Đại sư Choying Dorje sinh ngày 8 tháng 3 năm Mộc Thìn (1604) tại
vùng Golok, cực bắc Tây Tạng. Trong thời gian mang thai ngài, người mẹ
có nhiều giấc mơ xuất hiện như những điềm lành. Tương truyền, ngay sau
khi sinh ra ngài đã đứng dậy bước đi bảy bước như khi đức Phật Thích-ca
vừa đản sinh.
Sau đó, ngài được vị Shamar Chokyi Wangchuk nhận biết là hóa thân tái
sinh của đức Karmapa. Vì đức vua xứ Tsang là người sùng kính giáo pháp
của dòng Karma Kagyu nên sau đó ngài liền được đưa vào nuôi dưỡng trong
lâu đài của một vị hoàng tử ở Machu là Chang Mowa, và ngay từ khi còn bé
đã được đối xử như một vị đạo sư phi thường.
Chỉ vào năm 6 tuổi ngài đã biểu lộ tài năng xuất chúng khi vẽ những bức
tranh đẹp hơn tất cả các vị thầy dạy của mình và thể hiện tài năng của
một nhà điêu khắc tài hoa. Đồng thời ngài cũng sớm thể hiện tâm từ bi vô
hạn ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Một hôm, ngài nhìn thấy những người
thợ cạo lông cừu. Ngài xúc động rơi nước mắt và khẩn khoản đến xin
những người thợ hãy dừng ngay việc ấy. Một ngày khác khi ngài đang dạo
chơi, một con nai đang bị săn đuổi đã chạy đến chỗ ngài để tìm sự che
chở. Ngài đứng chắn trước con nai để nó không bị chó săn làm hại, rồi
dùng tâm từ bi làm chuyển hóa con chó săn, khiến nó trở nên hiền lành,
không còn hung hăng như trước nữa. Khi người thợ săn đuổi đến, ngài
thuyết phục ông ta hãy bỏ nghề và trao cho ông một số tiền. Người thợ
săn cảm động trước tấm lòng từ bi của ngài đến nỗi ông ta thề sẽ không
bao giờ làm nghề săn bắn nữa.
Năm ngài được 8 tuổi, Shamar Chokyi Wangchuk tổ chức nghi lễ chính thức
công nhận ngài là hóa thân tái sinh của đức Karmapa. Tiếp theo, một buổi
lễ đăng quang được tổ chức long trọng tại tu viện Nyingche Ling để tất
cả mọi người đều được biết đến sự ra đời của ngài.
Sau đó, ngài lên đường đến Tsurphu để gặp đại sư Pawo Tsuglak Gyaltsho.
Vị này đã truyền giới sa-di cho ngài cũng như truyền dạy các phần giáo
pháp căn bản. Sau một thời gian nỗ lực học tập tại đây, ngài đã có thể
nắm vững hầu hết những phần giáo pháp quan trọng nhất. Tiếp đó, ngài
nhận lời thỉnh cầu đến viếng thăm vị hoàng tử xứ Tsang là Karma Phuntsog
Namgyal, người hiện đang nắm quyền ở hầu hết các vùng lãnh thổ của Tây
Tạng sau khi triều đại Rinpung sụp đổ.
Năm 21 tuổi, ngài chính thức thọ giới cụ túc để trở thành một vị
tỳ-kheo. Vào thời điểm này, ngài đã nhận được sự truyền thừa toàn bộ
giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Từ đó, ngài tập trung mọi nỗ lực tu tập
vào việc thực hành thiền định.
Vào thời đức Karmapa đời thứ mười, mối quan hệ giữa phái Gelugpa
(Cách-lỗ) và phái Karma Kagyu không được tốt đẹp. Đức vua Desi Karma
Tenkyong Wangpo của xứ Tsang là người tin theo phái Karma Kagyu và hiện
đang nắm giữ quyền cai trị trên hầu hết các vùng lãnh thổ của Tây Tạng.
