Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Truyện Phật Thích Ca
Đoàn Trung Còn
29/10/2554 06:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

41. BÀ DÌ XIN XUẤT GIA

Khi Phật còn lưu lại thành Ca-tỳ-la-vệ, bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã ba lần xin Phật xuất gia, nhưng Phật đều từ chối.

Bà vẫn không bỏ ý định xuất gia. Bà lấy làm buồn rầu lắm, nên không mặc những y phục tốt đẹp nữa. Bà lấy hết đồ nữ trang quý giá mà ban phát cho các cô hầu. Và đối với ai bà cũng khiêm nhượng, từ ái.

Bà muốn tự chứng tỏ là mình cũng có thể sống cuộc sống xuất gia khắc khổ như nam giới.

Một thời gian sau, khi Phật đã trở lại thành Tỳ-xá-ly, bà liền tự ý cắt tóc, mặc đồ rất thô sơ, đi bộ chân trần mà tìm đến thành Tỳ-xá-ly, cùng với 50 người phụ nữ khác cũng có tâm nguyện xuất gia.

Khi lên đường, họ không mang theo bất cứ vật thực gì khác, ngoài một cái bát để xin cơm. Họ vừa đi vừa khất thực dọc đường, theo đúng cung cách của các vị tỳ-kheo.

Khi đến nơi, chân họ sưng phù lên, đau nhức, người mệt lả, nhưng họ vẫn đến thẳng trước tinh xá của Phật mà đứng.

Ngài A-nan khi ấy đã là thị giả của Phật, vừa đi đến gặp bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề với đoàn người của bà trong tình cảnh ấy thì hết sức ngạc nhiên, liền hỏi rằng:

“Bẩm nương nương! Tại sao bà lại đến đây? Tại sao các bà lại ăn mặc như thế này? Bà đến đứng trước cửa tinh xá để làm gì?”

Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề đáp:

“Chúng tôi đến đây để cầu xin Phật cho xuất gia, nhưng tôi không dám vào. Vì khi ở thành Ca-tỳ-la-vệ tôi đã ba lần thưa xin mà Phật không thuận. Nay chúng tôi đi bộ chân trần, vượt đường xa mà đến đây là muốn chứng tỏ rằng phụ nữ cũng có thể chịu đựng được những khó nhọc như nam giới, kính mong đức Phật thuận cho chúng tôi xuất gia.”

Ngài A-nan vô cùng cảm động trước cảnh tượng đó và cũng hết sức cảm phục ý chí của những phụ nữ này. Ngài hứa sẽ vào thưa xin với Phật giúp cho họ.

Ngài A-nan vào ra mắt Phật, thưa hỏi rằng:

“Bạch đức Thế Tôn, nếu một người phụ nữ tu hành chân chánh, họ có thể chứng đắc các quả vị giải thoát được chăng?”

Phật đáp: “Được.”

Ngài A-nan liền hỏi tiếp:

“Thế thì tại sao Phật không thuận cho nữ giới xuất gia?”

Đức Phật lặng thinh không đáp.

Ngài A-nan lại thưa rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nhũ mẫu đáng kính của ngài, hiện đã đến đây, đang đứng trước cổng tinh xá này. Bà cùng với 50 phụ nữ khác đều có ý nguyện xuất gia. Các vị đã đi chân trần từ Ca-tỳ-la-vệ đến đây. Các vị đã thực hành đời sống không nhà, khất thực ăn theo đường mà đến đây. Bây giờ, tất cả đều mỏi mệt, rã rời, nhưng vẫn không nghỉ, đang đứng chờ trước cổng để cầu xin Phật thuận cho xuất gia.

“Bạch Thế Tôn! Bà ấy thật là người phụ nữ đáng kính phục. Thuở ngài còn thơ dại, bà thương yêu như con ruột. Lo lắng, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho ngài. Bà cũng hết lòng mà phụng sự đức vua Tịnh-phạn cho đến lúc băng hà. Nay bà nhận ra chân lý của đạo ngài mà phát nguyện tu theo. Nguyện vọng ấy rất chính đáng, xin Phật ưng thuận cho.”

Ngài A-nan nói rất hay. Trước ngài chứng minh ý chí xuất gia, chịu đựng gian khổ của các bà, sau lại đem tình cảm mẹ con từ thuở nhỏ mà nhắc với Phật, chính là điều Phật đã suy nghĩ nhiều nhất, nên Phật không thể chối từ được nữa.

Không phải đức Phật không biết những điều mà A-nan vừa nói. Nhưng ngài hiểu rằng nếu để tình cảm riêng tư lấn át việc đại sự thì về sau này sẽ hại nhiều hơn lợi.

Vì thế, về sau Phật mới nói với A-nan rằng:

“Này A-nan! Không phải ta không muốn cho nữ giới xuất gia. Nhưng ta biết nếu thuận cho nữ giới bước vào tăng đoàn thì thời gian chánh pháp trụ thế sẽ giảm mất đi 500 năm. Như vậy là một điều thiệt thòi rất lớn cho những chúng sanh sau này vậy.”

Trở lại việc khi ấy, Phật bảo A-nan rằng:

“Được, ta thuận cho các vị ấy xuất gia, nhưng với điều kiện là phải chấp nhận những giới luật khắt khe hơn nam giới. Và trước mắt phải chấp nhận 8 điều cung kính như sau:

“Thứ nhất, tỳ-kheo ni dù lớn tuổi hoặc tu lâu đến đâu, cũng đều phải chào hỏi cung kính đối với một vị tỳ-kheo tăng, cho dù vị ấy còn nhỏ tuổi hoặc chỉ mới thọ giới.

“Thứ hai, hàng năm vào mùa an cư, tỳ-kheo ni phải đến gần nơi tỳ-kheo tăng an cư để nương nhờ sự giáo huấn.

“Thứ ba, hàng tháng tỳ-kheo ni phải giữ đủ hai kỳ bố-tát, và phải thỉnh vị đại diện của tỳ-kheo tăng đến mà ban lời giáo huấn, khích lệ cho.

“Thứ tư, vào cuối mùa an cư hàng năm, tỳ-kheo ni phải dự lễ tự tứ, cầu xin các vị tỳ-kheo tăng và các tỳ-kheo ni khác chỉ lỗi của mình ra để sám hối, tu tập.

“Thứ năm, khi tỳ-kheo ni phạm vào giới luật thì phải sám hối trước cả nhị bộ tăng, tức là có đủ tỳ-kheo và tỳ-kheo ni chứng giám.

“Thứ sáu, nữ giới trước khi xuất gia phải có một thời gian tập sự, thử thách, và khi xuất gia thọ đại giới thì phải cầu đủ nhị bộ tăng.

“Thứ bảy, tỳ-kheo ni không được phép nói lỗi của tỳ-kheo tăng, cũng không được chỉ trích những chỗ yếu kém.

“Thứ tám, tỳ-kheo ni dù uyên bác, thông hiểu đến đâu cũng không được giảng dạy cho tỳ-kheo tăng.”

Ngài A-nan vâng lời Phật, ra ngoài tuyên đọc các điều kiện ấy cho bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 50 vị kia cùng nghe.

Các bà mừng đến rơi nước mắt, xin hứa sẽ chấp nhận tất cả những điều kiện đó và thọ trì suốt đời.

Khi A-nan vào thưa lại rằng các bà chấp nhận thọ trì các pháp cung kính ấy và giới luật tỳ-kheo ni cho đến trọn đời. Phật liền hoan hỷ nhận cho tất cả được xuất gia.

Khi ấy, Phật sai bố trí nơi riêng biệt trong một khu vườn xoài để các vị tu tập, và sai đại đức Xá-lỵ-phất đến chỉ dạy đạo lý.

Giáo đoàn tỳ-kheo ni gồm 51 vị, do bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề đứng đầu, là giáo đoàn tỳ-kheo ni đầu tiên trong lịch sử.

Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề là vị Ni trưởng đầu tiên hết. Bà tu tập rất tinh tấn, đạt những kết quả tiến bộ rõ rệt. Bà thọ đến 120 tuổi, và khi bà viên tịch, chính đức Phật cũng có lời ngợi khen bà rằng:

“Xuất gia tu đạo và chứng đắc thánh quả là việc làm của đấng trượng phu. Nhưng bà dì của ta đã làm được việc ấy, bà cũng xứng đáng gọi là đấng trượng phu vậy.”

42. NGƯỜI TỚ GÁI CÚNG PHẬT

Khi ấy, Phật đang ở tinh xá Kỳ Viên, gần thành Xá-vệ.

Trong thành có một thiếu nữ con nhà nghèo khó, bị cha mẹ bán đi làm đầy tớ mãi mãi cho một nhà kia.

Hôm ấy, cô tớ gái này mang cơm ra ruộng cho chủ. Trên đường, cô gặp Phật đang đi khất thực. Vừa trông thấy dáng Phật từ xa, cô bỗng thấy trong lòng hoan hỷ, vui mừng một cách kỳ lạ.

Cô suy nghĩ rằng:

“Vị sa-môn này chắc chắn là đức Phật rồi. Ta đã từng nghe biết bao người xưng tụng về ngài, tán thán đức độ, trí tuệ của ngài. Nhưng làm thân tôi tớ như ta đâu có dịp nào được tận mắt nhìn thấy ngài. Hôm nay quả là dịp may muôn thuở, ta đã được nhìn thấy ngài trên đường này rồi. Ta phải đến gần ngài, lễ bái ngài mới được.”

Nghĩ vậy rồi, cô liền rảo bước đến gần Phật. Trong khi ấy, cô lại nghĩ:

“Ước chi ta có được vật gì để cúng dường ngài. Thân ta làm tôi tớ, đến miếng ăn cũng phải nhờ nơi chủ, biết lấy gì mà cúng dường ngài.”

Bỗng cô chợt nhớ đến bát cơm mang ra ruộng cho chủ. Cô liền suy nghĩ:

“Sẵn bát cơm này, hay ta mang đến cúng dường ngài. Nếu ta làm việc này chắc sẽ bị chủ quở phạt nặng nề, còn đánh đập nữa không chừng. Nhưng dù vậy ta cũng lấy làm vui lắm, vì suốt cuộc đời tôi tớ của ta, đâu dễ có được một dịp may nào khác mà cúng dường ngài.”

Cô suy nghĩ như vậy rồi thì quyết lòng dâng cơm cúng Phật. Vừa khi ấy thì cô đến gần đức Phật.

