23. CHƯ THIÊN KHUYẾN THỈNH
Trong ba tuần lễ sau đêm thành đạo. Đức Phật ngồi không lay động.
Ngài tiếp tục quán xét hết thảy mọi lẽ nhân duyên trong đời sống và cân
nhắc việc truyền bá đạo pháp mà ngài vừa chứng đắc. Ngài nghĩ rằng:
“Ta đã giải thoát rồi. Đạo lý mà ta tìm ra thật là cao siêu, vi diệu.
Không một đạo lý nào của người đời có thể đem ra so sánh với đạo của ta
được. Ai tin và làm theo giáo pháp mà ta truyền dạy, người ấy chắc chắn
sẽ đạt đến sự giải thoát, an lạc.”
Rồi ngài lấy tâm thuần hòa, tĩnh lặng mà quán sát căn cơ của hết thảy chúng sanh. Ngài than rằng:
“Than ôi! Hết thảy chúng sanh cho dù sẵn có trí tuệ sáng suốt đồng như
chư Phật, nhưng vì mê muội không tự thấy bản tâm mình, chạy theo những
vọng tưởng giả dối, tạo tác hết thảy các nghiệp thiện ác, khiến phải
luân chuyển mãi mãi trong sáu nẻo luân hồi, thật đáng thương thay!
“Nhưng nay giáo pháp này của ta rất cao siêu, thâm áo, chúng sanh căn
tánh thấp hèn chẳng thể nào tin nhận được. Nay dù ta có nhọc công mà
truyền dạy, nhưng họ chẳng đủ sức để tin hiểu thì phỏng có ích gì? Nếu
họ lại sanh tâm khinh chê, báng bổ, thì phải chịu quả báo khôn lường.”
Nghĩ như vậy rồi, ngài liền muốn nhập Niết-bàn.
Bấy giờ, Ma vương hiện đến trước mặt Phật và nói rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Căn tánh chúng sanh ở cõi này quả thật là rất ngoan
ngạnh khó dạy. Dẫu ngài có nhọc công cũng vô ích mà thôi. Nay ngài đã
chứng thành đạo quả, sao ngài chưa nhập Niết-bàn? Đã đến lúc rồi đó
vậy.”
Đức Phật lặng thinh không đáp.
Khi ấy, cung điện của chư thiên trên cõi trời đều rúng động.
Đức Đế-thích, vua của chư thiên, liền dùng thần thông quán sát nguyên nhân. Ngài bảo với tất cả chư thiên rằng:
“Đức Thích-ca Mâu-ni vừa thành đạo. Ánh sáng giác ngộ vừa bừng lên ở cõi
Ta-bà, rồi sẽ chiếu rạng khắp trong ba cõi. Nhưng nay ngài đang muốn
nhập Niết-bàn. Ma vương đã đến thỉnh ngài nhập Niết-bàn. Nếu ngài nhập
Niết-bàn, trần thế sẽ lại chìm trong đêm dài u tối, ba cõi không có ai
làm đấng đạo sư dẫn dắt.”
Đế-thích nói vậy rồi liền cùng với chư thiên vây quanh, hiện xuống nơi
Phật thành đạo. Các vị cung kính lễ bái rồi thưa thỉnh rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Giáo lý mà ngài đã chứng đắc thật là cao siêu, vi
diệu. Giáo lý ấy có thể cứu khổ cứu nạn cho hết thảy các hàng trời,
người và chúng sanh trong ba cõi. Ai tin và làm theo ngài đều sẽ được an
lạc, giải thoát. Vậy xin ngài hãy thương xót chúng sanh mà rộng truyền
ra khắp chốn, phá tan sự mê tối của ngàn đời. Xin ngài đừng nhập
Niết-bàn vào lúc này.”
Đức Phật lặng thinh không đáp.
Đế-thích lại thưa thỉnh lần nữa rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài thương xót hết thảy chúng sanh. Xin ngài
đừng nhập Niết-bàn vào lúc này. Cho dù căn cơ của chúng sanh có thấp
hèn, nhưng cũng có những kẻ thiện căn đầy đủ, khát ngưỡng Phật pháp.
Những kẻ ấy sẽ tiếp nối đạo ngài, sẽ tiếp bước ngài mà rộng truyền chánh
pháp. Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài đừng nhập Niết-bàn vào lúc này.”
Đức Phật vẫn lặng thinh không đáp.
Đế-thích lại thưa thỉnh lần thứ ba nữa rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài hãy vì tất cả chúng sanh mà quay bánh xe
pháp. Xin ngài hãy rộng truyền giáo lý tối thượng tối tôn mà ngài vừa
chứng đắc. Xin ngài hãy tùy thuận nơi căn cơ thấp hèn của chúng sanh mà
tuần tự dẫn dắt để họ được bước dần lên bến bờ giải thoát.”
Khi ấy, đức Phật liền nghĩ rằng:
“Đáng khen thay cho vua cõi trời Đế-thích, đã ba lần cầu thỉnh ta quay
bánh xe pháp, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Nay ta nhận thấy
chúng sanh có những kẻ ngu mê si dại, nhưng cũng có những người trí tuệ
lanh lợi. Nếu ta dùng phương tiện giảng giải cho họ nghe theo thứ lớp,
dùng những điều từ dễ đến khó, từ thấp lên cao mà tuần tự dẫn dắt, thì
giáo pháp của ta cũng có thể rộng truyền ra mà cứu độ chúng sanh được
vậy.”
Ngài liền yên lặng mà nhận lời khuyến thỉnh của chư thiên.
Khi ấy, Đế-thích và chư thiên vui mừng khôn xiết, liền rãi hoa trời
xuống chỗ ngài để cúng dường, lại có chư thiên trỗi nhạc trời và ca múa,
tán thán Phật.
24. NHỮNG ĐỆ TỬ ĐẦU TIÊN
Khi ấy, đức Phật quyết định sẽ truyền bá rộng rãi giáo lý mà ngài đã
chứng đắc. Ngài nghĩ rằng, như dưới một cái hồ sen kia, nở ra các thứ
hoa xanh, hoa trắng, có hoa còn ở dưới nước, có hoa đã nổi lên trên, lại
có hoa vượt lên thật cao mà không thấm nước; chúng sanh cũng như thế,
có người thanh bai, có kẻ ô trược, có người lanh lợi, có kẻ chậm lụt, có
người cao thượng, có kẻ thấp hèn, có người sẽ hiểu đạo, có kẻ lại không
thông. Ngài suy nghĩ mà thương tất cả, xem các chúng sanh ấy bình đẳng
như nhau, đều là những đóa hoa sen, dù đã nở ra, hoặc chìm dưới nước,
hoặc vươn trên trời.
Ngài liền rời khỏi cội cây bồ-đề, đi về phía xóm làng để khất thực.
Bấy giờ có hai anh em nhà kia, tên là Đế-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca, đi
buôn xa trở về. Họ đem theo năm trăm cỗ xe, vừa đến chỗ đoạn đường Phật
đang đi khất thực.
Hai người vừa trông thấy đức Phật, dung mạo uy nghi, bước đi khoan thai,
hào quang rạng chiếu, thì liền sinh lòng kính ngưỡng vô cùng. Họ hỏi
nhau rằng:
“Vị tu sĩ này có muốn dùng thức ăn của chúng ta chăng?”
Hai người liền trở lại xe, lấy bánh trái và thức ăn mà dâng lên. Đức Phật thọ nhận lấy và nói pháp cho họ nghe.
Hai chàng vui mừng tin nhận, được Phật cho thọ lễ quy y Phật và quy y Pháp. Đây là hai vị đệ tử cư sĩ đầu tiên.
Khi ấy, Phật muốn trở lại cứu độ cho hai ông thầy cũ là ông A-ra-ta
Ca-la-ma và ông Uất-đầu Lam-phất, nhưng ngài quán xét biết hai ông đều
đã tạ thế hồi gần đây.
Ngài liền nhắm hướng thành Ba-la-nại mà đi đến, vì ngài biết nhóm ông
Kiều-trần-như năm người hiện đang ở đó, trong khu vườn có tên là Lộc
Uyển.
Ngài đi đến núi Già-da, gặp một tu sĩ tên là U-ba-ca. Vị này trông
thấy đức Phật tướng mạo uy nghi, hình dung khác thường, lấy làm kính
ngưỡng, liền lễ bái và thưa hỏi:
“Xin ngài cho tôi biết ngài là ai? Và ai là thầy của ngài?”
Đức Phật đáp:
“Ta là bậc giác ngộ, là kẻ tỉnh thức. Không có ai là thầy của ta cả.”
Đức Phật đến thành Ba-la-nại, vào thành mà hóa trai. Rồi ngài đến Lộc
Uyển, chỗ cư ngụ của năm người trong nhóm ông Kiều-trần-như, những người
ngày xưa đã cùng ngài tu khổ hạnh ở trong rừng.
Cả năm người thấy ngài từ xa đã nhận biết và bàn với nhau rằng: “Chính
là người mà trước đây đã thối chí nơi rừng Khổ hạnh. Ông ấy không đủ sức
theo đuổi đường tu như chúng ta, không đáng để cho ta kính trọng. Khi
ông ấy đến đây, ta không cần phải tiếp rước, không cần phải đứng dậy
chào, không cần phải mời ngồi.”
Họ cùng sắp đặt với nhau như vậy. Nhưng khi đức Phật khoan thai bước
đến, dáng uy nghiêm của ngài như có một mãnh lực khiến bọn họ đều phải
đứng cả lên. Rồi họ cùng vái chào đức Phật, người nâng lấy áo, người cầm
bình bát, người mời ngồi, và có người mang nước đến rửa chân cho ngài.
Đức Phật ngồi yên và rửa chân xong, bèn nói với năm người ấy rằng:
“Này các vị! Ta đã tìm được đạo giải thoát. Ta là bậc đã giác ngộ hoàn
toàn. Nếu các ngươi lắng nghe ta, ta sẽ dạy cho các ngươi chân lý đưa
đến sự giải thoát.”
Cả năm người đồng thanh hỏi rằng:
“Ngày xưa, ngài tinh cần trong phép tu khổ hạnh mà chẳng thành đạo quả.
Ngày nay, ngài đã từ bỏ lối sống ấy mà chạy theo vật thực, làm thế nào
có thể thành đạo được?”
Đức Phật mỉm cười hiền hòa, giải thích:
“Này các vị! Ta chẳng hề chạy theo cuộc sống vật thực, mà là ta đã chứng nghiệm được con đường đúng đắn để tu tập.
“Này các vị! Sự khổ hạnh, hành hạ xác thân cũng tai hại không kém gì ham
mê dục lạc, vùi sâu trong sự hưởng thụ. Người sáng suốt phải biết tránh
cả hai con đường ấy, biết nuôi dưỡng thân thể vừa đủ, khỏe mạnh để làm
phương tiện mà tu dưỡng tâm ý, thì mới có thể đạt đến chỗ giải thoát.”
Nghe lời giải thích của ngài, năm người trong nhóm Kiều-trần-như đều lấy làm kính phục. Họ đồng loạt quỳ xuống thưa rằng:
“Kính bạch đức đạo sư! Ngài là người đã soi sáng tâm trí cho chúng con,
chỉ ra con đường đúng đắn để chúng con đi theo, từ bỏ những hiểu biết
sai lầm trước đây. Kể từ nay, xin ngài nhận chúng con làm đệ tử mà
truyền dạy cho đạo giải thoát.”
Đức Phật hoan hỷ nhận lời.
Và đó là năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Phật, năm thành viên đầu tiên của giáo hội Tăng-già.
Từ đó bắt đầu sự hiện hữu của ngôi Tam bảo ở chốn thế gian này.
25. THUYẾT PHÁP LẦN ĐẦU TIÊN
Đức Phật nhận năm anh em ông Kiều-trần-như làm những vị đệ tử đầu
tiên rồi, ngài liền vì các ông mà khai diễn pháp Tứ diệu đế. Đây là buổi
thuyết pháp chính thức lần đầu tiên của ngài, có ghi lại trong kinh
Chuyển pháp luân.
Đức Phật dạy rằng:
“Này các tỳ-kheo! Người muốn sống cuộc đời trí tuệ, cần phải tránh xa hai lối sống cực đoan.
“Một là sống sung sướng quá độ. Hạng người này miệt mài trong những cuộc
truy hoan, họ thích yến tiệc hội hè, chỉ biết thỏa mãn dục lạc mà thôi.
Họ là những kẻ hèn hạ. Hành vi của họ xấu xa và vô ích, không sánh được
với người muốn đến cõi trí tuệ.
“Còn một hạng cực đoan khác, chỉ biết sống khổ hạnh thôi. Họ thiếu thốn
tất cả, từ chối hết tất cả. Hành vi của họ cũng thật đáng thương và vô
ích, không sánh được với người muốn đến cõi trí tuệ.
“Này các tỳ-kheo! Bậc giác ngộ tránh xa hai lối sống cực đoan ấy. Người
tìm được đường Trung đạo. Lần theo con đường này, người ta sẽ tìm được
ánh sáng soi tỏ tâm trí, người ta sẽ đến chỗ an lạc, cõi trí tuệ, cõi
Niết-bàn.”
