lạc. Còn
những kẻ bị ngọn lửa lòng sân hận đốt mãi, ngài sẽ dùng một cụm mây từ
ái mát lành mà làm cho nguội lạnh hẳn đi. Gặp những kẻ bị nô lệ cho lòng
tham dục, ngày ngày kêu vắn than dài, ngài sẽ ra tay dùng trí tuệ phá
bỏ xích xiềng tham dục, mà cứu vớt những kẻ ấy, dẫn dắt cho đến chỗ
thanh thản, tự do.
“Vậy xin bệ hạ chớ lo ngại về thái tử. Chính kẻ không có diễm phúc mà
nghe lời diệu lý của thái tử mới là đáng thương hại, vì vậy nên tôi sầu
tủi, khóc than. Tôi đây đã dày công chịu khổ hạnh, đã bao năm tham thiền
nhập định, thế mà chẳng được nghe lời quý báu và đạo lý của ngài. Ôi,
dầu cho lên cõi trời cao, làm bậc tiên trưởng mà chẳng được nghe lời
ngài giảng thuyết, thật cũng là đáng tiếc lắm thay!”
5. THÁI TỬ NGỰ VÀO ĐỀN THỜ THẦN
Vua Tịnh-phạn nghe lời tiên A-tư-đà rồi, thì lấy làm vui mừng cho vận
mệnh thái tử về sau. Nhưng rồi liền đó, lòng vị kỷ thông thường của kẻ
phàm tục lại nổi lên, khiến ngài phải lo lắng và suy nghĩ rằng: “Con ta
về sau sẽ không màng những sự vui sướng trong hoàng thành, bỏ dinh thự
lầu đài mà đi tu luyện ở chốn núi non tìm đạo giải thoát. Thế thì ta sẽ
không có ai kế vị. Dòng họ ta phải dứt tuyệt đi chăng?”
Từ đó về sau, mặc cho bao nhiêu điều tốt đẹp, an lành luôn hiện đến từ
sau ngày đản sanh của thái tử, nhưng lòng vua cứ canh cánh một mối lo.
Ngài chỉ muốn làm sao cho thái tử đừng bao giờ có ý định rời bỏ cung
vàng điện ngọc.
Từ khi thái tử ra đời, đất nước trở nên hưng vượng vô cùng. Ruộng đất
phì nhiêu, đồng cỏ tươi xanh, kẻ cuốc người cày, kẻ cấy trồng, người dệt
vải, kẻ giữ chiên, người dắt bò, thảy thảy đều được những điều tốt
lành, thuận lợi. Kho vua càng đầy, thóc lúa càng nhiều, voi ngựa càng
đông , quân binh càng hùng mạnh.
Trong xứ, hàng phụ nữ sanh sản êm ái, mau mắn. Người người chẳng còn
tranh giành, sân hận với nhau. Ai nấy đều trở nên từ hòa và hoan lạc,
thanh thản.
Hoàng hậu có lẽ là người hạnh phúc hơn hết. Tuy nhiên, chỉ qua bảy ngày
sau, phần số của bà nơi thế giới này không còn nữa, bà liền mạng chung
và sanh lên cảnh trời Đao-lợi.
Bà có một người em gái tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề cũng đoan trang, đức
hạnh như bà. Sau khi bà mất, người dì này thương thái tử như con ruột
của mình, lo lắng, trông nom cho ngài từng miếng ăn, giấc ngủ đều chu
đáo.
Thái tử sống giữa nhung gấm lụa là, không thiếu một thức gì quý hiếm
trong thiên hạ. Y phục toàn là gấm nhiễu, ngọc ngà, lại thêm những đồ
trang sức đầy những vòng vàng, chuỗi ngọc. Thế nhưng, đeo vào mình thái
tử, các thứ y phục, trang sức đều trở nên mờ nhạt, kém vẻ tốt tươi, bởi
vì vẻ đẹp tự thân huy hoàng rực rỡ của ngài như lấn át đi hết thảy những
gì mà người đời cho là quý đẹp nhất.
Một hôm, vua muốn đưa thái tử vào viếng đền thờ chư thần. Quân hậu vệ
theo hầu rần rộ, chật đường. Kiệu hoa lộng lẫy rước ngài đi qua các dãy
phố. Ngoài đường, người ta đặt bàn thờ, đốt trầm hương và rảy hoa thơm,
treo cờ xí để chúc mừng. Khi đoàn kiệu đến trước đền, vua nắm tay dắt
thái tử vào.
Thái tử vừa bước vào đền thờ thì những đấng thần linh nơi đây như thần
Civa, thần Skanda, thần Vishnou, thần Kouvéra, thần Indra, thần Brabmā,
đều đồng loạt đứng dậy nghênh tiếp và quỳ lạy trước ngài. Ngay khi ấy,
trên không trung có tiếng chư thần vang lên ca ngợi rằng:
“Núi Tu-di đâu có hạ mình trước hòn đá cỏn con! Biển cả đâu có hạ mình
trước hạt mưa nhỏ bé! Vầng thái dương đâu có hạ mình trước con đóm nhỏ
lu mờ. Cũng như vậy, Đấng khai mở chánh đạo đâu có hạ mình trước các
thần linh! Chúng tôi đây chỉ như hòn đá cỏn con, như hạt mưa nhỏ bé, như
con đóm nhỏ lu mờ. Còn ngài như núi Tu-di, như biển cả, như vầng thái
dương, vì ngài sẽ được sự thông thái cao thượng hơn hết. Trần thế hãy
thờ kính, phụng sự ngài, trần thế sẽ được giải thoát vậy.”
6. THAM THIỀN LẦN ĐẦU
Năm thái tử lên 8 tuổi, vua Tịnh-phạn quyết định cho ngài tham gia buổi lễ Hạ điền lần đầu tiên.
Theo phong tục Ấn Độ thời bấy giờ, cứ mỗi đầu vụ mùa, người ta tổ chức
một buổi lễ rất trang trọng để cầu khấn các vị thần linh cùng trời đất
ban cho sự tươi tốt, bội thu. Lễ này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn
dân, vì xã hội bấy giờ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tại nơi cử hành
lễ chính, nhà vua đích thân đứng ra chủ trì, khấn vái cùng trời đất,
rồi tự mình bước xuống ruộng mà đặt lưỡi cày cho đường cày đầu tiên của
vụ mùa.
Sáng hôm đó, thái tử ngồi cùng một chiếc kiệu với nhà vua đi đến tham gia buổi lễ Hạ điền đầu tiên trong đời mình.
Tại nơi cử hành buổi lễ, người ta đã chuẩn bị trang hoàng rất uy nghiêm
và rực rỡ, vì nhà vua cũng muốn nhân chuyến đi này làm vui lòng thái tử,
khiến cho ngài càng thêm ham thích đời sống vương giả.
Vì thế, các vị quan phụ trách đã được lệnh phải tổ chức thật linh đình, vui nhộn, hơn hẳn các cuộc lễ những năm trước.
Ngờ đâu, thái tử chẳng hề quan tâm đến những gì mà người ta đã dày công
chuẩn bị. Những đèn hoa trang trí cùng cờ phướn rực rỡ, âm nhạc rền vang
với các điệu múa tinh xảo lạ lùng... thảy đều không làm ngài để tâm gì
đến.
Trong khi mọi người bước vào cuộc lễ, đức vua thân hành cùng các thầy
bà-la-môn đọc kinh cầu nguyện và thực hiện các nghi thức cúng tế, thì
thái tử lẳng lặng rời xa nơi lễ hội, tung tăng chạy nhảy nô đùa trên
cánh đồng rộng gần nơi đó.
Lần đầu tiên rời khỏi hoàng cung, chính cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp
nơi đồng quê thôn dã lại làm ngài thấy vui thích thực sự. Dưới ánh nắng
ban mai, cây cỏ xanh tươi như đều vươn lên tỏa sáng, và nghe tiếng chim
ca hót rộn ràng trên những cành cao, ngài cảm nhận được sự hài hòa hơn
cả những nhạc công của chốn cung đình.
Dần trưa, ánh nắng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Thái tử đến ngồi dưới
một gốc cây cao mà nhìn ra quang cảnh đồng ruộng, xa xa đang diễn ra
cuộc lễ linh đình.
Sau các nghi lễ thật long trọng, vua Tịnh-phạn đích thân bước xuống
ruộng đặt lưỡi cày cho đường cày đầu tiên. Sau đó, các lực điền bắt đầu
công việc của họ. Từng cặp trâu bò to khỏe được đưa xuống ruộng để đua
nhau cày đất. Người ta nô nức với không khí vừa là lễ hội, vừa là khởi
đầu của một vụ mùa đầy hy vọng.
Khi các nông phu dần thấm mệt, những tấm lưng trần của họ loang loáng mồ
hôi dưới ánh nắng càng lúc càng gay gắt. Những con trâu cũng không còn
lanh lẹ như lúc đầu, chúng chậm bước dần đi vì mỏi mệt và vì trời trưa
nắng gắt. Nông phu bắt đầu vung cao những lằn roi hung dữ và la hét để
thúc đẩy chúng cất bước kéo cày.
Trên đồng ruộng, khi những lưỡi cày vỡ đất được kéo qua, các loại côn
trùng bị một phen xáo động. Những con giun đất bị hất tung lên, đứt làm
nhiều đoạn, quằn quại trên đất. Cào cào, châu chấu và nhiều loại côn
trùng khác hốt hoảng bay ra tứ tán. Khi ấy, nhiều loài chim lớn nhỏ khác
nhau đều chực sẵn trên những cành cây ven ruộng. Rồi chúng bay vụt
xuống, đớp lấy những con mồi bé nhỏ thảm thương không nơi ẩn náu...
Trong khi tất cả những cảnh ấy diễn ra thật bình thường và tự nhiên đến
mức chẳng làm ai quan tâm đến, thì vị thái tử tám tuổi đầu kia lại chẳng
thể nào xao lãng nổi. Ngài ngồi yên lặng dưới bóng cây, nhìn tất cả
quang cảnh với một sự thương cảm dâng tràn.
Ngài thấy thương xót cho những nông phu đang phơi lưng trần dưới nắng,
trong khi quan lại và những người trong hoàng tộc chè chén say sưa có
tàn che lọng phủ. Cuộc sống của họ nhọc nhằn vất vả chỉ để vừa đổi lấy
chén cơm manh áo, thật đáng thương biết bao.
Ngài lại thấy thương xót cho sinh mạng của những côn trùng bé bỏng, như bất lực trước cuộc cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn.
Ngài trầm ngâm suy nghĩ và chợt nhận ra một quy luật khắc nghiệt trong
sự tồn tại của muôn loài. Những người nắm giữ sức mạnh sẽ đè bẹp những
kẻ thấp hèn để giành lấy đời ấm no sung sướng; cũng như những loài mạnh
mẽ hơn sẽ cướp đi mạng sống của những loài nhỏ bé khác để nuôi dưỡng
cuộc sống của chính mình.
Và dòng suy tư của thái tử tiếp tục với những điều chiêm nghiệm sâu xa
hơn nữa về cuộc sống và ý nghĩa của nó. Ngài lấy làm băn khoăn trước
cảnh tranh sống giữa muôn loài và tự hỏi có lẽ nào con người sinh ra rồi
chết đi chỉ để trải qua một cuộc tranh giành như thế?
Một hồi lâu, ngài chuyển sang tư thế ngồi kết già dưới bóng cây và tập
trung tư tưởng hoàn toàn vào những suy tư chiêm nghiệm của mình. Ngài đã
nhập định lần đầu tiên trong đời mình ngay dưới bóng cây này, báo trước
một tương lai chuyển hóa tươi đẹp cho nhân loại và cho cả muôn loài.
Buổi sáng dần qua đi, rồi buổi trưa, và giờ đây mặt trời đã chếch nhiều
về phương tây, nhưng lạ thay, bóng cây che mát chỗ ngài ngồi tham thiền
vẫn còn nguyên đó, không chuyển dời đi theo sự dịch chuyển của mặt trời.
Đức vua Tịnh-phạn không biết thái tử đi đâu, bèn sai người đi tìm khắp
nơi. Mọi người tìm đến, thấy ngài đang trong cơn thiền định, với vẻ mặt
thanh thoát hiền từ. Tất cả đều yên lặng đứng nhìn và lấy làm kinh ngạc
khi thấy trời đã xế rồi mà cái bóng che cho thái tử hãy còn nguyên nơi
vị trí của buổi sáng.
Có người liền trở về báo tin cho vua hay. Vua lập tức ngự ra tận nơi,
rồi yên lặng đứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thái tử khi ngài ngồi nhập
định. Ngài bảo tùy tùng rằng:
“Thái tử ngồi đây, đẹp đẽ và uy nghi như một đỉnh núi. Vẻ mặt từ hòa và
sáng suốt này báo trước việc thái tử sẽ trở nên ánh đuốc sáng trong đời.
Trẫm rất mừng khi thấy thái tử nhập định, và cũng rất lo lắng mà biết
rằng lời dự báo của tiên A-tư-đà hẳn là không sai. Một ngày không xa có
lẽ thái tử sẽ không còn ở mãi nơi hoàng cung này cùng trẫm nữa.”