Cô đến trước Phật, lấy hết lòng thành kính mà lễ bái. Khi ấy cô không còn biết đến gì khác ngoài việc lễ Phật. Cô không lo lắng về việc sẽ bị quở phạt, cô cũng không còn nhớ đến thân phận tôi tớ hèn hạ của mình. Cô chỉ một lòng thành kính lễ Phật.

Lạ thay, khi cô lễ Phật xong thì trong tâm trí cô bỗng tràn ngập một niềm vui sướng đến lạ thường. Cô chưa từng cảm nhận được một niềm vui như thế trong đời. Và cô vui đến nỗi khuôn mặt cô bừng sáng, rạng rỡ niềm vui ấy. Cô liền hết sức thành kính và thanh thản mà dâng cơm lên cho Phật.

Phật thọ nhận lễ cúng dường của cô xong, cô liền từ biệt mà đi đến chỗ người chủ.

Người chủ hỏi cơm đâu, cô thành thật mà kể lại sự việc mình mang cơm cúng Phật, và nói rằng mình sẵn lòng nhận mọi sự trách mắng, quở phạt.

Nhưng người chủ đã nhận thấy phong thái của cô hôm nay rất ung dung khác thường. Cô không có dáng vẻ rụt rè, sợ sệt, u tối như thường ngày. Trông cô lại rạng rỡ, vui sướng như người vừa được món châu báu quý giá nhất trên đời này vậy.

Người chủ không trách phạt cô. Ông nói:

“Không, ta không phạt em đâu. Em đã khôn ngoan hơn cả ta đây. Em không sở hữu một món gì trong người, mà còn phát tâm cúng dường cho Phật được một bữa cơm, không sợ đòn roi, trách mắng. Nhờ phước ấy ta thấy em thanh thản, vui vẻ ngay trong hiện tại. Còn ta đây, giàu có hơn em nhiều mà chưa từng làm được việc có ý nghĩa như thế. Rồi đây ta sẽ noi gương em mà cúng dường Phật. Còn bây giờ, ta tuyên bố trả tự do cho em. Em xứng đáng được thoát khỏi đời nô lệ. Em được quyền muốn đi đâu, làm gì tùy ý.”

Cô gái vui mừng hớn hở, chào chủ nhà mà nói rằng:

“Nếu ông đã cho phép, tôi sẽ đến tinh xá Kỳ Viên mà cầu đức Phật nhận tôi làm đệ tử.”

Người chủ vui vẻ chấp nhận. Cô gái đến tinh xá Kỳ Viên, được Phật nhận cho xuất gia, theo ni chúng mà tu tập. Cô nghe Phật thuyết pháp và chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán, trở thành một trong những vị cao quý nhất của chúng tỳ-kheo ni.

43. ƯƠNG-QUẬT-MA-LA CẢI TÀ QUY CHÁNH

Thành Xá-vệ có một thanh niên tư chất khác thường, tên là Vô Hại.

Anh sinh ra trong một gia đình trung lưu, vốn thông minh và có sức khỏe hơn người. Khi lớn lên, anh luôn khắc khoải tìm hiểu về ý nghĩa cuộc sống, nhưng vẫn còn bế tắc, chưa tìm được chỗ nương tựa tâm hồn vững chắc.

Không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, với tâm trạng bế tắc anh lên đường tìm thầy học đạo. Anh đến với một vị đạo sư nọ, cũng có khá đông môn đệ.

Nhờ thông minh và có quyết tâm học hỏi để mong giải quyết được những thắc mắc của mình, nên anh học rất nhanh. Nhập môn chưa bao lâu mà mọi lý lẽ do thầy truyền dạy, anh đều tiếp thu nhanh chóng hết.

Các môn đồ cũ thấy vậy liền đem lòng ganh ghét, họ sợ anh sẽ chiếm được lòng yêu của thầy rồi vượt lên trên bọn họ. Vì thế, họ đem lời gièm pha, nói xấu anh với vị tôn sư.

Sự đời đối với những kẻ tầm thường vẫn thế, vị tôn sư ấy dẫu nghe một lần thì chẳng tin, nhưng cứ nghe mãi rồi cũng sinh lòng nghi, mà cho anh là tên phản đồ.

Nhưng Vô Hại đã thông minh lại có sức khỏe, nên chẳng dễ gì hại được đến anh.

Bọn ác đồ kia liền bàn với thầy rằng:

“Muốn trừ Vô Hại ra khỏi môn phái ta, có một mưu kế này. Thầy hãy nói với hắn ta là thầy còn nhiều điều huyền bí, cao siêu chưa dạy hết. Nếu hắn ta có thể dâng cho thầy một xâu chuỗi kết bằng 100 lóng ngón tay của 100 người khác nhau thì thầy sẽ giảng dạy bí pháp cho. Muốn chặt lấy ngón tay người khác, tất nhiên hắn phải giết người hoặc đánh nhau chí tử mới được. Như vậy, chỉ trong ít lâu, thế nào hắn cũng bị người khác giết mất mà thôi. Thầy trò ta khỏi phải mang tiếng giết người vậy.”

Ông thầy ấy cũng thuộc loại tà sư, nên nghe lời ấy, liền nói với Vô Hại như vậy.

Vô Hại vốn tin lời thầy, liền nai nịt, cầm vũ khí, tới một chỗ đường vắng mà mai phục, chờ có người đi ngang qua thì đón lấy mà chặt ngón tay.

Qua ít lâu thì anh đã được chừng vài chục lóng ngón tay. Trong số đó, có người bị anh giết, có người chỉ bị chặt ngón tay thôi. Vì anh không chủ đích giết người, nhưng có khi người kháng cự mạnh quá thì anh buộc phải giết.

Tiếng đồn ra khắp nơi, người ta gọi anh là Ương-quật-ma-la, nghĩa là người đeo vòng hoa kết bằng lóng ngón tay. Đoạn đường có mặt anh không còn ai dám đi lại nữa.

Túng thế, anh phải chuyển sang đi rình rập nhiều nơi khác, và trở thành nỗi kinh hoàng cho nhân dân trong thành.

Vua Ba-tư-nặc đã nghe báo sự việc và cho quân tìm bắt. Nhưng anh ta rất khôn ngoan, trốn tránh tài tình lắm. Hơn nữa, thấy anh ta hung dữ, lại vô cớ tìm giết người như thế nên quân binh đều sợ hãi, chỉ tìm kiếm qua loa. Họ sợ rủi gặp mà đánh không hơn anh thì phải chết uổng mạng.

Đang khi ấy, đức Phật vẫn đi khất thực ở khắp mọi nơi trong thành như thường lệ. Ngài không lộ vẻ gì sợ sệt như hết thảy dân chúng trong thành.

Ngày nọ, ngài đang đi khất thực trên một con đường ở phía Nam thành Xá-vệ thì có người đến báo:

“Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài đừng đi tiếp con đường này nữa. Sáng nay có người thấy Ương-quật-ma-la xuất hiện ở đó.”

Phật cười hiền hòa, cảm ơn người ấy và nói:

“Nơi xóm ấy có người đang chờ để được cúng dường ta, ta không thể không đến.”

Rồi ngài vẫn tiếp tục tiến bước, như không có gì xảy ra.

Những người dân thành Xá-vệ hẳn không thể biết được rằng khi còn niên thiếu ngài đã từng vô địch về tất cả các môn võ nghệ, quyền cước.

Đến một quãng vắng, ngài bỗng nghe có tiếng hô rất dữ tợn:

“Dừng lại!”

Ngài vẫn đều đều tiến bước.

“Dừng lại!”

Tiếng hô lớn bây giờ đã thành một tiếng quát rất to, có thể làm chấn động lòng người. Nhưng Phật vẫn thản nhiên tiến bước.

Quả đúng là Ương-quật-ma-la. Anh ta xách một con đao to, đã đuổi theo đến gần Phật và hét lớn:

“Ông kia, ta bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?”

Phật vẫn không quay lại, nhưng ngài cất giọng trong trẻo nói đủ cho anh ta nghe từng tiếng:

“Ta đã dừng lại lâu lắm rồi.”

Và bỗng nhiên, Ương-quật-ma-la không làm sao bắt kịp ngài. Trước mặt, anh thấy rõ vị sa-môn hiền hòa đếm từng bước chân rất thong thả, nhưng anh đã cố chạy nhanh hết sức mình mà không sao đuổi kịp.

Trước sự việc ấy, và nghe câu trả lời khó hiểu của Phật, Ương-quật-ma-la bỗng nhiên thấy đầu óc hoang mang kỳ lạ. Anh ta vừa thở hổn hển vì mệt, vừa nói:

“Dừng lại, tôi xin ngài dừng lại.”

Và bây giờ thì đức Phật thực sự dừng bước, quay lại từ hòa nhìn anh, không có chút gì bối rối hay sợ hãi.

Ương-quật-ma-la đã mất hết vẻ hung hãn. Anh đến trước Phật, dừng một chút rồi hỏi:

“Ngài là ai? Vì sao ngài vẫn đi rất nhanh mà nói là đã dừng lại từ lâu rồi? Câu nói ấy thực ra có ý nghĩa gì?”

Đức Phật biết là đã đến lúc có thể giáo hóa cho Ương-quật-ma-la, ngài liền nói:

“Ta là ai điều đó không quan trọng. Ta nói với anh như thế là vì ta đã dừng việc tạo ra ác nghiệp từ lâu lắm rồi. Chỉ có anh vẫn còn chưa dừng đó thôi.”

Câu nói này làm cho Ương-quật-ma-la cảm thấy bối rối, sợ hãi. Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy như mình đã gặp được điều mà từ lâu ra công tìm kiếm.

Phật ôn tồn nói tiếp:

“Trên đời này, bất cứ ai cũng đều tham sống, sợ chết. Vì thế mà mạng sống là rất đáng quý. Người ta nói anh là một kẻ sát nhân, nhưng ta không tin là anh cố ý giết người. Phải chăng anh có những nguyên nhân, động lực sâu xa nào đó nên phải làm chuyện không nên làm ấy? Anh có thể cho ta biết nguyên nhân dẫn đến việc làm của anh chăng?”

Ương-quật-ma-la liền kể cho Phật nghe mọi việc. Phật nói:

“Này anh bạn, nếu vì muốn hiểu được chân lý trong cuộc đời mà phải giết người, chặt ngón tay người, thì cuộc sống này sẽ như thế nào? Như vậy, anh có nghĩ là mọi người sẽ yêu thích, kính trọng loại chân lý theo kiểu đó chăng?”