Khi ấy, năm vị đệ tử đều trân trọng lắng nghe những lời dạy của bậc giác ngộ, nhận rõ những sai lầm trước đây của mình.
Đức Phật nói tiếp rằng:
“Này các tỳ-kheo! Ta sẽ giảng với các ngươi về pháp Tứ diệu đế, tức là
bốn chân lý trong cõi đời này. Ai thấu rõ bốn chân lý ấy, có thể đạt đến
chỗ giải thoát, an lạc.
“Này các ngươi! Chân lý thứ nhất là về sự khổ. Sanh ra là khổ, già suy
là khổ, bệnh tật là khổ, chết đi là khổ. Phải gặp gỡ tiếp xúc với những
người mình không ưa thích cũng là khổ. Phải xa cách với những người mình
yêu thương cũng là khổ. Cầu mong điều gì mà không được vừa ý là khổ.
Các giác quan trong thân thể bám víu theo những sự thọ cảm, hình sắc,
hành động với sự nhận biết cũng đều là khổ. Những điều ấy không ai có
thể phủ nhận được. Đó gọi là Khổ đế.
“Này các tỳ-kheo! Chân lý thứ hai là về nguồn gốc của sự khổ. Sự khao
khát, ham muốn trong đời sống và ái dục dắt dẫn chúng sanh đi từ đời này
sang đời khác, lại có sự vui sướng và tham vọng luôn đi theo. Muốn cho
tham vọng được thỏa mãn thời phải có quyền thế. Khao khát, ham muốn
quyền thế, khao khát được vui sướng, khao khát sống đời, đó là nguồn gốc
của sự khổ. Đó gọi là Tập đế.
“Này các tỳ-kheo! Chân lý thứ ba là về sự diệt khổ. Dứt bỏ hoàn toàn sự
khao khát, ham muốn, ấy là diệt khổ. Bởi vì không còn ham muốn, khao
khát thì sự khổ không còn nguyên nhân để sinh khởi nữa. Đó gọi là Diệt
đế.
“Này các tỳ-kheo! Chân lý thứ tư là về con đường đưa đến diệt khổ. Đó là
tám con đường chân chánh để tu tập đưa đến diệt khổ. Tám con đường ấy
là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó gọi là Đạo đế.
“Này các tỳ-kheo! Ta đã dạy cho các ngươi biết chân lý nhiệm mầu về sự
khổ. Trước ta, chưa có ai thấy biết được. Nay ta đã hiểu, ta cũng làm
cho các ngươi được hiểu như vậy.
“Này các tỳ-kheo! Ta đã dạy cho các ngươi biết chân lý nhiệm mầu về
nguồn gốc của sự khổ. Trước ta, chưa có ai thấy biết được. Nay ta đã
hiểu, ta cũng làm cho các ngươi được hiểu như vậy.
“Này các tỳ-kheo! Ta đã dạy cho các ngươi biết chân lý nhiệm mầu về sự
diệt khổ. Trước ta, chưa có ai thấy biết được. Nay ta đã hiểu, ta cũng
làm cho các ngươi được hiểu như vậy.
“Này các tỳ-kheo! Ta đã dạy cho các ngươi biết chân lý nhiệm mầu về con
đường đưa đến diệt khổ. Trước ta, chưa có ai thấy biết được. Nay ta đã
hiểu, ta cũng làm cho các ngươi được hiểu như vậy.
“Này các tỳ-kheo! Tu tập theo con đường Trung đạo là như vậy. Đó là con
đường mà ta đã tìm được. Con đường ấy đưa đến cõi an lạc giải thoát, cõi
trí tuệ, cõi Niết-bàn.
“Này các tỳ-kheo! Người nào chưa thấu rõ bốn chân lý ấy thì nên biết
rằng, dù người ấy ở cõi này hay cõi tiên, cõi Ma vương hay cõi Phạm
thiên, hoặc ở trong tất cả chúng sanh, tỳ-kheo hay bà-la-môn, đều là
chưa đạt đến quả Phật Như-lai.
“Này các tỳ-kheo! Người nào đã thấu rõ bốn chân lý ấy thì nên biết rằng,
dù người ấy ở cõi này hay cõi tiên, cõi Ma vương hay cõi Phạm thiên,
hoặc ở trong tất cả chúng sanh, tỳ-kheo hay bà-la-môn, đều có thể đạt
đến quả Phật, Như Lai. Người ấy đã được giải thoát rồi, không còn phải
tái sinh trong luân hồi nữa.”
Nghe Phật thuyết pháp xong, cả năm vị đều thấy tâm ý sáng suốt, khai mở.
Các vị liền phát nguyện tu tập theo lời dạy của Phật. Riêng ông
Kiều-trần-như sau khi nghe xong liền được pháp nhãn thanh tịnh. Ông thấy
rõ luật sinh khởi của vạn pháp: có sinh thì có diệt.
Kể từ hôm đó, năm vị bắt đầu chia nhau đi khất thực. Mỗi ngày có 3 vị
mang bình bát đi khất thực, và chia đều thức ăn cho những người ở nhà.
Thời gian còn lại, các vị dành trọn cho việc tu tập quán tưởng theo lời
Phật dạy.
Chẳng bao lâu, họ đều lần lượt chứng các thánh quả. Về sau, họ trở thành những đệ tử truyền pháp rộng rãi ra khắp nơi.
26. NHỮNG CHÀNG TRAI HƯ HỎNG
Trong thành Ba-la-nại có một chàng thanh niên con nhà cực kỳ giàu có
tên là Gia-xá. Vì nhà giàu được cha mẹ nuông chiều, nên chàng ăn chơi
theo lối của hàng vương tôn công tử, thường tổ chức những buổi yến tiệc
thâu đêm suốt sáng, có đàn ca hát xướng với mỹ nữ giúp vui.
Nhưng Gia-xá vốn là một thanh niên trí thức, có hiểu biết sâu rộng, nên
lắm khi chàng cũng băn khoăn tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mình. Đôi
khi, chàng nhận ra những cuộc vui mà mình đang đắm chìm trong đó chẳng
có ý nghĩa gì, và chàng đâm ra nhàm chán.
Một hôm nọ, chàng dự một buổi yến tiệc linh đình với rất nhiều mỹ nữ
giúp vui, kéo dài cho đến tảng sáng. Khi tiệc đã tàn, Gia-xá không sao
ngủ được. Chàng cảm thấy chán ngán hơn bao giờ hết cuộc sống kéo dài
ngày này sang ngày khác mà không tìm được một ý nghĩa nào mới lạ. Chàng
vùng dậy từ trong nhà bước ra ngoài sân. Đi ngang qua phòng lớn, chàng
trông thấy các nàng vũ nữ nằm ngổn ngang say ngủ, gác tay gác chân lên
nhau, miệng mồm há hốc, phấn son nhễ nhại, không còn chút dáng vẻ xinh
đẹp mỹ miều nào.
Trông thấy cảnh ấy trong tâm trạng đang căng thẳng, Gia-xá cảm thấy
không chịu đựng được nữa. Chàng bước nhanh ra ngoài sân, miệng lẩm bẩm:
“Giả dối quá! Thật là đáng tởm quá!”
Và cứ như thế, chàng băng băng đi qua các đường phố hãy còn tối om,
miệng lẩm bẩm những lời chán ngán ấy. Chàng cũng không biết mình đang đi
đến đâu, chỉ biết là phải thoát ngay ra khỏi cuộc sống nhàm chán, vô vị
mà chàng đã đắm mình trong đó bao nhiêu năm qua.
Một sức mạnh lạ kỳ đưa chàng đến khu vườn Lộc Uyển vào lúc trời vừa sáng rõ.
Đức Phật đang đi thiền hành nơi đó thì gặp Gia-xá. Chàng vẫn còn đang lẩm bẩm trong miệng rằng: “Thật đáng tởm quá!”
Vốn biết rõ hết mọi điều suy nghĩ trong tâm tư chàng, Phật đã muốn tiếp
độ nên liền lên tiếng nói rằng: “Không có gì đáng tởm cả.”
Rồi ngài ung dung tiếp tục thiền hành.
Nghe giọng nói trong trẻo, uy nghiêm của ngài cất lên, tự nhiên tâm trí
chàng Gia-xá như tỉnh hẳn ra. Chàng đứng ngẩn người ngắm nhìn vẻ đẹp
thanh thoát trong từng bước chân của bậc giác ngộ. Bỗng dưng, chàng cảm
thấy không thể nào cưỡng lại được, liền riu ríu cúi đầu đi theo sau lưng
ngài.
Được một quãng xa, đức Phật đến ngồi dưới một cội cây, ung dung đợi
chàng đến. Gia-xá đến nơi, lễ bái ngài rồi chấp tay đứng hầu một bên.
Khi ấy, Phật mới lên tiếng hỏi chàng:
“Vì sao ngươi nói là đáng tởm?”
Chàng Gia-xá liền đem hết tâm tư khắc khoải bấy lâu của mình ra trình
bày với Phật. Ngài yên lặng lắng nghe. Rồi ngài bắt đầu giảng giải cho
chàng nghe thế nào là một cuộc sống thanh cao, mang lại nhiều ý nghĩa
cao quý.
Vốn sẵn có tri thức sâu rộng, Gia-xá tin nhận lời Phật một cách nhanh
chóng. Ngay khi ấy, chàng xin được quy y theo Phật. Phật nhận lời.
Cha của chàng là một thương gia, sau khi đi tìm và biết con đã xuất gia
theo Phật, liền đến Lộc Uyển để tìm con. Ông muốn khuyên con trở về nhà,
không nên xuất gia. Nhưng khi đến nơi, nghe Phật thuyết pháp, ông liền
sanh lòng hoan hỷ, tin theo Phật và xin thọ phép quy y. Ông lại thỉnh
Phật đến nhà để cúng dường. Phật nhận lời và cùng đi với các đệ tử đến.
Mẹ và vợ của chàng Gia-xá được gặp lại chàng trong y phục sa-môn, dáng
vẻ oai nghi thoát tục, đều mừng rỡ và hết lòng xin quy y Phật.
Có bốn người bạn của Gia-xá là Tỳ-ma-la, Tu-bà-hầu, Phú-lan-na-ca và
Già-bà-bạt-đế, đều là những kẻ cùng chàng ăn chơi trác táng xưa nay.
Mấy chàng nghe tin Gia-xá xuất gia theo Phật, rất lấy làm kỳ lạ, liền
bàn với nhau rằng:
“Anh em chúng ta hãy cùng đến Lộc Uyển để viếng thăm Gia-xá. Chúng ta sẽ
bảo cho chàng biết sự sai lầm ấy và thuyết phục chàng trở về.”
Bốn người vào vườn gặp lúc đức Phật đang thuyết pháp với đệ tử. Khi ấy,
ngài liền thuật cho mọi người nghe một câu chuyện như sau:
“Thuở xưa có một vị tu sĩ sống một cách rất đơn sơ trong động đá. Ông
lấy vỏ cây làm quần áo, uống nước dưới khe, ăn trái cây rừng và các loại
củ, rễ. Ông không giao tiếp cùng ai cả, chỉ làm bạn với một con dê
thôi. Con dê cũng biết nói như người, và nó thích hầu chuyện cùng ông
lắm. Con dê được nghe ông dạy cho đạo lý nên nó cũng cố gắng noi theo
con đường trí tuệ.
“Đến một năm kia, trời hạn hán, nước ở mấy khe núi đều cạn khô, cây cối
không còn bông trái chi cả. Vị tu sĩ không còn gì để ăn uống, lấy làm
buồn chán bèn vứt bỏ áo vỏ cây, định bỏ đi. Con dê thấy vậy, hỏi rằng:
‘Ông nuốn bỏ động đá này mà đi sao?’
“Vị tu sĩ đáp: ‘Đúng vậy. Ta muốn về sống với loài người để xin cơm mà
độ nhật. Những thứ họ cúng dường cho ta sẽ ngon hơn trái cây và củ rừng ở
đây.’
“Con dê nghe nói, lấy làm buồn. Nó thưa ông rằng: ‘Ông đừng đi! Lâu nay
ông vẫn dạy cho tôi rằng đời sống vật thực là giả tạm. Chúng ta chỉ cần
ăn uống đủ sống qua ngày mà tu tập đạo lý thôi. Sao nay ông lại vì tham
miếng ăn ngon mà bỏ chốn non cao thanh vắng này? Chỉ có ở đây thì việc
tu tập của ông mới mau đạt kết quả mà thôi.’
“Dù biết con dê nói đúng, nhưng vị tu sĩ ấy vẫn quyết ra đi. Con dê liền
nói rằng: ‘Được, nếu ông muốn đi thì xin chờ tôi một ngày nữa mà thôi,
tôi sẽ cố tìm ít thức ăn về đãi ông, rồi mai sẽ đi cũng chẳng muộn gì.’
“Vị tu sĩ đồng ý, con dê liền hớn hở ra đi. Vị tu sĩ ngồi bên bếp lửa trong động đá mà chờ con dê về.