Đức Karmapa Chưying Dorje đã dự báo trước về những cuộc chiến tranh và
xung đột chính trị sắp xảy ra, khi phái Gelugpa (Cách-lỗ) muốn liên kết
với người Mông Cổ để chống lại phái Karma Kagyu. Ngài nhận biết rằng sự
quan tâm về chính trị sẽ lôi kéo quân đội Mông Cổ vào việc ủng hộ phái
Gelugpa, và trong cuộc xung đột này ngài sẽ phải rời khỏi miền trung Tây
Tạng trong một thời gian dài. Vì thế, ngài mang tất cả những tài sản sở
hữu của mình phân phát cho người nghèo, và đồng thời chỉ định Goshir
Gyaltsab làm người đại diện cho ngài.
Quả nhiên, quân đội Mông Cổ do Đại Hãn Gushri chỉ huy đã tấn công
Shigatse và sau đó tiếp tục tấn công hầu hết các vùng của Tây Tạng, gây
ra những sự tàn phá và hủy hoại phần lớn đất nước, rồi cuối cùng bao vây
và khống chế tu viện Tsurphu của đức Karmapa, nơi đặt trụ sở chính của
phái Karma Kagyu.
Đức Karmapa Chưying Dorje bị buộc phải rời khỏi vùng này. Vào đêm xảy ra
cuộc chiến loạn, nhiều người nhìn thấy ngài nắm tay người tùy tùng của
ngài và cả hai cùng bay bổng giữa không trung, vượt qua những đoàn quân
lính đang vây chặt bên dưới. Bằng cách đó, ngài đã thoát khỏi sự vây hãm
của quân đội và đi thẳng đến những vùng rừng núi hoang vắng của Bhutan
và sống tại đây trong 3 năm. Sau đó họ đi đến vùng đất mà ngày nay là
miền bắc của tỉnh Yunnan, thuộc Trung Hoa. Các tu viện ở đây vui mừng
đón tiếp ngài và được ngài truyền dạy giáo pháp. Trong suốt thời gian
sau đó, khi đức Karmapa đi qua bất cứ nơi nào ngài cũng đều truyền dạy
giáo pháp và khơi dậy tinh thần tu tập, đồng thời ngài cũng thành lập
được một số chùa và tu viện.
Trải qua 20 năm sau đó, đức Karmapa đời thứ mười mới có thể trở về quê
hương của mình. Vào lúc này, ngài phát hiện các hậu thân của Shamar
Yeshe Nyingpo, Goshir Gyaltsab, và Pawo Rinpoche. Ngài công nhận các hậu
thân này và truyền dạy giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho họ.
Vào thời điểm này, bối cảnh chính trị tại Tây Tạng đã thay đổi lâu dài.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ năm, Ngawang Lobsang Gyatso (1617-1682) đã
trở thành người chính thức nắm giữ chính quyền, và vai trò này về sau
tiếp tục được chuyển giao cho các hậu thân tái sinh của ngài. Mối quan
hệ giữa hai phái Cách-lỗ và Karma Kagyu vì thế cũng không còn căng thẳng
nữa.
Đức Karmapa đời thứ mười, Chưying Dorje, viên tịch vào năm 1674, khi
ngài được 70 tuổi. Ngài để lại một di thư báo trước về sự tái sinh của
mình cùng những chỉ dẫn chi tiết để nhận biết. Goshir Gyaltsab Norbu
Sangpo trở thành người thay thế tạm thời của ngài tại Tsurphu. Sau lễ
hỏa táng, xá-lợi ngài được thu thập và nhập tháp thờ phụng tại Tsurphu.
Shamar Yeshe Nyingpo được chọn làm người kế thừa giáo pháp của ngài.
Shamar Yeshe Nyingpo sinh năm 1631 tại vùng Golok thuộc miền đông Tây
Tạng. Ông được đức Karmapa đời thứ mười xác nhận là hậu thân tái sinh
đời thứ bảy của Shamar. Ông hết sức thành tín và nỗ lực tu tập theo sự
chỉ dẫn của đức Karmapa Chưying Dorje. Ông nhận được sự truyền thừa toàn
bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu và có nhiều biểu hiện chứng đắc về
các pháp thiền định Đại thủ ấn (Mahamudra) cũng như Đại cứu cánh
(Dzogchen). Yeshe Nyingpo viên tịch vào năm Thổ Tuất (1694), khi ông
được 63 tuổi. Ông là người đã nhận biết và trở thành thầy dạy chính của
đức Karmapa đời thứ 11: Yeshe Dorje.