7. VIỆC HỌC CỦA THÁI TỬ
Khi thái tử lớn lên, vua cho ngài học chung các vị công tử trong
giòng họ Thích-ca, do thầy bà-la-môn thông thái nhất lúc bấy giờ là
Tỳ-xa-bà-mật-đa-la chủ trì việc dạy dỗ, cùng với nhiều vị bà-la-môn
thông thái khác nữa để dạy cho ngài đủ các môn học.
Thái tử cực kỳ thông minh. Ngài học ít hiểu nhiều, tiếp thu nhanh chóng
những kiến thức từ các vị thầy dạy mà không cần họ phải nhọc công giảng
giải nhiều. Ngài lại còn thường xuyên đặt ra rất nhiều câu hỏi sâu sắc
bất ngờ, khiến cho các vị giáo sư đều phải lúng túng.
Thái tử tinh thông toàn diện các môn học. Ngài được học cả những môn như
âm nhạc, hội họa, văn học, triết học..., là những môn giúp phát triển
tâm hồn thanh cao. Đồng thời, ngài cũng học hết thảy các môn võ nghệ,
binh pháp như cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm... Với các môn này, ngài
cũng luôn luôn tỏ ra xuất sắc nhất trong những người cùng học.
Vào thời bấy giờ thì thánh kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn, với bộ sách
triết học Áo nghĩa thư được xem là những tinh hoa triết lý cao tột
nhất. Kinh Vệ-đà có cả thảy 4 bộ, mà Áo nghĩa thư là bộ cao trổi hơn
hết. Thái tử nhanh chóng tiếp thu trọn vẹn hết thảy những điều thâm áo
nhất trong những bộ sách này, nhờ các vị danh sư hết lòng chỉ dạy. Cho
đến khi các vị không còn gì để giảng giải, thái tử bắt đầu chất vấn các
vị hàng loạt vấn đề về cuộc sống, về nhân sinh cũng như nhiều vấn đề
triết học siêu hình khác. Không ai trong các vị bà-la-môn thông thái có
thể đưa ra những lời giải đáp làm ngài thỏa mãn. Học vấn của ngài như
vượt lên trên tất cả những vị thông thái nhất của thời bấy giờ.
8. LÒNG NHÂN ÁI CỦA THÁI TỬ
Thái tử Sĩ-đạt-ta rất thích được gần gũi với những cảnh thiên nhiên
thoáng mát, rộng rãi. Vì thế, trong những lúc rãnh rỗi ngoài giờ học
ngài thường dạo chơi trong vườn hoa phía sau. Khu vườn rộng này của
hoàng cung có nuôi nhiều loại thú để tạo ra khung cảnh thiên nhiên hoang
dã. Khi thái tử một mình lẳng lặng ra đây dạo chơi, vẻ từ hòa, nhân ái
của ngài làm cho các loài thú đều cảm thấy thân thiện nên hay đến gần để
được ngài vuốt ve trìu mến.
Một hôm, thái tử đang dạo chơi trong khu vườn như thường lệ thì bỗng
thấy một con chim từ trên trời rơi xuống. Chim bị trúng một mũi tên, máu
chảy ướt cả cánh. Nhìn con chim giãy giụa đau đớn trên mặt đất, thái tử
vô cùng xúc động, thương xót. Ngài chạy vội đến, bế chim lên, rút mũi
tên ra và xé một mảnh vải áo đắp chặt vào vết thương cho máu ngừng chảy.
Rồi ngài vội vã mang chim về cung, sai thị nữ chạy tìm thuốc đắp lên vết
thương và săn sóc cho chim. Ngay khi ấy thì có chàng Đề-bà-đạt-đa tìm
đến, tay vẫn còn cầm một cây cung. Chính Đề-bà-đạt-đa đã bắn mũi tên
trúng con chim, vì thế anh ta đang đi tìm chỗ chim rơi để nhặt thì gặp
thái tử.
Đề-bà-đạt-đa khăng khăng đòi lại con chim, nhưng thái tử cương quyết
không giao cho anh ta. Lòng nhân ái đã khiến ngài trở nên kiên quyết lạ
thường. Ngài biết rằng con vật bé nhỏ ấy đang cần sự che chở của ngài để
được toàn mạng sống.
Không lấy được con chim, Đề-bà-đạt-đa không chịu bỏ cuộc. Chàng đi tìm
các vị lão thần trong triều để nhờ phân xử. Thật là một vụ tranh cãi rất
khó xử, vì cả hai chàng đều là con cưng trong hoàng tộc. Sau khi xin ý
kiến của vua Tịnh-phạn, các vị liền cho mời cả hai người đến, tuyên bố
rằng:
“Bây giờ chúng tôi sẽ lắng nghe cả hai người công khai tranh cãi. Nếu ai
đưa ra được những lý lẽ xác đáng và có tính thuyết phục hơn thì con
chim thuộc về người đó.”
Vốn tính nóng nảy, Đề-bà-đạt-đa không nhịn được liền bước ra xin nói trước. Anh ta nói:
“Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, vốn dĩ không thuộc về ai cả. Nay
chính tôi bắn rơi được con chim, thái tử cũng công nhận điều đó. Như vậy
nó phải thuộc về tôi, có lý nào lại thuộc về người khác?”
Các vị lão thần đều lặng thinh trước lập luận đó. Đề-bà-đạt-đa rất hả
dạ, cho rằng chuyến này thái tử hẳn phải một phen bẻ mặt, vì chắc chắn
phải giao con chim cho mình rồi.
Khi ấy, thái tử điềm đạm bước ra nói:
“Hết thảy muôn loài đều tham sống mà sợ chết. Mạng sống của bất cứ ai
cũng đều là quý giá, không nên đoạt mất. Quả đúng là Đề-bà-đạt-đa đã bắn
rơi con chim này. Trước đó, nó tự do bay lại trên bầu trời cao rộng với
đôi cánh của mình. Nay vì một mũi tên của Đề-bà-đạt-đa mà nó phải mang
thương tích suýt mất mạng, hiện vẫn còn cần đến sự chăm sóc thuốc thang.
Như vậy, Đề-bà-đạt-đa rõ ràng là kẻ thù của chim. Còn tôi, gặp chim
trong tình trạng nguy khốn nên cứu lấy mạng sống, nhờ người chăm sóc cho
nó. Như vậy, tôi chính là ân nhân của chim. Xin hỏi các vị, nếu phải
giao phó những bệnh nhân đang cần chăm sóc thuốc thang, thì các vị sẽ
giao cho kẻ thù của họ hay giao cho ân nhân của họ?”
Các vị lão thần đồng thanh đáp:
“Tất nhiên là không thể giao cho kẻ thù được.”
Đề-bà-đạt-đa giận đến tái mặt, nhưng không còn lời nào để nói trước lập luận chặt chẽ của thái tử, liền lặng lẽ bỏ đi.
Các vị lão thần thảy đều khâm phục tài biện luận của thái tử, và càng
khâm phục hơn nữa trước tấm lòng nhân ái bao la, thương người, thương
vật của ngài.
9. TÀI NĂNG CỦA THÁI TỬ
Toàn cõi Ấn Độ thời bấy giờ phân tán làm nhiều nước, luôn tranh chấp,
giành giật biên giới của nhau, ít khi được yên ổn. Đất nước mà vua
Tịnh-phạn đang trị vì chỉ là một vương quốc nhỏ, so với 16 cường quốc
khác đương thời, và nhiều nước nhỏ khác nữa cũng luôn sẵn sàng gây hấn,
lấn chiếm đất đai.
Chính vì vậy, các vị vương tôn công tử luôn luôn phải được chú ý đào
luyện các môn võ thuật, quân sự. Ngoài việc học tập và rèn luyện, thỉnh
thoảng nhà vua còn tổ chức những cuộc tranh tài để kích thích tinh thần
học tập của mọi người, đồng thời cũng để chọn ra người tài giỏi mà dùng
khi hữu sự.
Khi thái tử đã học xong các môn võ nghệ, vua Tịnh-phạn quyết định tổ
chức một cuộc tranh tài để cho thái tử thi thố tài năng, vì ngài rất hài
lòng khi nghe các vị giáo sư báo cáo về năng lực học tập của thái tử.
Cuộc tranh tài được tổ chức hết sức long trọng. Phần thưởng cho người vô
địch lần này là một con voi trận màu trắng rất quý giá. Tham gia tranh
tài có tất cả các vị vương tôn, công tử cũng như các bậc anh tài tuấn
kiệt đương thời. Ai ai cũng náo nức muốn được một lần thi thố tài năng
trước công chúng.
Vận động trường được xây dựng trên một quãng đất trống rộng mênh mông,
đủ chỗ cho tất cả các môn thi như chạy bộ, đua ngựa, bắn cung, và nhiều
môn khác nữa. Nhưng đặc biệt nhất là môn cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật,
vì con ngựa mà tất cả các thí sinh buộc phải sử dụng là một con ngựa
chứng rất khó cưỡi.
Vì cuộc tranh tài lần này có sự tham gia của thái tử Sĩ-đạt-ta, nên vua
Tịnh-phạn đã đích thân đến dự. Ngài muốn tận mắt chứng kiến tài năng của
đứa con trai yêu quý của mình.
Qua hầu hết các môn thi, thái tử dễ dàng dẫn trước tất cả những người
khác, thậm chí bỏ rất xa, chẳng ai theo kịp. Cuối cùng, còn lại hai môn
gay cấn nhất là bắn cung và cưỡi ngựa.
Trong môn bắn cung, sau khi tất cả các thí sinh đều đã ra đấu trường thi
thố tài năng, thái tử mới là người ra thi sau cùng. Mọi người đều hồi
họp chờ đợi xem thái tử có vượt qua được thành tích của những người đi
trước hay không.
Thật bất ngờ, không ai trông thấy được mũi tên bay ra về đích cả, vì cây
cung đã gãy đôi ngay khi cánh tay rắn chắc của thái tử vừa giương lên.
Ban tổ chức hối hả đổi ngay ra một cây cung khác, nhưng lần này cũng
chẳng khá gì hơn. Với sức mạnh phi thường của mình, thái tử liên tục làm
gãy hết một loạt những cây cung mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn nơi đấu
trường. Mọi người đều bối rối trước tình huống không ai có thể lượng
trước này.
Trên đài cao, vua Tịnh-phạn đã chứng kiến hết mọi việc. Ngài lập tức ra
lệnh cho các lực sĩ đến ngay đền thờ cạnh thế miếu mang cây cung thần
bằng đồng của dòng họ Thích-ca đến. Cây cung này được đúc ra từ nhiều
đời trước, vẫn để thờ trong đền vì thực tế chưa thấy ai đủ sức mạnh để
giương cung lên. Chỉ riêng việc mang cung đến đấu trường đã phải cần đến
8 người lực sĩ.
Khi cây cung được khiêng đến, vua Tịnh-phạn bắt đầu thấy lo ngại vì
chính ngài cũng không thể tin được là thái tử sẽ giương nổi cây cung
khổng lồ này, nói gì đến việc bắn chính xác để đoạt giải.
Thế nhưng, với thần sắc thật ung dung, thái tử thản nhiên bước đến bên
cạnh cây cung và cúi người nhấc cung lên. Ngài lắp mũi tên thép vào cung
một cách chậm rãi, thong thả, như người ta đang làm một công việc gì
rất là nhàn hạ.
Mục tiêu là 7 cái trống đặt liên tiếp nhau ở vừa tầm bắn. Mũi tên phải
xuyên đúng tâm điểm của cái trống đầu tiên, và đủ mạnh để xuyên thủng cả
7 cái trống mà vẫn còn giữ ở vị trí tâm điểm của cái trống cuối cùng.
Khi đã đạt được yêu cầu này rồi, quãng đường mà mũi tên còn tiếp tục bay
sau khi xuyên qua 7 cái trống cũng sẽ đưa vào thành một yếu tố tính
điểm.
Với một dáng điệu tuyệt đẹp trên đấu trường, thái tử thong thả buông
cung. Mũi tên xuyên vút qua đúng tâm điểm cả 7 cái trống và tiếp tục bay
đi thêm một quãng xa. Vì trước đó chưa ai làm được điều này, nên ban tổ
chức hầu như không cần quan tâm đến đoạn đường xa phía sau những cái
trống. Thái tử đương nhiên đoạt giải quán quân môn này.
Tiếp đó là môn cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật. Với các tay cự phách tham
gia cuộc thi này thì những chướng ngại đã dựng ra trên đường để họ vượt
qua dường như không có gì khó khăn lắm. Nhưng điều khắc nghiệt trong
cuộc thi là họ không được chọn con ngựa nào khác ngoài con ngựa chứng
cực kỳ hung hãn mà ban tổ chức đã mang đến.
Nhiều thí sinh lần lượt ra thi đấu. Thậm chí không ai ngồi được lên lưng
ngựa. Nó đã lồng lên và hất tung họ xuống ngay khi còn chưa chạm được
đến yên ngựa. Có người ngã đau quá đến chấn thương phải được đưa đi săn
sóc ngay.