“Dê đi suốt đêm, sáng sớm trở về, không có chút thức ăn nào. Nó đến làm
lễ ông và thưa rằng: ‘Tôi mang thân loài thú, không đủ trí khôn. Nếu có
lỗi lầm gì xin ông tha thứ cho.’
“Nói dứt lời, liền nhảy vào đống lửa.
“Vị tu sĩ hốt hoảng, vội kéo dê ra, hỏi rằng: ‘Ngươi định làm gì thế? Vì sao lại liều thân mà muốn chết trong đống lửa?’
“Dê thưa rằng: ‘Tôi thật đau lòng không muốn thấy ông vì sự đói khát mà
ngã lòng thối chí, rời bỏ nơi này ra đi, nên muốn nhảy vào lửa để có món
thịt chín cho ông dùng, để ông còn có thể ở lại động đá này.’
“Vị tu sĩ cảm động lắm. Ông nói: ‘Thôi ta không đi nữa. Dù có chết đói, ta cũng sẽ ở đây cùng ngươi.’
“Mấy hôm sau trời mưa. Vị tu sĩ và con dê lại có đủ nước uống với hoa quả để ăn và tiếp tục tu tập nơi động đá.”
Đức Phật nín lặng giây lát và nói tiếp rằng:
“Các ngươi có biết con dê lúc đó là ai chăng? Chính là ta đây. Còn vị tu
sĩ, chính là một người vừa mới vào vườn này, tên là Tỳ-ma-la.”
Rồi đức Phật đứng dậy, nói rằng:
“Lúc đó ta làm dê nơi động đá, đã ngăn cản không cho ngươi đi đường tà.
Bây giờ ta thành Phật, ta sẽ chỉ cho ngươi đường chánh đạo để mà đi. Mắt
ngươi sẽ thấy, tai ngươi sẽ nghe, và bấy giờ ngươi mới hổ thẹn vì muốn
lôi kéo bằng hữu yêu quý của mình ra khỏi đường ngay.”
Tỳ-ma-la liền sụp lạy dưới chân đức Phật. Chàng nguyện quy y và được
Phật nhận làm đệ tử. Ba người đi theo là Tu-bà-hầu, Phú-lan-na-ca và
Già-bà-bạt-đế cũng đều xin theo tu học.
Số đệ tử đến xin theo Phật ngày càng đông hơn. Chỉ trong 6 tháng ngài ở
tại Lộc Uyển mà đã đến 60 vị đệ tử xuất gia, mỗi người đều chứng đắc
những quả vị cao quý. Còn số đệ tử tại gia xin quy y Tam bảo thì rất
nhiều.
Ngày kia, Phật mới bảo với các vị đệ tử rằng:
“Này các ngươi! Đạo giải thoát ta đã chỉ dạy cho các ngươi, các ngươi
nên chuyên tâm tu tập. Lại cũng nên vì tất cả chúng sanh mà truyền rộng
ra cho người người đều được phần lợi lạc. Nay các ngươi nên chia nhau đi
nhiều nơi mà thuyết pháp, để những chốn xa xôi cũng được nghe biết đạo
mầu nhiệm của ta.
“Này các ngươi! Trong các hạng chúng sanh, dẫu có nhiều người ngu mê u
tối, nhưng cũng lắm người có chí khí thanh tịnh thoát trần. Nếu những
người ấy mà không được nghe đạo pháp của ta thì họ chẳng thể nào đạt
được chỗ an lạc, giải thoát. Vì vậy các ngươi nên hết lòng mà truyền bá
những gì ta đã dạy.
“Lại nữa, từ nay về sau mỗi người các ngươi đều có thể nhận đệ tử xuất
gia tu học. Nếu có kẻ muốn xin xuất gia, hãy bảo họ quỳ đọc ba lần lời
phát nguyện quy y Tam bảo, rồi cạo bỏ râu tóc đi là được.”
Các vị đệ tử chia nhau ra đi. Còn đức Phật thì lên đường đi về hướng
thành Vương-xá, xứ Ma-kiệt-đà, vì ngài muốn giữ lời hứa cũ trước kia với
vua Tần-bà-sa-la.
27. BA MƯƠI THANH NIÊN XUẤT GIA
Đức Phật đi về hướng Ma-kiệt-đà được một quãng xa, ghé vào khu rừng
kia và ngồi nghỉ dưới một cội cây. Khi ấy có ba mươi người thanh niên
chạy vào rừng.
Những người ấy dáng vẻ hớt hải, mất cả bình tĩnh, cặp mắt láo liên, khi
đi chẳng nhìn trên đường mà luôn ngoảnh nhìn quanh quất như đang tìm
kiếm một điều gì.
Đến chỗ đức Phật, một người hỏi:
“Ngài có thấy một người đàn bà đi qua đây chăng?”
Đức Phật đáp:
“Ta không thấy. Vì sao mà các ngươi lại đi tìm người đàn bà ấy?”
Mấy chàng thanh niên đáp:
“Chúng tôi ở trong thành Ba-la-nại, hôm nay rủ nhau vào rừng chơi, có
dẫn theo một cô gái để giúp vui. Vừa rồi ăn uống xong cùng nhau nghỉ
trưa trong rừng, chẳng ngờ thừa lúc vắng vẻ cô ấy trốn đi và trộm đồ của
chúng tôi rất nhiều, nên chúng tôi đi tìm bắt lại.”
Đức Phật liền hỏi:
“Này các ngươi! Hãy nghĩ lại xem lúc này nên đi tìm cô gái ấy hay nên đi tìm lấy chính mình?”
Nghe câu hỏi lạ lùng, các thanh niên ấy đều lấy làm ngạc nhiên. Họ cùng
nhìn lại vị sa-môn đang nói chuyện với mình và bấy giờ mới nhận ra thần
thái uy nghi, dung mạo sáng rỡ khác thường của ngài. Cả bọn cùng nín
lặng, suy nghĩ hồi lâu. Bỗng họ chợt hiểu ra câu hỏi của ngài. Một người
lên tiếng nói:
“Thưa ngài, giờ thì chúng con nghĩ là nên tìm lại chính mình.”
Đức Phật biết những thanh niên này đã đủ sự hiểu biết để có thể được
tiếp độ. Ngài liền dạy cho họ biết rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy
ngay trong giây phút hiện tại của một đời sống chân chánh và tỉnh thức.
Khi con người để cho những lo lắng, buồn phiền, giận dữ hoặc vui mừng
chiếm lấy tâm trí mình, họ không còn tỉnh thức nữa và sẽ bị cuốn trôi về
quá khứ hoặc tương lai, không thể cảm nhận được cuộc sống chung quanh
đúng như thật nữa. Hay nói cách khác, họ đã đánh mất chính mình.
Những chàng thanh niên hiểu thấu được những lời Phật dạy, và họ soi xét
lại hoàn cảnh mới rồi của họ, quả thật là họ đã để mất chính mình. Quá
sức vui mừng vì được hiểu ra những điều xưa nay chưa từng biết đến, họ
hết lời ca ngợi, xưng tán Phật.
Một người định thổi sáo để tỏ lòng vui mừng và biết ơn Phật, nhưng khi
lấy ống sáo ra, không hiểu sao anh ta lại đưa đến mời Phật thổi trước.
Những người khác lấy làm ngạc nhiên, không hiểu sao anh chàng này lại
làm như thế. Tuy nhiên, thật bất ngờ là đức Phật nhận lấy ống sáo và đưa
lên miệng thổi.
Đức Phật thổi sáo với sự tỉnh thức của bậc giác ngộ, nên tiếng sáo như
hòa làm một với tâm hồn bao la, trong sáng của ngài. Nó vang lên vi vút
kỳ diệu, vọng thấu trên mây cao và làm rung động hết thảy những chim
chóc trong rừng cho đến những loài muông thú. Mấy chàng trai đều lặng
người đứng nghe, cho đến khi ngài đã ngừng thổi mà họ nghe như tiếng sáo
vẫn còn văng vẳng mơ hồ đâu đó... Quả thật họ chưa từng được nghe ai
thổi sáo tuyệt diệu đến mức đó.
Các chàng trai liền thưa hỏi Phật về nghệ thuật thổi sáo.
Đức Phật đáp rằng:
“Người thổi sáo phải biết tập trung hoàn toàn vào tiếng sáo, không còn
bị chi phối bởi bất cứ ngoại cảnh nào chung quanh nữa. Được như vậy thì
tự nhiên sẽ đạt được đến chỗ cao diệu nhất trong nghệ thuật.”
Ngài cũng nói tiếp rằng:
“Không riêng gì trong việc thổi sáo, mà nếu người nào biết sống một cách
tỉnh thức, thường xuyên kiểm soát tư tưởng của mình hướng theo con
đường chân chính, người ấy sẽ có thể dễ dàng đạt đến một cuộc sống an
lạc, thanh thản ngay trong hiện tại.”
Sau đó, Phật giảng cho những thanh niên này nghe về Bát chánh đạo. Tất
cả đều lấy làm hân hoan, liền xin được xuất gia theo Phật.
Phật nhận lời cho cả 30 chàng thanh niên này xuất gia. Nhưng ngài cho
biết là ngài đang trên đường đi đến Ưu-lầu-tần-loa, nên bảo bọn họ hãy
trở lại khu vườn Lộc Uyển để gặp ông Kiều-trần-như và sẽ được hướng dẫn
tu học.
Và Phật tiếp tục lên đường đến Ưu-lầu-tần-loa để từ đó đi qua thành Vương-xá, xứ Ma-kiệt đà.
28. THÂU NHẬN BA ANH EM CA-DIẾP
Khi đến Ưu-lầu-tần-loa, đức Phật thu phục ba anh em nhà Ca-diếp. Sự việc là như sau.
Vùng Ưu-lầu-tần-loa từ lâu đã thịnh hành giáo phái thờ lửa do ba anh em
nhà Ca-diếp cầm đầu. Người anh cả lập một đạo tràng lớn nhất ở
Ưu-lầu-tần-loa, nên gọi là Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp, có đến 500 môn đồ
theo học. Ông là một bậc trí thức uyên bác, thông thạo cả bốn bộ kinh
Vệ-đà, tức là thánh kinh của đạo Bà-la-môn.
Những người theo giáo phái này xem lửa là hiện thân tinh sạch của đấng
Phạm-thiên, nên tin rằng qua việc thờ lửa và cầu nguyện họ sẽ được tiếp
nhận lên cõi trời, là nơi có đời sống an vui cao nhất. Người thờ lửa để
tóc dài và tu khổ hạnh, chống lại sự hưởng thụ dục lạc.
Người em kế của ông lập đạo tràng gần đó, có 300 môn đồ theo học. Người
em út cũng lập một đạo tràng khác, có 200 môn đồ theo học. Như vậy, cả
ba anh em nhà Ca-diếp hiện có 1.000 môn đồ theo học, thế lực bao trùm
khắp một vùng rộng lớn.
Khi đức Phật đến vùng này, ngài nghe tiếng anh em nhà Ca-diếp và liền đến xin gặp mặt ông Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp.
Khi ông này tiếp đức Phật, Phật liền hỏi ông về mục đích và ích lợi của
việc thờ lửa. Sau khi nghe ông trình bày, Phật liền dùng thuyết nhân
duyên sinh khởi mà chỉ rõ những sai lầm trong niềm tin đó của ông. Sau
khi phân tích cho ông hiểu về sự sinh khởi của vạn pháp, đức Phật khẳng
định với ông rằng:
“Sự giải thoát chỉ có thể do chính mình đạt đến bằng nỗ lực tu tập đúng
hướng, không thể do cầu nguyện ở bất cứ một đấng thiêng liêng nào mà có
được. Và sự trong sạch, thanh tịnh chỉ có thể đạt được do siêng tu các
việc thiện, tránh xa các việc ác, chứ không thể do nơi tắm rửa ở nước
sông thiêng hoặc nhờ đến ngọn lửa.”
Ông Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp vốn là một bậc đại trí thức, nên nghe qua lời
Phật ông liền nhận ngay ra được sự đúng đắn, hợp lý. Ông liền đem những
chỗ thắc mắc từ lâu ra để hỏi Phật. Đức Phật giải đáp cặn kẻ cho ông
hiểu từng vấn đề, không còn chỗ hoài nghi nào nữa.
Khi ấy, ông Ca-diếp nhận ra là mình đang được tiếp chuyện với một đấng
giác ngộ hoàn toàn, với trí tuệ siêu phàm mà xưa nay ông chưa từng nghe
biết đến. Ông liền vui mừng lễ bái xin được làm đệ tử Phật. Phật hoan hỷ
thâu nhận ông.
Ông thỉnh Phật ở lại một đêm, và đề nghị nhường tịnh thất của mình cho
Phật nghỉ ngơi. Nhưng đức Phật từ chối, ngài bảo mình có thể ngủ nhờ
trong đền thờ thần lửa của ông là được rồi.