Ương-quật-ma-la như chợt bừng tỉnh ngộ. Anh hiểu là mình đã gặp được bậc đạo sư từ lâu tìm kiếm. Anh hỏi:

“Thưa ngài, vậy theo ngài thì làm thế nào để hiểu được chân lý trong cuộc đời này?”

Đức Phật đáp:

“Điều mà tất cả mọi người đều nhắm đến trong cuộc sống là hạnh phúc. Chân lý đơn giản nhất là làm sao để đạt được hạnh phúc một cách chân thật, về lâu dài cũng như ngay trong giây phút hiện tại này.

“Khi anh hung hăng đuổi theo ta, lúc ấy anh không có hạnh phúc. Khi ta lấy lòng từ bi mà tiếp chuyện cùng anh, ta đang có hạnh phúc.

“Cũng vậy, cuộc sống chân chính theo con đường mà bậc thánh đã tìm ra và chỉ dạy sẽ đưa đến hạnh phúc trong hiện tại và lâu dài mai sau. Người biết tin nhận và sống theo con đường chân chính ấy là người hiểu được chân lý.”

Vốn rất thông minh, Ương-quật-ma-la lãnh hội ngay những lời Phật nói. Anh quỳ xuống trước đức Phật, cung kính lễ bái và nói:

“Kính bạch ngài! Cho dù con vẫn chưa biết ngài là ai, nhưng điều đó quả là không quan trọng, như ngài đã nói. Chỉ bằng vào những điều ngài đã chỉ dạy, xin ngài vui lòng nhận con làm đệ tử, và truyền dạy con đường chân chánh để con noi theo.”

Khi ấy, có ba vị tỳ-kheo là A-nan, Kim-tỳ-la và Ưu-ba-ly vừa đến. Họ nghe Phật đi khất thực vào chỗ nguy hiểm nên vội đến vì sợ ngài bị hại.

Phật nhận Ương-quật-ma-la làm đệ tử, cùng theo về tinh xá Kỳ Viên. Bấy giờ, Ương-quật-ma-la mới biết là mình đã gặp Phật.

Dân chúng trong thành Xá-vệ đều xôn xao khi nghe tin Phật thu phục Ương-quật-ma-la. Nhiều người không tin, nhưng khi tất cả đều thấy anh đắp y vàng, mang bình bát đi khất thực cùng với chúng tỳ-kheo thì họ mới thật sự tin.

Vua Ba-tư-nặc nghe được chuyện ấy thì rất vui mừng, và càng thêm kính trọng Phật pháp.

Nhờ nỗ lực tu tập, không bao lâu sau Ương-quật-ma-la tiến bộ rất nhanh, nên được Phật cho đi khất thực một mình.

Có kẻ nhận ra ông là tên sát nhân ngày trước, bèn la lên: “Sư hổ mang! Sư hổ mang!” Rồi lấy đá mà ném ông chảy máu đầu, bể bình bát. Ông vẫn không kháng cự hoặc phàn nàn, chỉ lặng thinh quay về.

Phật biết chuyện, gọi Ương-quật-ma-la đến, dạy rằng:

“Đó là ác nghiệp con đã gieo, nay phải gánh lấy. Hãy nhẫn nhục, kiên trì tu tập, đừng gieo thêm hờn oán nữa. Rồi đây sẽ có lúc mọi người hiểu và kính trọng con.”

Quả thật, không bao lâu sau thì cả thành Xá-vệ đều hiểu được anh Ương-quật-ma-la ngày trước đã thật sự cải tà quy chánh.



44. NGOẠI ĐẠO BÀY MƯU HẠI PHẬT

Từ khi đạo Phật lan truyền ngày càng rộng rãi, thì dân chúng đa phần không còn tin vào giáo thuyết xằng bậy của các phái ngoại đạo nữa. Những kẻ cuồng tín theo ngoại đạo vì thế đâm ra căm ghét Phật, nhưng không biết làm cách nào để hãm hại.

Họ cho người ở rãi rác quanh vườn Cấp Cô Độc, mong tìm thấy được những chỗ sai sót, lỗi lầm của chư vị tỳ-kheo để mà công kích, phỉ báng. Nhưng đã lâu lắm rồi mà họ chẳng thấy được gì, vì các vị sống nghiêm trì giới luật, mọi hành vi hàng ngày đều oai nghi, mẫu mực.

Khi ấy, những kẻ ngoại đạo ác tâm này mới bàn mưu với nhau dùng một nữ tín đồ của họ tên là Sanh-ca để bôi nhọ Phật.

Âm mưu của họ là thế này. Mỗi ngày, vào giờ Phật thuyết pháp xong, những vị đến nghe giảng từ trong tinh xá Kỳ Viên lui ra, thì cô Sanh-ca lại đi tới vườn Cấp Cô Độc, mặc áo hồng lộng lẫy, hai tay cầm đầy hoa. Tình cờ có ai hỏi đi đâu, thì cô đáp theo lối úp úp, mở mở: “Hỏi mà làm gì?”

Rồi cô đến gần vườn cây, không đi vào tinh xá của Phật, mà chờ lúc vắng người rồi đi thẳng lại với bọn tà sư ngoại đạo, ở đó sáng đêm. Rạng đông cô trở lại cửa tinh xá, cố ý làm cho những tín đồ đi sớm gặp cô, rồi cô chậm bước đi về.

Có ai hỏi cô: “Đi đâu về sớm vậy?” Thì cô cũng đáp ỡm ờ rằng: “Hỏi mà làm gì?”

Qua tháng sau, cô đổi cách trả lời. Hễ chiều tối, cô nói rằng: “Tôi đến vườn Cấp Cô Độc, đức Phật đang chờ tôi.” Đến sáng lại nói: “Tôi ở trong vườn Cấp Cô Độc ra, tôi đã ở đó suốt đêm với Phật.”

Cũng có những người dại dột tin theo lời cô và ngờ rằng hành vi của Phật không đúng đắn.

Được sáu tháng sau, cô lấy vải độn dần vào bụng cho to lên, để người ta ngỡ rằng cô có thai. Mấy kẻ tầm thường khi ấy đều cho rằng đức hạnh của Phật chỉ có vẻ ngoài mà thôi.

Đủ chín tháng, cô lấy một cái gáo dừa độn trước bụng, có vải bao quanh cho thật lớn, rồi cô giả như cách đi đứng mệt mỏi, chậm chạp. Một buổi chiều, cô vào giảng đường nhằm lúc Phật đang thuyết pháp. Cô nhìn thẳng lên chỗ Phật mà nói lớn rằng:

“Thầy giảng đạo cho người ta nghe rất êm dịu, ngọt ngào. Thế mà em đây có thai với thầy, gần ngày sanh nở lại chẳng có chỗ để sanh con. Thầy cũng không cho em gì hết. Thầy có xấu hổ mà không đến săn sóc em, ít nhất thầy cũng phó thác em cho một người đệ tử. Sao thầy lại nở không nhìn đến em, cũng không lo cho đứa trẻ sắp lọt lòng. Thầy muốn vui hưởng ái dục mà không muốn lãnh trách nhiệm hay sao?”

Đức Phật thản nhiên, ngài nói:

“Nhà ngươi nói thật hay nói dối, chỉ có ngươi biết, ta biết mà thôi.”

Cô la lớn:

“Tôi không nói dối.”

Đức Phật vẫn yên tĩnh như thường. Nhưng khi ấy, trong đại chúng bắt đầu xôn xao. Những người mới theo đạo thì phân vân, ngỡ ngàng. Những kẻ đã tin sâu Tam bảo thì biết đây là chuyện bịa đặt. Họ la ó, quát mắng cô, đòi đuổi cô ra khỏi giảng đường. Có mấy người cư sĩ nóng tính không dằn được, xông tới muốn tóm lấy cô. Trước đám đông phẫn nộ ấy, cô hoảng quá không còn giả vờ uể oải, mỏi mệt được nữa mà vùng chạy rất nhanh. Nhưng do sợ quá, luống cuống thế nào mà vấp chân té sấp xuống. Bị dằn mạnh, sợi dây ràng của cô đứt mất. Cô vừa lồm cồm đứng dậy thì vải độn rớt xuống, rồi gáo dừa rơi lăn tròn trên mặt đất.

Cả giảng đường đều ồ lên, hiểu ra sự thật. Cô tái mặt, run lẩy bẩy, chân bước không được nữa. Có mấy người thương hại, đến dìu cô ra khỏi tinh xá.

Phật tiếp tục buổi thuyết pháp. Ngài giảng với mọi người rằng sự vu khống là xuất phát từ những đầu óc đen tối, hận thù, và chúng không thể tồn tại lâu dài, lấn át chân lý được. Vì thế, cách tốt nhất để chống lại mọi sự vu khống là sống trong sạch và vững tin nơi sự trong sạch. Chỉ những người thiếu đức tin mới bị lừa gạt bởi các trò vu khống.

45. NGOẠI ĐẠO VU OAN CHO PHẬT

Sau khi tổ chức hãm hại Phật bằng mưu kế gian trá chẳng thành công, bọn ngoại đạo vẫn không từ bỏ tâm ác độc.

Chúng suy nghĩ rằng, những việc gian trá nếu đưa ra ánh sáng, nơi chỗ đông người thì rất dễ bại lộ. Như vậy, muốn hại Phật cần phải thực hiện những âm mưu đen tối và mờ ám, khiến cho người ta không thể biết được đâu là sự thật, mới có thể làm hại thanh danh của Phật được.

Chúng lại nghĩ, đối với đức Phật mọi người đều hết lòng kính phục, nay không dễ gì lay chuyển niềm tin ấy. Như vậy, muốn hại Phật cần phải nhắm vào các đệ tử của ngài thì mới dễ có kết quả. Khi đệ tử đã mang tiếng xấu, thì thanh danh của thầy cũng không thể trọn vẹn được.

Sau khi bàn tính rất kỹ với nhau như vậy, bọn ngoại đạo mới liên kết cùng nhau mà thực hiện một âm mưu vô cùng hiểm độc và dã man.

Chúng bỏ tiền thuê một nhóm thanh niên hư hỏng, một đêm kia bí mật chặn đường giết chết một nữ tín đồ của chúng là cô Xuân-đà-ri, rồi đem chôn xác cạnh bờ rào của tinh xá Kỳ Viên.

Tiếp tục vở kịch, sáng sớm chúng cho người giả cách đi tìm cô, đến đó thấy dấu đất mới lấp khả nghi thì đào lên, liền gặp xác chết cô Xuân-đà-ri chôn sơ sài, vội vàng nơi ấy.