Đề-bà-đạt-đa là một người có sức mạnh kinh hồn và rất giỏi trong môn
cưỡi ngựa. Nhưng anh ta cũng chỉ vừa ngồi yên trên lưng ngựa chưa bao
lâu thì bị hất rơi xuống đất. Cũng may là anh chưa bị thương tích gì.
Chứng kiến cảnh nguy hiểm đó, ban tổ chức bàn thảo cùng nhau và đưa ra
đề nghị là thái tử Sĩ-đạt-ta không cần tham gia môn thi này. Họ thực sự
lo lắng cho sự an toàn của thái tử, người con một của đức vua Tịnh-phạn,
người sẽ nối ngôi trị vì vương quốc.
Tuy nhiên, thái tử vẫn thản nhiên. Ngài bảo là không cần như thế, và
ngài muốn tham gia đầy đủ các môn thi bình đẳng như bao nhiêu người
khác.
Thái tử thong thả tiến bước đến bên con ngựa. Nhưng thay vì nắm lấy dây
cương như những người khác, ngài chỉ lấy tay vuốt bờm ngựa và nói với nó
mấy lời êm ái như với một người bạn chí thân. Con ngựa như hiểu được
lời ngài, nó phất đuôi nhè nhẹ qua lại mấy cái rồi thè lưỡi liếm tay
ngài. Bấy giờ, thái tử mới ung dung lên ngựa. Ngài thậm chí chưa cưỡi đi
ngay mà còn quay nhìn quanh chào tất cả mọi người. Rồi ngài cho ngựa
chầm chậm bước đi mấy bước, trước sự hồi họp của tất cả khán giả đến
xem. Con ngựa bỗng trở nên ngoan ngoãn lạ thường, không còn một chút
dáng vẻ hung hăng nào trước đó.
Khi thái tử bắt đầu cho ngựa phóng nhanh, con ngựa như hừng chí muốn bộc
lộ hết tài năng của nó. Ngựa vượt qua các chướng ngại vật một cách hết
sức dễ dàng và phóng nhanh vùn vụt đến chóng mặt. Tuy nhiên, thái tử
ngồi trên ngựa thấy êm ái như nó đang đi từng bước nhẹ.
Thái tử vượt qua hết đoạn đường quy định và quay ngựa trở lại đến trước lễ đài trong tiếng hoan hô vang dậy của công chúng.
Ngài đoạt chức vô địch toàn diện trong cuộc thi tài này.
Sau đó, thái tử cưỡi con voi trắng quý giá là phần thưởng dành cho người
thắng cuộc, đi dạo khắp các phố phường trong kinh thành.
Dân chúng đổ xô ra xem mặt vị thái tử tài ba và cũng là vị vua tương lai của họ.
Sau lần dự cuộc tranh tài ấy, danh tiếng về tài năng của thái tử vang dội khắp mọi nơi trong nước, ngoài nước.
10. THÁI TỬ CƯỚI VỢ
Vua Tịnh-phạn vẫn nhớ mãi những lời dự đoán của tiên nhân A-tư-đà khi
thái tử mới ra đời. Nhưng lòng vua không nỡ tin rằng rồi đây thái tử sẽ
bỏ cung vàng điện ngọc mà ra đi.
Vua bèn suy nghĩ tìm mọi cách để ràng buộc, níu kéo thái tử ở lại với
cuộc sống hoàng cung. Ngày kia, vua quyết định sẽ cưới vợ cho thái tử,
cho rằng đó là một cách hữu hiệu để trói buộc ngài. Vua triệu thái tử
vào và dạy rằng:
“Nay con đã lớn tuổi, phải lo liệu việc lập gia đình. Nếu con vừa ý nơi nào, cha sẽ định liệu cho.”
Thái tử tâu rằng:
“Việc ấy con xin tùy quyền quyết định của phụ vương.”
Vua Tịnh-phạn liền truyền cho các quan gấp rút tiến hành việc chọn vợ cho thái tử.
Tin mừng loan ra, khắp nơi trong nước nhân dân đều náo nức. Theo tục lệ
bấy giờ, người được thái tử chọn làm vợ có thể thuộc vào một trong ba
giai cấp. Đó là giai cấp bà-la-môn, giai cấp sát-đế-lỵ, tức là dòng vua
chúa, và giai cấp trưởng giả. Tuy nhiên, những công chúa các nước láng
giềng hẳn là những người nuôi nhiều hy vọng hơn cả.
Với tài ba và trí tuệ của thái tử vốn đã nổi tiếng khắp nơi vào lúc đó,
nên các vị công nương đài các nghe tin thái tử sắp chọn vợ thì từ khắp
bốn phương đều đổ về đông vô kể. Ai ai cũng hy vọng được lọt vào tầm mắt
của vị thấi tử tài ba, anh tuấn, vị vua tương lai của dòng Thích-ca.
Ngày chọn vị hoa khôi làm vợ thái tử rồi cũng đến. Người ta treo đèn kết
hoa ở khắp mọi nơi trong kinh thành. Người ta tổ chức nhiều cuộc vui để
chào mừng ngày trọng đại này. Và quan trọng hơn hết, người ta xây dựng
một quãng trường rộng lớn và đẹp đẽ, lộng lẫy, huy hoàng, là nơi thái tử
sẽ đích thân đến chọn người bạn trăm năm của mình.
Giữa quảng trường là một lễ đài cao rộng. Trên đó, thái tử ngồi sau một
cái bàn rộng và dài, trên chất đầy những đồ châu báu quý giá đủ loại.
Tất cả các vị công nương, công chúa đến dự buổi thi tuyển này đều đã
chuẩn bị những bộ y phục lộng lẫy nhất, xinh đẹp nhất, cùng với những đồ
trang sức đẹp nhất của họ. Từng người một từ từ tiến lên lễ đài, thướt
tha lướt nhẹ chầm chậm đến chỗ thái tử, và dừng lại ngay trước mặt ngài
để nhận lấy một món quà tặng do ngài trao tặng.
Thái tử ngồi đó quan sát từng người, và rồi tự tay ngài chọn lấy một
trong các món đồ châu báu trên bàn, mà ngài cho là thích hợp với người
đó để trao tặng. Tất nhiên là những người đẹp hơn sẽ nhận được những món
quà giá trị hơn.
Khi đến lượt nàng công chúa tên Da-du-đà-la tiến lên lễ đài và đến chỗ
thái tử, thì ngài bỗng bối rối mà nhận ra trên bàn không còn một món báu
vật nào nữa cả. Cũng đồng thời ngay trong lúc ấy, ngài nhận ra vẻ đẹp
duyên dáng, kín đáo của Da-du-đà-la mà không một vị công nương, công
chúa nào trước đó có thể sánh bằng.
Trong khi thái tử còn chưa hết cơn ngẩn ngơ và bối rối, thì công chúa đã
dịu dàng bước đến bên và lên tiếng hỏi ngài: “Thưa thái tử, ngài có gì
để tặng cho em chăng?”
Thái tử bỗng nảy ra một ý, ngài bảo: “Xin công chúa hãy bước lại gần đây hơn nữa.”
Khi công chúa Da-du-đà-la bước đến đứng sát cạnh bên ngài, thái tử liền
cởi xâu chuỗi ngọc đang đeo trong mình ra và tự tay đeo vào cổ cho nàng.
Cả đại hội cùng vỗ tay hoan hô vang dội. Người người đều hiểu ra là thái
tử đã ngầm công bố sự chọn lựa của mình. Cuộc thi tuyển chấm dứt trong
không khí tưng bừng vui vẻ và vua Tịnh-phạn tuyên bố việc chuẩn bị tiến
hành hôn lễ trong mùa thu sắp tới.
Năm ấy, thái tử tròn hai mươi bốn tuổi.
11. NHỮNG KHOÁI LẠC CHỐN KINH THÀNH
Sau khi thái tử cưới vợ, vua Tịnh-phạn lấy làm vui mừng lắm. Ngài
cũng hài lòng về công chúa Da-du-đà-la, một trang quốc sắc thiên hương,
tính nết lại thùy mỵ, đoan trang, hiền từ rất mực. Nhà vua cho rằng với
một người vợ như thế thì thái tử hẳn không bao giờ còn có thể nảy ra ý
nghĩ từ bỏ kinh thành được nữa.
Mặc dù vậy, nhà vua vẫn chưa hết lo âu. Ngài còn muốn tạo thêm những mối
dây thắt buộc chắc chắn hơn thế nữa, để đảm bảo là thái tử vĩnh viễn
không bao giờ lìa bỏ cung vàng điện ngọc. Với sự góp ý của nhiều vị
bà-la-môn thông thái, nhà vua quyết định rằng phải tìm mọi cách làm cho
thái tử luôn luôn đắm chìm trong những cuộc vui, tận hưởng những khoái
lạc có thể có được nơi trần thế, để thái tử không có bất cứ thời gian
nào mà nghĩ đến việc ra đi.
Vua truyền cho các nhạc công, vũ nữ ngày đêm tổ chức những cuộc vui
trong cung. Vua lại xây cất cho thái tử ba khu biệt thự ở ba nơi khác
nhau: một ở nơi khí hậu ấm áp để cho thái tử nghỉ lúc mùa Đông, một trên
đồi cao mát mẻ, cây cối xanh tốt, để cho thái tử tránh nắng mùa Hạ, và
cái thứ ba thì xây dựng phù hợp để thái tử ở trong mùa mưa. Thái tử và
vợ thường xuyên chuyển đến ở một trong ba nơi ấy, lúc nào cũng cảm thấy
khí hậu quanh mình mát mẻ, dễ chịu.
Vua còn sai người mang đến đủ các thứ cao lương mỹ vị, gấm vóc lụa là từ
khắp nơi trong nước, để cho thái tử tùy ý chọn dùng. Vua cũng mật
truyền cho những người hầu cận quanh thái tử, phải luôn luôn tìm những
cuộc vui mà giải trí cho thái tử, không lúc nào được để thái tử sinh ra
buồn chán.
Mặc dù hài lòng với tất cả những điều khoái lạc mà mình đã tạo ra nhằm
buộc chân thái tử, nhưng vua vẫn chưa yên tâm. Để vững lòng hơn nữa,
ngài bèn ra lệnh nghiêm cấm không cho thái tử ra khỏi hoàng thành mà dạo
chơi những chốn bên ngoài.
Tuy nhiên, vì khu biệt thự mùa Hạ được xây dựng xa chốn hoàng thành, nên
vua cũng không thể hoàn toàn giữ chân thái tử được. Năm đầu tiên đến
nghỉ ở khu biệt thự này trong vòng bốn tháng, nhiều chuyển biến quan
trọng đã diễn ra trong tâm hồn thái tử.
Công chúa Da-du-đà-la rất hợp ý với chồng. Cả hai người đều chuộng cách
sống giản dị, hòa đồng và đều có lòng thương người sâu đậm.
Trong kỳ nghỉ ấy, không hẹn trước mà cả hai đều có đồng một sở thích là
lang thang ra các vùng nông thôn phụ cận để tiếp xúc và tìm hiểu cuộc
sống dân dã.
Được thoát ra khỏi đời sống bó buộc, nặng nề của hoàng thành, sống giản
dị hòa nhập với thiên nhiên bao la tươi đẹp, cả thái tử và công chúa đều
thấy rất hài lòng và sảng khoái.
Cũng trong dịp này, họ lần đầu tiên hiểu ra cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ
của những người dân quê nghèo khó. Với những của cải được nhà vua hào
phóng chu cấp cho, họ mang ra giúp đỡ cho dân nghèo quanh vùng.
Nhưng rồi cuối cùng, thái tử lấy làm buồn bã mà nhận ra rằng, việc cứu
giúp dân nghèo bằng cách đó thật không đáng kể vào đâu so với những mảnh
đời bất hạnh hầu như lan tràn khắp chốn. Ngài ngậm ngùi, ưu tư mà suy
nghĩ về một giải pháp nào đó khác hơn, để có thể cứu khổ cho hết thảy
mọi người. Và từ đó ngài hiểu ra sự thật giả dối về những cuộc vui xa
xỉ, những khoái lạc mà vua cha ban cho ngài ở chốn hoàng cung.
12. BA LẦN GẶP KHỔ
Một hôm, vào dịp đầu xuân, có người đến tâu với thái tử rằng: “Cảnh
trời hôm nay tươi sáng, bên ngoài có cỏ đẹp hoa thơm, có chim hót trên
cành, lại có những cảnh vườn xanh, ruộng tốt. Người và vật đâu đâu cũng
đều có vẻ tươi cười chào đón cảnh xuân. Ngài nên dạo chơi đôi chút cho
thanh thản, bởi lâu ngày ở mãi trong cung thì có khác nào như ngựa kia
bị nhốt mãi trong tàu.”
Thái tử nghe vậy lấy làm hợp ý. Ngài liền tâu lên vua cha xin được đi
xem phong cảnh ngoài thành. Vua không biết làm sao ngăn cản, đành thuận
cho thái tử dạo chơi.
Nhưng vua nghĩ rằng: “Nếu để thái tử thấy những thảm trạng ngoài đường,
ắt sẽ có lòng xúc động. Ta muốn cho thái tử không thấy những sự buồn,
vậy nên truyền cho những dân đau khổ, những kẻ nghèo khó tật bệnh đều
phải tránh ra xa.”