Ca-diếp nghe vậy lấy làm hoảng sợ, vì từ lâu trong đền thờ ấy có một con
rắn độc rất nguy hiểm, không ai dám vào đó ban đêm cả. Đức Phật chỉ
cười khi nghe ông nói về việc đó, và ngài bảo ông cứ yên tâm.
Đêm đó, Phật ngồi thiền ở một góc đền thờ. Quá nửa đêm, ngài thấy con
rắn độc rất lớn bò vào đền. Ngài liền vận dụng tâm đại bi để nói với rắn
rằng: “Đây không phải là nơi an ổn mà ngươi có thể lui tới. Tốt hơn là
ngươi nên đi đến những chỗ vắng người.”
Lạ thay, con rắn liền từ từ lui ra khỏi đền, và từ đó về sau không ai còn gặp rắn nữa.
Qua sự việc ấy, ông Ca-diếp càng thêm kính phục đức Phật. Hôm sau, ông
tập hợp 500 đồ chúng lại và tuyên bố từ bỏ việc thờ lửa, và bản thân ông
quy y theo Phật, làm một vị sa-môn xuất gia. Cả 500 môn đồ đều noi
gương ông, xin xuất gia theo Phật. Phật chấp nhận. Họ cắt tóc ném hết
xuống sông, làm đen kịt cả một đoạn sông dài.
Hai người em nghe tin liền dẫn hết môn đồ về chỗ người anh cả. Sau khi
ba anh em gặp gỡ trao đổi cùng nhau, họ quyết định cùng xin xuất gia
theo Phật. Hết thảy môn đồ cũng đều xin theo, tạo thành một tăng đoàn
đông đảo đến ngàn người chỉ trong mấy ngày. Thật là một chuyện xưa nay
chưa từng có.
29. PHẬT ĐẾN RỪNG TRÚC LÂM
Đức Phật nhớ lại lời hứa cũ với vua Tần-bà-sa-la khi ngài còn đang đi
tìm đạo. Vua có nguyện vọng khi nào ngài thành đạo xin trở lại mà tiếp
độ cho vua và bá tánh ở thành Vương-xá.
Vì vậy, ngài tiếp tục đi sang thành Vương-xá. Lúc này lại có ba anh em
Ca-diếp với một ngàn vị đệ tử mới cùng đi theo. Ông Ca-diếp vốn thông
thạo địa hình vùng này, nên hướng dẫn tăng đoàn đến cư trú ở một khu
rừng bên ngoài thành, cách kinh đô chừng hai dặm. Các vị sa-môn ngày
ngày vào thành khất thực theo đúng phép tắc và giờ giấc mà Phật đã chỉ
dạy.
Vua Tần-bà-sa-la hay tin Phật và một ngàn đệ tử đã đến ngụ bên ngoài
thành, liền thân hành cùng với hoàng hậu, thái tử và triều thần đến lễ
bái. Vua vừa đến nơi đã nhìn biết ngay thái tử Sĩ-đạt-ta thuở trước,
liền mừng rỡ mà nói rằng:
“Ngài quả thật vẫn không quên sở nguyện ngày xưa của trẫm. Trẫm rất đa tạ và lấy làm kính phục ngài.”
Vua quỳ xuống lễ bái Phật hết sức cung kính, rồi đứng sang một bên khoanh tay hầu Phật.
Trong số người theo hầu vua, rất nhiều người biết ông Ca-diếp, vì xưa
nay ông vốn là một bậc đạo sư đáng kính ở vùng này. Họ không biết rằng
ông đã quy y theo Phật. Khi thấy vua lễ bái đức Phật, còn ông Ca-diếp
thì khoanh tay đứng bên, họ rất ngạc nhiên. Một người bà-la-môn nói
rằng:
“Hẳn là vua đã lầm rồi. Vua muốn đảnh lễ bậc thầy mà lại không nhìn ra ngài Ca-diếp.”
Một người nữa cũng nói theo rằng:
“Đúng đấy, ở đây chỉ có ngài Ca-diếp là bậc thầy đáng kính thôi.”
Khi ấy, ông Ca-diếp nhận biết tâm trạng hoang mang của mọi người. Ông
liền đến quì xuống lễ bái dưới chân Phật. Sau đó, ông công bố cho tất cả
những vị quan khách ở thành Vương-xá mới đến được biết việc ông đã quy
y, thờ Phật làm thầy mình. Hết thảy mọi người đều ngạc nhiên và không
dấu được sự thán phục đối với đức Phật.
Liền đó, đức Phật giảng giải pháp Tứ diệu đế cho mọi người nghe. Khi
ngài giảng xong, Vua Tần-bà-sa-la liền đến lễ bái, và đối trước Phật
cùng tất cả những người khác, vua phát nguyện rằng:
“Trẫm lấy lòng thành tín mà qui y Phật, qui y Pháp và qui y giáo hội Tăng-già.”
Sau đó vua thỉnh Phật và chư tăng vào cung để nhận buổi lễ cúng dường do
vua tổ chức. Đây là buổi cúng dường lớn nhất và trang trọng nhất từ
trước đến nay, vì số chư tăng tham dự đến cả ngàn người. Đức Phật nhận
lời. Vua liền từ tạ trở về để sắp xếp. Buổi lễ được dự tính sẽ diễn ra
trong 10 ngày sau đó.
Vào ngày đã định, Phật cùng chư tăng uy nghiêm tiến vào thành Vương-xá,
đi đến cung vua. Thật là một quang cảnh hiếm thấy thời bấy giờ. Đoàn chư
tăng cả ngàn người nhưng ai nấy đều bước đi thong thả trong sự oai
nghi, thanh thoát, không có một rối loạn nào. Nhân dân trong thành đồng
kéo nhau ra khỏi nhà, chen nhau mà xem. Vì thế, đoàn người phải đi rất
chậm.
Trong thành, vua Tần-bà-sa-la đã cho treo đèn, kết hoa và dựng cờ phướn
khắp nơi để chào đón Phật và chư tăng. Đường sá được dọn dẹp sạch sẽ, có
quân binh chia nhau giữ trật tự hai bên đường. Nhờ vậy, dù công chúng
chen lấn nhau đi xem rất đông, nhưng không có điều gì lộn xộn xảy ra cả.
Tại buổi cúng dường, vua thỉnh Phật ngồi trên một tòa cao. Tất cả chư
tăng đều có chỗ ngồi trang trọng. Những người phục vụ mang thức ăn đến
cho từng vị, rồi mang nước rửa tay khi ăn xong.
Chư tăng thực hành nghi thức chú nguyện trước khi ăn, và khi ăn giữ yên
lặng tuyệt đối. Tất cả những oai nghi đó làm cho vua và triều thần càng
thêm cung kính.
Sau khi thọ trai xong, vua sắp xếp chỗ ngồi cho tất cả mọi người để nghe
Phật thuyết pháp. Nhân dịp này, đức Phật lần đầu tiên giảng về việc quy
y Tam bảo và thọ trì năm giới của người tại gia. Ngài nói về những lợi
ích của việc thọ trì năm giới, và khuyên hết thảy mọi người nên phát
tâm thọ trì.
Sau buổi thuyết pháp của Phật, tất cả những người có mặt đều phát tâm quy y Tam bảo và xin được truyền thọ năm giới.
Tiếp đó, vua Tần-bà-sa-la quỳ bạch Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Được ngài đến đây thọ nhận buổi cúng dường này, trẫm
lấy làm hân hạnh lắm. Trẫm muốn từ đây thường được thấy mặt ngài và nghe
lời dạy dỗ của ngài. Hơn nữa, số chư tăng theo ngài rất đông, không thể
ở mãi nơi chỗ ở hiện nay được. Vì vậy, trẫm muốn cúng dường một khu
rừng gọi là Trúc Lâm, nằm ở gần kinh thành hơn. Khu rừng này rộng rãi,
ngài và chư tăng có thể an trụ nơi đó mà tu tập rất thuận tiện. Nếu ngài
nhận lời, trẫm sẽ cho xây cất tinh xá ở nơi đó.”
Đức Phật mỉm cười ưng thuận. Vua truyền quân mang đến một cái chậu nhỏ
bằng vàng đựng đầy nước thơm. Vua bưng lấy chậu, làm lễ xối nước trên
tay Phật và nói rằng:
“Trẫm nguyện rằng, cũng như nước này từ nơi tay trẫm mà chảy xuống tay
ngài, cảnh tinh xá Trúc Lâm cũng sẽ từ nơi tay trẫm mà sang qua tay ngài
nhanh chóng như thế.”
Ngay hôm ấy, vua cho khởi công xây dựng tinh xá Trúc Lâm. Về sau, đây là
một nơi thánh địa quan trọng mà Phật đã từng thuyết giảng rất nhiều bộ
kinh.
30. XÁ-LỴ-PHẤT VÀ MỤC-KIỀN-LIÊN
Có hai vị bà-la-môn đức độ ở trong thành Vương-xá. Một vị tên là
Xá-lỵ-phất, một vị tên là Mục-kiền-liên. Hai vị tuy còn ít tuổi nhưng
đã sớm nổi danh về tri thức cũng như về đạo đức.
Họ làm bạn với nhau rất thân từ thuở nhỏ, và cùng đến học với một vị thầy khổ hạnh tên là Săn-sa-da.
Tuy vậy, cả hai đều thấy không hài lòng với những gì mình đã học biết.
Họ vẫn còn nhiều thắc mắc mà tôn sư của họ không giải đáp được. Và trên
hết, hai vị đều khắc khoải với việc giải thoát khỏi sự khổ về đường sanh
tử, nhưng chưa nghe có giáo lý nào dạy cho việc ấy.
Hai vị có lời thệ nguyện với nhau rằng: “Trong hai ta, nếu ai tìm được
cách tu để thoát khỏi sự chết thì phải cho người kia biết liền.”
Một hôm, Xá-lỵ-phất tình cờ gặp vị sa-môn Át-bệ đang đi hóa trai trong
thành Vương-xá. Nhìn thấy cốt cách thanh cao của vị sa-môn này, cùng với
dáng đi thanh thản và đằm thắm, Xá-lỵ-phất liền nghĩ rằng:
“Vị sa-môn này chẳng phải người tầm thường. Để ta hỏi xem thầy của ông ta là ai và ông theo đạo lý nào.”
Nhưng Xá-lỵ-phất lại nghĩ rằng:
“Giờ này hỏi là chưa phải lúc, ta nên để cho ông ấy hóa trai xong, rồi sẽ đến gần mà hỏi.”
Nghĩ như vậy rồi, ông liền kiên nhẫn mà đi theo xa xa. Chờ đến khi Át-bệ
hóa trai xong, sắp quay về, ông mới đến gần mà chào. Át-bệ liền chào
lại. Xá-lỵ-phất hỏi:
“Thưa ngài! Tôi trông gương mặt ngài rất nghiêm trang, cặp mắt trong
trẻo và sáng chói. Chẳng hay ai là thầy của ngài? Và ngài đang tu theo
phương thức nào?”
Át-bệ hiền hòa đáp lại:
“Thầy của tôi là đức Phật. Ngài là bậc đã giác ngộ hoàn toàn.”
Xá-lỵ-phất lại hỏi:
“Vị tôn sư ấy dạy những điều gì?”
Át-bệ liền đọc bài kệ rằng:
“Các pháp do nhân duyên mà sinh.
Các pháp do nhân duyên mà diệt.
Bậc thầy vĩ đại của chúng ta,
Thường giảng dạy các pháp như vậy.”
Xá-lỵ-phất nghe qua bài kệ ấy, liền nhận ra thấy chân lý, lãnh hội được
lý nhân duyên sanh diệt. Ông liền từ tạ, trong lòng vui mừng vô hạn.
Khi về, Xá-lỵ-phất liền tìm bạn là Mục-kiền-liên. Ông này vừa trông thấy Xá-lỵ-phất thì biết ngay là có tin vui. Ông nói:
“Gương mặt của ông hôm nay nghiêm trang và tươi tỉnh lắm, cặp mắt lại
trong trẻo và chói sáng. Tôi đoán là ông đã gặp được bậc đạo sư đáng tôn
kính rồi, có phải chăng?”
Xá-lỵ-phất đem chuyện gặp gỡ ông Át-bệ mà thuật lại. Hai người liền cùng nhau tìm đến chỗ Phật ngự.
Khi Xá-lỵ-phất và Mục-kiền-liên gặp Phật và được nghe ngài thuyết pháp, hai ông liền xin xuất gia theo Phật.
Phật nhận lời.
Về sau, hai người trở thành hai vị đại đệ tử nổi bật của Phật.
Xá-lỵ-phất được Phật nhận là Trí huệ đệ nhất, và Mục-kiền-liên được Phật
khen là Thần thông đệ nhất.
31. VUA TỊNH-PHẠN PHÁI SỨ THỈNH PHẬT
Sau khi Phật nhận tinh xá Trúc Lâm và đưa tăng đoàn đến đó thì danh
tiếng của ngài đã rền vang khắp nơi. Số đệ tử xuất gia tu học tại Trúc
Lâm đã lên đến 1.250 vị. Từ thành Vương-xá đến Ca-tỳ-la-vệ, quê hương
của ngài, cũng không xa lắm, nên vua Tịnh-phạn đã nghe tin về việc thái
tử thành Phật và hiện đang giảng đạo ở gần thành Vương-xá, trong rừng
Trúc Lâm. Vua vui mừng lắm và mong muốn được gặp lại con, liền phái sứ
giả đến tìm mà thỉnh về.