Rồi những người này hô hoán lên, báo với quan binh cùng đến chứng thực: một cô gái trẻ bị giết một cách ám muội rồi chôn xác ngay sát bờ rào của tinh xá Kỳ Viên.

Dựng lên sự việc như thế rồi, chúng mới cho người đi rêu rao khắp nơi rằng: đệ tử của Phật hãm hiếp gái tơ cho đến chết rồi giấu xác nơi ven bờ rào tinh xá.

Cả thành Xá-vệ lại một phen xôn xao, chấn động. Những người vững tin Tam bảo thì đoan chắc đây là âm mưu của ngoại đạo, nhưng đối với nhiều người khác thì đây quả là việc đáng ngờ.

Họ suy luận rằng, Phật dẫu là bậc thánh triết, thanh tịnh, nhưng trong số đệ tử rất đông của ngài, nếu có lẫn một vài kẻ xấu cũng là chuyện có thể tin được. Hơn nữa, chứng cứ rành rành, nếu hung thủ là ai khác, thì tại sao lại phải mang xác đến chôn ở tinh xá Kỳ Viên?

Một số kẻ dại dột hơn thì lấy làm phẫn nộ, cho rằng Phật chỉ giả danh đạo đức, trong khi dung túng đệ tử của mình làm chuyện vô lương.

Kẻ nói này, người nói nọ, nhưng tựu trung là dư luận rất bất lợi cho Phật và chư tăng. Ngày ngày, các vị đi khất thực phải hứng chịu những ánh mắt soi mói, nghi ngờ, thậm chí có khi khinh bỉ nữa.

Trong khi đó, thái độ của Phật cũng không khác gì lần vu khống trước. Ngài vẫn thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Khi dư luận đã trở nên khá căng thẳng, ngài liền triệu tập tất cả tăng chúng đến mà huấn thị rằng:

“Những điều vu khống không thể tồn tại lâu, không thể lấn át ánh sáng của sự trong sạch. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết vững lòng tin ở chính sự trong sạch của mình, của tăng đoàn.

“Ta biết chắc tất cả các ngươi hoàn toàn vô tội trong việc này, nhưng mỗi người phải tự biết nhẫn nhục chịu đựng, không được có phản ứng nào trái với giáo pháp của ta. Điều cần nhất là tất cả các ngươi đều phải vững tin vào sự trong sạch của Tăng-già, không được hoài nghi lẫn nhau, vì như vậy là tự làm hại lấy mình. Như ta đã nói, chỉ những người thiếu đức tin mới bị lừa gạt bởi các trò vu khống.

“Và ta cũng nhắc lại, sự vu khống dối trá không thể tồn tại lâu dài, không thể lấn át ánh sáng của sự trong sạch chân thật.”

Nghe lời huấn thị của đức Phật, hết thảy chư tăng đều ghi nhớ. Vì vậy, cho dù là một nỗi oan tày trời nhưng các vị không hề tỏ thái độ bực dọc hay phẫn uất.

Lúc ấy, trưởng giả Tu-đạt trong thành Xá-vệ rất lo lắng về những dư luận không hay cho tăng đoàn ngày càng lan rộng. Thậm chí bọn ngoại đạo đã bắt đầu công khai xách động một số người nộp tờ cáo trạng lên vua Ba-tư-nặc, đòi trục xuất Phật và chư tăng ra khỏi nước.

Trưởng giả Tu-đạt vốn hoàn toàn đặt niềm tin nơi Tam bảo, nên ông không hề nao núng trước sự vu khống này. Ông âm thầm tập hợp một số người tốt để cùng nhau tìm cách làm rõ sự thật.

Họ bỏ tiền thuê người đi dò la ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành, nhất là những nơi mà bọn xấu hay tụ tập để nhậu nhẹt, chè chén.

Và quả thật, cuối cùng họ đã thành công. Một hôm họ nghe được bọn người giết thuê uống rượu say rồi cãi vả nhau. Nguyên nhân là vì chúng chia tiền nhận được chẳng đồng đều. Những người do thám lập tức báo ngay với Tu-đạt. Ông đích thân báo quan binh đến vây bắt tại chỗ, nhờ có nhiều người chứng nơi ấy cũng đều nghe bọn chúng cung khai sự việc.

Bị bắt về cửa quan, toán giết thuê này không dám dấu giếm nữa, liền khai hết sự vụ đã nhận tiền, giết người rồi đem chôn ở tinh xá Kỳ Viên. Chúng cũng khai rõ những người đã bỏ tiền thuê chúng làm việc dã man ấy.

Như vậy là thành Xá-vệ lại một phen rúng động. Ai nấy đều lấy làm kinh ngạc và thán phục sự nhẫn nhục hoàn toàn của Phật và chư tăng. Cho dù sự việc hết sức oan ức nhưng các ngài cũng không đưa ra một lời phản đối hay biện bạch nào.

Và điều kỳ lạ hơn nữa là, sau vụ này vua Ba-tư-nặc thân hành đến vấn an và nghe lời huấn thị của Phật. Khi trở về, vua đại xá mà không đưa ra truy tố các giáo chủ ngoại đạo đã dính dáng trực tiếp vào vụ việc.



46. MẤY VỊ ĐỆ TỬ NGỖ NGHỊCH

Khi ấy, đức Phật đang ở trong một tinh xá nhỏ nơi thành Câu-đàm-di. Dân chúng nơi đây thường đến nghe Phật thuyết pháp một cách sốt sắng. Nhiều người qui y, nhiều người xin xuất gia, thọ giới làm tỳ-kheo. Vua Ưu-đà-diên ở xứ này là một Phật tử thuần thành, thậm chí ngài có cho thái tử Ra-trá-ba-la xuất gia theo Phật học đạo.

Nhưng chính ở xứ Câu-đàm-di này, Phật chứng kiến một việc đáng buồn.

Trong thành có một tinh xá lớn hơn nơi Phật đang ở, do ông trưởng giả Gô-si-ta xây cất để cúng dường, nên gọi là tinh xá Gô-si-ta. Tăng chúng tu học ở đó có đến mấy trăm vị. Đặc biệt là chia làm hai nhóm, một nhóm chuyên học về kinh, có vị đứng đầu gọi là Kinh sư; một nhóm chuyên học về luật, có vị đứng đầu gọi là Luật sư.

Một hôm, vị Kinh sư đi vào nhà cầu ra, dội nước xong còn thừa một ít trong chậu, nhưng ông quên không đổ nước đi để úp chậu xuống.

Ngay khi đó, đến lượt vị Luật sư đi cầu. Ông thấy vậy thì ra ngoài nói ngay với vị Kinh sư rằng: “Tại sao thầy làm sai luật?” Vị Kinh sư trả lời: “Tôi không biết.” Vị Luật sư nói: “Không biết thì không phạm luật.”

Sự việc chỉ có thế. Tưởng không có gì đáng nói nữa. Nhưng rồi vị Luật sư sau đó nói với các tỳ-kheo trong nhóm của mình rằng: “Vị Kinh sư phạm luật.” Các tỳ-kheo phái luật liền truyền ra khắp nơi rằng: “Vị Kinh sư phạm luật.”

Các tỳ-kheo thuộc phái thầy Kinh sư liền đem chuyện ấy mà hỏi. Vị Kinh sư liền nói rằng: “Vị Luật sư đã nói với ta rằng: ‘Không biết thì không phạm luật.’ Bây giờ lại đi nói với người khác rằng ta phạm luật. Sự việc rõ ràng như thế thì ông ta đúng là mắc tội vọng ngữ.”

Các tỳ-kheo trong nhóm thầy Kinh sư liền đi nói với các thầy bên nhóm Luật sư rằng: “Thầy của các ông mắc tội vọng ngữ.”

Thế là sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Nhóm này chỉ trích nhóm kia là phạm luật, còn nhóm kia lại bảo nhóm này là nói láo. Vấn đề không còn là của hai vị Kinh sư và Luật sư nữa, mà trở thành sự tranh cãi gay gắt giữa hai nhóm.

Có một số các tỳ-kheo sáng suốt, không rơi vào hai nhóm trên. Họ chỉ lo việc tu tập mà thôi. Khi thấy việc tranh cãi ngày càng to chuyện hơn, họ liền đến báo với đức Phật để nhờ can thiệp.

Phật cho một vị tỳ-kheo thay mặt đến, khuyên cả hai bên hãy dẹp bỏ những tự ái, cố chấp của mình đi, hãy cố sống trong sự cảm thông và hòa hợp cùng nhau. Nhưng cả hai bên đều bỏ ngoài tai những lời khuyên quý báu ấy. Lửa sân hận của họ đang cháy đến cao độ, họ không còn sáng suốt nữa. Bấy giờ, hai bên đều đối với nhau như kẻ thù.

Phật liền thân hành đến khuyên dạy. Ngài không chỉ trích, phê phán bên nào cả, mà chỉ ôn tồn khuyên bảo cả hai bên nên can đảm mà dẹp bỏ sự tự ái, cố chấp của mình, để gìn giữ sự hòa hợp quý báu của Tăng-già.

Thật bất ngờ, sau khi nghe hết lời Phật, một tỳ-kheo bỗng đứng lên nói rằng:

“Bạch Thế Tôn, xin ngài đừng xen vào chuyện này. Xin ngài hãy an tâm mà lo chuyện thiền định của ngài. Tất cả chúng tôi đều đã đủ trí khôn để tự giải quyết những chuyện như thế này.”

Đức Phật biết rằng các vị tỳ-kheo ấy đã bị mù quáng vì lửa sân hận và lòng kiêu mạn, không còn có thể tiếp nhận ánh sáng chân lý trong lời nói của ngài được nữa. Vì vậy, ngài lặng lẽ bước ra, rời khỏi tinh xá.

Đức Phật rời tinh xá rồi theo đường lớn mà đi ra chỗ đồng vắng. Ngài cũng không cho thị giả biết mình đi đâu. Đi mãi đến khu rừng kia, ngài gặp các vị đệ tử đang tĩnh tọa nơi đó. Ấy là các ông Bạt-già, A-na-luật và Kim-tỳ-la. Các vị gặp Phật đi một mình đến thì đều ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng.

Phật hỏi chuyện tu tập. Ba vị trình bày với Phật là họ sống rất hòa thuận nơi đây, nhắc nhở nhau cùng tu tập. Phật rất hài lòng. Ngài nghĩ, có nhiều đệ tử của ta vui sống hòa thuận và không cãi lẫy nhau.

