Đại sư Theckchok Dorje sinh vào năm Hỏa Tỵ (1798) tại làng Danang,
vùng Salmo Gang ở tỉnh Kham, thuộc miền đông Tây Tạng. Ngài sinh ra vào
khoảng giữa mùa đông, nhưng bỗng nhiên các loài hoa quanh vùng đều nở
rộ, và người ta nhìn thấy những mống cầu vồng bảy sắc xuất hiện trên bầu
trời. Và điều kỳ lạ hơn là đứa bé vừa sinh ra đã có thể phát âm được
những chữ cái trong tiếng Sanskrit.
Tin đồn loan ra khắp nơi về một em bé sinh ra với những điềm lành kỳ dị,
và không bao lâu đã đến tai đại sư Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa, người
đang nắm giữ bức di thư của đức Karmapa đời thứ mười ba, trong đó nói
rõ các chi tiết về sự tái sinh của ngài. Chokyi Nangwa liền cử ngay một
phái đoàn tìm kiếm đến tỉnh Kham. Tại Salmo Gang, họ gặp hai phái đoàn
khác do Situ Rinpoche và Gyaltshap Rinpoche cử đến, cũng với mục đích
tìm kiếm hóa thân tái sinh của đức Karmapa. Mọi người cùng tìm gặp được
đứa bé và sau đó họ đều tin chắc rằng đây chính là hóa thân tái sinh của
đức Karmapa. Với sự cho phép của cha mẹ, đứa bé được đưa về tu viện
Ogmin.
Tại đây, vị Tai Situpa đời thứ chín là Pema Nyinje Wangpo căn cứ theo di
thư của đức Karmapa đời thứ mười ba để xác nhận em bé chính là hóa thân
đời thứ mười bốn của đức Karmapa. Ngài tổ chức một buổi lễ chính thức
công nhận hóa thân của đức Karmapa, và cũng đồng thời truyền giới sa-di
cho em bé.
Đức Karmapa nhận được sự truyền dạy giáo pháp từ cả hai vị Pema Nyinche
Wangpo và Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa. Ngài được học giáo pháp truyền
thống của dòng Karma Kagyu và cả những giáo pháp của phái Nyingma
(Ninh-mã).
Sau buổi lễ đăng quang chính thức để nhận vương miện kim cương màu đen
và trở thành vị Karmapa đời thứ mười bốn, Theckchok Dorje rời tu viện
Ogmin để đi đến Tsurphu và tiếp tục những chương trình học cao hơn.
Năm 19 tuổi, ngài thọ giới tỳ-kheo với Situ Rinpoche và Drukchen Chokyi
Nangwa để chính thức trở thành một vị tăng sĩ. Vào lúc này ngài đã có
nhiều hoạt động hoằng pháp đáng kể như trùng tu, sửa chữa các tu viện và
chùa tháp trong vùng.
Đức Karmapa Theckchok Dorje sống một cuộc sống hết sức đơn giản và có
thể xem là khuôn mẫu lý tưởng cho tất cả tăng sĩ. Ngài có năng khiếu thi
ca bẩm sinh và tài biện luận xuất chúng. Ngài cũng tinh thông trong các
ngành điêu khắc, thủ công mỹ nghệ và cả nghệ thuật đúc kim loại.
Ngài tham gia tích cực vào phong trào Ri-me, một phong trào kêu gọi sự
chấn hưng Phật giáo Tây Tạng thông qua việc xóa bỏ mọi ranh giới ngăn
cách giữa các tông phái khác nhau, nhờ đó mà các học giả lớn của mỗi
tông phái bắt đầu có sự quan tâm học hỏi và chia sẻ những truyền thống
tốt đẹp và giáo pháp của các tông phái khác. Phong trào này được khởi
xướng từ tỉnh Kham và nhanh chóng lan rộng khắp nơi, với sự tham gia
hưởng ứng của nhiều bậc thầy thuộc các tông phái khác nhau. Ngoài các
học giả và các bậc thầy thiền định, phong trào này cũng cuốn hút cả
những người Phật tử thuộc các ngành nghề khác nhau.