Sứ giả đến gặp lúc Phật đang thuyết pháp cho đệ tử. Ngài giảng rằng:
“Có một khu rừng kia nằm bên triền núi. Phía dưới, có một cái hồ rộng và
sâu. Ven hồ có nhiều thú rừng sống với nhau thành đoàn. Một người kia
đến đó, muốn hại các con thú nên lấp cái đường mòn cũ đi mà làm một nẻo
mới khác thông đến một cái hố sâu rất nguy hiểm. Người ấy có ý làm cho
mấy con thú không còn sống quanh quẩn bên bờ hồ được nữa.
“Nhưng có một người khác lại đến, người này muốn săn sóc, trông nom các
con thú rừng, bèn phá cái đường thông đến hố sâu kia đi, và làm một con
đường chắc chắn đưa lên tới đỉnh núi yên tĩnh. Bầy thú không còn bị hại,
lần lần sanh trưởng ra thêm nhiều và sống vui vẻ bên bờ hồ.
“Này chư tỳ-kheo! Cũng như những con thú ở gần hồ rộng và sâu kia, con
người sống quanh quẩn bên sự vui sướng. Kẻ toan làm hại, làm khổ, làm
nguy họ là các thứ ma chướng, phiền não. Cái hố sâu nguy hiểm nơi các
thú nhào xuống chết, ấy là sự tham dục, sân hận và ngu si của loài
người. Còn người muốn cứu những con thú ấy là đấng từ bi, là Phật vậy.
“Này chư tỳ-kheo! Ta đã mở ra một con đường chắc chắn, ta đã phá mất con
đường nguy hiểm rồi. Các ngươi theo ta sẽ không còn đi lạc xuống hố
sâu, các ngươi sẽ lên đến đỉnh núi yên bình. Ta vì lòng thương mà đứng
ra dạy dỗ, giáo độ cho các ngươi.”
Vị sứ giả của nhà vua nghe xong lấy làm hoan lạc trong lòng, liền quỳ xuống mà xin xuất gia theo Phật. Đức Phật chuẩn thuận.
Ngay khi ấy, vị sứ giả vừa đứng dậy thì y phục đang mặc trên người bỗng
hóa ra áo cà-sa, râu tóc cũng tự nhiên rụng mất, thành một vị sa-môn uy
nghi.
Vị sứ giả này chính là ông Ưu-đà-di, một trong những người bạn rất thân hồi Phật còn là thái tử ở Ca-tỳ-la-vệ.
Ông Ưu-đà-di sau đó kể lại cho Phật nghe mọi việc ở quê hương từ ngày
ngài bỏ hoàng thành ra đi xuất gia, và ông cũng chuyển đạt ý của vua
Tịnh-phạn muốn được gặp lại con.
Phật muốn trở về thăm vua cha, nhưng lúc đó đang là mùa an cư đầu tiên
của chư tăng. Hơn nữa, nhằm mùa mưa nên việc đi lại rất khó khăn, vì
Phật định cùng đi với một tăng đoàn khá đông. Ngài dự định sẽ khởi hành
vào sau mùa an cư.
Phật liền sai ông Ưu-đà-di đi nhanh về trước để báo tin. Chờ khi vừa mãn
hạ, Phật sẽ cùng 300 vị tỳ-kheo lên đường về Ca-tỳ-la-vệ.
32. PHẬT KHUYÊN THÁI TỬ A-XÀ-THẾ
Vua Tần-bà-sa-la được tin đức Phật sắp từ giã cảnh rừng Trúc Lâm mà
về thăm quê nhà. Vua liền đi với con là thái tử A-xà-thế đến viếng
ngài.
Đức Phật nhìn thái tử và quay sang nói với vua rằng: “Tôi mong cho thái tử xứng đáng với lòng yêu thương của bệ hạ.”
Ngài lại nhìn thái tử và dạy rằng:
“Này A-xà-thế! Hãy nghe ta giảng đây mà suy nghĩ. Những kế xảo trá nhiều
khi không thành, những điều gian ác nhiều khi bại lộ. Ta có một câu
chuyện sẽ kể cho người nghe đây.
“Thuở ấy, trong một cụm rừng kia có một cây đại thọ. Cây đại thọ ấy mọc
lên giữa hai cái hồ, một cái nhỏ không đẹp, còn cái lớn đẹp đẽ hơn.
Trong hồ nhỏ có nhiều cá lắm, còn trong hồ lớn thì nhiều hoa sen nở. Một
mùa hè nọ, trời nắng gắt, cái hồ nhỏ lần lần sắp cạn khô, còn cái hồ
lớn đã sâu lại nhờ hoa sen che mát, nên vẫn còn chứa nhiều nước và mát
mẻ luôn.
“Một con sếu tình cờ bay ngang qua hai cái hồ. Nó thấy cá dưới hồ nhỏ.
Nó bèn ngừng cánh đáp xuống, đứng một chân mà suy nghĩ: ‘Cha chả! Cá này
ngon lắm, nhưng chúng nó rất khôn lanh, nếu ta xuống bắt thì chúng trốn
mất hết. Chi bằng ta nên dùng kế mà gạt chúng.’
“Vì hồ gần cạn nên cá bơi lội tù túng lắm. Còn bên hồ lớn kia, nước mát
mẻ mặc tình bơi lội thảnh thơi. Con sếu suy nghĩ, vẻ mặt rất nghiêm
trang, đạo mạo.
“Một con cá dưới hồ nhìn lên thấy, hỏi rằng: ‘Anh làm gì mà đứng đó, anh chim đáng kính? Anh ra vẻ nghĩ ngợi gì thế?’
“Sếu đáp: ‘Phải đấy. Tôi đang suy nghĩ tìm cách giúp các anh ra khỏi chỗ chật chội, tù túng này.’
“Cá hỏi: ‘Sao anh bảo rằng chật chội, tù túng?’
“Sếu cười nói: ‘Anh còn chưa biết sao? Các anh đang ở dưới nước cạn.
Càng ngày nước lại càng rút cạn hơn. Rồi đây các anh sẽ chết khô hết.
Tôi thấy vậy mà lấy làm thương hại lắm.’
“Mấy con cá nghe sếu nói như vậy, đều lấy làm sợ hãi, bèn hỏi rằng: ‘Anh
chim đáng kính ơi! Anh có biết kế gì để cứu chúng tôi chăng?’
“Con sếu làm bộ suy nghĩ một lát, rồi bảo: ‘Tôi có cách này, có thể cứu
được các anh. Bên kia cây đại thọ này là một cái hồ lớn còn nhiều nước
lắm, nhưng các anh không thể sang đó được. Bây giờ tôi sẽ giúp việc mang
các anh sang đó, nhưng chỉ có thể mang từng anh một mà thôi, bằng cách
ngậm các anh trong mỏ rồi bay sang bên đó.’
“Mấy con cá đều lấy làm mừng, chỉ có một con tôm là ngạc nhiên, nói
rằng: ‘Từ khi có trời đất đến giờ, chưa nghe chuyện chim sếu cứu cá, chỉ
nghe nó nuốt cá vào bụng mà thôi.’
“Con sếu nghe lời ấy, nhưng làm ra bộ rất hiền lành, nói rằng: ‘Này anh
tôm! Anh đa nghi chi lắm vậy? Tôi đã lấy lòng bác ái mà lo lắng cho các
anh, mà anh còn trao tiếng oán cho tôi sao? Đâu anh thử chỉ cho tôi một
anh cá nào, rồi tôi lấy mỏ mà mang qua hồ sen cho anh xem.’
“Mấy con cá cho là phải, liền chỉ một con cá già có tiếng là khôn lanh ở
dưới hồ. Con sếu liền vớt lấy con cá ấy, mang qua hồ sen mà thả xuống
nước, cá lội thảnh thơi ra tuồng đắc ý lắm. Rồi sếu mang con cá trở về
bên hồ cạn. Nó hết lời khen tặng con sếu và ca ngợi sự mát mẻ, rộng rãi ở
bên hồ sen.
“Bấy giờ, mấy con cá đều chen nhau mà để cho con sếu vớt đi. Con sếu lại
vớt con cá già đi, nhưng không đem bỏ dưới hồ kia, lại để xuống đất mà
ăn tươi và bỏ xương dưới cây đại thọ.
“Con sếu trở về hồ cạn, lần lượt đem mấy con cá kia lên chỗ ấy mà ăn hết.
Sau rốt còn lại con tôm. Nó nghĩ rằng: ‘Ta chắc là con sếu đã hại mạng
bầy cá kia hết rồi. Nhưng phần ta, tuy không tin con sếu nhưng cũng muốn
nó mang ta qua bên hồ rộng. Vậy ta phải cẩn thận kẻo bị nó hại. Nếu như
nó đã lường gạt mà giết hết mấy con cá kia thì ta phải báo thù.’
“Con sếu bay đến bảo con tôm qua hồ. Tôm hỏi mang đi thế nào? Sếu bảo sẽ
ngậm vào trong mỏ, cũng như đã mang mấy con cá kia. Tôm bảo vỏ mình
trơn, có thể rớt xuống đất, nên muốn lấy càng mà đeo cổ chim, nhưng hứa
sẽ không làm trầy cổ. Con sếu bằng lòng liền mang tôm đi.
“Rồi nó ngừng lại chỗ cây đại thọ. Tôm hỏi: ‘Ngừng giữa đường mà làm gì, chẳng lẽ mệt lắm sao? Đường không xa lắm mà?’
“Con sếu không biết đáp thế nào. Con tôm mới níu lấy cổ con sếu. Tôm
nhìn xuống thấy đống xương, nó biết bao nhiêu cá đều bị ăn hết rồi. Nó
nhất định không cho chim hại nó, thà là nó chết mà chim cũng không sống
được.
“Con tôm liền kẹp mạnh càng lại. Chim đau lắm, nước mắt chảy ra, liền la
lên rằng: ‘Anh tôm ơi! Đừng kẹp tôi nữa, tôi không ăn thịt anh đâu, để
tôi mang anh đến hồ.’
“Tôm nới càng ra, sếu bay đến hồ sen, đưa cổ ngay ra đặng cho tôm buông
càng mà rớt xuống nước. Nhưng con tôm lấy hết sức mà kẹp riết làm cho
sếu đứt cổ.”
Đức Phật dừng một lát rồi nói tiếp:
“Chuyện là như vậy. Này thái tử! Cho nên phải biết rằng, những kế xảo
trá nhiều khi không thành, những điều gian ác nhiều khi bại lộ. Không
chóng thì chầy, con sếu sẽ phải gặp con tôm. Thái tử nên ghi nhớ bài học
ấy.”
Vua Tần-bà-sa-la cám ơn đức Phật muốn dạy thái tử điều lành. Sau đó, vua
muốn xin một ít tóc và móng tay của Phật để thờ trong một ngôi chùa ở
trong cung, để mỗi ngày đốt hương, dâng hoa. Đức Phật liền trao cho và
nói:
“Những thứ này bệ hạ có thể để trong chùa, còn đạo lý ta đã dạy, bệ hạ nên để trong tâm.”
Vua Tần-bà-sa-la từ biệt trở về. Không bao lâu sau, đức Phật lên đường trở về thành Ca-tỳ-la-vệ.
33. PHẬT KHẤT THỰC Ở CA-TỲ-LA-VỆ
Phật muốn về thăm vua cha và quê hương, đã có sai ông Ưu-đà-di về báo
trước. Ông Ưu-đà-di về đến nơi báo tin rồi, liền quay trở lại mà đón
Phật với tăng đoàn. Cả đoàn người vừa đi vừa khất thực theo dọc đường,
không bao lâu thì về đến kinh thành Ca-tỳ-la-vệ.
Phật và chư tăng ngụ ở một nơi bên ngoài, cách thành hai dặm về phía Nam.
Buổi sáng hôm sau, Phật cùng chư tăng vào thành khất thực bình thường
như ở thành Vương-xá trước đây. Trong khi đó, vua Tịnh-phạn và cả hoàng
tộc chờ đợi trong hoàng cung, những tưởng ngài sẽ thẳng đường về đó.
Khi hay tin Phật và chư tăng đang chậm rãi đi khất thực trên đường phố,
vua liền truyền chuẩn bị xa giá để mình đích thân đi tìm đón Phật.
Khi đến nơi, vua trông thấy cả một đoàn sa-môn dài dằng dặc đang ôm bát
thong thả đi từng nhà mà xin cơm. Vua vừa ngạc nhiên, vừa lấy làm buồn
tủi vì chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm này.
Vua truyền dừng xe, tự mình đi bộ đến chỗ Phật, khi ấy đang dẫn đầu đoàn sa-môn khất thực.