Nghĩ rồi liền làm y như vậy, bí mật truyền cho những nơi thái tử sẽ đi
qua, quan quân phải đến trước mà dẹp đường, không để cho thái tử nhìn
thấy bất cứ cảnh đau lòng nào.
Thái tử ra thành dạo chơi trên một chiếc xe ngựa với người đánh xe trung
thành, tin cẩn là Xa-nặc. Khắp nơi ngài đi qua đều thấy những đèn hoa
giăng kết chào mừng, những người trên đường đều là những trai tráng mạnh
mẽ, những người giàu có ăn mặc sang trọng.
Nhưng rồi thái tử thấy vui với khí trời xuân ấm áp và truyền cho Xa-nặc
đi xa hơn nữa ra miền đồng quê. Ở đó, các quan binh chưa kịp đến trước
mà dọn dẹp đường xá, ngài cứ cho xe thẳng tiến trên con đường rộng chạy
giữa những cánh đồng bao la xanh tốt.
Bỗng đâu ven đường có một ông lão lưng còng, tóc bạc, tay chống gậy,
chân run rẩy, hàm răng rụng sạch, làn da nhăn nheo, xấu xí, trông không
còn ra dáng hình người. Thái tử lần đầu tiên trông thấy một người già
nua xấu xí đến thế, lấy làm lạ bèn phán hỏi Xa-nặc rằng: “Nhà ngươi có
biết người khòm lưng, tóc bạc đó là ai chăng? Vì sao thân hình người ấy
lại chỉ còn da bọc xương. Ta xem người ấy cặp mắt như hết thần, tay
nương gậy, chân run rẩy không còn đi đứng vững vàng. Sao bao nhiêu người
mà ta đã gặp không có ai giống như người ấy?”
Xa-nặc tâu lên rằng: “Đó là một ông lão, người đã bị sự tàn phá của tuổi
già. Với tuổi già thì bao nhiêu những sự vui sướng đều không được thụ
hưởng như xưa! Khi đã già thì hết vẻ xinh đẹp, hết sự khỏe mạnh, hết cả
trí tuệ minh mẫn, lại suy nhược, chịu nhiều bệnh khổ. Ông lão ấy hồi trẻ
khi cha mẹ sanh ra cũng từng phải bú mớm, dần dần lớn lên cũng thành
người trai tráng mạnh mẽ, mà nay tuổi già nên trở thành khô héo, bại
hoại như thế.”
Thái tử lấy làm cảm xúc, hỏi tiếp rằng: “Quyền thế như ta đây, liệu có phải già như thế không?”
Xa-nặc tâu rằng:
“Ngài rồi cũng không tránh khỏi cái già! Hết thảy muôn người không ai có
thể tránh được cái già. Cho dẫu là bậc đế vương quyền cao tột đỉnh,
hoặc người dân quê nghèo khó khổ nhọc, đối với sự già lão thì cũng đều
phải chịu như nhau.”
Thái tử nghe nói, lấy làm thảng thốt, bèn thở dài và lắc đầu. Ngài nhìn lão già một lần nữa rồi than rằng:
“Cái già làm cho hình hài xấu xí, sức khỏe suy nhược, thần trí mê muội,
thân thể đau nhức, tai điếc mắt lờ, thế mà người đời chẳng biết ghê sợ,
chỉ mãi đắm say trong những cuộc vui dục lạc. Thôi ngươi hãy quay ngựa
trở về. Ta giờ chỉ ám ảnh bởi cái già nó làm khổ muôn người, không
phương tránh né, nên chẳng còn vui thích gì mà dạo chơi nữa cả.”
Sau chuyến đi ấy, thái tử đâm ra ưu tư, suy nghĩ. Ngài hiểu ra sự thật
về cái giả tạo, tạm bợ của kiếp người, khác nào như ngọn đèn dầu, tuy
sáng đó nhưng chẳng bao lâu rồi dầu hết mà phải tắt. Ngài thường ngồi
một mình ở nơi vắng vẻ để suy nghĩ về thân phận con người với chuỗi ngày
thanh xuân ngắn ngủi không thể nào tồn tại.
Có người đem những việc đã xảy ra tâu lên vua Tịnh-phạn. Đức vua vô cùng
lo lắng, và truyền bày thêm nhiều cuộc vui hơn nữa làm cho thái tử
nguôi ngoai. Nhưng thái tử không còn quan tâm nữa. Ngược lại, ngài bắt
đầu cảm thấy băn khoăn về những sự thật khác nữa trong cuộc sống mà có
lẽ vì bị giam hãm mãi trong cung đình nên ngài không thể tìm biết được.
Ngài quyết định xin phép vua cha ra ngoài thành dạo chơi một lần nữa.
Lần này, thái tử quyết định không đi công khai như lần trước. Ngài cũng
không đi bằng xe ngựa, mà cải trang làm một người trưởng giả đi bộ ra
ngoài thành cùng với người hầu cận là Xa-nặc.
Nhờ dạo chơi trong thành bằng cách này, thái tử có thể tiếp cận được với
cuộc sống thực tế của nhân dân, đặc biệt là những người dân thuộc tầng
lớp thấp hèn. Ngài rất vui mừng khi cảm nhận được nhiều niềm vui đơn sơ
trong cuộc sống giản dị, tự nhiên của những người dân nghèo, khác với
cuộc sống gò bó lễ nghi của cung đình.
Đến cuối một con đường kia, thái tử bỗng nghe có tiếng người rên la rất
lớn. Ngài vội vã lần bước đến đó và nhìn thấy một hình ảnh mà từ trước
ngài chưa thấy bao giờ.
Trên mặt đất, một người đang lăn lộn, rên xiết. Ông ta nằm dài trên mặt
đất, thân hình cứ run lên từng chặp trong khi cặp mắt trợn lên trắng dã,
vẻ mặt tái mét như không còn chút máu hồng nào trong đó. Ông có vẻ như
cố gượng đứng lên nhiều lần nhưng lần nào rồi cũng ngã nhào xuống, không
sao dậy nổi.
Vốn sẵn tấm lòng nhân ái bao la, thái tử liền chạy ngay đến nâng người
ấy dậy. Ngài đặt người ngồi tựa vào mình, lấy tay xoa đầu như muốn làm
giảm bớt đi sự đau đớn.
Xa-nặc vội vã chạy đến, miệng la lớn: “Xin ngài chớ chạm vào người ấy. Đó là một người bệnh truyền nhiễm.”
Thái tử ngạc nhiên, hỏi Xa-nặc: “Thế nào gọi là một người bệnh?”
Xa-nặc đáp: “Người ấy xưa cũng khỏe mạnh, tráng kiện như bao người khác,
nhưng một khi đã mắc bệnh rồi thì thân thể tàn tạ, đau đớn đến thế, nên
gọi là người bệnh.”
Thái tử lại hỏi: “Những người khác có khi nào bị bệnh như thế này chăng?”
Xa-nặc thưa rằng: “Nếu ai tiếp xúc với người bệnh, cũng đều có thể sẽ bị
bệnh. Nhưng cũng có những người tự dưng mắc bệnh mà tự họ không hiểu
nguyên do từ đâu. Nói chung là trong chúng ta ai ai cũng có thể bị bệnh,
mà không thể biết chắc được là sẽ bị vào lúc nào. Xin ngài hãy đặt
người bệnh ấy xuống, nếu không có thể rồi ngài cũng sẽ mắc bệnh.”
Thái tử chưa hết ngạc nhiên, ngài hỏi tiếp: “Xa-nặc! Ngoài người bệnh như thế này, còn có những bệnh nào khác hơn nữa chăng?”
Xa-nặc đáp: “Thưa thái tử! Trong cuộc đời này có rất nhiều thứ bệnh tật
khác nhau, và chúng thường xuyên đe dọa lây nhiễm đến mọi người trong
chúng ta. Bệnh tật không tha thứ cho bất cứ ai, cả thế giới này phải
khóc than, kêu la hằng ngày vì nó.”
Thái tử nghe qua rồi lấy làm lạ, than rằng:
“Ôi! Con người thật là kỳ lạ! Bệnh tật rình rập làm hại họ trong từng
chốc lát, mà họ chẳng để lòng lo lại còn đắm mình trong những trận vui
cười!”
Thái tử liền cùng Xa-nặc quay về, trong lòng nặng trĩu thêm một mối ưu sầu lo nghĩ nữa.
Vua Tịnh-phạn thấy thái tử ngày càng ưu tư, trầm lặng thì trong lòng
càng thêm lo lắng. Muốn cho thái tử được vui, đức vua liền truyền tổ
chức cho ngài dạo chơi một lần nữa.
Trong chuyến đi lần này, thái tử tình cờ trông thấy đám chết của một
người nghèo. Ngài thấy bốn người khiêng đi một thân thể cứng đờ, bọc
trong một manh chiếu rách, và mấy kẻ theo sau đều khóc kể rất thảm
thiết. Đám tang đi ra một quãng đồng rộng, nơi đã có chất sẵn một đống
củi to, và người ta đặt thi thể người chết lên đống củi rồi nổi lửa mà
thiêu.
Thái tử hỏi Xa-nặc:
“Nhà ngươi có biết những người ấy khiêng ai đi đó chăng? Và tại sao họ
than khóc buồn thảm lắm vậy? Tại sao họ lại đặt người ấy lên đống củi to
mà thiêu đốt? Vì sao người ấy không thấy kêu la vì nóng bỏng, giống như
những người khác?
Xa-nặc tâu lên rằng:
“Người ấy thật không còn tri giác, cũng chẳng còn hơi thở. Người ấy chỉ
nằm cứng đơ như cây cỏ, không còn biết vui sướng, khổ sở chi nữa. Anh
em, bè bạn không còn đi lại, kẻ thù nghịch chẳng còn biết tới. Người ấy
đã chết rồi.”
Thái tử lại hỏi: “Nếu cái chết là như thế, vậy nó chỉ riêng cho người ấy hay là nó đến với hết thảy mọi người?”
Xa-nặc tâu rằng:
“Mọi người không ai tránh khỏi. Kẻ sang người hèn, kẻ tốt người xấu, rồi đều cũng phải chết.”
Thái tử nghe rồi liền nói một cách buồn bã rằng:
“Than ôi! Định luật khắt khe là như thế, mà loài người vẫn mãi vui chơi.
Bây giờ ta mới hiểu ra rằng, tâm tánh của nhân loại cũng rắn như sắt
đá. Cái chết nó chực sẵn bên mình, ai ai rồi cũng không tránh khỏi, vậy
mà họ vẫn không hề lấy đó làm điều suy gẫm.”
13. GẶP NHÀ DU TĂNG
Thái tử Sĩ-đạt-ta không giờ phút nào được an lòng. Ngài đi quanh quẩn
trong dinh, trầm ngâm suy nghĩ. Ngài suy nghĩ về một phương cách nào đó
có thể cứu vớt nhân loại thoát ra khỏi những khổ đau khắc nghiệt từ bao
đời vẫn dành cho họ. Trong tâm trí ngài lảng vảng những cảnh già khổ,
bệnh khổ, và rồi là cái chết cuối cùng sẽ đến với tất cả mọi người.
Một hôm, thái tử có ý muốn dạo chơi về vùng thôn quê. Ngài tâu xin vua cha, rồi ra khỏi thành, đi về phía đồng ruộng.
Đi đã khá xa, đến một chỗ vắng Ngài ngồi xuống nghĩ chân và trong tâm nảy sinh ý tưởng rằng:
“Thật là đáng thương thay cho người đời. Đã không có sức mạnh nào tự bảo
vệ lấy mình khỏi những điều già yếu, bệnh khổ, sống chết vô thường, mới
mạnh thoạt đau, mới trẻ thoạt già, mới sống thoạt chết, vậy mà vì sự tự
cao, sự mê tối nên chẳng hề sanh lòng xót thương cho những kẻ đang bệnh
khổ, kẻ già yếu, kẻ chết.
“Từ khi trông thấy những người đồng loại chìm trong sự bệnh khổ, chết
khổ, lòng ta luống động mối thương tâm, lo nghĩ không yên ổn. Bản thân
ta rồi đây cũng không thoát khỏi những điều khổ não ấy. Nếu trong kiếp
sống này mà ta chẳng tìm ra được phương cách nào để cứu mình, cứu người,
chẳng phải là sống uổng phí lắm sao?”
Ngay khi ấy, bỗng nhiên ngài trông thấy từ xa đi đến một người, dáng vẻ khác lạ.
Người ấy khoác một tấm áo vàng, rộng và dài, phủ xuống đến tận chân. Tay
khoanh lên trước ngực ôm một cái bát nhỏ, ngoài ra không còn thấy một
thứ vật dụng nào khác. Dáng đi của người thật thanh thoát, vẻ mặt hiền
hòa lộ rõ sự an ổn, thoát tục. Đếm từng bước chân khoan thai, người đi
như chỉ để mà đi, không vội vàng, không hấp tấp, cũng không mong đợi gì ở
nơi sẽ đến.
Thái tử liền quay sang hỏi Xa-nặc: “Người đó là ai vậy?”