Mùa an cư năm ấy, trong ba tháng, ngài quyết định cư trú lại nơi khu rừng này. Không có thị giả, mỗi ngày ngài đi đến xóm làng khất thực, rồi trở lại rừng mà tham thiền.

Khu rừng ấy đặc biệt có rất nhiều thú. Trong thời gian ngài ở đây, có một bầy voi và mấy con vượn thường đến chơi quanh quẩn bên chỗ ngài tọa thiền.

Gần chỗ ngài tọa thiền có một hồ nước trong rất đẹp, bầy voi hay xuống đó uống nước và đùa nghịch cùng nhau.

Mỗi khi voi con trong bầy chạy chơi xa vào rừng, không còn theo bầy, voi mẹ liền cất lên một tiếng hú dài. Voi con nghe tiếng hú ấy liền lập tức quay lại, tụ tập quanh voi mẹ.

Sau nhiều lần nghe tiếng hú ấy, một hôm Phật thử bắt chước theo như vậy. Ngài hú giống voi mẹ lắm, nên bầy voi con chạy đến vây quanh ngài. Ngài lấy tay xoa đầu một con. Bầy voi quanh quẩn với ngài một lát rồi đi.

Sau mùa an cư, Phật đi thẳng về thành Xá-vệ. Tin ngài trở lại thành Xá-vệ làm cho tất cả chư tăng ni nơi đây đều hết sức vui mừng. Ngay lập tức, họ tụ tập đông đảo nơi tinh xá Kỳ Viên để mong lại được nghe ngài thuyết pháp.

Chư tăng ni ở thành Xá-vệ cũng đều đã nghe chuyện bất hòa trong tăng đoàn ở Câu-đàm-di. Tất cả đều lấy làm tiếc cho điều đó. Phật liền lấy lời từ hòa mà an ủi hết thảy đại chúng. Ngài nói:

“Không bao lâu nữa, các vị huynh đệ ấy sẽ tự biết thức tỉnh, ăn năn.”

Quả thật, chỉ mấy hôm sau thì có người báo tin tăng đoàn bên Câu-đàm-di đang trên đường sang thành Xá-vệ.

Nguyên nhân là, sau khi Phật bỏ Câu-đàm-di mà đi, vụ tranh cãi trở nên không thể dàn xếp được. Các vị tỳ-kheo sáng suốt không theo phe nào đều chán ngán bỏ đi hết. Còn lại những ông tăng mê muội ấy không đủ oai đức để tín đồ nương tựa, họ đều dần dần xa lánh không lui tới nghe pháp, cũng không cúng dường cho các ông nữa. Bấy giờ họ mới nghĩ lại và thấy hết sự dại dột của mình, muốn tìm Phật để cầu sám hối nhưng bặt tin không biết Phật ở nơi đâu. Nay vừa nghe tin Phật trở về thành Xá-vệ, họ liền kéo nhau lần sang.

Một buổi sáng kia, bọn họ vào đến vườn Cấp-cô-độc, nhưng không dám vào, còn đứng ngoài cổng. Trông bộ dạng họ âu sầu và tiều tụy lắm. Thiên hạ không còn cúng dường cho họ nữa, người ta bất bình vì nghe chuyện họ cãi lời đức Phật. Bây giờ họ kéo nhau đến mà xin sám hối với Phật.

Khi ấy, ông trưởng giả Tu-đạt thay mặt cho thiện nam tín nữ trong thành đến lễ Phật mà hỏi có nên cúng dường cho mấy ông tăng ngỗ nghịch ấy hay chăng. Phật bảo hãy cứ cung kính mà cúng dường các vị ấy như trước.

Tiếp đó, đại đức Xá-lỵ-phất cũng vào thỉnh ý Phật có nên tiếp các vị tăng ấy vào tinh xá hay chăng. Phật bảo cứ tiếp đón họ chu đáo theo nghi thức của tăng đoàn.

Hôm sau, các vị tăng ấy thưa với đại đức Xá-lỵ-phất xin được sám hối lỗi lầm cùng Phật. Xá-lỵ-phất bảo các vị ấy rằng việc tự thấy lỗi lầm mà sám hối, ăn năn chừa bỏ mới là quan trọng. Nhưng các vị mong muốn được sám hối trước mặt Phật mới an lòng.

Phật liền chỉ dạy cho họ cách sám hối như thế nào.

Đầu tiên, vị Kinh sư quỳ xuống trước vị Luật sư và đại chúng, nói với vị Luật sư rằng:

“Bạch đại đức, tôi nhận là mình có phạm luật. Tôi xin sám hối trước đại đức và với đại chúng, để tinh thần tu tập của chúng ta được trở lại hòa hợp như cũ.”

Kế đó, vị Luật sư cũng quỳ xuống trước vị Kinh sư và đại chúng, nói với vị Kinh sư rằng:

“Bạch đại đức, tôi nhận là mình đã nói không đúng sự thật, gây chia rẽ bất hòa trong Tăng-già. Tôi xin sám hối trước đại đức và với đại chúng, để tinh thần tu tập của chúng ta được trở lại hòa hợp như cũ.”

Các vị tỳ-kheo theo hai phe nhóm kình chống nhau giờ đây cũng tự biết lỗi lầm. Họ cũng sám hối và nguyện sẽ không còn để cho những tự ái xằng bậy và lòng kiêu mạn lấn át nữa.

Mấy ngày sau, các vị lần lượt trở về Câu-đàm-di để tiếp tục tu học.

Qua sự việc này, các vị đệ tử lớn của Phật nhận thấy cần phải làm một điều gì đó để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Các vị bèn cùng nhau soạn thảo ra một số quy tắc phải tuân theo khi tổ chức cộng đồng tu học, nhằm đảm bảo sự hòa hợp bền vững. Sau nhiều ngày bàn thảo, đúc kết, các vị rút gọn hết thảy vào sáu điều căn bản và trình lên đức Phật. Phật khen ngợi nội dung sáu điều ấy và cho phép ban hành, phổ biến khắp tất cả các tu viện thuộc giáo hội Tăng-già. Sáu điều ấy được gọi tên là Lục hòa kính, cho đến ngày nay vẫn còn là kim chỉ nam cho tất cả mọi cộng đồng tu tập trong Phật giáo. Nhiều bậc tôn túc về sau vẫn thường xem đây như là bản Hiến pháp của Tăng-già.

Sáu điều ấy cụ thể là:

1. Cùng nhau cư trú trong hòa thuận: Mọi người trong cộng đồng phải giữ hòa thuận với nhau ở nơi cư trú. Phải biết nhường nhịn, chia sẻ nhau mọi phương tiện, tiện nghi chung của nơi cư trú đó, như là phòng ốc, ánh sáng, nguồn nước sinh hoạt...

2. Lời nói hòa thuận cùng nhau không tranh cãi: Mọi người trong cộng đồng phải tránh nói ra những lời gây tranh cãi, phải biết nói lời hòa nhã, khiêm tốn, dẹp bỏ tự ái cá nhân và lòng kiêu mạn.

3. Tâm ý hòa thuận cùng nhau vui vẻ: Mọi người trong cộng đồng phải thống nhất ý kiến. Phải biết lắng nghe nhau để đi đến sự thống nhất đó, không ai được độc đoán, bảo thủ.

4. Giữ giới hòa thuận cùng nhau tu tập: Mọi người trong cộng đồng phải cùng nhau nghiêm trì giới luật. Phải biết giúp đỡ, cảm thông nhau để nâng đỡ cho nhau cùng tiến bộ trong việc tu tập.

5. Chia sẻ tri thức để cùng nhau hiểu biết: Mọi người trong cộng đồng phải cùng nhau chia sẻ tri thức, không ai được giữ lấy kiến thức như chỗ sở kiến của riêng mình. Phải biết học hỏi, chỉ dẫn cho nhau để cùng hiểu biết.

6. Chia sẻ đồng đều mọi nguồn lợi tức: Mọi người trong cộng đồng phải chia sẻ đồng đều với nhau về mọi thứ có được, như vật thực do tín thí cúng dường hoặc lợi tức chung của cộng đồng... Không ai được dành lấy phần hơn hoặc có ý nghĩ rằng một nguồn lợi nào đó là của riêng mình.

Với sáu điều hòa kính này, mọi cộng đồng đều sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho người tu tập. Và nếu mọi người tôn trọng, giữ đúng những nguyên tắc này thì mọi nguyên nhân gây chia rẽ, bất hòa đều bị dẹp bỏ.

47. PHẬT HÓA ĐỘ NGƯỜI ĐIỀN CHỦ

Một hôm, đức Phật trở lại thành Vương-xá. Có một ông điền chủ bà-la-môn tên Bà-ra-hoa-sa, nhà ở xa kinh thành, thuộc về vùng đồng ruộng. Khi ấy vừa xong mùa gặt, người bà-la-môn cùng những người giúp việc tổ chức ăn mừng năm ấy được mùa. Họ cười đùa ầm ỉ và ca hát, nhảy múa.

Vừa lúc ấy đức Phật mang bình bát đi ngang qua. Những người hiểu biết liền cúi chào ngài và cúng dường rất niềm nở. Nhưng ông Bà-ra-hoa-sa vốn chưa hiểu gì về Phật, lấy làm bất bình và nói lên những lời nặng nề:

“Ông thầy tu kia, ông không được đến xin vật thực nơi đây. Cuộc sống của ông không phải là một gương tốt cho chúng tôi noi theo. Tất cả chúng tôi đều phải làm việc khó nhọc, trông đợi từng mùa thu hoạch. Nào chủ, nào tớ đều phải lo cày, lo gieo, lại lo gặt hái rất nhọc nhằn. Chúng tôi nhờ vậy mới có thức ăn, mới có tích lũy trong kho, rồi mới dám ăn uống, nghĩ ngơi, vui cười. Còn ông, ông chỉ biết lang thang theo đường này ngõ nọ. Sự cực nhọc của ông chỉ là đưa bình bát ra xin mà thôi. Tốt hơn ông nên biết tự làm lấy, tự cày cấy và gieo giống để có mà ăn đi vậy.”

Đức Phật không chút giận dỗi, ngài mỉm cười đáp rằng:

“Này ông bạn! Ta cũng cày, cũng gieo giống. Công việc xong, ta cũng vui chơi.”

Ông Bà-ra-hoa-sa lấy làm ngạc nhiên, liền hỏi:

“Ông có cày ư? Ông có gieo giống ư? Vậy ông thử chỉ cho chúng tôi xem đi nào?”