Đôi bên gặp nhau đều mừng rỡ. Vua Tịnh-phạn không giấu được sự thắc mắc của mình, liền hỏi Phật:
“Tại sao con lại phải đi xin từng bát cơm trong một hoàng thành mà lẽ ra con là vị chúa tể đứng đầu?”
Đức Phật từ tốn giải thích:
“Phụ vương! Việc khất thực không phải là hèn hạ, cũng không phải chỉ đơn thuần là vì muốn kiếm miếng ăn.
“Người tu sĩ lìa bỏ gia đình, lìa bỏ hết thảy các thứ của cải vật chất,
nuôi đời sống của mình bằng việc khất thực để không cần phải tích lũy
bất cứ thứ tài sản của cải nào.
“Việc khất thực còn rèn luyện cho người tu đức khiêm cung, nhún nhường, dẹp bỏ lòng tự cao tự đại.
“Ngoài ra, người tu sĩ hiến dâng trọn cuộc đời mình để rèn luyện nhân
cách đạo đức, giáo hóa những người khác noi theo, nên xứng đáng nhận
lãnh sự cúng dường của bá tánh. Đi khất thực là tạo điều kiện bình đẳng
cho hết thảy mọi người cúng dường để gieo trồng phước báu, phát khởi tâm
thiện.
“Vì thế nên hiểu rằng việc đi khất thực là một phần quan trọng trong đời sống tu tập của người tu sĩ.”
Vua Tịnh-phạn nghe Phật giải thích thì lấy làm vui mừng, không còn buồn
bực nữa. Vua lại thỉnh Phật và chư tăng vào cung để tổ chức cúng dường
như vua Tần-bà-sa-la đã làm.
Phật nhận lời.
Trong thời gian lưu lại Ca-tỳ-la-vệ, ngày ngày Phật và chư tăng vẫn duy
trì đều đặn việc khất thực trong thành. Dân chúng tranh nhau chiêm
ngưỡng và cúng dường cho chư tăng. Họ đều biết rằng Phật đã từ chối hết
thảy những đặc ân của hoàng triều. Nếu ngài muốn, tăng đoàn của ngài có
thể được nuôi dưỡng sung túc hàng năm trời mà không cần phải đi khất
thực.
Dần dần họ cảm thấy quen thuộc, dễ chịu và tin cậy vào hình ảnh hiền
hòa, thanh thản của những vị sa-môn đi khất thực. Nhìn những bước chân
ung dung, tự tại của các ngài, sự an lạc, giải thoát như tỏa ra cả không
khí chung quanh, khiến mọi người đều thấy tâm hồn trở nên êm dịu và
thanh thản.
Hình ảnh vị sa-môn đi khất thực là những bài thuyết pháp sống động nhất đối với dân chúng trong thành.
34. LỄ CÚNG DƯỜNG CỦA VUA TỊNH-PHẠN
Vua Tịnh-phạn muốn tổ chức buổi lễ cúng dường Phật và chư tăng hết
sức trọng thể. Vì vậy, ngài dành ra trọn bảy ngày để chuẩn bị. Hoàng hậu
Ma-ha Ba-xà-ba-đề và công chúa Da-du-đà-la cũng trực tiếp tham gia việc
chuẩn bị.
Cả hoàng cung như sôi động hẳn lên trong không khí tưng bừng lễ hội. Dân
chúng trong thành vẫn chưa quên hình ảnh vị thái tử tài ba, tuấn kiệt
của mình trước đây, nên giờ càng thêm ngưỡng mộ vẻ uy nghiêm và thanh
thoát của ngài cùng với những vị sa-môn đắp y vàng.
Hoàng cung được trang hoàng lộng lẫy, những lối đi đều có treo đèn kết
hoa, và người ta khua chiêng đánh trống ở khắp mọi nơi để chào mừng ngày
lễ trọng đại. Đây không chỉ là một buổi lễ cúng dường, mà cả kinh thành
Ca-tỳ-la-vệ như đang muốn chuyển động thật tưng bừng để mừng đón người
con yêu quý từ xa trở về.
Đến ngày đã định, đức Phật uy nghi dẫn đầu 300 vị sa-môn cùng thong thả
tiến bước vào hoàng cung. Trong khi khung cảnh chung quanh tưng bừng náo
nhiệt, thì ngược lại, những bước chân của các vị lại hết sức êm ả, yên
tịnh. Trong cả đoàn người, người ta không nghe ra được bất cứ âm thanh
nào ngoài tiếng xào xạc nhẹ khi những mảnh y vàng của các vị lay động.
Dân chúng chen nhau hai bên đường, ai cũng muốn được nhìn tận mắt khung cảnh uy nghiêm chưa từng có ở nơi kinh thành này.
Khi Phật và chư tăng vào đến cổng hoàng cung, vua Tịnh-phạn thân hành ra
đón rước. Vua lễ bái Phật theo nghi lễ như đối với bậc thầy. Tất cả các
vị khác trong hoàng tộc theo gương vua cũng làm như thế.
Đến giờ trai tăng, những người phục vụ đã được dặn dò từ trước, giữ yên
lặng hoàn toàn trong khi mang thức ăn cho chư tăng. Ngày hôm đó, từ vua
Tịnh-phạn cho đến cả hoàng tộc, triều thần và các vị quan khách, bao gồm
cả các vị đạo sĩ, bà-la-môn, đều ăn chay theo như chư tăng. Thật là một
buổi cúng dường đầy ý nghĩa.
Sau khi thọ trai, đức vua trân trọng đứng lên thỉnh Phật thuyết pháp. Ngài lên ngồi trên pháp tòa đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Phật thuyết giảng về tính cách vô thường của cuộc sống, về những nguyên
nhân dẫn đến sự khổ não và cách chế ngự, diệt trừ những nguyên nhân ấy.
Ngài chỉ ra cho mọi người thấy và hiểu được rằng, cuộc sống mà ngài và
các vị sa-môn đệ tử của ngài đang theo đuổi không phải là một cuộc sống
thiếu thốn, khó nhọc như nhiều người có thể lầm tưởng, mà thực sự đó là
một cuộc sống thanh cao, sung túc về mặt tinh thần, mang lại tất cả
những phẩm chất tốt đẹp, an lạc và thanh thản cho con người. Sự an lạc,
thanh thản đó không phải do một đấng thần linh nào ban phát, không phải
do sự cầu nguyện, lễ bái, mà là do sự nỗ lực tu tập của tự thân mỗi
người.
Ngài cũng giảng giải về một đời sống thanh cao, tốt đẹp mà một người tại
gia có thể đạt được qua việc thọ trì năm giới, chứ không nhất thiết chỉ
những người xuất gia mới có thể học theo Phật.
Sau buổi thuyết pháp, rất nhiều người trong hoàng tộc xin được thọ tam quy và truyền thọ năm giới.
Vua Tịnh-phạn cũng đứng ra thỉnh Phật ở lại Ca-tỳ-la-vệ để thuyết pháp
cho bá tánh trong thành. Phật nhận lời. Vua liền cho sắp xếp cảnh tinh
xá trong vườn rộng để ngài và chư tăng cư ngụ.
Lần ấy, Phật ở lại thuyết pháp tại thành Ca-tỳ-la-vệ được sáu tháng.
35. PHẬT ĐỘ NGƯỜI EM LÀ NAN-ĐÀ
Phật có người em cùng cha khác mẹ là hoàng tử Nan-đa, đã được vua
Tịnh-phạn chọn để nối ngôi trị vì thiên hạ. Hoàng tử Nan-đà đã đính hôn
với công chúa Xuân-đà-ri-ca, một vị công chúa rất xinh đẹp.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp mấy lần trong hoàng cung, Nan-đà sinh ra
ngưỡng mộ đời sống xuất gia, và thấy không còn ưa thích những dục lạc,
giàu sang của cõi trần nữa. Hoàng tử liền tâu xin với vua cha xin được
xuất gia theo Phật.
Thoạt tiên, vua Tịnh-phạn thấy rất phiền lòng. Vua nghĩ không biết lấy
ai đủ tài đức mà kế vị ngai vàng. Nhưng rồi vua nhớ đến những lời Phật
dạy, vua nhớ đến hình ảnh ngày nào thái tử Sĩ-đạt-ta dũng mãnh ra đi, để
đến nay thành đạo quay về, và vua tự trách mình còn rất nhỏ nhoi, vị
kỷ. Vua liền đồng ý cho Nan-đà xuất gia theo Phật.
Với tâm tánh còn bồng bột, ý chí chưa kiên định, nên mặc dù hết lòng
ngưỡng mộ Phật và rất tinh tấn trong đời sống xuất gia, nhưng chỉ hai
tháng sau thì Nan-đà có phần thối chí. Chàng cảm thấy ray rứt nhớ đến vị
hôn thê xinh đẹp sắp cưới của mình.
Phật quán xét tâm tánh của Nan-đà, biết em mình có đủ căn duyên xuất
gia, nhưng chỉ vì công phu tu tập chưa bao nhiêu nên lòng trần còn lay
động. Ngài liền đến thăm Nan-đà để nâng đỡ em trong lúc yếu lòng.
Khi đến gặp Nan-đà, Phật thuyết giảng cho em biết được những tình cảm
nào là nhất thời, tạm bợ, và những tình cảm nào là chân thật, lâu dài.
Ngài cũng chỉ ra rằng, một vị tướng cầm quân ra trận thắng muôn ngàn
quân địch, cũng không dõng mãnh bằng một người có thể dùng thiền quán mà
nhiếp phục tâm mình, chế ngự được những tình cảm yếu mềm. Và chỉ khi đó
đấng nam nhi mới có thể làm nên những việc phi thường, to tát.
Khi Phật ra về, Nan-đà liền lấy hết tinh thần mà tập trung thiền quán.
Trong đêm ấy, chàng nhận ra sự giả tạo phù phiếm của những vẻ đẹp thế
gian, và cũng tự nhận ra mình bị cuốn hút bởi chính vẻ đẹp tạm bợ ấy chứ
không phải là một tình cảm yêu thương chân thật.
Nan-đà liền giũ sạch tất cả những tâm tưởng phiền muộn, thoái chí, và tự
cảm nhận rõ được sự cao đẹp, thanh thoát của đời sống xuất gia.
36. LA-HẦU-LA XUẤT GIA
Khi đức Phật vừa mới trở về thành Ca-tỳ-la-vệ, cùng chư tăng đi khất
thực trên đường phố, công chúa Da-du-đà-la vì mong ngóng ngài đã lâu nên
liền dắt con trai là La-hầu-la lên một chỗ lầu cao mà ngắm nhìn xuống.
Bà nhìn theo đức Phật dẫn đầu các vị sa-môn đi khất thực, đến một chỗ
gần hoàng cung thì bà nhìn được rất rõ. Bà liền nắm tay con trai, chỉ
cho xem mà nói rằng:
“Con ơi! Vị sa-môn đi đầu trong đoàn người kia chính là cha con đấy.
Người đã bỏ hết ngôi vị cao sang, vàng bạc châu báu nơi cung điện này mà
ra đi từ khi con còn bé nhỏ. Nhưng giờ đây thì người đã tìm được những
châu báu quý giá hơn nhiều. Người đang ban phát những châu báu quý giá
ấy cho hết thảy mọi người. Nhưng người chưa cho con gì cả. Này con, rồi
con hãy đi tìm cha con mà xin lấy gia tài vô giá ấy.”
La-hầu-la chưa đủ trí khôn để hiểu hết những lời mẹ nói, nhưng lòng cậu
bé đã ghi nhớ lấy. Vì thế, một buổi sáng kia, khi Phật đi khất thực gần
hoàng cung thì La-hầu-la trông thấy. Cậu bé chạy thật nhanh đến chỗ đức
Phật, lấy làm vui vẻ mà nắm lấy tay Phật rồi nói rằng:
“Cha ơi, cha hãy cho con gia tài quý giá nhất của cha đi.”
Mọi người chung quanh đều ngỡ ngàng, nhưng đức Phật hiền hòa mỉm cười cùng cậu. Ngài nói:
“Được rồi. Rồi đây ta sẽ cho con những gì quý giá nhất.”
La-hầu-la liền nói: “Vậy thì còn xin được đi theo cha.”
Ngài liền nắm tay La-hầu-la mà dắt đi. Cậu bé vô tư nói:
“Cha ơi! Nương theo bóng cha mà đi thật êm ái dễ chịu lắm.”
Đức Phật mỉm cười. Ngài không trả lời. Ngài đưa La-hầu-la về tinh xá và giao cho đại đức Xá-lỵ-phất lo việc dạy dỗ, chăm sóc.
Nghe tin La-hầu-la đi theo cha, vua Tịnh-phạn lấy làm buồn lắm. Vua thấy
con mình, cháu mình, dần dần bỏ mình mà xuất gia nhập đạo hết. Vua liền
đến chỗ Phật mà than vãn điều ấy.
Đức Phật khuyên vua rằng:
“Phụ vương không nên buồn rầu. Những sự ái luyến nơi trần thế này chỉ là
giả tạm. Chỉ có con đường giải thoát mới mang lại hạnh phúc lâu bền.