Sự giao lưu theo phong trào chấn hưng này đặc biệt phát triển rất mạnh
mẽ giữa hai truyền thống Karma Kagyu và Nyingma (Ninh-mã), khi đức
Karmapa Thekchok Dorje truyền dạy giáo pháp cho Jamgon Kongtrul Rinpoche
và Jamyang Chentse Wangpo của phái Nyingma và nhận được sự chỉ dạy của
vị đạo sư Chogyur Lingpa về các Tan-tra quý giá của phái này. Đạo sư
Chogyur Lingpa là người đã có lần nhìn thấy trước các hóa thân Karmapa
cho đến tận đời thứ hai mươi mốt.
Đức Karmapa Thekchok Dorje đi khắp mọi nơi trên đất nước Tây Tạng để
truyền dạy rộng rãi giáo pháp. Năm 1860, ngài du hóa qua địa phận tỉnh
Kham và nhận biết được hóa thân đời thứ mười của vị Situ là Pema Kunzang
ở tu viện Palpung. Ngài đã công nhận và tổ chức lễ đăng quang chính
thức cho vị Situ này. Cũng tại nơi đây, ngài truyền dạy giáo pháp cho
Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye. Khi ngài trở về Tsurphu, vị này vẫn tiếp
tục theo học một cách chuyên cần. Một thời gian ngắn trước khi đức
Karmapa viên tịch, Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye nhận được sự truyền thừa
toàn bộ giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu.
Đức Karmapa Thekchok Dorje viên tịch vào năm 1868, khi được 70 tuổi.
Ngài để lại một di thư nói rõ chi tiết về lần tái sinh sắp tới của mình.
Người kế thừa giáo pháp của đức Karmapa đời thứ mười bốn là đại sư
Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye, một bậc thầy vĩ đại trong phong trào Ri-me,
và cũng là một tác giả để lại nhiều tác phẩm quan trọng.
Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye sinh năm 1813 tại làng Rong-gyap ở
Derge, miền đông Tây Tạng. Sự ra đời của đại sư đã được đức Phật
Thích-ca dự báo trước trong kinh Tam-muội vương (Samadhiraja-stra) và
ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) cũng nhiều lần nhắc đến trong các
phần giáo pháp bí truyền (Terma) của ngài.
Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye nghiên cứu và tinh thông giáo pháp
của đức Phật nói chung, và giáo pháp Mật tông nói riêng. Ngài cũng am
tường cả giáo lý của đạo Bon, một tôn giáo cổ xưa của Tây Tạng.
Trong số rất nhiều bậc thầy mà đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye theo
học, những vị quan trọng nhất là đức Karmapa đời thứ mười bốn, Situ Pema
Nyinje Wangpo, và đại sư Khyentse. Ngài không chỉ là một trong các bậc
thầy vĩ đại nắm giữ truyền thống của phái Karma Kagyu mà còn là người
nắm vững toàn bộ giáo pháp bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng.
Lodrư Thaye là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của phong trào chấn
hưng Phật giáo có tên gọi là Ri-me ở Tây Tạng, cùng với đại sư
Khyentse.
Ngài là thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ mười lăm Khakhyap Dorje,
chịu trách nhiệm trao truyền toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho
đức Karmapa. Ngài nổi tiếng là một bậc thầy vĩ đại, một học giả uyên
bác, một nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, với hơn 100 tác phẩm để lại
thuộc đủ mọi thể loại. Trong số này, được biết đến nhiều nhất là bộ luận
văn về Năm kho tàng, gồm có Kho tàng các chân ngôn của dòng Karma
Kagyu, Kho tàng các chỉ dẫn cương yếu, Kho tàng các Mật pháp vô giá, Kho
tàng Phật pháp vô lượng và Kho tàng tri thức.
Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye viên tịch vào năm 1899 và luôn được
tưởng nhớ đến cùng với các vị đệ tử kiệt xuất khác của đức Karmapa đời
thứ mười bốn như Jamyang Khyentse Wangpo, Dechen Chogyur Lingpa,
Drukchen Mipham Chokyi Gyaltsho, Pawo Tsuglak Nyingche ...