Đức Phật nói:

“Hạt giống mà ta gieo trồng là sự thấy biết chân chánh, trong sạch. Hạt giống gieo rồi, gặp mưa sẽ nảy mầm. Mưa, đó là những điều lành. Ta dùng một cái cày to: mũi cày là trí tuệ, cán cày là đạo hạnh. Ta có con bò mạnh mẽ kéo cày, ấy là lòng thành tín. Khi ta cày ở đâu, cỏ ái dục ở đó đều chết hết. Đúng thời vụ, ta gặt quả là Niết-bàn.”

Khi ấy, những người chung quanh đều lắng nghe cuộc đối đáp. Một người nói với ông Bà-ra-hoa-sa rằng:

“Vị tu sĩ này chính là đức Phật, người giáo hóa cho muôn vạn người theo về nẻo lành. Chính ngài đã cải hóa cho Ương-quật-ma-la trước đây cải tà quy chánh đó.”

Ông Bà-ra-hoa-sa nghe như vậy rồi liền thức tỉnh, quỳ xuống lễ bái Phật.



48. PHẬT GIẢNG HÒA HAI NƯỚC

Khi ấy Phật đang ở thành Xá-vệ. Sau khi mãn hạ, ngài nghe tin về một vụ tranh chấp dữ dội giữa vua Ma-ha-na-ma và vua Thiện Giác.

Hai vua đều là người thân thích đối với Phật, cũng như dòng họ Thích-ca. Hai nước có biên giới kề cận nhau, có một con sông nhỏ chảy ngang qua biên giới.

Hàng năm, nhân dân hai nước đều nhờ vào con sông này để lấy nước làm ruộng. Năm ấy, trời hạn rất lâu, nên nước sông ngày càng xuống thấp.

Thấy có nguy cơ thiếu nước, nông dân ở ven bờ sông bắt đầu đắp lên những con đập để ngăn nước. Ai cũng muốn giữ được nhiều nước về phần mình, vì thế tranh chấp bắt đầu bùng ra.

Khi nắng hạn ngày càng kéo dài, nước sông càng xuống thấp, thì việc tranh chấp nguồn nước càng trở nên gay cấn hơn. Cuối cùng, cả hai nước đều đã chuẩn bị binh lực, sẵn sàng nổ ra chiến tranh.

Nghe biết sự việc, đức Phật quyết định đến can ngăn hai vua, bởi cả hai vị này đều là người thân của Phật.

Phật chọn một nơi thích hợp rồi cho mời cả hai vua đến. Ngài nói với họ rằng:

“Trong lúc nắng hạn như thế này thì nguồn nước sông quả là vô cùng quý giá. Nhưng hai vị nên biết rằng, có một thứ nước còn quý hơn nhiều: đó là máu trong cơ thể. Các vị không thể vì tranh chấp nước dưới sông mà làm chảy ra mất dòng máu trong cơ thể của nhân dân hai nước. Sự đánh đổi như vậy là thiếu khôn ngoan và không hợp lý. Bởi vì, chúng ta sợ mất mùa, đói kém, tức là sợ dẫn đến cái chết. Nhưng gây ra chiến tranh tức là tìm đến cái chết còn nhanh hơn nữa.”

Chờ cho hai vua nhận hiểu đầy đủ những điều vừa nói, rồi Phật mới ôn tồn nói tiếp:

“Cách giải quyết tốt nhất hiện nay là phải biết nhường nhịn, cùng nhau chia sẻ đồng đều nguồn nước hiện còn. Nếu hạn hán kéo dài đến mức khô cạn nước sông, thì điều đó phải được hiểu là một tai họa chung, hai nước phải cùng nhau chịu đựng. Không nên vì muốn giành phần sống về mình mà nhẫn tâm nhìn người khác chết.

“Tuy nhiên, vấn đề không đến mức nghiêm trọng như vậy, vì theo lịch sử ghi nhận lại thì con sông này chưa bao giờ cạn, bởi nó bắt nguồn từ tận trên dãy Hy-mã-lạp sơn. Hai nước hãy cố kiên trì chịu đựng trong tình thân hữu, điều đó sẽ khiến cho vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.”

Sau khi nghe Phật giảng hòa, không những hai vua mà nhân dân hai nước cũng dẹp bỏ mọi ý nghĩ tranh chấp, cùng nhau chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và công bình.

Quả nhiên, hạn hán đã không làm khô kiệt nước sông. Và nhờ sự giảng hòa của Phật, cuộc chiến tranh tưởng chừng như không thể tránh khỏi giữa hai nước cũng đã được ngăn chặn.

49. ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA MƯU HẠI PHẬT

Đề-bà-đạt-đa tuy xuất gia theo Phật đã lâu nhưng chưa dẹp bỏ được tính tự cao, kiêu mạn. Ông không muốn ở dưới quyền ai, nên muốn được địa vị như Phật. Nhưng ông biết rằng chư tỳ-kheo không kính phục ông, nên ông âm mưu muốn dựa vào quyền thế.

Vì vậy, ông âm thầm lui tới nơi thái tử A-xà-thế, dùng lời xúi giục thái tử giết vua cha mà soán ngôi. Bởi ông nghĩ rằng khi ấy ông có thể dựa vào quyền thế của tân vương mà thay thế địa vị Phật.

Sự ấy chưa diễn ra, nhưng nhờ những lời dua nịnh, bợ đỡ, Đề-bà-đạt-đa được thái tử rất tôn trọng, ban thưởng nhiều món đồ quý giá. Nhân đó mà ông ngày càng tự cao tự đại, cho rằng uy tín của mình đã đến lúc lớn hơn Phật rồi.

Một hôm, trước mặt đại chúng ông công khai thưa với Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nay ngài đã cao tuổi lắm rồi, sự minh mẫn, linh hoạt chẳng còn được như xưa nữa, nên việc điều hành giáo hội Tăng-già phải làm cho ngài nhọc mệt lắm. Xin ngài hãy nghỉ ngơi mà thiền định, để việc điều hành giáo hội lại cho tôi lo liệu.”

Đức Phật cười đáp:

“Ngươi chớ lo việc ấy. Ta tự biết lúc nào ta nên từ biệt trần gian. Hiện giờ đây ta vẫn cần phải giữ gìn việc điều hành giáo hội. Vả lại, trong các đệ tử lớn vẫn còn nhiều bực tài trí hơn ngươi, như Xá-lỵ-phất và Mục-kiền-liên mà ta còn chưa giao quyền điều hành, huống hồ là kẻ như ngươi.”

Lời nói thẳng ấy làm cho Đề-bà-đạt-đa tức giận, nhưng ông phải dằn lòng mà cung kính chào Phật rồi đi ra.

Từ đó, Đề-bà-đạt-đa đem lòng căm ghét, lại nảy ra ý muốn giết Phật để lên thay quyền thống lãnh Tăng-già.

Không bao lâu sau đó thì thái tử A-xà-thế nghe lời Đề-bà-đạt-đa mà âm mưu giết cha. Âm mưu bị bại lộ, nhưng vua Tần-bà-sa-la không bắt tội, lại lập tức truyền ngôi cho thái tử.

Thái tử lên ngôi rồi, Đề-bà-đạt-đa lại xúi giục thái tử nên giết cha đi để trừ hậu hoạn. Thái tử A-xà-thế nghe lời Đề-bà-đạt-đa mà bắt vua cha giam vào ngục, bỏ đói cho đến chết.

Vua mới đã lên ngôi rồi, Đề-bà-đạt-đa cậy thế càng mạnh dạn hơn trong việc ám hại Phật. Ông thuê 8 người dũng mãnh đến chỗ Phật ngự để giết Phật. Bọn này bố trí 7 người canh phòng chung quanh, còn một người mang gươm vào giết Phật lúc trời gần sáng.

Tên thích khách bị Phật phát hiện dễ dàng. Phật dùng lời từ hòa cảm hóa anh ta, còn chỉ cho anh ta rút lui theo đường khác, vì nếu anh theo đường cũ sẽ bị đám người kia giết đi để bịt đầu mối. Phật đã đoán biết âm mưu thâm độc của Đề-bà-đạt-đa là như vậy.

Việc ám sát Phật không thành. Đề-bà-đạt-đa lấy làm tức tối, muốn tự mình ra tay. Ông lên núp sẵn trên một triền núi, biết là mỗi buổi chiều Phật thường đi kinh hành trên con đường bên dưới đó.

Khi Phật đi ngang qua, Đề-bà-đạt-đa lăn một tảng đá lớn cho rơi xuống đường mà giết Phật. Nhưng ý đồ đó không thành, vì tảng đá ấy va vào một tảng đá khác nên vỡ ra và đổi hướng. Chỉ có một mảnh đá nhỏ rơi làm trầy ngón chân của Phật, chảy máu.

Chư tăng nghe tin này đều lo lắng và muốn tổ chức việc bảo vệ cho Phật. Nhưng Phật không cho, nói rằng:

“Không ai có thể hại được mạng sống của Như Lai, mọi người hãy an tâm.”

Đề-bà-đạt-đa khi ấy nghĩ ra một âm mưu dữ tợn hơn nữa. Ông bàn với vua A-xà-thế, muốn dùng con voi dữ của vua để giết Phật. Vua thuận nghe theo.

Đề-bà-đạt-đa liền cho voi uống rượu say, đợi khi Phật đi khất thực trong thành thì thả voi ra để đạp chết Phật.

Khi voi dữ được thả ra ngay phía trước Phật, dân chúng trong thành đều khiếp sợ, chắc chắn là lần này Phật sẽ bị hại mạng rồi. Nhiều người đã bắt đầu than khóc bi thảm.

Ngay khi ấy, Phật vẫn thản nhiên tiến bước. Còn cách con voi một quãng ngắn, ngài bỗng cất lên một tiếng hú dài, tiếng hú của voi mẹ mà ngài học được ở khu rừng gần xứ Câu-đàm-di ngày trước. Nghe tiếng hú ấy, voi dữ bỗng trở nên hiền hậu, ngoan ngoãn, chạy đến quỳ trước Phật. Phật dùng tay xoa đầu nó. Voi cúi đầu xuống một lát rồi đứng dậy từ từ bỏ đi.

Cả thành Vương-xá đều kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến cảnh ấy. Mọi người đều công nhận là chưa có bậc thầy nào có được những uy đức như Phật.

Đề-bà-đạt-đa thất bại lần này nữa thì hoàn toàn thất vọng, không còn biết làm cách nào để ám hại Phật nữa.

50. ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA BỊ KHAI TRỪ

Những hành động ngỗ nghịch của Đề-bà-đạt-đa quá lộ liễu và thấp hèn. Dân chúng trong thành đều lấy làm bất mãn, nhất là khi thấy ông này vẫn còn đắp y vàng như một thầy tỳ-kheo đệ tử Phật.

Biết được những điều dư luận ấy, Phật triệu tập tất cả các vị đệ tử lớn trong tăng đoàn để hỏi ý kiến về thái độ đối với những việc Đề-bà-đạt-đa đã làm.

Sau khi lấy ý kiến chung, Phật quyết định công bố việc khai trừ Đề-bà-đạt-đa ra khỏi giáo hội Tăng-già. Phật truyền cho đại đức Xá-lỵ-phất vào thành Vương-xá để công bố cho nhân dân đều biết việc Đề-bà-đạt-đa đã bị khai trừ khỏi giáo hội, và giáo hội hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ hành động nào của Đề-bà-đạt-đa từ nay về sau.

Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa biết việc thay quyền của Phật là chuyện ảo tưởng không sao làm được, ông liền chuyển hướng nghĩ đến việc chia rẽ Tăng-già.

Ông cấu kết với một số các tỳ-kheo nông cạn khác, kêu gọi thành lập một giáo đoàn mới do ông cầm đầu.

Để tạo ra động lực thu hút người theo mình, ông đặt ra năm điều giới luật mới, khắt khe hơn đối với tăng sĩ, và tuyên bố là nhờ vậy mà người tu sẽ mau chứng quả hơn. Những điều luật của ông là:

1. Vị tăng sĩ phải suốt đời cư trú ở trong rừng hoặc nơi vắng vẻ, không được ở trong các tu viện hoặc nhà cửa, phòng ốc.

2. Vị tăng sĩ chỉ sống đời khất thực hoàn toàn, không nhận các buổi lễ cúng dường của tín thí.

3. Vị tăng sĩ suốt đời chỉ được mặc áo vá bằng nhiều mảnh, không được nhận y phục do tín thí cúng dường.

4. Vị tăng sĩ chỉ được ngủ dưới gốc cây, không được ngủ trong xóm làng, thành phố hoặc trong nhà cửa, phòng ốc.

5. Vị tăng sĩ chỉ ăn chay hoàn toàn không dùng đến thịt cá trong bất cứ trường hợp nào.

Đề-bà-đạt-đa ngầm tuyên truyền năm điều luật mới này, để nhằm thu hút những người nhẹ dạ, mới tu, vì họ cho rằng những điều ấy nghiêm nhặt hơn các giáo điều Phật đang áp dụng.

Nhưng đức Phật chỉ rõ rằng bất cứ ai muốn tu hành tinh tấn, phát nguyện thọ trì những điều luật nghiêm khắc hơn thì trong pháp Phật cũng đều sẵn có. Nhưng những điều như vậy không thích hợp để mang ra áp dụng cho toàn thể giáo hội Tăng-già.



Đề-bà-đạt-đa cũng lôi kéo được mấy trăm người nhẹ dạ tin theo ông, phần lớn là những vị vừa mới xuất gia, chưa được học hỏi gì nhiều.

Ông thành lập một giáo đoàn riêng, tự áp dụng những lễ nghi cho mình cũng giống như Phật.

51. CÁC VỊ TỲ-KHEO BỎ ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA

Đề-bà-đạt-đa thành lập được một giáo đoàn riêng thì lấy làm hài lòng lắm. Khi ấy, dân chúng trong thành Vương-xá lấy làm phiền lòng, vì mỗi khi thấy có vị nào khất thực, lại phải hỏi xem vị ấy thuộc giáo đoàn nào. Đa số dân chúng không muốn cúng dường cho những người theo Đề-bà-đạt-đa.

Một hôm, ngài A-nan đi khất thực gặp Đề-bà-đạt-đa trong thành. Ông này nói là kỳ bố-tát tới đây sẽ tách hẳn ra mà tổ chức riêng cho giáo đoàn của mình.

Các vị đệ tử lớn của Phật đều lấy làm phiền lòng về việc này. Hai đại đức Xá-lỵ-phất và Mục-kiền-liên liền xin với Phật đến chỗ Đề-bà-đạt-đa mà dẫn dắt các tỳ-kheo lầm lạc bên ấy về. Phật đồng ý.

Khi hai vị đến chỗ Đề-bà-đạt-đa thì ông này mừng lắm, nói với các đệ tử rằng hai đệ tử lớn nhất của Phật nay đã về theo ông. Ông lại mời hai vị thuyết pháp cho chúng tỳ-kheo nghe để tăng thêm uy tín cho mình.

Xá-lỵ-phất và Mục-kiền-liên nhận lời ở đó trong một tháng, ngày ngày thay nhau thuyết pháp cho chúng tỳ-kheo nghe. Các ngài giảng rõ ý nghĩa của một đời sống trong sạch là như thế nào, và các giáo lý căn bản như Tứ diệu đế với Bát chánh đạo. Ngoài ra, các vị không đá động gì đến việc phân chia giáo đoàn cả. Đề-bà-đạt-đa thấy vậy hài lòng lắm.

Qua một tháng, tất cả các vị tỳ-kheo ở đây đều hiểu hết được những chỗ pháp yếu.

Rồi một buổi sáng, hai vị đại đức tập trung tất cả tỳ-kheo lại nói lời từ biệt để ra đi. Các ngài nói:

“Này các vị! Hôm nay chúng tôi từ biệt các vị mà trở về nơi đức Phật đang thuyết pháp. Các vị nên biết rằng hiện nay chỉ có một bậc giác ngộ hoàn toàn duy nhất là đức Phật mà thôi. Phật là người truyền dạy tất cả những gì mà trong một tháng qua chúng tôi đã cố gắng truyền đạt cho các vị, và nhiều điều khác nữa. Chúng tôi trở về nơi ấy và chờ đợi các vị quay về, để cùng nhau nương tựa bóng từ bi của Phật, vì việc chia rẽ tăng đoàn là một điều xấu xa hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà quý vị đã được giảng dạy.”

Sáng hôm ấy, Đề-bà-đạt-đa không có mặt vì đang bận việc phải vào thành Vương-xá. Một thầy tỳ-kheo ủng hộ ông liền lên tiếng phản đối và thóa mạ hai vị đại đức bằng những lời phẫn nộ thấp hèn. Ông này không ngờ rằng chính hành động đó của ông đã giúp làm thức tỉnh hết thảy các tỳ-kheo, khi họ được chứng kiến cảnh ấy.

Hai vị đại đức lặng lẽ ôm bát ra về, không một lời cãi vã.

Quả nhiên, chỉ vài hôm sau, mấy trăm tỳ-kheo lần lượt bỏ Đề-bà-đạt-đa mà quay về nơi đức Phật.

Đề-bà-đạt-đa thất bại trong việc chia tách giáo hội, đâm ra buồn bã, chẳng bao lâu thì thành bệnh nặng.

Trong thời gian bệnh nặng không còn đi lại được nữa, ông mới thấy ân hận về những gì mình đã làm, nên nhờ hai vị tỳ-kheo khiêng ông đến chỗ Phật để ông sám hối trước khi chết.

Nhưng ông chết trên đường đi, chưa đến được chỗ Phật.

Ông sinh ra vốn là một người thông minh, có dũng khí và lắm tài nghệ. Hồi còn niên thiếu, ở hoàng thành ông chỉ thua mỗi mình Phật mà thôi. Vậy mà nay ông nhận kết cục bi thảm này, chỉ vì đã để cho sự tham lam và lòng kiêu mạn chế ngự, dẫn dắt.

52. ĐỨC PHẬT VỚI NGƯỜI CHỦ TRẠI

Một hôm, đức Phật ra khỏi thành Vương-xá, cùng đi có ngài A-nan.

Nhân khi ngồi nghỉ bên bờ ruộng, ngài nói với A-nan rằng:

“Này A-nan, những chúng sanh về sau này ắt sẽ có người lấy làm thắc mắc về việc ta giáng thế, sinh ra bởi một người đàn bà. Họ chẳng hiểu được rằng, ta sinh ra tinh khiết hoàn toàn.

“Tâm trí họ u ám, không hiểu rằng đối với đấng đã từng làm hết thảy những việc lành, thân thể tinh sạch nào có liên quan gì đến sự ô uế lúc sanh ra? Đấng sáng lập đạo lớn phải đầu thai sinh ra từ trong lòng một người đàn bà. Bởi vì, nếu có lòng từ bi đối với người trần, phải sanh ra ở cõi trần.

“Nếu hiện thân ra đã là tiên thánh, làm thế nào để chuyển bánh xe Pháp cho được? Nếu đức Phật từ nơi thiên giới hiện xuống, loài người hẳn phải nản lòng mà nghĩ rằng: ‘Bởi ngài là thần thánh mới được minh mẫn, giác ngộ như vậy. Còn chúng ta là người cõi phàm, làm sao có thể tu chứng được như ngài?’ Nghĩ vậy rồi họ sẽ nản chí, làm sao có thể tiến bước trên con đường đạo lý?”

Khi ấy có một người chủ trại chăn nuôi đi ngang qua đám ruộng. Người ấy có dáng vẻ thanh thản của những kẻ đã làm xong nhiệm vụ.

Đức Phật hỏi: “Này người kia, ông tên là gì?”

Người chủ trại chăn nuôi đáp: “Tôi tên là Đa-ni-da.”

Phật lại hỏi: “Giờ ông đi đâu thế?”

Người chủ trại chăn nuôi đáp: “Tôi đã làm xong mọi nhiệm vụ của mình. Giờ tôi về nhà để sum họp với vợ con.”

Đức Phật nói: “Xem ông có vẻ hài lòng, hạnh phúc lắm. Nhờ đâu vậy?”

Ông Đa-ni-da đáp: “Tôi có sẵn cơm tự nấu lấy để ăn, có sữa tự vắt lấy để uống. Tôi sống với vợ con bên ven sông, nhà lợp kỹ, lửa đốt sáng, mặc tình trời có mưa thì mưa.”

Rồi ông hỏi lại đức Phật: “Tôi trông ngài cũng có vẻ hài lòng, hạnh phúc lắm. Nhờ đâu vậy?”

Phật đáp: “Ta không hờn giận, không luyến ái, lửa dục đã dập tắt từ lâu rồi, mặc tình ngày có qua thì qua.”