Chính là nhờ những căn lành từ nhiều kiếp mà ngày nay mới được xuất gia
theo Phật, vì đó là sự cao quý hơn hết trong mọi sự cao quý. Phụ vương
nên lấy đó làm niềm vinh hạnh và vui mừng mới phải.”
Đức Phật dùng những lý lẽ như vậy mà giảng thuyết, khuyên giải vua
Tịnh-phạn. Vua hiểu được lời ngài nên không còn buồn phiền nữa.
Một thời gian sau, Phật lại từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ mà sang thành
Vương-xá, vì ngài muốn cho tất cả chư tăng an cư ở tinh xá Trúc Lâm.
Ngài lưu lại quê nhà được sáu tháng.
37. SÁU ÔNG HOÀNG XUẤT GIA
Đức Phật lưu lại thành Ca-tỳ-la-vệ được sáu tháng, rồi ngài định trở
lại thành Vương-xá mà tổ chức cho tất cả chư tăng an cư nơi đó. Vì Phật
và chư tăng vừa đi vừa khất thực và vẫn giữ thời khóa tu tập hàng ngày
nên đi rất chậm.
Khi được chừng nửa đường, ngài tạm nghỉ chân trong một khu làng kia, thì
có sáu vị hoàng thân trong họ Thích-ca tìm đến. Đi theo các ngài còn có
một người thợ hớt tóc tên là Ưu-ba-ly. Sáu vị hoàng thân ấy là:
A-na-luật, Bạt-đề, Bạc-già, Kim-tỳ-la, Đề-bà-đạt-đa, và A-nan.
Nguyên nhân là như sau:
Sau khi Phật rời thành Ca-tỳ-la-vệ, hoàng thân A-na-luật phát tâm xuất
gia, mới thưa việc ấy với mẹ. Bà mẹ không bằng lòng, nhưng không biết
nói sao, liền ra điều kiện là nếu có hoàng thân Bạt-đề cùng xuất gia thì
bà mới đồng ý. Bà nói thế vì tin chắc Bạt-đề không thể nào xuất gia.
Ông này đang giữ một chức quan quyền uy tột đỉnh, giàu có vô cùng.
A-na-luật liền đến gặp Bạt-đề, vốn là bạn rất thân, thuyết phục bạn cùng
xuất gia. Bạt-đề cho biết mình cũng có ý muốn đó, nhưng định đến khi
tuổi già mới thực hiện. A-na-luật hết sức thuyết phục bạn, ông chỉ ra
tính chất vô thường của cuộc sống, nên nếu muốn xuất gia thì không nên
chờ đợi nữa. Cuối cùng, ông cũng nói thật về điều kiện của mẹ mình, và
khẩn khoản cầu xin Bạt-đề cùng xuất gia.
Thấy bạn hết lòng thuyết phục, Bạt-đề liền hẹn 7 năm sau sẽ xuất gia.
A-na-luật nói:
“Cuộc sống trôi qua nhanh lắm. Bảy năm của anh là một kỳ hạn rất dài, và tôi e là anh sẽ không còn dịp mà xuất gia nữa.”
Bạt-đề rút ngắn còn 3 năm, rồi 7 tháng. Nhưng A-na-luật vẫn khăng khăng
không chịu. Cuối cùng, ông hứa chắc 7 ngày nữa sẽ cùng đi xuất gia.
A-na-luật mừng rỡ về thưa với mẹ. Bà mẹ kinh ngạc trước tin này. Nhưng
khi nghe A-na-luật kể lại đã thuyết phục Bạt-đề như thế nào thì bà chợt
nhận ra con nói đúng. Cuộc sống vô thường nên việc xuất gia không thể
trì hoãn được. Và bà thấy vui lòng đồng ý cho con xuất gia.
Sau đó, A-na-luật còn rủ thêm bốn vị hoàng thân khác nữa là Bạc-già,
Kim-tỳ-la, Đề-bà-đạt-đa và A-nan. Sáu người cùng hẹn nhau vào một ngày
và lên đường theo đức Phật.
Trên đường đi, A-na-luật nói với cả nhóm rằng:
“Chúng ta ra đi xuất gia tu đạo, lại mang theo những của cải, châu báu, đồ trang sức quý giá, thật là không hợp lẽ.”
Các hoàng thân đều cho là đúng. Họ liền ghé vào một tiệm hớt tóc nghèo
nàn bên đường mà cởi hết vàng bạc, châu báu trên người tặng cho anh thợ
hớt tóc tên là Ưu-ba-ly.
Sau đó, đi một quãng xa thì họ thấy Ưu-ba-ly hối hả chạy theo. Khi đuổi kịp, Ưu-ba-ly mới nói với họ rằng:
“Xin các ngài cho tôi cùng theo với. Tôi cũng muốn xuất gia.”
A-na-luật hỏi:
“Vì sao anh lại muốn xuất gia? Còn số châu báu chúng tôi cho anh đâu cả rồi?”
Ưu-ba-ly đáp:
“Sau khi các ngài đi, tôi suy nghĩ rằng: Các ngài đều là hoàng thân,
giàu sang quyền quý mà còn bỏ cả để đi xuất gia, huống chi tôi đây chỉ
là một anh thợ hớt tóc nghèo, có gì trói buộc mà không làm được việc ấy?
Vậy nên tôi lấy hết số châu báu, gói lại mà treo lên cành cây ven
đường, rồi chạy theo các ngài. Nếu các ngài chẳng chê khinh tôi, xin cho
tôi cùng đi đến chỗ xuất gia.”
A-na-luật nói vui vẻ:
“Phật dạy rằng mọi người đều bình đẳng như nhau. Chúng tôi chẳng dám chê khinh anh. Xin mời nhập bọn cùng đi.”
Khi cả nhóm đã theo kịp đến chỗ Phật và chư tăng dừng chân tạm nghỉ, họ liền cùng nhau vào lễ Phật, xin xuất gia.
Phật thuận cho.
Sau khi xuất gia chẳng bao lâu, Ưu-ba-ly nhờ tinh cần tu tập nên đạt
nhiều kết quả tiến bộ rất nhanh chóng. Phật liền gọi cả sáu vị hoàng
thân đến mà nói rằng:
“Trong tăng đoàn của ta không có giai cấp. Ai tu tập tiến bộ hơn sẽ dìu
dắt cho người chậm tiến. Nay Ưu-ba-ly tu tập rất tiến bộ, các ngươi đều
phải lễ ông ấy làm bậc huynh trưởng mà học hỏi.”
Các vị hoàng thân đều vui vẻ mà vâng lời.
Đó cũng là một cách khéo léo mà Phật muốn dùng để giúp các vị diệt trừ
cho hết những sự cống cao, ngã mạn, sự phân biệt về dòng dõi, giai cấp.
38. ÔNG CẤP CÔ ĐỘC VÀ TINH XÁ KỲ VIÊN
Khi đức Phật đang ở thành Vương-xá, có người thương gia rất giàu ở
thành Xá-vệ vừa đến. Người này tên là Tu-đạt, nhưng được mọi người tôn
kính gọi là Cấp Cô Độc, bởi ông thường giúp đỡ, cứu tế cho những người
nghèo khổ, neo đơn.
Vì công việc buôn bán, ông vẫn thường qua lại thành Vương-xá. Mỗi khi
đến đây, ông thường ngụ ở nhà người anh vợ, và bao giờ cũng được tiếp
đón rất ân cần, niềm nở.
Lần này, khi Tu-đạt đến thì thấy cả nhà đang bận rộn, lăng xăng. Mọi
người chào hỏi ông qua loa rồi ai lo việc nấy, dường như đang chuẩn bị
cho một sự kiện nào đó vô cùng quan trọng.
Sau khi tiếp chuyện với người anh vợ, ông mới biết là gia đình đang chuẩn bị để ngày mai thỉnh Phật và chư tăng đến cúng dường.
Do một nhân duyên kỳ lạ từ thuở trước, khi vừa nghe đến tiếng “Phật” là
ông Tu-đạt bỗng thấy một sự ngưỡng mộ, kính mến rất kỳ lạ. Ông hỏi
chuyện thật nhiều về Phật, về nơi ngài đang cư trú, về những điều ngài
giảng dạy, và rồi thấy lòng vô cùng nôn nao muốn gặp Phật.
Mặc dù trưa hôm sau Phật và chư tăng sẽ đến thọ trai ở nhà ông anh vợ,
tức là nơi ông Tu-đạt đang cư ngụ, nhưng ông cảm thấy như mình không thể
nào chờ đợi, chỉ muốn được gặp Phật ngay.
Đêm hôm đó ông không ngủ, nằm chờ sáng để đi gặp Phật. Ba lần ông thức
giấc ra sân, rồi lại trở vào vì trời vẫn còn chưa sáng. Lần thứ tư thì
trời vừa tảng sáng, ông liền một mình theo lối đã hỏi trước mà tìm đến
tinh xá Trúc Lâm.
Đến nơi vẫn còn rất sớm, nhưng ông may mắn gặp ngay chính đức Phật đang
đi thiền hành. Sau khi hỏi biết mình đã gặp Phật, ông vô cùng mừng rỡ,
lễ bái cung kính và được Phật mời vào tinh xá.
Sau khi được tiếp chuyện với Phật, ông liền kể lại chuyện đêm qua mình
không ngủ và thao thức chờ đi gặp Phật. Đức Phật liền bảo ông rằng:
“Đêm rất dài với kẻ không ngủ, đường rất dài với người bộ hành mệt mỏi,
và vòng luân hồi luôn dằng dặc khép kín với kẻ ngu si không học được
diệu pháp.”
Vốn là một bậc thiện tri thức, vừa nghe qua câu nói này, ông Tu-đạt đã
thoáng thấy được ánh sáng chân lý. Ông hiểu là mình đã tìm gặp được bậc
đạo sư với trí tuệ siêu việt hơn hẳn mọi tri thức thông thường của người
đời. Ông sụp lạy xin được quy y làm đệ tử Phật.
Sau đó, Tu-đạt từ biệt trở về để giúp người anh vợ chuẩn bị cho buổi lễ cúng dường trưa hôm đó.
Sau lễ cúng dường, Tu-đạt lại được nghe Phật thuyết pháp. Ông thấy tâm
trí mình như bừng sáng và có một niềm an lạc, thanh thản khó tả. Ông
liền quỳ xuống thỉnh Phật và chư tăng ngày mai đến dự lễ cúng dường do
chính ông tổ chức tại nhà người anh vợ này. Phật nhận lời.
Hôm sau, Tu-đạt cúng dường Phật và chư tăng xong, liền quỳ thưa rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Kinh đô Xá-vệ là một đô thị lớn. Nhân dân ở đó sẽ vô
cùng biết ơn nếu như Phật và chư tăng dời bước đến nơi ấy để thuyết giáo
một thời gian.”
Phật nhận lời và hỏi:
“Nơi ấy có chỗ nào thuận tiện cho chư tăng cư trú chăng?”
Ông liền mạnh dạn đáp rằng:
“Hiện nay thì không, nhưng con có thể lo liệu được việc ấy.”
Và ông lập tức sắp xếp quay về để chuẩn bị chỗ cư trú cho Phật và chư
tăng khi đến Xá-vệ. Ông cũng thưa với Phật xin được thỉnh đại đức
Xá-lỵ-phất cùng đi để hướng dẫn ông trong việc xây dựng tinh xá.
Về đến Xá-vệ, ông Tu-đạt suy nghĩ thấy không có nơi nào thuận tiện cho
bằng khu vườn của thái tử Kỳ-đà nằm cạnh kinh đô. Nơi đây rộng rãi,
thoáng mát, khung cảnh thiên nhiên vẫn được bảo tồn, mà lại rất gần gũi
kinh thành. Thật thuận tiện để làm nơi cho Phật và chư tăng cư ngụ mà
giáo hóa nhân dân. Ông liền có ý định mua khu vườn ấy mà làm chỗ xây
dựng tinh xá.
Khi ông đến gặp thái tử Kỳ-đà và tỏ ý muốn mua khu vườn ấy, thái tử liền cười mà nói:
“Ta nào có thiếu thốn tiền bạc chi mà đến nỗi phải bán khu vườn ấy?
Nhưng nếu ông muốn mua thì hãy mang vàng mà lót kín mặt đất, ta sẽ bán
cho.”
Tu-đạt nói ngay:
“Tôi đồng ý. Ngay hôm nay tôi sẽ mang vàng đến.”
Thái tử vừa ngạc nhiên vừa hốt hoảng, vì thật lòng ngài không muốn bán
khu vườn ấy, chỉ muốn nói đùa thôi. Vì ngài nghĩ đó là một giá quá cao
mà không ai có thể chấp nhận được. Thái tử liền nói:
“Ta chỉ đùa thôi. Sao ta lại đi bán khu vườn ấy?”
Tu-đạt nghiêm nét mặt mà rằng:
“Thưa ngài, ngài là bậc quyền quý, chẳng thể nói chơi. Nay ngài đã ra
giá, và tôi chấp nhận mua giá ấy, thì không thể nói là không bán được.”