Xa-nặc đáp: “Người ấy là một vị du tăng. Người lìa bỏ gia đình, thân
quyến, nhà cửa ruộng vườn, ra đi sống cuộc sống không nhà để cầu sự giải
thoát an ổn trong tâm thức. Người không có gì là sở hữu của riêng mình,
chỉ ôm một cái bát nhỏ đi đến đâu thì xin ăn ở đó. Ngay chính cái bát
ấy người cũng chỉ xem là phương tiện nuôi sống, chứ không phải là tài
sản của mình. Vì người sống đời thoát tục không tham muốn, tranh đua,
nên những bậc tri thức đều kính trọng người, cúng dường cho người.”
Thái tử nghe qua lấy làm mừng rỡ. Ngài như thấy hé mở ra con đường mình
phải đi. Ngài đã nhận ra nơi vị du tăng nọ vẻ thoát tục an nhiên, và
ngài cũng hiểu rằng đó là chỗ mấu chốt khởi đầu mà ngài phải nắm lấy để
đi tìm một con đường giải thoát. Ngay từ lúc đó ngài biết rằng, nếu con
người dứt bỏ được mọi sự tham muốn trói buộc, thì những cảnh khổ ở đời
không dễ gì lay chuyển được tâm hồn thanh cao của họ nữa.
Ngài bảo Xa-nặc quay trở về, trong lòng tràn ngập những suy nghĩ mới. Dường như ngài đã quyết định một điều gì...
14. THÁI TỬ BỎ ĐỀN ĐÀI
Từ hôm gặp nhà du tăng trở về, thái tử thấy lòng thanh thản hơn nhưng
ngài như có nhiều điều trầm ngâm suy nghĩ. Ngài thường ra nơi vườn hoa,
chỗ yên vắng, ngồi một mình để suy tư trầm mặc.
Một hôm, ngài đang ngồi trầm lặng như thế thì có viên quan hầu cận đến
báo tin nàng Da-du-đà-la vừa hạ sanh một bé trai. Thái tử nghe báo tin
xong, liền nói rằng: “ Trói buộc thay! Trói buộc thay!”
Viên quan hầu cận liền trở về, thông báo việc thái tử đặt tên cho con trai là La-hầu-la.
Và cho dù có thêm một mối trói buộc trong cảnh gia đình như thế, thái tử
vẫn không ngừng suy nghĩ về một cuộc sống mới, dứt bỏ mọi niềm vui trần
tục để ra đi tìm con đường giải thoát.
Một đêm nọ, nàng Da-du-đà-la mơ thấy một điềm mộng lạ.
Nàng thấy cả địa cầu bỗng dưng rúng động, những quả núi cao lớn hơn hết
đều lung lay, một luồng gió mạnh thổi đến và làm cho cây cối gãy đổ trốc
gốc. Mặt trời, mặt trăng và tinh tú đều rơi xuống đất. Công chúa lại
thấy áo, mũ và đồ trang sức của mình đều mất hết. Mái tóc đã cắt đi mất.
Giường nệm của hai vợ chồng thì hư nát. Áo mũ, châu báu, ngọc ngà của
thái tử rơi đầy trên mặt đất. Sấm sét chớp lòa trên hoàng thành u ám, và
núi Tu-di cũng lung lay.
Công chúa thức giấc trong lòng hoảng hốt, vùng dậy chạy lại đánh thức chồng:
“Thái tử! Thiếp vừa nằm mộng thấy một điềm ghê sợ lắm!”
Thái tử điềm nhiên bảo: “Nàng hãy thuật lại ta nghe xem.”
Công chúa liền thuật lại những điều trong giấc mộng. Thái tử liền cười mà nói rằng:
“Điềm mộng hay thật. Quả thật là ứng với những điều ta đang suy nghĩ và
muốn làm đó thôi. Nàng hãy vui lên đi, ta sẽ giải thích cho nàng hiểu.
Nàng thấy quả địa cầu rúng động, ấy là một ngày nọ chư thiên sẽ hạ mình
trước mặt nàng. Nàng thấy mặt trời và mặt trăng trên không rơi xuống
đất, ấy là rồi đây nàng sẽ thắng sự mê dục, và ai ai cũng đều ca ngợi
nàng. Nàng thấy cây cối gãy đổ trốc gốc, ấy là nàng sẽ thoát ra khỏi khu
rừng luyến ái và tham muốn. Nàng thấy tóc nàng cắt đi rồi, ấy là nàng
sẽ cắt đứt những dây tình ái trói buộc. Áo mũ và châu ngọc của ta đều
rơi xuống đất, ấy là ta bước lên con đường giải thoát. Sấm sét chớp lòa
trên hoàng thành u ám, ấy là trong cảnh tối tăm, ta sẽ làm cho ánh sáng
của đạo lý chiếu ngời ra, và những ai tin theo lời ta sẽ được vui vẻ, an
lạc. Đó là điềm mộng tốt.”
Hôm sau, thái tử vào yết kiến vua, tâu lên rằng:
“Tâu phụ vương! Con muốn xin phụ vương an lòng mà thuận cho con xuất gia sống cuộc sống của một tu sĩ.”
Vua Tịnh-phạn vừa nghe lời thái tử, vụt nhớ lại ngay những lời dự đoán
của tiên nhân A-tư-đà khi xưa. Đức vua hiểu ra ngay là giờ định mệnh đã
đến. Tuy nhiên, vua vẫn cố suy nghĩ tìm cách để lưu giữ thái tử. Vua nói
rằng:
“Nay con vẫn còn tuổi trẻ, tư tưởng hẳn chưa được vững bền, có thể còn
nhiều thay đổi, chưa nên định việc xuất gia. Cha vẫn thuận cho con đi
theo con đường thoát tục, nhưng cha nghĩ giờ này là chưa phải lúc. Con
đã được học kinh Vệ-đà, chắc con cũng biết rằng luật Manu trong đó quy
định rằng người muốn xuất gia phải đủ 40 tuổi. Nay con nên vui hưởng
cảnh giàu sang vương giả này thêm ít năm nữa, chừng con được 40 tuổi cha
sẽ thuận cho con xuất gia.”
Thái tử đáp:
“Tâu phụ vương, đời sống vương giả này con trải qua đã lâu, nhưng ngày
ngày thường quán xét thấy không phải là điều lâu dài, bền vững. Như tấm
thân này của con, dẫu có trang điểm y phục lụa là, ngọc ngà châu báu,
thì cũng có một ngày phải hư hoại tan rã. Hết thảy mọi người cũng đều
như thế. Nay con thấy cuộc sống người đời như đang trong ngôi nhà lửa
cháy, dẫu chưa bị lửa đốt đến tận thân mình, thì cũng biết chắc tính
mạng không còn bao lâu nữa. Nay trong tuổi trẻ cường tráng, nếu không
dũng mãnh ra đi tìm lối thoát, đợi đến tuổi già thì làm sao tránh nổi
luật hủy hoại của vạn vật.”
Vua Tịnh-phạn nghe lời thái tử thì không còn cách chi biện bác nữa. Ngài
liền đem việc quốc sự, tình cha con, vợ chồng mà định lôi kéo thái tử.
Thái tử nghiêm nét mặt thưa rằng:
“Tâu phụ vương! Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, một vận mệnh
riêng. Không ai có thể lãnh chịu những khổ não, đau đớn giúp cho người
khác. Tuy vậy, nếu một người tìm ra con đường chân chính, thì có thể dẫn
dắt muôn người cùng đi đến chỗ an lạc, giải thoát. Con mong muốn ra đi
là vì nghĩ đến hết thảy mọi người. Mai này khi con tìm ra con đường giải
thoát, con lại sẽ trở về cứu vớt cho hết thảy mọi người, nào chỉ riêng
là phụ vương, Da-du-đà-la hay La-hầu-la. Ý con đã quyết, mong được phụ
vương chuẩn thuận đừng ngăn cản.”
Vua Tịnh-phạn không còn biết nói gì thêm nữa. Nhưng tình phụ tử quyến
luyến khiến vua dùng dằng không thể nói ra lời ưng thuận. Vua bãi triều
mà vẫn chưa trả lời dứt khoát cùng thái tử.
Không nói được bằng lời, vua Tịnh-phạn định dùng cách khác mà lôi kéo thái tử ở lại.
Đêm ấy, vua sai tổ chức một buổi yến tiệc thật linh đình nơi cung thái
tử, truyền nhạc công, vũ nữ bày những cuộc vui thật mới lạ và hấp dẫn,
kéo dài đến quá nửa đêm.
Không ai ngờ thái tử đã quyết chí ra đi ngay trong đêm đó.
Sau khi tham dự xong buổi yến tiệc linh đình thâu đêm ấy, thái tử quay
về phòng mình và bí mật nai nịt chuẩn bị lên đường. Hành trang của kẻ ra
đi tìm đường giải thoát vốn chẳng có chi nhiều, nên ngài chỉ sắp xếp
trong thoáng chốc là đã sẵn sàng tất cả.
Trời khuya vắng vẻ. Thái tử vượt qua căn phòng rộng vừa lúc nãy đây linh
đình yến tiệc. Mấy cô vũ nữ mệt mỏi đang nằm ngủ say như chết ngay trên
sàn nhà. Thái tử nhìn thấy không còn chút dáng vẻ yểu điệu nào đâu nữa.
Đầu tóc các cô rối bù, mắt nhắm nghiền chẳng còn soi sáng trên gương
mặt, miệng há hốc, phát ra những âm thanh đều đều trong giấc ngủ say,
tay chân cứng đờ, kẻ đưa ngang, người thả dọc, ngổn ngang trên sàn nhà.
Thật là một cảnh đáng thương, không còn vẻ gì là mỹ miều, lôi cuốn nữa.
Ngài bước ra khỏi phòng, nhanh chóng đi đến nơi tàu ngựa.
Người đánh xe và giữ ngựa trung thành của ngài là Xa-nặc đang đợi sẵn. Ngài bảo:
“Hãy mang con ngựa Kiền-trắc đến đây mau lên. Đêm nay ta muốn thoát khỏi chốn này để đi tìm con đường giải thoát.”
Kiền-trắc là con ngựa hay nhất, mạnh mẽ và nhanh nhẹn phi thường. Thái tử nói với nó rằng:
“Ngựa ơi! Nay ta muốn nhờ ngươi đưa ta lên đường đi tìm chánh đạo.”
Thái tử nói xong, bèn nhảy lên yên. Đêm ấy, ngựa chạy rất êm, không gây
một tiếng động nào trên đường, nên trong thành không ai hay biết. Ra
khỏi cửa thành mà thẳng đường phóng xa một cách êm thấm.
Thái tử bỏ lại cha già, người vợ trẻ và đứa con thơ dại, với ngôi báu
chốn kinh kỳ mà người người đều thèm muốn. Nhưng ngài không một chút
luyến tiếc, phân vân. Ngài ngước mặt lên bầu trời đêm mà nói một cách
quả quyết rằng:
“Ta nguyện rằng nếu không chứng đạo, không rõ thấu chỗ cùng tột của sự sanh tử, thì không bao giờ trở về thành Ca-tỳ-la-vệ.”
Năm ấy, ngài vừa tròn 29 tuổi. Đêm ngài ra đi ấy là một đêm trăng tròn tháng 2 âm lịch.
15. LÀM THẦY TU TRONG RỪNG THẲM
Ra khỏi kinh thành, con ngựa quý đưa thái tử và Xa-nặc nhắm hướng Nam
mà thẳng tiến. Ngựa Kiền-trắc chạy rất mau. Họ vượt qua dòng sông
A-nô-ma êm ả rồi theo đường lớn mà phi nước đại. Trời hừng sáng, thái
tử vừa đến một cụm rừng, cách kinh thành đã khá xa rồi. Sĩ-đạt-ta xuống
ngựa, vuốt ve bờm ngựa và nói với Xa-nặc rằng: “Ngươi và ngựa Kiền-trắc
này thật đã hết lòng cùng ta, ta thật chẳng biết lấy gì mà ban thưởng.
Nhưng nay ta còn một việc cuối cùng phải nhờ cậy đến ngươi, hãy vì ta mà
cố gắng chu toàn.”
Ngài nói rồi cởi tấm áo bào quý giá đang mặc trên người ra, lại rút
thanh gươm báu đưa lên, lưỡi gươm lấp lánh. Ngài tự tay cắt đứt mái tóc
dài, gói vào bên trong tấm áo rồi trao tất cả cho Xa-nặc, dặn rằng:
“Việc ngươi theo ta đến đây đã hoàn tất. Nay hãy đưa ngựa Kiền-trắc trở
về kinh thành, mang gươm, áo và mái tóc này dâng lên phụ vương, báo cho
ngài biết việc ta xuất gia tìm đạo.”