Người chủ trại chăn nuôi nói tiếp: “Dê tôi nuôi không bị muỗi mòng, bò tôi nuôi tha hồ chơi đùa trên đồng cỏ, chẳng sợ giông bão, mặc tình trời có mưa thì mưa.”

Phật nói: “Chiếc bè chắc chắn ta đã kết xong, nương theo nó mà đến chỗ Niết-bàn. Sông mê ta lướt khỏi, đã đến bờ an lành, ta không cần bè nữa, mặc tình ngày có qua thì qua.”

Ông Đa-ni-da nói tiếp: “Vợ tôi rất thùy mỵ, hiền lành. Gia đình cùng nhau êm ấm đã lâu, không hề có tiếng gièm pha của láng giềng, mặc tình trời có mưa thì mưa.”

Phật nói: “Tâm ý chiều theo ta, ta chế ngự tâm đã lâu rồi. Tâm rất an ổn, không còn gì xấu xa trong ta, mặc tình ngày có qua thì qua.”

Ông Đa-ni-da lại nói: “Những người giúp việc tự tôi cấp phát lương tiền, con cái tự tôi lo nuôi ăn uống, không ai phiền trách con tôi, mặc tình trời có mưa thì mưa.”

Phật nói: “Không ai phiền ta, ta không phiền ai. Dù có rất ít cũng đủ ngao du khắp thiên hạ. Ta không màng đến tôi tớ làm gì, mặc tình ngày có qua thì qua.”

Người chủ trại nói tiếp: “Bò cái tôi có, bò con tôi có, tôi lại có một con chó để chăn mấy con bò cái, mặc tình trời có mưa thì mưa.”

Phật nói: “Ta không có bò cái, chẳng có bò con, ta cũng không có chó để giữ gìn, mặc tình ngày có qua thì qua.”

Sau khi đối đáp như vậy, ông Đa-ni-da lấy làm ngạc nhiên trước những điều mà đức Phật trình bày như là nguyên nhân hạnh phúc của ngài. Ông liền nói:

“Bạch ngài, người đời ai có con thấy con thì vui, ai có bò thấy bò thì mừng. Vật chất làm vui lòng người, ai không có vật chất thì lấy chi mà vui?”

Đức Phật đáp:

“Không phải vậy. Ngươi hãy nghe cho kỹ điều này. Ai có con thấy con thì lo. Ai có bò thấy bò thì lo. Vật chất làm người lo lắng. Ai không có vật chất, thì khỏi lo lắng chi cả.”

Khi ấy, ông Đa-ni-da chợt hiểu, liền đảnh lễ đức Phật và thưa thỉnh rằng:

“Nhà tôi gần đây, xin thỉnh ngài ghé qua để gia đình tôi được cúng dường.”

Phật nhận lời.

Mọi người vừa bước chân vào nhà thì trời cũng vừa đổ mưa rất lớn.

53. BỮA CƠM CUỐI CÙNG

Khi Phật gần nhập Niết-bàn, ngài và chư vị đệ tử đang du hành qua xứ Bá-hoa, vừa đến vườn cây của ông thợ rèn Thuần-đà. Chủ nhà ra lạy chào và thỉnh Phật hôm sau đến để cúng dường một bữa cơm.

Phật nhận lời. Qua hôm sau, ông thợ rèn đón rước Phật với chư tỳ-kheo rất trang trọng. Ông dọn cơm có món nấm rất quí. Đức Phật lấy tay chỉ món nấm ấy và nói rằng: “Ngoài ta ra, không ai được ăn thức ăn này.”

Ngài ăn xong, lại bảo rằng:

“Món nấm ta ăn còn dư, hãy chôn sâu xuống đất. Chỉ có Phật mới có thể ăn món ấy thôi.”

Rồi ngài ra đi, chư tỳ-kheo theo sau. Được một quãng xa, ngài bảo trong người đang mỏi mệt, có bệnh. Ngài A-nan hiểu chuyện, có ý buồn trách người thợ rèn dọn cơm cúng Phật có món nấm độc.

Đức Phật nói:

“A-nan không nên phiền trách người thợ rèn. Người ấy cúng dường ta một bữa ăn, về sau sẽ hưởng phước rất lớn. Ngươi nên biết rằng, trong các bữa ăn cúng dường cho chư Phật, có hai bữa ăn được công đức lớn hơn hết: một là bữa ăn Phật dùng khi sắp thành đạo, hai là bữa ăn Phật dùng khi sắp nhập Niết-bàn.”

Bữa ăn mà ông thợ rèn Thuần-đà cúng dường chính là bữa ăn cuối cùng Phật dùng trước khi nhập Niết-bàn.

54. PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Tuy mệt mỏi, Phật vẫn đi cùng các vị tỳ-kheo đến bờ sông Ca-quốc-thá.

Nước dưới sông này trong vắt, chảy chậm. Đức Phật xuống sông tắm. Tắm xong, ngài uống nước và đi đến một cụm rừng xoài. Rồi ngài bảo tỳ-kheo Cung-đa-ca rằng:

“Ngươi hãy xếp áo ta lại làm tư để ta nằm lên mà nghỉ.”

Tỳ-kheo Cung-đa-ca vâng theo lời Phật. Người liền trải áo ra và xếp lại làm tư.

Phật nằm lên đó mà nghỉ, ông Cung-đa-ca ngồi bên. Qua vài giờ sau, Đức Phật lại dậy đi nữa. Đến xứ Câu-thi-na, gần bờ sông, trước một cụm rừng xanh tốt và yên vắng, Phật bảo ngài A-nan:

“Ngươi đi tìm chỗ có hai cây sa-la mọc sóng đôi, dọn một chỗ nằm quay đầu về hướng bắc. Ta có bịnh.”

A-nan vâng theo, tìm được một chỗ có hai cây sa-la, mỗi cây đều mọc lên hai thân sóng đôi rất đẹp. Đức Phật đến đó nằm.

Bấy giờ không phải là mùa hoa sa-la nở, nhưng hai cây che cho Phật đều có hoa. Hoa rụng lên chỗ ngài nằm, tỏa hương thơm ngát.

Đức Phật bảo A-nan rằng:

“Này A-nan! Dù không phải là mùa hoa, nhưng hai cây này cũng nở hoa và rụng trên mình ta, tỏa hương thơm ngát. Ấy là để ca ngợi, tôn trọng ta đó. Song có một sự tôn trọng cao quý và bền bỉ hơn nhiều. Ấy là việc chư tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, thiện nam, tín nữ đều thấu hiểu chân lý ta đã truyền dạy và sống theo đạo hạnh. Ấy là cách kính trọng, thờ phụng chư Phật cao quý hơn hết.

“A-nan! Nên sống theo đạo hạnh, dù đối với những việc rất nhỏ nhặt ở đời cũng đừng bao giờ khinh suất mà xa rời đạo hạnh.”

Ngài A-nan không cầm lòng được, vội bước ra ngoài để giấu nước mắt. Ông suy nghĩ rằng:

“Ta nhận mình vẫn chưa tỉnh ngộ, chưa hết sự lầm lạc. Ta chưa đạt đến mục đích tối thượng, mà nay Phật đã sớm nhập Niết-bàn.”

Phật biết ý nghĩ ấy, gọi A-nan lại, bảo rằng:

“Ngươi chớ than khóc, phiền muộn, cũng đừng chán nản, thối chí. Hãy nhớ lời ta đây: những người yêu quý nhất ở đời, cũng không thể nào tránh khỏi lúc biệt ly. Có sinh là có tử, những gì đã có rồi đều phải mất. Ngươi theo phụng sự ta đã lâu, ta cũng yêu quý ngươi lắm. Tâm ý, lời nói cùng hành động của ngươi luôn chân thành, ngay thẳng. Ngươi hãy gắng mà đi theo đường lành, thì những sự lầm lỗi trước sẽ dần tiêu tan đi vậy.”

Trời tối dần. Dân chúng trong thành Câu-thi-na nghe tin đức Phật đang nghỉ ở chỗ hai cây sa-la song đôi, bèn kéo đến lạy chào.

Có một ông lão tên là Tu-bạt-đà-la, đã hơn trăm tuổi, đến xin được gặp Phật. Từ xưa nay ông đi tìm học khắp nơi mà đến giờ vẫn chưa quyết định được nên tu theo đạo nào. Ngài A-nan thấy Phật đang mệt nên không muốn cho ông đến gặp, liền ngăn lại từ xa.

Phật biết điều đó, gọi A-nan đến và bảo cho ông lão ấy vào. Ông vào lễ Phật, hỏi việc tu tập. Phật liền thuyết pháp cho ông nghe. Nghe xong, ông quỳ lạy xin Phật nhận ông làm đệ tử. Phật đồng ý và chỉ rõ cách tu tập, tham thiền cho ông. Ông trở thành vị đệ tử sau cùng của Phật.

Ông lão lễ tạ, đi ra rừng cây gần đó tìm chỗ mà tham thiền. Ông nỗ lực hết sức và chứng quả A-la-hán ngay trong đêm đó, trước khi Phật nhập diệt.

Hôm ấy tối trời. A-nan đến ngồi gần Phật, đức Phật lại bảo A-nan rằng:

“A-nan! Đừng tưởng rằng sau khi ta nhập diệt rồi thì không ai có thể được hóa độ. Nên biết rằng đạo lý ta truyền dạy hãy còn đó. Sau khi ta nhập diệt, các ngươi nên hết lòng noi theo đạo lý ấy mà tu tập.”

Rồi ngài nói: “Chư tỳ-kheo! Có sanh tất có diệt. Các ngươi phải hiểu được điều ấy, sau khi ta nhập diệt đừng đem lòng bi lụy, buồn thảm.”

Nói xong lời ấy, ngài thản nhiên mà nhập Niết-bàn.

Hôm sau, mặt trời vừa mọc, công chúng trong thành Câu-thi-na cùng nhau xây một cái tháp cao mà thờ kính Phật. Lễ trà-tỳ được tổ chức rất long trọng.

Theo lời Phật truyền lại, quyền điều hành giáo hội được giao về ngài Ca-diếp. Ngài là tổ sư đầu tiên trong giáo hội Tăng-già. Tiếp sau ngài Ca-diếp, ngài A-nan làm tổ sư thứ hai. Lần lượt truyền cho đến ngài Bồ-đề-đạt-ma là tổ sư thứ hai mươi tám ở Ấn Độ.

Ngài Bồ-đề-đạt-ma sang truyền đạo ở Trung Quốc, làm Tổ sư thứ nhất của Thiền Trung Hoa.