Khi ấy có một vị đại quan của triều đình đang có mặt ở đó, cũng nói vào:
“Thưa điện hạ, ngài là bậc sẽ đứng đầu thiên hạ, lời nói không thể xem nhẹ.”
Thái tử không biết nói sao, đành thuận bán. Nhưng ngài rất thắc mắc,
không hiểu vì sao mà Tu-đạt lại hối hả muốn mua khu vườn của mình với
một giá quá cao như thế.
Hôm sau, thái tử thân hành đi xem. Quả thật, Tu-đạt đã cho người dùng xe
chuyển vàng đến lót khắp vùng. Thái tử đứng nhìn, suy nghĩ:
“Để ta xem có thật ngươi bỏ ra số vàng lớn như thế mà không hối tiếc chăng?”
Đến chiều thì đâu đó lót xong, nhưng còn một khu đất nhỏ nữa chưa đủ
vàng. Tu-đạt đứng yên ra chiều suy nghĩ. Thái tử thấy vậy thì liền bật
cười mà nói rằng:
“Ta biết thế nào ngươi cũng hối tiếc mà. Nhưng bây giờ hãy còn chưa
muộn, ta cho phép ngươi lấy lại số vàng mà hủy bỏ việc mua bán đó.”
Tu-đạt nói:
“Ngài lầm rồi. Tôi thật không hề hối tiếc. Chỉ đang tính xem phải chở bao nhiêu vàng nữa thì vừa hết chỗ đất trống này đó thôi.”
Bấy giờ, thái tử thật sự ngạc nhiên, liền đến hỏi nguyên do mua đất.
Tu-đạt thành thật kể lại việc mình gặp Phật nơi thành Vương-xá, được
nghe ngài giảng thuyết đạo lý như thế nào, và việc mình thỉnh Phật đến
thành Xá-vệ để thuyết pháp cho bá tánh nơi đây, nên cần chỗ xây cất tinh
xá cúng dường Phật.
Thái tử nghe qua liền trầm ngâm suy nghĩ. Ngài nghĩ rằng:
“Người này vốn là một nhà buôn, phải khó nhọc lâu năm mới trở nên giàu
có. Nay ông ta không tiếc mà bỏ ra cả một số vàng rất lớn, lại nhiệt tâm
trong việc thỉnh Phật như thế, chắc hẳn đức Phật phải là một bậc siêu
phàm xuất thế chứ không thể tầm thường. Lẽ nào ta lại không biết góp
phần cùng người mà làm cái việc rất nên làm này.”
Nghĩ vậy rồi, thái tử liền nói với Tu-đạt:
“Ngươi không cần phải chở thêm vàng nữa, bấy nhiêu đó là đủ rồi. Phần
còn lại xem như ta góp vào mà cúng dường Phật. Hơn nữa, tất cả cây cối
trong vườn này, thay vì ta có quyền đốn bỏ đi hoặc bán cho người khác,
nay ta xin cúng dường luôn vào việc xây dựng tinh xá, để giữ cho phong
cảnh ở đây được tươi đẹp như cũ.”
Tu-đạt nghe vậy rất mừng, liền lo xúc tiến việc xây dựng tinh xá.
Vì có sự kết hợp như trên, nên người ta gọi khu vườn này là “Kỳ thọ Cấp
Cô Độc viên”, nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, còn cây của thái tử
Kỳ-đà.
Tinh xá được xây dựng xong gọi tên là tinh xá Kỳ Viên, trở thành một
trung tâm quan trọng, nơi Phật giảng thuyết nhiều bộ kinh và hóa độ cho
rất nhiều người.
Công việc xây dựng tiến hành gấp rút, mỗi ngày có hơn 100 người thợ, kéo dài hơn bốn tháng thì hoàn tất.
Ông Tu-đạt liền cho người sang thành Vương-xá báo tin và đồng thời thỉnh
Phật với chư tăng. Phật nhận lời và chừng hai tháng sau thì ngài với
mấy trăm vị sa-môn cùng đến tinh xá Kỳ Viên.
Phật thuyết pháp ở tinh xá Kỳ Viên chưa bao lâu thì đã có đến 60 vị trí
thức danh tiếng trong thành Xá-vệ xin xuất gia theo Phật.
39. VUA BA-TƯ-NẶC TIN PHẬT
Phật nhận lời thỉnh của ông trưởng giả Tu-đạt, đến thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Viên, gần kinh đô Xá-vệ, nước Kiều-tất-la.
Thái tử Kỳ-đà có nhân duyên góp phần trong việc cúng dường tinh xá, khi
được nghe Phật thuyết pháp càng thêm tín ngưỡng, thường đến tinh xá nghe
giảng đạo.
Hoàng hậu là người có thiện tâm, được nghe Phật thuyết pháp rồi cũng trở
nên sùng đạo rất mực. Bà thường đến nghe pháp và cúng dường Phật với
chư tăng nơi tinh xá.
Không bao lâu, những người trong hoàng tộc cũng noi gương hoàng hậu và
thái tử mà theo về quy y Phật, nghe Phật giảng đạo, số lượng rất đông.
Vua Ba-tư-nặc trị vì xứ Kiều-tất-la là người tánh khí cương trực, công
bằng, lại thông minh, dũng mãnh hơn người. Vua nghe nhiều người bàn tán
về chuyện đức Phật đến thuyết pháp ở thành Xá-vệ, và cũng biết việc
hoàng hậu với thái tử rất mực tin Phật. Vua tự mình suy nghĩ rằng:
“Ta nghe vị sa-môn ấy chỉ mới 35 tuổi mà đắc đạo, thật rất khó tin.
Chính ta đã từng thăm viếng biết bao nhiêu vị đạo sư đáng kính ở khắp
nơi trong nước. Vị nào cũng phải đến tóc bạc da nhăn mới có thể làm thầy
mà dắt dẫn người khác. Ta lại nghe nói vị sa-môn này trí tuệ phi
thường, hơn hẳn các bậc lão sư kia. Điều đó lại càng khó tin hơn.”
Vua nghĩ như vậy, nên quyết định tự mình đi gặp Phật để xác nhận những điều đã nghe.
Ngày kia, vua một mình đi đến tinh xá Kỳ Viên. Sau khi chào hỏi, vua
được Phật tiếp chuyện trong một căn phòng nhỏ rất đơn sơ. Vua không chờ
đợi lâu, liền nêu thẳng vấn đề mà mình đang thắc mắc:
“Bạch đại đức! Theo ngài thì người ta phải đến tuổi nào mới có thể đạt được sự chứng ngộ chân lý?”
Phật mỉm cười hiền từ, thong thả trả lời:
“Đại vương! Sự giác ngộ không phụ thuộc vào tuổi tác, mà là do nơi công
phu tu tập hành trì. Điều quan trọng hơn hết là phải đi đúng đường,
nghĩa là phải biết được phương pháp tu tập đúng đắn, chân chính. Khi đã
đi đúng đường và có sự nỗ lực tinh tấn, dù một người ít tuổi cũng có thể
đạt được trình độ giác ngộ cao hơn những người nhiều tuổi.
Đại vương! Ở đời có những khi thấy sự việc nhỏ mà không được khinh
thường. Ví dụ như vị thái tử còn nằm nôi, như con rắn nhỏ, như đốm lửa
than, như vị tu sĩ trẻ. Tại sao vậy? Vị thái tử còn nằm trong nôi, nhưng
đã mang dòng máu đế vương trong người, mai sau sẽ là vị hoàng đế lẫm
liệt mà cai trị thiên hạ. Con rắn nhỏ nhưng nọc độc chết người, có thể
gây tai họa thảm khốc. Đốm lửa than nếu rơi đúng chỗ có thể gây nên đám
cháy thiêu rụi cả cánh rừng. Vị tu sĩ trẻ nếu nỗ lực đúng hướng có thể
đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn.”
Vốn là người thông minh, vua nhận ra ngay tính hợp lý và xác đáng trong
lời giải thích cũng như những ví dụ mà Phật vừa đưa ra. Vua thầm kính
phục vị sa-môn trẻ này quả là trí tuệ hơn người.
Liền đó, vua lễ bái Phật và xin được thưa hỏi những chỗ thắc mắc sâu kín từ lâu nay. Phật chuẩn thuận.
Rồi Phật giải đáp hết thảy những chỗ nghi vấn mà vua đưa ra, giảng giải
cho vua thấy được con đường chân chánh dẫn đến một đời sống cao đẹp,
thánh thiện. Vua hết sức kính phục và từ tạ ra về.
Từ đó về sau, vua Ba-tư-nặc quy y Phật và trở thành một vị quốc vương hộ pháp, hết lòng sùng bái đạo Phật.
40. VUA CHA BĂNG HÀ
Ngày kia, đức Phật đang ở trong một cảnh rừng lớn gần thành Tỳ-xá-ly
thì có người mang tin từ kinh Ca-tỳ-la-vệ đến. Người mang tin lần này
chính là hoàng thân Ma-ha-na-ma, người anh ruột của hoàng thân
A-na-luật mà trước đó đã xuất gia theo Phật.
Ma-ha-na-ma đến để báo tin rằng vua Tịnh-phạn đang bệnh nặng. Ngài rất
yếu và mong được thấy mặt con trước khi băng hà. Hoàng thân đi đến bằng
xe ngựa, và muốn đón Phật cùng đi trên xe ngựa trở về cho nhanh.
Đức Phật cùng các ông A-na-luật, Nan-đà, A-nan và La-hầu-la tức tốc lên
đường đi Ca-tỳ-la-vệ. Khi ấy có 200 vị tỳ-kheo quê ở Ca-tỳ-la-vệ cũng
lên đường đi theo.
Vừa về đến hoàng cung, Phật đi thẳng vào chỗ vua Tịnh-phạn đang nằm. Vua
rất yếu, nhưng nghe biết đức Phật đã về thì có vẻ tươi tỉnh, dường như
hồi sức lại.
Phật cầm lấy tay vua và khuyên đừng sợ sệt cái chết đến. Vua rất bình
thản mà nói rằng, trong những ngày cuối cùng này vua rất thấm thía ý
nghĩa vô thường của cuộc sống, và vua rất mừng vì hoàng tộc có được một
người con giác ngộ, mang đạo giải thoát đến cho tất cả mọi người.
Khi ấy, Phật khai diễn các chỗ pháp yếu cho vua nghe. Ngài chỉ ra rằng
sự tan rã của xác thân không phải là đoạn diệt, mà là mở ra một đời sống
khác. Với những thiện nghiệp mà vua đã tạo ra trong suốt cuộc đời mình,
thần thức vua chắc chắn sẽ tái sinh vào một nơi an lạc, thanh thoát. Vì
thế, vua không cần phải luyến tiếc, bám víu gì nơi cõi trần thế này.
Nghe những lời Phật nói, vua tỏ ý hết sức vui mừng.
Khi ấy, hoàng thân Ma-ha-na-ma liền quỳ trước vua mà xin cho lập Nan-đà
lên kế vị. Ông hứa sẽ hết lòng phò tá cho Nan-đà. Vua tỏ ý không hài
lòng, vì ngài không muốn Nan-đà bỏ cuộc sống xuất gia mà trở về thế tục.
Phật liền đề nghị hoàng thân Ma-ha-na-ma lên kế vị, vì Phật biết tâm
tính ông này rất tốt, sẽ có thể là một vị vua sáng suốt. Khi ấy, tất cả
các quan trong triều và mọi người trong hoàng tộc đều tán thành ý kiến
đó. Vua Tịnh-phạn cũng rất vui mà chấp thuận. Đức Phật lại hứa với vua
là sẽ ở lại kinh thành một thời gian để giúp ổn định mọi việc sau khi
vua băng hà.
Khi ấy, vẻ mặt vua trở nên vô cùng thanh thản, thư thái. Vua mỉm cười rồi nhắm mắt băng hà.
Phật tự thân đứng ra lo tổ chức tang lễ cho vua cha rất trang nghiêm và ở
lại Ca-tỳ-la-vệ trong ba tháng nữa để an ủi những người trong hoàng
tộc.
Trong dịp này, hoàng hậu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, tức là dì ruột của Phật, và
cũng là người nuôi nấng ngài từ thuở nhỏ, phát nguyện xuất gia. Bà cùng
với một số phụ nữ khác cũng có tâm nguyện xuất gia, tìm đến tinh xá nơi
Phật đang cư ngụ mà bày tỏ ý nguyện.
Cho đến lúc đó, tăng đoàn của Phật chưa có người phụ nữ nào xuất gia tu
học. Phật cũng không có ý định nhận cho phụ nữ xuất gia, vì ngài nhận
thấy tính chất khó khăn của cuộc sống không nhà, lang thang khất thực
rày đây mai đó không thích hợp với người phụ nữ, và trong số nữ giới
cũng ít ai có đủ nghị lực mà vượt qua những khó khăn đó.
Vì thế, Phật không nhận lời cho bà dì xuất gia.
Bà kiên trì thưa thỉnh ba lần. Nhưng đức Phật vẫn không chấp thuận.
Bà buồn bã quay về, nhưng trong lòng vẫn không bỏ ý định xuất gia.