Xa-nặc nước mắt đượm tròng, lòng muốn được tiếp tục theo hầu thái tử. Nhưng ngài kiên quyết mà nói rằng:
“Ngươi hãy về đi. Nếu có lòng thương ta, thì hãy hết lòng khuyên giải
phụ vương ta cho nguôi ngoai. Ngươi hãy đem những điều đã trông thấy hôm
nay mà như thật tâu lại cùng phụ vương. Hãy nói rằng: Sĩ-đạt-ta rất vui
mừng, thanh thản được sống đời sống của một tu sĩ không nhà, quyết tâm
đi tìm chân lý. Một ngày kia khi thành đạo cả, thì người sẽ không quên
việc trở lại chốn kinh thành mà thăm viếng cha già. Ngươi cũng nên hiểu
rằng, người đã theo đuổi một đời sống giải thoát, tức là đã cắt đứt hết
thảy mọi ràng buộc. Người như thế có lý nào còn giữ lại bên mình kẻ hầu
hạ, phục dịch? Vậy ngươi hãy yên tâm nghe lời ta mà nhanh chóng trở về
đi.”
Xa-nặc gạt nước mắt lên ngựa quay về. Con ngựa Kiền-trắc nãy giờ vẫn
đứng yên, giờ như cảm nhận được giây phút chia tay, bỗng chồm lên hí
vang, không chịu quay đầu lại. Thái tử đến bên, lấy tay xoa bờm ngựa và
nói với nó như với một con người: “Ngựa hiền ơi, ta biết ngươi chẳng
muốn xa ta. Nhưng con đường ta đi không phải là những nơi mà ngươi có
thể theo ta được. Hãy quay về mà báo tin này cho phụ vương ta được biết.
Rồi một ngày kia, khi tìm được chân lý, ta sẽ quay về.”
Con ngựa thè lưỡi liếm bàn tay thái tử, giậm chân mấy cái rồi ngoan ngoãn quay đầu lại.
Cuộc chia ly rồi cũng phải diễn ra. Xa-nặc lên ngựa quay về, còn thái tử Sĩ-đạt-ta từ đây bắt đầu một đời sống mới.
Khi ấy, trời vừa sáng rõ. Ngài vẫn còn đang ở nơi ven rừng. Từ xa, ngài
trông thấy một người thợ săn đeo cung tên đi lại. Người thợ săn ấy mặc
bộ áo choàng rộng giống như của vị du tăng trước đây mà ngài có lần đã
được thấy. Lấy làm lạ, ngài chờ cho anh thợ săn đến gần mới lên tiếng
hỏi:
“Này người kia. Ta thấy người mang cung tên vào rừng này, hẳn là người
đi săn bắn. Vậy tại sao người lại mặc y phục của một thầy tu?”
Người thợ săn nhìn vào bộ y phục hoàng tộc ngài đang mang trên người, ngần ngừ giây lát rồi nói:
“Thưa ngài, tôi nhờ cái áo này mà gạt được muông thú trong rừng. Chúng
nó thấy áo này thì không nghi sợ, nên tôi mới có thể đến gần mà giết hại
chúng.”
Sĩ-đạt-ta nín lặng một lúc. Ngài thấy ngao ngán thay cho tâm địa của con
người. Vì lợi dưỡng, họ dám làm cả việc đội lốt người tu hành mà lừa
gạt kẻ khác vậy. Rồi ngài bảo người thợ săn rằng:
“Này anh bạn, ta thấy muôn loài thảy đều tham sống mà sợ chết. Nay anh
làm nghề này, ngày ngày giết hại sinh linh, anh không thấy là tàn nhẫn
lắm sao?”
Người thợ săn kính cẩn đáp rằng:
“Thưa ngài, tôi biết ngài hẳn là một bậc quyền thế, chẳng phải dân
thường. Nhưng mong ngài hiểu cho, nghèo khó như tôi đây, ngoài nghề này
ra thật chẳng biết lấy gì làm kế sinh nhai cả.”
Sĩ-đạt-ta nhìn người thợ săn rồi cười một cách hiền hòa. Ngài nói:
“Để ta giúp ngươi vậy. Nay ngươi hãy trao bộ y phục thầy tu ấy cho ta.
Ta sẽ tặng ngươi bộ y phục quý giá ta đang mặc đây, cùng với tất cả
những trang sức bằng châu báu mà ta hiện có. Với những thứ này, ngươi có
thể thu xếp được một đời sống khá giả, không cần phải giết hại muông
thú nữa. Vậy hãy hứa với ta là sẽ từ bỏ nghề này.”
Người thợ săn mừng rỡ, liền trao đổi y phục và nhận lấy những thứ ngài
ban cho. Trước mặt ngài, anh ta dùng tay bẻ gãy cung tên và hứa sẽ không
làm nghề thợ săn nữa. Sĩ-đạt-ta rất vui lòng. Rồi ngài từ giã người thợ
săn, mang lấy bộ y phục thầy tu mà đi vào rừng sâu.
16. GIÁO LÝ CỦA ÔNG A-RA-TA
Thái tử Sĩ-đạt-ta đi sâu vào cảnh rừng ấy, rồi ngài ngồi thiền nơi
một cội cây lớn. Đến trưa thì có một tu sĩ đi ngang qua lối đó. Ngài
liền đứng dậy chào hỏi một cách cung kính. Sau khi được tiếp chuyện với
vị tu sĩ này, ngài liền bày tỏ ý nguyện muốn đi về phương Nam mà học đạo
với một vị danh sư nổi tiếng thời bấy giờ là A-ra-ta Ca-la-ma. Vị này
đang giảng dạy và hướng dẫn cho rất đông đệ tử tu tập.
Vị tu sĩ vui vẻ nói:
“Tôi trước đây cũng có học với ông A-ra-ta Ca-la-ma. Nhưng sau tôi
chuyển sang phái tu khổ hạnh, còn ông ấy thì theo lối tu khất thực hàng
ngày. Tôi có nghe ông ấy vừa mới mở một đạo trường ở phía bắc thành
Vesali. Nếu ngài muốn, tôi sẽ đưa ngài đến đó.
Thái tử liền đi theo vị tu sĩ này. Họ băng rừng mà đi, khát thì uống
nước suối, đói thì hái những đọt cây, trái rừng mà ăn. Lần đầu tiên thái
tử được tiếp xúc với đời sống thực sự của những vị tu khổ hạnh trong
rừng sâu, ngài lấy làm cảm kích trước ý chí của họ.
Chừng ba hôm thì đến chỗ đạo tràng của ông A-ra-ta Ca-la-ma. Gặp lúc vị
này đang giảng đạo cho đồ chúng, khoảng mấy trăm người. Vị thầy này tuy
đã già nhưng tiếng nói còn âm vang mạnh mẽ, chứng tỏ một sức mạnh nội
tâm khác thường. Thái tử ngồi bên ngoài mà nghe trọn buổi giảng.
Sau buổi giảng, ngài tìm đến lễ bái vị thầy và trình bày nguyện vọng tu
tập của mình. Ông thầy ngắm nhìn ngài tỏ vẻ hài lòng lắm. Ông nói: “Với
quyết tâm của con, ta tin rằng con sẽ sớm đạt đạo.”
Và thái tử quyết định ở lại đây tu tập dưới sự dìu dắt của ông A-ra-ta Ca-la-ma.
Tại đây, ngài học biết cách sống của một vị du tăng khất thực. Hàng
ngày, người tu sĩ đi khất thực trong xóm làng hoặc thành thị để có một
bữa ăn, và dành trọn thời gian còn lại cho việc tham thiền nhập định với
sự hướng dẫn của thầy.
Thái tử tu tập hết sức tinh tấn. Ngài tiếp thu nhanh chóng những gì được chỉ dạy, và tiến bộ rất nhanh trong việc tham thiền.
Những mục tiêu mà người tham thiền theo phép tu của ông A-ra-ta Ca-la-ma
đạt tới dần dần là nhập vào các cảnh giới thiền định từ Không vô biên
xứ, Thức vô biên xứ và Vô sở hữu xứ.
Cảnh giới thiền định thứ ba, Vô sở hữu xứ định, là cảnh giới cao nhất mà
chỉ ở đây chỉ có mỗi một mình ông A-ra-ta Ca-la-ma đạt được.
Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của ông, không bao lâu thái tử Sĩ-đạt-ta đã đạt đến cảnh giới thiền định thứ ba này.
Vị thầy truyền dạy rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ phi thường của ngài, và không che giấu sự khâm phục, kính nể. Ông nói:
“Tất cả những gì ta biết, giờ đây con đã biết. Tất cả những gì ta đạt
được, giờ đây con đã đạt được. Và con đã đạt đến những điều ấy một cách
nhanh chóng, xuất sắc hơn ta nhiều. Giờ đây ta không còn dám nhận là
thầy của con nữa. Ta muốn con hãy ở lại đây, cũng bình đẳng như ta, cùng
nhau hướng dẫn những đồ chúng trong đạo tràng này.”
Khi ấy, mặc dù đã đạt được cảnh giới thiền định cao nhất theo sự chỉ dạy
của thầy, nhưng thái tử tự quán xét thấy những điều đó hoàn toàn không
có ý nghĩa gì trong sự giải thoát mà ngài đang đi tìm. Người tu chứng
những cảnh giới thiền định ấy có thể làm cho tâm thức nhẹ nhàng, trong
sáng hơn, nhưng chưa hề vượt ra khỏi được sự trói buộc của vòng sinh tử.
Thái tử đem những suy nghĩ ấy trình bày với thầy và xin được ra đi tiếp tục tìm học thêm nữa.
Ông A-ra-ta Ca-la-ma vô cùng ngạc nhiên khi nghe những kiến giải và nguyện vọng của ngài. Ông nói:
“Kính bạch vị Đạo sư của muôn loài. Xin ngài hãy tùy tiện ra đi. Những
hiểu biết nhỏ nhoi của tôi không thể đủ để làm thỏa chí nguyện lớn lao
của ngài. Tôi tin rằng một ngày không xa ngài sẽ chứng ngộ được chân lý
giải thoát cho muôn loài. Khi ấy xin ngài đừng quên cứu độ cho tôi đây.”
Thái tử hết lời cảm ơn vị thầy dẫn dắt đầu tiên của mình và từ tạ ra đi.
Ngài vẫn chưa biết mình sẽ đi về đâu và tìm kiếm những gì, nhưng chỉ
biết là con đường giải thoát mà ngài mong muốn tìm ra vẫn còn đâu đó ở
phía trước...
17. VUA TẦN-BÀ-SA-LA
Từ giã ông thầy A-ra-ta Ca-la-ma, ngài nhắm hướng xứ Ma-kiệt-đà mà
đi, vì ngài nghe nói trong xứ ấy có nhiều vị ẩn tu rất tài giỏi. Ngài
vượt qua con sông Hằng linh thiêng và tìm đến rất nhiều vị danh sư. Tuy
nhiên, mỗi khi tiếp xúc với họ rồi, ngài đều nhận ra những hạn chế, trói
buộc của họ. Không có ai đưa ra được câu giải đáp cho vấn đề mà ngài
đang tìm kiếm. Tất cả đều bế tắc trước thách thức cuối cùng là diệt trừ
mọi đau khổ và vượt thoát vòng sanh tử.
Phần lớn trong bọn họ đều cho rằng nguyên nhân gây đau khổ cho con người
là do ở xác thân này, vì thế họ theo đuổi những lối tu hành xác, từ lõa
thể cho đến nhịn ăn, thậm chí có người dạy chỉ đứng bằng một chân, tay
đưa lên trời ngày này qua ngày khác... Nhận rõ tất cả những tà kiến mê
muội đó không phải là con đường đưa đến giải thoát, Sĩ-đạt-ta từ bỏ bọn
họ để tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm của mình.
Ngài cũng gặp được một số vị ẩn tu có trí tuệ hơn. Họ theo đuổi việc
tham thiền nhập định, đi tìm việc đoạn trừ khổ não ngay trong tâm thức
của mình. Tuy nhiên, trong số họ cũng chưa có ai nghĩ đến việc giải
thoát rốt ráo khỏi sự khổ của già và chết, đừng nói gì đến việc giải
quyết được vấn đề này. Tất cả đều bày tỏ sự kính phục khi nghe Sĩ-đạt-ta
đặt ra vấn đề, nhưng cũng đều tự nhận là mình chưa hề dám nghĩ đến một
mục tiêu cao như thế.
Sau một thời gian, ngài đi đến gần thành Vương-xá, chọn một nơi để nhập định trên triền núi.
Một buổi sáng, Sĩ-đạt-ta ôm bát đi vào thành Vương-xá hóa trai. Nhân
dân trong thành trông thấy tướng mạo ngài đẹp đẽ khôi ngô, dáng đi thanh
thoát, nên thảy đều chú ý. Nhiều người kính cẩn đi theo để ngắm nhìn
ngài, thành một hàng người dài đi qua các phố trong thành.
Thế là chẳng bao lâu, cả thành đều đồn lên rằng có một vị tu sĩ khác
thường vừa vào thành hóa trai. Ai ai cũng đều muốn được trông thấy ngài.
Trong khi đó, ngài vẫn thản nhiên đi từng bước thong thả như thường,
tỉnh táo và trang nghiêm, không hề quan tâm đến cảnh tượng xôn xao quanh
mình.
Vua Tần-bà-sa-la trong thành Vương-xá vốn là người mộ đạo, hay cúng
dường cho các vị tu sĩ. Vua lại có lòng chuộng các vị có tri thức cao,
bởi vì bản thân vua cũng là người khắc khoải suy tư rất nhiều về các vấn
đề triết học siêu hình. Khi nghe tin báo về việc có một tu sĩ khác
thường vừa vào thành, vua liền thân hành đến để chiêm ngưỡng. Đến nơi,
vừa nhìn thấy dáng vẻ uy nghiêm và thanh thoát của Sĩ-đạt-ta, ngay tức
thời đức vua sanh lòng kính phục. Vua sai người mang thức ăn quý đến
cúng dường, và đồng thời cũng truyền cho người đi theo để biết chỗ ngụ
của Ngài. Nhờ đó, vua được biết rằng ngài ở gần kinh thành, trên triền
núi, chỗ phong cảnh tốt tươi.
Ngay hôm sau, vua Tần-bà-sa-la ra khỏi thành, ngự đến núi ấy, rồi để hết
quân binh hầu cận bên dưới, chỉ một mình lần lên đến cội cây nơi
Sĩ-đạt-ta đang ngồi thiền.
Vua đến trước ngài lễ bái. Sĩ-đạt-ta tiếp vua và đôi bên cùng chuyện trò
trao đổi. Qua trò chuyện, vua Tần-bà-sa-la biết ngay đây là một vị tu
sĩ xuất thân từ gia đình quyền quý, sang trọng. Hơn thế nữa, vua lại rất
ngạc nhiên khi được nghe những chỗ sở kiến của ngài, cũng như cảm thấy
rất tương hợp với những khắc khoải ưu tư về cuộc sinh tử.
Quá kính phục, vua không ngăn được sự trân trọng của mình. Vua nói:
“Bạch đại đức! Ngài là một bậc trí thức cao vời mà xưa nay trẫm chưa
từng được gặp. Nay trẫm rất mong được ngài nhận cho lời chân thành của
trẫm, thỉnh ngài an trụ lại nơi đất nước này để sớm tối có thể dắt dìu
trẫm trên đường tu học. Trẫm rất vui lòng được chia hai thiên hạ, cùng
với ngài trị vì muôn dân trong nền đạo đức.”
Sĩ-đạt-ta khéo léo lựa lời từ chối, và nói cho vua biết thân thế của
mình. Nghe qua, vua Tần-bà-sa-la lấy làm hổ thẹn cho sự đường đột của
mình. Vua nói:
“Bạch đại đức! Trẫm thật là hồ đồ không biết xét người. Có ngờ đâu ngài
đã bỏ cả ngôi vua ở xứ Ca-tỳ-la-vệ mà lên đường tu học. Thế mà trẫm còn
dám đem chuyện lợi danh thế tục ra để nói cùng ngài. Nay xin ngài nhận
cho sự hối lỗi của trẫm, và xin được ngày ngày cúng dường vật thực cho
ngài trong khi tu tập.”
Sĩ-đạt-ta nhận thấy việc này đã bắt đầu trở nên một mối ràng buộc cho cuộc tu tập của mình, nên khéo léo từ chối rằng:
“Đại vương không cần phải quá quan tâm như thế. Tôi chỉ là kẻ du tăng
rày đây mai đó, không thể ở yên một chỗ nào nhất định. Hơn thế nữa, con
đường giải thoát rốt ráo vẫn chưa được tìm ra, thì tôi chưa thể yên tâm
mà an trụ ở bất cứ nơi nào cả.”
Thấy ý chí kiên quyết của ngài, vua Tần-bà-sa-la không còn dám van nài thêm nữa. Vua liền thưa rằng:
“Bạch đại đức! Nếu như vậy thì trẫm sẽ không dám làm phiền ngài thêm
nữa. Nhưng xin ngài một ân huệ duy nhất là, khi nào ngài đắc đạo rồi,
xin quay về thành Vương-xá này mà cứu độ cho trẫm và bá tánh nơi đây.”
Sĩ-đạt-ta nhận cho vua lời thỉnh cầu ấy. Về sau, thành Vương-xá quả
nhiên là một trong những nơi mà ngài hóa độ cho nhiều người nhất, và vua
Tần-bà-sa-la là một trong những vị vua luôn tích cực ủng hộ cho Phật
pháp với Tăng già.
18. TU HỌC VỚI ÔNG UẤT-ĐẦU LAM-PHẤT
Sĩ-đạt-ta nghe nói rằng gần thành Vương-xá có một vị lão sư nổi danh là Uất-đầu Lam-phất, ngài liền tìm đến.
Khi đến nơi, ngài lắng nghe ông giảng đạo. Đây là một vị lão sư tuổi đã
ngoài 75 nhưng vẫn còn quắc thước. Ông tu thiền chứng đến cảnh giới
thiền định Phi tưởng phi phi tưởng, tức là cao hơn ông A-ra-ta Ca-la-ma
một bậc nữa.
Khi Sĩ-đạt-ta đến xin theo học, ông nhận lời nhưng với điều kiện là phải
khởi sự tu tập từ đầu với sự dẫn dắt của ông. Nhờ những kết quả tu tập
từ trước, chỉ trong mấy hôm Sĩ-đạt-ta đã có thể chứng tỏ cho ông thấy là
ngài đã đạt đến cảnh giới thiền định Vô sở hữu xứ. Vị lão sư rất vui
mừng và khâm phục, liền hết lòng chỉ dẫn cho ngài để tiến lên mức định
cao hơn. Đây là cảnh giới thiền định mà ngoài lão sư ra ở đây chưa có
người thứ hai nào chứng đắc. Qua 15 ngày tu tập theo sự chỉ dẫn của
thầy, Sĩ-đạt-ta đạt đến cảnh giới thiền định đó.
Đây là một kết quả bất ngờ khiến cho lão sư vô cùng ngạc nhiên. Và cũng
giống như ông A-ra-ta Ca-la-ma trước đây, ông công khai bày tỏ sự khâm
phục của mình và đề nghị Sĩ-đạt-ta ở lại để cùng ông dắt dẫn đồ chúng.
Mặc dù đã chứng đắc một mức thiền định cao trổi hơn, nhưng Sĩ-đạt-ta
nhận ra vẫn chưa phải là chỗ giải thoát rốt ráo mình mong muốn. Ngài đem
suy nghĩ ấy nói thật với thầy và từ chối lời đề nghị ở lại, với lý do
cần phải ra đi tìm một sự giải thoát hoàn toàn cho vấn đề sinh tử.
Vị lão sư rất kính phục ý chí và tâm nguyện của ngài, đồng ý để ngài ra
đi mặc dù trong lòng ông rất buồn khổ và luyến tiếc vị đệ tử siêu phàm
này.
19. VÀO RỪNG KHỔ HẠNH
Sau khi rời chỗ ông Uất-đầu Lam-phất, ngài đi về hướng con sông
Ni-liên-thiền. Ngài nghe nói ở đó có một khu rừng gọi là rừng Khổ hạnh.
Gọi tên như vậy là vì các vị chuyên tu khổ hạnh đều muốn tìm đến nơi
này. Rừng ở đây thâm u, tịch mịch, nhiều nơi chưa từng có dấu chân
người. Có núi đá hiểm trở bao quanh, khí hậu buốt giá quanh năm, đủ các
điều khó khăn ghê rợn thách thức sự bền chí của con người.
Vì đã trải qua hầu hết các phép tu nổi tiếng của đương thời mà không đạt
được kết quả mong muốn, nên ngài suy nghĩ lại và cho rằng cách tu khổ
hạnh cũng có thể dẫn đến kết quả. Ngài nghiệm rằng khi thân thể còn bị
phụ thuộc vào những ham muốn dục lạc thì rất khó đạt đến chỗ giải thoát.
Như vậy, cách tu khổ hạnh kiềm chế hết những ham muốn của cơ thể, có
thể dần dần diệt sạch đi và giúp cho tâm thức đạt đến sự giải thoát.
Mặc dù kinh nghiệm tự thân của ngài về sau chỉ ra rằng đó là một lý
thuyết sai lầm, nhưng qua một thời gian dài chưa tìm được chân lý nên
lúc đó ngài quyết định phải tự thử nghiệm qua phép tu này.
Ban đầu, ngài tìm một động đá và vào đó bắt đầu cuộc tu tập của mình.
Ngài nhịn dần sự ăn uống, ngài khống chế mọi cử động, mọi suy nghĩ, cho
đến ngài thử nghiệm cả lối tu nhịn thở cho thân thể phải khô héo, chết
dần.
Được ít lâu thì có năm người khác đến. Nhóm người này gồm các ông
Kiều-trần-như, Át-bệ, Thập-lực Ca-diếp, Ma-nam Câu-ly và Bạc-đề, cũng
đến đây để tu lối khổ hạnh. Thấy sự chuyên cần mạnh mẽ của ngài thì họ
kính phục lắm nên đến ở gần đó, kết bạn để cùng tu.
Với ý chí sắt đá trên đường tìm đạo, khi đã đến với phép tu nào, ngài
cũng đều hết lòng chuyên cần, nỗ lực. Khi ngài tu khổ hạnh, ngài cũng
đem hết lòng mà hành trì vượt xa cả những nhà tu khổ hạnh khác. Vì thế,
cho dù thân thể gầy mòn, khô héo như kẻ chết rồi, mà ý chí ngài vẫn
không nao núng. Ngài kiên trì theo đuổi sự khổ hạnh trong nhiều năm liên
tục.
Cho đến một ngày kia, ngài vận dụng trí tuệ để quán chiếu và thấy việc
tu khổ hạnh không phải là giải pháp cứu cánh. Ngài nhận ra rằng thân xác
và tinh thần liên quan chặt chẽ cùng nhau, và sự suy sụp của thân xác
cũng kéo theo sự tàn lụi của tinh thần. Khi đó, ánh sáng giác ngộ không
thể nào phát sinh ra được.
Sau khi nhận thức rõ vấn đề như thế, ngài quyết định khôi phục lại sức
mạnh thể xác trước khi tiếp tục con đường tìm đạo. Ngài bỏ chỗ ngồi
trong động đá, đi ra bờ sông Ni-liên-thiền để tắm gội và chuẩn bị xuống
xóm làng bên dưới để khất thực.
Nhưng sức lực ngài chẳng còn bao nhiêu. Vừa đến mé sông thì ngài đã ngã
nhào trôi theo dòng nước. May nhờ bám được một cành cây nhỏ từ trong bờ
nhô ra, ngài mới gượng mà bò dần lên bờ sông rồi nằm ngất ở đó.
Khi ấy có một cô gái tên là Sujata, con của vị trưởng thôn gần đó, đang
mang một bình sữa đi cúng thần. Khi đi ngang chỗ bờ sông, thấy ngài nằm
ngất ở đó, liền đến cạy miệng đổ sữa vào. Nhờ vậy, hồi lâu ngài mới hồi
tỉnh lại.
Thấy sự khổ hạnh thực sự không thể đưa đến chỗ giải thoát, nên sau khi
tỉnh lại, ngài quyết định bỏ hẳn lối tu lầm lạc ấy. Ngài mang bình bát
đi xuống chỗ xóm làng bên dưới mà khất thực để ăn uống bình thường trở
lại.
Năm người trong nhóm các ông Kiều-trần-như thấy ngài bỏ lối tu khổ hạnh,
bèn cười chê mà cho là ngài đã thối chí. Họ liền bỏ ngài mà đi đến
thành Ba-la-nại.
20. DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ
Vì tấm áo ngài đang mặc đã rách nát qua những năm dài khổ hạnh, ngài
liền nhận một tấm vải cúng dường từ những người trong xóm. Từ đó,
Sĩ-đạt-ta quay về với cách tu thiền quán và hàng ngày vào xóm khất thực.
Có những hôm, cô bé Sujata mang vật thực đến để ngài không phải đi vào
xóm nữa. Ngài chuyên tâm thiền quán dưới một cội cây bồ-đề gần ven sông.
Qua một thời gian, sức khỏe của ngài dần dần hồi phục như trước. Thân
thể cũng lấy lại được những vẻ đẹp uy nghi và thanh lịch. Việc thiền
quán của ngài ngày càng tinh tấn hơn.
Một ngày kia, trong lúc tham thiền ngài tự suy nghĩ rằng:
“Chặng đường tìm đạo của ta đã trải qua bao nỗ lực, cố gắng mà đến nay
vẫn chưa thành tựu. Nếu trong kiếp sống này ta không đạt được chân lý
tối cao thì biết đến bao giờ mới thành tựu được điều ấy?”
Nghĩ như vậy rồi, ngài liền phát khởi một tâm niệm cực kỳ kiên cố và dũng mãnh.
Ngài đứng dậy đi vào làng Ưu-lâu-tần-loa hóa trai. Nhằm lúc có người
thiện nữ là cô Tu-xà-đa vừa mới lấy sữa từ con bò quý. Sữa đặc, ngon và
có mùi thơm lắm. Cô trộn sữa với mật ong và bột, rồi để trong cái nồi
mới mà nấu thành một thứ thức ăn rất tinh khiết. Cô nói với người hầu
gái tên là Buộc-na rằng:
“Này em! Em hãy ra ngoài xem có vị tu sĩ nào hôm nay khất thực gần nhà ta chăng?”
Người hầu gái liền ra trước ngõ, nhìn thấy ngài Sĩ-đạt-ta đang đi đến,
quanh mình có hào quang chiếu ra sáng rực. Người hầu gái trở vào thưa
chuyện, cô Tu-xà-đa liền vội vã mang thức ăn mới nấu mà ra đứng chờ
trước ngõ để cúng dường ngài.
Khi ngài đến, cô Tu-xà-đa kính cẩn vái chào rồi quỳ xuống và rửa chân
ngài bằng nước thơm. Tiếp đó, cô đặt món thức ăn bằng sữa nấu với bột và
mật ong vào bình bát của ngài.
Ngài nhận lấy món cúng dường đó xong, liền quay về chỗ bờ sông
Ni-liên-thiền. Thọ trai xong, ngài cầm bình bát ném xuống sông và nói
rằng:
“Nếu đạo nghiệp của ta được thành tựu, thì bình bát này hãy ngược dòng nước mà trôi lên phía trên.”
Ngài nói rồi, bình bát liền rơi xuống giữa sông rồi nổi lên và phăng phăng trôi ngược lên hướng đầu nguồn.
Khi ấy, ngài bèn quay lại chỗ cội cây bồ-đề. Có một bé trai cắt cỏ cho
trâu ăn gần đó, tên là Svastika. Ngài hỏi xin của em một bó cỏ lớn rồi
mang đến trải lên chỗ ngồi nơi cội cây.
Ngài ngồi lên tòa cỏ mới trải, quay mặt về phương Đông, lập lời thệ nguyện quả quyết rằng:
“Ngay dưới cội cây này, cho dù ta có hao mòn hình thể, da nhăn, mặt héo,
xương cốt khô rục, nhưng nếu chưa chứng thành đạo quả, ta nguyện không
đứng lên rời khỏi chỗ này.”
Rồi ngài bắt đầu tham thiền nhập định.
21. DIỆT TRỪ MA CHƯỚNG
Thái tử Sĩ-đạt-ta phát lời đại nguyện xong thì bắt đầu nhập vào đại định.
Ngài lấy tâm chuyên nhất, tâm tinh sạch mà quán chiếu mọi lẽ nhân duyên
trong cuộc sống. Định lực của ngài mạnh đến mức trong nhiều tuần liên
tiếp ngài không ăn uống gì mà vẫn không cảm thấy đói khát, hơi thở vẫn
điều hòa, tinh thần an nhiên sảng khoái.
Trong bảy tuần lễ liên tiếp như vậy, ngài không ra khỏi định. Trong tâm ý
ngài tất cả những tạp niệm đã mất sạch, ánh sáng trí tuệ từ trong tâm
thức ngày càng bừng lên mạnh mẽ, soi rọi hết thảy những ý niệm đến và
đi, khởi lên và diệt mất. Dần dần, tâm thức ngài trở nên sáng suốt, tinh
tế và an tịnh.
Ngài thấy ra được tất cả những nguyên nhân dẫn đến khổ đau trong cuộc
sống. Ngài thấy được sự chi phối của nghiệp lực vào đời sống luân chuyển
của hết thảy chúng sanh. Và ngài cũng thấy được những cách tu tập nào
có thể đưa chúng sanh đến được bờ giải thoát.
Nhưng tất cả những điều ấy chỉ thực sự bừng sáng lên trong đêm cuối cùng của tuần lễ thứ bảy.
Khi ngài sắp đạt đến chỗ giác ngộ hoàn toàn thì hết thảy những cảnh ma
chướng của tham ái, dục lạc và sân nhuế liền bùng lên quấy phá dữ dội.
Thoạt tiên, những ma chướng này quấy phá ngài bằng cách gợi lại những
hình ảnh dục lạc của hoàng thành ngày trước. Tâm trí ngài hiện lại đầy
đủ những cảnh vui chơi từ ngày niên thiếu, cho đến những buổi yến tiệc
linh đình có âm nhạc êm dịu, có mỹ nữ thướt tha. Thậm chí ngài còn nhớ
lại cả giây phút đầu tiên gặp Da-du-đà-la trong buổi tuyển hoa khôi và
trở thành vợ ngài...
Tất cả những ký ức ấy hiện lên trong tâm trí ngài để thôi thúc một việc
duy nhất: hãy trở về hoàng cung, biết bao điều lạc thú chốn nhân gian
đang đón chờ ngài.
Nhưng với sức mạnh phi thường của ý chí kiên định, ngài nhớ đến lời đại
nguyện khi bắt đầu tham thiền, và quán xét sâu vào sự giả tạo, tạm bợ
của tất cả những điều dục lạc. Tâm trí ngài trở nên nguội lạnh, thản
nhiên với những hình ảnh ma chướng khởi lên.
Tiếp đến là những ma chướng của sự khiếp sợ khởi nên. Chúng hiện hình
thành những hung thần, ác quỷ bao quanh dọa dẫm ngài, rồi đến những hình
ảnh ghê rợn hơn như các loài ác thú, độc xà. Chúng còn tạo thành những
âm thanh gầm rú khủng khiếp để làm cho ngài phải phân tán tư tưởng.
Những âm thanh, hình ảnh đó được kèm theo với ảo giác của mưa to gió
lớn, giông bão, sấm sét, giăng bủa khắp trời.
Ngài nhớ đến lời đại nguyện, nhớ đến những năm tháng khổ hạnh và thấy
thản nhiên trước mọi thứ. Những điều ghê sợ nhất ngài đã từng trải qua,
và chúng không thể làm cho ngài nao núng tâm trí. Không có gì đáng khiếp
sợ hơn là cái lưới sắt sinh tử bao bọc hết thảy mọi người. Ngài nghĩ
đến sự già chết mà không ai tránh khỏi, và không thấy nao núng chút nào
trước những sự đe dọa mà ngài cho là tầm thường hơn. Giờ đây chỉ có một
con đường: ngài sẽ tiếp tục tham thiền cho đến khi thành chánh quả.
Khi sự khiếp sợ không làm ngài lay chuyển, chúng dần lắng dịu đi. Những
ma chướng về ái dục bắt đầu khởi lên. Chúng hiện thành những đoàn mỹ nữ
khỏa thân múa hát ẻo lả bao quanh ngài. Rồi khi ngài vẫn an nhiên bất
động, chúng hiện hình Da-du-đà-la dẫn đầu đoàn mỹ nữ ấy.
Ngài nhớ lại hình ảnh những mỹ nữ nằm ngủ say la liệt trên sàn nhà vào
đêm ngài ra đi xuất gia. Và ngài thấy rõ sự giả tạo của sắc đẹp. Điều đó
làm cho ngài thản nhiên trước sự quấy rối của ma chướng.
Rồi hình ảnh Da-du-đà-la lại hiện ra, cùng với La-hầu-la, con ngài. Ngài
thấy Da-du-đà-la buồn rầu, sầu thảm, khóc lóc bi lụy mong ngài trở về
hoàng cung. Ngài lại thấy cả vua Tịnh-phạn già yếu, run rẩy, mong ngóng
ngài quay về...
Ngài quán xét tất cả những điều ấy chỉ là ảo ảnh. Ngài thấy biết mọi
cuộc chia ly của người đời sớm muộn đều phải đến, vì sự kết hợp trong
tình thân tộc, ái luyến, thảy đều chỉ là giả tạm, nhất thời, trong chuỗi
sanh tử luân lưu vô số kiếp. Ngài biết rằng tình thương yêu cao quý hơn
hết chính là tình thương yêu ngài dành cho tất cả nhân loại và muôn
loài, đã thúc đẩy ngài lìa bỏ cung vàng điện ngọc ra đi tìm phương cách
diệt trừ sự khổ não của già yếu, bệnh tật và cái chết. Vì thế, giờ đây
ngài càng phải tinh tấn nỗ lực thiền quán hơn nữa để đạt đến mục đích
tối thượng đã đề ra.
Và hết thảy những ma chướng đều không làm lay chuyển được tâm ý kiên định của ngài.
Dần dần, tâm ý ngài trở nên yên tĩnh, sáng suốt lạ thường, vì tất cả
những ma chướng từ sâu thẳm trong tiềm thức nổi lên đều đã bị ngài hàng
phục, diệt sạch.
Ánh sáng giác ngộ giờ đây bắt đầu bừng lên trong tâm ngài...
22. KHOÁT NHIÊN ĐẠI NGỘ
Thái tử Sĩ-đạt-ta ngồi tham thiền nhập định nơi cội cây bồ-đề liên
tục trong 49 ngày đêm không ăn uống, ngơi nghỉ. Ngài đã dẹp sạch tất cả
những phiền não, ma chướng tích tụ từ nhiều đời. Tâm trí ngài lắng dịu,
sáng tỏ và ánh sáng giác ngộ bừng lên.
Quá nửa đêm, vào canh một, ngài chứng đắc phép Túc mạng minh, thấu hiểu
những sự việc đã trải qua trong các đời trước. Không những ngài thấu rõ
các tiền kiếp của chính mình, ngài cũng thấu rõ cả tiền kiếp của hết
thảy chúng sanh, có thể phân biệt được từng người trong vô số vô lượng
chúng sanh mà không có sự sai lệch, lầm lẫn nào.
Đến canh hai, ngài chứng đắc phép Thiên nhãn minh, nhìn thấy rõ được sự
sinh ra và hoại diệt của chúng sanh như thế nào. Ngài thấy biết được hết
thảy sự luân chuyển của mỗi chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi, như
người ta biết rõ những gì đang xảy ra trước mắt mình vậy.
Sang canh ba, ngài chứng đắc phép Lậu tận minh, thấy rõ tất cả các pháp ô
nhiễm được chấm dứt như thế nào. Khi đắc phép này, ngài có năng lực
chuyển hóa được hết thảy những phiền não trong ba cõi, nên không còn bị
rơi vào vòng sanh diệt của ba cõi nữa.
Khi sao mai vừa mọc lên ở chân trời phương Đông thì ngài giác ngộ hoàn
toàn. Với ánh sáng trí tuệ của bậc giác ngộ, ngài nhìn thấy rõ sự luân
hồi mãi mãi của hết thảy chúng sanh. Dù là kẻ sang, người hèn, dù ở
trong đường lành hay nẻo ác, họ liên tục tái sinh đời này qua đời khác,
tùy theo nghiệp quả của mình. Khi nhìn thấu sự sinh khởi và diệt đi của
muôn pháp, ngài liền cất lên lời than rằng:
“Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều sẵn có trí tuệ sáng suốt. Hết
thảy chúng sanh đều sẵn có tự tánh tròn đầy như chư Phật. Chỉ vì sự mê
muội mà phải chịu chìm trong bể khổ, chịu sự lưu chuyển luân hồi mãi
mãi.”
Vì ngài bây giờ là bậc tỉnh thức, giác ngộ hoàn toàn, nên được gọi là Phật.
Lúc bấy giờ là một đêm trăng tròn tháng chạp âm lịch, ngài vừa tròn 35 tuổi.
Với trí giác ngộ hoàn toàn đó, ngài tiếp tục quán sát những nguyên nhân
sự sanh khởi và diệt đi của các pháp. Ngài thấy rằng tất cả các pháp
trong vũ trụ này đều có sự quan hệ chằng chịt với nhau: cái này sanh ra
thì cái kia sanh ra, cái này diệt đi thì cái kia diệt đi. Do không có
được sự hiểu biết chân chánh, nên người ta luôn luôn nhìn sự vật theo
một cách phiến diện, không biết rằng khi nhìn được toàn cảnh, thì một
chồi non bé nhỏ cũng có mối quan hệ mật thiết với mặt trời to lớn và xa
xôi kia. Cũng vậy, từng hạt bụi nhỏ nhoi bay quanh ta cũng có mối quan
hệ chặt chẽ với sự phát triển tốt lên hay xấu đi của cả một xã hội loài
người.
Rồi ngài nhận ra vòng nhân quả khép kín dẫn đến sự già chết của chúng
sanh. Trong xâu chuỗi khép kín đó có cả thảy 12 yếu tố là vô minh,
hành, thức, danh sắc, căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sanh và lão
tử. Các yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi yếu tố vừa là nhân
để sanh ra yếu tố khác, đồng thời cũng là quả được sanh ra từ một yếu
tố khác nữa. Con người chỉ thấy được sự già chết trước mắt mình, mà
không biết rằng nguyên nhân dẫn đến nó đã phát khởi từ sự mê muội, u
tối. Vì vậy, ngài cũng thấu hiểu cả những cách tu tập để phá tan cái
vòng nhân quả khép kín ấy, dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn không còn
phải tái sinh thọ nghiệp.
Sau khi quán sát như thế, ngài liền đọc lên bài kệ rằng:
Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay phải tái sinh.
Ôi người làm nhà kia,
Nay ta đã thấy ngươi !
Ngươi không làm nhà nữa,
Đòn tay ngươi bị gãy,
Kèo cột ngươi bị tan,
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.
Khi ấy, chư thiên trên trời hiện ra với những vũ điệu thanh thoát đến
kính mừng ngài, rãi hoa trời khắp chốn và ca ngợi trí giác ngộ sáng ngời
của ngài.
Từ đây, ngài trở thành đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bậc giáo tổ khai sáng đạo Phật để truyền lại đời đời cho hậu thế.